Chương 2

    
gười xếp ga cảm thấy ấm áp trong chiếc “ba–đờ-xuy” cũ kỹ màu cứt ngựa. Lão sờ bộ ria mép rất thưa đã lấm chấm bạc và cảm thấy hai gò má lành lạnh phía dưới ngón tay cái.
Hành khách hay những người đi buôn đứng ngồi hay nằm ngủ la liệt bên cạnh các giỏ hàng lớn. Thân thể họ co quắp trong cái lạnh se thắt của thời tiết mùa đông lúc gần sáng.
Ánh đèn nê–ông đục ngầu gợi cho mọi người một cảm giác mệt mỏi vì lo lắng. Họ ngủ một cách lơ mơ với cái ý thức cảnh giác cố hữu. Nhà ga nào cũng đầy bọn trộm cắp. Lâu lắm mới nghe tiếng chân của một người đi ở đâu phía sau hành lang tối rồi mất hút. Chốc chốc lại nghe tiếng xì phì phì của nồi hơi nước trong nồi “xúp-de” mở thoát ra.
Lão xếp ga ngó lướt qua đám hành khách yên lặng ấy bằng một cái nhìn tỏa rộng và bao dung. Lớp người này đến, lớp người khác đi qua như thời gian. Còn lão, lão vẫn ngồi đó, chậm chạp, bình thản. Cái thời gian bay nhảy của lão đã qua rồi. Không có ý nghĩa gì hết. Vô ích. Lão mỉm cười mân mê bộ ria theo thói quen. Chợt ánh mắt lão dừng lại ở một thằng nhóc nằm co ro trong một góc tối. Lão liếc nhanh vào mặt đồng hồ. Còn chừng một giờ nữa là chuyến tàu chợ đi Sài Gòn khởi hành.
Tiếng còi tàu đã đánh thức vô số người đang ngủ. Họ trở dậy, quờ quạng dáo dác.
Lão xếp ga đi lại phía đứa nhỏ đang ngủ và lay nó dậy. Nó cựa mình, mở mắt ra, lão bảo:
-Tránh ra chỗ khác cho hành khách vào.
Thằng bé nói:
-Ông cho cháu đi với.
-Đi đâu?
-Dạ, đi Sài Gòn
-Có vé không?
-Dạ, cháu mất hết tiền rồi.
-Xạo mày!
Thằng nhỏ bám riết theo lão:
-Cháu nói thiệt. Ông cho cháu đi với.
-Mày con nít. Đi Sài Gòn làm chi.
Đó không phải là câu hỏi mà là một lời khuyên răn của một người từng trải, lão nói xong là vội vàng bước đi, không đợi câu trả lời. Nhưng đứa nhỏ không chịu bỏ lão. Khi hai người đã tới vùng ánh sáng của ngọn đèn, lão thấy máu rịn ướt cả cánh tay đứa nhỏ, liền hỏi:
-Sao máu me tùm lum vậy?
Nó nhăn mặt đáp:
-Dạ, chó cắn.
-Làm gì chó cắn. Ăn trộm à?
Thằng nhỏ định phân trần với lão về việc chó cắn nhưng lão đã lánh vô phía trong cánh cửa to lớn. Nó bị người gác cửa chặn lại.
Phía trong sân ga, hành khách đã sửa soạn cho chuyến khởi hành.
Người gác cửa duỗi hai ống chân mập mạp chẹn ngang lối vào sân ga. Đôi giày da nhà binh cũ kỹ của gã há ngoác miệng ra tưởng chừng như muốn ngoạm lấy cả cái cánh cửa sắt. Hai ống quần ka–ki vàng rộng của gã không ngớt rung chuyển.
Thằng nhỏ lủi thủi đi ra phía đường cái.
Những người hành khách cuối cùng đã vào hết trong sân ga. Mấy người bán cháo lòng, bún bò hay bánh ú, bánh mì còn ngồi nán lại một chút, miệng không ngớt mời mọc mấy người phu khuân vác đi rải đá trên sân đất rộng. Thằng nhỏ đói và mệt. Nó tìm một xó tối định ngủ một lát. Bỗng có ai nhét vô tay nó một khúc bánh mì. Nó mở mắt ra thấy một cái bóng đen ốm nhom, tóc tai bờm xờm đang đứng nhìn nó. Cái bóng đó nói:
-Mày đói hả? Ăn bánh mì đi!
