ào đầu năm 1940, những sự kiện xảy ra ở Bắc Kỳ, tuy đã bắt đầu nghiêm trọng nhưng chưa làm cho chính quyền thuộc địa ở Đông Dương lo lắng nhiều như đối với mối hiểm họa ở sát sườn phía tây do nước Xiêm láng giềng gây ra. Ở Xiêm, sau cuộc đảo chính ngày 24 tháng 6 năm 1932 đưa phái quân sự của Luang Phibul lên nắm quyền, nước Xiêm chuyển mình, thắt chặt những mối quan hệ với Đức, Ý, Nhật. Vào tháng 11 năm 1936, Xiêm xé bỏ hết tất cả các hiệp ước đã ký kết trước đó với các cường quốc phương Tây. Đặc biệt trong nước Xiêm dấy lên một phong trào chống Pháp dữ dội. Và Xiêm bắt đầu đi vào con đường vũ trang tích cực, đặc biệt là về hải quân. Từ 1935 đến 1937, ngân sách của hải quân được tăng lên gấp bội để thuê đóng ở Ý và Nhật những tàu ngầm, tàu phóng ngư lôi, tàu hộ tống, tàu thả mìn, tàu tuần tiễu và nhiều tàu nhỏ khác. Xiêm cũng đàm phán mua hai chiếc tuần dương hạm nhẹ, mỗi chiếc 4.000 tấn và đưa đơn đặt hàng đến hãng Glen I. Martin của Mỹ để mua phi cơ chiến đấu. Ngày 23 tháng 6 năm 1939, Xiêm chính thức đổi tên là nước Thái Lan (Thailand) với ý nghĩa bao gồm tất cả những người dân tộc Thái ở Đông Nam Á. Rồi các báo chí Thái Lan tuyên truyền rầm rộ việc đòi xét lại hiệp ước 23 tháng 3 năm 1907 quy định biên giới với Đông Dương và hiệp ước năm 1908 ký với Anh quy định biên giới với Miến Điện và Malaixia. Trước tình hình đó, ngày 22 tháng 6 năm 1939, hai ban tham mưu quân đội Pháp và Anh phải họp ở Singapore để bàn về một kế hoạch phòng thủ chung Hồng Kông, Đông Dương và Malaixia. Cuộc hội nghị không đưa đến một kết quả thực tiễn nào, vì mỗi bên đều chờ đợi ở phía bên kia những sự hỗ trợ mà chính bản thân mình không thể cung cấp được. Ngày 12 tháng 6 năm 1940, một hiệp ước không xâm lược đã được thỏa thuận giữa Pháp và Thái Lan, chỉ còn chờ chính phủ hai nước phê chuẩn, thì nước Pháp phải đầu hàng Đức quốc xã. Băng Cốc tranh thủ ngay thời cơ này đòi điều kiện phê chuẩn là phải trả lại cho Thái Lan những tỉnh của Lào ở hữu ngạn sông Mê-kông. Vào tháng 10 đã bắt đầu có những sự kiện khởi hấn của Thái Lan ở biên giới phía Tây của Đông Dương. Ngày 14 tháng 10, Vichy đề nghị thành lập một ủy ban hỗn hợp để bàn việc phân chia các hòn cù lao trên sông Mê-kông và một ủy ban khác để giải quyết các sự kiện ở biên giới. Còn tất cả các yêu sách về đất đai trên lãnh thổ Đông Dương là cương quyết từ chối không thể chấp nhận được. Thế là các sự kiện khiêu khích dồn dập xảy ra. I. Kế hoạch Jacomy Các phương tiện truyền thông đại chúng của Băng Cốc trở nên khiêu khích một cách hết sức gay gắt. Họ tuyên truyền rầm rộ “tính đống nhất về dân tộc” (identité de race) giữa người Thái và người Miên, nêu lên quyền sở hữu lịch sử của họ về các tỉnh Battambang, Sisophon, Siêmreap, đã bị Pháp dùng võ lực chiếm đóng trước đây. Họ đưa tin Pháp đã dùng phi cơ, tàu chiến và bộ binh xâm phạm