Mấy nẻo ngoại ô

Đ ã có một thời chưa xa, Hồ Gươm mênh mông trong mắt, còn nội thành lại tân hoẻn những đường hẹp ngõ nhỏ quanh co. Từ tháp Hòa Phong trầm lặng, từ gốc cây gạo già cửa đền Ngọc Sơn xù những trăm bướu thời gian... ta hướng ra các nẻo ngoại ô mà thấy xa hút những đường trường mỏi ngựa. Ngày nay, Hồ Gươm hình như thu mình lại, hẹp đi, không chứa hết được bóng những ngôi nhà cao tầng soi xuống. Còn những nẻo ngoại ô sao mà gần thế. Giữa đường phố Huế, xuôi chợ Hôm mấy bước chân mà đã phải có cái quán Trung Đồ tức "quán giữa đường" để người dừng chân, ngựa tạm nghỉ khi đưa cỗ linh cữu về cõi vĩnh hằng mù mịt. Nay, chỗ ấy là số nhà 260, một trong những trung tâm thành phố, còn nghĩa trang Quỳnh Lôi cũng chẳng xa gì, thành khu nhà ở, thành nhà máy dệt vải, dệt khăn mặt khăn tay, thành con đường mang tên người nữ liệt sĩ Minh Khai chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đi thêm chút nữa, ta gặp hoa hồng Vĩnh Tuy thay cho Ngọc Hà, Quảng Bá làng hoa nghìn tuổi, và nếu dấn "ga" thêm chút ít, ta gặp làng Thanh Trì bánh cuốn lụa mỏng mát mềm truyền thống quà ngon Hà Nội. Đuôi Cá là đâu, hình như ngút ngàn tít tắp, cái ngã ba có con đường chéo tạo ra chiếc đuôi con người cá chép, cá rô Đầm Sét, còn phảng phất ngôi chùa Sét xây gạch Bát Tràng và đầm ao dập dềnh bèo ong bèo Nhật Bản, sẵn sàng cho nghỉ đôi chân người trên đường thiên lý về Nam. Trước năm 1940, đường sắt quãng ấy gọi là Cầu Tiên, một lần chuyến tàu Văn Điển đâm vào chuyến tốc hành Sài Gòn, hơn hai trăm người tử nạn làm cả nước xôn xao lo lắng, khăn gói quả mướp đi tìm người thân, nhưng rồi "ông Sếp ga" người Tây chỉ bị phạt Một đồng bạc Đông Dương danh dự. (?) Nay ga Giáp Bát là ga lập tàu, nó chưa ngoại ô, nó đầy tấp nập, nó thuộc quận nội thành Hai Bà Trưng đông đúc. Phía Tây thành phố, ngã tư Hàng Lọng, Khâm Thiên đã âm u le lói ngọn đèn dầu, chỉ lóe sáng Măng Sông chát tom son phấn chen vào áo vá chân trần khi những Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Mộng Hoàn sênh phách cầm ca. Trần Huyền Trân, nhà thơ tài hoa Ngõ Trắng giữa phố mà như lạc loài xa lạ với phồn hoa ồn ã cách xa chỉ dăm trăm thước, nên ông thở than: Tôi ở lều gianh Cổng Trắng này Chạnh niềm cá nhảy với chim bay Đêm đêm kẽo kẹt ngư bà thức Giăng phải hồn tôi một lưới đầy... Khâm Thiên bây giờ là phố thợ may, dài gần hai nghìn thước, bạt ngàn quần áo bình dân, ka ki cỏ úa, bò mài bò mốc, dù nắng đi một vòng cung từ đông sang tây từ sớm đến chiều, mà tán bàng cứ non tơ, không át đi màu nhiệt đới, cả sau trận bom B.52 hơn 250 người ra đi cho Hà Nội đứng thẳng làm người. Chợ Dừa là một cửa ô già hơn bất cứ ai già nhất Hà Nội. Đường hai chiều nhựa phẳng ap-phan, chớp mắt đã đến Ngã Tư Sở từng heo hút chia tay hai tài năng lớn Tản Đà và Vũ Trọng Phụng, liền số nhà nhau, nay không còn dấu vết. Trung tâm thương mại nằm kề bên bờ con sông Tô Lịch một thuở trữ tình, con sông nghe mơ hồ nỗi nhớ nhung như không hề có thực, nay ai vội phóng xe hẳn không kịp nhận ra Cầu Mới bắc ngang, bởi câu Kiều tả đúng: Ngựa xe như nước áo quần như nêm Nghĩa trang Quảng Thiện -Thanh Xuân là đâu, khi mùa xuân ta đi thắp nhang trên mộ người chị gái tóc dài Hà Nội. Nay ta đi tìm nhà bạn khu Thanh Xuân Nam và Bắc, nhà dựa vai nhà. Tỉnh Đơ tức thị xã Hà Đông có làng dệt lụa hình như đã tự di chuyển cho gần kề Hà Nội, bởi sao mà gần thế. Vừa đi khỏi nhà thờ Hàng Bột (Sơ ng-toan), nơi từng dung nạp những cô gái dại dột đến đây mãn nguyệt khai hoa cho kín đáo dưới bàn tay đầy nhân đạo những bà Sơ mũ hồ bột trắng tinh nhưng trái tim suốt một đời đỏ thắm. Vừa qua đây, nay không nhận ra tháp chuông nhà thờ, mà đã đến thị xã
