Chương 2
CƠ SỞ KINH TẾ, ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG GIẶC
NGOẠI XÂM PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC

    
. KINH TẾ
1.1. Nông nghiệp
Cánh đồng Hà Vỹ so với các cánh đồng lân cận là nơi trũng nhất, quanh năm úng lụt, ruộng đất ít lại xấu. Trước cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, nạn lụt luôn luôn đe doạ, nhân dân Hà Vỹ đã sớm hình thành tinh thần cộng đồng của cả “họ hàng làng mạc”. Từ ngày lập làng, người dân Hà Hào đã phải khai phá những bãi bồi và những vùng đất hoang vu rậm rạp để canh tác, đồng thời cải tạo đồng ruộng và chống úng lụt, nên ruộng đất vẫn là nguồn sinh sống chính của người dân. Do đồng trũng nên nhân dân chỉ chuyên trồng lúa nước, một năm hai vụ, chủ yếu là vụ chiêm. Ruộng đất thời xa xưa không thống kê được nhưng theo tài liệu “Hà Vỹ xã địa bạ” thời Gia Long năm thứ 4 (1805) đầu thế kỷ XIX ruộng đất của Hà Vỹ gồm cả ruộng công và ruộng tư có: 607 mẫu, 2 sào, 3 thước, 5 tấc (1).
1.1.1.Ruộng đất công
Ruộng đất công là loại ruộng đất thuộc quyền sở hữu
của nhà nước phong kiến. Ruộng đất loại này thuộc làng nào thì làng đó được quyền sử dụng. Cũng theo tài liệu trên, ruộng đất công thời Gia Long (1805) của Hà Vỹ chỉ có 27 mẫu, 8 thước, 5 tấc, chiếm khoảng 4,5 % trong tổng số
ruộng đất của làng. Ruộng đất công có hai loại:
Một là ruộng binh điền. Ruộng này dùng để cấp cho những người đi lính hàng năm (từ 2 - 4 người), số ruộng này có tới 10 mẫu, chiếm 37%.
Hai là ruộng dùng để sửa lễ đình, có khoảng 3 - 4 mẫu. Số ruộng đất còn lại thì chia cho dân làng theo suất đinh cầy cấy và phải nộp thuế cho trên.
1.1.2. Ruộng đất tư
Ruộng đất tư ở Hà Vỹ thời Gia Long có 506 mẫu, 3 sào 10 thước 4 tấc, chiếm tới 84% ruộng đất của làng. Ruộng đất có ở khắp các cánh đồng, mới đầu thường rất lớn có thửa tới hơn 5 mẫu nhưng sau này do chia cho các con, cháu nên đã nhỏ đi dần.
1.1.3. Ruộng đất của các tập thể nhỏ
Ruộng đất của các tập thể nhỏ ra đời khá sớm và tồn tại khá lâu. Ruộng đất này có những loại sau:
1) Ruộng họ (tộc điền hay hương hoả).
Các họ trong làng đều có một số ruộng để lấy hoa lợi dùng vào việc thờ cúng tổ tiên, ngày giỗ Tổ hàng năm, ngày sóc vọng hàng tháng và hương khói trong những ngày lễ tết hay sửa nhà thờ… Ruộng đất này do con cháu trong họ đóng góp, những người có nhiều ruộng hoặc những người có lòng hảo tâm với họ hoặc những người không có con, muốn cung tiến vào họ, để nhờ họ khói nhang ngày giỗ.
Số ruộng này có chừng 50 mẫu, dòng họ có nhiều nhất tới 10 mẫu, họ có ít cũng phải một mẫu. Ruộng họ thường do tộc trưởng, chi trưởng sử dụng và phải có trách nhiệm
thờ cúng tổ tiên hay các việc chung của họ.
2) Ruộng chùa.
Ruộng chùa có rất sớm. Đầu tiên là ruộng đất công bớt ra trước khi chia cho dân. Thứ hai là do nhân dân có lòng hảo tâm cung đức để lấy phúc hoặc có một số gia đình vợ chồng không có con thờ tự, mà hiến cho chùa để nhà chùa hương khói lúc qua đời.