lãnh thổ của Thái Lan. Đồng thời họ trục xuất một số kiều dân Pháp trong số đó có những nhà truyền giáo nam và nữ, sau khi những người này bị “giam giữ trong những lồng bằng sắt”. Đêm 3 tháng 12, một nhà báo nước ngoài bị bắn chết khi vượt qua biên giới ở Poipét. Không ngày nào quân Thái không bắn súng vào các đồn tiền tiêu để khiêu khích. Máy bay Thái Lan đến ném bom xuống các tỉnh Paksé, Vientiane, Saravan và nhiều địa điểm khác. Trọng pháo Thái nã đạn vào Savamakhet, Thakhet... Hà Nội đưa tin sẵn sàng nối lại các cuộc thương thuyết ngày 12 tháng 6 đã bị Thái đơn phương bác bỏ. Nhưng các cuộc tiến công của Thái vẫn tiếp tục leo thang ngày càng dữ dội hơn. Vào những tuần lễ cuối cùng của tháng Chạp năm 1940, cuộc xung đột đã thực sự trở thành một cuộc chiến tranh không tuyên bố. Ngày 7 tháng Giêng năm 1941, trong cuộc họp thường kỳ của hội đồng chính phủ, Toàn quyền Decoux tuyên bố quyết định sẽ đối đầu quyết liệt với sự khiêu khích của Thái Lan. “Chúng ta (Pháp) đã trả đũa mọi đòn đánh và chú ý không để bất cứ một sự khiêu khích nào không được đáp lại. Chúng ta đã đánh mạnh khi cần thiết, và chúng ta cương quyết sẽ đánh mạnh hơn nữa, nếu những người láng giềng của chúng ta bắt buộc chúng ta làm như vậy...” Vào ngày 15 tháng Giêng năm 1941, Pháp đã tập trung ở biên giới phía Tây Cao Miên một quân số lên tới 14.000 người, rải ra trên một vòng cung dài khoảng 150 cây số. Nhưng trong vùng mỏ vịt bị đe dọa nhất thì chỉ có 4 tiểu đoàn, mà hai tiểu đoàn là lính bản xứ. Một tiểu đoàn lê dương được để dự trữ, chưa tham chiến. Có một đại đội cơ giới, nhưng chỉ có một đội phòng không với súng liên thanh 20 li, rút từ Battambang và đặt trên xe cam-nhông. Đại tá Jacomy đề ra kế hoạch đánh một đòn mạnh vào cánh phải của quân Thái ở xã Yan Đăng Cum, cùng phối hợp với một đòn thứ hai đánh vào Phum Préav rồi thừa thắng sẽ đánh vào Poipét với những lực lượng dự trữ ở Sisophon. Nếu kế hoạch này thành công thì sẽ đẩy lùi được quân Thái về bên kia biên giới. Kế hoạch được thực hiện một cách thiếu khẩn trương, việc điều động các lực lượng phải tiến hành vào ban đêm, từng nửa chặng một, xuất phát từ Sisophon, trên một con đường mòn duy nhất, binh lính phải đi bộ, mà có nơi bụi đường dày đến 30cm rất khó đi. Thêm nữa, quân Thái được một số phần tử trong dân chúng và rất nhiều điệp viên báo cho biết tường tận sự chuyển dịch của quân Pháp, nên đã cảnh giác, tăng cường lực lượng để đối phó. Kế hoạch dự định sẽ tấn công vào tảng sáng ngày 16 tháng Giêng, thì quân Thái đã chủ động tấn công nửa giờ trước. Kết quả là những đội tiền quân của Pháp thì bị đánh lùi xa những vị trí dự định, còn những toán quân còn đang đi sau thì bị đánh bất ngờ trong những trận tao ngộ chiến. Trong rừng rậm, trọng pháo không có máy bay chỉ điểm đành bất lực, một đội bắn vu vơ được vài trái, còn đội kia im