- 4 -

1. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG BẢO VỆ THỊ XÃ QUẢNG TRỊ ĐÃ CHIẾN ĐẤU VÔ CÙNG DŨNG CẢM, KIÊN CƯỜNG BỀN BỈ CHỊU ĐỰNG MỌI KHÓ KHĂN ÁC LIỆT ĐỂ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ BẢO VỆ THỊ XÃ VÀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ.
Cần khẳng định lực lượng Bảo vệ Thị xã Thành cổ Quảng Trị đã đạt vượt mức yêu cầu về thời gian phòng giữ Thị xã Thành cổ 81 ngày đêm (nếu tính từ khi quân đối phương bắt đầu phản công ngày 28-6) trong tình thế nhiều khó khăn, bất lợi như:
- Thiếu chuẩn bị, vội vã chuyển vào phòng ngự.
- Chiến đấu dài ngày trên địa hình đồng bằng ba mặt bị bao vây, một mặt là sông Thạch Hãn chia cắt. Mặt khác đã hứng chịu nhiều hỏa lực tối đa, hiện đại nhất (vào thời điểm đó) vô cùng ác liệt của không quân, hải quân Mỹ. Từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972, đối phương  đã sử dụng trên toàn Mặt trận B5:
4.958 lần/chiếc B.52 (trung bình 60 lần/chiếc ngày đêm).
9.048 lần/chiếc máy bay phản lực các loại (trung bình hơn 100 lần/chiếc ngày đêm).
 - Từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972 trong phạm vi Thị xã Quảng Trị, đối phương đã sử dụng:
95.570 viên đạn pháo 105 ly; 11.002 viên đạn pháo 155 ly;
2.630 viên đạn pháo 175 ly; 14.223 viên đạn pháo hạm đội 7;
163 lần/chiếc máy bay phản lực Mỹ.
(theo tài liệu địch thu được sau giải phóng năm 1975).
2. Ý CHÍ QUYẾT TÂM, TINH THẦN CHIẾN ĐẤU CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ, LỰC LƯỢNG BẢO VỆ THỊ XÃ RẤT ĐÁNG TỰ HÀO, ĐÃ XUẤT HIỆN NHIỀU GƯƠNG CHIẾN ĐẤU VÔ CÙNG DŨNG CẢM CỦA TẬP THỂ VÀ CÁN BỘ CHIẾN SĨ THUỘC CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU TRONG THỊ XÃ
TRUNG ĐOÀN 48 SƯ ĐOÀN 320B:
Đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị từ ngày 3 tháng 7 đến ngày 15 tháng 9, đã chiến đấu kiên cường và lập nhiều thành tích như các trận:
- Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 chốt giữ khu vực đông La Vang Hữu, đánh lui bốn đợt tiến công của đối phương, diệt 40 binh lính đối phương, giữ vững trận địa chốt ngày 3 tháng 7 năm 1972. Được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 cùng 3 xe tăng diệt hàng trăm quân đối phương, chiếm lại trận địa đông La Vang Hữu ngày 7 tháng 7 năm 1972.
- Những ngày đầu tháng 7 năm 1972, Tiểu đoàn 1 đã đánh lui nhiều đợt tiến công của đối phương ở Tri Bưu - Quy Thiện - Trầm Lý, diệt hàng trăm binh lính đối phương.
- Ngày 10 tháng 7 đến ngày 13 tháng 7 và ngày 18 đến ngày 25 tháng 7, đối phương có âm mưu đánh chiếm để cắm cờ trên Thành cổ, ta kiên cường chiến đấu và giữ vững trận địa.
- Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 cùng Tiểu đoàn địa phương 3 quyết tâm kiên cường giữ chốt ngã ba Long Hưng ngày 11 tháng 8 năm 1972, đánh lui ba đợt tiến công của đối phương, giữ vững trận địa.
- Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 cùng đơn vị bạn ngày 5 tháng 8 đã tập kích diệt 1 đại đội quân đối phương ở Hạnh Hoa đánh thiệt hại 3 đại đội khác, bắn cháy 5 xe tăng địch. Được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Ngày 22 tháng 8 năm 1972, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 dùng hỏa lực bắn 400 viên cối, diệt nhiều binh sỹ đối phương, chặn đứng quân đối phương tiến công vào Tri Bưu…
- Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 cùng đơn vị bạn đêm 8 tháng 9 đã tập kích lần hai ở Hạnh Hoa diệt một đại đội quân đối phương, thiệt hại nặng một đại đội khác, cải thiện thế phòng ngự… Được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
TRUNG ĐOÀN 64 SƯ ĐOÀN 320B
Trung đoàn được lệnh đưa Tiểu đoàn 9 vào chiến đấu (từ đêm 16 tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 1972) tại khu vực Đông Bắc Thị xã phối hợp với Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B, thực hành tập kích khu vực Tri Bưu, Hạnh Hoa, khu nhà tôn. Trung đoàn đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, giữ vững mục tiêu được giao, không cho đối phương thực hiện ý đồ cắm cờ lên Thành cổ Quảng Trị. Trong đó có những trận tiêu biểu:
- Ngày 17 tháng 7, bảo vệ sườn phải cùng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 tiến công tiểu đoàn 5 quân dù, chiếm giữ khu nhà tôn, Đông bắc làng
Tri Bưu.
- Ngày 19 tháng 7, cùng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 tiêu diệt hàng trăm binh lính đối phương, bắn cháy 2 xe tăng.
- Ngày 27 tháng 7, tập kích hai đại đội biệt kích và Tiểu đoàn 5 lính dù khu nhà tôn đông nam Tri Bưu, tiêu diệt hàng trăm đối phương, bắt sống hai lính dù.
Sang đầu tháng 8 năm 1972, Trung đoàn đưa Tiểu đoàn 7 vào thay thế Tiểu đoàn 9, chiến đấu ở đông nam Thị xã gồm: Mỹ Đông, ty cảnh sát, chùa Bà Năm, Bắc Thạch Hãn khoảng một tuần. Tiểu đoàn 7 đã chiến đấu kiên cường, thực hành tập kích tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực đối phương, giữ vững trận địa trong khu vực.
TRUNG ĐOÀN 95 SƯ ĐOÀN 325:
Trung đoàn đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị từ ngày 13 tháng 7 đến 15 tháng 9. Đã có nhiều trận đánh xuất sắc như:
- Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 chiến đấu bảo vệ chốt ở Nam Thị xã ngày 9 tháng 8. Nhiều tiểu đội, trung đội đã kiên cường chiến đấu đến người cuối cùng và được tặng danh hiệu: "Đơn vị lũy thép Thành cổ".
Nhiều chiến sĩ bị thương tới lần thứ tư trong ngày vẫn kiên cường ở lại chiến đấu, 2 chiến sĩ đã chặn đánh 50 binh lính đối phương có xe tăng yểm trợ…
Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 tập kích khu nhà xanh Đông Bắc Thị xã từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 8, đã bám trụ khu vực, đánh lui nhiều đợt phản kích, loại 250 binh sỹ đối phương. Được tặng danh hiệu "Tiểu đoàn đánh giỏi" và Huân chương Quân công hạng Ba.
 Hàng chục tổ, đội chiến đấu của Trung đoàn 95 chiến đấu giỏi, đạt chỉ tiêu diệt 50 binh sỹ đối phương/tuần trong tháng 8 và 9 năm 1972, nổi bật:
- Tổ chiến đấu Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 đánh 15 trận nhỏ, diệt 90 binh sỹ đối phương và 1 xe tăng M.41.
- Tổ chiến đấu Đại đội 5 Tiểu đoàn 5 đánh 10 trận diệt 80 binh sỹ đối phương.
- Tổ chiến đấu Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 diệt 75 binh sỹ đối phương và 1 xe tăng v.v…
TRUNG ĐOÀN 101 SƯ ĐOÀN 325
Trung đoàn đã chiến đấu ở khu vực phía Bắc Thị xã Quảng Trị tại vùng An Tiêm - Chợ Sải từ hạ tuần tháng 7 đến giữa tháng 9, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt giữ khu vực, ngày ngày chống đối phương lấn dũi, đêm đêm đi tập kích, cải thiện thế phòng thủ. Trong số các trận chiến đấu nổi bật lên một số trận như:
- Đêm 26 tháng 7, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 cùng Tiểu đoàn 19 đặc công Sư đoàn tập kích vào Chợ Sải, tiếp theo đưa lực lượng vào chốt giữ lâu dài. Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 và một trung đội đặc công của Sư đoàn cùng lực lượng du kích Triệu Phong chiếm gọn khu vực Chợ Sải, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 binh sỹ đối phương.
- Sau đêm 26 tháng 7, địch ồ ạt tấn công vào làng, Tiểu đoàn 2 chuyển ra chốt giữ khu vực bờ sông Thạch Hãn.
- Bốn ngày sau, Đại đội 5, Đại đội 7 Tiểu đoàn 2 liên tiếp tập kích, làm chủ khu vực Chợ Sải, đánh bại nặng hai đại đội đối phương.
- Cuối tháng 8 đầu tháng 9, Đại đội 8 Tiểu đoàn 2 dùng hoả lực 12,7 ly bắn cháy một máy bay trực thăng.
- Sáng mùng 1 tháng 9, Tiểu đoàn 3 dùng cối 82 ly kết hợp chốt đánh lui nhiều đợt phản kích của đối phương, tiêu diệt 36 binh lính đối phương, giữ vững trận địa.
- Để hỗ trợ cho các đơn vị bảo vệ Thành cổ, ngày 15, 16 và 17 tháng 9, Trung đoàn đã tổ chức chiến đấu thọc sâu nhiều trận tập kích vào làng khu vực Chợ Sải, An Tiêm, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực đối phương, diệt 30 binh lính đối phương.
Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
TRUNG ĐOÀN 18 THUỘC SƯ ĐOÀN 325
 Sau đợt tấn công tháng 5 và 6 năm 1972 vào khu Nam Mỹ Chánh - Hải Lăng, Trung đoàn trở về làm nhiệm vụ dự bị cho chiến dịch. Ngày 23 tháng 8, Trung đoàn được lệnh điều động Tiểu đoàn 7 vào chiến đấu tại khu vực Tây Nam Thành cổ, bao gồm khu Mỹ Tây, ngã ba Bãi Đá, Bồ Đề, cầu xi măng sông Con. Tiểu đoàn 7 phối hợp với các đơn vị bạn, chiến đấu ngoan cường dũng cảm, giành đi giật lại từng vị trí chiến đấu với đối phương cho đến ngày 15 tháng 9. Tiêu diệt nhiều sinh lực đối phương.
- Ngày 16 tháng 9 năm 1972, Trung đoàn được lệnh ra phòng ngự khu vực Nhan Biều - ái Tử. Trung đoàn đã nhanh chóng xây dựng trận địa chốt vững chắc, liên hoàn từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn và cả trung đoàn từ mép tả ngạn sông Thạch Hãn vào sâu khu vực Ái Tử.
- Ngày 2 và ngày 3 tháng 11, Trung đoàn đã chiến đấu một trận xuất sắc không cho đối phương lấn chiếm vùng giải phóng của ta, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến, thu nhiều vũ khí, đạn dược, chặn đứng âm mưu của đối phương lấn chiếm vùng giải phóng.
TRUNG ĐOÀN 88 THUỘC SƯ ĐOÀN 308
Trung đoàn đã tham gia chiến đấu từ hạ tuần tháng 7 đến ngày 15 tháng 9, bảo vệ khu vực Tây Nam Thị xã - Thành cổ, chiến đấu ngoan cường dũng cảm, bảo vệ và giữ vững trận địa từ khu vực trường Bồ Đề, khu Đệ Ngũ, ngã ba Bãi Đá, khu Cầu Sắt, khu Long Hưng đến La Vang và đồn Gia Long, có nhiều trận đánh lập thành tích xuất sắc như:
- Ngày 16 tháng 7, Đại đội 2 và Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 đánh vào Sở chỉ huy tiểu đoàn 11 thủy quân lục chiến gần đồn Gia Long, tiêu diệt 60 binh lính đối phương, làm chủ trận địa.
