Nẻo về lời thương

    
êm qua, bất chợt một giấc mơ hình cánh cung, vành vành nhấp nhô thanh âm từ thuở xa xăm nào mà... gần lắm. Giấc mơ giọt tan vào ban mai, đọng lại lời nhớ, lời quên, lời thì thầm ngọt ngào của mùa. Đêm qua ta mơ mình nhỏ lại! (Em đừng vội cười, “... và cũng đủ lớn để mong mình trẻ lại” mà). Đêm qua ta mơ thấy con-người-bé-con, thuở chưa lọt lòng mẹ cơ!
Trong bụng mẹ thì... tối lắm! Mắt chưa thấy gì đâu, mũi chưa ngửi gì đâu, chỉ có... đôi tai bé bỏng đang lắng nghe. Dù chưa bắt tay làm quen (theo kiểu người lớn) nhưng bố mẹ vẫn trò chuyện cùng bé con đấy! Mẹ bảo bé con sẽ khóc khi lần đầu nói “xin chào” với mặt trời, còn mọi người nhìn ngắm trong nụ cười và chúc mừng, bố hứa làm ngựa cho bé con nhong nhong khắp nơi, bố còn nói sẽ dạy bé con cách yêu thương cuộc đời... Bé con còn nhớ cả lời vị bác sĩ có khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt biết cười sau cặp kính nữa: khi ở trong bụng mẹ, bé con nào cũng giống nhau, cũng nằm chúc đầu xuống giống như hình cái... tai. Hi hi, bé con nào cũng có cái tai, nhờ cái tai biết lắng nghe mà bé con biết “thế giới bên ngoài bụng mẹ” thật to, thật vui...
Ta thức dậy trong đêm, trong trìu mến ánh nhìn của những vì sao, trong tiếng cười hi hi của bé con - ta ngày xưa. Thời gian tĩnh lặng bên ngoài cửa sổ. Ta nhắm mắt và đưa tay bịt hai tai, đố em đấy, ta nghe được gì? Trời ơi, ta nghe ầm ì tiếng sóng biển, nghe vi vút gió đồi thông, nghe trong vắt em cười hiền lành, nghe hương đêm mùa xuân ngọt lành, ta còn nghe cái nóng thót người mỗi khi bị bỏng, ta tự nhiên giơ tay nắm hai tai... Những thanh âm chấp chới, những âm thanh không lời đưa ta đến một câu chuyện (của một người lớn, đi rất xa, biết rất nhiều và viết rất hay) về cái tai rằng ở núi non Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ chỉ được xem là Con Người khi người ta thổi linh hồn vào cho nó. Vậy nên có lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh. Một người phụ nữ (thiên chức người phụ nữ là giữ giềng mối của sự sống mà, phải vậy không em?) đứng tuổi sẽ nhai nát gừng rồi phun vào cuộn chỉ bông lấy từ chiếc xa quay, sau đó thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát tai đứa bé, vừa thổi vừa khấn một số câu gì gì đó! Ta chỉ nhớ loáng thoáng rằng: Thông lỗ mũi/ tỉnh lỗ tai/ phun gừng/ tai trái/ nhớ lấy ruộng rẫy/ tai phải/ nhớ lấy công việc/ làm người, hãy nhận lấy hồn người đây... Người Tây Nguyên tin rằng sau lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, lễ truyền sự sống, đứa bé sơ sinh mới chính thức là Người. Phải vậy không em, từ ngàn xưa, khi con người chưa có chữ viết, chưa có... báo chí thì lời nói, sự nghe quan trọng đến chừng nào!
Em có bao giờ dùng bàn tay để cảm nhận lỗ tai chưa? Tai vành vành hình cánh cung đấy, em có chợt liên tưởng dãy núi cánh cung phía Bắc đón gió cho đồng bằng? Cái tai thì xíu xiu (núi cũng xíu xiu trên bản đồ) nhưng lối vào trải rộng thênh thang! Cả một-đời-nghe, em sẽ nghe rất nhiều, cũng như miền Bắc nước mình là một vực gió. Nhưng mỗi người chỉ có một đôi tai bé nhỏ và em biết không, mỗi đôi tai chọn một cách lắng nghe khác nhau. Có những đôi tai chỉ quen nghe lời ngọt ngào, có những đôi tai biết nghe cả những lời thật - dẫu chát chua, cay đắng... Có những đôi tai biết nhớ, tai nghe rồi tai biết sự nghe hôm nay là dòng chảy vĩnh hằng của sự nối tiếp câu chuyện thế hệ. Có những đôi tai suốt đời vẫn bấp bênh kinh kệ, có những đôi tai vừa chớm nghe tiếng chuông chùa buổi sáng đã lún ngún xanh cỏ thiền... Có những đôi tai vô tư thanh âm rồi thôi, lại có những đôi tai biết nghĩ, biết lắng nghe cả những lời-không-phải-là-thanh-âm... Đêm vẫn sâu sau cánh cửa phòng. Em có lắng nghe (trong giấc ngủ) câu chuyện giữa ta và em, ta và giấc mơ, ta và con-người-bé-con? Ta có làm em tư lự không? Ta tin rằng một chút tư lự sẽ làm em tươi xinh hơn trong mùa xuân mới.
