''ỗ Giấc Đêm Dài'' là tác phẩm văn chương thứ hai của nữ sĩ Song Thi. Đây là một tuyển tập thơ văn bát ngát tình người, tình quê hương tổ quốc. Và dưới ngòi bút của chị, tiềm lực đấu tranh chống bạo lực luôn luôn thao thức; ngọn lửa chính khí vẫn cháy âm ỉ, hễ gặp cơ hội thuận tiện là chúng bùng lên, soi rõ cái hoài bảo và cái tâm nguyện của tác giả đối với đất mẹ quê cha. Dù dưới hình thức thơ hay văn xuôi, dù là ở mỗi tác phẩm nào, Song Thi vẫn là một cây bút đem tấm lòng nhân hậu, đem thiên lương ra chống đối cái Ác, cái dối láo bất lương. Chị không chạy theo cam ngôn mỹ từ ngụy trang những điêu ngôn xảo ngữ, hay những tư tưởng uốn éo cầu kỳ để nhận định tình trạng khốn cùng của đất nước và hoàn cảnh lầm than của dân tộc. Có như thế, chị khỏi rơi vào lưới bẫy của kẻ thù chúng ta là bọn Cộng Sản. Chị nhìn thời cuộc, chủ nghĩa, chính kiến bằng trái tim chân thành, bằng ý thức đơn giản nhưng rất thù thắng, bằng một trực giác trong sáng tuyệt vời. Những cây bút đấu tranh như chị càng ngày càng hiếm hoi. Nhưng dân tộc chúng ta nói chung, kiều bào chúng ta nói riêng không hoàn toàn tuyệt vọng đâu. Trước đây chúng ta đã có Tạ Ty, Bắc Phong, Vũ Kiện, Lê Khắc Anh Hào, Hồ Công Tâm, Nguyễn Mạnh An Dân, Võ Kỳ Điền, Diệu Tần, Vũ Nam... (nam), Thanh Phương, Vi Khuê, Nhã Ca, Điệp Mỹ Linh, Linh Linh Ngọc, Trần Mộng Tú, Hoàng thị Đáo Tiệp... (nữ). Gần đây, bên các đấng râu mày bỏ cuộc rất nhiều chỉ còn Hồ Công Tâm, Hải Bằng, Lê Khắc Anh Hào, Thy Lan Thảo... Riêng bên nữ giới còn có thêm Song Thi, Trương Anh Thụy, Ngô Minh Hằng, Dư thị Diễm Buồn, Ý Nga... Niềm tin tất thắng, sự tồn tại của chính nghĩa, sự bại vong của cái Ác làm sao tắt lịm trong cuộc bút trình của Song Thi và của những bạn đồng hành của chị được? ° Trước hết chúng ta hãy bàn về thơ của Song Thi trong ''Dỗ Giấc Đêm Dài''. Về hình thức, ''Dỗ Giấc Đêm Dài'' không phải gồm nhiều bài thơ suông đuột. Tác phẩm vẫn có tình ý sâu sắc, có ngôn từ không trơn nhẵn tầm thường. Trong văn chương của vài cây bút đấu tranh cho chính nghĩa, những tình ý, những ngôn từ tuy đã vào được cõi thơ nhưng vẫn không vùng vẫy được trong môi trường thơ, không thể thắp hào quang cho thơ được. Song Thi vốn không chọn nhiều ngữ pháp hoa lệ, không nhiều cụm từ mới lạ, không có luôn cách diễn tả cầu kỳ. Nhưng chị vẫn săn tìm những tình ý rất đặc biệt làm cho thơ lồng lộng nét sáng tạo, làm cho từng câu theo reo lảnh lót trong cõi ấn tượng và cõi thưởng ngoạn của độc giả. Như thế khi làm thơ hay viết văn xuôi, Song Thi không làm một người thợ thêu, đưa đẩy từng mũi kim tinh xảo trên nền lụa óng ả. Chị không thích hình thành những bức tranh thêu kết hợp bằng thứ chỉ ngũ sắc lòe loẹt. Chị cũng không làm một nghệ nhân kim hoàn chạm trổ những nét ti mỉ chăm chút trên món trăng sức bằng bạc, bằng vàng hay bằng bạch kim. Chị làm thơ trơn ngọt, thống khoái như con én đưa thoi trong ánh thiều quang tươi sáng, thoải mái như con cá vẫy vùng dưới lớp nước trong vắt, làm cho độc giả không vật lộn một cách quá mệt nhọc với chữ nghĩa và với ý tưởng của chị.Anh đừng tìm anh trong thơ tôi viết Góc hồn hoang không có mặt anh đâu Vần tên anh tôi quên mất từ lâu Dấu hỏi ngã không dấu nào ghi đúngVùng kỷ niệm anh như trang giấy mỏng Khúc sông dài tôi không thấy vết ghi Mặt biển rộng sao vết tăm chẳng thấy? (''Chớ Tìm'', trang 77) Một vùng sương muối mênh mông Một vùng gió lạnh, một vùng thông reo. Một vùng chân núi lưng đèo Mây thương khắc khoải còn treo ngọn ngành. Rưng rưng cất bước viễn hành Một trời ảo ảnh ai dành cho tôi! Buồn sao thương nhớ không nguôi Tôi qua biển Bắc nhắn người biển Nam. Nhắn cồn cát mịn giùm thăm Dã tràng giúp đếm, sóng gầm giúp nghe? Non cao nhắc đón gió hè Suối sông nhắc đợi chuyến về hồi hương... Sầu riêng nghìn mối trăm thương Miên man trở giấc đêm trường ngẩn ngơ. (''Ảo Ảnh'', trang 152) Chớ dẫn tôi về trên đường xưa Rợp bóng tre già che nắng trưa Gió chao tà áo người yêu cũ Nước đọng ân tình trên vũng mưa. ° Đừng vội bảo tôi thăm suối sôngNuối tiếc hương xưa lạc giữa giòngĐem lưới chài trăm câu ước hẹn Vớt ngàn thương nhớ buổi chiều đông. ° Tôi chưa về thăm biển của tôi Vết bước chân xưa đã mất rồiMượn dấu dã tràng mong vẽ lại Thủy triều rồi cũng xóa mà thôi. (''Ngủ Yên'', trang 80) Thư xưa vỏn vẹn mấy hàng: Báo tin Mẹ mất ngút ngàn từ đây! Áo tang không đủ vải may Khăn tan không xé, củi thay hương trầm Ván thô sáu miếng vừa tầm Khít khao đủ lịm Mẹ nằm duỗi chân. Mẹ đi không tiếc dương trần, Em đi chỉ tiếc một lần tiễn đưa. (''Thư Chị'', trang 148) Ngôn ngữ của thơ Song Thi không bí hiểm, ý tình trong trẻo. Nhưng ngôn ngữ không quá dễ dãi, ý tình không quá hở hang bộc tuệch. Bởi đó, đọc phớt qua thơ chị, chúng ta không bắt gặp ngay những điều gì chị muốn nói. Phải bỏ một chút thời gian, chúng ta mới tìm ra những gì tác giả đang nói và sắp sửa nói. Chỉ cần một chút suy nghĩ, chúng ta mới bắt gặp trọn vẹn những ý tình chị đã diễn tả. Như vậy, chị đã thành công một phần nào trong công việc sáng tác. Nếu đọc thơ của ai đó, chúng ta hiểu ngay tức khắc ý tình của tác giả, chúng ta không còn thú vị nữa. Miếng cơm càng nhai lâu chúng ta mới khám phá ra cái