ộc giả khó tính thường cho rằng văn chương các nhà văn gốc Nam Kỳ như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu (còn có bút hiệu Mộng Huê Lầu), Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình 1, Phi Bằng Cao Minh Chiếm, Nam Đình, Phú Đức viết tiểu thuyết phi văn chương. Họ chỉ kể truyện chứ không dựng những khung cảnh sống thực trong tác phẩm của mình, cho nên họ không thể là những nhà văn đúng nghĩa, đúng mức. Thế có nghĩa là họ là những người kể chuyện (les narrateurs) hay người biên chép (les chroniqueurs). Những cái tai hại đó Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền đã từng vấp phải. Cả Kiệt Tấn trong truyện dài độc nhất "Lớp Lớp Phù Sa"cũng chưa dựng được những khung cảnh nơi Cột Cờ Đỏ (Bạc Liêu), nơi mà đương sự mở mắt chào đời. Vào năm 1943, Hội Khuyến Học Cần Thơ có trao giải thưởng cuộc thi văn chương cho cuốn "Đồng Quê"của Phi Vân. Nhưng tác giả khiêm tốn cho rằng đây là những bài phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của mình góp chung thành một tập. Dù thể loại của tác phẩm ra sao đi nữa, nhưng "Đồng Quê" vẫn là tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Nó đã từng khai sáng cho văn chương đất nước Nam Kỳ, mở đầu cho những cây bút lừng danh sau này như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên,Vân Trang 2, Nguyễn thị Thụy Vũ... Đây là một tác phẩm phong tục có thể đương đầu với các tác phẩm phong tục của Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư vào thời tiền chiến trên đất Bắc. Phi Vân có dựng khung cảnh lẫn bối cảnh lịch sử cho tác phẩm mình. Anh còn soi rọi tâm tình, cá tính các nhân vật bằng những nét khái quát. Nhưng những nét tạo hình của anh, những diễn tả nội giới các nhân vật của anh vẫn đập mạnh vào ấn tượng độc giả, mở con đường rộng để cho họ nhìn vào cái thế giới mường tượng bao la của họ. Xin đọc một đám rước dâu bằng đò máy trong truyện ngắn "Trao Thân Con Khỉ Mốc": Tàu chạy hôm nay là hai hôm rồi: sông Ông Đốc, kinh xáng Bà Kẹo, Đầm Cùn, kinh xáng Thọ Mai, nhưng xóm Kiến-Vàng hãy còn xa lơ xa lắc. Họ đàng trai đã mệt nhọc ngồi trong chiếc tàu chật hẹp. Người ta đã ăn ba lượt bánh mì với thịt quay mua ở Cà Mau. Chú rể ngày đầu còn khăn đóng áo dài, hôm sau đã cổi dẹp qua một bên, mặc chiếc áo thun giả ngồi ở truớc mũi tàu ngong ngóng, thỉnh thoảng vươn vai hít không khí rồi cú- rủ nhìn lũ trẻ trong xóm chạy theo tàu trên bờ sông vỗ tay reo: "Ê! Đám cưới!... "Đi họ"còn có ba cô gái: áo tím, áo xanh, "bọt -đê" dài thườn thượt. Các cô tỉ-mỉ từng chút, luôn sẽ nhặt sống áo và lai quần hàng thẳng bóng để đôi giày cuờm khỏi vương mà làm lấm hư đi. Hôm xuống tàu, ba cô chọn một chỗ sạch, ngồi nói chuyện với nhau khe khẽ, ai mời gì cũng từ chối, thỉnh thoảng đưa cái bóp đầm lên soi kiếng, sửa lại cái vành