.2. Chiến đấu bảo vệ quê hương và tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (Từ T4/1949 đến T10/1954) Từ khi xã Liên Hà được thành lập thì các mặt công tác trong toàn xã đều do Chi uỷ Đảng và UBKC-HC chỉ đạo thống nhất. Tổ đảng và Chính quyền các thôn ở Hà Vỹ chỉ việc triển khai thực hiện các chủ trương do Chi uỷ đề ra. Vì mới sáp nhập, công việc rất nhiều, Chi uỷ đang triển khai thì giặc Pháp bắt đầu tấn công Liên Hà. Thế là quân và dân Liên Hà chính thức bước vào cuộc chiến đấu ác liệt đầy hy sinh gian khổ cho tới ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954) Ngày 6-8-1949 (12 tháng Bẩy năm Kỷ Sửu) quân Pháp bắt đầu tiến vào càn quét các thôn bán xã phía Bắc Liên Hà, còn các thôn của Hà Vỹ chúng không tới, nhưng chúng đã bắn đại bác vào khu đồng Trùng, Châu Phong, làm cho một số người dân thiệt mạng. Cuộc chiến đấu giữa dân quân du kích và bộ đội địa phương với quân địch rất quyết liệt, nhưng địch đông, võ khí tốt, quân ta phải vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng, cốt sao cản bước tiến của quân địch để cho đồng bào chạy thoát Ngay đêm hôm đó một số gia đình trong làng đã đi tản cư lên vùng tự do ở Đông Lâm, Hiệp Hoà Bắc Giang lánh nạn. Ngày 9-11-1949 (19 tháng Chín năm Kỷ Sửu) giặc Pháp lại dùng một lực lượng khá đông (tới 4 tiểu đoàn tinh nhuệ ) ở các bốt Cầu Đuống, Từ Sơn, Đông Anh và Phù Lỗ tấn công vào các thôn của Hà Vỹ. Chúng tiến theo ba mũi đều bị quân ta đánh chặn lại: Phía tây vào thôn Châu Phong theo đường cầu Rợ, du kích thôn Châu Phong và bộ đội địa phương Từ Sơn đã chặn đánh địch ở đầu làng. Phía Đông dân quân du kích thôn Đại Vỹ cũng chặn đánh địch ở đường cổng cầu Mới còn dân quân du kích thôn Giao Tác chặn đánh địch ở đường đồng Rạnh từ phía Thiết úng sang. Cuộc chiến đấu đã diễn ra hết sức quyết liệt suốt từ sáng đến chiều tại các chốt điểm do quân ta bố trí ở ria làng. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm kiên cường song vì quân địch đông lại vô cùng hung hãn, đến khi quân ta hết đạn đành phải bỏ chốt rút lui xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Khi địch chưa vào được làng, chúng đã dùng các loại súng bắn xối xả ra các cánh đồng Châu Phong và Giao Tác làm cho nhiều người dân chạy ra cánh đồng bị chết và bị thương. Khi quân ta ngừng chiến đấu, quân địch mới tiến được vào làng, khi chúng vào được làng chúng đã điên cuồng tàn phá nhà cửa bắt người đánh đập dã man. Trận càn hôm đó dân ta chết nhiều. Riêng Châu Phong đã chết 30 người trong đó có cả Chủ tịch Đỗ Văn Chù và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chuyền Trận càn hôm đó cả ba thôn chết hơn 70 người, 20 cán bộ và du kích bị bắt. Ngoài ra chúng ta còn thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Về phía địch cũng có 43 tên phải đền mạng và nhiều tên bị thương Ngày 19 tháng 9 năm ấy là một ngày tang tóc đau thương, mãi mãi ghi nhớ trong ký ức của người dân Hà Vỹ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Để giải quyết hậu quả, các tổ Đảng cùng với lãnh đạo thôn đã lo mai táng những người bị chết, tổ chức giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nhiều về của cải, dựng