Chương 7
HÀ VỸ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CƯỚC NƯỚC (T10/1954 – T4/1975) (1)
1 CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HOÁ (TỪ T10/1954 ĐẾN T12/1960)

    
au chín năm kháng chiến, quân và dân ta chịu bao nhiêu hy sinh gian khổ, hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hoà bình đã được lập lại trên nửa nước ta, trong đó có quê hương Hà Vỹ. Đó là một thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam đem lại niềm hân hoan vui sướng cho toàn thể nhân dân miền Bắc.
Song chiến tranh cũng để lại bao hậu quả nặng nề do kẻ địch gây ra: Làng xóm bị tiêu điều xơ xác, nhiều thửa ruộng trũng xa làng bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ ngập ngang người, trâu bò bị giết, thiếu sức kéo nghiêm trọng. Đội ngũ cán bộ thôn xã có năng lực cũng thiếu vì một số đồng chí đã hy sinh, số còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã không nhiệt tình hăng hái nữa, một số do khó khăn kinh tế nên phải lo giúp cho gia đình vợ con.
Đầu tháng 10-1954, dưới sự chỉ đạo của Chi uỷ, các tổ Đảng và lãnh đạo các thôn ở Hà Vỹ được củng cố lại, trước mắt cần ổn định tổ chức và thống nhất tư tưởng trong đảng viên. Sau nhiều cuộc họp ở các tổ Đảng, đã phân tích thẳng thắn những mặt mạnh mặt yếu, nêu ra những ưu khuyết điểm của từng đồng chí đảng viên, chỉ ra hướng giải quyết như bồi dưỡng và bố trí công tác cụ thể. Đến tháng 12-1954, các tổ Đảng đã được củng cố lại với sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các đảng viên. Cùng với tổ Đảng, lãnh đạo và các đoàn thể quần chúng của các thôn cũng được củng cố lại.
Trong thời gian mới hoà bình, tổ Đảng và lãnh đạo các thôn ở Hà Vỹ phải giải quyết hàng loạt nhiệm vụ cấp bách đặt ra, trước hết là đẩy mạnh sản xuất để ổn định đời sống nhân dân vì vụ mùa năm 1954 bị hạn hán nặng gây thất thu nên nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn. Dưới sự chỉ đạo của Chi uỷ, các tổ Đảng ở các thôn đã đi vận động nhân dân giúp đỡ nhau xây dựng hoặc tu bổ lại nhà cửa, giúp nhau lương thực để chống đói, hỗ trợ nhau thóc giống để sản xuất vụ chiêm, đặc biệt phát động toàn dân trồng rau màu và cây ngắn ngày để chống đói. Nhờ đó mà sau một thời gian đã hạn chế được một phần tình trạng thiếu lương thực và tránh được nạn đói cho nhân dân.
Tháng 4 -1955 Hà Vỹ thực hiện chính sách giảm tô giảm tức, nhờ vậy người nông dân đã giảm được phần lớn gánh nặng tô tức. Thắng lợi của cuộc vận động giảm tô và việc giúp nhau chống đói làm cho nông dân phấn khởi tích cực triển khai sản xuất vụ mùa năm 1955
Tháng 11-1955 Hà Vỹ cùng với nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ tiến hành cải cách ruộng đất (CCRĐ) nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ ở nông thôn hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Bắc. Các cán bộ CCRĐ được phân công về các làng xã để “bắt dễ, ba cùng” với những thành phần cốt cán, tổ chức các cuộc họp để nông dân “ôn nghèo kể khổ”, học tập chính sách CCRĐ của Đảng rồi phát động quần chúng nông dân “đứng lên đấu tranh vạch rõ những thủ đoạn bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến”.
Sau gần sáu tháng tiến hành cải cách - một cuộc cách mạng “Long trời lở đất”- đã thu được thắng lợi to lớn: Toàn bộ ruộng đất, nhà cửa, trâu bò, nông cụ… của địa chủ và phú nông được tịch thu hoặc trưng thu, trưng mua cùng số ruộng công điền bao gồm ruộng binh điền, ruộng đình chùa, ruộng phe giáp, ruộng họ, ruộng hậu, do nông dân được tạm giao hoặc do chính quyền kháng chiến quản lý trước đây đều thu lại để chia cho nông dân trong toàn xã theo tiêu chuẩn bình quân 2 sào 12 thước cho một nhân khẩu.