bặt. Trong những điều kiện như vậy, vai trò của bộ binh hết sức bị hạn chế. Các tiểu đoàn binh lính bản xứ thì tan rã chạy hết. Đến hai giờ chiều ngày 16, thì kế hoạch Jacomy đã hoàn toàn bị thất bại, có lệnh rút lui tất cả trở lại Sisophon. Cuộc thất trận này đã bị chỉ trích rất chua cay ở Đông Dương cũng như ở chính quốc. Báo chí Pháp gọi đó là “một chứng minh hùng hồn sự yếu kém về những phương tiện phòng thủ Đông Dương của chúng ta (Pháp)”. Rút kinh nghiệm của trận đánh thấy nổi cộm lên những điểm sau đây: - Quân địch đã hành động như biết rõ từng chi tiết của kế hoạch Jacomy và tương kế tựu kế làm ngược lại tất cả những gì kế hoạch này dự định: quân Pháp định tiến công bằng đường mòn Yan Đăng Cum và chặn đường mòn Phum Préav, thì quân Thái lại đánh trước vào Phum Préav và giữ chân quân Pháp ở Yan Đăng Cum. Giờ khởi sự của quân Pháp cũng đã được quân địch biết rất rõ, nên chủ động tấn công trước nửa giờ, lợi dụng được triệt để yếu tố bất ngờ cả về thời gian lẫn địa điểm tấn công. - Cuộc chiến đấu diễn ra trong rừng rậm, trọng pháo trở nên vô dụng, trong khi quân Thái được trang bị rất nhiều súng tự động cá nhân, từ trong các bụi rậm bắn ra như mưa, phối họp cả hai cách chiến đấu hiện đại và du kích trên một địa bàn mà họ quen thuộc. - Không quân Pháp thì rất thiếu lại rất yếu, trong khi các máy bay Thái làm chủ bầu trời trên Yan Đăng Cum và Phum Préav. Các trận ném bom, cùng sự tấn công của các xe tăng thiết giáp Thái đã làm mất tinh thần quân đội chưa từng quen với một cuộc chiến hiện đại như vậy. Một nhà quân sự Pháp đã tóm tắt mọi sự yếu kém của quân đội Pháp trong nhận xét sau: “Người ta thấy nổi lên ở đây một sự thiếu óc tưởng tượng, một sự quá thừa lòng tự tin, và kết quả của những quan niệm về chiến tranh được soạn thảo theo những trường phái cũ về phòng thủ cố định trên một trận tuyến không thay đổi, trong khi địch thủ lại có những phương tiện cơ động hiện đại để di chuyển và bao vây...” II. Trận Koh Chang Rất may là sau cuộc bại trận này của quân đội Pháp, quân Thái Lan chưa kịp khai thác được chiến thắng của họ, thì ngay ngày hôm sau 17 tháng Giêng xảy ra một trận thủy chiến làm thay đổi thế cờ và cứu vãn được danh dự của Pháp. Bộ chỉ huy Pháp, căn cứ vào cuộc tấn công của Thái và Cao Miên vào đồng bằng sông Cửu Long, nhận định sớm hay muộn, thế nào Thái cũng sẽ huy động hải quân vào cuộc xung đột. Vì vậy cần phải đi một bước trước, tấn công phá hủy ít nhất một phần hạm đội của họ. Tương quan lực lượng của hai bên lúc đó là như sau: - Về phía Pháp, như ở phụ lục trên đã nói, có một tuần dương hạm Lamotte - Picquet và bốn tàu hộ tống La Mame, Le Tahure, Dumont d’Urville, Amiral Chamer, tổng cộng 12.480 tấn với một thủy thủ đoàn 950 người, 16 khẩu pháo nòng cỡ 120 li và to hơn, 10 khẩu cỡ nhỏ hơn và 12 quả ngư lôi. Căn cứ là Sài Gòn cách biên giới 450 