Ruộng đất nhà chùa có hai loại: Loại thuộc phạm vi trong chùa do nhà sư cầy cấy và thu hoa lợi, phục vụ cuộc sống của các nhà sư và đèn hương trong chùa, còn loại ruộng đất thuộc phạm vi ngoài chùa thì do các bà vãi thay phiên nhau cầy cấy, phần hoa lợi dùng để cúng lễ hàng năm (một năm bốn kỳ). Loại ruộng này có khoảng 5 mẫu.
3) Ruộng tư văn.
Ruộng tư văn xuất hiện muộn hơn có khoảng 4 mẫu, ruộng này do các hội viên tư văn đóng góp. Hoa lợi của ruộng này dùng để chi phí trong các buổi cúng tế, hội họp ăn uống hay sinh hoạt của hội.
4) Ruộng hậu.
Ruộng hậu có nhiều loại. Đó là ruộng của những cặp vợ chồng không có con trai hoặc không có con, họ muốn khi chết có người cúng giỗ hương khói nên đã lập ruộng hậu để cúng giỗ. Nếu cung tiến ruộng vào nhà thờ họ thì ông tộc trưởng cúng giỗ, nếu cung tiến vào đình thì do các hương chức quan viên cúng giỗ, nếu cung tiến vào chùa thì do nhà sư cúng giỗ, còn cung tiến vào ngõ thì do ông trưởng ngõ cúng giỗ. Tuỳ theo giầu nghèo có quyền chức hay không mà tự tâm cung tiến vào các nơi đình chùa, họ, ngõ…Ruộng hậu đều là ruộng tư đem cung tiến. Ruộng hậu rất phổ biến và kéo dài, có người cung tiến tới 7 sào. Ruộng hậu có tới 6 -7 mẫu
5) Ruộng đồng môn.
Ruộng đồng môn có từ thời hậu Lê và kéo dài tới năm 1945 mới giải thể
Ruộng đồng môn là do các môn sinh đóng góp, hoa lợi dùng để chi cho việc học hành, nuôi thày, chăm sóc thày khi đau ốm hoặc khi thày qua đời, lo ma và cúng giỗ cho thày. ở Hà Vỹ, việc học chữ Nho khá phát triển, ngay từ thời hậu Lê làng đã có nhiều người học hành đỗ đạt. Số môn sinh ở thời nào cũng có. Ruộng đồng môn cũng được truyền lại cho con cháu đi học để tiếp tục làm nghĩa vụ với thày. Ruộng đồng môn có tới 5 mẫu
6) Ruộng hàng hiệu.
Ruộng loại này có từ rất sớm. Đó là ruộng của các cánh thợ trong làng góp tiền mua để chi dùng trong ngày cúng ông Tổ nghề và chi phí trong những ngày hội họp ăn uống. Ruộng này thay phiên nhau canh tác và không được “cha truyền con nối”. Ruộng hàng hiệu có tới 10 mẫu. Trong đó nghề mộc có 3 mẫu 5 sào, nghề nề có 1 mẫu 5 sào, nghề sơn 2 mẫu và nghề chạm 3 mẫu
7) Ruộng ngõ.
Mỗi ngõ của làng đều có một số ruộng, ruộng ngõ có hai loại: Một loại dùng để cúng Thần kỳ do dân trong ngõ cung tiến và một loại dùng để cúng hậu do những người không có con lại nghèo, muốn sau khi chết nhờ ngõ cúng giỗ, cho nên để cho ngõ một ít ruộng. Ruộng ngõ cũng có khoảng 3 - 4 mẫu, mỗi ngõ chừng 3 - 4 sào
8) Ruộng các phường
Ruộng phường có từ thời Lý-Trần. Ở Hà Vỹ có
phường Chim, phường Vật và phường Hát (tuồng). Tổng số ruộng của các phường cũng tới 1,6 mẫu. Ruộng các phường dùng để duy trì và phát triển các phường. Nó là cơ sở để tạo ra đời sống tinh thần ở xóm làng từ xưa
9) Ruộng đất bán uỷ vụ và xâm canh.