hậu vị ngọt ngào của nó. Nhưng nếu gặp loại thơ hủ nút, ý tình chôn giấu kỹ quá, chúng ta chỉ có nước nhức đầu và mệt hốc hác mà thôi. Thời tiền chiến, nếu đọc thơ của các bà Hằng Phương, Vân Đài, Anh Thơ, Thu Hồng, ta hiểu tức khắc thế giới thi ca của họ. Nhưng khi đọc thơ của Mộng Tuyết, Ngân Giang và Mộng Sơn, chúng ta phải ngẫm nghĩ mới tìm thấy cái ẩn mật kỳ thú trong ngôn ngữ của thơ họ. Lại nữa, chúng ta thấy gì qua những đoạn thơ mà bút giả vừa trích ở trên. Phải chăng điệu thơ lục bát của Song Thi chẳng những rất tha thiết mà còn đượm một chút ngọt ngào của tình ý ca dao, một chút đậm đà của thơ Nguyễn Bính? Thử hỏi chúng ta khi làm thơ lục bát, nếu thơ chúng ta không đượm hơi hướm mộc mạc của ca dao và của Nguyễn Bính thì thơ chúng ta cũng phảng phất một chút khói sương của thơ Huy Cận, của thơ Cung Trầm Tưởng. Cho nên, chỉ có loại thơ tám chữ mới hoàn toàn là thơ của Song Thi, mới thuần chất sáng tạo của chị. Dù sao, thơ lục bát của chị vẫn phản ảnh trung thực tâm tình của chị (qua bài ''Ảo Ảnh'') và cũng vẽ nên một cách sống động những cảnh bi thảm trên quê hương (qua bài ''Thư Chị''). Trong thế giới thi ca của Song Thi, chúng ta đôi lúc bắt gặp một không gian bao la lồng trong thơ. Hoặc cũng có thể thơ của chị mở một không gian bát ngát trong tâm hồn và trong trái tim người đọc: Triều dâng sóng cuốn xa khơi Tôi đi giữa sóng mồ côi một mình Triều dâng sóng dậy bình minh Tôi đi giữa sóng với nghìn nhớ thương Triều dâng sóng vọng quê hương Tôi đi giữa sóng vấn vương nỗi niềm... (''Sóng Triều'', trang 52) Không gian rộng khi tấm lòng thương yêu của nhà thơ mở rộng. Song Thi họa hoằn lắm mới viết về tình yêu đôi lứa. Chị trải nguồn cảm hứng của mình lên tình yêu những đối tượng rộng rãi hơn, những đề tài lớn hơn: đó là non sông nước Việt nằm bên bờ Thái Bình dương: Tôi vẫn yêu một người yêu bé nhỏ Nằm trải dài đón gió muôn phương Tình kết chung muối mặn đại dương Xõa tóc rối cho Thái Bình nổi sóng Tôi yêu Người vì Người là mộng Là Biển xanh, là Mây bổng trên trời Là Núi cao, là Sông nước quê tôi Là chữ S ân tình ghi nét đậm Ngưòi Yêu ơi, dẫu cách xa vạn dặm Tôi yêu Người, Người cũng vẫn yêu tôi... (''Tôi Có Người Yêu'', trang 32) ° Về phần nội dung, thơ của Song Thi trong ''Dỗ Giấc Đêm Dài'' vẫn là phần nội dung trong thi tập ''Đất Tạm Dung''. Có thể bảo phần thơ ở quyển sau là phần nối dài của quyển trước. Bởi vậy đường lối sáng tác của chị là đuờng lối nhất quán, trước sao sau vậy. Quân thù của chúng ta hãy còn lộng hành trên đất nước Việt Nam. Dĩ nhiên một kẻ ưu thời mẫn thế như chị Song Thi thì làm sao không còn thao thức trong đêm đen của lịch sử bị tổn thương? Làm sao không chờ đợi hoài hoài một bình minh tươi sáng của dân tộc?Chẳng lẽ đi hoài đêm ba mươi? Lạc lõng chân mềm có hổ ngươi? Đếm thêm tóc bạc sầu vong quốc Pháo đón giao thừa hận chẳng vơi. ° Chẳng lẽ đi hoài đêm ba mươi? Bao nhiêu năm bảng lảng qua rồi? Nén nhang ai đốt đêm trừ tịch? Gió quyện hương cùng mây nước trôi... ° Khắc khoải buồn ơi, đêm ba mươi! Nhà ai kín cửa dửng dưng thôi Khói sương đan phủ lòng thương nhớ Tuyết lấp hồn đau tê cứng môi. ° Chẳng lẽ đi hoài đêm ba mươi Ngày mai rạng sáng ở bên trời Quê xa rực rỡ mùa sum họp Trở bước tôi về non nước tôi. (''Đêm Ba Mươi'', trang 162) Đếm những lần xuân... Lại đếm thêm! Bao nhiêu Xuân gối mỏi chân mềm Ghe neo bến lạ mong trừ tịch Thuyền ghé lạc bờ đợi nửa đêm. Hỏi nước, nước đau niềm cá nổi Gạn non, non xót cảnh chim chìm Đón đưa Xuân sắc thêm lần nữaNhốt kín giao thừa tận cuối tim. Song Thi và những người bạn chung tâm huyết với chị làm sao khỏi đau lòng trước đa số những kẻ khi ra hải ngoại chỉ với mục đích trốn cộng mà không có ý nghĩ chống cộng? Khi an cư lạc nghiệp hoặc vinh thân phì gia trên đất nước tạm dung rồi thì họ chỉ nghĩ tới hưởng thụ. Nhục nhã nhất là bọn lòn cúi kẻ thù để được về thăm Việt Nam cốt khoe của cải và cốt chơi bời trụy lạc chứ không phải cốt viếng thăm, giúp đỡ người thân còn sống sót hay viếng thăm mái từ đường xưa cùng mồ mả tổ tiên. Về cầm bó bạc trên tay Mua Thương bán Khó kéo dài khổ đau Xua tình cốt nhục đi mau Đón tên cướp nước chia nhau miếng đường. Em về đón gió một phương Em về dẫm nát mảnh vườn quê cha Em mang gấm vóc lượt là Nối tay cho giặc cướp nhà tổ tiên. Em đi cho hết ba miền Vỗ tay cười cợt vung tiền làm vui Thù chung năm cũ đã vơi. Hận chung em cũng đã nguôi lâu rồi. (''Hỏi Thăm'', trang 106) Đối với những kẻ vong bản ấy, chị chỉ than van, bộc lộ nỗi niềm của mình tuy bằng một giọng chì chiết đắng cay, nhưng chị không để tình cảm bung vỡ thành những lời gào thét phẩn nộ. Chị biết tự chế để khỏi vừa bù lu bù loa vừa nguyền rủa, chửi bới bọn chúng. Vốn là một nhà thơ tình lý đồng cân, chị giải bày cho họ hiểu nỗi đau khổ lầm than của đồng bào chủng tộc, những u uất mang nặng canh cánh bên lòng của mình:Em có thương về cho núi sông Mười lăm năm nước chảy xuôi dòngMười lăm năm đá chau mày khóc Mây phủ ngang trời, em biết không? ° Em có thương và em có hayBao nhiêu năm nước mắt đong đầyCây xanh héo úa vì cay nghiệt Ruộng bỏ hoang tàn em có hay? ° Em có thương và có xót xa Phong ba vùi dập chốn quê nhàĐau