cây số. - Về phía Thái Lan, có 2 thiết giáp hạm 2.300 tấn, mới đưa vào hoạt động từ năm 1938, 10 tàu phóng ngư lôi mà 9 trong số đó được đóng ở Ý, mới hoạt động từ năm 1935 và 1937, 6 tàu hộ tống mà 4 chiếc mới mua, 4 tàu ngầm mới đưa vào hoạt động trước chiến tranh, hơn 10 chiếc tàu tuần tra bờ biển mới mua ở Ý và Nhật. Về võ khí, Thái có 20 khẩu cỡ 120 li và to hơn nữa, 56 khẩu cỡ trung bình và 88 ngư lôi. Căn cứ là Satahib cách biên giới 130 dặm. Với một tương quan như vậy, một trận hải chiến sẽ là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm đối với Pháp. Nếu tàu bị hư hại thì khó lòng có thể trở về nơi ẩn náu an toàn. Lại phải tính đến tất cả tàu phóng ngư lôi, tàu ngầm của căn cứ Satahib và máy bay ném bom nặng, nhẹ từ các căn cứ Chantaboum và Krat bay lên đuổi theo. Vì vậy chỉ có thể dồn toàn bộ lực lượng, đánh vào một điểm đã chọn đúng, trong một thời gian rất ngắn, lợi dụng triệt để yếu tố bất ngờ với điều kiện tuyệt đối bí mật thì mới mong thắng được, giống như trong một trận biệt kích vậy. Trong một cuộc hội nghị quân sự họp vào ngày 15 tháng Giêng ở Sài Gòn, sau khi cân nhắc kỹ và quyết định chấp nhận mọi nguy cơ, bất trắc, Đô đốc Decoux đồng ý với kế hoạch của Phó đô đốc Terraux vạch ra và cho thi hành ngay không chần chừ để giữ bí mật. Cả hạm đội được đặt dưới quyền chỉ huy của đại úy hải quân Bérenger lên đường ngay tiến tới vịnh Thái Lan. Vào chiều ngày 16, máy bay thám thính của Pháp báo cáo thấy hai nhóm tàu của Thái, lực lượng ngang nhau, một nhóm đang đậu ở căn cứ Satahib, nhóm kia ở đảo Koh Chang. Nhóm thứ hai này được chọn làm mục tiêu tấn công vào rạng sáng ngày 17, mặc dù thiếu các hải đồ mà vùng này thì có nhiều đá ngầm, và những đáy bùn ở gần bờ. Vào sáng ngày 17, một máy bay thám thính Pháp bay trên đảo Koh Chang, bị ba chiếc tàu phóng ngư lôi bắn theo. Hạm đội Pháp chia làm ba nhóm mở hết tốc lực tiến tới mục tiêu, các tàu địch trông thấy nổ súng trước. Tất cả các cỡ pháo lớn nhỏ trên 5 tàu Pháp bắn cấp tập. Chỉ sau hai phút, một chiếc phóng ngư lôi Thái bị lật nghiêng hẳn, chiếc thứ hai nổ tung và chiếc thứ ba chìm dần. Sau đó chiếc Lamotte - Piequet trông thấy chiếc tàu tuần tiễu Dhombure của Thái, vội tiến đến gần tầm súng, thấy nó đang đi vào vùng có đáy bùn liền nổ súng ngay. Những khẩu 203 li của Thái không địch lại được các khẩu 155 li của Pháp, bắn chính xác. Chiếc tàu tuần tiễu bỏ chạy. Cả 4 chiếc tàu Pháp tới tiếp ứng bắn xối xả. Tháp chỉ huy của chiếc Dhombure trúng đạn. Ba đám cháy lớn bốc lên trên boong tàu. Vừa lúc đó có lệnh rút lui, toàn bộ hạm đội Pháp bị máy bay Thái đuổi theo, nhưng tách ra chạy riêng rẽ, ra được ngoài khơi an toàn. Trận chiến kéo dài trong gần hai tiếng đồng hồ, kết quả khoảng 20% hạm đội chiến đấu của Thái bị đánh chìm hoặc hư hại nặng. III. Sự hòa giải thiên vị của Nhật Ngay từ khi Thái