Dịch giả: TRỌNG BÁU - THÀNH CHÂU
Chương 9

     ửa giờ đã trôi qua. Lúc trời tối hẳn, hai người rũ tuyết, đứng dậy. Cả hai đều lạnh cóng, chân tê dại. Họ muốn lồng ngay thanh trượt vào để cử động cho nóng người lên, nhưng trước hết phải quan sát đã. Đêm đến, hoạt động ở trên đường giảm đi nhiều. Ôtô chạy lẻ từng chiếc, thỉnh thoảng mới có chiếc bật đèn gầm, ánh sáng yếu ớt. Xung quanh vắng lặng. Tuyết bay như mưa. Bóng đêm dày đặc trùm lên những cánh rừng chạy dài. Bầu trời đầy mây, không sao, như thấp xuống. Ivanôpxki quyết định đi dọc theo đường nhựa về phía đông và thường xuyên quan sát mọi động tĩnh trên đường, không bỏ qua một dấu vết khả nghi nào. Anh nghĩ rằng, cũng như mọi lần trong mùa thu vừa rồi, các xe phải giao hàng cho căn cứ.
Hai người nhanh chóng trượt xuống chân đồi rồi lướt trên mặt tuyết xốp vượt qua một rãnh trũng. Hai mươi phút trượt như thế người đã nóng lên, thậm chí đã thấy hơi mệt. Cũng như đêm qua, không ai nói lời nào. Ivanôpxki cảm thấy vết thương ở đùi ngày một đau hơn, anh trượt không được thoải mái như trước nữa và cố dồn sức nặng toàn thân về bên trái. Anh cô gắng để quen dần với cái đau của mình. Anh nghĩ: bằng cách nào đấy rồi cũng qua đi thôi. Nhưng khi trượt lên quả đồi tiếp theo, trung úy cảm thấy cần phải nghỉ. Anh khẽ duỗi chân chuyển sức nặng toàn thân sang phía chân không bị thương. Và để Pivôvarốp khỏi nghi, anh làm ra vẻ dừng lại để xem xét xung quanh, mặc dù lúc ấy, việc quan sát chẳng thuận tiện chút nào. Đường nhựa chạy dài bên cạnh, trên đường vắng lặng. Phía trước mờ mờ, không được rõ lắm, gió đông nam thổi ngược thổíc vào mặt làm chảy cả nước mắt.
- Thế nào, Pivôvarốp? - Bằng giọng đùa cợt, Ivanôpxki hỏi.
- Bình thường thôi.
- Nóng người lên chưa?
- Ồ! Thậm chí còn bốc hơi nữa ấy chứ.
- Được! Thế thì lại tiếp tục.
Họ lại trượt khoảng gần một tiếng đồng hồ nữa đến mép rừng, họ thấy hình như có công sự nào đó bên cạnh đường, sau lần bắn phá hôm qua ở trong xóm. Ivanôpxki cố gắng đi tránh những nơi có dân ở. Con đường nhựa hầu như chạy thẳng, không hề thấy một đoạn lượn nào. Việc định hướng trở nên dễ dàng, vì thế Ivanôpxki họa hoằn mới dùng địa bàn để kiểm tra lại hướng đi.
Ivanôpxki cảm thấy phấn khởi hơn. Pivôvarốp trượt bên cạnh, không kém anh nửa bước. Ivanôpxki dừng lại, với giọng hoạt bát, anh hỏi:
- Pivôvarốp này, trong đời cậu, cậu đã thấy điều gì thích thú chưa?
- Tôi ấy à?
- Ừ. Cậu ấy. Mình hỏi: trong đời cậu, cậu đã thấy điều gì thích thú chưa?
- Chưa. - Pivôvarôp nhún vai.
- Sách cậu cũng chưa đọc à?
- Sách thì tôi đã đọc được một ít rồi,. - Pivôvarôp như nhớ lại chậm rãi trả lời. - Chẳng hạn như: Giuyn Vécnơ (1), Oantơ Xcôt (2), Mác Tuên (3)...
- Còn Gaida?
- Gaida, cả Đuyma (4) nữa, cũng đã đọc rồi.
- Ôi! Trung úy ngạc nhiên nhìn Pivôvarôp, trong cái nhìn ấy, thậm chí có pha chút kính trọng. - Cậu đọc bao giờ mà nhiều thế?