thương loang lổ tươm thành máu Cùng cực in hằn trên lớp da. ° Em đã xa và em đã quên Hai mươi năm chửa cạn ưu phiềnThêm bao năm đá tan thành cám Nước chảy xuôi dòng trôi mất tên. °Em ngất ngư chìm trong biển quên Buồn cho phố cũ đổi thay tênXóm thôn thay xác nên tù ngục... Em sống quê người, thương gác bên. (''Em Có Thương?'', các trang 90, 91) Có những kiều bào về thăm Việt Nam, thấy các thành phố có những chung cư nguy nga, những tòa kiến trúc tráng lệ nên đổ hô là đất nước đã phú cường, đã lột xác thành đất nước văn minh tân tiến. Họ có biết đâu ở thôn quê hay ở các xó xỉnh tối tăm trên đất nước, đa số lê dân nghèo khó, ốm đói, sống lây lất như lũ ma đói. Cái thiên đường mà họ rêu rao đối với tác giả Song Thi vẫn chỉ là một thiên đường giả. Đó cũng như khuôn mặt rỗ chằng chịt của một cô gái già được lớp son phấn dầy cui tô trét lên. Đó cũng như tấm thân còi cọc đầy vết sẹo của cô gái xấu xí được y phục bằng nhung gấm lộng lẫy, được nữ trang bừa bộn hào nhoáng đấp điếm lên. Cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa được xây dựng trên ảo tưởng điên khùng của ông Karl Max, trên ác mộng của dân lành thì thực tế làm sao đáp ứng cho bọn Cộng Sản hoang tưởng và cuồng tín thành sự thật? Đó chỉ là cái phù du giả tạo ẩn núp sau những hình người cười toe toét trong những tấm tranh cổ động, trong khi đó tác giả những tấm tranh ấy nghèo túng thiếu ăn. Chúng chỉ gợi cho kẻ nhẹ dạ, kẻ mê muội cái hình bóng phất phơ của thiên đường, cái ảo ảnh rực rỡ trong giấc mơ phù phiếm mà thôi.Thành quách em đang thấy ở xa Chừng như đô thị sắc nguy nga Em ơi có biết thiên đàng đóLà chốn âm hồn chứa bóng ma. ° Bước lại gần đi, mở mắt trông Em ơi có thấy máu loang hồng Khổ đau thấm ướt vành khăn lệ Người khóc cho người giữa hố chông. ° Sặc sỡ cờ treo như rủ rê Sáng đèn nhung lụa chốn âm mêHồn trơn, ý trợt, tình đi lạc Giận kẻ ngu ngơ hối hả về. ° Thảm máu em về cứ dẫm lên Máu từ đồng nội góc trời quênMáu trên thành phố người đông đúc Đó chốn ''thiên đàng'' không có tên. (''Thiên Đàng Giả'', trang 121) Cái thiên đường đích thực xa xưa đã thật sự mất rồi. Người lưu vong trở về thaăm lại ngơ ngác trước cuộc đổi thay; Xin đọc:Có người đứng giữa cơn mưa Dang tay đứng đợi nắng mưa trở về. Ngõ hoang xóm vắng cận kề Soãi chân muốn bước bên lề phố đông. Chèo ghe trên nước ngược dòng Đêm đen tối mịt tưởng trong ánh đèn. Ngẩn ngơ giữa chợ đua chen Ngỡ như đóng cổng cài then quanh mình. Bước chân lên thác xuống ghềnh Tưởng đi suốt cuộc hành trình gấm nhung. Dò đây hỏi đó mông lung... Có ai biết được tên khùng mất quê. Ra đi mất lối quay về Thất thơ giữ một chân hề lưu vong. (''Hề Lưu Vong'', trang 102) ° Rải rác đâu đó những hình ảnh thân thương trên đất nước, những kỷ niệm hạnh phúc len lỏi vào thi ca của Song Thi. Đó là những ám ảnh không nguôi trong ký ức của chị như vết xâm bám chặt suốt đời trên da. Và đó cũng là những ngọn lửa thiêng giúp chị nuôi vững bền tình yêu đối với giang sơn chủng tộc để chị tranh đấu chống bạo quyền không bằng súng ống giáo gươm mà bằng ngòi bút nhiệt thành vấn vương linh hồn Tổ Quốc. Chị xứng đáng là kẻ đi theo những bậc thi nhân ái quốc tiền bối trong đo có nhà chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu với hai câu thơ lục bát bất hủ: ''Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm''/ ''Đâm mấy thằng gia bút chẳng tà''.Nhớ gốc đa bên bờ dậu xanhLàng xưa ẩn bóng khóm tre lành Một mái hiên đình sơn thếp bạc Một rặng dừa đón ánh trăng thanh. ° Nhớ tiếng chuông chùa ngân vẳng xa Trầm hương thơm thoảng cõi ta bà Áo nâu cung kính bên bàn Phật Bài kinh chiều gợi nhớ thiết tha. ° Nhớ cánh đồng trải ngàn lúa non Áo ai tay xắn trong mùa gặtChiều mục đồng ca hát véo von. ° Nhớ đô thành con đường Duy Tân Đường mang tình ái tuổi thanh xuân Gốc me đón đợi giờ tan học Lá rụng vàng non, lá bâng khuâng (1). ° Nhớ nhịp cầu bắc nối sang sông Hôm xưa áo trắng có còn không?Có đủ sáu vày mười hai nhịp U uất tràn khuấy đục nước trong (2). ° Nhớ biển xanh nước trời bao la Ngút ngọn thùy dương trên bãi xa Bọt biển có tràn trên cát mịn? Có dã tràng đợi ngắm sao sa (3). ° Nhớ gió đồi thông thoảng mặt hồ Non cao rày phủ đắp khăn sô Có ai lên viếng vùng cao đó Hái giúp nụ hồng đã héo khô (4). (''Thư Tình Đêm Xuân'', các trang 164, 165) ................................. (1) Sài Gòn, (2) Huế, (3) Nha Trang, (4) Đà Lạt Đã có những ngày xa xưa, có lẽ vào thuở tác giả đang độ hoa niên hay vào thời kỳ thanh xuân, chị đã từng tuần tự phơi lụa tím, lụa xanh, lụa đỏ trong nắng đẹp miền Nam, đã sống trong tình yêu thơ mộng, đã bơi lội trong biển hạnh phúc bao la với ngươi yêu. Nhưng rồi giông bão tràn tới quê hương đất nước, chị phải ra hải ngoại. Kỷ niệm cũ vẫn sống mãi trong ký ức của chị. Nhưng trên đất khách chị không còn phơi những thứ lụa có màu thuở trước nữa. Chị phơi lụa trắng với tâm nguyện để tang cho Tổ Quốc. Chị phơi lụa vàng với hoài bão dựng lại ngọn cờ xưa. Với tấm lòng thành khẩn thiết tha, chị mong rằng khi bóng cờ đỏ không còn trên giang san gấm vóc của chúng ta, chị sẽ trở về Việt Nam, làm lại từ đầu, tức là phơi màu khăn tím trong xóm cũ làng xưa.Bạt gió trời lên cơn