Khái niệm địa dư với năm cửa ô thần thánh không còn chính xác. Ta lẫn lộn hay Hà Nội vươn vai ông Gióng? Con đường Giảng Võ hoang vu, đê cao cỏ rậm, nhà nguyện tên quan năm Pháp Henri Rivière đã chìm vào quá khứ. Hàng xà cừ đã cổ thụ che rợp nghìn nhà bán tủ sách, giường tây mô-đéc, tủ gương choáng lộn. Bên kia đường là Cầu Giấy đi từ Kim Mã "Con ngựa vàng" đã lồng vó phi nước đẽi cho những làn xe dẫn đến cầu Thăng Long, sân bay và Sơn Tây xứ Đoài mây trắng có nhà thơ Quang Dũng, Nguyễn Hà, Doãn Trang, Tản Đà yên nghỉ. Con hổ nào gầm, con voi nào hú, con cá sấu nào quẫy đuôi nơi vườn Thủ Lệ, từng có rừng trúc lao xao, rặng ôi quằn quẽi soi nước hồ trầm mặc lặng tờ như từ mấy nghìn năm. Rặng muỗng hoa vàng và hàng cây bằng lăng hoa tím cứ rờ rỡ đón khách từ Hồ Gươm đến đây thư giãn, và bao lâu nữa, làng Dịch Vọng có món cốm Vòng sẽ là một phường nội thị như làng Láng rau thơm, làng hoa Phú Thượng? Trạm Trôi, phố Nhổn, thị trấn Phùng, trăng xứ Đoài vằng vặc, gió cánh đồng thơm hương... cứ như hàng xóm nhà ta, thoắt đi thoắt đến... chỉ gang tấc đã kề bên, chỉ lát giây đã hàn huyên có thể ăn món nem Phùng thơm nức và nhai ngọn rau muống Sơn Tây xanh rờn giòn tan như pháo. Sông Hồng bao lần đổi dòng từ cầu phao Tôn Sĩ Nghị vỡ toang, đến cầu Long Biên trăm tuổi, cầu Chương Dương thẳng tắp, cầu Thăng Long chênh vênh... Gia Lâm, Bồ Đề, Thượng Cát, Cổ Bi, Dâu Keo, chợ Sủi... lũ lượt rau xanh thành dòng sông mát rượi bữa cơm hàng ngày, cứ kìn kìn đổ vào Hà Nội, không còn chỉ là quang gánh, mà đã xe thồ, xe máy, ô tô cho tươi non đợm từng giọt sương mai thơm thảo. Con đường số 5 tính từ đâu nhỉ? Từ trung tâm Bưu điện Bờ Hồ hay từ cầu Chui đã được nâng cao? Sân bay Gia Lâm nghe xa như lịch sử đã có máy bay lên thẳng đón khách rong chơi ra Hạ Long, Trà Cổ trong nháy mắt. Không ai còn nhớ vết thương rỉ máu ngày dân Gia Lâm, Đông Dư, Thổ Khối... nhổ lúa trồng đay và sau đó nhổ đay để mở rộng bãi tầu bay cho Nhật.
Ngay nhà ga xe lửa Gia Lâm cũng khuất chìm vào khu nhà giữa phố, những con tàu ngược Đồng Đăng, Yên Bái... kéo còi chẳng làm thơ bé giật mình. Nó cứ đi, nối đoạn đường gần với Hà Nội thênh thang. Những nẻo đường vượt các cửa ô xưa ra ngoại thành hầu như không còn ranh giới. Những Tây Long (hay Tây Luông), Hàng Mắm, Trừng Thanh, Yên Hoa, Thổ Khối, Thạch Tân, Đồng Lầm, Đống Mác, Trung Hiền, Cầu Giền đã mịt mờ tiềm thức chẳng có biển để nhắc nhớ. Chỉ có những con đường vươn dài, vươn mãi, vươn xa cho trung tâm Hà Nội nở bừng như hạt ngô nở ra bông hoa mai xòe rộng. Hồ Gươm chật chội, đương nhiên. Ngoại ô không hiện hình cửa ô cụ thể, ngoại trừ chiếc cổng xây gạch Bát Tràng có lệnh quan Tổng đốc Hoàng Diệu nhắc quân quan không được nhũng nhiễu dân lành: ạ Quan Chưởng, là chứng nhân duy nhất, nơi bà Thị Lộ từ Tây Hồ xuống đây bán chiếu, gặp người tình muôn kiếp là ngôi sao sáng ức Trai. Người Hà Nội hôm nay, ai còn quê quán những nẻo đường đi ra bốn phía, để ngày "ra đi" là ngày trở lại quê nhà? Bánh gai Ninh Giang, bánh dày Quán Gánh, vải Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, rau sắng Chùa Hương, hồng Hạc Trì, na Đồng Mỏ, chuối Phú Thọ... đã êm ru như nằm nôi mà vào nội thành Hà Nội. Một ngày bình thường, có ai đi hết được những dặm ngoại ô đã hình thành và còn đang quá hoạch? Từ những cái cổng tre phên có anh tuần đinh canh gác một thời xa thế kỷ đến bốn làn đường, sáu làn đường xe chạy... Hà Nội đang là vận động viên điền kinh thi tốc độ dung nạp người đi bộ ba nghìn bước chân quanh Hồ Gươm, cho đến người lái máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh, lên Điện Biên, ra Cát Bà... hay xuôi ngược sông Hồng trên tàu du lịch ghé bến Chèm hay lên bãi Tiên Dung để tự mình đo Hà Nội bằng cái thước đo tình yêu Hà Nội... Ta bỗng cũng muốn làm cuộc đăng trình, ra cùng các nẻo ngoại ô khoáng đạt muôn trùng như thế.