“CCRĐ đã đánh đổ hoàn toàn uy thế chính trị - kinh tế của giai cấp địa chủ phong kiến, thủ tiêu phương thức bóc lột địa tô từ ngàn năm diễn ra ở nông thôn. Mục đích của cách mạng và ước nguyện lâu đời có ruộng để cầy cấy của người nông dân đến nay mới được thực hiện. Ngày nhận ruộng từ trong làng ra các cánh đồng “cờ giong trống mở” cả làng tưng bừng như ngày hội lớn, mọi người nông dân già trẻ gái trai, nét mặt ai cũng hân hoan vui sướng”.
Nhưng CCRĐ đã mắc phải những sai lầm đáng tiếc. “Nguyên nhân chủ yếu của những sai lầm này là không nắm vững đường lối độc lập tự chủ, áp dụng máy móc cách làm của nước ngoài, cường điệu tính đấu tranh giai cấp, không nắm sát những biến đổi về sở hữu ruộng đất về giai cấp địa chủ và về chế độ địa tô phong kiến ở nông thôn từ sau cách mạng tháng Tám thành công. Hệ quả là: đã đánh nhầm vào tổ chức Đảng và chính quyền, vào nội bộ nhân dân.
 Ở Liên Hà (trong đó có Hà Vỹ) sai lầm của CCRĐ còn thể hiện ở chỗ: Cán bộ CCRĐ không thấy được đặc điểm nổi bật của xã là có chi bộ Đảng vững mạnh được tôi luyện qua 5 năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; sau hoà bình, thế và lực của cách mạng ở địa phương đã hơn hẳn giai cấp địa chủ phong kiến, chúng ta hoàn toàn có thể đấu tranh với giai cấp địa chủ phong kiến một cách ôn hoà mà vẫn đạt được kết quả và mục đích đề ra. Hậu quả sai lầm của CCRĐ thực hiện ở Liên Hà rất lớn: Phần lớn các đảng viên của chi bộ từng lăn lộn trong kháng chiến bị coi là “đảng viên loại kém” một số bị khai trừ hoặc không được bố trí công tác và sinh hoạt Đảng, chỉ còn ba người “đủ tiêu chuẩn”. Nhiều cán bộ và quần chúng có đóng góp cho kháng chiến bị nghi oan về chính trị, dẫn đến xử oan trong đó có cả án tử hình”, có người vì oan ức mà tự vẫn.
“Chi bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể đang lãnh đạo điều hành bị thay thế bằng chi bộ và các tổ chức do đội CCRĐ lập ra gồm hầu hết các thành viên thuộc thành phần cơ bản bần cố nông, trình độ văn hoá thấp”, năng lực kinh nghiệm công tác lại kém nên không đáp ứng được yêu cầu của thực tế đòi hỏi
Việc áp dụng cứng nhắc phần trăm chỉ tiêu “số lượng” địa chủ làm nhiều người bị qui sai, qui oan không đúng với thực tế sở hữu.
Do CCRĐ có vấn đề, Đảng ta đã phát hiện ra sai lầm. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khoá II) họp tháng 9-1956 đã đề ra chủ trương “ kiên quyết sửa chữa sai lầm trong CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức”. Cũng do cải cách sai lầm mà một số cán bộ cao cấp của Đảng phải từ chức hoặc kỷ luật
Chấp hành chính sách sửa sai của Đảng, tháng 11-
1956, Hà Vỹ cùng với các nơi khác trong tỉnh tiến hành công tác sửa sai để ổn định tình hình. Các cán bộ sửa sai và cán bộ địa phương đã cùng nhau phối hợp, kiên trì tiến hành theo phương châm: “Đoàn kết nông thôn, đoàn kết giai cấp, xoá bỏ hận thù, ổn định tư tưởng của cán bộ và nhân dân, thấy sai đâu thì sửa đấy, rõ đến đâu giải quyết đến đó, không để sai lầm tiếp diễn, không để xẩy ra trả thù người tố cáo, đoàn kết, tập hợp động viên và dựa vào các cán bộ đảng viên bị oan sai để sửa”
Sau khi xác minh tường tận từng trường hợp, đội sửa sai đã minh oan và phục hồi về mặt chính trị cho nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân bị qui oan do tố cáo sai trong CCRĐ.