Sớm mai, ta (và cả em nữa nhé!) dành riêng cho đôi tai mình những phút trong trẻo nhất của ngày mới, nằm trên giường nhắm mắt và lắng nghe. Ta nghe giấc mơ đêm qua reo ca trên ngọn đồi phía xa, nghe hơi thở mùa xuân đang tô màu cho mặt đất bằng những nhát cọ xanh, nghe tiếng chim ngây ngất bước chân mẹ đi chợ về, nghe cả tiếng cười thân quen của em bao năm thơm thoảng trong gió. Cả một thế giới diệu kỳ khi em biết lắng-nghe, miền bình yên lời thương trong bụng mẹ, miền gập ghềnh cái nhớ, cái quên vơi đầy theo tuổi.
Ta nghe chiếc xích đu ngoài hiên đang cất lên giai điệu quen thuộc em hay hát hồn nhiên... Ta nghe năm mới rón rén bên thềm...
- A di đà Phật!
- A di đà Phật!
- Hi hi...
Nghe được tiếng cười “hi hi” của em thì tôi chắc chắn đất trời đã vào xuân thật rồi, mùa xuân đang đi những bước khoan thai quanh tôi chứ không còn rón rén như đêm qua nữa. Nhưng mới sáng mùng một Tết em đã làm tôi giật mình, cứ tưởng Phật tử trẻ con nào đi lạc vào phòng tôi chứ. Sống trong chùa nhiều năm, câu chào “A di đà Phật” đã thành phản xạ, gặp ai cũng “A di đà Phật”. Nhiều lúc ở trường quen miệng, gặp thầy giám thị, gặp cô chủ nhiệm cũng “A di đà Phật” làm các thầy cô chọc quá trời, còn nói tôi có căn tu nữa. Nhưng với em thì không, đây là lần đầu tiên em và tôi chào nhau như vậy...
- Sao Phương không ở nhà chúc Tết ông bà lấy lì xì, qua chùa sớm vậy, lúc về mất phần thì đừng có khóc nhè đầu năm nghen!
- Em chúc Tết ông bà, ba mẹ xong rồi. Em qua đây đòi lì xì của anh đó! Em bắt đầu chúc Tết anh đây, chúc Tết xong thì phải có lì xì nha!
Sáng nay em mặc một cái quần tây trắng và một chiếc áo xanh trời, em thu nhỏ cả bầu trời ngoài kia rồi quàng lên người mình hả Phương? Bầu-trời-nhỏ ơi, em làm tôi bối rối. Tôi đã nhìn khắp lượt căn phòng nhỏ xíu chỉ toàn sách là sách của mình. Trong phòng không có một phong đỏ nào và trong người tôi hình như cũng không còn tiền. Phương ơi, em đòi chi lì xì của tôi, lì xì thường là ít, mỗi năm chỉ một lần, còn em thì luôn xứng đáng được nhiều hơn mà! Hay là lì xì em cái tùy bút hồi đêm...
- Anh chuẩn bị xong chưa? Em chúc nha...
- Phương ra ngoài xích đu ngồi đợi tôi một chút, sẽ có lì xì cho Phương mà, an tâm nhé!
