ạn thấy trong đạo xử thế có những cái “Đừng” làm cho ta khỏi gây ác cảm. Bạn nên quan tâm thi hành những đức tính nghịch lại cùng các tật xấu chúng tôi bàn cùng bạn ở trên. Sau đây, chúng tôi chỉ bàn vài đức tính quan hệ nhất. Có những đức tính này giá rủi nghèo kém các đức tính khác, không đến nỗi bị nhiều người oán ghét. Bạn thử thi hành coi nào. 1. Phải thành thật. Chúng ta có ý thu tâm lâu bền, có ý kiến những bè bạn giúp ta đắc lực luôn, có ý sống hạnh phúc với kẻ khác chớ không phải chủ tâm lường gạt thiên hạ trong một thời gian để chiếm đoạt một lợi lộc nào. Vì thế lối giao thiệp của chúng ta không thể lấy sự giả dối làm nòng cốt được. Mà trái lại, chúng ta phải xử đối với tất cả sự chân thành. Trong tâm tưởng của chúng ta thế nào thì khi hành động nói năng, ra điệu bộ chúng ta cũng phải biết thế ấy. Có thể chúng ta xử đối vụng về, lạnh lạt, có thể chúng ta sai lầm, nhưng nếu chúng ta thành thật, sau cùng kẻ khác cũng hiểu ta, có thiện cảm với ta. Dùng môi miệng, đa ngôn để nói mình tốt bụng, để nịnh hót chỉ dụ, hoặc được những con người nông nổi, chỉ mua lòng những kẻ sâu sắc trong một thời gian rồi sau cùng cũng bị người ta am hiểu ruột gan giả dối của mình và oán ghét. Vả lại, ta hơi đâu mà giả dối cho nổi. Cuộc đời, có không biết bao nhiêu hạng người với trăm nghìn thứ tính nết khác nhau. Rồi mỗi người cũng thay đổi tính tình theo thời gian, hoàn cảnh. Làm sao chúng ta có đủ thứ mánh lới để làm đẹp lòng mọi người. Điều tai hại nhất là dù ta khéo tráo trở cách nào, chính việc tráo trở, chiều chuộng cách giả dối của ta đối với nhiều người, kẻ khác cũng nghi ngờ ta mất ở ta sự tín nhiệm. Vậy chi bằng ta ở thành thật với hết mọi người. Ta cứ ăn ngay nói thẳng, Điều gì cần cho kẻ khác biết, ta cho biết, như ta tưởng. Khi phải thi thố lòng tốt của mình, ta thi thố cách tự nhiên không nhiều lời, kiểu cách, khách sáo, không có thái độ lòe đời. Lúc nào ta cũng muốn kẻ khác hòa thuận hạnh phúc, thành công vì thế ta không khi nào láo xược, hại ai, tính mưu kế làm cho kẻ khác bất hòa khốn nạn và thất bại. Nếu trong xã hội mà bạn sống thành thật như vậy chúng tôi dám chắc bạn sẽ có nhiều thân hữu và sẽ thấy đời mình đầy êm vui. Một lời nói của bạn có giá trị như một giấy giao kèo nên ai cũng tín nhiệm bạn. Người ta coi bạn như mình, nên khi có công việc vì đại sự cần giải quyết cách sáng suốt thì đến bạn. Có thể khi mới gặp một người nào, vì thành thật, bạn không bu lu bu loa, không nhiều lời, nhiều thái độ niềm nở, nên họ hiểu lầm bạn, bạn cho là lãnh đạm, hiểm tâm... Nhưng không sao, bạn. Thời gian sẽ trả tín nhiệm lại cho bạn. Người ta, sau khi chạy chơi cùng những kẻ láo xược, già hàm, bịp bợm, môi miếng bị thất bại, bị bạc đãi, sẽ từ từ trở về bạn, có thiện cảm sâu xa với bạn. Hơn nữa, có khi sống trong một xã hội, bởi bạn thành thật ít nói nên không có nhiều kẻ đến chơi giỡn mua vui. Nhưng bạn đừng tưởng không ai quý mến bạn. Ngay trong hạng hay giỡn cợt, ham giao du cùng những kẻ giả dối vẫn mến phục bạn cách chân thành. Họ sở dĩ lui tới thường cùng kẻ môi miếng chỉ vì nhu cầu háo thắng, vì thiếu tự chủ, vì ham hài hước, vì không ở một mình được. Song lúc tới cùng những kẻ ấy để giải trí chớ không phải để tính những việc quan hệ, thường thường họ bỏ bè bạn, ít chơi giỡn với bạn, song khi có việc đại hệ họ đến bạn ngay. Vậy tóm lại, xin bạn hãy xử thế bằng tất cả sự thành thật. 2. Phải hiền dịu. Ở đâu vào thời nào người ta cũng đều tự nhiên quý mến kẻ hiền dịu. Tại sao? Có lẽ có nhiều lý do khác. Những chắc chắn là tại người ta thấy trong kẻ hiền dịu một người bạn thân. Ruồi tự nhiên ưa đường mật. Con người cũng ưa sự hiền dịu. Thấy trong ai có sự êm dịu, có sự thân thiết thì tìm đến, trao đổi tâm hồn và cho sự sống chung với kẻ ấy là hạnh phúc. Nếu bạn dùng vũ khí hãm hại một người yếu thế hơn bạn, nếu bạn quát tháo, thịnh nộ, đe dọa một đứa con nít thì có thể hai thứ người ấy làm thinh, chịu thua bạn. Nhưng chúng tôi quyết trong thâm tâm họ không mến phục bạn gì hết. Chừng nào kẻ yếu có vũ khí như bạn, chừng đứa con nít lớn khôn, bạn sẽ thấy họ đối với bạn làm sao. Lão Tử thật tỏ ra khôn hơn bọn chúng ta khi ông nói: “Nhu thắng cang, nhược thắng cường”. Trong xã hội, ít có thứ người tự nhiên ưa thích hung dữ, sự xằng xớm. Có nhiều kẻ khác phải có biện pháp mạnh đối phó mới chịu thua. Nhưng trong thâm tâm mọi người, kể cả kẻ ác này, đều có lòng mến thích cái êm dịu. Ai không biết làm thỏa mãn tính tự nhiên này của kẻ khác thời không trông gì dẫn dụ theo mình. Đã không dẫn dụ được còn gây thêm ác cảm nữa. Bất kỳ ai, dù kẻ học rộng, hay kẻ quê mùa dốt nát, một khi có lập trường nào khư khư giữ lấy không muốn kẻ khác cho mình là lầm. Có kẻ dám nóng cộc, hy sinh cả tình bạn, tình cốt nhục, quyền lợi để bảo tồn tư tưởng của mình nữa. Gặp những kẻ ấy bạn xẵng được không? Lửa đang cháy, muốn trừ nó, bạn lại nhen thêm lửa à? Dĩ nhiên bạn phải dùng nước, nghĩa là ăn nói mềm mỏng, tâm phục họ hơn là lý phục. Chúng tôi đồng ý với bạn rằng cần làm cho kẻ khác hành động theo lẽ phải, dù họ có ghét mình mặc kệ, chớ không nên khiến họ hành động vì cảm tình sợ e không dẻo dai. Nhưng bạn đừng quên chân lý này là con người ưa sự thật mà không ưa thấy kẻ khác đem lý lẽ cho mình biết rằng mình lầm, rằng mình phải theo lý lẽ của kẻ khác. Bạn không nhớ trong khoảng đời qua của bạn, có biết bao nhiêu cuộc bàn cãi sôi nổi, trong đó bạn có lắm đối phương của bạn lầm trăm phần trăm, mà họ vẫn cãi “gân” với bạn, vẫn cho mình là có lý và cho bạn lầm to. Có lẽ kinh nghiệm đã cho bạn thấy rằng mình cần nhịn hợp lý. Nhưng nếu chỉ ý tài lý luận của mình, đem đủ thức lối biện luận đổ vào đầu đối phương, sau cùng chỉ làm cho họ ghét mình và mình mệt thôi, chớ không thuyết dụ được họ. Muốn làm cho họ nghe theo mình, phải tấn công trái tim hơn là bộ óc của họ, nghĩa là phải dùng sự êm dịu, coi họ như bạn thân. Khi họ thấy mình coi họ là bạn thân rồi, mình nói lý gì họ cũng chịu. Vậy trong cuộc sống, hàng ngày, đối với ai bất kỳ, dù đối với kẻ bạn giáo dục hay cai trị cũng vậy, xin bạn đừng coi sự thuyết dụ như một chiến công hung ác để chiếm phần thắng khởi cho mình. Sự phán quyết tuyệt đối, độc đoán cộc cằn, xẵng xớm thường là của những tâm hồn còn chất dã man, chưa có kinh nghiệm về cuộc sống, không muốn làm việc cả. Phần bạn, bạn là kẻ có giáo dục đường hoàng, đã biết con người ưa êm dịu và muốn dẫn dụ kẻ khác để thi hành lý tưởng, xin bạn hãy lấy sự ngọt ngào làm lợi khí xã giao. Sự ngọt ngào giống như nước làm cho lửa giận kẻ khác không bừng lên được, khiến đầu óc họ hết chống đối với ta và nói ý chí của ta mật thiết với ý chí của họ. Lẽ dĩ nhiên, sự êm dịu của người quân tử, bạn đừng hiểu là sự nhu nhược. Người nhu nhược không có chí khí, không phán quyết độc lập, hay để cho kẻ khác ăn qua, ảnh hưởng và thường chỉ biết thưa: “Amen” khi kẻ khác quả quyết. Thứ người ấy chúng tôi không muốn bạn bắt chước, vì họ thay vì làm kẻ khác mến phục, lại biến thành đối tượng cho ai nấy ngạo cười. Sự êm dịu phải được ý chí chỉ huy và lý trí soi sáng. Bạn êm dịu vì bạn tự chủ, không sống theo bản năng hay nóng cộc, hay coi mình đại hệ và lo chà đạp kẻ khác. Bạn êm dịu vì bạn điềm đạm, nhẫn nhịn sự hung bạo kẻ khác dễ dàng và biết xử đối với kẻ thô lỗ bằng thái độ lịch sự. Bạn êm dịu, nhưng bạn thấy trước phải dẫn dắt đối phương đến chân lý mà bạn đã nhắm bạn sáng suốt lại họ mà không hay. Cho đặng nên người êm dịu trong tâm tưởng bạn nên có tinh thần bác ái, trong nhân phẩm, muốn lấy thái độ quân tử đối với hành động tiểu nhân, cương quyết dùng nước thắng lửa. Bên ngoài, bạn nên có lối đi hòa hoàn, đừng gằm gằm, bước nghe bực bực như có vẻ lúc nào cũng muốn chạy hơn là đi. Phong độ ấy khiến kẻ khác vừa thấy bạn là có cảm tưởng gặp một con người hung bạo, độc đoán hay quả quyết tuyệt đối hiếu chiến, nếu không dã man thì cũng chẳng văn mình lắm. Nên có lối đi hiền từ bước êm và chắc, mặt đưa tới trước điềm nhiên như lúc nào cũng tưởng để đón rước người hay để đối phó với những gì gây tai họa. Gương mặt luôn thản nhiên và điểm nét cười. Lúc bàn chuyện, hãy mở đầu như kẻ có gì quan trọng, nói chậm chậm, nói trong sự mỉm cười vừa nói vừa ngó ngay trông mắt người nghe nói với điệu bộ êm dịu của tay, nói cách hỏi, nói trong khiêm tốn. Khi bị kẻ khác bắt bẻ, hãy ôn tồn đặt lại vấn đề, xin họ trình bày hết ý kiến. Họ có gì sơ sót, không cần đính chính thì bỏ qua. Điều gì muốn họ đồng ý với mình thì xin họ giúp mình tìm sự thật. Nếu bạn xử thế như vậy thì, làm sao bạn không thu đặng lòng người. Chúng tôi xin bạn đọc câu Kinh Thánh này: “Các con hãy đọc cùng ta là kẻ hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng”. Và về sau trên bước đường đời nếu thấy ai dùng bạo lực, dùng lời nói xẵng xớm, giọng chua cay, độc đoán mà thành công, xin bạn đừng ham, sự thành công của họ sẽ nhất thời và là mẹ của những thất bại. Bạn nên tin rằng người đời, yêu mến, kính trọng kẻ hiền dịu bao nhiêu, thì cũng nhờn gớm kẻ hung dữ bấy nhiêu. Thứ người thô lỗ cộc cằn, phách lối, bạo ngược thường làm những tội ác và không bao giờ ai dám giao việc lớn trên đời như giáo dục, chỉ huy về chính trị, quân sự. 3. Phải nói chuyện hay. Phương thế thường dùng nhất là để dẫn dụ kẻ khác là nói chuyện hay. Chúng tôi bàn cùng bạn nhiều bí quyết dẫn dụ bằng lời nói trong quyển “Từ điển nghệ thuật thuyết phục”. Tạm ở đây, chúng tôi chỉ bài cùng bạn đôi điều cần thiết để mua lòng thiên hạ bằng ba tấc lưỡi thôi. Con người, tự nhiên ham nói thích giãi bày tâm sự. Được một kẻ thành thật chăm chỉ nghe mình thì cho là vạn hạnh và coi người ấy như là một tri âm. Điều này cho phái mạnh đã là sự thật, mà cho phái yếu còn là sự thật hơn nữa. Tại sao con người thích “diễn thuyết” cho kẻ khác như vậy? Có lạ gì. Con người tự nhiên muốn cá nhân mình được khen ngợi, muốn tỏ ra mình quan trọng và cũng tự nhiên thấy yếu đuối không kềm hãm được kín trong tâm hồn những niềm vui, nỗi khổ, những bí mật, tin tức. Đó chưa nói những tật dạy khôn, tật muốn chiến thắng kẻ khác bằng lý luận, tài ba... Bởi những tánh tự nhiên ấy, con người đa ngôn. Vậy muốn được lòng người, qui tắc thứ nhất bạn phải thi hành là chịu khó nghe họ nói. Nghe nói có giá trị như nói hay. Nghe ai cách thành thật có nghĩa là tôn kính họ, nhường nhịn họ, quý mến cá nhân họ, ngưỡng mộ tài đức của họ, tự mình làm học trò của họ. Như thế, kẻ được nghe không khoái lắm sao? Điều cần thiết là phải nghe với tất cả sự thành thật. Không thành thật xin bạn nhớ kỹ, không dẫn dụ được ai hết. Nếu trong khi nghe ai mà bạn nghe cách bất đắc dĩ, vừa nghe vừa ngó ra đường, vừa liếc con chuồn chuồn té dưới mương, vừa viết hay đọc báo thì có khác nào bạn xỉ vào mặt kẻ ấy và bảo họ rút lui không. Và làm như vậy nghĩa là gì nếu không phải là gây ác cảm. Có người tưởng rằng không nói, hay ít nói thì bàn chuyện cùng ai là việc dễ. Không. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta thấy sự thinh lặng, chăm chú nghe kẻ khác khó hơn là già hàm. Người biết nghe phải biết tự chủ, kềm hãm tật đa ngôn của mình, phải có lòng bác ái, mở nụ cười làm cho kẻ nói vui, phải dùng ý chí khiến mình vui luôn, có thái độ điệu bộ êm dịu luôn khi kẻ khác nói xóc óc mình, nói những điều bất đáng và nghịch sự thật. Biết khen, một bí quyết nữa để thu tâm. Chúng tôi đã nói, dù người ác cũng ham được ca tụng. Ai ca tụng mình, người ấy sẽ được mình giao du, coi như bạn thân tìm cách giúp đỡ, giãi bày tâm sự cách chân thành. Nếu bạn muốn được lòng người, thì hãy trả lời nhu cầu khẩn thiết ấy. Lời khen không tốn tiền mua mà đem lại ta nhiều lợi lộc. Nó làm cho kẻ nghe biết rằng mình đồng tâm tưởng với họ, nhận họ có lý, tán thành tài đức của họ. Nó cũng là phương thế kích thích kẻ khác hăng hái làm việc, can đảm, hy sinh. Nếu cả đời quyết gieo ác cảm thì thôi, bằng muốn được thiên hạ quý mến thì từ đây xin bạn đừng hà tiện lời khen thành thật. Chúng tôi nói lời khen thành thật. Những lời khen giả dối là xã giao, những lời nịnh hót và vừa hạ nhân cách kẻ nói ra vừa gieo ác cảm chua chát. Cái tật làm ta mất thiện cảm nhiều lần khi nói chuyện, bạn biết tật gì không? Tật cho kẻ khác nói bậy còn mình thì bao giờ cũng là mẹ của chân lý. Chúng tôi không muốn nói hết mọi kẻ khác đều có lý luôn. Không. Chúng tôi chỉ muốn nói với bạn rằng hầu hết nhân loại, kể cả Tào Tháo, Growley,đều tin tưởng mình có lý và thèm khát thiên hạ hiểu mình. Người ta có thể dễ dàng nhịn đói từ mai cho tới tối, nhưng không dễ dàng chịu ở yên lúc bị hiểu lầm, bị kẻ khác cho là lầm lẫn, là sái quấy. Người ta thấy cần tranh biện, nghe thèm khát bộc lộ sự thành thật của mình ra. Ai không biết nghe mình, cãi trả đũa lại mình, người ấy bị coi là thù địch. Hồi đó đến giờ, bạn có làm công việc phản nhân tâm hay là mắng xối xả vào mặt đối phương, cho rằng họ lầm không? Nếu có, xin bạn mau mau tự hối. Nếu tìm hiểu kẻ khác, thưa bạn, đó là diệu kế khiến họ mến yêu mình. Hãy hòa hoàn, dịu ngọt nói với họ rằng bạn thành thật muốn họ giãi bày tâm sự của họ, muốn họ nói hết những lý của điều họ quả quyết, muốn họ chỉ cho bạn đâu phải, đâu quấy. Thành thật đặt mình hoàn cảnh của người, chịu khó tìm hiểu người, bạn sẽ thấy bạn sẽ có không phải chỉ một người bạn mà là cả trăm cả ngàn. Điều này không có gì khó hiểu lắm. Chúng tôi đã nói con người thèm khát thiên hạ hiểu mình như cá thèm nước mà. Trả lời đòi hỏi của người ta thì bạn tự nhiên được mến yêu. Những ý tưởng, tâm tình, nguyện vọng mà kẻ khác trình bày cho bạn, bạn đã đành nghe cách chăm chỉ, mà khi phê phán cũng đừng phát sạch như người ta phát cỏ dại. Hãy nhìn nhận họ có lý phần nào đó. Không ai trên đời hoàn toàn quấy và trong mọi lầm lẫn có một phần sự thật. Ít ra bạn thành tâm nhận phần phải của đối phương mình. Làm vậy là bạn tâm phục họ. Mà như chúng tôi đã nói, khi tâm phục ai rồi, chúng ta có thể dần dần lý phục họ cách dễ dàng. Lời khen của ta được trao phải đúng nơi, đúng lúc, bao giờ cũng làm cho kẻ khác tranh biện mến phục ta. Rồi khi đối phương chỉ cho bạn thấy bạn quấy, lầm ở điểm nào thì thu tâm nhất là bạn phải bình tĩnh vui vẻ nhận ngay và cảm ơn họ. Nếu có thể được thì bạn nên sáng suốt thấy lỗi mình và xin lỗi trước. Bạn có thái độ ấy thì đối phương của bạn dù cố chấp đến mấy, sau cùng yêu mến bạn chân thành. Muốn cho đối phương sửa lỗi, bạn đừng nói họ không để ý, nên hơi lầm một chút. Nếu đứng trường hợp của họ, bạn cũng không hành động khác hơn. Điều họ làm mất lòng bạn, bạn nói không vì đó mà bạn trách họ, mà nói tiếc rằng nó không làm cho bạn được họ hiểu, được họ mến phục. Lấn ép bên bạn và tôn kính họ như vậy, làm sao họ không coi bạn là bạn thân. Gặp ai để nói chuyện thì chúng ta phải nói như vậy phải không bạn? Chúng ta nói tía lia rằng chúng ta thích ăn cái này, khoái làm cái kia, ưa học món nọ, sung sướng đi dạo, mê say đọc sách báo. Rất ít khi chúng ta nói đến điều kẻ khác mê thích, những điều họ hoài bão mà lúc đó họ cũng muốn giãi bày. Théodore Roosevelt khôn mà hơn chúng ta nhiều, nên ông nổi tiếng là người nói chuyện xuất sắc và được nhiều người mến phục. Bạn tưởng ông làm gì lạ lắm sao? Việc ấy bạn và chúng tôi, nếu biết, có thể làm mà không thấy khó lắm. Là ông, trước khi tiếp chuyện với ai, hay nghiên cứu những chuyện mà kẻ ấy thích. Tại sao chúng ta không bắt chước ông? Muốn tiếp chuyện với ai, ta nên sắp đặt những câu chuyện có ăn thua đến họ. Ta hỏi họ về lý tưởng mà họ đeo đuổi, ta bàn cùng họ về những kế hoạch cải tổ cái gì mà họ đang thi hành, ta nói về ngành học họ chuyện môn, hỏi họ về tác phẩm văn nghệ: văn phẩm hay họa phẩm của họ. Chắc chắn chúng ta sẽ được họ coi là người nói chuyện có duyên và ham thích gặp ta. Nếu ta không biết kẻ sắp bàn chuyện ưa thích gặp ta ưa thích vấn đề gì thì nhường lời cho họ nói trước hoặc một cách kín đáo hỏi họ. Đối với những người mà ta bàn chuyện thường quá, nếu muốn hỏi họ khỏi nhàm chán và câu chuyện có ích lợi, thì ta nên lập một chương trình nói chuyện. Trong đó ghi rõ ngày nào bàn về khoa học, văn chương, ngày nào bàn về chính trị, thời cuộc, nghề nghiệp, xã hội, gia đình... Lẽ dĩ nhiên trước khi vào chuyện, chúng ta chuẩn bị sẵn để câu chuyện được thảo luận đầy đủ, mạch lạc, bổ ích. Lúc nói, ta nên nói trầm tĩnh, với nụ cười, tùy tâm tình của câu chuyện mà thay đổi nét mặt, thay đổi giọng văn. Nếu không có tài hài hước thì đừng giễu cợt. Tránh lối phán đoán chủ quan, tuyệt đối độc đoán và những thái độ cả quyết như đấm bàn, bứt tóc, gật đầu lia lịa. Chú trọng cách riêng sự thành thật lúc giãi bày ý tưởng, tâm tình. Đừng nói mâu thuẫn. Cũng đừng quá rào đón, dùng nhiều mánh lới tỏ ra mình thành thật, vì làm vậy là tự cáo mình thiếu thành thật rồi. Đó là quy tắc tuy không thường, bạn biết dư rồi song nếu chịu khó thi hành chu đáo, chúng tôi đảm bảo cho bạn sự được mến thích và quý phục. 4. Phải vui vẻ. Khi bàn về những bí quyết để thu tâm, chúng tôi đã nói với bạn không có cái gì gây ác cảm dễ bằng quạu. Ở đây, chúng tôi nói với bạn không có cái gì gieo thiện cảm dễ bằng thành thật mỉm cười. Hồi nhỏ chúng tôi hay đi bắt dế than, dế lửa ở những nghĩa địa hoang tàn vào những buổi chiều ít nắng. Đồng hiu quạnh như lòng một bà mẹ mất con. Những cây sao già buông tàn rũ rượi giữa không trung, thỉnh thoảng gieo xuống đất đầy cỏ dại và chiếc lá úa tàn, tượng trưng cho tắt hơi vĩnh biệt. Mây đen sầm từng lớp che khuất ánh mặt trời, tạo cho nghĩa địa một màu buồn hơn mặt thiếu nữ mất tình nhân. Chúng tôi lủi thủi bươi cỏ vạch đá để kiếm dế. Tiếng dế gãy rớt vào cái thinh lặng của nghĩa địa làm tâm hồn mình như rơi lạc nơi sa mạc đìu hiu. Nhưng khi mấy gò mây màu lọ kéo qua, ánh mặt trời rọi xuống nghĩa địa, chúng tôi thấy cảnh sáng rực lên, đem lại cho lòng mình niềm vui dễ chịu. Bây giờ bàn cùng bạn về sự mỉm cười, chúng tôi muốn sánh nó với ánh mặt trời đó. Nó có cái ma lực gì gìn giữ trên khuôn mặt gặp nhiều phong trần của ta sự hân hoan và đồng thời quyến rũ kẻ khác, mở cửa lòng họ, gieo ở đó nỗi lạc quan, yêu đời. Mỗi lần bạn nở nụ cười với ai là như bạn nói với họ: “Lòng tôi đang chân thành mở cửa đón rước bạn. Tôi bắt tay bạn với cả một tấm lòng tri âm. Bạn có khuyết điểm gì, lòng đại độ của tôi sẽ quên đi dễ dàng và mắt tôi chỉ ngưỡng mộ nơi bạn cái gì thiện hảo. Tôi đang yêu đời mà bạn. Tôi muốn cùng bạn đàm đạo lâu giờ để cảm thông nguồn lòng của tôi. Mời bạn ngồi và xin bạn đừng tạm biệt sớm”. Khi mỉm cười, bạn có những ý nghĩ đó không? Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy vậy. Điều kiện cần thiết là nét cười của chúng ta phải có một giá trị. Nó cũng không phải là cái nhăn răng, nhăn mặt miễn cưỡng của kẻ muốn nhử người vào rọ tình yêu để trục lợi. Nó không phải là cái bành miệng mỉa mai của tâm hồn cay độc muốn hại người. Nó không phải là cái cười phở lở, bu lu bu loa của một anh vị lợi trước khi bán giấy xe. Nó cũng không phải là cái cười lã lơi, gợi tình cảm đồ đầy dâm dục của một ả giang hồ khi đời xuân đã bóng xế. Nó không phải là sự giã lã, sự ráng cười của kẻ kém trí, muốn mua lòng một người lớn khi không có gì đáng cười mà bạn cũng rặn cười cho ra tiếng cách lãng nhách và vô duyên. Cũng không phải là cười xàm láp của kẻ nhẹ dạ, cười khi người của kẻ kém giáo dục, cười vô lý của kẻ khùng, cười không tế nhị, cười rộng như bộng của kẻ thiếu sâu sắc. Mỉm cười, chúng tôi muốn bạn dùng để thu tâm đây, trước hết có tính chất thành thật. Bạn cười và bạn vui cười, yêu đời, nhân ái, tự chủ, sẵn sàng rước kẻ khác, xăng xái làm việc nghĩa, sốt sắng yên ủi kẻ ưu sầu, niềm nở chia vui cùng kẻ thành công, quảng đại quên hết lỗi lầm của bạn bè, âu yếm gởi tận lòng người tình thương hoàn toàn vị tha, mạnh mẽ thúc giục người tiến luôn trên đường lý tưởng, tận tụy giúp người tìm hạnh phúc đời này và đời sau. Bạn ơi. Nếu trên đường xã giao mà bạn có nở nụ cười như thế, chắc chắn bạn sẽ là đối tượng mến thích của muôn ngàn bè bạn. Nếu hồi đó tới giờ bạn chưa biết hiệu quả của nó thì đâu bạn khởi sự thí nghiệm thử coi ai đến giao tiếp với bạn, bạn đừng càu nhàu nữa. Rước họ bằng nụ cười đi. Nếu tiện bắt tay họ một cách thân mật. Không bu lu bu loa quá, nhưng tỏ ra niềm nở tiếp chuyện với họ như bạn thân. Họ cậy điều gì, có thể được, xin bạn tận tâm giúp. Nhưng khi gặp kẻ bất đồng ý kiến với bạn, hiềm thù bạn, bạn hãy xử đối như vậy đi. Một đôi lần có lẽ không có kết quả gì hay, nhưng bao giờ bạn cũng vui vẻ thì dù kẻ có lòng sài lang đi nữa cũng dần dần quý mến bạn. Nếu nụ cười của bạn không làm cho kẻ khác có thiện cảm với bạn mà tự nó, nó gieo hạnh phúc cho kẻ đau khổ, gây niềm hoan lạc cho tâm hồn sầu chán, đem hy vọng thành công cho kẻ tuyệt vọng, vì thất bại thì bạn cũng vẫn có lý để cười. Muốn giữ nụ cười luôn trên môi, bạn cần tập có tính tình một mực. Đừng khi vui, “vui ngộ”, buồn, “buồn xo”. Dụng sự tự chủ trấn áp những tâm tình sầu thảm, những nỗi bối rối, lo âu. Giữ nét mặt bình lặng như bàn thạch. Làm cho tâm hồn đừng mắc vết thương tội lỗi và bình yên luôn. Tập trung tinh thần vào sự tranh đấu cho một lý tưởng cao đẹp tuyệt vời. Khi mặt tự nhiên xếp nhăn lại để có nét buồn thì bạn dùng hai bắp thịt của hai bên miệng kéo nó ra. Động tác tuy dễ dàng, nhưng ít ai biết dùng nó để đem yên tịnh lại cho tâm hồn, đem thản nhiên lại cho gương mặt và giữ vững nụ cười tươi tắn. 5. Phải thành thật chú trọng kẻ khác. Không biết mấy lần chúng tôi đã nói với bạn mỗi người thèm khát thiên hạ quan tâm đến mình. Tại sao bạn không biết trả lời thèm khát này nếu bạn muốn được mến phục. Bạn hãy đập bể cái vỏ rùa cá nhân của mình liền bây giờ đi: Quan tâm đến bất cứ kẻ nào bạn giao tiếp. Đừng mãi bi quan thấy đời hoàn toàn bông bản hạ, có bông hồng nữa bạn ạ. Hãy tìm trong kẻ khác những đức tính khiến bạn bắt chước cả, chúng tôi biết có nhiều người ở dơ như tù, mặc xấu như khỉ, tính tình kỳ dị, đa ngôn, ích kỷ, kiêu căng, láo xược, hờn mát. Nhưng mặc kệ các khuyết điểm và tật xấu của họ, bạn cứ hưởng một hai đức tính tốt đẹp của họ thôi. Chân thành khen những đức tính ấy, người ta sẽ mến thích bạn. Vả lại, có nhiều người coi xấu dạng, thấy bộ mặt là ta không dám ngó lần thứ hai, nhưng lại có tấm lòng tốt hiếm có. Người ta chẳng đã nói: “Chùa đất Phật vàng” ư? Nếu bạn gặp được những tâm hồn ấy có lẽ còn quý hơn những mỏ vàng ở Péru. Lúc ai nói chuyện với bạn, bạn hãy để cho họ quan trọng hơn bạn và do đó thích tìm đến bạn. Lúc kẻ sống chung với bạn đau ốm, họ thèm lời hỏi thăm của bạn lắm. Bạn hãy thành thật nói cho họ vài tiếng: “Khá chưa? Thuốc chích hay uống vô dễ chịu? Ăn đặng không? Ngủ ngon chăng?” Có mệt gì lắm đâu. Không tốn một đồng xu nào. Vậy mà có giá trị tưởng rằng mình không bị bạn lạm dụng, được bạn quý mến và ước muốn khi mạnh giỏi sẽ giao du với bạn, giúp đỡ bạn. Những khi kẻ khác bị rủi ro thất bại, sao bạn không thu tâm họ bằng cách chia buồn với họ? Trong những kỳ hợp ấy, họ cần như chúng ta cần ăn. Trong khi cộng tác với ai để thi hành một công việc gì, điều quan hệ là bạn đặt những câu hỏi khiêu khích óc sáng kiến của kẻ khác, giúp họ có những ước vọng, những trù tính mà chính mình ước muốn. Nên khích lệ tài đức, khả năng của họ, nhìn nhận họ thành thạo công việc và có thể đi đến thành công. Lúc họ tận tụy giúp mình, phải tìm cho họ những hứng thú, những sung sướng. Giá phải tốn tiền bạc chút ít để giải lao, ủy lại, bạn đừng kiết. Tốn thì ít nhưng sẽ thu lại nhiều. Nhưng khi họ lỡ lầm, làm hại của cái của ta, ta nóng của mà la ó. Hãy giữ thể diện cho kẻ cộng tác với mình. Thái độ quân tử của ta là thành lũy bảo tồn sự trung tín của họ đối với ta. Những khi ta nóng cộc, phiền trách họ lỗi lầm, họ tự nhiên bị chạm tự ái có tinh thần kháng cự với ta. Nhưng nếu ta tìm gặp họ riêng, ngọt ngào chỉ khuyết điểm cho họ cách sơ qua, họ sẽ lo sửa mình để ta vừa ý. Tâm lý chung của con người là vậy. Nếu họ không chịu sửa lỗi liền, có lẽ vì họ tưởng ta chỉ nghĩ đến ta, đến quyền lợi của ta thôi. Bạn hãy khích lệ danh dự của họ, chỉ cho họ thấy họ hành động cách nào đó sẽ là người quân tử, cao thượng, bác ái, được kẻ khác mến phục. Đến giờ ăn uống, bạn làm như quên mất mình đi. Hãy lo phục vụ họ. Những thái độ vị tha ân cần như rót rượu cho họ, trao đĩa đồ ăn mời họ, dời chai nước mắm ở xa lại gần họ, có lẽ bạn cho là nhỏ nhặt quá không? Nhỏ nhặt thiệt, nhưng chỉ đối với bạn. Còn đối với họ “to” lắm, vì họ thấy xuyên qua các cử chỉ ấy tấm lòng quảng đại bác ái của bạn. Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày, muốn “đắc nhân tâm”, bạn hãy ra khỏi vỏ cứng cá nhân, niềm nở quan tâm kẻ khác. Chú trọng thiên hạ là tự nhiên khiến thiên hạ chú trọng mình. 6. Phải bền bỉ. Chắc chắn bạn biết có rất nhiều người làm quen với kẻ khác rất lẹ, mau được lòng thiên hạ, nhưng rồi trong một thời gian ngắn, thân tình của họ cùng kẻ khác mất đi. Hết giao du được với người này lại đến người nọ, mỗi người trong xã hội sau cùng coi họ như rơm. Thứ người mà chúng ta gọi là “xạo” ấy chắc bạn không thích. Bạn muốn trở thành người có lối giao thiệp bền bỉ để thành công. Bạn có lý. Chính người ấy mới là hạng người thật có đức thu tâm. Đối với bất kỳ ai, họ không “bồi quá”, vì như vậy có thể “lở quá”. Họ vị tha lắm nhưng luôn chừng mực, họ vui vẻ đón tiếp kẻ khác nhưng cười nói vừa phải thôi. Trong khi bao nhiêu bạn bè “chạy đua” giao tiếp cùng những kẻ có vẻ vui tươi lắm, coi bộ rộng rãi, tử tế, có hình thức quyến rũ, họ vẫn xử đỗi mực thường với những bạn cũ. Nhiều người đã từng xã giao với họ mà vì hay thay đổi tính tình, cách xa họ, họ không trách móc, lúc nào gặp lại, họ rước đón với thái độ ngọt ngào. Những lối lập phe, lập đảng để nói hành, chỉ trích anh em, những cách nịnh bợ, bênh vực vì tình cảm nhất thời, họ cương quyết khinh rẻ. Bao giờ họ cũng nhằm những thân tình chân thật, lâu bền. Đối với mọi người, họ đều có một tình thân mến sâu sắc và lo giúp đỡ kẻ ấy khi cần thiết. Ngày tháng trôi qua, những gì có thể bị ảnh hưởng thời gian tiêu mòn đi, nhưng tấm lòng vàng của họ đối với những kẻ mà họ giao tiếp vẫn một mực. Họ là thứ người mà muốn người coi như vàng ngọc và thích mến luôn luôn. 7. Phải có óc trách nhiệm. Trong cuộc chiến tranh “Hiệp chủng quốc” và Ý Pha Nho, Tổng thống Mc.Kinley muốn giao thiệp cho kỳ được với Garcia, viên chỉ huy của quân phiến loạn để nhờ ông cộng tác. Làm sao gặp? Nào ai biết Garcia ở đâu? Người ta chỉ nói rằng Garcia ở tận nơi nguy hiểm xa xôi. Có kẻ mách cho Mc.Kinley biết chỉ Rowan có thể tìm được Garcia. Rowan được mời đến gặp Tổng thống Mỹ, lãnh bức thông điệp gởi cho Garcia lặng thinh rồi lo thi hành sứ mạng. Rowan cũng như ai, không biết Garcia ở phương trời nào, nhưng bởi lãnh sứ mệnh nặng nề, chàng cương quyết tìm cho được tướng phiến loạn này. Chàng bỏ bức thư vào trong túi vải, đeo nơi ngực, vượt thuyền ngoài khơi Cuba trong bốn bữa. Lên bờ Cuba, chàng băng rừng vượt núi, qua bao nhiêu trở lực nguy hiểm cho tính mạng suốt ba tuần. Sau cùng chàng gặp Garcia và trao bức thông điệp. Thiệt là một gương chói lọi của tinh thần trách nhiệm. Rowan nhờ tinh thần này biến thành một người mà dân tộc Mỹ vô cùng mến phục. Mà không hai dân tộc Mỹ mến phục thôi. Bức thông điệp gởi cho Garcia do Elbert Hubbart viết đăng trong tạp chí Philistine tại Mỹ năm 1899. Về sau người ta dịch ra nhiều thứ tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Đã phát hành trên 40 triệu bản. Ai đọc cũng mê say, say mê vì mến phục con người anh hùng có trách nhiệm siêu quần. Chúng tôi không dám khuyên bạn chép bức thông điệp ấy mà đeo ở ngực như mỗi người lính Nga trong trận Nga - Nhật. Nhưng nếu có thể được, xin bạn bắt chước gương anh dũng chịu trách nhiệm của Rowan. Tinh thần trách nhiệm chẳng những là phương thế giúp ta có tâm hồn anh dũng, rèn luyện cho ta chí khí mà còn là bí quyết linh diệu giúp ta thu hoạch nhân tâm. Những ai không có tinh thần này thường bị coi là thứ người khiếp nhược và thiên hạ khinh rẻ thậm tệ. Đau đớn thay trong xã hội nào cũng nhiều như trấu thứ người không có óc trách nhiệm. Họ không biết tự tin, không lo tận dụng khả năng của mình, không thích cương quyết thành người anh dũng nên thu rúc mình trong mu rùa cá nhân, ưa sống trong xã hội như một hột cát trên sa mạc, yếu hèn để cho kẻ khác lãnh các thứ nhiệm vụ, thừa hưởng ích lợi chung mà không muốn cực khổ. Muốn thành công, muốn hạnh phúc mà cứ ăn không ngồi rồi. Gặp chuyện gì khó, họ chỉ có tài xúi kẻ khác hành động. Khi chưa tới lúc đứng mũi chịu sào cho một công việc, một trách nhiệm, họ rất đa ngôn, khoe tài ba lỗi lạc, thúc đẩy kẻ này người nọ, lộn xộn như con ruồi trong biếm ngôn của La Fontaine. Nhưng khi phải lãnh trách nhiệm, họ vắng mặt “rút êm” hay thinh lặng. Làm nhỏ khi phải sống với tinh thần độc lập, họ không dám. Bạc nhược nhất là khi làm lớn mà họ không đủ can đảm thi hành phận sự, lo “lái” kẻ khác cậy nhờ, thúc đẩy người dưới làm. Nếu có kết quả tốt thì họ hưởng danh dự, quyền lực, nếu thất bại thì họ thinh lặng để họ sai khiến chịu một mình. Thiệt là hạng người không đáng sống với đời gì hết. Họ không biết rằng trên vũ trụ này không có họ thứ hai. Họ là một cá nhân, là nhân cách, hiểu với ý nghĩa tổng hợp của ý chí và trí tuệ. Họ phải khai quật những tiềm năng tiềm tàng trong người của mình để sống một kiếp người xứng đáng như bao nhiêu kẻ có giá trị khác. Nào có phải là cái “Tôi” phụ thuộc của những cá nhân khác đâu, mà chỉ trông cậy kẻ khác thay cho mình. Đời họ phải dám làm cái gì có tính chất bản ngã của họ. Cái đó có giá trị cho cá nhân họ, khiến họ hãnh diện với đồng loại, đồng bào. Họ quên hay không biểu lộ nhân cách của họ ra, họ gia tăng chí khí của mình, ý thức giá