bão giôngGiây phơi khăn đỏ máu loang hồngTình ngưng không kết thành mơ ướcNắng trở đem buồn cho nhớ mong. °Khăn trắng mang phơi thấy xót xaAi phơi tang khó trắng quê nhà?Dung xứ tạm người chan chứa hận,Nhục nhằn dầu dãi bước Kinh Kha. °Đất tạm hong phơi tấm lụa vàngCờ bay trong gió nắng xuân sangSào giây nối thẳng ba đường máuQuốc hận vơi đầy chung ý mang. ° Ai mơ chút nắng buổi hoàng hôn Nắng chở mây xa trở nước nguồn Khăn đỏ đi rồi thôi ác mộng Tôi về phơi lụa tím cô thôn. (''Phơi Lụa'', các trang 108, 109) Chúng ta đã từng đọc loại thơ văn dĩ tải đạo nói chung, loại văn thơ ái quốc nói riêng, chúng ta chỉ bắt gặp những đường cũ lối mòn, những ngôn từ quen thuộc, những ý tình như đúc cùng một cái khuôn. Ở thi ca của Song Thi, chúng ta vẫn thấy những yếu tố, những tính chất mà tôi vừa kể. Nhưng chị vẫn tạo cho thơ mình những cái kỳ đặc hơn, le lói thần trí sáng tạo lấp lánh hơn. Chị biết trồng vài thứ kỳ hoa dị thảo hai bên đương cũ lối mòn. Chị canh cải đôi chút ngôn từ cho đặc sắc hơn mà khỏi cần thêu hoa dệt gấm. Chị nhìn sâu vào niềm rung cảm của mình để tìm những ý tình thâm thúy hơn. Nhưng dù gì thì dù, chị vẫn giữ nguyên vẹn cái văn dĩ tải đạo của mình như một tín đồ ngoan đạo giữ vẹn tấm lòng tín nguỡng kiến cố của mình. Như người trinh nữ trong điện thánh Hỏa Giáo bên xứ Ba Tư giữ mãi vết thủ cung sa đỏ thắm trên cánh tay trắng nõn như ngó sen ngó cần của mình. Sau đây là bài ''Áo Thêu'' nói lên nỗi niềm tha thiết, cái tâm nguyện của kẻ hướng về một lý tưởng, một đất nước và một ngọn cờ. Xin đọc: Chị gửi cho em chiếc áo dài Thêu cành hoa bướm với mây bay - Hoa tươi có nở trời bên ấy Bướm có sụt sùi, mây có bay? ° Chị gửi cho em chiếc áo vàng Thêu cành hoa cúc đón xuân sang - Sao không thêu áo màu tơi tảLoang lổ trên nền thước gấm sang? °Chị gửi sang em chiếc áo rồng Đếm bao nhiêu vẩy, mấy chờ mong Thiên Long uốn khúc vờn châu ngọc - Thừa chỉ kim nào thêu núi sông? ° Một chiếc áo thêu màu lúa thơm Đồng xanh vương thắm buổi chiều hôm Lụa thêu trên áo tròn như mộng... - Lúa lép bên nhà có đủ cơm? ° Của người thiếu phụ mắt hoen cay Khóc con vượt biển mồi cho cá Chồng chốn lao lung vướng đọa đày ° Xin chị thôi đừng gửi áo thêmQuê hương bày bán dưới đèn đêm Te tua vá víu màu sang cả Gạt lũ chim non yếu cánh mềm. ° Chị nhé thôi đừng gửi áo thêu Lầm than phủ giấu lớp nhiễu điều Gấm nhung không ấm lòng cô lữChị gửi sang giùm tiếng quốc kêu. ° Chị nhé xin thôi đừng gửi áo! Giữ gìn mà phủ bọc giang san Đau thương kết chỉ luồn trong máu Kim nào thêu được nét tan hoang? (các trang 84, 85) ° Bước sang tản văn, Song Thi vẫn không buông bỏ đường lối, khuynh hướng đả phá cái Ác để duy trì và phát huy cái Thiện của mình. Giọng điệu văn chương miền Nam thường véo von, bộc trực, xí xọn đượm hơi hướm của ngôn ngữ dân quê. Văn phong của Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, bà Vân Trang, bà Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhất là của Lê Xuyên đều quê rít quê rang nhưng rất quyến rũ mặn mà, gây cho độc giả ngoài cái kiến thức uyên bác, còn thêm niềm thú vị đậm đà. Văn phong của lớp sau như Xuân Vũ, Phạm Thăng, Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Sâm, Võ Kỳ Điền, Phùng Nhân, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tấn Hưng, Sĩ Liêm...(nam), Phượng Khánh, Phương Hoài Nam, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Tiểu Thu, Hồng Lan, Dư Thị Diễm Buồn... (nữ) cũng quê mùa không thuốc chữa, nhưng vẫn mở đầu tiếng nói của một thế hệ đau thương mất mát vì chiến tranh, vì hoàn ảnh vong gia khứ quốc. Đó cũng phản ảnh được tiếng nói vang vọng từ lòng đất nước Nam Kỳ Lục Tỉnh thân thương. Cho nên họ cũng không cần thuốc chữa làm gì. Trái lại, dù áp dụng ngôn ngữ Nam Kỳ nhưng văn phong trong thơ Song Thi, bút pháp trong văn xuôi của chị, chẳng những không quê mùa mà đôi lúc còn đượm âm sắc cao sang thanh thoát. Chị không cần chuốc lọc mà văn phong bút pháp chị vẫn trong sáng như pha lê và óng ả như mặt gỗ cẩm lai, gỗ giáng hương, huỳnh đàn giồi bóng. Chị không õng ẹo mà bút pháp vẫn quyến rũ ở giọng điệu đoan trang thùy mị. Phần văn xuôi có những bài tùy búy như ''Kỷ Vật Trong Đời'', với tính chất thuyết thoại (la narration) trộn lẫn hồi ức (flash back), nhắc lại thuở học trò với quyển lưu bút cùng các khuôn mặt bạn bè của tác giả. Chị cũng nhắc lại quyển lưu bút ghi bút tích các văn nghệ sĩ, nhắc luôn thời kỳ tác giả viết văn, làm báo, làm phóng viên chiến trường và vài món kỷ vật lúc chi cùng chồng con vượt biên. Tập lưu bút thuở học trò mang cái tên ''văn vẻ đượm mùi học trò'': Lưu Bút Ngày Xanh mà thời kỳ tôi còn trung học gần như đứa học trò nào cũng có. Tập lưu bút của tôi thật dầy với hàng trăm nét bút kỷ niệm, ngay trang đầu là ảnh của ''chủ nhơn'' với mái tóc kết hai chiếc bím dài và nụ cười thật tươi, thật vô tư. Bạn bè của tôi suốt những năm trung học hầu hết đều có mặt trong đó. Ảnh người nào cũng được trang trí hoa hòe bằng những tấm carte postale thuở đó có cảnh tuyết mùa đông, lá mùa thu, có hoa mùa hè sáng rỡ lấp lánh đày kim tuyến. Miền NamViệt Nam của tôi không có bốn mùa nhưng tập lưu bút có đủ hình ảnh Xuân Hạ Thu Đông! Cho đến bây giờ, đã mấy mươi năm qua, từng trang lưu niệm vẫn hiển hiện rõ trong trí nhớ tôi: ảnh Cao thị Nhung, bạn lớp nhì, đôi mắt mơ màng, tô màu son thật đậm; ảnh Nguyễn thị Chỉnh, cũng môi son đậm nhắc tôi tiếng cười trẻ hơ năm học lớp nhất; ảnh ''học trò ngoan nhất lớp'' Đào thị Lê trong bộ y tá trắng có chữ thập trên mũ (dạo đó có phong trào chụp ảnh giả trai, giả tá v.v..., không ngờ sau này Lê cũng đi vào ngành y tế để trở thành nữ hộ sinh bệnh viện Từ Dũ); ảnh Lý thị Thảo, hai chị em Nguyễn thị Nâu và Nguyễn thị Kim Liên, ảnh Hồ thị Ngọc, Nguyễn Ngọc Ninh và nhiều lắm, nhiều lắm... Các bạn nam cũng đầy đủ: Trưởng lớp Nguyễn Huy Phú đội nón hướng đạo cười vui; Nguyễn Hiếu Tín nước da bánh mật, ''đi khu'' trong Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình, sau anh trở về Sài Gòn trở thành con sâu rượu vì bất mãn lỡ ngu dại lao đầu vào '' đảng cướp''; Lý Thanh Điền vắn số chết trận, có cặp chân mày châu lại rất gần; Phạm văn Ne, Nguyễn Hữu Kỳ, Nguyễn văn Hội và Giang văn Vui bốn ''yên hùng'' không bao giờ thiếu mặt trong những cong tác văn nghệ xã hội...Còn nhiều, nhiều nữa..., những bạn học trò mà ngày nay có đứa còn ở lại quê nhà, có đứa trôi giạt khắp Năm Châu, có đứa thất lạc mất tung mất tích... Thời gian ''lăn lộn'' trong làng báo và giới văn nghệ, tôi có thêm một tập lưu bút khác. Tập lưu bút này rất trang nhã không có ảnh nhưng có thủ bút các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ang Ca, Giang Tân, An Khê, Lý Cẩm Tâm, Ngô Tỵ, Anh Quân, Ngọc Linh v.v... Tập kỷ niệm đầy những trang chưa viết thì biến cố 75 xảy đến. (''Kỷ Vật Trong Đời'', các trang 314, 315) ° ''Chuyện Những Dòng Sông'' cũng là thiên tùy bút nhắc nhở người bạn gái đồng nghiệp tên Phương khi cả hai cộng tác cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ( đài VOA ). Chúng ta thừa biết đó là nữ sĩ Thanh Phương, người cầm bút hơn 3/ 4 cuộc đời. Tác giả và chị Thanh Phương trước kia ở bên nhánh sông Đồng Nai từ sông từ Biên hoà chảy ngang thành phố Sài Gòn, ra Nhà Bè rồi tuôn ra biển. Chẳng biết có phải con sông có nối liền số mệnh cả hai trong việc cầm bút, trong côn việc làm phóng viên cho Đài Tiéng Nói Hoa Kỳ hay không? Nhưng nó nối liền tấm lòng cảm thông của cả hai với nhau dù tác giả sống bên bờ biển thuộc tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ), còn chị Thanh Phuơng sống bên bờ sông Seine trên nước Pháp: Hai đứa tôi ở cách nhau hai đầu cầu và một dòng sông. Phương ở bên kia cầu Trương Minh Giảng, tôi ở bên này sông cầu Kiệu. Dòng sông thì không có tên nào nhất đinh: ở hướng Càu Kiệu thì gọi là sông Cầu Kiệu, hướng Trương Minh Giảng thì cứ gọi là sông Trương Minh Giảng. Tựu trung, đây là nhánh sông nhỏ chi lưu của sông Đồng Nai, đổ từ Biên Hòa xuống Thủ Đức, Cầu Sơn, mạch lớn chảy qua Thị Nghè, hợp lưu với sông Sài Gòn chảy vòng dưới dạ cầu Tân Thuận, qua Nhà Bè để ra cửa Soài Rạp và tuôn ra biển. Mạch sông nhỏ len lỏi đổi hướng chảy về Càu Bông làm gạch nối giữa Đa kao và Gia Định, men về phía Tân Định làm ranh giới cho Xóm Chùa và một vùng ruộng lúa nhiều lau lách. Tôi biết rõ đám ruộng này vì thuở học lớp Đệ Thất, Đệ Lục, tôi vẫn thường theo mấy đứa bạn vào Chùa Vạn Thọ trong Xóm Chùa để lạy Phật mỗi khi chuẩn bị kỳ thi lục hay tam cá nguyệt. Chúng tôi kéo nhau ra sân sau chùa ngồi học bài. Chùa ở sát bờ sông, nhìn qua bên kia đám ruộng lúa, ở tít mù xa, đám bạn tôi nói đó là hướng đường Chi Lăng Phú Nhuận, và có vài lần, chúng tôi mạo hiểm mướn xuồng băng qua sông hái lúa trộm, ép trong sách học trò..., nhưng chứa bao giờ tôi được đi ngả tắt đó mà đến Phú Nhuận cả. Từ Xóm Chùa, con sông nhỏ tiếp tục chảy luồn dưới gầm cầu Kiệu, lằn gạch nói giữa Tân Định và Phú Nhuận, như mối liên hệ giữa đường Hai Bà Trưng và Võ Di Nguy. Nhánh sông nhỏ càng đi tới càng khó khăn khi phải chen lách giữa những khu nhà sàn càng ngày càng bành trướng. Khúc sông cuối cùng bị nghẽn lối sau khi đã cố gắng chui qua cho được thêm hai chiếc cầu Công Lý và Trương Minh Giảng. (các trang 273, 274) Gặp lại nguời bạn gái đồng nghiệp năm xưa bên dòng sông Seine chảy thao thao, có thuyền chở du khách ngoạn cảnh hai ben bờ sông (bateau- mouche), tác giả được chị Thanh Phương cho biết con sông chảy qua khúc cầu Trương Minh Giảng đã nghẹt ứ vì rác rến lấp đầy. Cả hai cùng buồn cảnh quốc phá gia vong và cảnh tha hương ngộ cố nhân. Dòng sông bị bít lối ở đây ẩn dụ hay tượng trưng cho một điều gì? Có phải là mạch cảm thông của tình đồng bào, của mạch sống dạt dào của Đất Mẹ thiêng liêng bị ngăn chận bởi bạo quyền của chế độ hiện tại trên cố quốc hay không? ° ''Người Bán Trăng'': nói về cảnh khốn cùng của một người mù hát dạo trong chuyến xe buýt sau cuộc đổi đời. Anh hát bài thơ ''Hàn Mặc Tử'' của Trân Thiện Thanh với 2 câu mở đầu: ''Ai mua trăng? Tôi bán trăng cho''/ ''Không bán tình duyên ước hẹn hò''.Sau đó, anh ta hát trong Sở Thú bên cạnh loại ác thú bị giam cầm. Đất nuớc nghèo, thú trong chuồng thiếu ăn, ngưòi ăn mày ốm đói. Chỉ có các anh nón cối thấy loài thú lạ mà từ bấy lâu nay dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở ngoài Bắc không có, tỏ ra thích thú