lại nhà cửa cho những gia đình bị đốt do địch gây ra. Sau trận càn đó, đại bộ phận nhân dân rất hoang mang lo sợ, nhiều gia đình đã phải bỏ làng đi tản cư lên Đông Lâm, Trung Định…(huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) và Phố Giá (Thái Nguyên) để tránh giặc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, dân quân du kích cũng bắt đầu dao động, một số bỏ công tác theo gia đình lên vùng tự do hoặc ra Hà Nội lánh nạn.. Đến cuối năm, địch còn hai lần càn vào Hà Vỹ nhưng cán bộ du kích của ta không chặn đánh mà rút hết xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng, mặc cho địch tự do vào làng bắt bớ cướp bóc của cải. Khi biết địch quây làng, nhân dân đã tập trung tại đình, nghè và một số nhà để địch không làm gì được. Đó cũng là hình thức đoàn kết đấu tranh với địch Năm 1950 là năm thứ hai mà nhân dân Hà Vỹ bước vào cuộc chiến đấu với địch. Để kiểm soát toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ, địch đã tăng cường càn quét các xã trong huyện. Đoạn đường quốc lộ số 1 thuộc địa phận huyện Từ Sơn, địch cho sửa lại để phục vụ các cuộc hành quân nhằm đàn áp lực lượng kháng chiến và mở rộng vùng chiếm đóng Tại Hà Vỹ, chúng cũng tăng cường đàn áp, bắt các làng phải vào tề, ở phía đông có làng Đồng Kỵ, phía Tây có làng Dục Nội, Giỗ Giao (xã Việt Hùng), phía Nam, chúng xây bốt Cầu Tây gần làng Dục Tú, tạo thành một thế bao vây hai xã Liên, Vân Hà. Địch tăng cường hoạt động quây càn dựa vào những tên phản động ở các làng tề để chỉ điểm và trấn áp phong trào kháng chiến của ta. Ngày 13 - 3 -1950 (25 tháng Giêng năm Canh Dần) địch quây Hà Vỹ gây thiệt hại rất nhiều. Chúng bắt được một thanh niên Đại Vỹ rồi tra tấn rất dã man, bắt phải chỉ hầm bí mật. Do không chịu được đòn tra tấn dã man của địch, thanh niên này đã phải chỉ hai hầm bí mật làm cho 7 đồng chí cán bộ và du kích phải hy sinh. (trong đó có các anh Nguyễn Văn Bẩy, Nguyễn Văn Tậu, Dương Văn Hữu, Lê Văn Bồn và đ/c An (con nuôi cụ Mặc Đại Vỹ - là đại đội trưởng bộ đội Từ Sơn). Trong hầm đó còn có đ/c Nguyễn Văn Quí (Đại Vỹ) đang là Xã đội trưởng cũng bị chúng bắt và tra tấn dã man, chúng dong đi khắp các ngõ trong thôn, bắt phải chỉ hầm, song đ/c ấy quyết không khai để giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản. Lợi dụng lúc địch sơ hở đ/c đã bỏ chạy để thoát thân, địch đuổi theo và bắn đ/c chết ở ao nhà cụ Nhiêu La gần nhà, khi đó còn rất trẻ mới có 33 tuổi đời. Ngoài cán bộ du kích hy sinh còn có nhiều người dân cũng bị chúng bắn chết, nhiều người bị bắt bị đánh đập rất dã man. Ngày hôm đó cũng là ngày tang tóc đau thương cho nhiều gia đình của hai thôn Đại Vỹ và Giao Tác. Ngày 23-3-1950, địch càn vào thôn Châu Phong bắt được anh Phạm Văn Ba là du kích, chúng đem đi biệt tích rồi thủ tiêu Ngày 19-4-1950, địch lại quây thôn Châu Phong, do cán bộ du kích chúi hầm, chúng không bắt được ai nên đã điên cuồng đánh đập nhiều người dân rồi đốt nhà cướp của gây bao thiệt hại cho thôn Để cắt đứt đường dây liên lạc từ vùng tạm chiếm lên vùng tự do, tháng 3 năm 1950, địch xây thêm bốt Chờ và bốt chợ Núi (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nên việc đi lại