- Đêm 23 tháng 7 năm 1972, Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 thọc sâu cắm chốt khu vực trường Bồ Đề.
- Ngày 24 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7, đối phương mở nhiều đợt tiến công nhằm lấy lại chốt của ta, Đại đội 9 xung phong tiêu diệt 30 binh sỹ đối phương, Đại đội 11 tiến vào làng Đệ Ngũ tiêu diệt 40 bính lính đối phương, đánh bật đối phương ra khỏi làng và tổ chức chốt giữ.
- 17 giờ ngày 27 tháng 7, Đại đội 5, Đại đội 1 Tiểu đoàn 5 và Đại đội 11 Tiểu đoàn 6 tổ chức tập kích tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở làng Thạch Hãn, tiêu diệt 70 bính sỹ sý đối phương, làm chủ trận địa. Cùng ngày Đại đội 1 và Đại đội 2 đã đánh chặn tiểu đoàn 11 dù từ đường 1 tiến vào La Vang, tiêu diệt 30 binh sỹ đối phương.
- Ngày 9 tháng 8, hai tiểu đoàn đối phương có xe tăng của thiết đoàn 18 ào ạt tiến công vào khu Đệ Ngũ và đầu Cầu Sắt, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 đã chiến đấu ngăn chặn, tiêu diệt 150 binh lính đối phương, bắn cháy 9 xe tăng.
- Ngày 9 tháng 8, Tiểu đoàn 5 đánh phía Bắc làng Đệ Ngũ, ngã tư đường sắt, đã đánh bật nhiều đợt phản công của đối phương, đến 6 giờ tối đối phương phải khiêng xác đồng đội ra và chịu những thất bại lớn. Tại hướng của Tiểu đoàn 6, đối phương tiến công năm lần đều bị Tiểu đoàn 6 đẩy lùi.
- Ngày 13 tháng 8, Trung đoàn tổ chức đánh ba trận vào ba nơi là: Nhà bằng, Khu bãi xe, Nam ngã tư đường sắt, tiêu diệt 60 binh lĩnh đối phương, bắn cháy 2 xe tăng.
Ngày 15 tháng 8, Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 tiến công ngã ba Đống Đá, tiêu diệt 150 binh lính đối phương.
Ngày 4 tháng 9, Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 chốt giữ làng Đệ Ngũ với 10 tay súng đánh tan một đại đội thuỷ quân lục chiến.
Ngày 5 tháng 9, Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 tiến sát vào đầu Cầu Sắt đào công sự, phát hiện quân đối phương, đánh nhau suốt một ngày, tiêu diệt 20 binh lính đối phương. Tối mùng 5 tháng 9, Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 9 chi viện cho Đại đội 7, sau 20 phút chiến đấu ta tiêu diệt 30 binh sỹ đối phương, đánh bật đối phương ra khỏi ngã tư đường sắt.
Từ hạ tuần tháng 7 đến 15 tháng 9, Trung đoàn đã đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, trong đó có 50 trận cấp đại đội đến trung đoàn, tiêu diệt 1.670 binh lính đối phương, bắn cháy 16 xe tăng, thu nhiều vũ khí đạn dược.
TIỂU ĐOÀN 5 TRUNG ĐOÀN 165 THUỘC SƯ ĐOÀN 312
Trung đoàn 165 được lệnh đưa Tiểu đoàn 5 vào chiến đấu từ trung tuần tháng 8 năm 1972 ở khu vực Đông Nam Thị xã Quảng Trị, phối hợp cùng các đơn vị Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B, Trung đoàn 95 Sư đoàn 325. Đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa khu vực Thạch Hãn, chùa Bà Năm. Cuối tháng 8 đầu tháng 9, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 trở về đội hình chiến đấu của Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 tại cánh Tây Quảng Trị.
TIỂU ĐOÀN 3 VÀ TIỂU ĐOÀN 8 BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG TỈNH QUẢNG TRỊ
Hai tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị đã tham gia chiến đấu cùng các lực lượng bộ đội chủ lực từ ngày 3 tháng 7 đến ngày 15 tháng 9 tại các khu vực đường 1, đầu Cầu Sắt, khu Thành cổ. Với tinh thần quả cảm, lòng yêu nước, không quản khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh xương máu, quân ta đã chiến đấu ngoan cường, giành giật với đối phương từng vị trí trước quân đối phương mạnh hơn ta gấp nhiều lần về sinh lực, hỏa lực chi viện, giữ vững trận địa chốt, tổ chức tập kích tiêu hao sinh lực đối phương, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đã có nhiều gương chiến đấu kiên cường, anh dũng và hai tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PHÂN ĐỘI PHÁO CỐI ĐI CÙNG TIỂU ĐOÀN, TRUNG ĐOÀN VÀ PHÁO CHI VIỆN CỦA SƯ ĐOÀN VÀ MẶT TRẬN
Các phân đội pháo đã tích cực hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ binh đánh ngăn chặn đối phương giữ vững chốt cũng như trong các trận tập kích vận động tấn công diệt đối phương, cải thiện thế phòng thủ Thị xã suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, góp phần diệt nhiều sinh lực đối phương và phương tiện chiến tranh của chúng. Trong đó:
- Trận đánh ngày 10 tháng 7, ta dùng pháo 130 ly bắn cấp tập vào nơi tập trung của đối phương với 400 quả đạn, phá tan cuộc chuẩn bị tấn công của đối phương, diệt hàng trăm binh lính đối phương tại An Thái - Đại Nải.
- Ngày 22 tháng 8, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 dùng cối 82 ly bắn 400 quả tiêu diệt nhiều sinh lực đối phương ở Tri Bưu.
PHÂN ĐỘI PHÒNG KHÔNG CỦA TIỂU ĐOÀN, TRUNG ĐOÀN, SƯ ĐOÀN VÀ PHÁO PHÒNG KHÔNG MẶT TRẬN
Các phân đội phòng không đã ngoan cường chiến đấu, trực tiếp bảo vệ đội hình chiến đấu của các đơn vị ở Thị xã - Thành cổ, bắn rơi một số máy bay, trong đó có một chiếc máy bay chở viên Tư lệnh phó sư đoàn và chỉ huy pháo binh sư đoàn dù, góp phần cùng các đơn vị bạn bảo vệ Thị xã và Thành cổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PHÂN ĐỘI ĐẶC CÔNG SƯ ĐOÀN 325 VÀ PHÂN ĐỘI ĐẶC CÔNG MẶT TRẬN B5
Tiểu đoàn đặc công 19 Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn đặc công Mặt trận B5 đã đánh nhiều trận phía sau lưng đối phương tại khu vực Mai Lĩnh - Hải Lăng, có nhiều trận đạt hiệu suất khá tốt. Tiêu biểu như trận đêm 24 tháng 8, một phân đội đặc công Sư đoàn 325 đã luồn sâu đánh sở chỉ huy tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở An Lưu, diệt 80 binh lính đối phương, bắn cháy 2 xe tăng, 2 nhà bạt, phá 1 trận địa súng cối.
PHÂN ĐỘI TRINH SÁT CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU
Các phân đội trinh sát đã ngày đêm bám sát đối phương, bắt tù binh, thu tài liệu, phát hiện kịp thời nhiều hoạt động, âm mưu, thủ đoạn của đối phương, phục vụ chỉ huy chiến đấu bảo vệ Thị xã. Nhiều phân đội trinh sát đã phải bổ sung đến lớp chiến sĩ thứ ba, thứ tư…
Một đại đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn trinh sát 74 Bộ Tổng tham mưu lập chiến công trinh sát Thành cổ được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
PHÂN ĐỘI CÔNG BINH CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU
- Đã dũng cảm đánh bom mìn, táo bạo bò sang trận địa đối phương đặt mìn, giăng bẫy diệt nhiều binh sỹ đối phương.
- Tích cực xây dựng công trình, góp phần cải thiện thế phòng thủ một số trận địa chốt ở Thị xã.
PHÂN ĐỘI CÔNG BINH BẾN ĐÒ NHAN BIỀU - THỊ XÃ
Đơn vị đã bảo đảm hoạt động liên tục dài ngày, kể cả những đợt mưa bão lũ tháng 8, tháng 9 sẵn sàng khắc phục khó khăn, đêm đêm chở đạn dược, lương thực, đưa quân vào Thành, chuyển thương binh ra ngoài.
- Phân đội đã phát huy sáng kiến làm thêm bè mảng bằng tre, bằng cây chuối để khắc phục khi thuyền gỗ, thuyền cao su bị hư hỏng.
- Phân đội đã buộc dây giăng qua sông để người bíu bám qua lại hai bên bờ được thuận lợi nhanh chóng. Nhiều lần nước lũ chảy xiết, bè mảng bị trôi, các chiến sĩ đã xả thân cứu người, cứu hàng đưa vào bờ an toàn.
PHÂN ĐỘI THÔNG TIN CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU
Các phân đội thông tin đã liên tục giữ vững thông tin thông suốt, bảo đảm liên lạc vô tuyến điện, điện thoại giữa Sở chỉ huy Thị xã với cấp trên, với các tiểu đoàn, các trận địa chốt. Các chiến sĩ đã không quản ngày đêm đi nối dây bị đứt, đi nạp ắc quy vô tuyến điện bên kia bờ sông.
Nhiều chiến sĩ truyền đạt băng qua bom đạn đối phương, có đồng chí bị thương vẫn nghiến răng chịu đau, bò đến truyền đạt kịp thời mệnh lệnh cấp trên cho chỉ huy phân đội.
Tiêu biểu có phân đội thông tin (Trung đoàn 48) bảo vệ đường dây hữu tuyến từ Sở chỉ huy trong Thị xã về Sở chỉ huy Mặt trận B5. Nhiều lần đã phải nối đi nối lại cả chục lần. Có lần giữa dòng sông chảy xiết, anh em đã kịp nối hai đầu dây đảm bảo truyền lệnh pháo chi viện kịp thời đẩy lùi đợt tiến công của địch…
PHÂN ĐỘI QUÂN Y CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU
Các phân đội quân y đã ngày đêm tận tình cứu chữa hàng nghìn thương binh ngay trong Thành cổ và ở bên kia bờ sông tại Nhan Biều, trong suốt cả 81 ngày đêm. Các chiến sĩ quân y đã nhanh chóng sơ cứu, phân loại thương binh, bảo đảm chuyển thương binh ra ngoài an toàn, kịp thời. Có ngày tại hầm quân y cạnh Sở chỉ huy lên tới hàng trăm thương binh phải cứu chữa và bảo đảm ăn uống v.v…
PHÂN ĐỘI VẬN TẢI CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHIẾN ĐẤU
Các phân đội vận tải đã vượt hàng chục tọa độ lửa từ Đông Hà, ái Tử, Ba Gơ, Nhan Biều, Tả Kiên… đưa vật chất vũ khí trang bị đạn dược, lương thực thực phẩm từ tuyến Mặt trận B5 - Tuyến sư đoàn đến tuyến trung đoàn, tiểu đoàn, bảo đảm chiến đấu dài ngày trong Thị xã.
Đội thuyền máy Trung đoàn 48 đêm đêm vượt sông Thạch Hãn từ Tả Kiên qua đồn địch ở Chợ Sải vào Thị xã tiếp tế vũ khí lương thực, rồi chở thương binh nặng ra tuyến sau. Có thể nói mỗi chuyến đi thuyền vào Thị xã là một trận chiến đấu thực sự, nào phải rà soát bom từ trường của đối phương thả trên sông, nào dùng hỏa lực từ Xuân An khống chế đồn Chợ Sải để thuyền tranh thủ vượt qua. Phân đội này được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.