Ruộng đất bán uỷ vụ ở Hà Vỹ phát triển khá sớm Những ruộng đất bán uỷ vụ có cả ruộng công và ruộng tư. Đó là do chủ nhân không có người làm hoặc không thuận tiện trong canh tác hoặc cần gấp một số tiền để chi tiêu nên họ đã bán uỷ quyền cho người có khả năng sản xuất. Thời gian bán có thể một vụ hoặc vài năm. Người mua phải chịu thuế nộp cho chính quyền địa phương. Ngoài ruộng bán uỷ vụ còn một loại ruộng “xâm canh” hay “ phụ canh” giữa làng xã này với làng xã khác. Hiện tượng xâm canh (thuê ruộng) ở Hà Vỹ xuất hiện sớm, vì ở đây ruộng đất ít hơn các làng xã khác. Theo các cụ cho biết Hà Vỹ xâm canh sang Hà Hương tới 100 mẫu, sang Thù Lỗ tới 50 mẫu. Ruộng xâm canh chủ yếu là ruộng tư. Cũng có trường hợp người xâm canh là tư nhân với tập thể làng xã
Sau cải cách ruộng đất (1956) tất cả các loại ruộng đất ở Hà Vỹ đã được thu lại để chia cho các gia đình nông dân canh tác, sau đó đưa vào HTX …Do HTX làm ăn không hiệu quả nên lại phải giao cho từng hộ xã viên sản xuất theo chủ trương khoán 10 như hiện nay
1.2. Công việc trị thuỷ
1.2.1 Đặc điểm địa hình
Hà Vỹ là vùng đất trũng nên quanh năm úng lụt, về mùa mưa ở xa nhìn về cánh đồng Hà Vỹ như một hồ nước mênh mông bởi nơi đây có “ 36 ngọn nước” đổ về từ các vùng cao như Việt Hùng, Dục Tú, Vân Hà … Đó là chưa kể những năm vỡ đê sông Đuống hay sông Cà Lồ.
Trước đây chưa làm thuỷ lợi thì ruộng đồng ở Hà Vỹ hầu như không cấy cầy được, năm được mùa cũng chỉ “10 phần được 3, 4” vì “chiêm khê, mùa thối”. Trong dân gian có câu “ Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc”(2 ) để nói nên đặc điểm của cánh đồng làng Quậy
Từ đặc điểm đó, mà đời sống nhân dân rất khổ cực, mọi người không thể chỉ dựa vào nghề nông được. Để duy trì và phát triển, người dân phải làm thêm đủ các nghề phụ như chài lưới, câu cá, kéo vó, đơm tôm, chợ búa hàng xay hàng xáo và các nghề thủ công khác như mộc, nề, sơn, chạm khắc…
Hiện nay cảnh úng lụt không còn như xưa nữa do ta biết làm thuỷ lợi, có hệ thống mương máng tưới tiêu, nhưng các địa danh còn để lại như cánh đồng Láng Mây, Láng Sen, Ao Cá, đồng Trùng, Mạch Ban... cũng gợi cho ta thấy trước đây đều là nơi chứa nước. Trong bản “Mục lục” ở đình làng cũng có câu "Nước cuồn cuộn nghìn tầm" đủ thấy làng ta trước đây như thế nào.
1.2.2. Hà Vỹ làm thuỷ lợi
Để ngăn chặn nạn úng lụt ở Hà Vỹ, những người có chức sắc và có kiến thức trong làng phải biết nguyên nhân vì sao gây ra úng lụt? Đó là do con sông Thiếp (còn gọi là Hoàng Giang hay sông Ngũ Huyện Khê - một nhánh của sông Hồng, nay là ngòi Ngũ Huyện Khê) bắt nguồn từ Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) là con sông tự nhiên lâu đời. Dòng sông ấy chảy qua các xã Dục Nội, Gia Lộc, Lương Quán, Đồng Dầu, Song Tháp, rồi xuôi về Quả Cảm (Yên Phong, Bắc Ninh). Khi đến đoạn Thạc Quả dòng sông ấy có một nhánh chảy về Hà Vỹ. Do đó cánh đồng Hà Vỹ biến thành nơi chứa nước. Đến mùa mưa, nước ở cánh đồng Hà Vỹ lên cao, nó lại chảy qua Lỗ Khê, Hà Phong xuống Vân Điềm rồi nhập vào dòng chính của sông Ngũ Huyện Khê cùng đổ về Quả Cảm
Muốn tiêu được nước ở cánh đồng Hà Vỹ thì phải khơi thông đoạn Ba Lăng (gần cầu Bài). Vì vậy nhân dân Hà Vỹ cùng với Lỗ Khê đã tập trung khơi thông ở đoạn này. Việc làm thuỷ lợi chống úng đó đã được ông Nguyễn Tuấn Ngạn người Lỗ Khê đang làm quan khi đó đứng ra tổ chức.