của cán bộ và nhân dân xã ta gập rất nhiều khó khăn nguy hiểm Trước sức o ép của địch, nhân dân rất hoang mang lo sợ, được sự đồng ý của Huyện uỷ và chỉ đạo của Chi uỷ, các thôn của Hà Vỹ cũng phải lập tề nhưng chỉ là tề giả hiệu nghĩa là về hình thức là có Ban tề nhưng việc hoạt động lại theo chỉ đạo của ta Cuối tháng 5 năm 1950 bộ máy tề ở các thôn Đại Vỹ, Giao Tác, Châu Phong lần lượt được hình thành. Các Ban tề này đều có cán bộ của ta tham gia hoặc quần chúng tốt của ta đưa vào. Mọi hoạt động của các Ban tề đều do ta chỉ đạo. Thấy các Ban tề không giúp được gì cho chúng, địch sinh ra nghi ngờ. Chúng đã lập mưu ở Ban tề thôn Châu Phong để bắt các ông Đỗ Văn Hưởng và Đỗ Xuân Sam nhưng do cảnh giác đề phòng nên hai ông ấy đã không bị bắt. Tức tối, chúng đã cho lính đến dỡ nhà ông Sam để phá hoại kinh tế gia đình Việc lập tề của địch không theo ý chúng nên chúng vẫn tiếp tục khủng bố, quây càn lùng sục, bắt cán bộ du kích nằm vùng, do ta có hầm bí mật và kinh nghiệm đối phó với địch nên cũng ít tổn thất hơn Đầu năm 1951 sau thất bại ở chiến dịch Biên giới, địch lâm vào thế bị động, chúng co về giữ chắc vùng đồng bằng, bằng cách thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc đồng thời củng cố lại bộ máy tề ngụy, tăng cường càn quét uy hiếp các làng để vây bắt cán bộ du kích. Địch tập trung vào các xã chúng chưa kiểm soát được (trong đó có Liên Hà) gây cho ta không ít khó khăn. Trong sáu tháng đầu năm 1951 địch nhiều lần vây càn vào Hà Vỹ làm cho nhiều người bị bắt, bị đánh đập, tra tấn hãm hiếp rất dã man Ngày 9 - 7 (mồng 6 tháng Sáu năm Tân Mão) địch vây thôn Châu Phong, anh Phạm Văn Phái là Trưởng ban tuyên truyền của xã bị bắt vì lộ hầm, chúng đem lên bốt Phù Lỗ tra tấn rồi bắn chết anh. Cũng hôm đó chúng còn bắt 21 cán bộ du kích thôn Châu Phong, trong đó có anh Phạm Thược (tức Ha) đang là Trưởng thôn, và Phạm Văn Phan em ruột Phạm Văn Phái. Ngày 28-7 (25 tháng Sáu năm Tân Mão) địch lại vây thôn Châu Phong. Chúng bắt được anh Phạm Văn Hưu là huyện uỷ viên ở một hầm bí mật. Chúng nghi anh là cán bộ lãnh đạo nên tra tấn rất dã man. Mặc dầu vậy anh vẫn không chịu khai báo, biết không thể lay chuyển được khí phách của người đảng viên cộng sản, tối hôm đó chúng đã bắn anh ở bãi Trám xã Việt Hùng Để tăng cường đàn áp các lực lượng du kích và trấn an được dân chúng trong vùng, tháng 11-1951 địch cho xây bốt Thiết Bình xã Vân Hà để cùng với bốt Cầu Tây (Dục Tú) và bọn tề phản động làng Dục Nội làm thành thế gòng kìm bao vây xã Liên Hà. Trong thời gian này địch bắt dân ta phải làm thẻ căn cước để quản lý nhân khẩu, ai đi đâu đều phải mang theo thẻ nếu không có thẻ, chúng sẽ bắt vì cho đó là người nơi khác về hoạt động nằm vùng Sau khi tạm trấn an được bốn xã Minh Đức, Châu Khê, Nghĩa Khê, Vân Hà, địch tập trung quyết phá cơ sở kháng chiến của Liên Hà trong đó có Hà Vỹ. Chúng củng cố Ban tề, thanh lọc những người chúng còn nghi vấn (cho là của ta cài vào). Lập Ban tề mới theo ý đồ của chúng, trong thời gian đó ông Ngô Văn ở thôn Giao Tác được cử ra làm Lý trưởng, do sức ép của địch ông ấy đã bắt dân xây bốt ở đình Hà Vỹ. Để có người bảo vệ ông ta đã lấy một số