Chương I (tt)
DIỄN VĂN - DIỄN GIẢ - THÍNH GIẢ

    
uật XV: Luyện trí nhớ để diễn văn súc tích.
1) Carl Seashore nói người trung bình phung phí chín chục phần trăm khả năng
của mình vì không khai thác trí nhớ.
2) Luyện trí nhớ là tạo ấn tượng, lặp lại và liên tưởng. Tạo ấn tượng nhờ tập trung tinh thần quan sát tinh vi. Lincoln có thói quen đọc lớn để âm thanh giúp gây ấn tượng. Còn Mark Twain dùng hình vẽ.
Nhờ đâu vô số tín đồ Hồi giáo thuộc lòng kinh Koran? Nhờ họ đọc đi đọc lại mãi. Đừng lặp đi lặp lại vội. Thỉnh thoảng lặp lại nhớ dai hơn.
Tại sao nhớ Socrate là bạn không quên Platon. Tại vì bạn biết hai ông này là thầy trò của nhau. Nhớ ông này liên tưởng đến ông kia.
Có trí nhớ bén nhọn, bạn đỡ dùng ký chú vì nô lệ ký chú, nó sẽ kém hấp dẫn.
Luật XVI: Hãy luyện sở trường một loại diễn văn.
Có nhiều loại hùng biện:
1) Hùng biện tòa án, gồm diễn văn quan tòa, diễn văn luật sư.
2) Hùng biện chính trị gồm diễn văn hội thảo hay mít tinh chính trị.
3) Hùng biện quân sự gồm hịch đọc trước ba quân hay thuyết văn quân huấn.
4) Hùng biện hàn lâm hay văn chương của những văn nhân gia nhập Hàn lâm viện.
Diễn văn ca tụng vĩ nhân, diễn văn luận án.
5) Hùng biện đại học là hùng biện văn của giáo sư đại học đọc cho đồng nghiệp hay cho sinh viên nghe.
6) Hùng biện truyền giáo là những diễn văn đạo.
Bạn hãy lựa một loại diễn văn rồi tạo mình thành người chuyên môn sử dụng loại ấy. Nhất nghệ tinh thì nhất thân vinh phải không bạn?.
Luật XVII: Hãy hạn chế vấn đề.
Bạn nhớ một danh sĩ Pháp đã từng nói ai không biết hạn chế vấn đề không thể viết văn được không? Nói cũng thế. Làm sao nói hết mọi chuyện được. Nói một số ý hay thôi và khéo nói. Đừng quên là hùng biện không phải là nhà bác học lại càng không phải là người hiểu biết.
Luật XVIII: Hãy đãi cát tìm vàng.
Lựa đề hay nhất nói và chọn ý hay nhất trong đề để trình bày.
Luật XIX: Ý rành mạch, lời sáng sủa.
Muốn vậy phải:
1) Phân chia phần, đoạn diễn văn cân xứng.
2) Nhẹ lý thuyết, nặng thực hành.
3) Bớt danh từ chuyên môn, điển tích, tân ngữ.
4) Đừng để chi tiết che phủ ý mẹ.
5) Tránh lối nói mơ hồ và dùng câu dài tối tăm.
6) Tuyệt đối không bao giờ nói lạc đề.
7) Lặp lại các ý quan trọng.
8) Giọng tự nhiên, lời lẽ bình dị.
Luật XX: Lôi cuốn thính giả bằng hình ảnh, thí dụ.