- Hồi lớp sáu tôi ốm mất nửa năm, không đi học được. Thế là tôi đọc, đọc tất cả những gì tìm được ở thư viện. Các bạn mượn ở thư viện cho tôi.
Đúng, có lẽ ốm thế mà lại tốt đấy, ốm nửa năm đọc hết cả sách thư viện. Lúc còn bé, Ivanôpxki mong được ốm bao nhiêu, nhưng chẳng bao giờ ốm lâu được quá ba ngày! Sức khoẻ của anh rất tốt, anh đọc không nhiều, mặc dầu lúc nào anh cũng xúc động trước những cuốn sách hay. Còn những truyện hay của Gaiđa thì anh chưa tìm được để đọc. Lúc bé thì như thế. Sau này lớn lên, anh phải đọc những thứ sách khác.
Xung quanh và ở đằng xa kia vẫn im lặng như trước. Lúc này, Ivanôpxki trượt không hăng hái như hôm qua nữa. Sức nặng toàn thân dồn lên đôi chân, mỗi bước trượt làm vết thương đau nhói. Đau tưởng không thể nào chịu được. Để quên đi, Ivanôpxki cố gắng nghĩ đến những công việc khác. Trước hết, anh nghĩ đến các chiến sĩ của anh đang trên đường về dưới sự chỉ huy của chuẩn úy Điubin. Có lẽ họ đi dọc theo dòng sông và men theo bãi bồi. Nếu đường trượt không bị tuyết phủ làm mất vết thì họ sẽ định ngay được hướng đi. Tuy vậy, nếu bị tuyết phủ kín thì chắc chắn Điubin cũng vẫn nhớ đường, trường hợp này, Điubin sẽ nhờ đến bản đồ. Trong chiến tranh bản đồ là vật rất quý của người chỉ huy, tiếc rằng không phải bao giờ cũng có đủ bản đồ cho họ. Ivanôpxki cũng luôn nghĩ đến Khakimôp. Anh tự hỏi: Khakimôp thế nào? Tất nhiên Khakimôp rất đau, cái đau triền miên không sao dứt được. Nhất là lúc vượt qua vùng giáp ranh, Khakimôp không ngồi lên được và cũng chẳng làm thế nào để chiếc cáng đi nhanh hơn, mọi người phải bò, phải trưòn. Dù thế nào thì họ cũng đang trở về. Chắc rằng Điubin biêt cách chỉ huy họ. Điubin sẽ giải thích cho tham mưu trưởng về thất bại của họ, sẽ biện hộ cho cả nhóm và cho cả đồng chí chỉ huy của mình. Ai có thể nghĩ được rằng, sau mười ngày tất cả đều đã thay đổi và bọn Đức đã chuyển căn cứ đi nơi khác. Trong thâm tâm, Ivanôpxki cho mình không có lỗi, bởi lẽ anh đã làm hết sức mình. Tuy thế, nghĩ mình có lỗi vẫn cứ giày vò tâm trí anh. Dù sao, anh cũng vẫn bị xem là người sơ suất, không đáng được tin cậy nữa. Chính sự không tin cậy ấy sẽ cản trở anh rất nhiều. Và giờ đây ý nghĩ mình sẽ chẳng làm được gì nên hồn lại day dứt anh.
Ivanôpxki biết rõ rằng như thế là vô lý, là phủ nhận ngay cả những ý nghĩ tốt đẹp của mọi người về anh. Trong đời, đã có lần anh được tín nhiệm, nhưng lúc này, sự tín nhiệm ấy không còn nữa, mà đối với anh, sự tín nhiệm ấy là vô giá. An năn, hối lỗi của anh phỏng có ích gì!!
Trước khi tròn mười bốn tuổi, cậu thiếu niên Igo Ivanôpxki đã sống năm thứ ba ở Cublitra, một thị trấn yên tĩnh gần biên giới Ba Lan. Cha cậu làm bác sĩ thú y tại Ban quân quản vùng biên giới này. Ở đây cậu đi học, kết bạn với những chú bé khác, nhưng phần lớn thời gian cậu thường tha thẩn chơi đùa quanh tàu ngựa của Ban quân quản. Những con ngựa chiến đã hấp dẫn chú trong nhiều năm, thậm chí còn là niềm mơ ước của cậu nữa. Cậu đã tắm rửa, kì cọ cho chúng không biết bao nhiêu lần. Cậu cũng đã được cưỡi chúng lúc thắng yên cương cẩn thận và cả lúc chẳng có lấy một miếng bạt phủ lên mình chú ngựa thân quen. Đến ba, bốn năm liền cậu chẳng chú ý gì tới cảnh vật xung quanh, ngoài những chú ngựa. Hàng ngày, sau khi tan học, cậu chạy ngay đến tàu ngựa và chỉ mãi đến tối cậu mới trở về nhà. Có lần, cậc chiến sĩ biên phòng đã nói đùa rằng, Igo là người trực nhật tàu ngựa tích cực và thường xuyên nhất. Còn bản thân Igo thì rất thích được như thế nếu không phải đi học.