Theo các cụ cao tuổi (nay đã qua đời) cho biết, nhân dân Hà Vỹ đã phải mua đất của Lỗ Khê để lấy đất đắp bờ ngòi và phải xây cống cầu Bài - nơi có dòng chảy duy nhất chảy qua - để tiêu nước cho Hà Vỹ. Cống này còn có tác dụng giữ nước khi xẩy ra hạn hán.
Việc khơi dòng đoạn Ba Lăng đã giải quyết được một phần nạn úng lụt cho Hà Vỹ. Nhưng do quyền lợi cục bộ của các xã dọc theo dòng chảy, họ đã đắp chặn để ngăn nước không cho chảy vào đồng mình, nước không tiêu được nên ngập úng vẫn cứ xẩy ra ở Hà Vỹ và các xã lân cận.
Đứng trước tình hình ấy, ông Nguyễn Thực (người Vân Điềm - thường gọi là Nghè Đóm) đang làm quan Tả thị Lang bộ Hộ đã tâu lên Vua, xin cho các xã khơi ngòi ở địa phận của mình để khỏi bị nạn lụt thường xuyên. Lời tâu ấy đã được Vua chấp nhận. Ông đã đứng ra tổ chức huy động dân các xã Hà Vỹ, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Vân Điềm khơi ngòi và đào một đoạn mương mới từ Hà Phong tới Cầu Đất.
Nhân dân Hà Vỹ phải cho nước chảy từ Ao Cá qua cửa Đình, đồng Bầu, đồng Rùa, Thù Lỗ rồi đổ sang Vân Điềm. Vì vậy phải đào một đoạn mương dài tới 150 m để nước từ Hà Vỹ qua Vân Điềm rồi đổ về cầu Lợn
Song song với việc đào mương tiêu nước sang Vân Điềm là việc đắp “bờ Cái” để ngăn không cho nước chảy ngược từ cánh đồng Việt Hùng và Lỗ Khê lại
Để bảo vệ cho con mương mới làm được lưu thông nước ở cánh đồng Hà Vỹ, nhân dân Hà Vỹ phải cử người thay phiên nhau canh phòng ở cống cầu Lợn, cầu Bài và bờ Cái
Tuy Hà Vỹ đỡ ngập úng nhưng các cánh đồng ở các xã Vân Điềm, Ông Mạc (nay là Hương Mạc) và Man Xá (Mịn- nay là Mẫn Xá) lại xẩy ra ngập úng. Vì vậy các xã đó đã đắp chặn nhiều đoạn ngòi, nên nước bị ứ đọng làm tràn sang hai bên bờ rồi chảy ngang làm cho các cánh đồng của Hà Lỗ, Lỗ Khê, Hà Vỹ, Vân Điềm, Gia Lộc lại bị ngập úng. Cảnh ấy cứ diễn ra cho đến thế kỷ thứ XVIII
Gần một trăm năm sau (năm Cảnh Hưng thứ 14 - 1759) do lời tâu của dân ở các xã Hà Vỹ, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Vân Điềm, Gia Lộc, Vua Lê Hiển Tông mới phái quan đến các địa phương xem xét và đã lệnh cho trấn Kinh Bắc. Trấn Kinh Bắc lệnh xuống huyện Đông Ngàn, các quan nha của huyện đã đôn đốc các xã khơi thông ngòi từ Hà Vỹ, Lỗ Khê tới địa phận Đặng Xá huyện Yên Phong, Bắc Ninh (dân ta thường nói thượng Ba Lăng, hạ Quả Cảm). Nhờ cách giải quyết triệt để đó mà nước đã thông và không làm ngập úng cánh đồng các xã của huyện Đông Ngàn và Yên Phong, nên không xẩy ra mất đoàn kết như trước nữa
Việc làm thuỷ lợi lần này đã góp phần quan trọng trong việc mở mang sản xuất, tăng được diện tích canh tác của Hà Vỹ. Trước đây những cánh đồng như Láng Mây, Láng Sen, Ao Cá đều bỏ hoang nay đã cấy cầy được. Những cánh đồng có một vụ như đồng Chàng nay đã làm được hai vụ lúa. Việc đó đã tạo điều kiện cho nhân dân Hà Vỹ ổn định làm ăn ngay trên mảnh đất cánh đồng của quê hương mình