thanh niên trong thôn (gọi là lính bảo an) đi cùng, ban ngày về làng lùng sục, tra xét khủng bố những gia đình có nuôi dưỡng giúp đỡ du kích bộ đội, còn tối thì lên bốt ở, vì sợ ta bắt. Lý Ngô không phải thuộc thành phần lớp trên, bản thân chỉ làm nghề chài lưới kéo vó kiếm ăn, không có hằn thù gì với cách mạng, chính con trai duy nhất của ông cũng tham gia du kích và bị địch phục kích bắn chết trong lần đi công tác lên vùng tự do. Lý Ngô theo địch có lẽ do hoang mang sợ hãi, cũng muốn yên thân, giúp dân yên ổn làm ăn nên đã nhận làm Lý trưởng, nhưng rồi bị địch o ép bắt phải làm theo ý chúng, do đó đã mắc phải lỗi lầm. Vì thế mà ông ta đã phải đền mạng do bộ đội Từ Sơn và du kích xã ta đột nhập vào làng Thiết Bình hạ sát cùng với tám tên phản động khác vào đêm 19-1-1952 (23 tháng Chạp năm Tân Mão) trong khi đang chơi bạc với nhau. Bốt Hà Vỹ và Châu Phong xây chưa được bao lâu đã bị bộ đội và du kích địa phương đặt bộc phá. Chỉ một tiếng nổ rung trời chuyển đất, bốt đã tan tành. Bốt không còn, địch rất tức tối nhưng không làm gì được dân ta Mặc dù địch càn đi quét lại nhưng phong trào chống địch của quân dân Hà Vỹ vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển, đội ngũ cán bộ đảng viên và lực lượng dân quân du kích của ba thôn vẫn kiên cường bám đất bám dân giữ vững cơ sở. Tuy cũng có người ban đầu tham gia hoạt động rất tích cực nhưng sau bị bắt hoặc vì hoàn cảnh gia đình đã thôi công tác, chạy ra Hà Nội cầu an hoặc lên vùng tự do làm ăn sinh sống. Có kẻ lại phản bội nhân dân làm tay chân cho địch đã chỉ điểm để bắt cán bộ của ta và làm hại phong trào kháng chiến nhưng trong suốt thời gian tạm chiếm không có một thanh niên nào của làng đi lính cho địch.. Hầu hết cán bộ đảng viên của các thôn luôn vững vàng kiên định, đồng chí này bị bắt hoặc hy sinh đã có đồng chí khác thay thế. Nhiều đồng chí là tấm gương sáng để cho cán bộ và quần chúng noi theo như bà Nguyễn Thị Thuyết (vợ ông Lê Liêm thôn Đại Vỹ) hai lần bị địch bắt và tra tấn rất dã man, trong đó có lần đang mang thai cháu đầu lòng (cô Chính). Mặc dầu bị tra tấn bằng cách đổ nước vào mũi cho sặc sụa ngạt thở giữa mùa đông giá rét, nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản quyết không khai để bảo vệ an toàn cho cán bộ đang ở dưới hầm bí mật Ngoài những tấm gương hy sinh oanh liệt của các đ/c cán bộ đảng viên trên mảnh đất quê hương, còn có những tấm gương dũng cảm hy sinh chiến đấu ở các nơi khác tiêu biểu nhất là anh Nguyễn Văn Phàn thôn Châu Phong. Anh Nguyễn Văn Phàn tham gia bộ đội Từ Sơn năm 1949 khi mới 17 tuổi, anh được đơn vị phân công làm giao liên. Ngày 10-2-1950 Huyện uỷ và UBKC-HC huyện Từ Sơn họp ở xã Văn Môn (nay thuộc huyện Yên Phong Bắc Ninh) anh được giao nhiệm vụ canh gác và bảo vệ một cuộc họp quan trọng, thì bất ngờ địch vây càn. Hơn 30 cán bộ huyện đang họp phải chạy vào một hầm bí mật để ẩn náu. Anh bị địch bắt, và bị tra tấn rất dã man tàn bạo nhưng anh vẫn không khai nơi có hầm bí mật, cuối cùng chúng đã dùng dao xẻo từng miếng thịt cho tới chết. Anh đã hy sinh khi còn rất trẻ, song đã bảo vệ được tính mạng cho 30 cán bộ đảng viên của huyện Từ Sơn trong đó có cả các đồng chí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Phàn luôn khắc sâu trong trí nhớ của người dân Hà Vỹ Để ca ngợi tinh thần dũng cảm và khí phách anh hùng bất khuất của anh, sau khi anh hy sinh đã có người sáng tác một bài hát về anh trong đó có những câu: “Anh Phàn quê ở Châu Phong... ú Châu Phong mà Châu Phong Tham gia hàng ngũ....