Đông Ki-sốt

    
ự nhiên, con chiến mã lại giở chứng, thế là mất toi 15 phút, dù nó đã phi nước đại đến trường.
Hai tên cờ đỏ tươi cười chờ nó ở cổng.
“Đồ mắc dịch” - Nó rủa thầm. Vâng, thì thẻ đây, ghi tên vào. Ghi rõ vào nhé! Sung sướng lắm phải không?
Quẳng con chiến mã vào nhà xe, nó nhảy ba bậc cầu thang một. Thầy dạy sử lớp nó rất “ghê gớm”. Một hai ba, nào, nó đã đứng trước cửa lớp. Ôi, Chúa ơi! Không phải bố già. Một cô giáo trẻ mới về trường. Chắc là dạy thay.
- Xin cô cho em vào lớp.
- Sao bây giờ mới đến?
- Dạ, em gặp tai nạn giao thông...
- Nói cho nghiêm túc. Em có làm sao đâu?
- Dạ, không, em chỉ nhìn thấy thôi.
Cả lớp cười ồ. Cô giáo nhíu mày nhưng vẫn cho nó vào. Nó ngồi xuống ghế. Diễm quay sang lườm “Hiệp sĩ xứ Man-tra”:
- Ông làm mất hết điểm thi đua của tổ.
- Khổ quá! Gặp tai nạn thật mà.
- Ở đâu? - Hà kều không nhịn được, bỏ dở quả ổi với những vết cắn nham nhở hỏi với lên.
- Chỗ đầu chợ ấy, hai cái xác nát bét.
- Kinh quá. Ô tô đâm à?
- Chắc thế, chắc là đi qua đường bị ô tô cán chết - Nói rồi nó quay lên.
- Đã có ai đến nhận chưa? - Hà chọc cây thước kẻ vào lưng nó và hỏi.
- Làm gì có ai!
- Công an lập biên bản rồi à?
- Chẳng biết!
- Thế ông không đỗ lại xem à?
- Chỉ thấy hai xác chết nằm sóng soài.
Cô giáo nhìn xuống. Nó quay lên. Được một lúc Hà lại lấy thước chọc vào lưng nó:
- Này...
- Gì thế? - Nó làm bộ cau có.
- Hỏi một câu nữa thôi. Con trai hay con gái?
- Ai mà biết được.
- Sao lại không, không nhận được dạng cơ à?
- Thì tôi nói là hai... con chuột bị ô tô kẹt chết mà. Làm sao biết được chuột đàn ông hay chuột đàn bà?
Diễm bụm miệng cười.
Hà quật một thước vào lưng nó:
- Đúng là Đông Ki-sốt, làm người ta cứ tưởng...
- Tưởng gì. Tưởng... Giới Thạch ấy à?
Nó nhe rằng cười và lục lọi tìm vở.
- Quên mất rồi, chán thật.
Cô giáo đang giảng về một cuộc nổi dậy nào đó, từ thời xửa thời xưa. Ai sống ở thời ấy mà biết đúng hay sai? Có bằng chuyện cái xe tăng húc vào cổng dinh Độc Lập không? Có bằng “Một chuyện có thật” của An-đéc-xen không? Tam sao thất bản. Mà tại sao cứ phải học... lịch sử nhỉ? Không còn chuyện gì để nói mà phải bới móc quá khứ lên? Cuộc sống thì đang thay đổi ào ào. Thật là phí thời gian trong khi ngoài kia người ta đang băm bổ lao về phía trước!
Mệt mỏi với những ý nghĩ quái đản của mình, nó lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Ngoài đường vọng lên tiếng loa rao bán thuốc tẩy Hoàng Tiến. Cũng chẳng có gì thú vị hơn. Nó lại nhìn lên bảng, cô giáo đang viết một cái gì đó. Gục xuống bàn nó giả tiếng mèo, “meo” một tiếng rất to.
Lớp học ồn ào.
Cô quay xuống hỏi:
- Cái gì thế?
Im lặng. Nó nhìn cô bằng đôi mắt trong sáng ngây thơ đến không thể tả.
Cô quay lên.
Nó lập tức meo meo hai tiếng nữa hệt như mèo con gọi mẹ.
- Ai mang mèo vào lớp, đứng lên!
Cả lớp cười như chợ vỡ.
Vừa kịp trống hết giờ.
Vân béo và Hà kều chụm đầu vào tờ Người Đẹp. Nó đi qua lật bìa ra:
- Ái chà Người Đẹp cơ đấy!
- Thì sao? - Bốn mắt sư tử nhìn nó chằm chằm.
