Còn Một Chút Gì

4-18-2012: …

Những ngày vui ở Singapore và Vọng Các cùng với bạn bè đã qua mau. Sáu người thuộc khoá Đệ Nhất Bảo Bình chúng tôi ai cũng náo nức khi du thuyền dời hải cảng Laem Chabang trên đường tới Viêt Nam.
Biển và trời xanh ngát một màu. Vịnh Thái Lan phẳng lặng như mặt hồ, và xa xa rải rác những hải đảo đẹp như trong tranh. Con tàu lướt đi êm đềm trong nắng chiều. Nào đâu những con sóng phẫn nộ nhấn chìm những con thuyền mong manh của những người đi tìm tự do năm nào?  Tôi đứng trên boong nghĩ về ngày tháng cũ, bùi ngùi thương nhớ bạn. Nguyễn Hoài Bích, Lưu Lương Cơ … có lẽ chìm sâu đâu đó trong lòng vịnh này, chẳng biết chết ngày nào cho người thân tưởng nhớ thắp nén hương!
Hình ảnh những người Thái Lan hiền hoà chắp tay cúi chào ở chùa Phật Vàng tại Vọng Các không xóa tan được niềm kinh hoàng gây ra bởi hải tặc. Những trang sách chỉ đọc một lần để rồi một đời không quên. Tha thứ như lời Phật dạy cho lòng thanh thản mà sao mỗi lần nhớ về bạn bè nỗi oán hờn vẫn còn vương vấn đâu đây.
Khi hoàng hôn xuống du thuyền qua mũi Cà Mâu. Tàu chạy xa ngoài khơi nên tôi chỉ thoáng thấy bờ đất liền, nhưng đảo Hòn Khoai (Polo Obi), nơi “trấn thủ lưu đồn” của những người thủ thủy bị lưu đày, hiện rõ trong tầm mắt trong lúc tôi dõi tìm một mảnh trời quê hương.
Bạn còn nhớ không,VNCH không có vùng Năm Chiến Thuật, thế nhưng HQ/VNCH có vùng Năm Duyên Hải, vùng sông rạch của miền Cà Mâu, Năm Căn, U Minh …, nơi buổi tối muỗi mòng bay vi vu nghe như tiếng sáo diều. Tôi không thấy được cửa Bồ Đề để về “khoe” với “chị” Tư Quyên. Ngày xưa tàu nó bị thủy lôi, chìm giữa dòng nước đục, nó được cứu thoát, chấm rứt đời hải nghiệp, lên bờ ngồi ngậm nhấm nỗi buồn.
Cà Mâu cũng có chuyện vui. Ngày còn làm hạm trường một chiếc tàu tuần duyên Phạm Văn Hàm đã cho tàu chạy sát vào mũi Cà Mâu để làm người Việt Nam độc nhất được … đái ở cái mỏm đất cực Nam của nước Việt. May mà lần đó tàu nó không mắc cạn, nhưng vì cái tính thích chơi ngông nó đã để tàu “cưỡi” lên một hòn đá ngầm cạnh cù lao Hàn ngoài Đà Nẵng, và hòn đá không tên đó được bạn bè gọi đùa là “cù lao Hàm” để đánh dấu một đời hải nghiệp của bạn ta.
Khi màn đêm buông xuống tôi cũng trở về phòng, vì biết sáng ngày hôm sau cần phải dạy sớm để thấy hải đăng mũi Cấp chớp sáng, để thấy cửa sông Long Tào, nơi chúng ta đi và về mỗi lần chiến hạm xa Sài Gòn công tác ngoài khơi. Gần 40 năm rồi, vẫn “còn một chút gì để nhớ, để quên …”.