trị của cá nhân mình, hãnh diện cách chính đáng với bao kẻ khác. Lẽ dĩ nhiên, đối với kẻ khác họ được kẻ biết quên mình, lo nghĩ đến người ta, chịu sự khó nhọc mưu cầu ích lợi, hạnh phúc, sẵn sàng lãnh lấy hậu quả nguy hại nếu có cho người. Không vâng lời sao được người dám hy sinh cho ta tính mạng, tài sản, thời giờ, hạnh phúc gia đình, cả danh giá là bảo vật trong đời người nữa. Con người tự nhiên có tính lười biếng, không thích đem cá nhân mình ra làm bia cho thiên hạ dòm ngó, muốn sống ích kỷ, cảm khoái khi kẻ khác khổ nhọc mà mình an nhân, thán phục những ai thay thế mình chịu khổ đau. Chúng tôi muốn bạn lợi dụng bản tính này của con người để thu tâm, để phát huy nhân cách. Nghĩa là bạn hãy có tinh thần trách nhiệm. Trong “Từ điển nghệ thuật sống”, không phải chúng ta chạy kiếm trách nhiệm, nhưng khi nó đến cho ta, ta anh dũng rước nó bằng nụ cười. Bạn hãy thấy trong việc lãnh trách nhiệm, cái danh dự cao cả vì bạn biết sử dụng nhân cách cá biệt của bạn. Bạn góp mặt với đời, thừa hưởng hạnh phúc với đồng loại cũng như dám lãnh những khổ đau. Trước hết, trong cuộc xã giao, bạn đừng quá ỷ lại với mình, đừng khinh rẻ kẻ khác để bất kỳ trong công việc nào cũng đem cái tôi của mình ra quảng cáo, lãnh trách nhiệm. Cái tôi đem ra như vậy là cái tôi đáng ghét. Vả lại, mình tự quảng cáo mình, xuất thân lãnh trách nhiệm khi không ai cần, có thể nếu có cho kẻ khác gọi mình bằng một tên không hay là “đồ làm tàng”. Vậy bạn nên khiêm tốn. Khiêm tốn, song khi cần lãnh trách thì cứ lãnh. Bạn suy nghĩ trước cái lợi cái hại về sau để khỏi ăn năn. Mỗi lời bạn nói ra, bạn trầm tưởng chín muồi và sẵn sàng chịu trách nhiệm những hậu quả. Khi được ủy thác công việc gì, bạn tận tụy thi hành chu đáo và đảm bảo sự thất bại nếu có. Đã cậy nhờ, sai khiến ai làm hộ mình việc chi, nếu tai nạn xảy ra, hãy lãnh hết trách nhiệm cho họ chớ không nên viện lễ gì để họ khốn nguy. Tóm lại, bạn phải là người có tinh thần trách nhiệm. Phải can đảm lãnh các hậu quả của sứ mệnh, chức vụ, công việc, lời nói, thái độ hay huấn lệnh của mình. Một người như vậy mới đáng kể khác mến yêu và quý phục. 8. Phải khiêm tốn. Trong phần bàn về những bí quyết để rèn luyện đức thu tâm, chúng tôi có dẫn cho bạn câu này của Không Tử: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu, công bị thiên hạ chi dĩ nhượng, dũng lực chấn thế thủ chỉ dĩ kiếp”. Mỗi lần đọc lại câu này, chúng tôi liền nhớ câu chuyện rớt đũa của Lưu Huyền Đức. Lưu Huyền Đức muốn đề phòng độc hiểm thù hại của Tào Tháo, nên dù có chí cả, muốn lập đại nghiệp, khi chưa có đủ phương thế thường đi làm vườn... Ngày nọ, Tào Tháo và Lưu Huyền Đức ngồi ngang nhau ăn tiệc. Đang giữa bữa tiệc, có rồng lấy nước, Tào Tháo và Lưu Huyền Đức đi coi. Tào Tháo cắt nghĩa cho Lưu Huyền Đức cách rồng tùy thời biến hóa và ví anh hùng trên đời như rồng vậy. Lưu Huyền Đức nói mình ngu nên không thấu nổi lẽ cao ấy và tự xưng là yếu đuối nhờ Tào Tháo mà được làm quan, còn anh hùng thì chả biết có ai. Tào Tháo cười, chê là trí ngu. Tào Tháo bảo anh hùng thật trên đời chỉ có Tháo và Đức. Lúc ấy mưa gió, sấm sét rền tai, Lưu Huyền Đức giả đánh rơi đũa trong tay xuống đất và có thái độ thất kinh. Tào Tháo thấy vậy hỏi: “Đại trượng phu mà sợ sấm sét sao?” Lưu Huyền Đức bảo Thánh nhân còn sợ huống gì mình. Tào Tháo từ đó hết nghi nan Lưu Huyền Đức có đại chí, không để ý thù hại. Bạn thấy lối xử thế của hạng đại khôn trên đời không? Lưu Huyền Đức kể ra mưu trí cũng cao siêu lắm, tài ba lỗi lạc lắm, nhưng vẫn xử với Tào Tháo bằng sự khiêm tốn khôn ngoan xuất chúng. Huyền Đức giả làm vườn để Tào Tháo coi mình như tên nông dân thường, không có đại chí, giả rơi đũa để Tào Tháo khi mình là khiếp nhược và nhờ hiểu lầm đó, Tào Tháo không hại mình. Trên đời, mấy kẻ khéo ở đời như Lưu Huyền Đức. Người ta thường bảo cho đặng thu tâm thì phải khoe tài, khoe sức. Người ta thường thích xử thế bằng sự kiêu căng. Người kiêu căng cho mình sáng tạo, sẽ phát triển tài đức, khả năng của mình, tự thích và tự khoái cách thái quá. Theo Bossuet, họ tự coi mình là bậc thần và tự thờ phượng. Họ không bao giờ thấy những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, đồng thời tưởng mình có đủ thứ ưu điểm, nhân đức mà kỳ thiệt là con số không. Việc mình thì quáng việc người thì sáng, nên họ bươi móc lỗi lầm, tật xấu của kẻ khác. Họ là thứ người mà Giêsu trách trong Phúc âm thư: “Thứ người có cây đà trong mắt mình mà nhìn cọng rác nơi mắt thiên hạ”. Họ luôn thèm khát lời ca tụng của kẻ khác về những công đức của mình. Nghe sung sướng đau tận tủy cốt, họ tự khoái vì tưởng chỉ có mình là tài đức, là làm nên việc này việc nọ. Họ tự coi là quan hệ, nên thường có ý muốn mọi người phải quan tâm đến họ, phục vụ họ, cậy nhờ họ. Trên đường đời, họ chỉ hành động cách nào để mình được vinh hiển, được nhiều lợi lộc, được lưu danh muôn đời mà bất chấp sự phục vụ tạo hóa, đồng loại, đồng bào. Họ là thứ người ích kỷ đáng ghét. Bởi lòng tràn ngập máu kiêu căng, họ cảm thấy mình là đối tượng để mọi người mến yêu. Họ đói khát lòng quý mến của thiên hạ như một ăn mày thèm khát ăn uống. Xin bạn để ý, họ muốn người xung quanh quý mến họ chỉ vì tài đức của họ theo họ, tài đức họ tạo nên chớ không tạo hóa hay ai cung cấp cho họ. Theo Francois de Sales, có người, bởi hư danh, khoái vì có râu mép vảnh lên, có hàm râu chải đẹp, biết khiêu vũ, hát ca, học rộng, đẹp đẻ đến nổi ai cũng ngấp nghé. Bởi có tính háo danh nên người kiêu ngạo hay làm những việc lạ để kẻ khác chú ý đến mình. Đi ưỡn ngực uốn cổ, nhón gót cách nào đó theo họ là bí quyết “quảng cáo” tài đức, sắc đẹp của mình cho người khác say mê. Đặc biệt nhất là họ hay thuyết về cá nhân, về cái tôi ích kỷ của họ. Gặp kẻ khác, họ đem nói nào gia đình họ sang trọng, nào những thành công của họ trong việc làm ăn. Có khi họ giả đò tự hạ, nói xấu về mình để kẻ khác tâng bốc họ, khen ngợi họ. Thiệt là những cáo già trong câu chuyện. Người kiêu ngạo cũng có lòng tham vọng mênh mông như trời biển. Nếu họ nghe cần ăn uống bao nhiêu thì cũng như cần uy quyền, chức tước, danh dự bấy nhiêu. Họ lo tìm kiếm những thứ này để cho cá nhân mình được vinh hiển, chớ không cần phục vụ quyền lợi ai khác và nhiều khi khờ dại, mơ ước những quyền chức mình không đáng hay không có phương thế chiếm đoạt. Lẽ dĩ nhiên, người kiêu ngạo hay trù tính, bắt tay làm những việc ngoài tài lực của mình. Bởi quá tin tưởng nơi mình, quá coi mình là hoàn hảo, họ không cần tu luyện tính đức, không cậy nhờ ai chỉ dẫn và do đó, đời sống luận lý của họ là một đời đáng than khóc. Trong địa hạt tinh thần, mây mù kiêu ngạo cũng làm cho họ tự mãn, coi mọi người là dốt ngu. Học hỏi bàn luận cùng kẻ khác, họ cho là nhẹ phẩm giá mình. Kết quả là đầu não họ ngày một cạn hẹp. Trong cuộc sống hằng ngày, trước khi làm việc gì, họ hay tuyên bố đình đám, nói thì nhiều rút cuộc làm chẳng bao nhiêu. Họ hay lên mặt xử bỉ với kẻ dưới, hách dịch với người trên để được gọi là anh dũng. Họ cũng thích tỏ ra khôn vặt, ưa xài tài sái mùa. Kết quả là nhiều khi họ bị xấu hổ, bị thất bại. Thưa bạn, thứ người kiêu ngạo như vậy, thiên hạ quý mến được không? Và bạn có muốn trở thành như họ không? Không đợi bạn trả lời, chúng tôi biết chắc bạn muốn nên người khiêm tốn, vì đức khiêm tốn là bí quyết thu tâm linh diệu. Trên đời, hầu hết những vĩ nhân đều xử thế bằng thái độ khiêm nhường. Những Epietète, Aristote, Khổng Tử bao giờ ăn nói cũng mềm mỏng. Thông thái như Socrate mà còn bảo: “Điều tôi biết chắc là tôi không biết gì hết”. Giêsu, mà có lần còn đi rửa chân cho các môn đồ. Những giáo hoàng của công giáo có quyền thế biết bao nhiêu mà người nào cũng tự xưng là “Đầy tớ trong mọi đầy tớ”. Newton, có mấy người thượng trí bằng, mà nói: “Sự hiểu biết của loài người chỉ là một giọt nước trong đại dương”. Bạn và chúng tôi về đường đạo hạnh cũng như học thức chắc không ăn qua, nếu không phải là thua hẳn các bậc này. Thiết tưởng chúng ta nên khiêm tốn là hay hơn hết. Người khiêm tốn không phải là người tự ti mặc cảm, thiếu tự tin, khinh rẻ mình cách vô lý đến đỗi không sử dụng các tài năng của mình. Người khiêm tốn là người sáng suốt, thành thật nhận mình có khuyết điểm, có ưu điểm, có tài đức, có dở dang, tật xấu. Họ không tự đắc rằng mình sáng tạo những cái hay cho mình, mà nhận Tạo hóa là tác giả của những cái hay đẹp họ có. Họ biết rằng gò nỗng chứa nước mưa không bằng thung lũng, nên dù có tài đức đến đâu họ cũng hạ mình xuống, mạnh họ xử thế như yếu, thông thái họ đối đãi với kẻ khác như người ngu. Họ tin rằng sự khiêm tốn bao giờ cũng đem lại lợi lộc. Trên đời, con người tự nhiên mến kẻ khiêm tốn, thích kẻ che giấu mình để kẻ khác nổi bật ra, được thỏa mãn tính huyền ngã của họ. Thấy kẻ khiêm tốn, người ta cũng muốn chỉ dạy cho điều hay. Vả lại, khi gánh vác công việc gì mà có thái độ khiêm tốn, kẻ khác không ganh tị, rủi thất bại, không ai cười. Người khiêm tốn cũng am hiểu rằng muốn làm nên đại nghiệp cần tránh tật khoe khoang, lời tuyên bố um sùm. Họ có lý. Khi nói điều gì với ai, họ nói như không nói, họ nói nhỏ nhẹ, êm êm mà nói toàn những điều quan hệ muốn thực hiện một chương trình gì, họ chuẩn bị sẵn phương thế rồi âm thầm áp dụng cho đến thành công. Người có thể sánh họ như một người muốn đánh ai mà không nói mình đánh, cũng không làm dữ, làm vậy kẻ nghịch đỡ hết. Mà rờ rờ nơi mình họ, vuốt ve thân mật rồi thoi một đấm... Nói tắt, người khiêm tốn thường là người ăn nói giá trị, hành động có kết quả khả quan, song bên ngoài làm như ngu dại, vụng về. Ban đầu kẻ khác có khi không hiểu họ, khinh rẻ họ, nhưng rồi với thời gian họ được quí phục, mến yêu sâu sắc. Vậy nếu có thể được, từ đây bạn cố gắng luyện đức khiêm nhường. Khi nào rửa thang lầu, người ta rửa ở đầu thang trước. Nếu bạn muốn khiêm tốn, hãy khiêm tốn trong tâm tưởng đã, vì có tâm tưởng khiêm tốn mới nói năng hành