Normal Vincent Pearle được triệu triệu người mê nghe thuyết giáo qua truyền thanh, truyền hình là nhờ nói bằng hình ảnh và thí dụ. Ông bảo thí dụ khéo lựa là phương tiện hay nhất làm cho một ý tưởng sáng sủa, lý thú và hấp dẫn. Cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie có hàng tỷ độc giả cũng nhờ chứa đầy gương hay tích lạ. Tờ Time và Readers Digest nhiều lúc bán chạy như vàng lên giá cũng nhờ thực hiện câu này của Rudolj Flesh: “Chỉ những tích truyện là đọc hấp dẫn”. Vậy muốn thính giả say mê bạn hãy:
1. Nhân hóa câu chuyện bằng một đời sống gương mẫu, ly kỳ nào đó. Thí dụ bỏ vợ đẹp con xinh, quyền tước vinh hoa để làm nên nghiệp cả: hãy kể chuyện đức Phật.
2. Dùng tên họ, ngôi thứ xác định trong câu chuyện gây ở thính giả hứng thú hơn là lời nói vô danh.
3. Làm nổi bật một số chi tiết, câu chuyện trở thành linh động hơn.
4. Cho các nhân vật đối thoại, biện luận với nhau.
5. Kể một tích chuyện ly kỳ, không cần đã xảy ra mà có thể xảy ra.
6. Dùng điệu bộ yểm trợ lời nói: mô tả một thân xác bị xe cán mà gương mặt bạn bình thản, thính giả có thấy rùng rợn gì không?
7. Đổi tổng quát thành riêng biệt: Bạn và tôi thì nói: Đổi mới cái đã hoàn toàn là làm chuyện vô ích. Còn Shakespeare không nói tổng quát như vậy mà nói rõ rằng: “Mạ vàng ròng, sơn trắng hoa huệ, ướp hương hoa lài”. Herbert Spencer bảo chúng ta không tư tưởng tổng quát mà tư tưởng đặc thù.
Luật XXI: Tạo hứng thú tràn lan trong thính giả.
1. Hễ thính giả hiểu bạn nói gì thì mới có thể thích nghe bạn mà cho đặng vậy thì bạn phải thâm hiểu điều bạn nói trước đi đã. Tôi không rành về săn cá voi mà tôi thuật chuyện săn cá voi cho bạn nghe, bạn thích nổi không?
2. Người ta thích nghe bạn cũng nhờ bạn khéo léo so sánh. Thay vì bạn nói Đức Giáo Hoàng có quyền thế tinh thần to lớn, bạn nói các quyền thế tinh thần của các nguyên thủ đại cường quốc cộng lại không bằng phân nửa của ngài.
3. Chỉ ngay một thính giả nào đó rồi đặt câu hỏi cho họ, đặt xong rồi bạn trả lời
thế liền. Đó cũng là cách làm cho diễn văn gây hứng thú.
4. Mượn danh ngôn xuất sắc làm thế lực yểm trợ lời mình nói. Bạn đừng khuyên dạy đức công bình mà quên dẫn lời Giêsu: “Của César thì trả cho César...”
5. Nói bỏ lửng để thính giả hiểu tiếp. Thí dụ muốn diễn ý tự do luyến ái bạn nói: Ép dầu ép mỡ ai nỡ&.
6. Dồn dập hàng loạt câu hỏi và mỗi câu hỏi có một cách trả lời.
7. Lấy hình ảnh thay con số. Thay vì nói tiền Mỹ viện trợ cho Nam Triều Tiên là bao nhiêu tỷ, bạn nói nếu tiền ấy không tiêu vào chiến phí thì mỗi người tối thiểu được một biệt thự.

LUẬT SOẠN NỘI DUNG CỦA DIỄN VĂN
 
 
Luật XXII: Khéo mở, khéo kết.
1. Mở và kết ăn khớp nhau: Hồi soạn bài phải làm kết trước vì kết là mục tiêu của bạn. Mở chỉ là cái cổng đưa vào kết. Murdock nói đoạn giữa nhét gì vào cũng được nếu mở và kết khéo.
2. Mở thiện cảm cũng như mới vào nhà Eli khéo bắt tay và nói mấy lời đầu vậy. Mở xa xa gọi là “lung cảm”. Coi chừng dài dòng, mông lung vô ích. Mở ngay gọi là “trực khởi”. Coi chừng đột ngột quá.
