àng Hà Vỹ (xưa là Hà Hào, tục gọi là Quậy) được hình thành cách ngày nay hơn 2 200 năm. Việc lập làng có liên quan đến sự tích xây đắp thành Cổ Loa, đến Vua Thục Phán dựng Kinh đô. Khoảng năm 208 trước công nguyên (TCN), sau khi đánh thắng 50 vạn quân Tần xâm lược, Thục Phán lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương đã chuyển Kinh đô Văn Lang từ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ) xuống Phong Khê rồi chọn Cổ Loa (Đông Anh) làm Kinh đô mới. Để có đất xây dựng Hoàng cung và đắp Loa thành, Thục Phán đã ra lệnh cho dân Cổ Loa xưa phải rời đi nơi khác ở. Theo lệnh của Vua, dân Cổ Loa ngày ấy đã phải bỏ quê cha đất tổ, xuống vùng đất trũng ở phía Đông - Bắc Cổ Loa cùng với dân gốc ở ngõ Nguyên Hương lập trang trại Hà Hào – sau gọi là Hà Vỹ. Đó là sự hy sinh cao cả của người dân Cổ Loa ngày ấy cũng là Tổ tiên của làng Quậy ngày nay Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, người dân Hà Hào - Hà Vỹ vẫn cần cù chịu khó làm ăn, luôn luôn đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, đến nay vẫn tồn tại và ngày càng phát triển như các làng quê khác trong vùng. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, nhân dân Hà Vỹ luôn một lòng đi theo Đảng làm cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Hà Vỹ cũng đã đóng góp nhiều công sức vào thắng lợi chung của dân tộc. Nước ta đã hoàn toàn độc lập thống nhất và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu: Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông đã dày công xây dựng và bảo vệ quê hương, trên cơ sở những tư liệu sưu tầm được với tinh thần trách nhiệm cao và hết sức trung thực, khách quan, với mong muốn mọi người và con cháu sau này hiểu được về quá trình hình thành và phát triển quê hương, tôi đã sưu tầm và biên soạn cuốn sách này. Trong quá trình biên soạn, tôi đã được các bậc cao niên, đại diện cho các dòng họ lớn, có trình độ học vấn và am hiểu về lịch sử trong làng đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Viết về lịch sử là điều rất khó, vì tư liệu thành văn không có mà nhận thức mỗi người một khác, cùng một sự việc người ta có thể đánh giá nhận xét theo nhiều cách khác nhau, vì vậy cuốn sách xuất bản lần đầu khó tránh khỏi những hạn chế thiếu sót, rất mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc và nhân dân. Nhân dịp cuốn sách xuất bản, tác giả xin chân thành cám ơn các vị cao niên cùng các bạn đã cung cấp tư liệu và đóng góp nhiều ý kiến quí báu, đặc biệt cảm ơn anh Nguyễn Đức Gia - cán bộ nhà xuất bản Thanh niên đã đóng góp công sức và anh Phạm Huy Thanh đã tài trợ một phần đáng kể về kinh phí để cuốn sách được hoàn thành./. Hà Vỹ, ngày 5 tháng 01 năm 2009PHẠM MINH TÙNG