thôi. ° ''Người Nghệ Sĩ Tên Nhơn'': Chàng họa sĩ tên Nhơn tuy cùng vợ đã đến định cư trên đất nước Hoa Kỳ, nhưng anh không thích ứng với đời sống hiện tại ở đây. Anh không đủ sức làm phu khuân vác, anh không có vốn liếng Anh ngữ để học ngành điện tử. Anh đành thất nghiệp, vẽ tranh bán lai rai. Anh rất ghét màu đỏ vì đó là màu cờ Cộng Sản nên anh cố tránh đưa màu máu dữ dằn này vào các họa phẩm của anh. Cuối truyện, anh lại chết vì bạo bệnh. ''Người Nghệ Sĩ Tên Nhơn'' cũng như ''Người Bán Trăng'' là hai bức tranh xã hội rất sống động trên hai xứ sở khác nhau. Nhưng cả hai truyện ngắn đều có một mẫu số chung: sự điêu đứng của những kẻ mất nước. ° ''Sợ Chuột'': Đây là chuyện tai nạn nhưng là chuyện vui. Tác giả sợ chuột từ nhỏ, dù là thứ chuột đồng nuôi sống bằng lúa nếp có thịt tinh khiết thơm ngon. Khi định cư trên đất nướcHợp Chúng Quốc, tác giả khổ vì chuột hí lộng trong nhà mình nên chị tìm cách trừ chuột. Nhưng không ngờ, chị giết được vợ chồng con chuột cuối cùng bằng thứ thuốc làm chúng khát nước nên rời tổ để uống nước tới căng bụng mà chết. Chúng dể lại lũ con trong ổ chuột dưới sàn ván trong căn bếp. Bầy chuột con chết vì thiếu sữa mẹ, mùi thối tha bốc lên khó chịu. Trải bao ngày vợ chồng chị phải chịu trận, không kiếm được chỗ nào để tìm ra chuột chết. Sau cùng, cạy sàn ván lên, chị mới hay nguyên do tự sự. Cơn ác mộng chấm dứt, nhưng dù trong cơn ác mộng hay vào lúc kết cuộc của cơn ác mộng ấy chị diễn tả bằng lối văn ôn nhu lẫn dí dỏm để thay đổi khong khí u trầm, thê thiết của các mẩu truyện khác. ° ''Học Trò'': Nhân vật xưng tôi (có thể là tác giả) ngày xưa đi dạy lớp bình dân học vụ cho các bậc lão nhiêu mù chữ, được họ ''dạ thưa cô'' một cách cung kính dù đương sự van xin họ nên gọi mình băng con hay bằng cháu. Nhưng họ không nghe vì họ tôn trọng lời dạy Đức Khổng Tử qua câu ''quân sư phụ'', làm cô thầy thì chỉ có dưới vua mà thôi. Trên đất Mỹ, nhân vật xưng tôi dạy tình nguyện miễn phí tiếng Việt cho lũ choai choai thuộc hạn đầu bò bướu cổ. Nhưng nhờ sụ tận tâm và sự tế nhị của đương sự mà lớp học được suông sẻ. Không hiểu có phải do hồn thiêng Tổ Quốc và do tiền nhân phù hộ, hoặc do dòng máu chủng tộc luân lưu trong huyết quản của lũ học trò hay không mà chúng học mau giỏi tiếng mẹ đẻ, chẳng những chúng nói rựa ràng tiếng Việt mà còn có đứa viết thư về Việt Nam cho bà ngoại bằng tiếng Việt nữa. Món quà thưởng tinh thần này làm nhân vật xưng tôi hạnh phúc đến nỗi không sao cầm được nước mắt. ° ''Sue'': Đây là người bạn đồng nghiệp Mỹ của tác giả tên Sue khi cả hai làm việc tại hảng điện tử Textronix tại Oregon. Đây là người phụ nữ da trắng giàu lòng từ thiện, không phân biệt chủng tộc màu da. Chị ta lấy chồng gốc người Phi Châu. Chị ta giúp đỡ dân tị nạn Đông Dương và những ai đang khốn khó. Chị ta đã nuôi đứa bé Căm-bốt mồ côi, nuôi luôn hai thằng bạn lạc loài của nó. Hơn 10 năm trước, Sue đã ly dị chồng vì anh ta đã tằng tịu với một phụ nữ khác. Nhưng chị vẫn ở vậy để nuôi ba đứa con ruột, ba đứa con nuôi và một bà mẹ già. Khi tác giả viết truyện ngắn này thì Sue đã thiên cư về New York. Mẹ chị ta đã chết. Chị ở chung với cô trưởng nữ cũng lấy chồng gốc Phi Châu như chị ta. Rồi một hôm, Sue gọi điện thoại cho tác giả để hàn huyên, để nhắc nhở những ngày cùng làm việc chung với tác giả ở hảng Textronix. Đây là một khúc hoan ca tán tụng một tâm hồn thu nhỏ tự ái (kết hôn với người đàn ông da màu mà không mặc cảm, giúp tha nhân mà còn bị eo sèo bởi miệng lằn lưỡi mối, ly dị người chồng phản bội mà không thù oán). Sue thu nhỏ tự ái vẫn chưa đủ mà còn nới rộng tình bác ái thêm bao la. Một nhân vật như thế chúng ta khó gặp ở trong cuộc đời. Nhưng đối với cây bút tin cậy cuộc đời như Song Thi thì mới có được cơ duyên kỳ diệu đưa đẩy tới để chị kết bạn với đương sự. Có vậy, tác giả mới có dịp viết về cuộc đời của đương sự để rọi ánh sáng tin yêu vào tâm hồn độc giả giữa cuộc sống lọc lừa, dối trá và tàn ác này. (°) ''Thư Không Niêm'': Đây là chuyện tình bạn bè của 5 học sinh gồm có Tin, Vui, Ne, Kỳ, Hội và cô nữ sinh Phạm thị Minh Trí (tên cúng cơm của tác giả). Họ là những học sinh tràn trề nhiệt huyết, thường làm công tác từ thiện cho xã hội và công tác văn nghệ cho nhà trường. Thật ra, Tín hoạt động hăng say cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bị bắt, trốn tù và chạy vào mật khu. Sau ngày sụp đổ của Miền Nam Việt nNam, Tín trở về Sài Còn với thân vóc gầy gò, khuôn mặt tiều tụy, thường xa lánh các bạn cũ. Vui, Kỳ, Hội nghĩ rằng Tín không muốn dây dưa với bạn cũ vì hắn không muốn họ lợi dụng tình bạn cố tri để khỏi bị họ xin xỏ điều này điều nọ với hắn. Nhưng thật ra, Tín chán ngán chế độ mà trước kia hắn cho là lý tưởng cao quý của đời mình. Khi tác giả vượt biên và được định cư trên đất nước HợpChúng Quốc, được nghe bạn cũ kể lại rằng Tín bây giờ dùng rượu để quên nỗi thất vọng vì đi sai lầm đường để rồi đút đầu vào một chủ nghĩa không đáp ứng được cái lý tưởng xa xưa của mình. Bức thư không niêm của tác giả viết cho Tín vẫn là bức thư thông cảm để chị chia sớt nỗi khổ tâm của người bạn cũ. Niềm thông cảm của chị đối với người bạn xưa không vì chính