- Không sao! Nhưng mà tờ Người Béo chưa ra số nào à Vân?
- Đồ hiệp sĩ đánh cối xay gió! Có biến đi không!
Nó đi ra cửa, quay lại nheo nheo mắt và hát: Đừng nghe những gì Vân béo nói! Hãy nhìn vào đôi guốc Vân đi, ta sẽ hiểu rằng Vân giống viên bi, ta sẽ hiểu rằng Vân ngắn tí ti...
Vân gầm lên:
- Đứng lại, Đông Ki-sốt!
Giờ Giáo dục công dân khô không khốc rồi cũng qua. Ra chơi giữa giờ là khoảng thời gian nó mong đợi nhất.
Lượn xuống căng-tin làm một cái kẹo cao su rồi nó đi lên, nện gót giày trịnh trọng như một VIP thực sự. Vừa nổ kẹo cao su bôm bốp, nó vừa đảo mắt nhìn quanh. Bọn cái Thảo, cái Nga đang xúm xít bói bài. Nó lặng lẽ tiến đến. Thấy nó, Nga bảo:
- Đông Ki-sốt, xem bói không?
Nó ngồi xuống:
- Bói hả? Ừ, xem cho một quẻ.
- Muốn bói gia trạch, hung cát hay nhân duyên thì nói để chị xem cho nào! - Thảo vỗ vỗ vào bộ bài.
- Tình yêu.
- Ôi, em còn bé thế này mà đã muốn lấy vợ à? Kia, nàng Đun-xi-ne của em đang ngồi một mình kia kìa.
- Vớ vẩn! - Nó chọn ra bốn cây Q. - Có xem không thì bảo?
- Em đặt tên đi rồi chị xem cho - Thảo vẫn gọi em xưng chị ngọt xớt.
Nó phớt lờ:
- Xong rồi. Cả bốn cô.
- Xong.
Thảo thoăn thoắt tráo tráo, lật lật rồi làm bộ nghiêm trang:
- Thành tâm vào, bắt đầu nghĩ đến cô ấy đi. Cô bé này hình thức khá, thông minh, nhưng có nhiều chàng bám lắm, em không đủ sức đâu. Cô bé này thì cũng được nhưng hơi đanh đá đúng không?
- Đúng, đúng, nó hay... cào lắm.
- Còn cô này có vẻ hơi bị lắm lời. Cô này thì có vẻ yêu em đấy nhưng mà xấu lắm, béo như voi ma mút.
- Đúng, đúng.
- Chị đã phán, sai làm sao được? Nào, bây giờ thì mau mau khai tên các em ra.
Nó cố nhịn cười.
Nga túm lấy tóc nó:
- Khai mau!
- Rồi, khai. Ái, bỏ tay ra!
- Có thế chứ. Nói đi!
- Cây này là Milu - chú chó cảnh nhà tớ, còn cây này là tên con mèo Ba Bớp - nó rất hay cào. Đây là Thảo. Còn cuối cùng, béo như voi ma mút là Nga.
- Cái gì? - Nga gào lên.
Nó chạy biến ra cửa, quay lại thè lưỡi lêu lêu.
- Quỳnh đâu! Mày dạy thằng Đông Ki-sốt nhà mày thế đấy à?
Quỳnh rời mắt ra khỏi tờ báo, ngẩng lên, rồi lại cúi xuống chăm chú đọc.