Em ngoan ngoãn nghe lời tôi ra sân ngồi chơi với chiếc xích đu, đều đặn tung tẩy người xuống lên. Từ cửa phòng tôi nhìn ra là mảnh sân sau của chùa. Cuối sân là một cái cổng gỗ, chỉ cao chừng bằng em thôi. Cổng này thông ra một con hẻm nhỏ như bao nhiêu con hẻm khác của thị xã, những sự việc nơi đây dễ thương cũng có và muộn phiền cũng có. Mảnh sân có lót gạch tàu đỏ đỏ, vuông vuông, rêu rêu, cũ cũ... chỉ có bàn chân em hay chạy nhảy trong sân là mới hơn qua mỗi ngày nắng lên. Góc sân có mấy chậu hoa quỳnh, mấy chậu cúc, mấy giò lan và một nẹp đất dọc theo vách tường tha hồ cho rau càng cua, hoa cúc dại, cỏ dại chen nhau mọc lên, nhìn nẹp đất đó là có vẻ đông vui nhất trong cái sân chùa cổ kính này.
May quá, tôi tìm được cái túi đựng đồng xu rồi. Thích mấy cái đồng xu kêu lanh canh, tôi đổi cả túi xu năm trăm đồng để dành gửi xe đạp đi học. Mỗi lần đặt đồng xu vô tay ai đó, tôi có cảm giác lạ lắm, không chỉ đơn giản là xin-cho, bán-mua... Còn đúng mười hai đồng xu, may quá, năm nay em cũng mười hai tuổi.
- Phương ơi, vào đây. Phương muốn chúc gì tôi?
- Em chúc anh năm mới sẽ học giỏi nè, mạnh khỏe nè, vui thật vui và có nhiều tiền lì xì nữa!
Tôi cười mỉm mỉm. Em hồn nhiên quá đến mức không nhớ tôi già rồi sao. Tôi học cao hơn lớp mười hai rồi, em ạ! Từ rất lâu tôi đã quên mất chuyện nhận lì xì và trước em, tôi chưa bao giờ phải lì xì cho ai đó. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sáng mùng một, em mang đến cho tôi cả hai chuyện đầu tiên: Adi đà Phật và lì xì. Chắc còn nữa phải không em?
Tôi trao cho em phong bao lì xì dã chiến tôi vừa gấp bằng tờ giấy tập rồi quẹt vài nhát cọ màu đỏ lên. Trông nó xấu xí thế mà em lại thích thú, cười thật tươi, cứ cố ý tạo ra âm thanh leng keng leng keng rộn ràng cả buổi trưa mùng một đang đến.
- Em sẽ giữ tiền lì xì của anh làm kỷ niệm chứ không xài đâu! Nhưng anh phải chúc Tết lại cho em chứ!
- Phương muốn tôi chúc gì?
- Năm ngoái em chưa chuyển đến đây nên chưa được anh chúc Tết. Anh chúc gì gì cũng được nhưng chúc gấp đôi nhé!
- Em ạ, em biết không, tôi sẵn sàng dành cho em tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Không phải chỉ có năm ngoái thôi, em có thể nghe nó suốt mười hai mùa xuân, kể từ cái Tết đầu tiên em hiện diện trên đời này.
- Chúc Phương luôn vui, luôn mạnh khỏe, học giỏi suốt đời luôn, chịu không?
- Dạ chịu. Nhưng năm sau em chạy qua thì anh vẫn chúc Tết em nhé. Anh không được nói là đã chúc suốt đời rồi đấy!
- Tôi không có ăn gian vậy đâu. Phương cứ yên tâm!
Em cười hiền lành và thích thú. Sợ gì không sợ, lại sợ năm sau không được chúc Tết nữa. Chắc chỉ có em thôi...
Em loanh quanh chơi với tôi đến hết buổi sáng mùng một. Khi thì đong đưa xích đu, khi thì lúc lắc cái bao lì xì giấy cho mấy đồng xu nhảy lên kêu leng keng, lúc lại chạy đuổi theo con bướm trắng nhỏ xíu nào đó chỗ nẹp đất um tùm rau, cỏ dại... Đến trưa, chắc là em bắt đầu thấm mệt và đói bụng thì em xin phép tôi ra về. Tạm biệt em. Cám ơn em đã tặng tôi một buổi sáng mùng một Tết bối rối, thú vị và hạnh phúc, tôi được lì xì cho em, được em chúc Tết, được chúc Tết lại em, được nhìn ngắm em tung tăng... Tôi lại bắt chước hồn nhiên em rồi, tôi không tham lam quá đâu, tôi chỉ ước mỗi năm có mười hai ngày mùng một thôi.