3. Có thể mở bằng một danh ngôn, câu chuyện, một điển tích. Có thể mở bằng nhiều hay một câu hỏi. Mở bằng một điệu bộ khác thường cũng được. Mà đừng lố bịch.
4. Đừng mở kiểu nhún nhường giả tạo. Thí dụ nói không xứng đáng vì vô tài bất đức, v.v... Đã vậy tại sao còn nói.
5. Tối kỵ mở bằng cách đại ngôn khoe khoang tài dức, kinh nghiệm của mình.
6. Kết luận thiện cảm cũng như lúc ra về bắt tay từ giã một người nào vậy. Kết
vụng là bài diễn văn đi đời nhà ma.
7. Đừng kết ngắn quá thành ngưng đột ngột mà cũng dừng kết lòng thòng để rồi bảo kết mà lại quảng diễn lê thê thêm nữa.
8. Kết bằng câu chuyện, bằng danh ngôn, bằng câu hỏi, bằng một đoạn văn thơ ngụ ý khuyên khích điều gì đó.
9. Kết sao ra về người nghe thấy còn luyến tiếc và nhớ được ý quan trọng do bạn tóm tắt, khắc tạc trong lòng họ.
Luật XXIII: Đoạn giữa chinh phục và gây cảm động.
Đáng lẽ chỉ có một đoạn kết mà thôi mà vì sợ vắn tắt quá nên phải có đoạn giữa để thính giả tin và xúc động. Aristote nói đoạn giữa cần được báo trước bằng phần mở và cần được kết.
1. Phải giải thích các phần chính, ý chính và từ ngữ khó hiểu của đoạn giữa.
2. Phải chứng minh rồi hãy giải quyết. Dùng hình ảnh, thí dụ làm cho lý lẽ hấp dẫn.
3. Dùng nhiều phép lý luận để phần diễn đề chững chạc. Các phép thông dụng
là Tam đoạn dụng, quy nạp, liên luận, lưỡng đạo luận.
4. Thay phiên phân tích và tổng hợp: Phân tích thì tránh lạc vào chi tiết. Tổng hợp thì đề phòng nông cạn quá.
5. Các chứng lý tạo thành một mặt trận đi từ nhẹ đến mạnh, đổ dồn về mục tiêu và chinh phục thính giả.
6. Muốn bài bác thì phải nắm vững chân lý, thấy rõ sai lầm, biện luận đúng luật biện chứng, bình tĩnh khi đả kích, phê bình lầm lỗi chứ không đả kích cá nhân, lý luận chớ không tỏ ra lý sự, biết nhận phần phải của đối phương, khen rồi mới chê hay chê rồi mới khen và tuyệt đối không mỉa mai, ngạo nghễ, quá lố.
Luật XXIV: Ba phần “Mở”, “Diễn”, “Kết” phải hợp lý.
Mở ngắn hơn kết và diễn dài nhất. Cả ba phải được nối nhau bằng những ý mạch
lạc và hỗ trợ nhau.
LUẬT TRANG TRÍ VỀ HÌNH THỨC CỦA DIỄN VĂN
 
 
Luật XXV: Ngoài lời nói còn một điều lôi cuốn thính giả: Thông cảm.
1) Bạn tưởng tượng cảnh diễn giả nói còn thính giả người dạo mắt trên trần nhà, người theo dõi một con chim sẻ trên cửa sổ.
2) Hãy nói giữa hội trường Thượng Viện như nói riêng cho từng nghị sĩ vậy.
3) Đừng gò bó bắt chước ngôi sao hùng biện nào hết: Bạn hãy nói với tất cả cái tự nhiên của bạn.
4) Nói với thính giả bằng giọng văn sao như bạn vừa dứt lời là họ muốn thực hiện lời bạn nói.
5) Mỗi lời bạn nói phải là một mảnh tim của bạn: Chỉ lòng thành kêu gọi được lòng thành. Xin bạn nhớ như vậy.
Luật XXVI: Có duyên.
Thường ngày, người ta thích nói chuyện với bạn phần lớn là tại bạn có duyên.
Trước đám đông cũng vậy. Một diễn giả thu hút là một diễn giả có duyên.
1) Có duyên là hợp lương tri, là chừng mực, là tế nhị.
2) Biết nhấn mạnh những lời, những tiếng diễn tả tình ý nào đó.
3) Giọng nói khi lên bổng lúc xuống trầm. Hết dồn dập rồi đến khoan thai. Khi nói hết khi bỏ lửng.
4) Có lúc bạn làm thinh mà rất có duyên.
5) Bạn nói thiên hạ cười bể bụng mà bạn cứ tỉnh bơ. Nói có duyên là không cần ai cười mà người ta cười. Nói vô duyên là nói chọc cười mà càng ráng càng lãng xẹt.
Luật XXVII: Chuyển các đoạn văn vừa tự nhiên vừa rõ ràng.
Xin bạn nhớ vừa tự nhiên vừa rõ ràng.
1) Chuyển tự nhiên là đừng vụng về, máy móc quá kiểu hai câu này của Đồ Chiểu trong Lục Vân Tiên:

Chuyện nàng sau hãy còn lâu

Chuyện chàng xin kể từ đầu chép ra.
Hãy để cho ý tự nhiên chuyển. Sarcey khuyên diễn xong ý đó thì tự nhiên qua ý khác. Nhưng đôi khi đừng kín đáo quá mà bài diễn văn trở thành không mạch lạc, đối với người nghe. Khi đọc người ta dễ bắt mạch chuyển hơn khi nghe. Bạn khéo cho thính giả biết nói xong mục này qua mục khác, họ thấy khoan khoái hơn và dễ nhớ ý chính của bạn.
Luật XXVIII: Tuỳ ý mà lựa lối văn.
Bạn có thể dùng đủ thứ lối văn từ nghị luận, miêu tả đến kể chuyện.
Bạn cắt nghĩa, chứng minh xong thì bạn tả người, tả cảnh rồi bạn cho những nhân vật đối thoại. Trên mặt trận hùng biện bạn được dùng các loại “vũ khí” miễn là khéo “tác xạ” nghĩa là khéo thuyết phục.
Luật XXIX: Tối kỵ thô tục và ngợm.
1) Không gì thô tục, ghê tởm bằng nói chuyện tục tĩu trước công chúng.
2) Ngợm là nói lên mặt căn dặn, rầy rà, dạy dỗ theo kiểu cả nhồi sọ bên ngoài.
Luật XXX: Đồng nhất hóa thính giả và bạn.
Vô đầu là bạn nói liền là không phải diễn thuyết mà tâm đàn, mà bàn với thính giả một vấn đề nào đó. Trong trường hợp phải diễn thuyết thì cũng phải nói sao cho thính giả thấy bạn đứng về phía họ. Họ cùng bạn là một.
Luật XXXI: Khêu gợi thính giả đối thoại với bạn.
Percy H. Witing nói: “Bạn hãy tin rằng diễn thuyết không phải là trả bài”. Hãy biến diễn trường thành một công ty cùng bạn tìm chân lý.
Luật XXXII: Khen tế nhị và chân thành.
Nịnh thì ai cũng ghét. Khen theo kiểu bịp bợm thì cũng không ai ưa. Nhưng khen vừa phải, khen thật thì không gì làm thiên hạ mát dạ bằng. Bạn có thể khen người bạn nói, người chủ tọa nhất là khối thính giả. Lựa điểm nào đặc biệt nhất của họ đó, đề cao cái đáng ca tụng nơi họ. Việc ấy là nhịp cầu nối bạn chặt chẽ với họ.
 
 

ĐẠT CHO ĐƯỢC 4 MỤC TIÊU CỦA DIỄN VĂN
 
 
Dale Carnegie nói chung quy bạn lên diễn đàn là bạn thực hiện 1 trong 4 mục tiêu sau đây:
Thúc đẩy hành động
Thông tin
Thuyết phục
Giải trí
Luật XXXIII: Nói đưa đến thực hiện Chân - Thiện - Mỹ
1) Điều bạn nói hữu lý và bạn nói với tất cả lòng thành. Nghe điều phải mới tin phân nửa, phải có lòng thành thực xô đẩy niềm tin trọn vẹn.
2) Khiêm tốn và phải chăng. Điều bạn muốn kẻ khác thi hành bạn phải tin là đúng song bạn trình bày một cách khiêm nhu và có chừng mực.
3) Bạn dựa vào gương một danh nhân, một thánh nhân để khuyên khích thính giả thực hiện điều bạn chứng minh là hay.
4) Ai không có ít nhiều kinh nghiệm vậy tại sao bạn không dùng kinh nghiệm
sống động của bạn, dĩ nhiên không phải để tự quảng cáo mà để thính giả dựa vào đó học hay chữa dở.
5) Pascal nói ai cũng muốn được thán phục. Con người thèm danh, thèm sức khỏe và nhất là thèm lợi. Xô đẩy người ta hành động mà không thấu triệt tâm lý đó thì đúng là câu cá không lựa mồi.
6) Đốt đèn lên thì hết tối. Đề cao đức khiêm như là triệt hạ tật kiêu hãnh. Thúc đẩy thanh niên hy sinh là thúc đẩy họ thủ tiêu chứng ích kỷ.
7) Gom điều phải hành động thành một công thức dễ nhớ và có tác dụng “ám
thị”. Dồn công thức ấy vào tiềm thức thính giả bằng giọng quả quyết mãnh liệt.
Luật XXXIV: Nói cho người ta biết thêm cái gì.
Ludwig Wittgenstein bảo: “Tất cả những gì có thể suy tưởng phải được suy tưởng rõ ràng”. Tất cả cái gì có thể nói phải được nói minh bạch. Ngồi nghe ai diễn thuyết hàng giờ mà không biết họ nói cái gì bạn bực không? Mà nói không rành là do quan niệm lờ mờ, lộn xộn.
1) Nắm vững điều mình nói rồi hãy nói. Không biết rõ con ễnh ương sẽ làm cho người nghe tưởng ễnh ương là ếch nhái hay cóc.
2) Ít thời giờ quá thì đừng mổ xẻ vấn đề lớn. Có nhiều thời giờ cũng phải tự hạn chế vấn đề. Phân lượng thời gian cho từng khía cạnh vấn đề. Coi chừng chỉ nói được một giờ mà nhập đề nửa giờ hay hết giờ mà cứ kết như dây thun làm ai nấy muốn mời mình xuống gấp.
3) Phân loại các điều bạn trình bày, hệ thống hóa chúng rồi tuần tự kể ra. Đó là phương pháp của bác sĩ Ralph J.Brache.
4) Tùy trình độ người nghe mà dùng từ ngữ, thí dụ, hình ảnh thích nghi, dễ hiểu.
Ở miền Phi châu nhiệt đới, dân chúng không biết tuyết, các nhà thừa sai khi giảng đạo không nói trắng như tuyết mà nói trắng như “cái dừa nạo”. Muốn cho công chúng biết từ địa cầu tới mặt trăng, mặt trời, bạn dùng con số thiên văn học thì được mà khô khan quá. Trong cuốn “Vũ trụ quanh ta”, James Jeanes muốn độc giả dễ nhận thức khoảng từ trái đất đến chòm sao Nhân Mã, thay vì dùng con số 25.000.000 thước, ông dùng hình ảnh: Nếu bạn đi từ địa cầu với tốc độ của ánh sáng là 186.000 thước mỗi giây thì bạn phải tốn năm ba tháng mới đổ bộ Nhân Mã.