ú dân quân mà dân quân Quan Đình nổ súng....ú bao vây mà bao vây....” 55 Năm sau, anh Phàn đã được Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng anh hùng các lực lượng vũ trang - người duy nhất được phong anh hùng ở Hà Vỹ (Quyết định số 496 QĐCTN ngày 2 tháng 5 năm 2005) Trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, ngoài đội ngũ cán bộ đảng viên, dân quân du kích dũng cảm kiên cường giữ vững phong trào, trong các đoàn thể và quần chúng nhân dân còn xuất hiện những tấm gương dũng cảm, sẫn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để bảo vệ và giúp đỡ cán bộ làm xúc động lòng người, đó là: Ông Phạm Văn Cường ở Châu Phong: Một lần địch quây thôn, ông vừa đậy xong nắp hầm bí mật cho anh Phạm Văn Hưu đang là huyện uỷ viên và một số cán bộ khác thì bọn địch ập tới. Chúng bắt ông và tra tấn dã man song ông vẫn kiên quyết không khai nơi có hầm bí mật và bảo vệ an toàn cho anh Hưu và một số cán bộ nữa. Vì địch tra tấn rất tàn bạo độc ác nên sau đó ít ngày, ông đã hy sinh, ông đã được công nhận ngay là liệt sĩ Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp Hà Vỹ có rất nhiều gia đình đã giúp đỡ nuôi dưỡng và bảo vệ bộ đội, các gia đình này đã được nhà nước tặng bằng khen hoặc huy chương kháng chiến (xem phụ lục 3) Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương hy sinh của nhiều gia đình và cá nhân đã tích cực hoạt động cách mạng nhiều người bị địch tra tấn đánh đập rất dã man hoặc tù đầy khốn khổ như ông Lê Văn Tồn, bà Đỗ Thị Hai (bà Bùi), bà Dương Thị Bẩy (Hồng), và các chị Đỗ Thị Năm (Cảnh), Đỗ Thị Bốn (Quang), Ngô Thị Nhẫn (Bảo), Lê Thị Mây …(Đại Vỹ), bà Đỗ Thị Ba (bà Thát), chị Đỗ Thị May, Phạm Thị Minh (Hịch) chị Đỗ Thị Sánh…(Giao Tác), ông Phạm Văn Lĩnh, ông Đỗ Văn Nghĩa, chị Phạm Thị Thoi, Phạm Thị Phận…(Châu Phong) Cuối năm 1951 quân ta mở chiến dịch Hoà Bình đến cuối tháng 2 năm 1952 chiến dịch kết thúc thắng lợi. Do ta thắng lớn ở chiến dịch này đã tạo thuận lợi cho phong trào chống địch ở vùng địch hậu. Huyện uỷ Từ Sơn quyết định mở khu du kích liên hoàn gồm các xã Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú, Châu Khê nối với khu du kích Đông Anh. Việc lập khu du kích này đã làm thay đổi thế và lực giữa ta và địch. Trước đây địch muốn làm gì chúng đều làm được, nay thì không thể, vì ta có lực lượng khá hùng mạnh làm cho địch phải dè chừng Để đối phó với phong trào kháng chiến của ta, ngày 20 - 01-1952 (24 tháng Chạp năm Tân Mão) địch dùng một lực lượng lớn bao vây thôn Châu Phong sau đó chúng tiến vào thôn lùng sục rồi phát hiện được một hầm bí mật tại nhà ông Đỗ Văn Nghĩa. Dưới hầm có ông Nghĩa cùng hai du kích thôn và hai bộ đội Từ Sơn. Cả năm người không chịu đầu hàng đã cố thủ chiến đấu rồi đều bị hy sinh Hai tháng sau, ngày 30-3-1952 (24 tháng Hai năm Nhâm