động khiêm tốn, vẫn tự tin nhưng không tự mãn, không cho mình là hoàn thiện. Nhất định không ăn mày lời ca tụng của thiên hạ. Bạn hãy sống vui vẻ với chân giá trị của bạn mà chỉ một mình bạn trên đời này biết thôi. Đối với kẻ khác, bao giờ cũng tỏ thái độ cung kính dù đối với kẻ hèn yếu. Coi người khác là quan trọng. Đừng hay lập dị, làm những việc quái đản để tỏ ra mình là “chi chi”. Nên có phong độ khả ái. Đi, đứng, ngồi lễ độ. Lời nói đừng có giọng búa bổ, cao kỳ, hống hách, mỉa mai, khi người hay khoe mình. Đừng cười như pháo nổ, cười chua chát, gieo oán hận. Thường thinh lặng, tự chủ những khi muốn nói để tỏ ra thông thái, để hạ thấp kẻ khác, để cãi lộn, để mỉa mai. Nếu trong khi xã giao mà bạn chịu khó khiêm tốn như vậy. Chắc chắn bạn sẽ đắc nhẫn tâm bất cứ hạng người nào mà bạn gặp gỡ. 9. Phải cẩn ngôn. Bạn còn nhớ đoạn XVI của sách “Án Quan” thuật chuyện gì chăng? chuyện con điếm Dalila hại Samson. Quân Philitinh là thù địch bất cộng đái thiên của Samson, một người có sức mạnh phi thường nhờ để tóc dài từ ấu trĩ. Quân Philitinh muốn hạ Samson nhưng không biết làm sao. Chúng dùng “mỹ nhân kế”. Chúng mướn con điếm Dalila giả đò yêu Samson, hỏi cho được bí quyết sức mạnh của ông. Trong những lúc âu yếm với Samson, Dalila năn nỉ hỏi mà mấy lần bị ông gạt. Sau cùng, ông nói thiệt rằng sở dĩ ông có sức khỏe “hạng vương” như vậy là nhờ để tóc dài. Dalila mừng trong dạ, đem nói cho quân địch ông hay, sau cùng cắt tóc ông và bị bọn Philitinh bắt móc mắt. Thưa thiệt với bạn, hồi nhỏ mỗi lần nghe mẹ chúng tôi thuật chuyện này, chúng tôi bắt oán ghét ba tấc lưỡi của đàn bà như oán ghét vật gì ghê tởm. Khi lớn khôn nghĩ lại, thấy mình phán đoán hơi tuyệt đối, vì đâu phải người nữ nào cũng không cẩn ngôn như Dalila hả bạn. Nhưng có điều này làm chúng tôi để ý nhất là sự bất cẩn trong lời nói hay đem lại kết quả khốc hại phi thường. Từ gia đình, học đường đến ngoài chợ đời có biết bao nhiêu người gây ác cảm cho mình, đem tai hại cho kẻ khác chỉ vì thèo lẻo. Họ không đủ can đảm hay vì một ích lợi nào đó nên thổ lộ những bí mật của kẻ khác mà họ không có quyền mạc khải. Người ta chẳng đã nói: “Có những chân lý không tiện nói ra” và phải nói thêm: “Có những chân lý không được quyền nói ra”. Có cần chúng tôi nhắc lại cho bạn những bí mật đó không? Người ta thường chia ra ba thứ bí mật: Bí mật tự nhiên, bí mật ủy thác và bí mật cam kết. 1. Những bí mật tự nhiên là những chân lý mà tự bản chất của chúng, chúng ta buộc phải được giữ kín để khỏi gây tai họa cho kẻ khác. Như chúng tôi tình cờ thấy bạn chôn một hũ vàng. Bạn không dặn chúng tôi giữ bí mật việc ấy. Nhưng tự nhiên chúng tôi thấy không được phép hở môi, vì nếu tiết lộ bí mật ấy ra chúng tôi sẽ làm tổn hại tài sản của bạn. 2. Những bí mật ủy thác là những chân lý kẻ khác cho ta biết và một cách minh nhiên hay mặc nhiên muốn cho ta giữ kín. Thường là những bí mật ta biết nhờ kẻ khác tin cậy ta, dặn ta giữ kín hay hiểu ngầm rằng ta tự nhiên không bao giờ mặc khải cho ai. Những người thường được ủy thác những thứ bí mật này là cha mẹ, thân hữu, thầy kiện, bác sĩ, thầy cả. 3. Sau hết, bí mật cam kết là chân lý mà kẻ nghe hứa với người nói cách công khai sẽ giữ kín không cho người thứ ba nào biết. Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu điều bí mật như vậy. Mà thử hỏi có mấy người lo giữ kín. Người ta đã phạm đức công bình, đức bác ái và bội tín mà mặc khải nhiều bí mật đáng lẽ khi xuống mồ cũng không nên nói cho ai. Những cái thùng chảy thường người ta quăng dưới hầm rác. Những con người không cẩn ngôn thiên hạ cũng sa thải, oán ghét, chán chê. Nếu bạn muốn người xung quanh quý mến bạn, xin bạn chịu khó kiểm soát nghiêm ngặt ba tấc lưỡi, cổ nhân bảo chúng ta trước khi nói phải đánh lưỡi bảy lần. Chúng tôi không dám muốn bạn cực quá như vậy. Nhưng mỗi khi nói điều gì, ít ra bạn chịu khó suy nghĩ trước, cân đo lợi hại cho kỹ lưỡng. Để ý coi điều bạn sắp nói có phải là những bí mật mà bạn có phận sự giữ kín không. Nói ra thì sướng miệng, vui lắm đấy. Nhưng ngoài ra tai hại cho kẻ khác, bạn còn bị thiên hạ nghi kỵ, oán thù. Thường người ta quý mến chúng ta là vì coi chúng ta như bạn thân, coi lòng dạ chúng ta như của họ. Bởi sự tin tưởng này, họ cho chúng ta biết những bí mật của gia đình, của tâm hồn họ hay của những kẻ mà họ có liên quan. Có khi họ dặn chúng ta giữ kín và quá tin, hiểu ngầm rằng chúng ta tự nhiên bảo mật. Nếu ngày nào chúng ta đem phanh phui những điều kín ấy cho kẻ khác nghe thì chắc chúng ta bị mất ngay uy tín và trở nên kẻ thù họ. Có lẽ bạn nói: “Thì thổ lộ bí mật rồi chúng ta dặn kẻ nghe giữ kín”. Thưa bạn, nhiều người khác cũng có ý nghĩ như bạn và họ phải hối hận thiên thu. Tại sao bạn biết không? Tại vì kẻ khác cũng có ý nghĩ như bạn vậy. Hồi nghe bí mật, ai cũng khoái, hứa đủ điều, thề “bán mạng” nữa nếu mình lộ bí mật cho kẻ khác nghe. Khi biết được rồi, tâm hồn nghe ngột ngạt, miệng ngứa, muốn nói để tỏ ra mình thông thạo. Thế là họ làm y như người đã cho họ biết bí mật. Họ cũng dặn kẻ nghe họ giữ điều họ nói nữa. Và kẻ nào cũng bước theo lối của họ. Bí mật cứ như vậy mà bị đồn thổi, sau cùng biến thành chân lý mình hiển, ai cũng biết, cũng hay. Vả lại, theo tâm lý thường tình, một điều gì ta tiết lộ bởi bất cẩn cho một kẻ khác mà dặn họ đừng nói lại với ai thì bị bại lộ mau hơn là không dặn. Một khi kẻ khác đem bí mật mà ta tiết lộ đồn thổi bốn phương, chừng ấy ta làm sao giật lời nói của mình lại được. Người xưa đã am hiểu điều này nên nói: Một lời nói ra bốn ngựa tìm khó được (Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy). Nếu điều bí mật là những tội lỗi, những gì có thể làm nhơ danh, xấu tiếng kẻ khác thì càng được gieo rãi trong dân chúng mau lẹ hơn những bí mật thường. Và bí mật của người làm điều quấy càng đi xa càng bị xuyên tạc tiếng xấu của họ cũng lan rộng ra dần dần khi qua nhiều cửa miệng. Bạn thử tưởng tượng ai đó đã phú giao cho bạn những bí mật của mình mà vì bất cẩn bạn lộ mật, làm họ mất tiếng tốt, gặp nhiều tai hại, sau cùng họ còn thiện cảm với bạn được không? Riêng chúng tôi, nếu ở trường hợp của họ chắc chắn sẽ có ác cảm với bạn. Mà chúng tôi tưởng bạn cũng vậy. Kinh nghiệm về đời sống hằng ngày cho chúng ta biết phần nhiều những người cẩn ngôn tuy ít có bè bạn để chơi giỡn nhưng có nhiều bạn bè tin cậy, phú gửi tâm sự, bàn tính những việc quan hệ. Trái lại, những người trống miệng thèo lẻo, hay đâm thọc, ban đầu thiên hạ lầm, được nhiều kẻ mến thích, song dưới gót thời gian, họ bị mọi người nghi kỵ, “sợ” và tránh xa. Trong công giáo cấm ngặt cách tuyệt đối những linh mục nói ra những tội lỗi hay tâm sự kẻ khác xưng với mình, bàn luận với mình. Linh mục nào tiết lộ bí mật giải tội phải phạm tội trọng. Và đọc lịch sử giáo hội, người ta chưa từng thấy vị linh mục nào phạm luật cấm này. Chúng tôi không dám muốn bạn làm những linh mục, song chúng tôi ước sao bạn học tập đức cẩn ngôn của họ. Bây giờ đây, bạn hãy buông sách xuống, dùng năm phút thinh lặng mà thề hứa với tất cả lương tâm, danh dự của bạn rằng, cả đời bạn nhất định cẩn ngôn, không bao giờ tự ý tiết lộ bí mật nào mà bạn không có quyền tiết lộ hay không có lý do chính đáng để mạc khải. Thường chúng tôi không thích cái gì tuyệt đối, nhưng trong vấn đề này, chúng tôi xin bạn hãy tuyệt đối, cương quyết, tuyệt đối như vậy sau này rủi lỡ lầm nó vừa. Bạn bảo mật đối với những người thường đã đành, mà cả đến những người bạn thân thiết nhất xin bạn hãy cẩn ngôn. Nếu bạn là linh mục, thì đối với bất cứ ai dù đối với Giáo Hoàng, bạn cũng không nói bí mật giải tội. Điều đó đã đành. Mà dù bạn không phải là linh mục, trên đời cũng có những bí mật vì lương tâm, vì ích lợi kẻ khác, bạn phải giữ như những bí ẩn giải tội. Sự giữ bí mật đấy thuộc về danh dự, về giá trị con người trong lời hứa, trong sự cẩn ngôn mà. Đâu phải chỉ căn cứ trên chỗ tin cậy kẻ khác giữ bí mật được như mình mà tự do lộ mật. Chúng tôi không thể quên nhắc bạn điều này nữa là ta phải giữ bí mật chẳng những của kẻ không có ác cảm với ta mà cả của kẻ thù địch ta. Lý do vừa mới nói trên: Bảo mật vì danh dự, vì nhân cách. Để dễ dàng cẩn ngôn, bạn nên tránh tật già hàm. Một khi nói nhiều quá, chúng ta không đủ thì giờ kiểm soát những điều ta nói. Vì đó, bí mật có khi do sự vô ý bị bại lộ. Người cẩn ngôn chẳng những không tiết lộ ngay điều bí mật mà còn không nói mé mé, nói xa xa điều bí mật mà mình có bổn phận giữ gìn. Vì nói như vậy vô tình khiến bí mật bị cái mà người ta hay nói chơi là “bật mí”. Thùng đầy rượu lủng lỗ nhỏ có thể chảy hết rượu. Bí mật của ta vì bất cẩn, bại lộ “hơi hám” có thể bị kẻ khác tìm hiểu rộng hơn, sau cùng am tường. Vậy mỗi lời bạn nói ra hãy ý thức coi nọ sẽ có hậu quả gì, nếu có thể lộ mật thì xin bạn hãm nọ ngay, hãm một cách tuyệt đối. Trong những trường hợp bị cật vấn về những bí mật mà thấy bạn không có quyền và có lý do đủ để nói, thì hoặc bạn “đánh trống lảng” trả lời bằng những câu nói bông lông, hoặc bạn che giấu bí mật bằng cách nói sái đi. Như vậy không phải bạn nói láo đâu mà bạn chỉ che đậy bí mật với kẻ không có phận sự biết. Người cẩn ngôn chẳng những không lộ mật, mà còn không bất lịch sự tra hạch những bí mật kẻ khác biết, dù kẻ ấy là thân hữu, là bạn trăm năm của mình. Chúng ta phải có óc tinh tế đủ để khỏi làm cho kẻ khác nói chuyện với ta phải ngại vì những câu hỏi bất cẩn của ta và do đó khinh rẻ ta, coi ta như người thất giáo. Tóm lại, bạn nên nói hết sức ít, nhất định những bí mật nào không cần thiết tiết lộ vì lý do chính đáng thì sẽ được giữ kín. Trở lên, chúng tôi chỉ mới bàn với bạn về một góc cạnh của cẩn ngôn, sự bảo mật. Cẩn ngôn còn buộc ta ăn nói thanh cao, vì đó, bạn để ý tránh cho câu chuyện của bạn những lời nói xằng, những tiếng trêu ghẹo, mỉa mai, móc lò, hiểm hóc, sửa lưng, chỉ trích. Phải kính lòng tự ái người ta như