Nó bị đình chỉ học ba ngày và bị phụ huynh mắng cho một trận nên thân. Nó có ba ngày ở nhà để hối hận về những việc dại dột nó đã làm. Sáng nay, trước khi đi làm, mẹ nó bảo: “Con lớn rồi, đừng làm khổ bố mẹ nữa. Ngồi đấy mà suy nghĩ về những việc con đã làm”. Thì suy nghĩ, nhưng càng nghĩ nó càng thấy sự việc chẳng có gì nghiêm trọng. Mà sao mọi người cứ thích thổi phồng nó lên nhỉ. Đời chán thật! Có quái gì đâu, chỉ tại cô Sâm dạy Văn lớp nó cứ hay cho đề bài viết giống hệt nhau ở cả ba lớp mà cô dạy. Mà nó thì luôn chẳng biết viết gì trong chín mươi phút kiểm tra văn. “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng phải biết chọc nước, khuấy bùn để tạo ra thời thế”. Nó học mánh của thằng Tuấn lớp C, xem trước đề ở lớp B, làm sẵn ở nhà. Trót lọt hai lần. Đến lần thứ ba, nó lặp lại kịch bản ấy khi cô Sâm ra bài viết về “Tống biệt hành”. Hôm ấy, giờ kiểm tra, nó ngồi rất nghiêm và chăm chú viết lăng nhăng. Nó đã viết những gì nhỉ? À, đầu tiên là “Đưa người ta không đưa qua sông, sao nghe tiếng sóng ở trong lòng”. Nó đã viết: “Vì ngài ăn nhiều thịt mỡ lại uống nước lã chứ sao?”. Rồi đến đoạn: “Một giã gia đình một dửng dưng”, nó bình: “Không biết tác giả giã gia đình bằng cái gì, sao ông ta không dùng... máy xay cho tiện. Ôi! Chắc là bị giã đau lắm nên các chị của ông ta mới khóc nhiều đến thế”. Viết đến đấy, nó nhìn sang, Diễm đã viết gần kín hai trang, nó đọc thấy cái gì mà... “gợi không khí của một ngày gió lạnh, thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông sang đất Dịch”. Đúng là chắp vá, vay mượn. Kinh Kha với chả Kinh kheo. Nó cảm thấy cô giáo đang nhìn nó, vì thế nó quay về hí hửng viết liên tiếp một hồi: Thâm Tâm... Thâm Tâm... Rồi chẳng hiểu sao, nó lại liên hệ đến tên... cô giáo. Tâm và Sâm chung nhau cái vần âm. Nó lại nhớ rằng, hôm qua, nó thấy trong quyển Đàm Thiên Thuyết Địa Luận Nhân có một câu là: “Để cho con một đống tiền không bằng dạy cho con một nghề, dạy cho con một nghề không bằng đặt cho con một cái tên đẹp”. Cô tên là Sâm thì quý và... bổ lắm, nhưng mà cũng còn tùy loại, nào là sâm Cao Ly, sâm Quy tinh, sâm Đại hành...
Ô, sâm Đại hành và... “Tống biệt hành”. Nghĩ thế nào làm thế ấy. Nó hí hoáy vẽ một... củ sâm to uỵch vào phần còn lại của tờ giấy, rồi ghi thêm một dòng nữa ở dưới: “Sâm nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Mau lên kẻo hết”. Nó gật gù, rồi lại thấy câu ấy có vẻ cũ kỹ thế nào. Nó bèn viết một câu khác: “Bạn đang sống trong một thế giới cạnh tranh, bạn đang sống trong một môi trường sôi động. Hãy ăn sâm để tự tin, hãy ăn sâm để thành đạt. Dù bất cứ nơi đâu, đừng chần chừ, đừng chần chừ... Sâm đại bổ, sâm đại bổ...”.
Thế rồi, mọi việc đã không như nó mong đợi. Nó hoàn toàn không biết rằng thằng Tuấn hôm qua đã bị bể mánh và hai con 7 bên cạnh đội quân điểm 4 thường trực đã đưa nó vào diện bị... tình nghi. Không, nó không có ý nói cô giáo, nó chỉ nói củ sâm thôi. Chẳng ai chịu nghe nó cả.
Giờ sinh hoạt sau đó, nó bị phê bình. Người lên án nó nhiều nhất chính là Quỳnh - bí thư chi đoàn. Chắc Quỳnh ghét nó bởi vì bọn chúng gọi Quỳnh là Đun-xi-nê, tình nương của Đông Ki-sốt. Thật ra thì nó ít khi nói chuyện với Quỳnh. Trong mắt nó Quỳnh là đứa con gái lạnh lùng nghiêm nghị, học giỏi nhưng nó thấy khó gần. Thật là một dịp may hiếm có để Quỳnh trút giận.
Chiều, nắng trải một màu vàng mênh mang, tít tắp. Nó đạp xe ra đường đi lang thang. Cứ ngồi ở nhà mà suy nghĩ thì ươn người ra mất. Thật khó chịu, cái gì cũng quy tắc với quy định. Tại sao không thể sống thoải mái hơn.
- Đông đi đâu đấy?
Nó quay sang. Quỳnh đạp xe bên cạnh nó từ bao giờ.
- Ừ. Quỳnh đi chợ à?
- Ừ.
Nó im lặng.
- Đông giận Quỳnh lắm phải không?
- Chẳng có gì.
Đi một đoạn nữa thì Quỳnh rẽ.
- Về nhé.
- Ừ.
Chỉ có ba từ cho cái sự chia tay.
Nó đạp xe thêm một vòng nữa rồi bỗng nhiên lại vòng lại, mắt nhìn theo bóng Quỳnh cứ xa dần.
Ngày mai, nó lại được đến trường với những trận cười.
Liệu có bao giờ nó thấy tiếc vì những tháng ngày tào lao, hời hợt ấy không?