Tết năm nay chùa vắng lặng, các thầy đã lên một ngôi chùa trên Đà Lạt hết rồi. Chỉ còn tôi - gã học sinh ở nhờ nhiều năm và thầy Hải ở lại giữ hương mấy ngày xuân cho chùa. Phật tử cũng vài người đến lau chùi quét dọn. Thường thì mọi người ít ra tới mảnh sân sau này và cũng không ra vào bằng cổng sau. Vậy đó, nên bước chân em lò cò trong sân là cứ mới tinh sau mỗi ngày nắng lên...
Đêm qua trở dậy ngồi viết một mạch, không đầu không đuôi. Cũng định lì xì cho em bài viết khai bút rồi chứ nhưng lại thôi, để dành đó cũng là cho em mà. Chắc em sẽ cùng gia đình về quê mấy ngày Tết. Tôi sẽ trông ngày em tựu trường lại. Mỗi chiều, em sẽ mang tập vở qua đây, rón rén mở cánh cổng sau rồi ào vô chiếc xích đu ngồi đu đưa. Tôi sẽ giúp em học bài, làm bài tập trong lớp. Tôi sẽ lại ngạc nhiên vì em thông minh quá. Và tôi sẽ thích thú chia sẻ với em chuyện đôi tai kỳ diệu. Em có thể phán đoán chính xác khoảng cách bằng đôi tai mình. Một chú ong bị thương nhé, ong bị té xuống đất nhưng cánh vẫn phát ra thanh âm. Không ai khác hơn là em có thể tìm ra chú ong tội nghiệp đó rồi đưa ong về tổ. Và em có thể nghe được những khúc vĩ thanh mà tôi chỉ biết cúi đầu thán phục. Một buổi sáng, trước giờ đến trường, em hớt hải chạy ra báo cho tôi biết em nghe tiếng hoa khóc. Em níu tôi ra chỗ mấy chậu hoa. Hình như đêm qua, nơi đây là chiến trường của hai con mèo, hoa quỳnh, hoa cúc trơ cánh xơ xác, cái nẹp đất bị bới tung lên, bẹp nhẹp đất bùn... Em rươm rướm nước mắt. Tôi phải năn nỉ em mau đến trường kẻo muộn giờ học và đích thân tôi sẽ đưa mấy cây hoa đi bác sĩ... Em vừa đi, vừa ngoái lại thút thít khóc... Tôi nhìn theo em mà cứ ngỡ đó là một thiên thần. Em ạ! Tôi viết vài dòng đêm qua là để tặng em và đôi tai bé nhỏ, mùa xuân năm sau tôi sẽ tặng em nhé...
Em lên thành phố chơi suốt mùa hè lớp sáu. Cuối tháng tám, em về lại thị xã, tôi vui như Tết. Em vẫn thế, chẳng cao hơn bao nhiêu, nước da ngăm hơn nhưng trông em khỏe mạnh hơn. Em ghé chùa thăm tôi vào một buổi chiều. Tôi nhìn em từ căn phòng nhỏ xíu của mình, em vẫn ngồi trên cái xích đu, đu đưa đu đưa, trong tai em là một cái earphone, hình như em đang nghe nhạc. Thấy tôi, em vui ríu rít từ trong ánh mắt.
Em kể cho tôi nghe về mọi thứ trên thành phố, hồi hộp, lạ lẫm, tiện nghi và cả những nỗi sợ sệt nữa. Em khoe em đã biết sử dụng vi tính rồi, em có thể gõ một đoạn thơ trong sách giáo khoa lên máy tính và em còn biết chơi games nữa, trò chơi có cái rổ chạy qua chạy lại hứng trứng. Em được mẹ cho đi học hát ở nhà thiếu nhi, em hát cho tôi nghe một đoạn bài hát thiếu nhi mới, em khoe cái bìa CD nhạc teen-pop rực rỡ màu sắc em đang nghe có giọng ca gì đấy rất nổi tiếng ở thành phố... Tôi cũng vui vui, mừng cho em nhanh thích nghi được với nhịp sống sôi động của thành phố. Rồi em sẽ đi xa hơn, vươn khỏi cái thị xã bé nhỏ này, em sẽ bay cao tung tăng trong bầu trời một thành phố hiện đại nào khác nữa. Có thể, nơi đó, rất xa, cách mảnh sân chùa bé nhỏ có chiếc xích đu này cả triệu triệu chiếc cánh ong, cách ngày hôm nay cả một khoảng trời của những bước chân sáo an nhiên, có thể người ta không dùng chung loại tiếng nói mà tôi và em đang trò chuyện... Em sẽ lớn lên...
- Hôm nay em qua chùa chào tạm biệt anh, chín tháng lận. Em sẽ lên thành phố học và mùa hè năm sau lại về đây chơi với anh nhé!
Mắt em thấp thoáng chút xíu, xíu xiu buồn thôi rồi rất nhanh, ánh lên những tia long lanh cũ, những tia háo hức mới. Tôi và mảnh sân chùa này trong em, vừa thoáng qua mất rồi...
- Phương đi học ở thành phố thật là ngoan nhé! Tôi chúc Phương học giỏi và mau có nhiều bạn mới...
Em cười trong vắt, ừm, cũng lạ, em thích nghe những lời chúc, chẳng biết có phải từ tất cả mọi người không, hay chỉ từ mảnh sân có nẹp đất um tùm cây cỏ dại này. Nhưng Phương ơi, em lại làm tôi bối rối nữa rồi. Tôi mong bối rối trong tôi cũng sẽ thoáng qua thôi như mắt em thoáng buồn khi nói với tôi lời chia tay...
Đó là buổi chiều em ngồi lại chiếc xích đu rất muộn cùng tôi. Trời đã lác đác những vì sao mà em vẫn chưa muốn về nhà, em ngồi đến lúc cụm hoa quỳnh man mác, bắt đầu tỏa hương nhẹ nhàng quyến luyến.
- Phương chưa đói bụng à, mẹ Phương đang đợi cơm đó! Khi nào về thăm nhà cũ thì ghé thăm tôi luôn nhé, chiếc xích đu này vẫn chờ Phương. Phương sẽ học thật giỏi, sẽ thật vui ở trường mới nhé Phương!
- Dạ. Em sẽ về thăm anh và chơi xích đu nữa! Em về đây! Tạm biệt anh!
Em ngồi thêm một lúc nữa rồi kéo cánh cổng gỗ ở phía sau về nhà. Cũng tối, tôi muốn đưa em về lắm nhưng chẳng hiểu sao lại đứng im đó nhìn theo bóng em cho đến lúc em khuất đằng sau cánh cửa nhà em. Tôi đi tha thẩn trong sân rồi ngồi ngồi cạnh mấy bụi hoa. Đêm bắt đầu dày hơn.
Thoáng bối rối trong tôi ban chiều đang trở lại trong màn đêm. Đôi tai có thể lắng nghe những siêu thanh đó, chắc sẽ không còn lâu nữa đâu, em ạ! Khi em ở một thành phố sôi động, nhạc teen-pop, âm thanh công nghiệp, giao thông choán hết những phần trong trẻo của mọi thanh âm khác. Em hát hay lắm Phương ạ, mọi người sẽ thích tiếng hát em, nhưng khi em hát thì em sẽ không còn nghe được những khúc vĩ thanh phát ra từ những chiếc cánh côn trùng, em sẽ vội lắm mà không còn nghe được hoa cỏ thầm thì cười khóc. Em sẽ bị cuốn đi, như con chim non sẽ lao theo đàn, dẫu biết em sẽ thích nghi và sẽ nhanh chóng trở thành một trong những con chim đầu đàn mới, em giỏi thế cơ mà! Nhưng tôi thích em có một không gian trong trẻo dành cho đôi tai mình hơn, tôi thích niềm vui trong em khi em - bằng đôi tai của mình cứu được đôi cánh ong, cánh kiến đang bị thương... Tôi thích em nghe được hồn nhiên rồi em khóc hồn nhiên theo giọt nước mắt cỏ hoa khóc... Lũ côn trùng có cánh và cỏ hoa trong sân chùa này từ nay vắng em...
Em biết không, Phương, nếu bé Hương, em ruột tôi đó, không bị cơn lũ cuốn đi, chắc giờ cũng cao bằng em và có gương mặt lấp lánh y như em vậy. Ngày năm tuổi, bé Hương cũng bằng đôi tai xíu xiu của mình, cứu được những cánh bướm bị thương bên bờ cúc dại nhà tôi...
Một chút luyến tiếc khi tôi chẳng tặng em những suy ngẫm ngồ ngộ về cái tai hôm đầu năm. Một chút thôi rồi cũng sẽ qua... Dù bé Hương, bé Phương đang ở góc khuất nào của cuộc sống đa không gian này đi nữa, tôi biết, chỉ cần có sự hiện diện của hai em, nơi đó sẽ là nẻo về của những lời thương chân thành nhất...