LỜI MỞ ĐẦU

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 năm 1972, trận bão lửa - thép với hàng vạn quả đạn pháo của quân ta cấp tập trút xuống các căn cứ quân sự của đối phương tại Động Toàn, khởi đầu cho chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, một chiến dịch kéo dài và ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Thắng lợi của nó đã mở thông khu giới tuyến, cánh cửa ngăn cách giữa hai miền Nam - Bắc, tạo ra cục diện mới hết sức thuận lợi cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Chỉ trong vòng hơn ba mươi ngày, ta đã vượt qua sông Bến Hải, phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược Mắc Na ma ra, đánh chiếm các căn cứ Tân Lâm, Đầu Mầu, Động Toàn, Quán Ngang, điểm cao 241, 544, v.v... làm chủ đường số 9, tiêu diệt căn cứ Cồn Tiên, đánh tan Dốc Miếu trên đường 1, giải phóng Đông Hà - Ái Tử, khiến đối phương phải rút khỏi Thị xã Quảng Trị (ngày 1 tháng 5 năm 1972) về cố thủ ở phía Nam sông Mỹ Chánh (Thừa Thiên - Huế). Toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào ngày 2 tháng 5 năm 1972.
 Để ngăn chặn đà tiến công của quân ta, ngay từ đầu tháng 4 năm 1972, Nich-xơn ra lệnh đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt chưa từng thấy. Hàng trăm lượt máy bay cường kích, phản lực và cả B.52 đã ném bom, bắn phá các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác của miền Bắc. Đối phương đưa vào sử dụng các loại bom mới với phương tiện kỹ thuật đánh phá tối tân, hơn hẳn những lần trước, phong tỏa mọi cảng biển, bến bãi, đường sá, hòng ngăn chặn và làm cho việc tiếp tế cho chiến trường của ta trở nên cực kỳ khó khăn.
Không chịu nổi thất bại vì mất Quảng Trị, mất một hệ thống phòng thủ vào bậc nhất mà đối phương thường cho rằng là "bất khả chiến bại" và áp lực trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri, đối phương tập trung cao độ binh lực, hỏa lực hòng "tái chiếm" những vùng đã mất, mục đích đầu tiên là trở lại sông Thạch Hãn với Thị xã Quảng Trị, mà hình ảnh tiêu biểu là Thành cổ. Cuộc chiến nảy lửa giành giật nhau từng tấc đất đã xảy ra trong suốt thời gian sau đó, kéo dài cho đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết vào đầu năm 1973. Những ngày đặc biệt ác liệt diễn ra từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972. Đây là một trong số những trận đánh được coi là khốc liệt nhất trong cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, nó diễn ra trên khắp chiều ngang vốn rất chật hẹp của tỉnh Quảng Trị - cả ở phía Đông và Nam sông Thạch Hãn: từ cánh Đông - duyên hải đến cánh Tây - rừng núi, tập trung cao độ ở khu vực tuyến giữa, chủ yếu là Thị xã Quảng Trị.
Trong vùng hạn hẹp, mỗi chiều chỉ từ một đến hai kilômét, địa hình tương đối bằng phẳng đã phải chịu hỏa lực tối đa của không quân và hải quân Mỹ, với kỹ thuật hiện đại nhất thời đó. Được sự tiếp sức, chia lửa của quân dân cả nước, các chiến sĩ của nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật thuộc nhiều binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu dưới sức ép của  hàng chục vạn tấn bom đạn, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề; bằng tính kỷ luật tuyệt vời, lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường và hy sinh vô bờ bến, các chiến sĩ của ta anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa trong thế ba bề bị cô lập trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, hào hùng, ác liệt và mãi mãi bất tử, ghi sâu vào tâm thức của mỗi con người con nước Việt Nam.
Để tôn vinh một thời các anh đã sống hào hùng, chiến đấu oanh liệt và  nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị, xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách với tựa đề: "Khúc tráng ca Thành cổ". Đây là những trang nhật ký, hồi ký, đoạn văn, ghi chép, bản nhạc, bài thơ, tranh vẽ, ảnh chụp… của chính những người tham gia chiến dịch, những con người có thật viết về những câu chuyện có thật, được sắp xếp trong các phần khác nhau với ba nội dung sau:
1. Tình hình tác chiến trong 81 ngày đêm từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972.
2. Hồi ức về những trận chiến đấu, về sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của người lính trong thời khắc ác liệt, đầy kỷ niệm.
Với đội ngũ người viết không chuyên nghiệp, nhưng là những người trong cuộc, giàu tâm huyết, chắc chắn cuốn sách sẽ đem lại cho người đọc cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến đã qua. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra  cách đây hơn một phần ba thế kỷ, do độ lùi thời gian, sức nhớ của những người trong cuộc lại có hạn, nếu có những sự việc, tình tiết nào đó thiếu thống nhất với những gì bạn đọc đã biết, đã có, là điều dễ hiểu và mong bạn đọc xem đây như một tư liệu để tham khảo. Ban biên soạn rất mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc.
Xin chân thành cảm ơn các đồng chí, đồng đội đã gửi bài tham gia, đồng thời xin cảm ơn những đơn vị, cá nhân trong, ngoài quân đội đã động viên, giúp đỡ và ủng hộ sự ra đời của cuốn sách.

BẠN CHIẾN ĐẤU

BẢO VỆ THỊ XÃ - THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972