môi. Nhưng hôm nay ông Chánh Khá đã vắt cái áo đen trên vai và gói cái khăn đóng lại; ông chủ hôn Cai Sót đã nằm ngáp trên chiếc sập con, thì các cô đành chia nhau ăn mấy khúc bánh mì còn sót lại. Son môi đã hoen ố, phấn trên má cũng phai đi từng khoảng. Chiếc khăn mù-soa đã được nằm trong túi, không còn đeo-đẳng với tay nữa. Vì hai bên bồ, rừng tràm và dừa nước, muỗi nó kêu vang như khát máu, đập bằng tay có hiệu nghiệm hơn, chớ cầm khăn mà chặm chặm thì nó không thấm tháp vào đâu cả. (các trang 36, 37) Cũng xin đọc luôn tâm trạng người tù trở về quê quán trong đoạn kết của phần tiểu thuyết. Đây là nhân vật tá điền xưng tôi can tôi giết cường hào ác bá. Năm năm tù và mười năm biệt xứ không dài bao nhiêu, nhưng nó thay trọn cuộc đời tôi. Tôi muốn người ta cho tôi ngồi trong khám mãi để mà quên đi, quên biệt, còn hơn cho tôi trở về với người đời. Năm năm trong tù, tôi học rành chữ quốc ngữ và mon-men được chút đỉnh chữ Tây. Mười năm biệt xứ khiến tôi có dịp dày dặn với cuộc đời và nới rộng tầm con mắt. Tù hạn trả xong, tôi lần về làng cũ. Cảnh vật không còn như xưa nữa. Ông và bà thầy pháp đã vào cảnh Tiên, Phật; thằng Út đi theo cải lương, con tám Én đã có chồng với một dọc con dài, chồng nó là thằng tư Bồ. Tôi cất tạm một căn nhà trên hòn Đá-bạc. Ở đó, ngày ngày nghe tiếng gió thét sống gầm mới an-ủi được lòng tôi. Và chiều chiều, khi vừng thái-dương sắp chìm vào nước biển, tôi leo lên một mỏm đá cao chót-vót đứng nhìn về phía đất liền. Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng nầy sang đồng khác. Trong những đồng rộng mênh-mông, hiền-lành đó, ẩn-trú biết bao nhiêu là tá điền, chủ điền... Mà thôi, dĩ-vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa!... Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn-nhân của một hoàn-cảnh xã-hội và của một thời-kỳ. (các trang 233, 234) Phi Vân có một bút pháp dí dỏm và lôi cuốn. Nó đượm hơi hướm ngôn ngữ của các cô thiếu nữ ưa chót chét xí xọn rất duyên dáng, của các thím, các mợ đỏng đảnh dễ thương, của các bà già trầu tía lia tuy đắng ngoài mà lại ngọt trong, của các bợm nhậu khề khà bộc trực, của các ông già ống vố ó đâm nhưng cận nhân tình thế sự. "Đồng Quê" gồm có 2 phần: phần đầu là "Phóng Sự Ngắn", phần thứ hai là "Tiểu Thuyết Phóng Sự". Nhưng dù là lối diễn tả của Phi Vân tuy gảy gọn, tuy không chuốc lọc, nhưng rất gợi hình lẫn gợi tình. Đây là một tác phẩm văn chương được xếp loại vào truyện ngắn phong tục và tiểu thuyết phong tục. Phần truyện ngắn phong tục gồm có những bức tranh đồng quê thuộc loại tả chân hoặc thuọc loại hoạt kê gồm những nét hí họa lẫn biếm họa. ° Hai truyện ngắn"Muốn Ăn Trứng Nhạn" và "Tiếng Hò Trong Đêm Vắng": viết về bọn cướp trên sông rạch, nhắm vào những chuyến thủy trình của lương dân. Truyện đầu xảy ra trong dịp đám cưới