Lan mới khởi hấn, Nhật đã định vào “can khéo” đôi bên để ở giữa trục lợi. Vào đầu tháng 12 năm 1940, Nhật đề nghị đứng làm “trung gian hòa giải”, nhưng Vichy từ chối, chỉ thị cho ông Carreau, tham tán ở Băng Cốc làm việc trực tiếp với phía Thái. Thái Lan được Nhật hậu thuẫn, đưa ra những yêu sách quá quắt không thể chấp nhận được, và vẫn tiếp tục tấn công nên cuộc thương lượng đổ vỡ. Cuộc thủy chiến thắng lợi của Pháp ở Koh Chang đã làm thay đổi phần nào thế cờ bất lợi cho Thái, nên lần này Nhật trực tiếp xông vào can thiệp. Ngay ngày hôm sau, 18 tháng Giêng, vào lúc 6 giờ chiều, viên đại tá Nhật Koike của ban liên lạc Nhật, đã đến Phủ toàn quyền áp đặt ý định phải đình chiến. Rồi ngày 20, chính phủ Nhật chính thức triệu tập đại sứ Pháp ở Tokyo đến để đưa ra đề nghị đứng làm trung gian hòa giải. Từ ngày 22, Nhật cho một hạm đội mạnh gồm 4 chiếc thiết giáp hạm, 12 chiếc tuần dương hạm, cùng các tàu tuần tiễu và hộ tống, lượn đi lượn lại ngoài khơi Vũng Tàu trong lãnh hải Việt Nam để biểu dương lực lượng, lấy cớ thỏa ước Pháp-Nhật ký ngày 30 tháng 8 năm 1940 ở Vichy đã công nhận địa vị đặc biệt và ưu thế của Nhật ở Viễn Đông. Trước một sức ép bức bách như vậy, ngày 28 vào lúc 10 giờ sáng hai bên phải ra lệnh ngừng bắn. Ngày hôm sau, 29, các đại diện của ba nước họp trên một chiếc tuần dương hạm của Nhật đến đậu tại Sài Gòn. Ngày 31 họ ký vào một bản thỏa ước có giá trị trong 15 ngày quy định các điều kiện ngừng xung đột. Bản thỏa ước mở đầu bằng một đoạn công nhận địa vị trung gian hòa giải của Nhật rồi đến 10 điều quy định những đường rút lui của quân đội hai bên, những vùng phải hạn chế hoạt động của tàu bè và máy bay, sự ngừng tuyên truyền kích động và tôn trọng tính mạng tài sản của nhân dân. Ngày 7 tháng 2, phái đoàn Robin của Pháp bắt đầu chính thức đàm phán ở Tokyo với phái đoàn Thái. Việc đầu tiên là thỏa thuận kéo dài thời gian của thỏa ước 31 tháng Giêng đến 11 tháng 2, và cuối cùng đến ngày 7 tháng 3. Phái đoàn Thái đưa ra những yêu sách vượt rất xa những đòi hỏi ban đầu của họ. Cuộc đàm phán kéo dài trên một kế hoạch cắt nhượng đất đai do Nhật soạn thảo đưa ra. Cuối cùng, dưới sức ép của Nhật, và căn cứ vào tình hình thực tế, cùng những điều khoản trong những thỏa ước ngày 30 tháng 8 năm 1940, Vichy phải nhượng bộ, và phái đoàn Pháp phải chấp nhận một đường biên giới lý thuyết hết sức vô lý về mặt lịch sử, mặt kinh tế, chính trị và cả về mặt dân tộc nữa. Thỏa ước được ký vào ngày 11 tháng 3 năm 1941. Theo các điều khoản của thỏa ước này, trước hết Pháp phải cắt nhượng cho Thái Lan tất cả vùng lãnh thổ của Lào ở hữu ngạn sông Mê-kông. Sau nữa Pháp phải rời bỏ một phần quan trọng của lãnh thổ Cao Miên về phía Tây của một đường kẻ thẳng góc với vĩ tuyến 15 kéo dài đến tận Biển Hồ, cùng một phần quan trọng của tỉnh Battambang cho đến tận tỉnh Pursát. Tổng