Nhiều nhà thông thái diễn thuyết thất bại là mê tín dùng tiếng chuyên môn. Có mấy ai hiểu họ nói gì đâu. Aristote khuyên họ: “Bạn hãy tư tưởng như người trí thức mà nói như đại chúng”.
5) Dùng phương tiện thính thị một lượt. Ngạn ngữ Nhật Bản nói: “Thấy một bằng nghe một trăm”. Hình ảnh mạnh hơn âm thanh ở chỗ nó gây ấn tượng và chui sâu trong tiềm thức.
Luật XXXV: Hùng biện là vừa lý phục và vừa tâm phục.
1) Nói hợp lý đã đành rồi mà phải nói với lòng lương thiện. Quintilien định nghĩa hùng biện gia là Người Thiện và khéo nói. Xin bạn nhớ tiếng “Thiện”.
2) Chiếm cho kỳ được sự trả lời thuận của thính giả buổi đầu. Lincoln nói phương thế hay nhất để tranh luận thắng là trước hết phải tạo môi trường thông cảm. Mới nói ít câu mà làm cho ai nấy phản đối, la ó thì còn mong gì thuyết phục hả bạn.
3) Nói bằng giọng truyền cảm. Tức là bạn truyền cái say sưa trong lòng bạn về đề tài cho thính giả. Tôi muốn nói bạn lây cho họ sự cương quyết niềm tin tưởng.
Bạn thấy câu này của Henry Ward có thâm thúy không “Khi nào thính giả ngủ gục thì chỉ có việc phải làm là bảo ông tùy phái lấy một cái dùi nhọn chích diễn giả”.
4) Biểu lộ tôn kính và thiện cảm đối với thính giả. Phải! Ai cũng đòi hỏi, thèm hai thứ tâm tình đó hết. Thính giả là số đông đối với diễn giả nên họ còn đòi hỏi hơn nữa. Bác sĩ Normans Vincent Peale thực có lý khi nói: “Nhân cách kêu gọi tình thương và đòi hỏi kính trọng”. Cũng như quả banh ném vào tường, lòng kính trọng, quý mến bạn ném vào thính giả thì họ sẽ trả lại cho bạn.
5) Bắt đầu và chấm dứt thuyết phục bằng phong độ tri kỷ.
Bạn thử như vậy đi, bạn sẽ thấy từ phía dưới người ta sẽ gởi đến bạn những nụ cười cởi mở, chờ đợi tha thứ. Paley thuyết phục một người vô thần cũng làm như vậy đối với dân thành Nhã Điển. Bạn hãy thuộc lòng giùm tôi lời này của Wilson: “Chúng ta hãy ngồi xuống và bàn chuyện. Nếu chúng ta không đồng quan điểm thì hãy ráng hiểu nhau.
Luật XXXVI: Soạn kỹ rồi ứng khẩu.
Bạn có thể tội nghiệp bao nhiêu người làm lớn mà khi cần không thể nói không giấy tờ vài ba câu trước công chúng không? Tội nghiệp nữa là nhiều ông bự chuyên môn đọc như “trả bài” những cái gọi là diễn văn của kẻ khác soạn cho mình.
Biết bao cơ hội trên đời bạn phải nói và nói ứng khẩu. Bạn phải làm sao?
Trong tờ American Magazin, ông Douglas Fairbanks thuật lại ông cùng Charlie Chaphin, và Mary Pickford trong vòng hai năm tập ứng khẩu bằng cách soạn sẵn bài rồi vào những buổi tối, tắt đèn rồi mỗi người thuyết trình. Còn nhiều cách khác cũng hiệu nghiệm như phương pháp này. Vấn đề là bạn nên tự luyện ứng khẩu sau khi đã soạn kỹ.