rước dâu bằng ghe thuyền. Truyện thứ nhì trong dịp hai chiếc ghe hò đôi đáp trên sông, ghe cô gái là ghe bọn cướp, ghe chàng nam nhân là ghe thương hồ. ° Hai truyện ngắn"Đổng-Trác Biết Sập Giàn" và "Chợ Hay Quê,": viết về các gánh hát bội địa phương khi họ trình diễn vở tuồng "Phụng Nghi Đình". Truyện đầu vì khán giả chen chúc trên sân khấu quá đông nên giàn phải sập. Nam nghệ sĩ đóng vai Đổng Trác phải ngưng diễn tuồng để hét la báo động. Ở truyện thứ hai, cô đào chánh đóng vai Điêu Thuyền bị mang thai nên có cô đào khác kém sắc hơn thay thế nên bị một khán giả thuộc loại hàm hồ kêu lên: "Ê! Cái mặt Chung Vô Diệm". Cô đào thay thế kia liền tạm ngưng trình diễn, trả đũa liền: "Xin lỗi quý ông quý bà, khốn nạn cái anh nào nói tôi là Chung Vô Diệm!". ° Hai truyện ngắn"Châu-Xương Cử Thanh-Long Đao!" và "Ông Tướng "Thầy Ba": Ở truyện đầu tác giả phơi bày chuyện mê tín của dân quê. Có ông ở Rạch Cóc xưng là xác của mình được hồn của Đức Quan Thánh Đế Quân (QuanCông) nhập vào để trị bịnh tà ma cho bá tánh. Mỗi khi trong nhà có kẻ ngã bịnh, gia chủ luôn nghĩ rằng bịnh nhân bị vong linh tà má quấy nhiễu nên rước y ta về nhà để đuổi tà ma ra khỏi thân xác người bịnh. Cứ mỗi lần rước y ta về nhà như thế, gia chủ phải nạp cho y ta một con heo quay nặng đúng một tạ. Tên Năm Quấy (bạn của tác giả) biết y ta mị dân dối thế để bóc lột dân quê nên thừa lúc y ta xưng là hồn Quan Công nhập xác để múa đao nên Năm ta cũng nhảy vào, xưng là hồn Châu Xương (tùy tướng của Quan Công) nhập xác mình. Rồi Năm ta huơi đao múa loạn xạ nhưng đẹp mắt như Sơn Đông mãi võ, và thì thầm với xác Quan Công đòi chia hai con heo và được ông xác kia phải nhượng bộ. Ở truyện thứ hai, Năm Quấy được thể, nhảy ra làm thầy pháp trị bịnh con nít lẫn người lớn vì theo y ta thì các bịnh nhân bị "con sát" hoặc "con trùng" (thuộc loại tà thần ác quỷ) khuấy phá. Hắn bảo rằng nhờ có "ông tướng thầy ba" mà y có thể chữa cho các nạn nhân lành bệnh. Nhưng khi chữa trị cho một nữ bệnh nhân, Năm Quấy động lòng dơi dạ chuột, trổ thói dê đực ôm siết cô ta, bị cô ta phang guốc lên đầu. Thế là Năm Quấy cùng tác giả nhục nhã, phải bỏ làng Rạch Cóc để đến chỗ khác tha phương cầu thực. ° Truyện ngắn "Trao Thân Con Khỉ Mốc": đây là một vụ cưới gả khá phức tạp ; ông trưởng tộc đằng gái làm khó, bắt chẹt đàng trai trong giờ rước dâu đủ mọi điều. Cho nên ông Hương Ba (rể phụ) sau phần lạy họ, bảo ông tộc trưởng tộc đằng trai xin kiếu từ ra về liền, không cần ở lại ăn tiệc. Cho nên khi cô dâu chú rể lễ lạy vừa xong, đằng trai quây quần hộ tống cô dâu xuống tàu thủy ra về. Ông tộc truởng đàng gái tru tréo bảo phải đợi làm lễ trao thân gởi phận xong đã... Chàng rể phụ Hương Ba khi cùng đằng trai và cô dâu sau khi xuống tàu, trả lời cộc lốc: "Trao thân con khỉ mốc!". ° Truyện ngắn "Cành