dân Ấn Độ quý trọng rắn vậy. Chúng tôi biết bạn lanh trí, lúc bàn chuyện với kẻ khác, bạn ngứa miệng muốn tranh luận, muốn chọc ghẹo họ, đốn họ cho thất lý chơi. Nhưng thưa bạn, bạn thắng vì cao trí, vì lợi khẩu, bạn vui lắm đấy. Nhưng kẻ bị bạn đánh bại có tâm trạng thế nào? Chắc chắn lòng tự ái của họ bị tổn thương lắm. Những lời mà bạn cho là duyên dáng, tỏ ra cho thiên hạ biết bạn lanh trí hùng biện, bạn có biết chăng chúng là những con dao, những mũi kim đâm thốn tâm can kẻ bạn tấn công. Họ làm sao có thiện cảm với bạn được. Khi ai vô ý, vô tình lỗi lầm điều gì, bạn chịu khó đừng buông ra những tiếng trách móc. Cũng đừng xấc xược, rùn vai, rên “hỡi ôi”. Chúng tôi biết bạn không ghét gì họ. Nhưng khi làm lỗi, họ đã e ngại nhiều rồi, có tâm lý nhục nhã rồi mà bạn trách họ nữa thì họ oán ghét bạn ngay. Nên tự chủ để khỏi gây ác cảm vô lý. Cẩn ngôn cũng buộc ta tránh những câu chuyện có liên quan đến lỗi lầm, tội ác của kẻ ta giao tiếp. Nếu có lỡ đề cập tới, ta phải khôn khéo tránh liền. Đừng có tật bàn về chính trị, tôn giáo với bất cứ ai, nhất là tránh hẳn sự tranh luận về những vấn đề ấy. Bạn hãy hết sức thận trọng khi bàn về đời sống vợ chồng, về việc chăn gối. Tốt nhất là nghe hơn là nói để khỏi làm có cho kẻ khác lầm tưởng bạn ít trong sạch hay đã từng lụy thân trong dâm tà. Sau hết, người cẩn ngôn là người suy nghĩ hết mọi điều mình nói, mà không nói hết mọi điều mình suy nghĩ. Họ thấy trước kết quả của lời nói và tự chủ, không nói khi không cần thiết. Đến lúc phải nói, họ nói bặt thiệp, trầm tưởng, kỹ từng tiếng, săn sóc từng giọng. Tóm lại, xin bạn hãy nên là người cẩn ngôn, rất mực cẩn ngôn để dễ dàng thu hoạch tâm hồn kẻ khác. 10 Phải bác ái. Nếu kẻ ích kỷ bị thiên hạ oán ghét bao nhiêu thì người bác ái được kẻ khác quý mến bấy nhiêu. Viết câu này chúng tôi nhớ đến chuyện “Tưới dưa” trong Giả Tử Tân Thư. Có hai người, một người thuộc nước Lương, một người thuộc nước Sở, ở gần nhau và mỗi người đều trồng dưa. Người nước Lương siêng bón phân, tưới nước nên dưa tốt. Người nước Sở lười quá nên dưa xấu. Thấy đám dưa người nước Lương xum xuê, người nước Sở ganh ghét, mỗi đêm lên qua cào phá đến đỗi dưa héo cằn. Người nước Lương đem thưa cùng Tưởng Lại ngờ y báo án. Trưởng lại trình việc kiện cho Tống Tựu là quan Roãn một huyện ở gần đó hay. Tống Tựu nói với người nước Lương: “Cào dưa người ta chỉ thêm oán thù. Mỗi đêm người hãy đi tưới dưa cho người ta mà đừng cho người ta biết”. Người nước Lương vâng lời. Sau đó đám dưa của người nước Sở phát tốt lại. Người nước Sở hỏi ra mới biết người nước Lương tưới giúp mình và mến phục người nước Lương vô cùng. Câu chuyện có lẽ không lạ gì, nhưng nọ chứng minh cho chúng ta thấy kẻ có tinh thần bác ái thường được người khác mến phục. Trong gia đình, người cha chỉ biết lo cho mình ăn mặc sung sướng, đi du lịch, sống hạnh phúc cách ích kỷ với bạn trăm năm mà không lo sắm ăn sắm mặc đầy đủ cho con cái, hằng ngày coi chúng như người dưng kẻ lạ, xử đối hung dữ, rầy la, đánh đập, tự nhiên con cái không kính mến người cha và khi kẻ này qua đời, chúng không thấy gì luyến tiếc. Dưới mái học đường, học sinh nào sống giữa anh em có cảm tưởng rằng mình giống con công lạc giữa bầy gà, chỉ biết lo cho mình, lạm dụng kẻ khác, ham nổi về mình, không bao giờ biết giúp đỡ, coi đồng tiền như bánh xe, lúc anh em hữu sự, ngữ lạnh lạt rồi lo việc tư riêng của mình, người học sinh ấy chắc chắn bị bạn đồng song coi tệ hơn rác rơm. Trong cuộc sống xã hội, kẻ nào chẳng nghĩ đến xóm giềng, đặt tư lợi trên công lợi, chỉ biết có gia đình của mình, ăn ở miễn sao được lợi cho mình còn kỳ dư “chết ai nấy chịu” con người ấy dĩ nhiên là đối tượng oán ghét của muôn họ. Những kẻ ích kỷ ấy quá dốt tâm lý thường tình này của con người. Con người tự nhiên yêu cái tôi của mình hơn hết và cũng tự nhiên mến phục ai quan tâm đến cái tôi của mình, ai biết xã kỷ phục vụ người khác, công việc mà con người tự nhiên nghe khó làm và nếu làm thì phải hy sinh lắm lắm. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết trong cuộc giao tế xã hội, thiếu gì người có đầy tật xấu đáng ghét, nhưng chỉ vì tốt bụng hay bố thí, cứu tế xã hội, nâng đỡ người yếu đuối mà được không ít kẻ mến yêu. Cũng có nhiều người đối với chúng ta, chúng ta không thích vì họ chỉ trích hay làm điều chi mích lòng chúng ta đó, song thấy họ làm việc nghĩa một cách quảng đại, thành thật và âm thầm vì tinh thần vị tha, chúng ta tự nhiên kính phục. Rồi do lòng kính phục có thể lần lần chúng ta mến yêu họ, tìm cách giao du với họ thân mật. Vậy bí quyết nữa để thu tâm chúng tôi muốn tặng bạn là đức bác ái. Chúng ta gọi đức bác ái là một đức để đừng hiểu nọ chỉ là sự vị tha thường hay chỉ là tính của tự nhiên tốt bụng, không hay tưởng, nói, làm điều gì xấu cho anh em. Đức bác ái chẳng những gồm mấy yếu tố ấy mà còn là hành động chỉ huy bởi trí tuệ, bởi ý chí của kẻ biết kính trọng nhân phẩm ở kẻ khác và muốn làm điều thiện, điều ích lợi cho thiên hạ. Vì thế, chúng tôi ước ao bạn nên người dùng trí tuệ, ý chí của bạn để mưu cầu hạnh phúc vật chất, nhất là hạnh phúc tinh thần cho đồng loại, đồng bào. Có một đức bác ái quan niệm cách chính đáng như vậy, bạn đừng lo gì không có kẻ kính trọng mến yêu bạn, giúp đỡ bạn đắc lực và hạnh phúc. Những vĩ nhân của thế gian cũng không khác hơn bạn. Đức Thích Ca đã chủ trương từ bi. Chúa Giêsu cả đời cổ võ bác ái, thiết lập Thân Thể mầu nhiệm là đại gia đình của nhân loại, buộc chúng sinh tha thứ kẻ thù nghịch. Mặc Tử muốn bốn biển thực hành thuyết Kiêm ái. Bước theo gót các bậc này, tưởng bạn không đến đỗi lầm. Vả lại là con người, bạn tự nhiên bị bắt buộc tìm kiếm hạnh phúc cho kẻ khác. Có bất công không? Không. Bạn cũng như chúng tôi và bao nhiêu đồng loại khác đều có chung một cứu cánh là Hạnh phúc. Vì đó, chúng ta không được phép ích kỷ sưu tầm hạnh phúc của chúng ta thôi, mà phải tích cực vì hạnh phúc của cộng đông người. Lẽ dĩ nhiên, không thể chúng ta cộng tác với muốn họ ở mọi thời gian và không gian để chiếm đoạt lý tưởng Hạnh phúc. Chúng ta bị khu giới trong một thời gian, ở một không gian nhất định, vì đó chúng ta thi hành bổn phận của mình bằng cộng tác với gia đình, thôn xóm, quốc gia. Đức bác ái của bạn, khi được thi thố mang nhiều hình thức khác nhau tùy người, tùy hoàn cảnh mà bạn gặp. Bạn có thể vui vẻ cho kẻ xung quanh bạn lạc quan sống, ra công săn sóc những bệnh nhân, góp tiền dưỡng dục trẻ mồ côi, người cô lão, hoạt động nâng cao đời sống giai cấp cần lao, cải thiện những gia đình túng kém, tích cực ủng hộ thuần phong mỹ tục, lo làm xong phận sự công dân để quốc gia ngày một cường thịnh, nỗ lực tự học, hoạt động văn hóa để văn minh loài người đi đến chỗ cực điểm ở ngày mai. Đó là nói đức bác ái thực hành vi bổn phận con người, còn khi có mục đích thu tâm, nọ cần được bạn thi luyện cách tế nhị hơn. Giữa xã hội bạn sống, bạn nên có tâm hồn như biển cả, đừng chấp nhất lỗi lầm anh em. Dễ dàng tha thứ thù nghịch. Lúc nào cũng sẵn sàng tiếp rước kẻ khác để gieo rắc tình yêu, lời an ủi, tia hy vọng, sống lạc quan, niềm hạnh phúc, cảnh hòa bình. Bạn quên hẳn bạn khi bạn gặp một người nào dù kẻ ấy ở dưới quyền bạn, học hành kém, xấu dạng, nghèo túng, xử bạc với bạn. Bạn hãy coi hết sức quan trọng, bạn trò chuyện với họ cách vui vẻ, thân mật, hỏi thăm về sức khỏe, về gia đình, cuộc làm ăn, những thành công, các hoài bão của họ và tận tâm giúp đỡ họ tùy khả năng của bạn. Trong cuốn “Ý chí của sức mạnh”, Nietzsche nói vị tha là “ích kỷ tập đoàn của các kẻ yếu... Tình yêu chân thành của con người buộc sự hy sinh cho ích lợi của nòi giống”. Đó là những lời nói bậy. Ta phải bài trừ những nạn làm cho nòi giống suy đồi, nhưng những kẻ lỡ bị bệnh đau vì trụy lạc, do số phận phải tật nguyền khốn nạn, ta phải vì nhân phẩm con người, nâng đỡ, an ủi họ trong giờ phút tàn tạ đầy sầu tủi của đời sống. Làm như vậy chẳng những chúng ta thi hành phận sự làm người mà còn thu lặt được tình yêu của họ. Ta đừng ỷ mạnh khỏe, có mức sống cao mà khi làm việc nghĩa có thái độ khinh người. Đừng bắt chước những người ích kỷ, bất nhân, khi bố thí chỉ làm những cử động không hồn để tự giải thoát khỏi sự xin xỏ làm bận rộn kẻ xấu số. Những kẻ ấy dù để bạc triệu để thi ân cũng chẳng đáng ai biết ân mà mến phục. Người ta chẳng đã nói “cách cho quý hơn của cho”. Vậy trong khi thực hiện đức bác ái, bạn hãy có tinh thần hy sinh hoàn toàn, hy sinh vì quý trọng nhân phẩm của kẻ bạn giúp đỡ. Hy sinh vì họ là anh em của bạn trong đại gia đình nhân loại. Người xưa bảo: “Tứ hải giải huynh đệ” mà. Bạn đừng chủ trương lối làm việc nghĩa theo tinh thần “Tôi cho bạn để bạn cho lại: Do ut des”. Cái óc vị lợi này chỉ gieo nghi ngờ, chỉ kích thích tính lạm dụng, lòng bạc ơn của kẻ khác. Muốn thu tâm, muốn muốn người là bạn chí thiết của mình, phải hoàn toàn hy sinh. Hy sinh không những với người cốt nhục, với bạn thân, với kẻ quen biết, mà với người lạ, người lãnh đạm, thù nghịch, bạc ơn. Hãy lấy câu này của Henri Bordeaux làm tôn chỉ: “Ai quên hạnh phúc riêng tư của mình để tìm hạnh phúc kẻ khác, người ấy sẽ được hạnh phúc dồi dào”. 