Nhờ vậy mà “hầu hết các đồng chí bị qui oan sau khi minh oan đã thấy được trách nhiệm của mình trong việc giúp Đảng sửa sai, nên đã vui vẻ nhận công tác trở lại, chính các cán bộ này lại đi giải thích cho người thân, gia đình, họ hàng bị thiệt hại do cải cách gây ra để người dân tin vào sự công minh sáng suốt của Đảng. Do các cán bộ, đảng viên đi giải thích tuyên truyền mà người dân bị qui oan đã nghe theo không đòi lại tài sản, đã độ lượng xoá bỏ hận thù vì vậy làng xóm đã trở lại yên bình hoà thuận”.
“Gắn với sửa sai là việc chỉnh đốn tổ chức. Trong thời kỳ CCRĐ một số cán bộ là thành phần cốt cán có thành tích được đội CCRĐ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng rồi cất nhắc giao cho nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Đảng, chính quyền và đoàn thể của xã, nhưng trên thực tế do trình độ văn hoá và nhận thức hạn chế nên không thể đảm đương được nhiệm vụ. Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, đội sửa sai đã phải vận động số cán bộ đảng viên được cất nhắc trong CCRĐ tự nguyện rút lui công tác vì trình độ và năng lực quá yếu không đảm đương được nhiệm vụ, điều đó không những làm trì trệ công tác mà còn làm mất uy tín của Đảng trước nhân dân.
Ngày 19-11-1956, UBND xã họp hội nghị bàn về việc chấn chỉnh công tác và nhân sự. Kết quả là: đã có “4/9 thành viên của Uỷ ban (gồm Chủ tịch, phó Chủ tịch, uỷ viên Tư pháp và Văn hoá) tự thấy không đủ năng lực đã tự nguyện xin rút khỏi chức vụ”. Để đảm nhiệm công việc, ủy ban đã bổ sung thêm 6 thành viên mới. Họ là những cán bộ cũ có trình độ, từng bị nghi oan được phục hồi. Đồng thời các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu niên cũng được củng cố lại
Kết quả sửa sai đã giảm số địa chủ ở Hà Vỹ chỉ còn lại rất ít (Đại Vỹ:1, Giao Tác:1, Châu Phong:3 ). Nhiều người bị qui oan là phú nông cũng được xuống thành phần trung nông, họ được trả lại một phần ruộng đất và tài sản. Do chính sách sửa sai kịp thời của Đảng nên đã an ủi một phần oan ức của những gia đình bị qui oan đem lại niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, làng quê trở lại thanh bình yên ả như khi mới hoà bình lập lại. Đến giữa năm 1957 việc sửa sai đã cơ bản được hoàn thành
Trong thời kỳ CCRĐ và sửa sai, “việc sản xuất vẫn được duy trì nhằm ổn định đời sống. ở giai đoạn này, thời tiết khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của lúa và hoa mầu, các tổ Đảng và lãnh đạo thôn phải huy động toàn dân đào và khơi thêm hàng chục ao chuôm ở các cánh đồng, đào mương vét máng để lấy nước chống hạn với khẩu hiệu “ Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để lấy nước cho lúa, nhờ vậy mà vụ chiêm năm ấy cũng được mùa
Sản xuất nông nghiệp thời kỳ phục hồi kinh tế ở Hà Vỹ gập rất nhiều khó khăn, do đặc điểm địa hình thấp, nên đồng ruộng có lúc bị hạn, lúc lại bị úng lụt, thiên tai gây ra thiệt hại rất nhiều. Trận bão năm 1955 gây thất thu lớn, nhân dân chưa hồi phục, lại tiếp đến trận lụt tháng 8 năm 1957 do vỡ cống Mai Lâm đã làm cho đồng ruộng Hà Vỹ ngập chìm trong biển nước, cây cối hoa mầu mất hết đã làm cho nhân dân lâm vào cảnh thiếu ăn trầm trọng. Lãnh đạo các thôn phải huy động mọi người khắc phục khó khăn sau khi nước rút, cấy tái giá ở những chân ruộng có thể cấy được, trồng thêm các loại rau màu để chống đói. Để giúp nhau sản xuất, năm 1957 ở thôn Châu Phong đã xây dựng tổ đổi công hợp tác. Đây là một trong hai địa phương làm thí điểm của tỉnh Bắc Ninh. Tổ đổi công này gồm có 10 gia đình nông dân tự nguyện tham gia do ông Phạm Văn Hàn làm tổ trưởng. Do làm ăn tốt, có hiệu quả thiết thực nên ngày 11-7-1958 ông Hàn được thưởng huy hiệu Bác Hồ.
Sau ba năm khôi phục kinh tế, Hà Vỹ tuy gập nhiều khó khăn do thiên tai gây ra nhưng với tính cần cù vốn có, nhân dân Hà Vỹ đã vượt mọi khó khăn nên đã ổn định được đời sống, tuy còn thiếu thốn nhưng không ai chết đói
Năm 1958 là năm mở đầu kế hoạch ba năm phát triển kinh tế-xã hội (1958-1960) nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp ở Hà Vỹ vẫn gập nhiều khó khăn. Hạn hán kéo dài từ cuối năm 1957 vẫn tiếp diễn, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Nhưng với tinh thần chống thiên tai, nhân dân Hà Vỹ đã quyết tâm chống hạn cứu lúa.
Để tập trung lực lượng cho sản xuất, các thôn Đại Vỹ và Giao Tác đã lập thêm nhiều tổ đổi công. Đến giữa năm 1958 cả ba thôn đã có 65% số hộ nông dân vào tổ đổi công. Thời tiết vụ mùa vẫn khắc nghiệt, đầu vụ bị hạn phải huy động nhân dân chống hạn, khi lúa lên đòng lại bị những trận mưa lớn làm ngập úng các cánh đồng, nhân dân lại phải dùng các phương tiện tát nước để chống úng với tinh thần “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Nhờ tinh thần nỗ lực của toàn dân, sản xuất trong hai vụ của năm 1958 vẫn đạt mức khá hơn so với các năm trước, do đó đời sống nhân dân cũng bớt khó khăn hơn”
“Giữa tháng 11 -1958, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khoá II mở rộng) đề ra nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958-1960) trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp lấy nông nghiệp làm khâu chính, ra sức cải tạo công nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp, trên cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao một bước đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của nhân dân. Hội nghị Trung ương lần thứ 14 được coi là Hội nghị về hợp tác hoá nông nghiệp”.
Thực hiện nghị quyết về hợp tác hoá nông nghiệp của Trung ương và “từ kết quả hoạt động của HTX thí điểm đầu tiên ở Lỗ Khê, sau vụ mùa năm 1958, chi bộ Liên Hà chủ trương thành lập HTX ở tất cả các thôn. Tuy nhiên việc vận động vào HTX cũng khó khăn vì phần đông nông dân chưa hiểu về cách làm của HTX, nhiều người sợ vào HTX là mất phần tài sản của mình, sợ bị gò bó hoặc sợ cảnh “cha chung không ai khóc” sợ ăn chia không công bằng, sợ tham ô, lãng phí… có thôn họp tới hai, ba lần mà vẫn không nhận được một lá đơn nào. Các tổ Đảng đã phải phân công từng đảng viên đi vào từng nhà vận động, phân tích và thuyết phục để nông dân hiểu được đường lối chính sách của Đảng, đồng thời đề cao tinh thần xung phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong việc vào HTX. Trước hành động gương mẫu và việc làm hăng hái vì phong trào của các đảng viên nên một số hộ nông dân còn lưỡng lự đã tự nguyện viết đơn vào HTX.