Tre Cũ Cặp Giò Xưa": Trong đêm tối, nghe bên nhà ông điền chủ Bá có tiếng báo động: "Ăn cướp! Ăn cướp!", nhân vật xưng tôi núp sau bụi bông phướn, khi thấy bóng đen chạy đến anh ta bèn dùng cành tre quất mạnh vào giò đương sự. Nhưng đó không phải là kẻ gian phi mà là cô con gái anh Bá. Nhân vạt xưng tôi đành cõng cô ta về nhà để cô ta dưỡng thương, chờ coi tình hình động tịnh trong xóm ra sao. Thì ra ông Bá lợi dụng thằng Tư Rổ ở rể để bắt nó làm tôi tớ không công suốt một thời gian dài rồi đuổi nó đi, không chịu gả con cho nó. Tức quá, nó xông vào nhà, hăm dọa giết ông rồi bắt cô con gái ông theo nó. Nhưng khi cô gái vừa chạy ra khỏi nhà thì bị nhân vạt xưng tôi dùng cành tre phang vào chân té quỵ. Nội vụ được giải ra thầy hương quản, rồi được giải lên quận để phân xử. Cô gái không hề hé răng khai rằng mình bị nhân vật xưng tôi đánh nặng. Nhưng từ đó hễ gặp nhân nhân vật xưng tôi là cô gái cười chúm chím rất ngụ ý ngụ tình làm anh ta phải bỏ làng ra đi. Có lẽ anh ta sợ mình sẽ gặp hoàn cảnh éo le của thằng Tư Rổ chăng? ° Truyện ngắn "Đạo": Trong bữa tiệc rượu, ông Chủ vốn là nhà Nho lỡ vận cùng Phó Xã Việt bàn bạc và giải thích chữ ĐẠO. Họ có nhiều ý kiến lẫn kiến thức khác nhau Họ giai thích chữ ĐẠO bằng cách chiết tự, và moi móc những ý nghĩa ẩn mật thâm thúy trong chữ ấy. Các thính giả dần dà ngấm men say, nghe riết rồi lăn đùng ra ngủ mê mệt. Riêng ông Chủ cho nhập cảng rượu và mồi nhắm vào miệng không hiểu ít hay nhiều trong lúc giải hích chữ ĐẠO, nhưng vào lúc mọi người đang ngáy ồ ạt thì ông cho mấy thứ vào mồm lúc nảy xuất cảng ra hết ngoài cửa khẩu. Chuyện có vẻ đơn giản, nhưng rất ngậm ngùi thời mạt điệp của giới đàng cựu nói chung, của Nho học nói riêng. ° Truyện ngắn "Quỷ Vương": Trong cách dựng truyện, vấn đề thời điểm vẫn là vấn đề then chốt. Ở đây, tác giả chỉ nói tới "điểm" tức là làng Thới Bình bên dòng sông Trẹm, Nhưng về vấn đề "thời" thì câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian mù mịt. Thường ông già bà cả Nam Kỳ hay bảo nhau lúc Việt Minh (cái tên đầu tiên của Cộng Sản ở Việt Nam) ra đời là thời Quỷ Vương lộng hành có nắng lửa mưa dầu. Đêm đêm, chúng gỏ cửa xét nhà rồi bắt người (hào phú, địa chủ) cho mò tôm (một hình thức thủ tiêu). Chuyện đó xảy ra trước khi Nhật rút lui khỏi Đông Dương và Việt Minh lên nắm chánh quyền. Đó cũng là lúc Việt Minh tuyên truyền truyền dân chúng ở đô thị lẫn ở thôn quê nếp sống tự do dân chủ. Tuy nhiên, tác giả không nói rõ khoảng thời gian ấy. Quỷ vương ghé lại chợ Thới-Bình với gương mặt đầy kiêu hãnh. Làng Thới-Bình không còn vang lặng như xưa. Người ta lấy làm lạ sao thằng Chột con ông Bính đổi tên là Hoàng Hoa, lần lần thằng Phinh cháu ông Phó Tám đổi tên là Tuấn Nghĩa, thằng Tích em Tuần Danh là Vân Mộng, cho đến con Đẹt con gái chú Phồi