11 Phải tự trọng. Bạn có thể tưởng tượng được không, một người muốn thiên hạ quý trọng mình mà chính mình lại có những tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ tỏ ra mình rất hèn mạt, rất đáng khinh. Người La Tinh thường nói: “Không ai có thể cho cái gì mình không có: Nemo dat quod dnon habet”. Thật là chí lý. Chúng ta không thể được muôn người trọng phục, mến yêu nếu chúng ta không biết mến phục mình trước. Nguyên tắc ta phải theo là: “Phải đáng mến phục đi rồi hãy muốn được mến phục”. Nhờ kiểm tâm, chúng ta thấy trong thời gian qua, nhiều khi chúng ta mâu thuẫn với mình làm sao. Chúng ta giàu tự ái không thích thiên hạ khinh rẻ, cười chê mình, lúc nào cũng muốn làm đối tượng quý mến duy nhất của muốn họ. Đồng thời chúng ta không quan tâm tự trọng bao nhiêu. Chúng ta nuôi những tư tưởng hắc ám ô uế để tìm những khoái lạc trong tưởng tượng. Chúng ta để tâm hồn chìm đắm trong những ước vọng tội lỗi, đê hèn. Biết bao lần chúng ta phạm nhiều tội ác tuy không bằng tác động, bằng ngôn ngữ nhưng bằng tâm trí. Chúng ta có tính kiêu căng, khinh người, hạ tiện, lười biếng, bi quan, nhu nhược, ganh ghét, oán thù, vân vân... Có lẽ chúng ta nói không người nào kiểm soát đời sống tâm linh của mình nên tha hồ tư tưởng cách bất đáng. Nhưng chúng ta còn lương tâm chứ. Chúng ta phải biết trọng lương tâm của mình hơn dư luận, phải thành thật với mình, không mâu thuẫn với mình, tìm sự bình yên trong tâm hồn hơn là sự bằng lòng của kẻ khác, chúng ta mới đáng là người. Có tư tưởng bất đáng nên nhiều lúc chúng ta ăn nói bất đáng. Chúng ta quên mất mình có nhân phẩm, mình có địa vị xã hội, mình cần tư cách đáng phục đối với mọi người xung quanh. Ba tấc lưỡi của chúng ta không biết tự chủ, làm mồi ngoan ngoãn cho tình dục. Chúng ta nói những lời cộc cằn, xấc xược, cay chua, hóm hỉnh, xảo trá, những lời ô uế, tục tĩu, biểu lộ một tâm hồn đầy mùi vị dâm ô. Có khi ra trước đám đông, vì thành lũy của dư luận chúng ta còn hãm khẩu chút đỉnh. Nhưng khi về với gia đình, sống chung với người cốt nhục, với các bạn thân, chúng ta tha hồ ăn nói tất cả bản chất “không văn minh” chút nào. Chúng ta ỷ y rằng nói chơi không sao và chỉ nói với kẻ thân nghĩa thôi nên có gì hại. Thiệt là lầm tưởng. Thiên hạ khi nghe chúng ta ăn nói bất đáng một lần, có thể cho chúng ta nói chơi. Nhưng nếu chúng ta nói vậy luôn, có tập quán nói bậy, nói nhảm liệu người ta có khoan dung với mình chăng? Có thể người ta nói: “Lòng đã đầy rồi miệng mới nói ra” rồi chúng ta làm sao, còn gì là thể giá chúng ta? Còn chúng ta nói chỉ người quen thuộc nghe chúng ta nói bất đáng thôi. Đó không hẳn là một lý vững chắc. Ở trước quần chúng xa lạ hay ở trước một số quen thân, chúng ta vẫn là người với nhân phẩm, và với sự đòi buộc giữ tư cách của mình. Đối với ai, ở đâu, lúc nào chúng ta cũng phải tỏ ra mình đáng mến phục. Không nên vì mua vui, vì tin lòng tha thứ của kẻ quen thuộc rồi chúng ta thôi làm người trong một thời gian. Và thôi làm người có nghĩa là làm gì? Trong hành động, nhiều khi chúng ta không tự trọng đủ, vì tiền tài ám ảnh, chúng ta hay tự hạ để yêu cầu vật này điều nọ nơi kẻ khác. Trước mặt kẻ quyền chức, sang trọng, chúng ta quên mình là con người, quên mình có một địa vị xã hội nên nịnh bợ, cóm róm, luồn cúi, năn nỉ, xin xỏ những ân huệ, lòng tha thứ, sự giúp đỡ... Có lần chúng tôi gặp một bác sĩ ăn mặc rất đường hoàng đi với vài người tùy tùng ngang qua một đống rác bên hông chợ nọ. Bỗng ông đứng lại, bảo các người tùy tùng đi trước. Bạn biết ông làm gì không? Ông xuống mé hông chợ, chỗ có một đống rác ngùn ngụn to để lượm một cái lon mà ông có ý kiếm về cho thằng bé của ông chơi. Ông bất chấp trăm nghìn cặp mắt ngó ông lum khum chung với vài ba đứa trẻ “xấu số” chuyên sống bằng của lượm nơi có rác và trong các ống cống. Chúng tôi tự hỏi: “Bác sĩ thường có tiền mà. Vả lại, thiếu gì chỗ kiếm lon. Giá mượn một em bé nào đó lượm giùm cho không được ư? Hay ông nói rằng ông bình dân. Không lẽ. Chắc tại ông có “bệnh Harpagon” đến đổi không dám mua đồ chơi cho con ông? Chả lẽ. Người ta phải nói ông không ý thức về việc giữ tư cách thì đúng hơn”. Thưa bạn, có lẽ trong thời gian qua, nhiều lúc chúng ta thiếu tự trọng như viên bác sĩ kia. Có chức quyền cao, ăn mặc đúng địa vị, đi với nhiều tai mắt nhưng vì máu ích kỷ, tham lam, ham lợi ám ảnh, thấy điếu thuốc thơm của ai rớt dưới đất, chiếc nút áo, kiếng mát của ai bỏ trong thùng rác coi bộ còn xài được, chúng ta không nệ xấu hổ “vớt” liền... Có nhiều đồ vật ở nhà chúng ta dư dử lắm, cho thiên hạ nữa, nhưng khi gặp ai bỏ, ai bố thí thì chúng ta làm như cùng mạt đâu mấy kiếp, bất kể uy thế, uy tín, lủi vô đám đông giành giật cách cộc cằn, ích kỷ, hèn mạt. Một thứ mờ mắt chúng ta nữa là tình yêu. Đối với kẻ nọ người kia có khi chúng ta anh dũng lắm, có vẻ chí khí lắm, đáng phục lắm, nhưng, đối với sắc đẹp duyên dáng, chúng ta mất tự chủ, quên mình là con người phải sống cho người ta phục. Chúng ta vì chỉ thấy muốn mua chuộc tình yêu, vì đói khát tình yêu nên có những cử chỉ, những hành vi bạc nhược, đê hèn, để dụ dỗ, mê hoặc làm đẹp lòng kẻ mình yêu. Đáng tiếc nhất là trong những trường hợp có nhiều người biết sự ngu dại của ta khuyên bảo ta khôn ngoan mà ta vẫn lì lợm, hết thẹn thuồng và làm mồi ngon cho tình dục sai khiến. Đối với kẻ ta say yêu và đối với người thân, vì tật già hàm, nhẹ dạ hay vì muốn được để ý, muốn nói chuyện với kẻ mình yêu cho khoái dạ, chúng ta hay hỏi, hay chiều lòn trong cách nghe khiến kẻ khác coi ta như rơm. Bao lần chúng ta thiếu tự chủ và quá tin lòng tốt của người nên khều móc, xô đẩy, chọc ghẹo, trào phúng, trợn mắt, trề môi, méo miệng, run vai, cười bá lấp hay làm những việc khiến thiên hạ coi cái dĩ vãng đầy uy tín của ông ta không ra gì, khinh dễ ta, không thèm hỏi chuyện với ta và khi có chuyện gì quan hệ, họ không quan tâm gì đến ý kiến hay ước vọng của ta. Tóm tắt, trên bước đường đời, muốn thiên hạ mến phục mà nhiều khi chúng ta tự trọng quá. Cái tôi của chúng ta đối với thiên hạ tự nhiên theo Pascal, đã đáng ghét rồi mà ta còn tự hạ mình nữa thì thôi làm sao “đắc nhân tâm”. Để ý tư tâm sửa tính luôn kia mà sợ nhiều lúc tinh thần không làm chủ nổi bản năng, còn làm những việc bậy phải hối hận cả đời, huống hồ gì thả cương cho con người của mình tha hồ làm nô lệ tình dục. Nếu bạn muốn chiếm đoạt lòng mến phục của người, thì bạn hãy cương quyết tự trọng ngay từ giây phút này. Đọc Trang Tử, bạn có nhớ chuyện này không? Hai nước Hàn và Ngụy giành đất nhau. Tử Hoa Tử yết kiến vua nước Ngụy tên là Chiêu Hi và hỏi: “Nếu bây giờ cả quốc dân hợp lại trình vua câu này: Tay trái lấy cả thiên hạ thì mất tay phải, tay phải lấy cả thiên hạ thì mất tay trái, vua có bằng lòng không?”. Chiêu Hi đáp: “Không”. Tử Hoa Tử tâu: Bệ hạ nói đúng. Xét thì ra hai tay ta trọng hơn thiên hạ, thân ta trọng hơn hai cánh tay, nên càng trọng hơn nữa. Nước Hàn là tiểu nhược quốc. Miếng đất vua tranh sánh với nước Hàn còn nhỏ bé hơn. Vậy sao vì cuộc tranh giành đất ấy mà vua để thân hao tổn vì mất ăn mất ngủ, ưu sầu, lo lắng?”. Chiêu Hi nghe nói thán phục Tử Hoa Tử và khen là khôn ngoan. Câu chuyện tuy xưa như trái đất nhưng có thể dạy cho chúng ta bài học: Tự trọng. Xin bạn hãy có cái tinh thần của Tử Hoa Tử, bạn đừng để những mối danh lợi, nhan sắc hay sự yếu đuối làm cho mình tự hạ bằng cách có những tư tưởng, lời nói hành vi bất đáng. Một điều chúng tôi muốn bạn đánh dấu đậm ở đây là tự trọng không nên hiểu là tự cao, tự đại. Người tự cao tự đại là người kiêu căng đáng ghét như chúng tôi đã nói trên. Bạn không nên giống như họ. Tự trọng bàn ở đây là một đức. Nó khiến con người ý thức nhân phẩm của mình, biết giữ tư cách, thể diện cho mình. Vậy, nhờ nọ, từ đây bạn hãy khai trừ khỏi đầu óc mình những tư tưởng ô uế, hắc ám. Cưu mang chúng, không ai biết thiệt, nhưng bạn có lương tâm, bạn phải tư tưởng dưới sự chỉ đạo của lương tâm. Bạn cũng hãy kỹ lưỡng trong lời nói. Đừng để tật già hàm, tính nhẹ dạ khiến bạn nói sỗ sàng, đùa cợt, mỉa mai tục tĩu. Đừng cười sái mùa, cười tán thành khi nghe kẻ khác nói bậy. Những câu tục tĩu của kẻ thất giáo viết ở những cầu tiêu, vách tường, bạn nhất định đừng khi nào đọc. Chúng tôi nói thêm: “Dù ai viết Thánh kinh ở những chỗ ấy, bạn cũng hãy liếc mắt đi chỗ khác”. Tránh tật hỏi, tật há miệng nghe kẻ khác với tinh thần đầu lụy quá lẽ làm cho họ coi mình như rơm. Cương quyết không để lòng tham lam, tính hiếu sắc, sự nhẹ dạ xô đẩy làm những việc hạ phẩm giá con người, chà đạp tư cách, thể diện. Sống đời sống đường hoàng nơi thanh thiên bạch nhật cũng như chốn tư phòng. Phải lấy câu: “Tôi là người phải sống ra người” làm khẩu hiệu cho đời sống và nhờ đó thiên hạ mến phục bạn. 12 Phải Sống thanh khiết. Bạn có lấy làm lạ tại sao chúng tôi muốn bạn dùng đời sống thanh khiết như lợi khí để thu tâm không? Nếu xét cho kỹ, bạn sẽ không ngạc nhiên gì hết. Chính đức thanh khiết làm sườn cốt cho giá trị con người. Một người có nhiều đức tính khác như bác ái, khiêm tốn, can đảm, v.v... Mà có đời tư đầy vết thương dâm tà thì dù thiên hạ có mến phục mặt ngoài, trong thâm tâm người ta vẫn khinh rẻ. Một nữ thanh hay một nam thanh có nhan sắc Tây Thi, có vốn học trời biển, ăn nói bặt thiệp song hay cặp bè cặp bạn cùng những “phường trên bộc trong dâu”, bạn có mến phục được không? Người đàn bà nọ có chồng con rồi, tính tình rất hiền hậu, hay thương người khốn khó, song bội tín với chồng, phạm tội ngoại tình cùng một người hàng xóm, bạn có mến phục được không? Một nhà tư hành nọ khấn giữ đức thiết trinh, sống độc thân, sốt sắng truyền giáo lắm, học hành siêu quần bạt chúng mà có tật ve vãn, bạn có mến phục được không? Người quả phụ nọ tuổi đã cao, gần đất xa trời rồi mà không chịu giữ tiết nghĩa với chống lại đi đâu cũng than thở đời cô độc và thỉnh thoảng làm điều hoa nguyệt, bạn có mến phục được không? Con người là nhân cách nghĩa là ý chí và trí tuệ. Con người sống đời sống người. Nhục lạc con người chỉ được hưởng trong đời hôn nhân chính đáng. Ngoài ra phải triệt để cữ kiêng. Mỗi người phải tùy địa vị của mình mà sống thanh khiết. Đức thanh khiết là ánh sáng của tâm hồn. Nó làm cho tâm hồn tăng vẻ đẹp. Nó là dấu hiệu của con người không nô lệ tình dục, cách riêng nhục dục như loài cầm thú nô lệ bản năng, mà biết sống tự chủ, như sống người. Mỗi người phải cố gắng nhốt “con lợn” của mình dưới sức trấn áp của ý chí để đời mình thanh cao và nhờ đó thiên hạ quý mến. Trong Lư Phu Nhân truyền, có tấm gương thanh khiết ta nên soi. Lư Thị là vợ Phùng Huyên Linh. Phùng Huyên Linh đau nặng kêu Lưu Thị