Đến giữa tháng 7 -1959 Hà Vỹ đã thành lập được bốn HTXNN” (2 )
Để tuyên truyền thắng lợi của phong trào hợp tác hoá, tháng 6-1959 xã Liên Hà tổ chức trưng bày nông cụ, gia súc, nông phẩm của các HTX và các hoạt động của ban ngành trong xã, đã được nhiều người đến thăm quan. Kết quả việc tổ chức trưng bày này đã có tác dụng lớn trong việc thuyết phục các hộ nông dân chưa vào HTX và trong việc triển khai vụ mùa năm 1959. Vụ mùa này nhờ thời tiết khá thuận lợi nên đã được mùa. Năng suất bình quân cả xã đạt 93,2 kg một sào, tăng 13,3% so với vụ mùa năm trước. Giá trị ngày công của hầu hết các HTX đều cao vì chi phí gián tiếp ít, nếu kể cả phần chia hoa lợi theo ruộng đất và các khoản đóng góp khác thì thu nhập của các xã viên tương đối cao. Nhờ vậy mà đời sống của xã viên đã được cải thiện một phần. Kết quả này có sức lôi cuốn mạnh đối với các gia đình đang còn làm ăn cá thể. Đến tháng 5 -1960 đã có 86,44% số hộ nông dân vào HTX trong đó có xóm Trại (An Bài) đạt tới 100%. Đến cuối năm 1960 Hà Vỹ đã cơ bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp.
Năm 1960 tình hình thời tiết lại không thuận cho sản xuất nông nghiệp, vụ chiêm bị nắng hạn, vụ mùa lại mưa lớn gây ra úng lụt. Để khắc phục thời tiết khắc nghiệt, nhân dân Hà Vỹ lại phải huy động lực lượng chống hạn chống úng. Tháng 3 -1960 lãnh đạo xã chỉ đạo tập trung lực lượng đào hồ lớn ở thôn Đại Vỹ để giữ nước, phòng khi bị hạn. Ngoài công trình đào hồ này, xã còn huy động lực lượng thanh niên làm một con mương nổi từ Trạm bơm Cống Thôn qua làng Nghĩa Vũ, Thạc Quả về cánh đồng Giao Tác để lấy nước tưới cho vụ chiêm, cũng trong thời gian này, xã cho mở rộng và tôn cao con đường liên thôn từ Châu Phong sang Hà Lỗ để phục vụ cho sản xuất và giao thông, nhờ vậy việc đi lại của người dân trong xã thuận tiện hơn.
Cùng với việc làm thuỷ lợi, các biện pháp khoa học kỹ thuật cũng được đưa vào áp dụng trên đồng ruộng Hà Vỹ như: Xếp đất phơi ải (vụ chiêm) làm phân xanh bằng bèo hoa dâu, ủ phân bằng bùn ao, dùng cày 51, cào cải tiến, cấy thẳng hàng, ủ thóc giống theo phương pháp “ba sôi, hai lạnh”… Một số giống lúa mới có năng suất cao như Nam Ninh, Tám thơm.. được đưa vào gieo cấy phổ biến. Nhờ các biện pháp tổng hợp này mà hai vụ lúa trong năm đều cho thu hoạch khá.
Cùng với các HTX Nông nghiệp, HTX Mua bán của xã cũng được thành lập để khai thác các nguồn hàng nhu yếu phẩm về bán cho nhân dân (có các cửa hàng ở các thôn) đồng thời thu mua nông sản thực phẩm thừa của nông dân đem đi bán hoặc trao đổi với các nơi khác
HTX Tín dụng cũng được thành lập để làm nhiệm vụ thu hút số tiền nhàn rỗi trong dân rồi ai cần phát triển sản xuất thì cho vay theo phương châm hai bên cùng có lợi. Trên đà phục hồi kinh tế, sự nghiệp văn hoá - giáo dục, y tế cũng có những chuyển biến rõ rệt:
Ngay sau khi hoà bình lập lại, tháng 9 năm 1954 trường cấp I Liên Hà khai giảng do thày giáo Phạm Huy Căn làm Hiệu trưởng, hai lớp 4 được dậy ở đình làng Lỗ Khê, các lớp 3,2,1 được dậy ở đình làng các thôn, đáp ứng được số học sinh trong xã do đến tuổi đi học và từ vùng tự do trở về. Phong trào bổ túc văn hoá cũng phát triển mạnh, tháng 11-1954, Ban BDHV của xã được lập lại, các thôn đều tổ chức các lớp bổ túc văn hoá cho những người lớn tuổi theo học. Năm 1958 Hà Vỹ hoàn thành chỉ tiêu thanh toán nạn mù chữ. Phong trào xoá bỏ mọi hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện tổ chức cưới theo đời sống mới, việc ma chay tang lễ cũng giảm bớt hủ tục để tránh lãng phí tốn kém cho dân. Công tác thông tin, tuyên truyền và văn nghệ cũng vẫn được duy trì như trước. Riêng công tác y tế có những chuyển biến tích cực, tháng 11 -1960, Trạm Y tế xã đã được thành lập, trụ sở đặt tại Cầu Đê thôn Châu Phong, đến năm 1963 chuyển về địa điểm hiện nay với qui mô lớn hơn. Trạm Y tế xã có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ, bán thuốc và chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Các phong trào, đào giếng khơi, xây nhà tắm, làm hố xí hai ngăn “sạch làng tốt ruộng” “phòng bệnh hơn chữa bệnh, ở sạch, ăn chín, uống chín” được tuyên truyền và thực hiện đến từng ngõ xóm và gia đình ở cả ba thôn.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cán bộ, đảng viên còn phải vận động nhân dân các thôn tham gia tích cực và hưởng ứng các phong trào cách mạng ở miền Bắc, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, đi dân công, tham gia xây dựng các công trình quan trọng như làm đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn (đầu năm 1955), hàn khẩu cống Mai Lâm (tháng 9-1957), thi hành Luật nghĩa vụ quân sự do Quốc hội ban hành...
Trong thời gian này, địa phương còn có phong trào nhận đỡ đầu và nuôi thương binh miền Nam tập kết, ở Hà Vỹ nhận 4 người thương binh về nuôi.
Tháng 3 -1959 nhân dân Hà Vỹ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã đầu tiên, 36 đại biểu trúng cử, UBHC xã gồm 11 thành viên do ông Dương Văn Thung (thôn Hà Hương) làm Chủ tịch
Tháng 3 năm 1960, Hà Vỹ tiến hành tổng điều tra dân số theo chỉ thị của Chính phủ. Qua điều tra, cấp trên mới nắm được số dân của từng thôn, tỷ lệ nam nữ, số người ở độ tuổi lao động … để có căn cứ làm kế hoạch hàng năm…
Đầu năm 1960 do yêu cầu của phong trào cách mạng địa phương và do số lượng đảng viên tăng (105), chi bộ Liên Hà được Huyện uỷ Từ Sơn chấp thuận nâng thành Đảng bộ. Đảng bộ có 3 chi bộ, Hà Vỹ là một chi bộ gồm 43 đảng viên. Việc thành lập Đảng bộ đánh dấu bước trưởng thành của công tác xây dựng Đảng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho việc tổ chức các phong trào cách mạng của địa phương.
Năm 1959 (được sự đồng ý của xã Xuân Nộn) một số gia đình ở Châu Phong lên khai hoang trên cánh đồng Kim rồi lập một ấp mới gọi là ấp Liên Phong. Thấy đất đai ở cánh đồng Kim còn rộng một số gia đình ở Đại Vỹ và Giao Tác sau đó cũng lên ấp Liên Phong định cư làm thành một cụm dân cư mới và lấy tên là ấp Hà Lâm. Hiện nay ấp Hà Lâm thuộc đơn vị hành chính của xã Thuỵ Lâm
Sau sáu năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá - giáo dục, từ những làng quê bị chiến tranh tàn phá, bộ mặt thôn xóm của làng Hà Vỹ từng bước thay da đổi thịt. Nền kinh tế tập thể mới được hình thành, đời sống nhân dân bắt đầu ổn định và có phần được cải thiện. Không khí phấn khởi hồ hởi tin tưởng bao trùm lên khắp xóm làng, mở đầu cho một giai đoạn cách mạng mới: Giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
2. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961-1965)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (họp tháng 9 -1960 tại thủ đô Hà Nội) đề ra hai nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng Việt Nam là: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc - trọng tâm là thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đồng thời tiếp tục đấu tranh nhằm giải phóng niềm Nam tiến tới thống nhất đất nước”.
Tháng 7-1961 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V đề ra nhiệm vụ phát triển nông nghiệp làm cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp.
Bước vào giai đoạn này có một sự kiện quan trọng đối với nhân dân Hà Vỹ đó là: Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và theo Quyết định số 78 CP ngày 30-5-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức hành chính của Thủ đô Hà Nội, Liên Hà cùng bốn xã (Vân Hà, Dục Tú, Mai Lâm và Đông Hội) của huyện Từ Sơn được chuyển về huyện Đông Anh – là một trong bốn huyện ngoại thành (cùng với Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm) của thành phố Hà Nội. Kể từ đó nhân dân Hà Vỹ đã thuộc về một huyện của ngoại thành Hà Nội. Được về Hà Nội, Thủ đô của một nước, là một điều vinh dự may mắn, nhất định sẽ được Trung ương quan tâm chú ý hơn, vì vậy cán bộ và nhân dân Hà Vỹ rất phấn khởi trước sự thay đổi này.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đảng bộ xã được tổ chức lại thành tám chi bộ theo các thôn để chỉ đạo tốt hơn các mặt công tác.
Nhiệm vụ đầu tiên và trọng tâm của thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là: Tiến hành cải tiến quản lý HTX nông nghiệp đợt một. Theo chỉ đạo của Thành uỷ, việc cải tiến này là: Xoá bỏ phần hoa lợi của xã viên chia theo ruộng đất và trâu bò nông cụ đóng góp khi vào HTX, thay thế lao động công nhật bằng việc bình công chấm điểm.
Việc xoá bỏ hoa lợi, làm cho thu nhập của xã viên ít đi, không khuyến khích người lao động, do đó xã viên có phần chán nản, cộng thêm việc quản lý rườm rà phức tạp thiếu công bằng nên đã có một số hộ xã viên muốn xin ra HTX. Để ngăn chặn hiện tượng này chi bộ phải phân công đảng viên đi thuyết phục, động viên tư tưởng, có khi dùng cả biện pháp hành chính cản trở để làm cho xã viên không ra được HTX
Để củng cố HTX, ổn định tinh thần xã viên, nâng cao năng suất và thu nhập của người lao động điều quyết định phải là đẩy mạnh sản xuất bằng cách cải tạo đồng ruộng, khoanh vùng nhằm biến đồng ruộng trước đây cấy một vụ với năng suất thấp lại bấp bênh thành hai vụ lúa có năng suất cao. Muốn vậy phải đẩy mạnh làm thuỷ lợi, đào thêm mương máng để có nước tưới tiêu, không thể để tình trạng hạn hán hay úng lụt như trước nữa
Thực hiện chủ trương cải tạo đồng ruộng, thôn Đại Vỹ đã khoanh một vùng hồ rộng 28 mẫu và cùng với Giao Tác khoanh vùng đồng Ván; Giao Tác khoanh vùng Khúc Lân, Châu Phong khoanh các vùng đồng Rành (42 mẫu), đồng Bến (7 mẫu) đồng Trùng và Ao Cá
Khoanh vùng xong, những nơi có chứa nước đều cho nuôi cá, nhờ đó mà giá trị ngày công của xã viên lại được nâng cao
Kết hợp với việc khoanh vùng đào đắp các mương, các con đường đã được hình thành trên những cánh đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đi lại. Để dẫn nước vào ruộng, giải phóng sức người, một số Trạm bơm dầu cơ động cũng đã được trang bị đặt tại cầu Đỏ (Giao Tác), đồng Rợ, Ao Bớ (Châu Phong)… Đến năm 1965 các trạm bơm này bắt đầu hoạt động nhờ điện lưới từ trạm biến thế điện Đông Anh
Từ giữa năm 1963 thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất thực phẩm đi đôi với sản xuất lương thực, các HTX bắt đầu xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn tập thể. Bước đầu cũng có khó khăn về giống, vốn cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi nhưng do quyết tâm của cán bộ nên chuồng trại lần lượt được xây dựng ở các thôn, lợn giống được mua về, mỗi HTX đã có vài chục rồi đến vài trăm con. Để quản lý và chăn nuôi số lợn này, mỗi HTX phải cử ra một tổ chăn nuôi riêng. Sau gần một năm chăn nuôi, lứa lợn đầu tiên đã được xuất chuồng với khối lượng trung bình từ 60 đến70 kg. Lợn nuôi được, phần lớn bán cho Nhà nước để làm nghĩa vụ, số còn lại được giết chia cho xã viên bồi dưỡng vào những dịp Lễ, Tết hoặc liên hoan mừng công…Ngoài chăn nuôi lợn, một số HTX còn nuôi cả trâu để làm sức kéo phục vụ việc cầy bừa cho kịp thời vụ
Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề thủ công cũng được tổ chức lại thành các HTX tiểu thủ công. Những người làm nghề thợ mộc, thợ nề cũng được đưa vào HTX để quản lý. Năm 1961 thành lập HTX Sơn Mài có trụ sở đặt tại Cầu Đê thôn Châu Phong do ông Nguyễn Văn Ngỗi làm Chủ nhiệm. Năm 1964 thành lập HTX sản xuất bánh kẹo, thu hút nhân công của cả Đại Vỹ và Giao tác, địa điểm sản xuất cũng ở thôn Châu Phong. HTX này chỉ duy trì được 3 năm thì giải thể vì làm ăn kém hiệu quả
Trong thời kỳ này, các HTX đều phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như làm nhà kho, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi. Để có gạch ngói xây dựng, HTX còn tổ chức đun cả lò gạch để cung cấp gạch ngói cho ngay HTX của mình
Trong thời kỳ thực hiện kế hoach 5 năm lần thứ nhất, các mặt văn hoá, giáo dục, y tế cũng được chú ý phát triển ngang tầm với phát triển kinh tế.
Năm học 1961-1962 trường phổ thông (PT) cấp I được mở rộng, cùng năm đó trường PT cấp I - II Liên Hà được thành lập (mới đầu chỉ có hai lớp 5) sang năm học 1962 -1963 và 1963-1964 số học sinh cả hai khối đều tăng.
Năm 1964 Liên Hà còn thành lập thêm trường Mẫu giáo - Vỡ lòng với ba lớp (Đại Vỹ có một lớp). Các cô giáo được chia công điểm, các cháu được HTX hỗ trợ một phần cho bữa ăn.
Để nâng cao trình độ cho cán bộ đảng viên, phong trào học bổ túc văn hoá vẫn được duy trì đều đặn, các mặt văn nghệ, thông tin- tuyên truyền cũng được đẩy mạnh hơn. Chính quyền nhân dân xã được củng cố, lực lượng dân quân du kích vẫn thực hiện tốt các kỳ huấn luyện hàng năm, cùng với công an tuần tra giữ gìn trật tự trị an bảo vệ an toàn thôn xóm, các thôn lập tổ hoà giải để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân.
Từ năm 1961 đến đầu năm 1965, Hà Vỹ luôn luôn hoàn thành các nghĩa vụ như thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí, bán thực phẩm, tuyển quân…đối với Nhà nước
Sau ngày 5 - 8 -1964 (Sự kiện Vịnh Bắc Bộ), theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ, các chi bộ ở Hà Vỹ đã rà soát lại lực lượng chiến đấu chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cũng từ thời điểm này, phong trào tái ngũ trong số các quân nhân phục viên của các thôn được tiến hành
Công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cũng có những bước tiến mới, nhằm làm cho chi bộ xứng tầm với nhiệm vụ là vai trò lãnh đạo toàn dân. Chi bộ coi trọng nâng cao chất lượng đảng viên, thông qua các đợt sinh hoạt chính trị và phong trào phấn đấu thành “Chi bộ bốn tốt”
Bước sang năm 1965 (năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Những kết quả lao động quên mình của cán bộ và nhân dân Hà Vỹ trong 10 năm khôi phục và phát triển kinh tế đã làm cho quê hương đổi thay cơ bản. Dù đời sống vật chất còn có khó khăn nhưng không khí làng xóm rất yên vui phấn khởi, lòng dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đó là nhân tố vững chắc để cán bộ và nhân dân Hà Vỹ sẫn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy thử thách hy sinh