Thìn) địch lại càn vào thôn Châu Phong và tìm thấy một hầm bí mật, dưới hầm có hai nữ du kích là chị Phạm Thị Phận và Đỗ Thị Nhấp. Chúng gọi không chịu lên vẫn cố thủ dưới hầm để chiến đấu, vì vậy chúng đã ném lựu đạn xuống hầm làm cả hai chị đều phải hy sinh trong khi còn rất trẻ. Những thắng lợi đầu tiên của đợt phá tề diệt bốt ngăn chặn địch quây càn đã mở ra một cục diện mới cho phong trào chống địch của xã ta. Từ đó sự o ép của địch đã giảm bớt. Ta chủ trương xây dựng các thôn thành một vùng du kích mạnh, làm cơ sở tin cậy cho nhiều xã quanh vùng Vì vậy cơ quan của xã và huyện đã lấy thôn Châu Phong làm địa điểm đóng trụ sở. Đội giao liên làm nhiệm vụ đón cán bộ các địa phương tới, rồi đưa lên vùng tự do và ngược lại. Đội giao liên này phần lớn là do các chị em phụ nữ đảm nhiệm trong đó ở Hà Vỹ có các chị Phạm Thị Thoi Đỗ Thị May...tham gia. Các chị em này đã đưa nhiều cán bộ các xã và huyện lên vùng tự do đi về an toàn Phong trào kháng chiến của Liên Hà phát triển mạnh đã tác động tích cực đến phong trào các xã trong vùng. Địch lo sợ và tìm cách đối phó, chúng đem quân lập lại bốt Thiết Bình và từ bốt này hàng ngày đem quân lùng sục các làng. Để loại bỏ sức ép của bốt này, ngày 16 tháng 6, bộ đội Từ Sơn phối hợp với du kích các xã (có sự trợ giúp của nội ứng) đã đánh bốt Thiết Bình, diệt hai trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng, từ đó đã phá bỏ được thế kìm kẹp của địch trong vùng. Du kích Hà Vỹ còn tham gia phục kích ở làng Dục Nội phá huỷ hai xe cơ giới, diệt 25 tên, trong đó có hai tên ác ôn khét tiếng là đội Hồng và đội Liên. Bị thua đau, địch càng điên cuồng quyết trấn áp bằng được các lực lượng kháng chiến trong vùng trong đó có Hà Vỹ. Chúng lập lại bốt Thiết Bình tăng cường lực lượng để chốt tới cùng, hàng ngày chúng cho lùng sục bao vây các làng xung quanh. Ngày 27-12-1952 (ngày 11 tháng Một (T11) năm Nhâm Thìn) địch quây hai thôn Đại Vỹ và Giao Tác. Sáng sớm hôm đó, tất cả trẻ già, trai gái hai thôn đều phải ra đình tập trung, địch vào làng lùng sục bắt người tra tấn dã man bắt phải chỉ hầm bí mật. Hôm đó chúng ở suốt ngày đêm trong làng. Một số cán bộ và du kích của hai thôn đều phải chúi ở dưới hầm bí mật. Ở Đại Vỹ anh Ngô Văn Lục và anh Nguyễn Hữu Cảnh chúi chung một hầm, đến tối các anh đã phải đội nắp hầm lên, trước khi chạy ra cánh đồng, hai anh còn đến mở nắp hầm cho anh Thảng (người Vân Điềm đang là Phó Chủ tịch huyện Từ Sơn), Phạm Văn Nho và chị Phạm Thị Thu ở hầm nhà ông Liêm sau đó sang mở nắp hầm cho ông Mão (một cán bộ địch vận của tỉnh) rồi cùng nhau đi ra cánh đồng chạy sang làng Hà Hương nên thoát nạn. Cũng trong ngày hôm đó chị Đỗ Thị Năm – vợ ông Cảnh) bị địch bắt và bị tra tấn rất dã man bằng cách lấy nước giải đổ vào mồm vào mũi, mặc rầu chị biết hầm bí mật ở đâu song quyết không khai, nên đã bảo vệ được tính mạng của nhiều đồng chí. Cũng đêm đó ở Giao Tác anh Đỗ Văn Sưu (anh Hai Cận) chúi ở dưới hầm, đến tối anh đội nắp hầm lên để chạy ra cánh đồng nhưng không may bị địch phục kích bắn chết rồi chúng chôn anh ở ven đường cái rìa làng Sang năm 1953 cục diện chiến trường giữa ta và địch đã hoàn toàn thay đổi, địch bị