kiến, chủ nghĩa mà hao hớt, lụn tàn. Nguyễn Hiếu Tín, Phạm văn Ne, Nguyễn Hữu Kỳ, Giang văn Vui được tác giả nhắc lại trong truyên ngắn ''Kỷ Vật Trong Đời''. ° ''Chiếc Quan Tài Quỳnh Đàn'': người bác của tác giả là một trưởng giả có hai đứa con trai đầu theo Cộng Sản. Nhưng người con thứ ba là một chiến sĩ phe chủ nghĩa Quốc Gia. Cô con gái kế là giáo sư Hội Việt Mỹ; còn cô út thuộc thành phần tiểu tư sản, có sạp vải ngoài chợ Đa Kao. Người bác chỉ mong có ngày đất nước thanh bình, con cái bác sẽ quay về dể bác chia gia tài gồm ngôi nhà đồ sộ của mình. Nhưng khi Cộng Sản bạo chiếm Miền Nam thì nhà bác bị sung công, tụi chúng dành cho bác căn phố nhỏ có thể bày cổ hậu sự bắng gỗ huỳnh dàn. Tác giả đã nhắn nhủ với người bác ấy như sau: Con vẫn nhớ rõ một buôi trưa nắng cháy, lũ nửa người nửa ngợm thao dượt ''đánh trận trong thành phố'' đã leo theo ống máng xối lên nóc nhà Bác và trổ xuống theo đường nhà tắm, cầu tiêu. Bác giận dữ đi tìm tên chỉ huy để phản đối, khiếu nại về hành động xâm nhập gia cư mà không xin phép, thằng chỉ huy tuổi đáng cháu ngoại Bác đã hách dịch hỏi ngược Bác: ngày chúng tôi đánh vào Sài Gòn chúng tôi có cần xin phép ''chú'' hay không? (trang 284) Đây chỉ là một trong muôn ngàn thí dụ điển hình của bọn cướp được chủ nghĩa tồi tệ ủng hộ (cướp đất, cướp nhà, cướp gia sản, cướp cả tự do suy nghĩ, tự do tín ngưỡng...). Xưa kia, nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine có bảo: ''Lý luận kẻ mạnh bao giờ cũng thắng thế''.Có lẽ câu ấy đúng trong trường hợp của tên chỉ huy kia ° ''Đóa Hồng Cho Quê Hương'': Đó là thời gian tác giả làm việc cho hảng điện tử Textronix. Vào chiều 30 tháng Chạp, chị nhớ cái Tết nơi quê nhà nên khóc tức tưởi các bạn đồng nghiệp ngơ ngác không hiểu vì sao chị khóc như thế. Tới chừng rõ nguồn cơn tự sự, ông Ted Wollam, xếp của chị hôm sau đến chị một bình có cắm hai đóa hồng vàng và tấm thiệp Happy New Year. Hai mươi năm sau, tác giả về hưu. Ông Wollam cũng đã hồi hưu trưóc đó khá lâu. Các bạn đồng nghiệp của chi phân rẽ tứ tán, nhưng hai đóa hồng còn sáng mãi trong ký ức và trong niềm cảm khái sâu xa của chị. Lại nữa, đây là một câu chuyện tin yêu giữa con người với con người, nhất là con người có tổ quốc đối với con người mất nước sống nơi khách địa với tâm trạng bơ vơ lạc loài. ° Sau hết, chúng ta có thể xem các truyện ngắn ''Thư Gửi Chị'', ''Chị Hai Tôi'', ''Hiếu Bình'', ''Mối Lo Của Người Chị'' thành 4 chương của một truyện vừa. Chuyện kể: người chị lớn của tác giả (trong truyện gọi là Chị Hai) khi còn ở Việt Nam, sau cái chết của anh học sinh Trần văn Ơn, chị cùng nhóm sinh viên học sinh chống chính quyền Thuộc địa Pháp. Nhưng chị sa vào lưới bẫy của bọn Việt Minh, thứ Cộng Sản trá hình mượn chiêu bài chống Tây để dụ dỗ những kẻ ái quốc chân chính theo chủ nghĩa chúng. Chị Hai bị chánh quyền Tây bắt giam, nhưng nhờ ông thân sinh của chị vốn là bạn thân của Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm dàn xếp, chị được phóng thích và được sang Pháp du học. Trên đất Pháp, chị vẫn mê say chủ nghĩa Việt Cộng để chống Mỹ mà chị cho rằng đó là bọn Đé Quốc bởi vì chị nghe lời tuyên truyền xảo trá của Việt Công về vụ Mỹ dội bom B 52 trên đất Bắc. Sau khi đỗ bằng kỷ sư ngành dêt, chị về Miền Bắc với tinh thần phục vụ quê hương. Trước đó, chị lấy chồng ở Pháp, nhưng sinh đứa con độc nhất là Hiếu Bình trên đất Bắc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam rơi vào tay giặc Cộng, chị trở về Sài Gòn phục vụ cho ''bọn họ''. Chị có vẻ thất vọng vì những lý do như sau: Hai vợ chồng chị ở trong một chung cư chỉ tiêu vừa rộng hơn một sàn gỗ trải chiếu đủ hai người nằm; chiếc thùng dựng xe đạp chở từ Pháp về được dựng lên vừa làm vách phòng, vừa làm kệ tủ. Bếp là một lò duy nhất kê sát tường lâu ngày ám khói đen kịt. Cầu tiêu là cầu công cộng để người ta lấy phân bón rau cải. Chị vui, hãnh diện vì thời gian đầu ''nhà nước'' đưa chị và các bạn Việt Kiêu yêu nước'' của chị lên mút tầng mây bằng những lần tuyên dương các chị là những ''phụ nữ bắn máy bay Mỹ'' Suốt thời gian ở Hà Nội, chị không hề được ăn nước mắm, nước mắm của chị là loại nước tương pha thêm muối, chị không dám ăn một miếng thịt vì chỉ tiêu của hai vợ chồng gom lại chỉ đủ mua thịt cho thằng con cưng Hiếu Bình. Cũng theo lời chị tiết lộ trong những lúc vui miệng: chỉ ''tuyên dương'' được vài năm đầu, ''nhà nuớc'' bắt đầu bỏ rơi những ''Việt kiều yêu nước''. Không những ''nhà nước'' làm lơ với những hy sinh cao đẹp của chị cùng các bạn chị, mà cứ đôi ba tháng, công an cứ ''gọi'' chị đến văn phòng để vấn nạn chị một câu được lập đi lập lại nhiều lần: ''Chị ở Pháp được đầy đủ tiện nghi, đời sống sung túc... Chị về đây làm gì? Chị là thành phần cộng sản Pháp, có phải chị về để làm gián điệp cho Pháp chăng?''