1.3. Các ngành nghề thủ công
Do đặc điểm của làng, ruộng đất thường ngập úng lại không có nhiều, nếu chỉ trông vào nghề làm ruộng thì đời sống không thể đủ ăn. Để tồn tại và phát triển, nhân dân Hà Vỹ phải làm thêm nhiều nghề phụ và nghề thủ công như chài lưới đánh cá, kéo vó, đơm tôm, buôn bán, đan lát, hàng xáo, nấu rượu (rượu Quậy cũng rất nổi tiếng), làm lò, nghề mộc, nghề nề, nghề sơn, chạm khắc v.v.
Nhờ những nghề đó nên đã đảm bảo được đời sống của đại đa số người dân trong làng
Một số nghề thủ công đã “cha truyền con nối” càng về sau càng phát triển như các nghề sau đây:
1) Nghề mộc
Nghề mộc ở Hà Vỹ rất phổ biến và đã có từ lâu. Họ thường làm nhà, làm đình chùa và đóng đồ như bàn ghế giường tủ. Hiện nay trong nhà thờ họ Đỗ còn thờ ông tổ nghề mộc là Lý Lâu (người Tầu). Nghề mộc ở Hà Vỹ cũng rất nổi tiếng. Nhiều cánh thợ ở làng đã đi làm đình chùa, nhà cửa khắp nơi trong vùng, có nhiều người được giải thưởng, nhân dân tôn sùng đưa lên kiệu rước. Tài năng của thợ làng Quậy còn thể hiện trong việc xây dựng hai công trình rất bề thế uy nghi là đình và chùa của làng. Ngày nay cứ xem lại các hoa văn và điêu khắc trang trí trên cửa võng hay án gian ở đình Hà Vỹ thì thấy rõ tài năng khéo léo của các cụ thợ mộc trước kia. Nghề mộc ngày nay vẫn đang tồn tại và phát triển nhưng theo một công nghệ khác: làm đồ gỗ phun sơn. Cả ba thôn Đại Vỹ, Giao Tác và Châu Phong đều có nhiều gia đình làm đồ gỗ phun sơn, nhờ vậy kinh tế của làng phát triển rất nhanh, nhiều gia đình “đổi đời” giầu lên cũng nhờ có nghề mộc phun sơn này. Nghề mộc ở Hà Vỹ, nay đã trở thành một làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội, hiện nay đang xây dựng hai khu làng nghề ở ngoài đồng thuộc đất Châu Phong và Giao Tác
2) Nghề nề
Cùng với nghề mộc thì nghề nề ở Hà Vỹ cũng phát triển - vì làm nhà ngói, làm đình chùa, không thể không xây trát, lát sân, lợp ngói… ở Hà Vỹ hầu hết gia đình nào cũng có con em biết làm thợ nề hoặc thợ mộc. Cũng như nghề mộc, ngày nay nghề nề ở Hà Vỹ vẫn tồn tại và phát triển nhưng theo chiều hướng bê tông hoá, làm nhà cao tầng hiện đại với hình thức kiến trúc đa dạng phong phú
Việc tổ chức các cánh thợ mộc hay nề ở các thôn thường theo các hiệp thợ. Mỗi hiệp thợ có từ 5 đến 12 người, trong đó có một thợ cả (có tay nghề cao) một số thợ bạn và vài người học việc. Họ thường là những con em trong gia đình hoặc họ hàng dòng tộc. Tuỳ theo tay nghề và sự đóng góp vào công việc chung của mỗi người mà thợ cả trả công cho họ
3) Nghề sơn, chạm khắc
Do nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi, khi đã có nhà cửa
cần phải có các đồ dùng để trong nhà như tủ chè, sập gụ, bàn ghế, đồ thờ, còn đình chùa, đền miếu phải có hoành phi câu đối nên nghề chạm khắc và sơn ra đời
Nghề sơn ra đời và phát triển tập trung ở dòng họ Phạm thôn Châu Phong. Theo các cụ cao tuổi cho biết: Phải đến cuối thế kỷ XIX, nghề sơn mới phát triển mạnh, cụ Qui ở Châu Phong được coi là cụ tổ của nghề sơn. Cụ Qui học nghề này ở Bình Cầu, Bắc Ninh. Sau 5 năm khi đã biết nghề, cụ về Châu Phong truyền nghề cho con cháu trong làng. Đầu tiên sơn những đồ thờ, đồ dùng trong gia đình sau đó là sơn các đồ thờ ở đình và chùa như các bức hoành phi câu đối, tượng phật … Mới đầu sơn một mầu sau tiến tới sơn son thiếp vàng
Nghề sơn cũng chia làm hai loại: Sơn dầu và sơn mài. Tuỳ theo sự tín ngưỡng, đời sống nhân dân mà nghề sơn phát triển theo nhịp độ khác nhau, có thời kỳ ở Châu Phong đã xây dựng Hợp tác xã Sơn mài nhưng sau đã giải thể
Hiện nay nghề sơn vẫn còn duy trì ở một số gia đình, họ làm các câu đối, hoành phi, cửa võng, án gian cho các
gia đình, nhà thờ, đình chùa, đền miếu ….có yêu cầu
2. HÀ VỸ THAM GIA CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC
Trang Hà Hào (sau là Hà Vỹ) nằm ở vùng đồng bằng sát Kinh đô Âu Lạc, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, cùng với nhân dân trong quận, người dân Hà Hào cũng phải chịu cực khổ lầm than bị áp bức bóc lột, chứng kiến cảnh khói lửa chiến tranh của bao thời kỳ do bọn ngoại bang xâm lược. Vì vậy nhân dân Hà Hào rất căm thù giặc, sẫn sàng tham gia các phong trào kháng chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương đất nước. Dưới đây là những sự kiện được ghi trong Thần tích:
2.1. Thời Hai Bà Trưng (40-43 SCN ) thế kỷ I
Những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ nhất, nước ta bị nhà Đông Hán (Trung Quốc) đô hộ, trang Hà Hào khi đó thuộc quận Giao Chỉ, dưới sự cai trị của tên Thái thú Tô Định - một tên quan tham tàn, hà khắc khét tiếng- nhân dân trong quận phải sống trong cảnh lầm than thống khổ. Hắn đã giết chết Thi Sách (con quan Lạc tướng Chu Dương) là chồng của Trưng Trắc (con quan Lạc tướng Mê Linh). Để “trả thù cho chồng đền nợ nước”, Bà Trưng đã cùng em là Trưng Nhị đứng lên “phất cờ khởi nghĩa ”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của hai bà Trưng, hai chàng trai Thuỷ Hải và Đăng Giang là người ở trang Hà Hào đã chiêu mộ được 500 trai tráng trong vùng rồi đem quân đến dinh của hai bà. Bà Trưng thấy hai ông có chí lớn lại giỏi văn, tài võ liền tuyển dụng hai ông và phong tước:
- Thuỷ Hải làm Tả tướng quân Đô chỉ huy sứ
- Đăng Giang làm Hữu tướng quân Đô chỉ huy sứ
Nhận nhiệm vụ được giao, hai ông đã tuyển thêm quân ở vùng Hà Hào được 3 000 người rồi tiến đánh đồn Tô Định. Cùng với quân của hai bà Trưng, quân của hai ông đã đánh tan quân giặc và giết được tên Thái thú Tô Định gian ác. Sau đó hai ông lại đem quân cùng với hai bà đi đánh các đồn khác và diệt được 65 đồn giặc, giải phóng được đất nước khôi phục lại giang sơn
Bà Trưng lên ngôi, xưng là Trưng Nữ Vương, phong cho hai ông là “Đô chỉ huy sứ kiêm điện tiền phụ chính”.
Đất nước yên bình được ba năm thì nhà Đông Hán lại sai tướng Mã Viện đem hai vạn quân và hai ngàn thuyền xe theo đường thuỷ bộ tiến vào xâm lược nước ta. Trưng Nữ Vương lại giao cho hai ông cầm quân chặn đánh giặc Mã Viện. Thời ấy ở trang Hà Hào có ông Khổng Chúng cũng có tài thao lược và sức lực như thần, đã tham gia chống giặc và được bà Trưng phong cho chức “Tiền lộ tướng quân”
Quân của hai bà Trưng do ba ông chỉ huy đã đem quân lên vùng biên giới chống lại quân giặc, quân của Mã Viện rất hung hãn, quân ta đã anh dũng chiến đấu, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở vùng Lãng Bạc, Đông Triều, Bắc Giang, Yên Phong… Vì tướng sĩ của Mã Viện rất hùng mạnh, Mã Viện lại là một tên tướng giỏi có nhiều kinh nghiệm chiến tranh, do đó quân của hai bà không địch nổi. Bà bèn thu quân về vùng Cẩm Khê, Thạch Thất, sau khi đã chiến đấu đến người cuối cùng, hết quân, hai Bà đã gieo mình xuống dòng Hát Giang (nay thuộc huyện Đan Phượng Hà Tây cũ) tuẫn tiết. Hai ông Thuỷ Hải và Đăng Giang chạy đến cửa biển không chịu để giặc bắt đã gieo mình hy sinh vào ngày 10 tháng 7 năm Quý Mão (năm 43 sau công nguyên - SCN)
Còn Khổng Chúng thu được 50 quân sĩ trở về trang Hà Hào (Quậy Sau). Quân Mã Viện đuổi theo, Khổng Chúng cùng quân sĩ chống cự không nổi, thúc ngựa chạy trên đường, chẳng may ngã ngựa và đã anh dũng hy sinh ngày 12 tháng 9 cùng năm. Mộ Ngài đặt tại khu đồng Sứ, Quần Trùng thôn Châu Phong ngày nay (3 )
2.2. Thời Lý Nam Đế - Triệu Quang Phục thế kỷ thứ VI (3)
Vào nửa đầu thế kỷ thứ VI, nước ta chịu sự đô hộ của nhà Lương Trung Quốc. Thứ sử nhà Lương ở quận
Giao Chỉ bấy giờ là Tiêu Tư rất tàn ác. Ông Lý Bí quê ở Long Hưng (Thái Bình) đã khởi binh đánh đuổi Tiêu Tư. Tháng 2 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Lý Nam Đế dựng lên nước Vạn Xuân đóng đô ở Long Biên. Đến đầu năm 545 nhà Lương lại cử Dương Phiên làm Thái sử Giao Châu cùng với tên tướng Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước ta. Quân Bá Tiên rất mạnh, Lý Nam Đế không sao chống nổi phải rút về động Khuất Liêu (thường gọi là Khuất Lão) Vĩnh Phúc. Anh họ Vua là Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đem một cánh quân lui vào giữ Thanh Hoá.
Ở động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị ốm nặng đã trao quyền cho Triệu Quang Phục. Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13-4-548), Lý Nam Đế mất. Triệu Quang Phục cầm quân chống cự với quân Lương cũng không thắng được đành phải rút về đầm Dạ Trạch, Hưng Yên xây dựng căn cứ để chiến đấu lâu dài. ở đây, ông đã truyền hịch tuyển chọn nhân tài giúp nước. Khi ấy ông Tam Giang nghe tin chiếu chỉ bèn chiêu mộ quân sĩ rồi dẫn quân đến đầm Dạ Trạch giúp Triệu Quang Phục. Thấy Tam Giang có tài võ nghệ lại hết lòng vì nước nên Triệu Quang Phục phong cho ông là “Chỉ huy sứ, dư tả tướng quân”. Ông Tam Giang đã chỉ huy các đạo quân để đánh giặc, ông đã hội tụ đóng quân tại trang Hà Hào vì thấy địa thế ở đây quanh co “ rồng hổ ôm ấp” liền thiết lập đồn trại ở đây để đối phó với quân của Trần Bá Tiên. Nhân dân Hà Hào đều hưởng ứng theo ông. Ông đã chọn được 30 trai tráng của trang để làm “gia thần nội thủ” và canh giữ đồn trại theo ông đánh giặc. Ông cùng với Triệu Quang Phục dùng chiến thuật lấy ít đánh nhiều theo kiểu chiến tranh du kích. Đến năm 550 do nhà Lương có loạn to, Trần Bá Tiên phải rút quân về nước chỉ để tướng Dương Sàn ở lại cai quản nước ta. Nhân thời cơ đó nghĩa quân của hai ông chuyển thế phản công đánh quân Lương và đã giết được Dương Sàn chiếm lại thành Long Biên giành lại nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục lên ngôi Vua, xưng là Triệu Việt Vương.
Hơn 20 năm sau, năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử phản trắc đánh úp bất ngờ, vì không phòng bị, Triệu Việt Vương thua phải chạy đến cửa biển Đại Nha, cùng đường, Vua phải nhảy xuống biển tuẫn tiết. Nhân dân vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ ông ở đây.
Trước tình hình ấy, ông Tam Giang không muốn "phò" Lý Phật Tử mà trở về huyện An Phú (sau đổi là An Phong nay là huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh) trang Hương La đến đầu bến Giang Tân sông Như Nguyệt (sông Cầu) ở chỗ ngã Ba Xà rồi gieo mình xuống dòng sông vào ngày 10 tháng 4 năm 571. Dân Hà Hào cùng với dân Hương La tế lễ ông và đón Thần về thờ ở đình làng
2.3. Thời hậu Lê (Lê Thái Tổ)
Vào đầu thế kỷ thứ XV nước ta lại bị Nhà Minh cai trị.
Chúng bắt dân ta làm tôi tớ, thuế má lao dịch nặng nề nên
dân ta vô cùng điêu đứng.
Năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hoá có Nguyễn Trãi dâng “Bình ngô sách” nhằm thu phục lòng ngươì. Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn kéo dài mười năm vô cùng gian khổ, có lúc nghĩa quân bị bao vây phải đào cả củ chuối để ăn. Do tài thao lược của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, quân của hai ông đã mạnh dần lên, đánh thắng nhiều trận để rồi vây thành Đông Quan (Hà Nội). Khi đó Lê Lợi đã đóng quân ở làng Hà Vỹ ). Để cứu nguy cho quân Minh bị vây ở Đông Quan, vua Minh đã sai tướng Liễu Thăng dẫn mười vạn quân sang nước ta cứu viện. Lê Lợi đã cử tướng Trần Lưu đem quân tiến lên ải Chi Lăng phục kích và đánh chặn. Quân Minh thua to, Liễu Thăng bị chém đầu. Vương Thông khi biết Liễu Thăng bị chết, hết hy vọng đành xin đầu hàng quân ta.
Năm sau 1428 Lê Lợi lên ngôi Vua (tức Lê Thái Tổ) rồi sắc phong cho các tướng sĩ và những thần giúp sức. Người bảo rằng: “ Đánh thắng giặc Minh cũng là nhờ các
thần âm phù ” giúp đỡ bèn phong cho:
- Thuỷ Hải và Đông Hải là “ Linh ứng Đại vuơng” còn
- Đăng Giang là “Hiệu ứng Đại vương ” (4)
Chú thích:
  1. Theo Hà Vỹ xã địa bạ do Lê Huyên (Đại học Tổng hợp ) dịch từ bản chữ Hán – Nôm năm 1978
  2. Nghĩa là năm nào mưa nhiều thì Quậy mất mùa do lụt (nên ủ), còn Chạ Chủ - Cổ Loa được mùa (thì tươi), còn năm nào mưa ít thì Quậy được mùa (cười) còn Chạ Chủ mất mùa do hạn (thì khóc)
  3. Theo thần tích ở đình Hà Vỹ làm năm Vĩnh Hựu thứ 6 -1740  do cụ Đỗ Duy Lục thôn Giao Tác dịch từ bản chữ Hán