Chương 6

    
rong lúc tâm trí Lý Ngân chơi vơi giữa đám mù sương thì thể xác chàng ngày đêm cũng bồng bềnh trên thuyền trôi về đâu không rõ. Khi thuyền cập bến, Đỗ đại nhân đưa chàng vào nhà, chàng vẫn còn như đang ở trong mê.
Sau một giấc ngủ nặng nề như chết, Lý Ngân mới bừng tỉnh và thấy mình đang nằm trong một dinh cơ dãy dọc tòa ngang. Nhà lát đá phiến, mái ngói lưu ly, cửa bức bàn lồng kính buông sa, tường trước rào sau cẩn mật. Chung quanh sóng vỗ ầm ì. Đằng trước, lá cờ hiệu buôn họ Đỗ bay trong gió lộng.
Lý Ngân sực nhớ ở cung Thượng Dương, dì mẫu có lần nói với chàng về chuyện người thương nhân họ Đỗ. Chàng đoán ra đây là thương điếm của ông ta và chàng hiện đang ở trên cửa khẩu Vân Đồn.
Thời ấy, Vân Đồn là bạc dịch trướng lớn nhất của nước Đại Việt. Nó cũng là cửa khẩu duy nhất mở cho thương thuyền nước ngoài đến buôn bán.
Cách đây hơn 30 năm, có người lái buôn họ Đỗ tên Sinh, quê ở Hải Đông ra đây làm ăn, trở nên giàu có lập ra hiệu buôn nổi tiếng này. Nhưng rồi vận đen ập đến thuyền đắm hàng chìm, gia tài khánh kiệt. Một buổi chiều, trong những ngày cuối năm ảm đạm, Đỗ Sinh đang ngồi thừ nhìn dây quầy hàng trống rỗng nét mặt buồn thiu. Bỗng từ ngoài bước vào một ông khách buôn sang trọng. Đó là một người to béo chân đi giày da hươu, đầu quấn khăn nhiễu tía phủ kín mang tai, lủng liểng đằng sau cổ một búi tóc vuốt sáp thơm láng mượt. Ông khách ngỏ ý muốn bán hàng. Nhưng Đỗ Sinh lắc đầu từ chối: - Hiện tôi không còn một đồng chinh dính túi, phiền ông bạn đến cửa hiệu khác mà hóa giá. Nhưng ông khách lạ vẫn điềm nhiên cười tủm tỉm: - Tôi đang có việc gấp phải về ngay. Mà lúc này tôi cũng chưa cần đến tiền. Thôi thì cứ coi như là tôi gửi lại ông bạn, mai mốt tôi sẽ ra tính toán sau.
Chao ôi! Đâu mà lại có người lái buôn quí hóa thế này! Tuy bụng còn ngờ mà Đỗ Sinh vẫn theo chân người khách lạ. Trên bến, quả có một chiếc thuyền to chở đầy hóa vật khan hiếm, những thứ hàng quí mà nhà buôn các nước Qua Oa và Xiêm La đang tìm mua. Khi hàng đã cất hết vào quầy, người khách vội đến mức chưa kịp uống với nhau một ngụm rượu đã nhổ neo rời bến. Đỗ Sinh vẫn còn đứng ngẩn ngơ không tin đó là sự thực. Một năm rồi hai năm trôi qua, người khách lạ vẫn chưa thấy trở lại. Hiệu buôn họ Đỗ lại phát đạt hơn xưa.
Cùng vào một ngày cuối năm, người khách lạ lại đến dẫn theo một chiếc thuyền khác đầy ắp hàng hóa. Trong thấy khách, Đỗ Sinh chỉ muốn quì xuống tạ ơn và lo soạn tiền trả nợ. Nhưng khách lạ xua tay. Lần này khách ngỏ ý muốn ở lại hẳn. Theo lời khách thuật lại thì ông ta là Đỗ Mục, quê ở Vinh An, có cửa hiệu tại trạm Giang Đông. Vì ông vừa mất người vợ quí nên không muốn lưu lại quê nhà, nơi chỉ gợi thêm cho ông cảnh đau lòng. Khách nói với Đỗ Sinh: - Trời xui đất khiến thế nào mà tôi cũng họ Đỗ. Rồi khách tỏ lời muốn cùng Đỗ Sinh kết nghĩa chi lan, kề lưng đấu cật, hùn vốn buôn chung.