. (''Chị Hai Tôi'', trang 302) Chị Hai có phải người Cộng Sản thuần túy không? Có lẽ là không. Chị vẫn còn nặng óc gia đình, đó là cái óc lụn bại của thành phẩn tiểu tư sản đối với Cộng Sản. Chị vẫn thương yêu cô em Minh Trí ương ngạnh của mình vì đương sự luôn tôn thờ chủ nghĩa Quốc Gia. Chị sau khi định cư ở Sài Gòn, vẫn tìm việc làm cho tác giả nhưng tác giả không thấy thích hợp ngành nghề nào mà chị Hai đề nghị. Riêng tác giả vẫn thương yêu thằng cháu Hiếu Bình của mình, vẫn vừa thương vừa giận người chị ruột của mình. Thế rồi tác giả cùng chồng con vượt biên, được định cư ở tiểu bang Oregon, trên đất nước Hợp Chúng Quốc. Tác giả vẫn thừa biết một điều: trong tận cùng sâu kín của ý thức, chị Hai vẫn thấy mình lầm. Nhưng tác giả cảm thấy thất vọng vì người chị ấy luôn bám riết cái lý tưởng sai lầm của mình và vào cái ảo ảnh của thiên đường cộng sản. Cho nên trong truyện ''Thư Gửi Chị'', tác giả đã viết: Tiếc rằng hai chị em mình chọn hai con đường khác nhau, hai ý thức hệ đối nghịch, hai chị em mình cách biệt hai chiến tuyến, dù chị Hai biết sự chọn lựa mình là sai lầm chị vẫn tiếp tục nhắm mắt phục vụ, không ''phản bội đảng'', sự lì lợm, ương ngạnh đó là do giòng máu của Ba chúng mình để lại, em không chấp nhận con đường chị đi nhưng đôi khi em phân vân không biết mình nên chê trách hay nghiêng mình kính phục chị ở sự trung thành, dù biết mình lầm nhưng vẫn không đón gió, trở cờ. Thôi đành vậy, đường ai nấy đi, em vẫn tự hứa ''nhất định không về khi CS còn ngự trị trên đất nước Việt Nam của chúng mình''. Hai mươi lăm năm, chị em mình như người xa lạ, không một bức thư thăm hỏi, không một gói quà chia xẻ những khó khăn chật vật mà em nghe về chị Hai, có nhiều lúc em tàn nhẫn tự bảo lòng: chị đã chọn thì chị phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình... (''Thư Gửi Chị'', trang 294). Nhưng bởi sợi dây huyết thống thiêng liêng, bởi lòng vị tha mãnh liệt, bởi niềm thông cảm dạt dào, cho nên khi nghe thằng cháu Hiếu Bình của mình điện thoại báo tin chị Hai nằm bệnh viện chờ chết, tác giả vội vã về Việt Nam thăm chị lần chót để khỏi ân hận suốt đời. Và đương sự vẫn thương yêu thằng cháu như hồi 25 năm về trước. Chị Hai lạc đường là do lý tưởng tôn thờ sự công bình nhân ái đối với nhân loại, do sư yêu chuộng nền tự do độc lập dành cho xứ sở của chúng ta mà ra. Ở đây có một vận sự đau lòng mà chị Song Thi không nêu ra. Trên đất Pháp, sinh viên của nền Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã từng khổ sở điêu đứng bởi bọn đại sứ và bọn ngoại giao của hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa gây ra. Đó là bọn ngu xuẩn với căn tính ti tiện trên đội dưới đạp, làm nhơ nhuốc danh nghĩa ngành Ngoại Giao của đất nước Miền Nam Việt Nam. Chúng khinh rẻ sinh viên Việt Nam nghèo, ưa làm khó dễ đối với họ để nịnh bợ bọn con ông cháu cha. Trong khi đó, bọn đại sứ và bọn ngoại giao của phe Cộng Sản luôn o bế và giúp đỡ các sinh viên nghèo, dụ dỗ họ vào đảng hoặc gieo cho họ lý tưởng và mầm mống thiên tả, hay gieo cái ảo tưởng thiên đuờng được xây dựng tên Xã Hội Chủ Nghĩa của bọn chúng. Do đó mà các sinh viên Việt Nam trên đất Pháp bị lừa phỉnh. Kẻ nào hồ hỡi về phục vụ Việt Nam sau khi bọn giặc phương Bắc cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, mới bật ngửa ra: mình đút cổ vào tròng dây thòng lọng. Như thế, cái nguyên nhân chính yếu, cái gốc rễ của hậu quả đắng cay đó có phải là do bọn ngoại giao, bọn đại sứ phe quốc gia gây ra không? Hỏi tức là trả lời vậy. ° Thưởng thức văn chương của Song Thi, tôi liên tưởng tới văn chuơng của nũ sĩ Pearl S; Buck (đoạt giải Noobel văn chương năm 1939). Cả hai đều có bút pháp thiết tha, văn phong điềm đạm. Cả hai lại còn chân thành và thằng thắn, nhìn cuộc sống bằng trực giác, bằng thiên lương. Cho nên lối diễn tả của họ đều dồi dào trực tính, không ngụy trang lời dối gian hay che đậy những điều giả tạo. Thế có nghĩa là họ thấy sao viết vậy, không dùng lối văn uốn éo ruột rồng, lòng vòng rột rắn, lắn quắn ruột dê để làm dáng trí thức, hay ca tụng cái phù phiếm, cái se sua thối tha, hoặc vun quén cái thói đê tiện ác tâm của kẻ ngụy quân tử. Chúng ta thử đọc toàn bộ''Good Earth' gồm 3 quyển; ''Good Earth (''Đất Lành'', năm 1931), ''Sons'' (Những Người Con Trai'', năm 1932), '' và ''A House Divided'' (''Ngôi Nhà Chia Cắt'', năm 1935). Chúng ta thấy nữ sĩ Pearl S. Buck ca tụng cái đảm đang hiền lành của lớp nông dân, sự tận tụy của những bà vợ quê mùa, những thanh niên ưu tư với vận mạng tổ quốc. Song song đó, bà công kích kẻ đầu cơ trục lợi, bọn thổ phỉ, bọn mất gốc chỉ thích hưởng thụ truy hoan, những kẻ cuồng tín theo Cộng Sản v. v.... Song Thi không cốt ý theo dấu chân của Pearl S. Buck khi chị làm thơ mang nặng trách nhiệm với quê hương chủng tộc. Nhưng chị giống bà Pearl S. Buck là không ưa thi ca ủy mị, thi ca tán tụng cái đẹp phù phiếm, hời hợt, rổng tuếch. Trong cuốn thứ ba của bộ ''Đất Lành'', bà Pearl S. Buck đả kích thơ của anh chàng Wang Seng (Vương Tiên ) khi anh ta sáng tác loại thơ ca tụng cái đẹp chết chóc của cô gái tóc vàng trên một hải đạo tưởng tượng nào đó dưới ánh trăng. Song Thi cùng với Nhã Ca, Linh Linh Ngọc, Ngô Minh Hằng, Ý Nga, Tạ Tỵ, Diệu Tần, Hà Thúc Sinh, Lê Khắc Anh Hào, Hồ Công Tâm, Bắc Phong, Vũ Kiện, Phạm Quang Ngọc, Nguyễn Mạnh An Dân, Vũ Nam... là những chiến sĩ can trường trong cõi văn chương cũng như Nguyệt Ánh và Việt Dũng, Trương Sĩ Lương, Nguyễn Quyết Thắng... là các chiến sĩ đầy nhiệt huyết trong thế giới âm nhạc.