cũng xưng là Thúy Liễu và con Út con ông Phó Cao là Kiều Nga. Chúng thường đi cặp từng năm lũ ba thả rểu quanh chợ bất cứ đêm ngày, và hễ gặp nhau là cúi đầu rất sâu, chìa tay ra siết chặt: - Vân-Mộng xin kính chào Kiều-Nga! Hay: - Thúy Liễu nầy đa tạ huynh ông Tuấn Nghĩa! Rồi họ cùng nhau bàn-tán vang trời những tiếng Văn-minh, Hủ-lậu, Nữ-quyền, Giác ngộ v.v... (các trang 86, 87) Cái văn minh tân tiến của bon Quỷ Vương địa phương làm gai mắt phụ huynh của chúng. Nên thừa lúc bọn chúng tụ họp đàn đúm với nhau, họ xông vào đánh tan chúng như phá nát chòm ong lũ kiến. Từ đó làng Thới Bình trở lại nếp sống hiền hòa yên tĩnh. °Truyện ngắn: "Các Trò Ơi, Thầy Phen Nầy Thọ Tử": Câu chuyện xảy ra thuộc ấp Kiến Vàng, làng Tân Hưng Đông. Nhân vật xưng tôi đến dạy học tại đây gặp lũ học trò tinh ma quỷ quái, thạo chuyện bắt chim và các loài bò sát (ếch, rùa, rắn, kỳ nhông, rắn mối). Chúng còn giỏi nghề bắt cá. Như thế, trên đất hoặc dưới nước, nơi nào cũng để cho chúng săn tìm món ăn phong phú ê hề. Sau bao phen bị chúng thử thách tài nghệ trên đất duới nước, đương sự khắc phục được chúng và chúng coi anh ta như Tổng tư lịnh. Nhưng trong dịp săn được con heo rừng có thai, tai họa lại đến. Thai heo được các cụ Nam Kỳ ta gọi là heo hà nàm, được móc ra tiềm với thuốc Bắc cho nhân vât xưng tôi tẩm bổ. Nhưng khi ăn xong, anh ta ngã bịnh, tưởng toi mạng nên trối trăn với bọn đồ đệ của mình. Tuy nhiên, khi bọn học trò rước lang y trị bịnh cho đương sự thì mới hay heo hà nàm là món thuốc bổ, có tánh hàn. Đương sự ăn thứ đó không tiêu, lại uống rượu nhiều. Rượu và thai heo kỵ nhau nên đương sự mới thọ bịnh như thế. ° Truyện ngắn "Sanh Nghề Tử Nghiệp": "Mét Văn Quang" (Maitre Văn Quang) là thầy bói ở tận mũi đất Cực Nam của đất nước Nam Kỳ, dùng cái miệng lanh lợi, cái lưỡi uyển chuyển tráo trở, lấy việc đoán quá khư vị lai để gạt gẫm nguơi mê tín. Công việc làm ăn của đương sự đang xuôi mát mái, bỗng gặp tai nạn: đương sự đoán vận mệnh cho một tên điền chủ hung hăng, bảo rằng y ta lừa bạn giật tiền, trong vòng 2 ngày sau sẽ bị nắm chóp. Tên điền chủ nổi giận đánh "mét Văn Quang" chí chết. Hai ngày sau, y ta chưa bị ai nắm chóp. Nhưng "mét Văn Quang" không đoán nổi vận số của mình: Hai ngày đương sự trút linh hồn vì trận đòn quá nặng tay, gây chấn thương trong lục phủ ngũ tạng. Vào thời tiền chiến, các tay thầy bói nổi danh như Tư Nên, Fraçois Lư đều xưng mình là "professeur" ( professor/ giáo sư) nên khách hàng gọi họ bằng "thầy" (maitre). Trong thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh có "maitre" Khánh Sơn từ ngoài Bắc và Sài Gòn mở phòng bói toán nên dân Nam Kỳ Lục Tỉnh gọi đương sự bằng "maitre Khánh Sơn". Thật ra thiên hạ gọi các luật sư bằng "maitre", chớ nhưng kẻ không mê tín không bao giờ gọi mấy ông mấy bà lốc-cốc-tử