- Ôi! Thế thì còn gì bằng! – Đỗ Sinh mừng rỡ reo lên.
Công việc làm ăn của hai người khởi sắc phất lên như lá cờ đại vừa dựng trước cửa hiệu buôn. Công cuộc doanh thương được mở rộng vào đất liền. Các chi điếm lần lượt mọc lên ở các lộ. Số gia nhân trong ngoài đông có hàng trăm.
Rồi một hôm Đỗ Sinh đưa gia quyến về thăm quê. Không rõ vì nguyên nhân gì, Đỗ Sinh bị đắm thuyền giữa dòng Đông Kênh, toàn gia chết sạch. Chuyện ấy cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Đỗ Mục hay tin, vật vã thương khóc ngày đêm. Nhưng sự đau xót thái quá của ông em cũng không thể ngăn cản việc phải đứng ra thay thế ông anh kết nghĩa. Và Đỗ Mục nghiễm nhiên một mình làm chủ cả một cơ nghiệp kinh doanh lớn nhất ở Vân Đồn.
Những sự việc trên đây cũng như lai lịch của Đỗ Mục không ai hay rõ. Người ta chỉ biết tuy không quan tước, mà Đỗ đại nhân ra cửa là có thuyền to ngựa khỏe, bữa cơm bưng lên có mâm son, bát quí, đũa ngà. Kẻ ăn người ở mỗi khi gặp mặt ông chủ là cúi rạp, nép mình, sợ một phép.
Đỗ đại nhân đối đãi với Lý Ngân như một thượng khách. Ông cho Lý Ngân biết rõ những sự biến ở triều sau khi chàng trốn khỏi kinh thành. Ông dặn đi dặn lại Lý Ngân: - Hoàng Hậu Thượng Dương cùng quan Tể Chấp đều gởi lời khuyên công tử nên ẩn nhẫn tạm lánh nơi đây để chờ thời cho đến lúc có tin mới. Rồi ông lại ra đi theo một chuyến buôn xa.
Lý Ngân ở lại một mình. Tuy hằng ngày có người hầu kẻ hạ, cơm bưng nước rót nhưng Lý Ngân vẫn buồn phiền day dứt. Sóng biển ngày đêm vẫn rầm rì vỗ mạn lòng chàng. Tình cờ chàng vớ được trên án thư một quyển sách cổ đã long bìa. Sách dạy về cách chế tạo thiết mã, mộc ngưu, cùng các loại mộc xạ. Trong cơn buồn chàng lơ đãng lướt qua vài dòng rồi dần dà chàng đọc say mê thích thú. Trước nhà, sát bờ biển, cửa hiệu có một xưởng nhỏ chuyên việc chữa thuyền và đóng các thứ xe chở hàng. Chàng xắn tay học hết nghề mộc nghề rèn và đem những điều học được trong sách ra sữa chữa lại các loại xe gỗ trước con mắt ngạc nhiên thán phục của các bậc thợ già. Chàng mải mê với công việc này không biết bao lâu. Đỗ đại nhân vẫn đi biền biệt. Cho đến lúc ông ta trở về thì chàng đã gần như quên hết tháng năm.
Đỗ đại nhân đưa chàng vào phòng riêng. Nhìn qua nét mặt trầm trọng của vị thương gia họ Đỗ, Lý Ngân đoán có đại sự sắp xảy ra. Quả nhiên, họ Đỗ nghiêng mồm vào tai chàng thầm thì: - Nhà Tống sắp đem binh hỏi tội nước ta vì Thái Úy Lý Thường Kiệt đã tụ quân trái phép ở biên thùy. Vua Tống đã ra chiếu chỉ cho Lưỡng Quảng. Quan kinh lược sứ Quảng Tây là Thẩm Khởi đã xây thành đắp lũy ở vùng Nghi, Dung. Khởi đang lấy dân đinh trong năm mươi mốt động thuộc Châu Ung để kết thành bảo giáp, lập ra bảo ngũ, phát các trận đồ ngày đêm tập luyện. Mọi thuyền đinh dọc biển thường ngày chở muối đều bị trưng dụng để tập thủy chiến. Các bạc dịch trường từ trạm Giang Đông đến Thất Nguyên đều phải cấm chợ. Biên giới đóng cửa không ai được phép qua lại thông thương. Đỗ đại nhân thở dài nói tiếp: - Thiên hạ oán giận Thái Úy quá chuyên quyền gây ra nạn binh đao giữa hai nước. Tất cá công việc làm ăn của họ Đỗ này cũng vì chuyện ấy bị đình đốn. Hiện nay Thái Úy đang bắt dân đắp đê sông Như Nguyệt và phái tướng Lý Kế Nguyên đem thủy quân ra đóng trên dòng Đông Kênh này. Vì vậy Hoàng Hậu rất lo cho công tử. Còn Tể Chấp ở Châu Hoan thương nhớ công tử đến gầy người.
Hồi lâu Đỗ đại nhân rầu rĩ tiếp giọng: - Có lẽ vì thế mà Tể Chấp cho lão Triệu ra Thăng Long đón công tử vào ở với Người. Có thế, công tử mới được yên lành. Công tử nên cải trang xuống thuyền ngay chiều nay thì mới kịp – Nói xong dường như không cưỡng nổi với sự mệt nhọc đường trường, Đỗ đại nhân quay mặt đi ngáp dài.
Những tin tức vừa rồi đốt lòng Lý Ngân khiến chàng đứng ngồi không yên. Trời mới đứng trưa, chàng đã xộc đi tìm Đỗ đại nhân để xin phép ra đi cho sớm sủa. Chàng đi thông qua ba gian nhà vắng tanh. Hình như tất cả các gia nhân đang bận việc ngoài bến. Bỗng chàng nghe ở gian cuối có tiếng ngáy to. Cánh cửa nặng nề thường ngày đóng im ỉm hôm nay sao lại khép hờ. Chàng vô tình liếc mắt nhìn vào, thấy Đỗ đại nhân mặc nguyên quần áo ngoài, ngủ trên giường gấm. Chiếc khăn bịt đầu sổ tung tuột ra trên mặt gối, để lộ một vết sẹo tròn to bằng vòng đít chén vại, màu da đỏ hỏn láng lì như bôi mỡ. Chàng cảm thấy mình thất lễ, thẹn thùng lặng lẽ lui ra. Đến chiều, Đỗ đại nhân gọi một gia nhân gầy nhom mắt lác cùng đi theo chàng. Ông ta tiễn chàng ra tận bến.
Chuyến đi của chàng song suốt. Thuyền chàng lặng lẽ cập bến kinh thành. Chàng ghé mắt nhìn lên bờ đã bắt gặp ngay dãy phố hẹp nằm dài trên lũy ven sông, nơi buôn bán sầm uất nhất ở góc Đông Bắc kinh thành Thăng Long. Thuyền đinh gặp con nước thuận, đỗ san sát ven bờ. Thuyền ngược về mành mắm ra, lô nhô ven bãi sa bồi. Trên buôn dưới bán, thượng vàng hạ cám. Sang có đoạn, gấm, nhiễu, vóc, cánh kiến, đồi mồi, hèn có bồ kếp, phèn chua, nhang thơm, rễ bài. Hàng trầu cau, thuốc lào xếp vào một góc. Ngoài hè, hàng bánh hàng quà ồn ào như sôi. Rượu đổ vào chén vại làng Dâu, men nếp cái hoa vàng, thơm lừng một góc quán. Cảnh phố phường ồn ào nhộn nhịp trong cái sớm oi nồng của ngày hè trông quen thuộc quá làm Lý Ngân cay cay ở mắt. Lý Ngân rời đất Thăng Long mới ngót năm trời, mà chàng tưởng như lâu hằng trăm năm. Bỗng dưng chàng nhớ tới thứ bánh ngỗng thời thơ ấu, đâu như bán ở khu chợ này, một loại bánh bột tẻ mịn ướt, tròn vo trắng bóc thường đặt trong lá sen xanh màu rêu mướt, trong độn nhân hạnh đào xào mỡ phần, ăn ngọt ngấy.
Gã mắt lác đưa chàng đến một cửa hiệu tạp hóa, khách hàng sang trọng vào ra tấp nập. Nhưng gã không tiến vào mà lại kín đáo dẫn chàng đi theo lối cửa nách. Vừa bước vào chàng nghe có tiếng sênh phách đàn ca của kỹ nữ từ trên gác cao vọng xuống. Chàng chợt nhớ ra đây là một trà lâu có tiếng mà khách vương tôn công tử ở Kinh Thành thường lui tới.
Không ai ngờ đằng sau ngôi hàng tạp hóa bình thường này lại có cả một hoa viên tráng lệ. Viền quanh là những dãy nhà cầu xinh xắn có lan can chạy triện, màu son đỏ tươi. Sau vườn hoa mới đến nhà sảnh và nhà trong. Cạnh đấy qua rặng trúc thấp thoáng một ngôi nhà im lặng đứng biệt lập. Một ổ khóa đồng lớn khóa chặt bên ngoài. Đằng cuối sát mé mông, san sát những dãy nhà kho.
Trong nhà sảnh, một gã quả đầu dưa, mắt ti hí, cặp môi mọng đỏ chót ngồi giữa sập đang nhai trầu bỏm bẻm. Gã mắt lác khom mình báo: - Thưa anh cả, công tử đã đến. Gã đầu quả dưa đứng lên cúi đầu tủm tỉm cười, lễ phép chào qua Lý Ngân rồi khẽ vẫy tay. Gã mắt lác lặng lẽ đưa chàng vào tận nhà trong mới khép nép lui ra.
Lão Triệu, người tớ già thân cận của ông bác chàng, Tể Chấp Lý Đạo Thành, đang ngồi quay lưng ra phía chàng. Nghe có tiếng động, lão quay ra nhìn chàng hồi lâu. Chừng như nhận được ra chàng, lão kêu khẽ lên một tiếng: - “Công tử!” rồi nước mắt lão giàn giụa. Lão mếu máo: - Công tử ơi! Cụ lớn bây giờ ở châu Hoan, sớm tối chỉ ngồi ôm bài vị Tiên Đế mà thở than. Công tử vào sớm ngày nào thì người vui ngày ấy.
- Ta chưa vào được đâu lão Triệu ạ.
- Chưa vào! Chưa vào! Thế công tử còn định về đâu nữa?
- Ta đi lên sông Như Nguyệt!
Ý định này không phải ngẫu hứng đột nhiên nảy ra trong đầu chàng. Lúc ở trên đảo Vân Đồn, khi Đỗ đại nhân báo tin Tống sắp đánh ta, bề ngoài chàng vẫn im lặng nhưng lòng chàng bảo nổi, nhiệt huyết trong chàng sôi sục. Trong một lúc chàng đã thấy hết tầm quan trọng của vành đai Như Nguyệt trong chiến cuộc và vai trò quyết định của Thái Úy. Lúc này không phải lúc nghĩ đến thù riêng. Vận mệnh tổ quốc lâm nguy, đòi chàng phải góp sức.
- Ôi! Công tử quẫn trí rồi – Lão Triệu kêu lên – Công tử lên Như Nguyệt để làm gì? Để đắp đê ư?
- Lão nói đúng. Ta đi đắp đê. Lão cứ về đi.
- Công tử nói sao? Về đi! Về đi! Lão về thế nào được. Không có công tử thì lão về phục mệnh Tể Chấp thế nào được.
- Lão cứ về trước, bẩm với bá phụ ta rằng ta sẽ về sau.
- Không! Công tử đi đâu, lão xin theo hầu đấy.
Lý Ngân âm thầm phát ra một câu, âm sắc khản đặc: - Được! Vậy lão đi theo ta đắp đê Như Nguyệt!