Càng ngày người thành phố mới càng thấy cây xanh cần thiết cho con người biết chừng nào. Càng chật cội, cây xanh càng quý giá, nó như cảnh vợ chồng nghèo càng biết thương yêu hơn, như cô gái quá thì được yêu càng nồng nàn mê đắm hơn... Có hai loại cây xanh thường gặp. Một là cây xanh trên vỉa hè công cộng. Hai là cây xanh trên hè trên thềm trong sân mỗi gia đình. Trong những căn nhà cổ Hà Nội cũ, thường lớp nhà trên cách lớp nhà dưới khoảng sân con. ở đó thường có non bộ, một vài chậu cây cảnh như một chậu địa lan, mạc lan, hạc đính lan, một khóm sói, khóm hồng, giò cúc. Có khi là một gốc đinh lăng xanh biếc lăn tăn (lúc ăn gỏi cá khỏi phải đi kiếm), cũng có thể là một cây xương rồng, một cây cúc mốc, một gốc chi mai, một khóm liên đài (hoa đá)... Dăm chục năm trước, hoa giấy (tên chính là hoa móc diều) còn hiếm, chỉ một màu tím thường cho leo trên hàng rào sắt vài biệt thự. Nay hoa giấy thành phổ biến, đủ màu: tím, trắng, cánh sen, cá vàng... có khi còn là cây thế, có hai ba màu hoa ghép. Từ trong nhà đi ra, bước xuống bậc tam cấp là gặp ngay cây xanh tươi mát, bổ khuyết cho cái chật chội tức mắt âm u của màu nâu đồ gỗ, màu đen của câu đối hoành phi, màu xỉn của gạch lá nem, vàng của tường vôi, xám của rui mè trên nóc... Cây xanh thành nốt nhạc phá đi cái trầm lặng của không gian tịch mịch, nó còn thoảng nhẹ một mùi hương cho thanh thoát tâm hồn đôi chút... Cuộc sống phát triển, nhà hộp, đá ốp, đá rửa, những đường thẳng song song nằm ngang hay thẳng đứng cứng đơ, thường đơn điệu, nên nhiều người đã phải phổ chút cây xanh vào cho đỡ trống lạnh bằng cây đa lá đỏ, cây cô tòng, trắc bách diệp, cây vạn niên thanh thẳng đứng mà lá có những chấm trắng li ti như sao mọc trời đêm. Những chủ nhân của thế kỷ trước thường áo the quần ống sớ tưới cây chăm sóc cái mầm xanh như người tri kỷ, lấy cả nước rửa mặt tưới cây, dùng nước điếu tuốt muội cho lá lan quen ẻo lả, chờ từng cái nụ quỳnh mới nhú bằng đầu tăm... Còn bây giờ ông chủ bà chủ sống theo tốc độ xe máy, quần bò váy mốc, mồm đỏ mắt xanh, coi cây là thứ phục vụ, là một thứ làm sang cho mình, chứ không phải là người an ủi mình, nên đối với cây khá phũ phàng. Không trách được họ, bởi họ sống trong cái guồng kéo đi không thể để lừ đừ, đận đà mà được. Còn loại cây trên vỉa hè công cộng thành phố thì sao? Công tá công viên có đội bóng mát để chăm cho cây, nào trồng dặm, bổ sung, hạ những cây sâu mục, tỉa cành mùa bão (chỉ tiếc có khi anh em quá tay, cái cây còn khốn khổ hơn gặp bão). Hà Nội có những hàng cây đẹp lạ lùng, là nỗi nhớ của người đi xa, là niềm yêu của người ở gần, là bâng khuâng cho tình ái, là... nhiều lắm. Lò Đúc có sao đen thẳng vút. Nguyễn Du có hoa sữa. Trần Hưng Đạo có cả hoa sữa, cả sấu um tùm. Phan Đình Phùng có hoàng lan. Ngô Quáền còn sót lại mươi cây me cổ thụ. Điện Biên Phủ có hơn bốn chục cây đa cứ oằn mình mà xanh biếc bốn mùa. Thợ Nhuộm có bằng lăng nước, đường Thanh Niên có xoan tây. Xung quanh bờ Hồ có bao cây đặc biệt: cây mõ thân thẳng cành xòa rộng, cây lộc vừng như cây thế khổng lồ, lại có cây lộc vừng chín gốc, cây gỗ tếch thẳng vút, bãi vông hoa đỏ rực lúc chớm hè, gốc gạo gọi chim về ríu rít cùng hoa khi cuối xuân, những cây vàng anh rực rỡ những chùm hoa da cam đằm thắm, cây cọ như chống đỡ trời xanh, mấy cây đa hào phóng bóng mát và búp cho con trẻ đùa chơi... Đôi vườn hoa biệt thự thấp thoáng một vài gốc tre đằng ngà thân vàng óng như mạ vàng, kéo những làng quê gần lại. Lâu nay Hàng Dầu có cây sưa, mùa xuân hoa nở trắng như tuyết phủ. Hàng Bè, Hàng Đào có dâu da xoan là loại cây dễ trồng dễ sống, tỏa bóng mát rượi, hoa thơm thoảng xa dù hơi phàm tục. Cây xà cừ đã khá quen thuộc với Hà Nội, cây cao bóng cả, chỉ tiếc to xác nhưng ít chịu được bão to gió lớn vì rễ ăn ngang, không dẻo dai như cây sấu, gốc có vè có bạnh, lá thường xanh bốn mùa, hoa rụng trắng tháng ba, trẻ nhặt chơi đầy kỷ niệm. Thử tưởng tượng nếu Hà Nội không có cây xanh. Đó là cô thiếu nữ đẹp nhưng lại cạo trọc đầu, không kể chúng ta sẽ ngạt thở khói nhà máy do các thứ của con người thải vào không khí. Hà Nội đẹp một phần chính vì cây xanh, cây làm thành phố mang ý vị của thành phố xinh xắn trầm mặc cổ kính, mát mẻ, đầy nhân tình lưu luyến, là nỗi khắc khoải của người xa thành phố quê hương, là niềm âu yếm của người hàng ngày phải có mặt trên đường phố. Tiếc có lúc có những gốc cây bị xây bó lại làm chỗ bán hàng, bán nước, hoặc có khi bị tàn phá như đêm giao thừa, người ta hái lộc. Người Hà Nội thế hệ này tiếp thế hệ khác không thể nào quên bao kỷ niệm gắn đời mình với những hàng cây quen thuộc. Hoa tím bằng lăng nước trên đường Thợ Nhuộm, hoa phương đỏ chói trên đường Thanh Niên, hoa sấu trên nhiều con đường um tùm rợp bóng, hoa lộc vừng chói đỏ rập rờn trên mặt hồ thu... cả đến cây mít trong chùa ngõ Tràng An, cây muỗn trong Quán Thánh, cây muỗm đơn độc mọc giữa hè trên phố Trần Hưng Đạo (chỗ cửa sứ quán I-rắc). Cây xanh đã thành nét, nếu không nói là chủ đạo thì cũng là một nét màu quan trọng của bức tranh Hà Nội sắp bước vào nghìn tuổi.