số mất tất cả là 70.000 km vuông. Pháp chỉ đấu tranh được một số điểm thứ yếu, mà chưa chắc đối phương đã thi hành, thí dụ: Thái Lan phải phi quân sự hóa những phần đất chiếm được, phải tôn trọng tính mạng tài sản của nhân dân trong vùng, nhất là kiều dân Pháp, phải để cho nhân dân có quyền được lựa chọn nơi cư trú sinh sống... Thái Lan còn đòi hỏi quốc tế hóa vùng Biển Hồ, còn Nhật thì đưa ra dự kiến thành lập một ủy ban hỗn hợp vĩnh viễn do Nhật chủ trì để giám sát việc phi quân sự hóa và giải quyết mọi vấn đề xung đột trong tương lai giữa Pháp và Thái Lan. Phải mất gần hai tháng đấu tranh trong một bầu không khí rất căng thẳng mới đẩy lui được các yêu sách này. Nhưng Nhật cũng bắt Pháp phải nhận điều kiện không được có bất cứ một thỏa ước hợp tác nào với một cường quốc thứ ba về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự có tính cách bất lợi trực tiếp hay gián tiếp cho Nhật. Hiệp ước hòa bình được ký kết vào ngày 9 tháng 5 năm 1941 tại Tokyo. Với hiệp ước này, từ nay, sông Mê-kông sẽ là biên giới từ phía bắc xuống phía nam, cho đến điểm sông này cắt vĩ tuyến 15. Con đường nhân tạo đó sẽ là giới hạn phía bắc của Cao Miên. Sau đấy nó ngả theo một góc vuông phía nam đến tận Biển Hồ. Ở đây, một vòng cung 20 cây số đường kính sẽ nối điểm giao thoa giữa hai tỉnh Battambang và Pursat. Còn ở phía nam Biển Hồ, biên giới vẫn theo đường cũ đã vạch ra trong hiệp định 1907. Sự thất bại nhục nhã này là một bị kich thê thảm đối với nhân dân ba nước Đông Dương. Từ nay Đông Dương sẽ bị cô lập hẳn và rơi vào quỹ đạo hệ thống Đại Đông Á của Nhật. Đối với Lào, hoàng gia đau buồn sâu sắc, vì tất cả các mộ phần tổ tiên vua chúa Lào đều ở phía hữu ngạn sông Mê-kông, nay nằm trong tay của Thái Lan. Việc cắt đất như vậy là một sự chà đạp thô bạo lên lịch sử lâu đời của một dân tộc hiền hậu, yêu chuộng hòa bình và hữu nghị. Cao Miên thì mất đứt tỉnh Battambang trù phú cùng với 450.000 người dân Khmer nay trở thành thần dân của vua Thái Lan. Miên còn mất cả rặng núi Phnom Koulen là nơi trong lịch sử lâu đời, người dân Khmer cổ đại lấy đá ở đó để xây dựng Angkor, hiện nay ở đó còn di tích của một thủ đô cũ, và ngày nay là nguồn nước tưới tiêu cho vùng Siêmréap. Angkor thì còn lại nhưng Thái Lan cương quyết lấy vùng di tích Banteai Srei thuộc nhóm Angkor, phải nhờ đến sự can thiệp của Nhật mới giữ được, nhưng phải đền bù cho Thái một vùng đất khác ở phía nam vĩ tuyến 15. Vị vua già Sisowath Monivong đau buồn, lo nghĩ đến sinh bệnh và ít lâu sau thì từ trần. Về phía Pháp, cả ở Đông Dương lẫn ở chính quốc, người ta cay đắng suy nghĩ về những lời tuyên bố long trọng của Nhật Hoàng cam kết tôn trọng chủ quyền Pháp và toàn vẹn lãnh thổ ở Đông Dương. Ngoài sự tổn thất to lớn về vật chất, địa vị, danh dự và uy tín của Pháp ở Viễn Đông đã bị sa sút nặng nề, khó mà hồi phục được.