Và người ấy cúi xuống, bỏ mấy đồng bạc cắc vào túi nó, hỏi tiếp:
-Mày tên gì?
-Dạ, em tên Mẫn.
-Ở đâu tới?
-Ở Bình Định.
-Làm gì?
-Em đi Sài Gòn tìm việc.
-Ôi! Đi Sài Gòn làm cái con mẹ gì. Mày đi theo tao. Tao kiếm công việc làm cho.
Mẫn chưa biết nói sao thì gã ấy kéo nó dậy và dắt nó đi khuất vào các bóng cây. Gã nói:
-Đi đâu cho mệt xác. Mày muốn học nghề, tao dạy cho nghề.
Gã vừa nói vừa đưa hai ngón tay thọc vô túi Mẫn, móc mấy đồng bạc cắc một cách nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nhỏ.
Mẫn hỏi:
-Anh làm nghề gì vậy?
-Làm nghề lanh tay lẹ mắt.
-Hát xiệc à?
-Mày ngu quá! Móc túi lấy tiền xài chơi không sướng à? Mày đưa bàn tay cho tao coi!
Mẫn đưa bàn tay cho gã. Gã ngắm nghía mân mê một lúc rồi nói:
-Được, mày có “hoa tay” lắm. Tao biết mày có khiếu về nghề này mà.
Mặt gã cúi xuống gần sát mặt Mẫn. Hơi hám từ cái miệng tối mò ấy xông ra hôi thúi không chịu được. Mẫn ớn xương sống. Nó nghĩ đến mẹ nó. Không! Mẹ nó không bao giờ muốn trở thành một thằng ăn cắp, một tên du đãng. Mẫn cảm thấy vết thương ở cánh tay nó đau nhói lên giữa tiếng cười khụt khịt của cái bóng đen ốm nhom đi bên nó. Mẫn cảm thấy bị đe dọa và lừa bịp. Nó ngó dáo dác rồi thừa lúc tên ốm không để ý, nó vụt chạy trở lại nhà ga. Tên ăn cắp cũng giựt mình đuổi theo, vừa chạy vừa chửi thề. Mẫn phóng tới hết sức lực. Sân ga đã vắng hoe người. Tiếng cười quái dị của tên ăn cắp dồn dập theo tiếng chân chạy thình thịch. Mẫn đã tới bức tường thành ngăn cách đường cái và đường xe lửa. Tường không cao lắm nhưng phía trên có cắm đầy mảnh chai vụn lấp lánh sáng. Mẫn bất kể nguy hiểm. Nó ngậm khúc bánh mì trên miệng, phóng vọt lên, bám lấy đầu tường và leo vọt vào được phía bên trong, vừa đúng lúc chuyến tàu Sài Gòn huýt còi xình xịch khởi hành phía trước.
Không để lỡ một giây. Mẫn phóng tới như con thỏ rừng. Nó băng qua năm sáu đoạn đường sắt lấp loáng, hỗn loạn trước mắt. Đôi bàn chân đẫm máu đạp lên những viên sỏi nám đen, sắc cạnh nằm lẫn lộn với gai góc và than đá vỡ nát.
Khi bám được lên cửa tàu thì Mẫn đã kiệt lực. Nó ngã chúi vào trong bóng tối. Khúc bánh mì cắn trên miệng văng ra, lăn lóc vào giữa các kiện hàng, mấy đồng bạc cắc trong túi rơi lẻng kẻng bốn phía nhưng nó vẫn nằm yên, không nhúc nhích.
Thiếp đi một lát, Mẫn tỉnh dậy với cảm giác đau nhức khắp mình mẩy. Mảnh chai trên đầu tường nhà ga đã cắt nát hai bàn tay, cánh tay và đầu gối nó. Mẫn đưa tay sờ soạng những dòng máu khô đóng dày cộm hai ống chân và bắt đầu nghe ngóng xung quanh. Không có dấu hiệu gì tỏ ra có người trên toa này. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh, nó nhận ra các kiện hàng lớn nằm rải rác xếp trong toa tàu. Từ phía các toa trước vang lại tiếng cười nói loáng thoáng của những người đi tàu.
Mẫn cố ngồi dậy. Nó phải cố đi tìm mấy khúc bánh mì và mấy đồng bạc cắc. Nó đói quá. Nó đang cần bất cứ thứ gì có thể ăn được. Nó quờ quạng trong các xó xỉnh, giữa các kiện hàng, trong góc toa. Phải mất một lúc khá lâu nó mới tìm được cái nguồn sống mà tên ăn cắp đã cho nó lúc nãy: một khúc bánh mì và tám đồng bạc cắc. Nó không biết còn sót đồng nào không nhưng nó quyết định để sáng rõ rồi hãy tìm, bây giờ phải ăn cái đã.
Con tàu đi qua một xóm lao động tồi tàn, lụp xụp. Ánh nắng đã ửng lên các mái lá chông chênh. Tiếng xe rộn rịp nhóm dậy niềm vui bất chợt. Mẫn đứng lên, ló đầu ra cửa toa nhìn xuống đường sắt và cảm thấy bị cái thú phiêu lưu lơi cuốn. Nó nhổ nước miếng xuống đường rầy và cố nhổ cho trúng nhưng nước miếng cứ bị đánh vẹt ra.
Chân trời ửng sáng, rạng rỡ khi tàu chạy băng qua cánh đồng xanh ngát. Mẫn nghe có tiếng bước chân đi lại gần. Nó vừa quay lại thì người soát vé đã lù lù đứng giữa toa tàu. Lão ngó thằng nhỏ chăm chăm. Mẫn cũng ngó lão một chặp. Lão hất hàm:
-Vé đâu?
Mẫn đứng im ngó lão. Người soát vé lặp lại câu hỏi nhưng Mẫn không biết trả lời thế nào. Nó chỉ sợ mở miệng ra là bị tống cổ xuống khỏi tàu cho nên nó vội lùi lại phía sau các kiện hàng, thủ thế.
Người soát vé ngần ngừ. Ông ta có vẻ uể oải khi tiến về phía Mẫn và không hiểu sao lại thò đầu ra ngoài cửa toa, nhìn ra cánh đồng rồi thở dài. Lúc lão quay vào thì vẻ đe dọa trên khuôn mặt không còn nữa. Lão nắm cánh tay Mẫn nói như ra lệnh.
-Đi ra đây mà ngồi.
Mẫn theo lão đi lên toa phía trước. Ở đó người ta bán thức ăn và nước ngọt. Lão gọi một chai xá xị, ra hiệu người bán hàng rót vào trong một cái ly cối lớn rồi dẫn Mẫn qua toa kế bên, ở đó ngồi rải rác chừng mười người đàn bà, đàn ông. Khi lại gần một người đàn bà mập mạp đang ăn đậu phộng nấu, lão ra hiệu cho Mẫn ngồi xuống đó rồi nói với bà ta.
-Bắt được một “thằng cọp” con.
Người đàn bà vừa nhai đậu vừa cười rung chuyển cả thân thể phì nộn, to lớn. Lão soát vé giở giọng chọc ghẹo:
-Chắc bà có da có thịt nhờ ăn đậu phộng?
-Đâu có, lâu lâu buồn, ăn ba hột chơi.
Người đàn bà cười, nhích người sang một bên, nói:
-Ngồi xuống đi anh Hai. Đứng hoài mỏi chân.
Lão soát vé ngồi xuống bên Mẫn. Lúc ấy người đàn bà mới thấy những vết máu trên người thằng bé, bà hoảng hốt la lên:
-Trời ơi! Sao mà máu me tùm lum vậy cháu?
-Dạ, cháu bị chó cắn đó dì.
-Cha mẹ cháu đâu mà phất phơ một mình vậy?
-Dạ, chết hết rồi.
-Bây giờ cháu đi Sài Gòn làm chi?
-Dạ, cháu đi tìm công chuyện làm ăn.
-Mấy tuổi rồi?
-Dạ, mười tuổi.
Người soát vé đã nốc cạn ly xá xị, xoay xoay lắc lắc cục nước đá trong ly kêu lóc cóc rồi nói xen vô:
-Thôi, mày vô Sài Gòn làm công chuyện cho bà này nè. Trong đó thiếu cha chi công chuyện.
Người đàn bà đẩy gói đậu phộng về phía Mẫn.
Nó ăn ngon lành.