đến nói: “Khi tôi chết nàng nên tái giá và ăn ở tử tế với chồng sau”. Lư Thị buồn, vào trong phòng riêng ôm mặt khóc nức nở. Đoạn nàng khoét đi một con mắt chứng tỏ cho chồng biết nếu chồng rủi mất đi, nàng nhất định thủ tiết. Phùng Huyên Linh đau ít ngày thì mạnh và yêu mến bạn đời của mình khôn tả. Về sau, khi ông thi đỗ làm Tể tướng vẫn sống đời chung thủy với Lư Thị mà không cưới thêm tì thiếp nào. Vua Đường Thái Tôn muốn ban cho Phùng Huyên Linh một mỹ nhân, ông không chịu. Thiên hạ bảo rằng tại Lư Thị có tính ghen. Nhà vua bữa nọ bảo Hoàng Hầu đòi Lư Thị đến quở trách, buộc phải để chồng có tì thiếp. Lư Thị nhất định cự tuyệt. Sau cùng, vua lấy chén rượu giả làm thuốc độc bảo một là tự tử hai là để chồng có vợ lẽ, phải chọn một, Lư Thị điềm tĩnh uống chén thuốc độc một cách anh hùng. Có lẽ bạn không tin là chuyện có thật. Nhưng dù sao nọ cũng nếu cho ta gương thanh khiết đáng theo. Nó cũng cho ta biết kẻ thanh khiết được người đời quý hơn vàng ngọc. Vậy thiết tưởng bạn nên chuyên tâm rèn luyện nhân đức này. Sau đây xin nhắc cho bạn mấy điều cần thiết nhất: 1. Cậy nhờ thần lực. Rất nhiều người ăn học cao, đã từng ra vào chốn tên bay đạn lạc, khét tiếng về chí khí mà vẫn có tính dâm dục. Vậy chúng ta đừng quá tin cậy nơi sức chống chọi trước cám dỗ của mình. Người xưa đã nói: “Tinh thần thì chóng vánh mà xác thịt thì yếu đuối”. “Con lợn” của Épicure ở trong mọi người luôn rình cơ hội để thúc đẩy những việc xằng. Lòng nhục dục của ai cũng cuồng bạo cả. Chúng ta nên tin cậy thần lực giúp đỡ luôn. Đừng ỷ cao tuổi rồi mà quỷ dâm dục bớt rình rập. Theo tâm lý học, người trưởng lão vẫn có lúc hiếu sắc, hiếu dâm như tuổi xuân. Bạn không nhớ chính mấy ông già cám dỗ Suzanne phạm tội dâm dục sao? 2. Canh phòng ngũ quan. Thường những tư tưởng, tâm tình ô uế sinh ra bởi những hình ảnh khiêu dâm, những việc tính giao của cầm thú, những cơ quan sinh dục của kẻ khác. Đừng để lọt vào tai những câu chuyện hoa tình, những cung bát kích thích nhục dục, những điệu đàn làm ủy mị tâm hồn. Tránh những rờ mó vô cớ nơi thể xác người khác phái hay của trẻ con có sắc đẹp. Giảm bớt những cao lương mỹ vị, những đồ dùng quá êm dịu trên giường ngủ. Thân thể càng được nuông chiều, “con lợn” của Épicure càng tru réo, càng đòi nhảy chuồng. 3. Canh phòng những cơ quan tâm thần. Đừng để não nhớ diễn lại luôn những hình ảnh ô uế, những nhan sắc, những cuộc gặp gỡ khả nghi, những cái liếc, điệu cười, tặng vật nhử tâm hồn ta vào rọ dâm ô. Dùng ý chí hãm trí tưởng tượng như người ta hãm cương ngựa. Nó là tên thù bất cộng đái thiên của đức thanh khiết vì nọ bắt ta mơ mộng những khoái lạc ái tình, bày vẽ cho ta nào gặp gỡ, viết thư ngọt, luận bàn tâm sự, ngó liếc gợi tình, cười duyên dáng, tướng đi, bộ đứng làm mê hồn nhất là nọ hay bắt ta thèm khát nhục lạc bằng cách gợi những cảnh chăn gối của đời sống hôn nhân. Phải khéo sử dụng tình ái. Tim của bạn là kho vàng. Trong sống yêu đương có nhiều bến đầy cạm bẫy nên bạn đừng để thuyền lòng mình theo lái tình dục gặp bến nào cũng đậu. Một tình yêu trong sạch, cao cả, khéo dùng là một đời vĩ đại, bổ ích cho mình và thiên hạ. Trong Withelm Meisters Wandermjahre, Gethe nói: “Điều chúng ta phải khẩn cầu là những tư tưởng vĩ đại và một trái tim trong sạch”. Xin bạn hãy lấy câu này làm khuôn thước cho đời sống mình. Ái tình, tình tâm giao là những bảo vật, ta có quyền hưởng những thú vị của chúng nhưng phải khéo dùng chúng vì chúng là những con dao hai lưỡi. Có thể chúng dưa ta đến bờ cõi hạnh phúc, mà cũng có thể dẫn ta vào bến khốn nạn vô cùng. Nên gởi trái tim mình trong cùng lòng tạo hóa. Nên dùng tình yêu của mình phục vụ đồng loại, đồng bào. Đừng hoang phí đời xuân trong hố lầy dâm ô để rồi cả một đời rên hối hận. Nỗ lực dùng tâm linh dục rèn luyện cho mình một ý chí gang thép. Nó sẽ là khí giới linh hiệu giúp mình chế ngự dục tình, hướng dẫn thuyền lòng mình vững tiến trên biển đời đầy sóng gió dâm ô. Đồng thời cũng gia tâm uốn nắn trí tuệ. Nhờ trí tuệ phán đoán sáng suốt, bạn nhận định được đâu là hạnh phúc mà ái tình có thể cung cấp được, đâu là cạm bẫy mà nhục dục nhử lòng xuân của bạn khiến bạn lụy thân. 4. Lo phục vụ một lý tưởng cao đẹp nào đó. Những người dâm dục có đời sống ô uế thường là những người ăn không ngồi rồi hay thi hành một chức vụ mà không đem hết lương tâm nghề nghiệp để thực hiện chu đáo sứ mệnh của mình. Người ta nói: “Không lý tưởng, không lương tâm là mẹ đẻ của dâm tà”. Để tránh những giây phút mơ mộng ô uế, những giờ gặp gỡ cám dỗ, bạn nên cố gắng thi hành một lý tưởng nào mà bạn say mê đó. Trong khi tranh đấu cho lý tưởng, đầu óc của bạn đầy những tư tưởng lành mạnh, cao cả, tâm hồn bạn đầy những tâm tình bác ái, trong sạch. Các tình ý hắc ám khó bề dụ dỗ bạn về đường xác thịt tanh hôi. Ngoài những giờ tranh đấu cho lý tưởng bạn nên tự học, nghiên cứu riêng một môn học nào có khiếu. Công đèn sách của bạn chẳng những bổ ích cho đời mà còn giúp bạn tránh những tâm tưởng dâm ô lúc nào cũng như chực sẵn để xâm nhập vào đầu óc ta. 5. Tránh những gì kích thích nhục dục. Đừng ở dơ, ở dơ có thể làm cho cơ quan sinh dục ngứa ngáy và khi ta gãi bị xúc động sinh cơ. Ham thích vận động, tập thể dục hơn là cứ ù lì sống có những tư tưởng ít trong sạch. Bớt dùng những món kích thích thần kinh như tiêu, ớt, rượu mạnh, cà phê, trà đậm. Sáng ngủ dậy đừng nằm nướng lâu trên giường mơ tưởng hết chuyện này đến chuyện kia. Thường những giây phút ấy, chúng ta hay bị cám dỗ về xác thịt. Xa tránh những tiệm nhảy không trong sạch. Coi như đồ xã rác các sách báo gối đầu giường của khách làng chơi. Là thuốc độc của tâm hồn những phim tuồng đầy những hôn hít sặc sụa mùi xác thịt. Đó là vài bí quyết tuy đơn thường, nhưng nếu bạn chịu khó thực hiện có thể bạn sống đời thanh khiết đáng phục. Điều chúng tôi muốn nhắn bạn sau hết là xin bạn hãy thanh khiết từ tâm tưởng, lời nói đến hành động. Có nhiều người chỉ sợ dư luận, không nói điều gì nhơ bẩn, không làm việc tà dâm nhưng trong tâm hồn có cả một sạo huyệt của dâm dục. Không. Chúng ta có lương tâm. Điều nào nghịch với lương tâm, chúng ta lo thanh trừ. Etienne Széchenyi gọi: “Thanh khiết là nguồn của mọi sắc đẹp”. Tâm hồn của chúng ta quý hơn mọi bảo vật trần gian, ta phải dùng thanh khiết mà trang sức cho nọ tuyết mỹ. Vả lại, tâm tưởng là mẹ đẻ của hành động. Nếu đầu óc ta đầy những tâm tưởng dâm dục có chắc ta khỏi nói năng, hành động như tín đồ của Kiệt Trụ không? Bạn cũng đặc biệt canh phòng ba tấc lưỡi. Thiên hạ sẽ kết án bạn nghiêm khắc nếu bạn thốt ra những lời nói tanh mùi trăng hoa. Bạn cao tuổi, nhiều chức quyền, học có mấy bằng cấp: Mặc kệ. Nếu bạn không cẩn ngôn, hay nói xằng thì bị kẻ khác coi như bã mía. Trong cuộc sống, tránh những hành động có thể làm cho đời mình mất tiếng tốt. Hãy bắt chước người nước Lỗ nọ. Nước Lỗ có người ở nhà độc thân. Gần chàng có một quả phụ. Bữa kia trời mưa như thác đổ, nhà bị dột, quả phụ đến xin chàng ở đậu. Chàng bế cửa lại, khước từ. Quả phụ trách: “Sao người bất nhân như vậy?”. Chàng đáp: “Người ta nói nam nữ sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung một nhà được. Mà nàng và tôi còn trẻ nên tôi không thể cho nàng ở chung một nhà với tôi được”. Quả phụ cãi: “Liễu Hạ Huệ ôm con gái người ta trong lòng không ai nói gì. Sao người không bằng Liễu Hạ Huệ?”. Chàng đáp: “Người như Liễu Hạ Huệ thì làm như vậy được. Còn tôi đây chưa đủ đức. Tôi không cho nàng vào nên khỏi mất tiếng tốt thì tôi cũng không thua gì Liếu Hạ Huệ ôm con gái người ta mà khỏi tiếng xấu.” Đức Giêsu lúc còn sinh tiền có lần để cho cô gái điếm Madalena lum khum khóc sướt mướt dưới chân Ngài và cũng có lần bàn tâm sự cùng nàng Mát-tha. Bọn phàm nhân yếu đuối như chúng ta còn xa lắm mới bằng Giêsu hay Liếu Hạ Huệ. Hãy bắt chước đề phòng như người nước Lỗ thì hơn. Một mặt chàng ta không làm có cho nhục dục nổi dậy trong mình, mặt khác ta tránh được tai tiếng thiên hạ. Bạn nên để ý rằng, trên đời, là người, ai cũng ham thích dâm dục, rủi làm việc xằng không muốn ai biết, nhưng đồng thời không chịu kẻ khác hiếu âm và nếu ai vi phạm điều hoa nguyệt thì tọc mạch tìm biết như một kỳ quan. Con mắt thiên hạ rất tinh, rất nghi hoặc, rất hiểu lầm về vấn đề xác thịt. Ta hành động thiếu khôn ngoan một chút có thể mất thanh danh cả đời. Bạn nói ta có lương tâm làm chứng mà. Phải rồi. Ở đời không nơi nào hành động theo dư luận.. Nhiều bậc thánh sống còn bị kẻ khác hiểu lầm, cho là phường tội lỗi. Không ai hiểu ta bằng ta. Ta phải đủ sức ăn chịu giữ thinh lặng trong tâm hồn khi dư luận hiểu lầm chỉ trích ta. Nhưng dù vậy, bạn nên để ý giữ mình, thanh khiết bề ngoài cách đặc biệt. Bạn xây dựng chân giá trị cho tâm hồn mà bạn cũng xây dựng thanh danh để thu tâm nữa chớ? Bạn vì đó chẳng những có đời tư trong sạch mà có lối xã giao cũng trong sạch. Tránh hết mọi lời nói, cử chỉ, cách liếc, giọng cười, thái độ, hành vị nào có thể làm cho thiên hạ hồ nghi lòng băng tuyết của bạn, khinh rẻ bạn. Tránh nhất là những gặp gỡ nơi phòng vắng, chỗ tối tăm với người khác phái. Đối riêng với bạn, những hội ngộ ấy là những dịp làm bạn sa ngã dễ dàng. Bạn đừng quá tin ý chí, đức hạnh của bạn. Sách xưa nói: “Ai yêu nguy hiểm sẽ té vào hiểm nguy”, về việc gì người ta còn chí khí, ý nhân lực, chớ về phương diện xác thịt, người khôn không bao giờ dám ỷ. Thấy phân người ta tránh hơn là lại gần bịt mũi hay đạp lên rồi rửa chân. Đối riêng với thiên hạ, gặp gỡ người khác phái trong những chỗ khả nghi bao giờ cũng có thể có hại cho bạn. Nếu người ta tin bạn là người đường hoàng thì thôi, bạn không bị tai tiếng gì. Hiểu là bạn không hội ngộ luôn mãi như vậy. Nếu thiên hạ hồ nghi bạn rồi làm sao? Có thể sự hở môi bất cẩn của họ làm tan vỡ ở bạn nền thanh danh mà bạn đây công xây đắp. Vậy để ý đề phòng những nguyên cớ làm ta mất tiếng tốt là hành động của kẻ khôn ngoan.