thất bại trên chiến trường Tây Bắc chúng càng lún sâu vào thế bị động. Ở vùng hậu địch, chúng cũng bị quân ta đánh liên tiếp làm cho chúng “ăn không ngon, ngủ không yên”. Tại Từ Sơn phong trào chiến tranh du kích tiếp tục lên cao, khu du kích được mở rộng ra nhiều xã, quân ta đã có thể chủ động đánh phá các đồn bốt của địch ở trên địa bàn Từ Sơn. Địch không còn có thể hoành hành như trước nữa, lực lượng nghiêng hẳn về phía ta. Nhiều ban Tề ở các thôn không còn hoạt động, không giúp được gì cho địch, đã phải tự tan rã Đêm 30 tết Quí Tỵ (13-2-1953), bộ đội ta đánh bốt Cổ Loa, du kích Hà Vỹ đã hỗ trợ, giúp cho trận đánh thắng lợi nhanh chóng mà lại ít tổn thương, nghè Châu Phong là nơi đón thương binh liệt sĩ. Tháng 4-1953, Liên Hà được cử ba nữ du kích (Hà Vỹ có một là chị Đỗ Thị May) có thành tích xuất sắc đi dự Hội nghị thi đua của Quân khu Ba và được bầu là chiến sĩ thi đua trong các lực lượng du kích Từ năm 1953 tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có sự thay đổi, địch càng ngày càng yếu, ta càng ngày càng mạnh. Tuy Liên Hà nằm trong vùng địch hậu, song địch không thể nào kiểm soát nổi. Dân quân du kích và bộ đội ta hoạt động công khai, chúng muốn vây càn vào làng cũng khó. Không tiến được vào làng chúng đã dùng đại bác từ các bốt bắn vào làng để uy hiếp tinh thần và làm thiệt hại tài sản của nhân dân Ngày 5 tháng Chín năm Quí Tỵ (1953) địch đã bắn đại bác từ bốt Phù Lỗ vào hai thôn Đại Vỹ và Giao Tác làm cho nhiều người chết và bị thương, nhiều nhà bị đổ gây cho dân ta thiệt hại nặng nề. Hôm đó nhiều người dân của hai thôn Đại Vỹ và Giao Tác phải chạy vào bốt Thiết Bình để lánh nạn Do có phong trào du kích mạnh, lại nằm trên đường giao liên đi lên vùng tự do, vì vậy Huyện uỷ Từ Sơn đã giao nhiệm vụ cho Liên Hà đưa đón cán bộ thương binh từ Nam phần Bắc Ninh lên vùng tự do. Lúc đầu đi theo đường từ Liên Hà qua Thuỵ Lâm, Quan Đình rồi theo đường 16 vượt sông Cầu đến vùng tự do Hiệp Hoà Bắc Giang. Về sau đi theo đường Nhạn Tái qua sông Cà Lồ vượt vành đai trắng Núi Đôi rồi đến vùng tự do Ngoài ra giao liên Hà Vỹ còn đưa đón, bảo vệ các đoàn dân công chuyển lương thực lên vùng tự do và tiếp nhận hàng binh, tù binh rồi đưa chúng ra vùng tự do an toàn. Trong khi làm nhiệm vụ đưa đón và bảo vệ các đoàn dân công, một số du kích đã hy sinh như anh Đỗ Văn Thoái (thôn Châu Phong) hy sinh khi dẫn đường cho dân công đưa gạo lên Hiệp Hoà (đầu năm 1951) Cùng với việc che trở bảo vệ giúp đỡ cán bộ, bộ đội du kích, nhân dân Hà Vỹ còn tích cực đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Các nghĩa vụ thuế, mua công phiếu kháng chiến "Hũ gạo nuôi quân" v.v. đều được nhân dân tích cực tham gia Đóng góp đáng kể nhất của nhân dân Hà Vỹ là đi dân công phục vụ các chiến dịch lớn như Hồng Quảng, Hà Nam Ninh, Hoàng Hoa Thám (1951), Tây Bắc (1952) và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ (đầu năm 1954). Phong trào tòng quân của thanh niên Hà Vỹ sôi nổi trong suốt những năm kháng chiến, cả Hà Vỹ đã có hàng trăm thanh niên tham gia quân đội chiến đấu ở khắp các chiến trường trong đó có nhiều anh đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp