- 10 -

Chiến sĩ Phá bom
PHẠM NGỌC BÌNH
Bùi Minh Tâm vừa ở ngầm về thì nghe lệnh trung đội: Cử một số chiến sĩ đến đoạn X, phá bom nổ chậm. Tiểu đội trưởng Hạnh đang chọn người phân công thì Tâm đã chạy đến:
- Báo cáo tiểu đội trưởng cho tôi đi!
Biết suốt đêm qua Tâm thức trắng điều khiển xe vào, Hạnh ngăn lại:
- Đồng chí mệt, lại chưa ăn cơm, ở nhà nghỉ cho lại sức đã.
Tâm đáp rắn rỏi:
- Tôi còn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, anh cứ để tôi đi.
Chỉ một lát sau Tâm đã nai nịt gọn gàng, cùng đồng đội xuất phát. Vượt qua mấy bãi bom đất còn nóng hầm hập Tâm hướng về hướng X, nơi có bom vướng nổ. Anh thầm nghĩ: Mỗi quả bom là một tên giặc đang nấp rình hại đồng đội ta, phải kiên quyết quét sạch chúng, mở thông đường cho xe và đồng đội vào trận.
Tâm khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị thuốc nổ và hỏa cụ đợi lệnh của trung đội trưởng tiến vào bãi bom.
Tâm sốt ruột bò lên trước trinh sát đường. Trung đội trưởng Nghị thấy chưa an toàn, anh ngăn lại:
- Phải làm dụng cụ chướng ngại rồi hãy phá!
Tâm suy nghĩ một lát rồi bỗng reo lên:
- Lấy bao cát của địch làm chướng ngại, vừa dễ cơ động lại an toàn anh Nghị ạ!
Nghị đồng ý, và chỉ một lát sau mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.
 Trận chiến bắt đầu. Tâm thận trọng bò trước mở đường. Ngải và Dậu bám sát. "Chúng nó đây rồi!" - Tâm khẽ quay lại nói với anh em, rồi bằng một động tác hết sức chính xác và khéo léo, anh cho chùm bom thứ nhất nổ.
 Lối mở đã thông, cứ thế tổ của Tâm tiến sâu vào giữa bãi. Bước chân của anh đi đến đâu, cái chết của kẻ thù để lại đều phải gục đầu thú tội.
 Chưa đầy nửa giờ chiến đấu, tổ của Tâm đã quét sạch cả một bãi bom vướng nổ dài hơn một cây số. Riêng mình Tâm đảm nhiệm khu vực quan trọng nhất đã phá hơn ba chục quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Bất cứ một âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt nào của kẻ thù hòng ngăn đường cản lối chiến sĩ ta cũng sẽ bị các chiến sĩ công binh quét sạch, đường luôn thông, hàng luôn đủ phục vụ cho bộ đội chiến đấu.
Ngày 10 tháng 1 năm 1973
Giành khó khăn về mình
VŨ THUỘC
Trung đội của đồng chí Khả tập kích vào một đại đội địch đóng ở nhà thờ La Vang, cũng có một xe tăng và một trung đội pháo cỡ lớn chi viện, đó là chưa kể cối 60 ly, 82 ly của đơn vị trực tiếp yểm trợ. Trong trận này, trung đội trưởng Khả không những chỉ biết chỉ huy trung đội đánh giỏi mà còn biết chỉ huy cả xe tăng, pháo binh và cối đánh rất giỏi.
Qua trận chiến đấu này của trung đội Khả, ta thấy nổi bật lên vấn đề chỉ huy và hiệp đồng trong chiến đấu rất quan trọng. Chiếc xe tăng phối thuộc ấy lại do đồng chí đại đội trưởng xe tăng trực tiếp chỉ huy. Trong lúc hiệp đồng chiến đấu, đồng chí đại đội trưởng xe tăng đã báo cáo cụ thể về tình hình xe mình cho Khả nắm và chú ý theo dõi phương tiện tác chiến do Khả phổ biến. Khả đã làm đúng cương vị của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Ngay khi thông qua phương án, Khả cùng hai chiến sĩ, dẫn đồng chí đại đội trưởng xe tăng và chiến sĩ lái đi trinh sát đường, vào cách địch 100 mét, chỉ cho đồng chí đại đội trưởng xe tăng nhìn rõ mục tiêu rồi mới quay lại đưa bộ đội vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong.
Trên đường quay về, đồng chí đại đội trưởng xe tăng tâm sự với Khả: "Các đồng chí đã tạo điều kiện cho chúng tôi lập công rồi, trận này các đồng chí yên trí, chúng tôi sẽ làm tròn trách nhiệm mũi đột kích chủ yếu, tạo điều kiện cho các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Chỉ sau ba mươi phút nổ súng chiến đấu, trung đội của Nguyễn Đức Khả được xe tăng và pháo binh chi viện đã tập kích thắng lợi, diệt và bắt gọn một đại đội lính dù ngụy, làm chủ trận địa. Khi được lệnh cho xe tăng rút ra, Khả đã dùng hỏa lực của mình bắn chế áp địch ở khu chợ, đồng thời gọi pháo bắn chế áp trận địa pháo địch, tạo điều kiện cho xe tăng rút về an toàn, sau đó mới cho trung đội quay lại làm công sự chốt giữ nhà thờ La Vang.
Cũng trên khu vực này, ngày 8 tháng 9, phân đội 2 được tăng cường một đại đội của đơn vị bạn tập kích vào một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy ở khu nhà bằng. Phân đội trưởng Định và chính trị viên Thu sau khi cân nhắc đã quyết định: Dành hướng đột kích thuận lợi cho bạn; còn hướng chính diện địch bố phòng cẩn mật giao cho Đại đội 7, vì đơn vị đã chiến đấu ở đây quen địa hình, quen đối tượng tác chiến. Mặc dù về hỏa lực và xung lực của Đại đội 7 thua kém đơn vị bạn.
Trận ấy cả hai cánh đều đánh rất đẹp. Đại đội 7 như mũi dao nhọn thọc vào giữa trận địa địch, rồi từ đó đánh tỏa ra xung quanh. Trong lúc địch đang hoang mang chưa kịp đối phó thì Định tung đại đội phối hợp vào, nhanh chóng chia cắt địch ra rồi tiêu diệt gọn. Sau trận này, khí thế của đơn vị bạn lên rất rõ.
Báo Tiền tuyến - Mặt trận Trị Thiên
Ngày 10 tháng 1 năm 1973
Đứa con của trung đoàn
TRẦN DIỆP
Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 33 Đặc công Mặt trận Quảng Trị, Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320 Bảo vệ Thị xã Quảng Trị
Đầu tháng 7 năm 1972, cuộc chiến giữa ta và địch trên chiến trường Quảng Trị đang vào giai đoạn đỉnh điểm của khốc liệt để giành giật từng mét vuông trên khu vực Mặt trận Thị xã Thành cổ, suốt ngày đêm nhằm
đạt được mục tiêu tác chiến cũng như giành thế chủ động trên bàn Hội nghị Paris
 Đâu đâu cũng nồng nặc mùi bom đạn, cỏ cây với mùi cát cháy. Không có một nắm đất cát nào bốc lên mà không có mảnh kim loại của vũ khí. Không có một phút nào ngưng tiếng bom, tiếng động cơ của phương tiện giết người. Sư đoàn 320B của chúng tôi đặc biệt là Trung đoàn 48 đã cùng các đơn vị bạn kiên cường chiến đấu chốt giữ Thành cổ Quảng Trị.
Sáng ngày 8 tháng 7 năm 1972, trên đường từ Thành cổ về Sở chỉ huy tuyến sau, khi qua làng Kim Mỹ xã Triệu ái vừa bị máy bay  B.52 thả bom rải thảm, giữa chi chít hố bom, những mảnh tôn cong queo, những mảnh gỗ đang cháy dở, Trung đoàn phó Trung đoàn 48 Trần Minh Vân chợt phát hiện một khoảnh đất rung động. Anh nhẹ tay gạt lớp đất cát lên và thấy một cháu gái khoảng chừng 3 đến 4 tuổi da tím tái, lại bị gãy chân phải đang thoi thóp thở. Anh vội vàng băng bó cho cháu bé rồi bế cháu chạy về hầm phẫu của Trung đoàn. Các chiến sĩ quân y đã hết lòng cứu chữa cho cháu. Khi làm hồ sơ bệnh án cho cháu bé, anh Trần Minh Vân đã lấy họ của mình và tên nơi Trung đoàn đang đóng quân làm tên cho cháu. Thế là cái tên Trần Thị Trà Liên được đăng ký vào hồ sơ của cháu.
Sau này cái tên đó được đồng chí Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Trị chứng thực. Trong thời gian điều trị cháu được anh em trong Trung đoàn nuôi dưỡng che chở và đùm bọc. Sức khoẻ của bé Trà Liên dần dần hồi phục nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ càng ngày càng trở nên cam go. Trần Minh Vân lúc đó đang làm nhiệm vụ của người Phó chỉ huy trưởng mặt trận Thị xã, anh thường xuyên phải túc trực chỉ huy ở hầm dinh tỉnh trưởng ngụy bên tả ngạn con sông Thạch Hãn ngay gần cổng tây - tây bắc (cổng hậu) Thành cổ. Không thể giữ cháu ở lại Trung đoàn vào thời kỳ quyết liệt, anh đành phải đưa bé Trà Liên về bệnh xá huyện Cam Lộ và từ đó bé được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc.
Đến những năm tám mươi, Trần Minh Vân đảm nhận làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, với bộn bề công việc anh vẫn canh cánh trong lòng về số phận đứa bé mà cơ duyên anh cảm thấy đã trở nên gắn bó thân thiết với anh. Gặp đồng đội là anh hỏi thăm. Về Quảng Trị là anh sắp xếp để về Triệu ái, Triệu Giang, Trà Liên, Kim Mỹ gắng tìm. Nhưng rồi anh chỉ nhận được một thông tin là sau năm 1975, miền Nam được giải phóng, cháu đã lớn lên, được đi học và đã theo người thân vào An Giang sinh sống.
Năm 1981, nhờ một người bạn cùng học tại Học viện Quân sự cao cấp về công tác tại Quân khu 9, cháu Trà Liên đã biết địa chỉ và công sức tìm kiếm của anh. Cháu đã viết thư ra cho anh. Cháu đã lớn lên và khi có dịp về lại thôn Kim Mỹ, những người thân của cháu đã kể cho cháu nghe trong trận  B.52 năm ấy bom Mỹ đã cướp đi mẹ và nhiều người thân của cháu cùng với 8 chiến sĩ của Trung đoàn 48. Cháu đã khóc vì nỗi đau thương tột cùng ấy, và thầm cám ơn người đã cứu và cho cháu một cái tên mới gắn liền với số phận của cháu, bởi vì trước đó theo những người thân còn lại trong họ hàng, cháu đã có một cái tên do cha mẹ đặt là Cao Thị Diếm.
Ngày 5 tháng 7 năm 2007 vừa qua, cháu Trần Thị Trà Liên cùng với con gái 11 tuổi Nguyễn Thị Cẩm Chu, đã về thăm bố và ông ngoại Trần Minh Vân ở thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Cha con, ông cháu nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi mà khó nói được nên lời.
Trên dòng Thạch Hãn
Đại tá LÊ NGHĨA
Chánh Thanh tra Binh chủng Tăng Thiết giáp Nguyên đại đội phó Đại đội 1 Tiểu đoàn 25 vận tải thuộc Sư đoàn 320B
Tháng 7 năm 1972, Đại đội 1 Tiểu đoàn 25 vận tải thuộc Sư đoàn 320B được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược và vận chuyển thương binh cho Trung đoàn bộ binh 48 (mật danh là "Đoàn Quang Sơn") đang chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị.
Nhận thấy chỉ dùng sức người mang vác vũ khí vào Thị xã và dùng võng cáng thương binh ra với quãng đường hàng chục kilômét dưới hỏa lực của máy bay, pháo binh mặt đất và pháo hạm của địch thì rất vất vả, mà số lượng vũ khí và thương binh chẳng được bao nhiêu; nếu tận dụng thuyền vận chuyển trên sông Thạch Hãn thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Ban chỉ huy đại đội đã bàn bạc và thống nhất với phương án của Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Mai (sau này là giáo viên của Học viện Lục quân Đà Lạt) là vận động địa phương cho dùng thuyền máy của bà con ngư dân đi sơ tán, bỏ lại ở các thôn, xóm ven sông, làm phương tiện vận chuyển. Được cấp trên chuẩn y, đơn vị khẩn trương lùng tìm những chiếc thuyền trong các lùm cây, bụi cỏ ven sông Thạch Hãn.
 Ngay tuần đầu tiên anh em đã tìm được ba chiếc thuyền với máy móc còn khá tốt và một số thùng dầu mazut để chạy máy, thế là "phân đội vận tải thủy" của đại đội được hình thành. Để hướng dẫn anh em vận hành máy và điều khiển thuyền, đơn vị thành lập một tổ bảo đảm kỹ thuật mà nòng cốt là những đồng chí quê ở hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngay trong năm đêm đầu tiên, đơn vị đã thực hiện vận chuyển được khoảng 8 tấn vũ khí vào Thị xã và đưa gần 100 thương binh về tuyến sau an toàn. Nhưng rồi địch cũng phát hiện ra ta dùng thuyền máy tiếp tế cho Thị xã và Thành cổ, thế là một cuộc chiến ác liệt trên sông Thạch Hãn bắt đầu.
Để tìm diệt thuyền của ta, máy bay địch thường xuyên thả đèn dù trên sông và rải bom từ trường xuống nhiều đoạn sông, nhiều nhất là đoạn từ cầu Quảng Trị và thôn Nhan Biều đến căn cứ ái Tử. Với ánh sáng đèn dù từ máy bay địch thả, ta đối phó không khó, cứ nghe tiếng máy bay và tiếng nổ "bụp" trên trời là anh em cho thuyền (đã được ngụy trang kín bằng cành lá) tắt máy áp sát vào bờ, đợi cho máy bay địch bay xa hoặc đèn dù tắt là lại tiếp tục cho thuyền đi. Nhưng đối phó với bom từ trường thì không dễ, bom chìm sâu dưới lòng sông ta không phát hiện được, khi thuyền đi qua dưới tác động của chân vịt, bom sẽ phát nổ làm đắm thuyền. Thời gian đầu bom từ trường của địch đã phá hủy nhiều thuyền của ta và hàng chục cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh. Có đêm ta mất một lúc hai thuyền với hơn 10 đồng chí trên đoạn sông ngang căn cứ ái Tử.
Ngày hôm sau đồng chí Phạm Vị - chính trị viên đại đội dẫn một tổ lên tìm kiếm thi hài của anh em, đã phải thu nhặt từng mảnh thi thể liệt sĩ bị bom văng lên bờ sông để chôn cất. Để đối phó với bom từ trường, ban ngày đơn vị cử một tổ được tăng cường 3 chiến sĩ công binh của Sư đoàn và được du kích địa phương giúp đỡ thực hiện rà phá bom một cách rất thô sơ: dùng dây ni lông buộc các thùng đạn đại liên của địch (cách 5 mét một thùng) với độ sâu 1,5 mét đến 2 mét có cây chuối làm phao rồi chăng ngang sông và kéo xuôi dòng chảy để kích cho bom nổ. Trong quá trình rà phá bom trên sông, anh em phát hiện nhiều thi thể bộ đội ta hy sinh trong lúc vượt sông vào Thị xã, trôi trong dòng nước hoặc dạt vào các bãi cạn ven sông. Chúng tôi cùng du kích đưa xác anh em lên bờ mai táng mà lòng sục sôi căm thù địch và thương tiếc đồng đội vô cùng. Ban đêm khi thuyền ngang qua các đoạn sông có bom, để hạn chế thương vong ta tắt máy, chỉ để một đồng chí trên thuyền dùng sào chống giữ hướng, số người còn lại buộc dây vào mũi thuyền lội theo mép nước để kéo thuyền qua đoạn nguy hiểm…
Khoảng từ 12 giờ đêm đến 2 - 3 giờ sáng, khi thuyền đến được bến quy định (bờ phía Thị xã cách cầu Quảng Trị vài trăm mét, đối diện với thôn Nhan Biều) thì anh em nổ ba phát AK làm ám hiệu rồi bốc hàng lên bờ cho bộ đội ta ra lấy, sau đó đưa thương binh quay về. Nhiều đêm khi thuyền đến bến hoặc trên đường rời bến, pháo cối địch bắn như vãi đạn xuống khu vực bến làm một số thuyền trúng đạn chìm xuống lòng sông cùng với số vũ khí chưa kịp chuyển lên bờ hoặc số thương binh nặng vừa đưa xuống thuyền… Sau này anh em rút kinh nghiệm khi đến bến khoảng 1 kilômét thì tắt máy, ngâm mình xuống nước đẩy thuyền đến bến quy định, trả hàng và nhận thương binh xong, lại ngâm mình đẩy xuôi dòng đến khu vực an toàn mới nổ máy…
Khoảng giữa tháng 8 năm 1972, địch chiếm được một số khu vực xung quanh Thị xã. ở phía bắc Thị xã, địch xây dựng một trận địa chốt tại Chợ Sải nằm gần bờ sông Thạch Hãn. Tại đoạn sông này, lòng sông sát bờ nơi có địch, mới đủ độ sâu cho thuyền của ta đi được. Do vậy hàng đêm khi thuyền ta đi qua đây, địch từ Chợ Sải ra phục kích trên bờ sông, dùng mìn định hướng Clâymo, súng M72, M79 và các loại hỏa lực khác bắn rất ác liệt, làm chìm một vài thuyền và hy sinh một số anh em. Đại đội phải tổ chức một tiểu đội hỏa lực gồm súng B41, trung liên… bố trí trên bờ đối diện gần thôn Trung Kiên, phối hợp với hỏa lực của đơn vị bạn và du kích để chế áp địch mỗi khi thuyền của ta qua đoạn sông này.
Thời gian này đơn vị tập kết ở thôn Nhĩ Hạ, ở đây có một nhánh cụt của sông Thạch Hãn nên tiện cho việc cất giấu, sửa chữa thuyền mỗi khi có hư hỏng. Khu vực này thường xuyên bị bom  B.52 và pháo hạm địch đánh phá nhiều lần, làm ta tổn thất mất một số thuyền. Cũng cần phải nói thêm rằng, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 25 là một đơn vị vận tải bộ, toàn bộ số thuyền máy, nhiên liệu dùng để vận chuyển đều do đơn vị tận dụng các phương tiện của nhân dân đã đi sơ tán bỏ lại là chính, cuối chiến dịch mới được cấp trên bảo đảm cho một số nhiên liệu chạy máy. 81 ngày đêm diễn ra chiến dịch bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị thì có tới gần 40 đêm thuyền máy của đơn vị vận chuyển vũ khí, thương binh cho các đơn vị đang chiến đấu trong Thị xã, với số lượng thuyền hàng đêm từ 1 đến 3 chiếc mà hầu như đêm nào cũng có tổn thất hy sinh…
Để có được số thuyền máy bổ sung thay thế liên tục cho số thuyền bị bom, đạn địch đánh chìm, đơn vị đã huy động anh em có sự giúp đỡ của du kích và nhân dân các thôn hai bên bờ sông lùng tìm khắp bến, bãi bờ, các nhánh cụt của sông Thạch Hãn, trục vớt mọi loại thuyền có thể sử dụng được. Các loại máy bơm nước, máy xe tải cỡ nhỏ, máy xay xát của bà con được thu gom về, tổ thợ máy gồm các đồng chí Trần Văn Hiển, Nguyễn Cao Mại, Đặng Văn Nhiếp và một số đồng chí khác (những đồng chí này trước khi nhập ngũ là thợ sửa chữa của xí nghiệp vận tải ô tô hoặc phụ trách máy bơm nước ở các hợp tác xã, nên có hiểu biết về kỹ thuật cơ khí) sửa chữa, lắp ráp thành những chiếc thuyền máy, để rồi hàng đêm những thuyền vũ khí lại đều đặn vượt qua bom đạn đến với chiến sĩ ta trong Thị xã Quảng Trị.
Phương tiện thì như vậy, còn nhiên liệu, dầu nhờn dùng để chạy máy đơn vị cũng phải cử một số anh em đi tìm những thùng dầu mazut, dầu nhờn bà con chôn giấu, tìm tới những xe ô tô của địch bỏ lại để hút số dầu còn lại trong thùng chứa của xe mang về sử dụng. Khó khăn gian khổ như vậy nhưng với khẩu hiệu: "Đoàn Quang Sơn còn thì Thị xã còn - Đại đội 1 còn thì Đoàn Quang Sơn còn được cung cấp vũ khí", anh em trong đại đội đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù để đưa những chuyến hàng tới đích.
Nhớ lại những ngày ấy càng không thể quên sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả và những tình cảm chân thành của nhân dân và du kích các thôn Nhĩ Hạ, Vinh Quang, Mai Xá, Lâm Xuân… Những con thuyền đánh cá, những đầu máy xe tải nhỏ, máy bơm nước, máy xay xát thóc gạo, những thùng nhiên liệu chạy máy đều là những tài sản lớn mà bà con chắt chiu, dành dụm trong bao năm trời để làm kế sinh nhai. Vậy mà khi chúng tôi xin được trưng dụng để làm phương tiện vận chuyển vũ khí và thương binh thì ai cũng sẵn sàng ủng hộ: "Mấy chú từ Bắc vô đây chẳng tiếc máu xương để giải phóng cho bà con, thì tụi tôi tiếc chi mấy thứ đó…", chân thành và giản dị vậy thôi.
Thời gian đầu luồng lạch, đường sá chưa thông thuộc, bản đồ địa hình lại chẳng có, nên chúng tôi phải nhờ du kích dẫn đường mới khỏi bị lạc. Có những chiếc thuyền, chiếc máy xay xát… của dân cất giấu, còn chủ thì đi sơ tán ở đâu đó, chúng tôi đành phải nhờ du kích người địa phương biết "ông nớ đang ở mô" mà đưa anh em đến trưng dụng. Tôi nhớ nhất có o Hồng, du kích thôn Nhĩ Hạ, mới khoảng 16, 17 tuổi, mặt tròn, da trắng, mắt bồ câu. Khi dẫn đường cho chúng tôi bị pháo bắn dữ dội, một số chiến sĩ chưa quen trận mạc còn hốt hoảng, lúng túng thì o hướng dẫn anh em bò xuống nấp ngay vào những hố đạn pháo vừa nổ còn nồng nặc mùi thuốc súng và đất đang còn nóng hầm hập. Chập tối lúc chúng tôi ra bến đưa thuyền đi, o cũng đi tiễn với câu dặn: "Mấy eng đi cẩn thận".
Tháng 9 năm 2007
Khiêng thương binh ở nhan biều
TẠ QUỲNH PHƯƠNG
Chúng tôi chiến đấu ở Quảng Trị đã được khoảng hơn nửa năm. Đơn vị phải bổ sung quân liên tục, lính mới về nhiều, lại là lính chưa hề qua huấn luyện cho nên phải vừa đánh vừa học, học làm pháo thủ, học làm trinh sát ngay tại chiến trường, anh em lính cũ cùng tôi từ Bắc đi vào phần thì hy sinh, phần bị thương, còn lại cũng không được là mấy người.
Khiêng thương binh là chuyện cơm bữa của lính chúng tôi, nhưng lần này tôi khiêng cùng Điền "quáng". Điền da đen (lính chúng tôi dãi dầu nhiều nên không mấy ai có nước da sang sáng một tý), mắt quáng gà. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng nói của Điền là một đêm ở Quảng Bình, tiếng nói của cậu ta cứ the thé tôi cứ tưởng là có con gái ở trong rừng. Mắt Điền lờ đờ, nhỏ ti hí, chiến trường không có kính, nên chỉ thấy mờ mờ. Hôm ấy chúng tôi đang ở làng Tả Hữu, khoảng 10 giờ đêm tôi đang say sưa ngủ thì anh Sửu Đại đội phó đến tận hầm gọi tôi dậy bảo tôi vào Nhan Biều khiêng thương binh. Chúng tôi buộc xong cáng rồi lên đường. Riêng cái tên Điền "quáng" cũng đã biết là một anh chàng mắt kém rồi, nhưng tôi vẫn không hình dung nổi mắt anh ta kém đến như thế. Đã cho đi sau cầm lấy đòn cáng đi theo mà Điền cứ ngã dúi, ngã dụi, thương quá cho đi trước thì không thấy đường đi, tôi phải một tay cầm cáng, một tay dắt đi.
Đêm đã khuya mà chúng nó cũng không để cho yên, bom đạn vẫn bắn thường xuyên. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, nhiều lúc phải lao nhanh xuống hai bên bờ, ông Điền nhà ta cũng lao bừa, chả cần biết nơi ấy như thế nào. Thỉnh thoảng lại một cột lửa pháo kích bắn gần, tiếng nổ đanh khét lẹt, những bông lửa cứ rơi lả tả. Lần mò mãi cũng đến nơi, chúng tôi chui vào một căn hầm, dưới ngọn đèn tù mù hiện ra một ông già râu ria quai nón xồm xoàm, đen kịt, ngồi lặng yên như một pho tượng (sau này chúng tôi mới biết đó là anh Hùng, anh còn ít tuổi, nhưng tóc râu để tốt, đèn tối nên hai đứa tưởng là ông già). Một lúc sau thương binh được đưa đến, đó là anh Vân Đại đội phó Đại đội 4. Anh bị thương vào đầu và chân, băng trắng toát, tiếng rên khe khẽ. Chúng tôi vội vã khiêng anh lên đường.
Lúc đầu tôi để cho Điền đi trước, tôi đi sau bởi vì đi sau bao giờ cũng nặng hơn, khó đi hơn. Thương binh nặng, đường đất bom pháo cày nát tươm, người bình thường còn khó đi nữa là bị quáng gà, tôi đi sau cứ phải chỉ đạo liên tục, nhưng khốn nỗi mắt Điền chẳng thấy gì cả, cứ đi bừa chẳng cần biết là đường hay là ruộng, gặp hố bom hố đạn cũng không thèm tránh. Tất nhiên mỗi lần trước khi ngã, anh ta cũng cố gượng không để anh Vân rơi mạnh xuống đất, nếu rơi mạnh thương binh chắc không sống nổi. Tôi đi sau, đến là khổ, mỗi lần Điền loạng choạng là tôi cũng lao đao theo, nghiêng cả người hết ngả ra sau lại chúi về phía trước, võng khiêng nhiều khi suýt rơi xuống đất. Mới đi được một quãng mà tôi đứt cả hơi, chân tay rã rời, biết đường còn xa thương binh lại phải đi gấp, nhưng mệt quá không sao chịu nổi đành phải ngồi nghỉ.
Đêm khuya nhưng bom đạn vẫn bắn ầm ầm, đạn bom cứ nhì nhằng xé nát trời đêm vì địch biết đêm là hoạt động của ta. Nghỉ được một tí thấy anh Vân rên nhiều quá chúng tôi lo lại vội cáng đi. Lần này tôi để cho Điền đi sau, cũng không ổn nốt vì Điền còn ngã nhiều hơn, có lần cả hai thằng không gượng nổi ngã dúi xuống, quăng cả anh Vân xuống đất, anh ấy rít lên đau đớn, hai thằng lại vội vã khiêng anh lên. Đi sau không ổn, đi trước cũng không xong, khó quá, nhưng cũng không biết làm sao hơn vẫn phải lần mò từng bước một, tôi hét khản cả hơi, vừa nhìn phía trước vừa ngoảnh cổ ra sau "chỉ đạo" từng bước chân của Điền, chỉ mong sao nó không ngã. Khổ nhất là lúc bị bom hoặc pháo bắn gần, bom đạn nổ ngay bên cạnh, nhưng không thể nằm ngay xuống được phải để võng từ từ xuống đất rồi mới nằm xuống, cũng có lúc không nằm kịp chúng tôi cứ đi bừa đến đâu thì đến, may sao mảnh nó vẫn tránh mình. Lần khiêng sau lại để cho Điền khiêng trước, rút kinh nghiệm tôi chặt cho Điền một cây gậy, đành chơi "chính sách" thầy bói mù dùng gậy để dò đường và cũng để chống cho đỡ ngã. Nhưng có nhiều lúc gậy cũng văng đâu không thấy, khốn khổ cho tôi phải đặt cáng xuống mò tìm gậy cho hắn, bụng bảo dạ không bao giờ đi khiêng thương binh với ông này nữa. Nhiều khi cũng bực nhưng trời sinh thế trách cũng tội nghiệp nên tôi đành cắn răng chịu.
Đường từ Nhan Biều ra sân bay ái Tử chỉ không đầy ba cây số mà chật vật lắm mãi đến tận gần sáng chúng tôi vẫn đi chưa hết sân bay. Điền mệt phờ râu, mặt chảy xị xuống, chân tay quấn áo bộ đội như lính Tàu ô quấn xà cạp năm nào, máu ra cũng kha khá nên Điền mệt lắm. Nhưng vì anh Vân bị thương nhiều hơn, tôi lại động viên Điền tiếp tục đi. Trời đã mờ mờ sáng, bóng Điền đi trước cứ xiêu xó, dặt dẹo thật tội.
Trầy trật mãi cũng đến được nơi, sau khi sơ cứu lần nữa cho anh Vân, lại chuyển về tuyến trung đoàn vì anh Vân bị thương khá nặng. Anh Ngân y sĩ của đơn vị băng cho Điền, chân tay rách nhằng nhịt, máu chảy rơm rớm. Chúng tôi ra về, mệt bã người, hầu như không còn sức nữa, bụng đói như xát muối, cũng chẳng có gì để ăn. Nhìn mặt mày Điền hốc hác, râu ria mọc ở đâu ra mà nhiều thế, mặt mũi đờ đẫn, quần áo rách tả tơi. Tôi chắc mình trông cũng tội nghiệp, nhưng không bằng Điền. Cũng may mà chuyến khiêng thương binh trót lọt, lòng cũng nhẹ nhõm đi đôi chút. Lúc này trời đã sáng hẳn, mắt Điền đã nhìn thấy, nên không phải chỉ huy, nhưng chân không muốn bước. Không bao giờ quên chuyến khiêng thương binh này!
81 ngày đêm chống chọi với tử thần
 Bác sĩ LÊ VĂN AN
Nguyên đại đội trưởng đại đội quân y Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B
Cách đây 30 năm (tháng 4-1972), tại thời điểm lịch sử đó, tôi vừa tốt nghiệp Đại học Quân y khóa 1, được giữ lại làm giáo viên. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, nhà trường đã cử 700 cán bộ, giáo viên, học viên đi phục vụ chiến trường. Đoàn cán bộ, học viên của trường (trong đó có tôi) chia thành nhiều cụm, phục vụ từ phía nam Quân khu 4 trở vào chiến trường B5. Riêng vào cụm B5 có 100 học viên khóa 2 năm cuối khối y, 37 học viên năm cuối dược, 10 bác sĩ khóa 1 vừa ra trường và 14 cán bộ, giáo viên.
Tháng 5 năm 1972, tôi có mặt tại Mặt trận B5 cùng 20 học viên năm thứ 6 khóa 2. Thời gian đầu, tôi phục vụ ở đội điều trị 46 đứng chân ở Động Tiên thuộc cánh Tây của mặt trận. Đến giai đoạn 3 của chiến dịch, tôi được điều động từ cánh Tây về cánh Đông (đồng bằng), bổ sung về đại đội quân y Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chốt giữ Thành cổ Quảng Trị.
Đội phẫu của Trung đoàn 48 cùng ở chung với Sở chỉ huy nhẹ của lực lượng vũ trang hỗn hợp Trung đoàn 48 và Trung đoàn 95 nằm trong tầng hầm của dinh tỉnh trưởng, cách bờ sông khoảng vài chục mét. Tòa nhà hai tầng đã bị bom đạn phá hỏng tầng trên, công binh ta phá sập tầng dưới che phủ toàn bộ tầng ngầm để biến thành hầm chỉ huy kiên cố. Dưới tầng hầm lại được đào thêm ngách hào và hầm trú ẩn. Đội phẫu được triển khai trong gian hầm rộng mỗi chiều chừng 5 mét, có hai ngách thông ra ngoài, có hào để chuyển thương binh.
Thời gian đầu, đội phẫu còn đủ trang bị (1 bộ trung phẫu, các cơ số thuốc chấn thương, thuốc và bông băng) do đồng chí Phạm Văn Bằng chỉ huy. Phần lớn Đại đội quân y của Trung đoàn 48 ở phía sau, đứng chân tại thôn Lập Thạch nhận thương binh từ trong Thành cổ ra và vận chuyển về tuyến sau. Phương tiện vận chuyển thương binh qua sông chủ yếu dùng xuồng cao su, thuyền máy và cáng. Lực lượng vận tải có nhiệm vụ tiếp tế vũ khí, lương thực cho các đơn vị chốt và đưa thương binh ra. Công việc này chỉ được thực hiện vào ban đêm.
 Đêm 16 tháng 7 năm 1972, tổ ba người chúng tôi được lệnh vào Thành. Trên đường đi, các làng mạc đã xác xơ vì bom đạn; không một mái nhà, một gốc cây nào còn nguyên vẹn; cây cối bị bom phá đánh đổ ngổn ngang, cảnh tượng như vừa phải trải qua một cơn bão cực mạnh. Mùa mưa ở Quảng Trị cũng đã bắt đầu. Mưa tầm tã, nước sông Thạch Hãn dâng cao dần, trong khi bom pháo các loại vẫn rải thảm trên toàn tuyến, không lúc nào vắng tiếng máy bay và tiếng đạn rít trên đầu. Đến bờ tả ngạn sông Thạch Hãn, chúng tôi phải chờ xuồng cao su để sang sông. Ngồi dưới hầm trú ẩn nhìn sang phía Thị xã Quảng Trị thấy pháo sáng rực trời, bom pháo nổ liên hồi rền vang, lửa đạn tung lên trời như pháo hoa, tưởng chừng như không còn sinh vật nào có thể sống sót được.
Trước sự ác liệt, căng thẳng đó, y sĩ Tiến đi cùng tôi đã tỏ ra hoang mang, dao động và không muốn vượt sông. Thuyền đến, tôi động viên y sĩ Tiến và ra lệnh phải vượt sông để vào Thành cổ dù có thể bị hy sinh. Tới bờ bên Thị xã, chúng tôi vừa tránh đạn pháo, vừa bò men theo mép hào giao thông chạy vào hầm phẫu. Cảnh tượng ác liệt đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là thương binh nằm, ngồi la liệt lẫn với một vài tử sĩ do chưa được chôn cất. Gặp tôi, đồng chí Bằng mừng khôn xiết, trao đổi về tình hình đội phẫu. Tôi quyết định để đồng chí Bằng về phía sau, vì Bằng là sinh viên đã hết thời gian phục vụ theo quy định của nhà trường. Hơn nữa, từ trong thâm tâm tôi không muốn để anh phải hy sinh, vì chỉ có 2 sinh viên tăng cường cho trung đoàn thì Cao Văn Khoan đã hy sinh tháng trước cùng với 15 thương binh tại cầu Lai Phước khi máy bay địch đánh trúng đội hình của đại đội quân y.
Đêm 14 và ngày 15 tháng 9, chiến sự đã ở đỉnh điểm của sự ác liệt. Ta và địch giành giật từng góc Thành, từng công sự, từng tấc chiến hào. Đêm ngày 15 tháng 9, toàn đơn vị được lệnh rút ra ngoài. Đội phẫu lúc này còn 22 thương binh. 19 giờ, chúng tôi tổ chức cho thương binh chuyển về phía sau với phương châm ai còn đi được thì dùng bao ni lông đựng gạo Trung Quốc làm phao bơi qua sông, những thương binh nặng bám vào phao có chiến sĩ vận tải dìu sang và rút trước. 22 giờ đêm, các đơn vị và bộ phận chỉ huy lần lượt rút. Gần 3 giờ sáng, thương binh cuối cùng bị gãy 2 xương cẳng chân được đặt lên phao, tôi cột vào người, vừa bơi vừa kéo sang sông...
Kết thúc 81 ngày đêm cùng đồng đội chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, đội phẫu của tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến phút cuối cùng của chiến dịch. Tổng hợp của Trung đoàn 48, trạm phẫu đã cứu chữa hàng nghìn thương binh thuộc các đơn vị tham gia chiến đấu trong Thành cổ, trong đó có 213 thương binh nặng, 843 thương binh vừa và có 58 thương binh tử vong tại đội phẫu. Riêng 10 ngày cuối chiến dịch, đã thu dung 310 thương binh, có 55 đồng chí tử vong tại đội phẫu. Tổn thất của quân y cũng khá lớn: 100% số y tá đại đội bị thương hoặc hy sinh (3 y sĩ, 1 sinh viên và 26 y tá quân y trung đoàn).
Tôi hồi tưởng và viết lại một giai đoạn khốc liệt trong chiến tranh mà các chiến sĩ quân y đã đóng góp nhiều xương máu cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc; để nhớ lại và biết ơn những đồng đội thân yêu của tôi, những con người quả cảm đã khuất, có hoặc không tên trên bia đá. Hôm nay, nếu ai đó cố tình lãng quên những mốc son quá khứ lịch sử ấy là có lỗi với đồng bào, đồng chí, đồng đội từ mọi miền của Tổ quốc đang yên giấc ngàn thu ở mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
Viên gạch Cổ Thành
LÊ TRÍ DŨNG
 Ông – Họa sỹ Trường dẫn tôi lên căn phòng áp mái. Vâng, nó đúng là một cục gạch, nhưng là một cục gạch thiêng. Ông kể: Số là đơn vị tôi khi đóng quân ở Cửa Việt cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 30 cây số, mùa hè năm ấy là một mùa hè đỏ lửa. Đêm ngày Thành cổ bị pháo tầm xa và máy bay địch quần thảo. Ta chuyển quân vào hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác. Trận chiến đấu đã đến hồi khốc liệt, "cối xay thịt" làm việc không ngừng nghỉ. Lữ dù 2 ngụy nổi tiếng thiện chiến bị đánh tơi bời, thủy quân lục chiến ngụy chạy tan tác.
Tổn thất của ta cũng rất lớn. Chúng tôi dằn lòng chờ đợi bên những chiến xa. Ruột như lửa đốt. Rồi 81 ngày qua đi, đạo quân năm vạn tên với đầy đủ phi pháo và máy bay yểm trợ đã bị đánh tan tành, mỗi tấc đất ở Thành cổ đã vùi xác hàng trăm tên địch và cũng thấm nhiều máu của chiến sĩ, và đồng bào ta. Thành cổ do phải gánh chịu một số lượng bom đạn khổng lồ đã trở thành bình địa. Những năm sau, tình cờ ngày nọ đơn vị tôi chuyển quân qua đó nghỉ một đêm cạnh Thành cổ. Dưới ánh trăng hạ tuần, tôi sờ tay vào cánh cổng hậu còn sót lại lỗ chỗ hàng trăm vết đạn, ngước nhìn vòm trần loang lổ mảnh trái phá đọc vội dòng chữ: "Quyết đánh giặc Mỹ cút khỏi nước ta!" viết nguệch ngoạc bằng lưỡi lê, bằng máu lẫn trong nhiều khẩu hiệu khác. Thành cổ giờ đây là mộ địa.
Tôi ngậm ngùi cầm lên một cục gạch, chính là cục gạch này đây, cho vào ba lô con cóc. Như tôi đã nói đó là một cục gạch thiêng - đúng thế. Những vật vô tri khi nhuốm đẫm máu người sẽ có "thần". Quả nhiên, ngay đêm ấy vừa gối đầu lên ba lô ngủ, tôi đã thấy chập chờn hoang vu, giữa tiếng sóng nhẹ vỗ bờ của dòng Thạch Hãn.
"Thành cổ này được làm từ thời Gia Long, nơi này xưa gọi là Ô châu ác địa đó. Nó chính là một trong hai châu Ô-Rý mà Chế Mân đã tặng vua Đại Việt để đổi công chúa Huyền Trân đó. Xưa đắp bằng đất, đến đời Minh Mạng mới xây bằng gạch. Do vị trí trọng yếu mà nó trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự một thời. Nó là lá chắn của Cố đô Huế. Là con đê ngăn chặn vững vàng phía Bắc với hàng rào điện tử Mắc Namara nổi tiếng của địch. Chợt khi nảy cuộc tương tàn, nhuốm cơn binh lửa, tôi theo lời kêu gọi của non sông, lên đường chiến đấu.
Vốn là con của một gia đình nông dân, lúc sắp lên đường, u tôi bảo: "Khái ơi, u chỉ có mình mày, mày đi bộ đội u không cản, chỉ mong mày lấy vợ cho u thằng cháu, để mai này..." rồi u tôi khóc. Tôi là đứa con hiếu thảo, ngay đêm ấy tôi ngỏ lời với Sen, cùng thôn. Rồi đám cưới tổ chức rất nhanh. Ông trưởng thôn làm chủ hôn. Giữa tiệc ông tặng tôi một chiếc gậy Trường Sơn bằng tre đực (ông bảo thế). Thế là tôi lên đường, bữa cơm tiễn đưa, tôi không nuốt được miếng nào. Vợ tôi cũng không nuốt được miếng nào. Cả nhà chỉ nhìn tôi mà khóc. Thầy tôi quát: "Thằng Khái đi làm việc nước, cấm đứa nào được khóc". Tôi nhìn lên, thầy tôi nước mắt lưng tròng. Tôi biết cũng như bao người cha khác, có xót con cũng nuốt nước mắt vào trong.
 Nhưng trận ấy ác liệt quá. Trước đó, chỉ trong 5 ngày quân ta có pháo binh và xe tăng yểm trợ đã đánh tan toàn bộ cứ điểm địch ở bắc Đường 9.  Hôm đó tôi vừa ló ra khỏi bờ tường thì nghe một tiếng: "Má ơi". Ngón tay đang đặt trên cò định điểm xạ chợt dừng lại. Má tức là Mẹ, tức là Bầm, tức là U tôi đó. Tôi quắc mắt, một thằng thủy quân lục chiến ở trần đầy mình xăm trổ bị mảnh pháo phang cụt tay, máu phùn phụt phun từ cách tay đứt. Trong một thoáng, hình ảnh Minh, đồng đội người Hà Nội, tháng trước khi trinh sát bị đạn pháo tiện một chân. Máu ra nhiều quá, choáng, lúc ấy xung quanh không có ai, cũng không đủ sức tự xé áo băng lấy. Anh ngồi tựa lưng vào bìa rừng nhìn máu chảy dần mà hy sinh... Rồi một thoáng nữa, chần chừ, chỉ nghe tiếng "tạch", từ cánh tay kia của tên ngụy một tia chớp bay ra. Vai tôi nhói lên một cái. Mẹ mày! Tôi lao tới dùng cả cái sức trai làng đè ập xuống thằng ngụy. Tay phải thuận đà rút phắt cái lê AK cạnh sườn, thằng ngụy cũng chĩa con dao Mỹ tự động lên, ấn nút.
Mũi lê ấn xuống vật mềm, nghe sừn sựt, người tôi bay lên, rồi một cơn khát, khát chưa từng thấy, khát không sao tả xiết cào xé cổ họng tôi. Trước mặt tôi là con hào hai bên hỗn chiến, ũng nước, nước chia thành ba lớp: dưới cùng là lớp bùn non đặc sệt, lớp giữa là máu cả hai bên đỏ lừ, trên cùng là một lớp nước trong hơn, lờ lờ. Tôi bơi trong mơ, há mồm định hớp lấy lớp nước trong mà uống. Chỉ thấy một con rồng lao đến đớp, đó là con rồng xăm trên mình thằng ngụy, nó thè ra hai cái lưỡi sáng trắng, là hai mũi dao tự động Mỹ đã phóng vào vai và tim tôi đó. Tôi huơ lê xông tới, chỉ thấy đầu nặng, chân nhẹ rồi không biết gì nữa...
Ngay đêm ấy đồng đội đã chôn cất tôi tại gốc phi lao già này. Mãi hôm nay, nhờ viên gạch thiêng mà tôi được gặp ông. Nơi tối u linh, chết vì việc nước, hồn nơi chín suối khí uất vẫn còn. Nếu nhờ ông mà được về quê cũ, có người nhang khói những ngày sóc vọng. May ra hồn thiêng được siêu thăng mà khí uất cũng tiêu tán đi phần nào chăng?"... Kể xong người ấy lui ra sau gốc phi lao già, tan dần vào màn sương đang loang dần trên dòng sông Thạch Hãn...
Hai chúng tôi lặng đi, lát sau tôi hỏi Trường: Rồi sau có đưa anh Khái về Thái Bình không? Trả lời: Có chớ! Cô Sen vẫn chờ, không chịu lấy ai. Nhưng cuộc tìm kiếm cũng gian nan lắm, phải thuốn mãi mới thấy ngôi mộ đó, hiện tượng ấy gọi là trôi mộ. Tôi lại hỏi: Thế viên gạch sau này có phát tác gì không? Trả lời: Có chớ! Ông phải biết rằng những người chết ở đây toàn là trai trẻ. Mà trai tân hoặc trinh nữ chết là thiêng lắm. Thỉnh thoảng gối đầu lên viên gạch mà cầu, lát sau chìm vào giấc ngủ là sẽ mơ thấy nhiều điều lạ, ứng lắm. Tôi hỏi: Thế không sợ phá phách à? Trả lời: Phá phách sao được. Một là tâm mình chính, lòng mình lành, không sợ. Hai là những hồn ma dù là ta hay địch thì trong cuộc chiến này đều là người Việt cả, hơn 30 năm rồi còn gì, nếu họ khôn thiêng thì phù hộ cho dân nước Việt này ngày càng phồn thịnh, trong đó có con cháu của họ. Ba là viên gạch tôi đã bày 5 pho tượng Phật: Như Lai, Quan Âm, Di Lặc, Đạt Lai Lạt Ma và Lý Thiết Quài, Phật pháp vô biên mà...
 Trời sáng dần, trên chiếc bàn bằng gỗ lũa hình con rùa, viên gạch Thành Quảng Trị, viên gạch thiêng Thành cổ vẫn nằm đó, lặng lẽ, thần bí. Một nửa cháy sém, đen thui vì napan, nửa kia lỗ chỗ vết đạn và cào xước của bom pháo, nó vỡ hình lưỡi rìu cổ, dựng đứng lên trông giống như một bức tượng đài.
Thành cổ Quảng Trị
Ngày 27 tháng 7 năm 2003