bằng "maitre" một cách trọng vọng như thế. ° ° ° Phần thứ hai là phần phóng sự tiểu thuyết (nói theo tác giả) có cái tựa là "Dưới Đồng Sâu". Thật ra đây là quyển tiểu thuyết đồng quê thuộc loại phong tục và tả chân xã hội. Nó gồm có những truyện ngắn dưới hình thức từng chương một như sau: "Câu Cá", "Cá Mắc Câu", "Tôn Sư", "Đạo Phù Thần", Ôm Ma Xơ Rốp...", "...Ma Ha Xơ Rốp", "Oan...!","... Nghiệt!", "Muộn Màng", "Tử Thù", "Hận Nghìn Đời", "Đoạn Kết". Truyện rằng: Nhân vật Sáu Đờn Kìm đến nhà ông Chủ Trần Háo Nghĩa xin mưón ruộng. Nhưng chàng ta bị tên điền chủ ác ôn này bóc lột thẳng tay Xin cùng đọc: Tờ lãnh làm ruộng giao Nay tôi có lãnh làm 50 công ruộng cho ông chủ Trần Háo Nghĩa tiền công tôi lấy trước phân nửa là 20$. Còn 20$ chờ đã cấy xong, giao ruộng, tôi lãnh tất. - Bẩm Chủ, tôi xin mướn ruộng, chớ không lãnh ruộng giao. - Ậy, việc mướn chác thì mình biết với nhau, còn giấy-tờ phải làm như vậy cho đúng phép. Phỏng như làm tờ mướn rồi nửa chừng mầy trốn có phải lòng-dòng cho tao thêm không? Làm như vầy mầy lãnh làm công, rồi có muốn trốn, ruộng của tao, bất quá tao gặt trừ. Tao ngừa như vậy, tá điền tao đứa nào có kêu-ca gì đâu! Bây giựt của tao thì có, chớ tao, ruộng đất minh-mông, chẳng đời nào tao giựt của bây! - Bẩm Chủ, còn tiền lấy thêm: Hai chục đồng, tôi đâu có hỏi? - Mầy quê lắm. Tiền đó lá tao buộc phải vay, tới mùa, tao đong lúa trừ. Tao tính mỗi giạ, năm cắc. Phải vay mới có mà ăn đặng chớ, không lẽ mầy cạp đất mà cày ruộng sao? - Nhưng... giá lúa bây giờ đến hai đồng một giạ. - Thì hai đồng bây giờ. Đây ra giêng còn tới bốn năm tháng nữa, chừng đó giá lúa lên cao tao nhờ, sụt tao chịu. Tao dám "cho" như vậy mà mầy còn chê mắc chê rẻ... Thôi, không bằng lòng, để ruộng đó lại cho tao! (các trang 147, 148) Sáu Đờn Kìm chịu làm ruộng giao cho ông Chủ Trần Háo Nghĩa. Dè đâu ông ta thấy mẹ của chàng ta hãy còn bóng bẩy nên ve vãn ráo riết. Một hôm, thừa lúc Sáu Đơn Kìm vắng nhà, ông ta toan bề cưỡng bức mẹ của Sáu thì thình lình bà vợ ông ta nhảy vào đánh người đàn bà đáng thương kia một trận đòn chí mạng. Sáu Đờn Kìm khi trở về thì thấy mẹ mình đang hấp hối. Chàng ta thề quyết báo thù. Ở đoạn kết, chúng ta được thấy Sáu Đờn Kìm trở về cố hương sau 5 năm tù, 10 năm biệt xứ vì can tội sát nhân. Giết ai? Giết ông Chủ Nghĩa hay giết vợ ông ta? Hay giết chết cả hai? Tác giả không nói rõ. Trong phần tiểu thuyết, tác giả có lồng vào bốn mối tinh và bốn tâm sự. Cô Yến con ông thầy phù phép yêu Sáu Đờn Kìm. Chàng ta cũng có chút vấn vưong với cô, nhưng cô ta lại yểu mệnh. Cô Tám Én yêu Sáu Đờn Kìm; tình yêu đôi bên nẩy sinh sau hận thù và ngộ nhận. Thằng Tư Bồ yêu đơn phương cô Tám Én, nhưng khi Sáu Đờn Kìm sa vào vòng tù tội thì cô ta trở thành vợ của nó. Ngoài ra thằng Út, em trai cô Yến cũng say mê