ỉnh Trà Vinh (từ hồi Đệ nhất Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam được gọi là thị xã Vĩnh Bình) là một thành phố gần biển. Đất đai ở đó không có sông rạch chằng chịt chảy qua nên đa số nóc gia phải đào giếng. Trà Vinh có nhiều người Miên cư ngụ, có Ao Bà Om là nơi thắng cảnh, có dưa hấu ở Cầu Ngang ngon như dưa hấu Trảng hoặc dưa hấu Trà Bang. Dòng nước lợ tức là nước ngọt và nước biển trộn nhau chảy qua những địa danh nào trong lãnh thổ của tỉnh đều có loại cá thác lác và cá chái ngon nổi tiếng. Cá chái thịt béo lại có hai thỏi trứng to, được đem nấu ngót để chan lên bún và rau xắt ghém là một món ngon hiếm quý. Nhưng món bún nước lèo mới là một món ăn độc đáo của người Miên được biến cải đôi chút để hợp khẩu vị người Việt. Đó là món mắm sặt kho chan lên bún, bắp chuối thái nhuyễn điểm lất phất rau quế, rồi được đơm thịt phay, tôm luộc và rắc hành ngò, tiêu, ớt. Đến viếng Trà Vinh mà không ăn món bún nước lèo cũng như đi qua vùng Champagne nước Pháp mà quên thưởng thức món dồi heo và rượu sâm banh. Tôi viếng Trà Vinh vài lần. Lần chót vào năm 1961. Bây giờ nghĩ về tỉnh ấy, tôi có thể mường tuợng những mái chùa Miên vàng rực với những ngôi tháp nhọn trong ánh nắng tơ vàng, những cây sa-kê cao khẳng khiu xõa chùm lá mềm mại trong đêm trăng, những giếng nước ngọt trong mát, những trái dưa hấu Cầu Ngang khi được bổ ra phơi ruột đỏ lòng son lộng lẫy và điểm hột đen lánh trong lớp vỏ xanh màu ngọc thạch óng mượt. Tôi nào biết nơi đó là chốn sinh quán cô nữ sinh kiều diễm Ôn Quế Anh đa sầu đa cảm để rồi cô lên Vĩnh Long, tỉnh lỵ sinh quán của tôi để làm cô bạn hàng xóm của tôi, để tiếp tục việc học tại trường Sư Phạm Vĩnh Long... Và rồi năm tháng trôi qua, khi bước chân ra đời, cô phải nhận lãnh gánh hệ lụy đè nặng vai mềm. Con đường oan trái lại trải rộng ra, định mạng khốc liệt xô cô dấn bước vào. Tuy nhiên định mệnh oái oăm ấy chẳng những không giết chết nổi Ôn Quế Anh, mà biến cô thành nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh, một tên tuổi quen thuộc trong chi hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại - Bắc Cali. Tôi xin giới thiệu hai thi tập ''Nỗi Lòng Cô Phụ'' và ''Khung Trời Kỷ Niệm'' của Hoàng Xuyên Anh trong niềm cảm thông giữa tác giả và bút giả. Đọc thơ chị, tôi nghĩ rằng đó là loại thơ đơn giản về ngôn ngữ lẫn tình ý. Chúng vẽ lên tấm chân dung một cuộc đời đáng lẽ phải bình thường, nhưng tai ương và thống khổ đã đưa nó vượt lên cái tầm thường, biến cái bình thường đó thành một cuộc sống tuyệt vời trong cõi thi ca. Cuộc đất Trà Vinh đã sản sinh thi sĩ Khổng Dương (1) vào thời tiền chiến, thi sĩ Truy Phong (2) vào thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, cùng hai nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh và Vũ Thi An (3) nơi hải ngoại. Và Trà Vinh được nhà thơ nữ Hoàng Xuyên Anh vẽ lên tấm chân dung của nó qua bài ''Nhớ Tỉnh Trà Vinh'' trong thi tập ''Khung Trời Kỷ Niệm''. ''Biển Ba Động nước xanh, cát trắng, Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây, Xin mời du khách về đây, Xem qua thì rõ chốn nầy thần tiên''. ° Làng tôi nghèo bên cạnh dòng sông Cửu, Trà Vinh buồn trồng đủ lúa, ngô, khoai. Miền Tây vựa lúa quanh con sông dài, Dân quê chất phác miệt mài đồng áng. ° Biển Ba Động hoàng hôn rơi bảng lảng, Tiếng ai hò man mác khúc tình ca. Bóng dừa cao lẩn khuất trong sương nhòa, Ôi! Đẹp quá! Chiều tà trên bãi biển. ° Lượn sóng nhấp nhô đưa thuyền cặp bến, Bao dân chài gác mái trở về dinh. Hàng tre xanh ấp ủ mộng yên bình, Niềm hạnh phúc chan tình lên sức sống. ° Ao Bà Om khắc ghi đôi hình bóng, ''Khà-Me'' tình trai gái thuở xa xưa. Yêu quê hương, nói sao hết cho vừa, Ao sen trắng giữa bùn nhơ vẫn đẹp.!!!13750_11.htm!!!
Đã xem 17418 lần.
http://eTruyen.com