Sáu Đờn Kìm, vắng mặt chàng ta là nó nhớ thương khắc khoải. Bản chất mối tình của nó ra sao? Tác giả không phân tích rõ. Có thể là nó mê giọng hát ngọt, ngón đàn tươi của Sáu. Mà cũng có thể đây là thứ đồng tính luyến ái mù mờ mà nó không nhận định ra (l'homophilie latente). Chuyện tình yêu được coi như một bản nhạc đệm (musique de fond) cho một vở kịch hay một cuốn phim. Nhưng đây là một khúc giao hưởng thống thiết (symphonie pathétique). Ngoài ra, còn có vụ bùa chú ngải nghệ. Ông Thầy, cha cô Yến nổi danh là thầy pháp cao tay ấn trong việc tróc quỷ trừ yêu Nhưng ông không thể cứu sống con gái ông chết vì bệnh mà ông đổ hô là cô Yến bị Quỷ Vương ám nhập để hành bịnh con mình. Sáu Đờn Kìm là học trò môn bùa chú của ông. Còn Tư Bồ là học trò môn võ thuật của ông Cho nên khi xáp trận với Tư Bồ, lần nào Sáu Đờn Kìm cũng đại bại, mình mẩy mang đầy thương tích, thần chú không giúp ích cho chàng được chút nào cả. Trong bóng tối rừng tràm và vùng mới hai hoang, tác giả không giăng mắc không khí huyền bí, mà soi rọi ý thức vào những mê tín đáng thương của lớp người đang ở vào thời kỳ xa ánh sáng văn minh của thị thành. ° ° ° Ở truyện "Đồng Quê", Phi Vân thực sự viết văn một cách nghiêm chỉnh, dù anh dùng một bút pháp dí dỏm, những ngôn từ đơn giản đến chỗ thiếu chăm sóc, thiếu chọn lựa tỉ mẩn. Diễn biến mọi truyện không có chút sắp đặt mọt cách công phu nhưng giả tạo nào. Mọi việc tuần tự xảy ra một cach hồn nhiên. Điều này khác hẳn những cấu trúc tiểu thuyết của những cây bút tiền bối của anh như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phi Bằng Cao Minh Chiếm, Bửu Đình, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Nam Đình... Trong "Đồng Quê", truyện ngắn "Quỷ Vương" sẽ làm bọn Cộng Sản nhột nhat xốn xang vì truyện ngắn này móc xỏ, nhạo báng sự ra đời của chủ nghĩa của chúng. Nhưng chúng cũng có thể lợi dụng truyện ngắn "Cành Tre Cũ Cặp Giò Xưa" và truyện vừa (tiểu thuyết phong tục) "Dưới Đồng Sâu" để làm lợi khí tuyên truyền của chúng. Rằng: lớp địa chủ là loại giai cấp thống trị chuyên môn bóc lột giai cấp bị trị là thành phần tá điền đáng thương. "Đồng Quê" là cái chìa khóa mở đường cho các cây bút đi sau Phi Vân hình thành loại tiểu thuyết phong tục hay loại tiểu thuyết hiện thực rất văn chương đúng nghĩa sau này. Chú thích: 1 Chánh quán và sinh quán ngoài Huế, nhưng trưởng thành ở Sài Gòn, cưới vợ Gò Công và bị nam-kỳ-hóa 100%. Ông chống Pháp bị đày ở Con Đảo rồi kết bè vượt biển qua Xiêm, nhưng mất tích luôn ngoài biển khơi. Ông sáng tác 2 truyện dài nỏi danh là "Mảnh Trăng Thu" và "Cậu Tám Lọ". 2 Nhà văn nữ, gốc ngưòi Rach Giá, đã từng cọng tác cho hai tạp chí Bách Khoa, Mai trong 2 thập niên 50, 60. Bà gom các truyện ngắn đã đăng báo của mình in thành tác phẩm "Một Lá Thư Tình" do Phù Sa Xuất bản.