Ở tàu ngựa lúc nào cũng hấp dẫn. Bắt đầu là việc cho ngựa ăn, cho uống nước, thu dọn, cọ tắm rửa ngựa sạch sẽ rồi kết thúc là việc dắt ngựa ra khỏi tàu xếp thành hàng. Các chiến sĩ biên phòng chạy lăng xăng, bận rộn, chỉ huy thì bắt bẻ, khiển trách chiến sĩ chưa chăm sóc ngựa chu đáo và dùng khăn lau miết miết vào mông ngựa xem đã sạch sẽ chưa. Có một cái gì đó thật hấp dẫn - trong những lần tập ngựa, đua ngựa, nhất là những giờ bộ đội tập nhào lộn trên ngựa lúc đang phi. Cả việc đẵn những cây miên liễu ở bãi tập về sửa tàu ngựa cũng làm Igo thích thú. Nhưng khoái nhất vẫn là khi các kỵ sĩ rạp mình trên lưng ngựa, phi như bay dọc theo đoạn đường cắm những nhành liễu mềm làm mốc, gió cuốn lên, những nhành liễu lật phật, nghiêng ngả. Thật tuyệt vời khi được tận mắt chứng kiến tài nghệ điều khiển ngựa của các chiến sĩ trong đội kỵ binh do trung úy Khacaxôp, một người nổi tiếng chỉ huy!
Nhưng Igo chỉ được đứng ngoài cuộc ngắm nhìn những buổi duyệt ngựa, dẫn cây và đua tài điều khiển ngựa, chứ không được tham gia, người ta không cho cậu đứng vào hàng, thậm chí không cho cậu đeo gươm khi cưỡi ngựa.
Một việc khác nữa cũng hấp dẫn Igo, đó là những buổi tắm cho ngựa. Có một doi cát cạnh bãi cỏ ven hồ, trên đó có những chiếc cọc buộc ngựa đã cũ. Hầu như trưa nào nóng nực người ta cũng lùa những chú ngựa mệt mỏi mình đẫm mồ hôi ra đây tắm mát. Khi ngựa bắt đầu tắm thì Igo cũng đã có mặt. Cậu chạy lăng xăng, té nước cho ngựa, vui đùa thỏa thuê cho đến tận lúc chú ngựa cuối cùng lên bò.
Igo thường đến gần một con ngựa cái tơ có bộ lông hung hung, tên là Minca. Minca là ngựa của tiểu đội trưởng Michiaep. Igo đã tạo được mối quan hệ rất đặc biệt với Michaep, thậm chí Michiaep coi Igo như một người lính thực thụ vậy. Mặc dầu Michiaep là lính nghĩa vụ, nhưng đối với Igo, anh là người có cái gì đấy khác hẳn mười hai chiến sĩ biên phòng trong tiểu đội anh. Anh là người đứng tuổi, trên khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn, dáng đi nặng nề, chậm chạp như một bác nông dân. Gia đình Michaep sống ở Xibia. Anh có con gái đã lớn. Đáng lý anh đã hết tuổi nghĩa vụ quân sự từ lâu, nếu như không có sự nhầm lẫn nào đó trong giấy tờ. Theo giấy tờ ấy, anh mới có hai mươi hai tuổi! Chính Michiaep cũng không sao giải thích được trường hợp oái oăm này. Anh chả còn cách nào khác là nguyền rủa lão cha cố say khướt nào đó trong nhà thờ gây nên sự nhầm lẫn khiến anh cùng vào lính với những chàng trai chỉ đáng là con rể của anh.
Ngựa không phải là con vật lạ lẫm đối với Michiaep. Có lẽ trong đời anh, anh đã nhiều lần nhìn thấy ngựa và anh tin tưởng giao ngay con Minca của anh cho Igo - cậu thiếu niên lanh lợi, con trai một cựu chiến binh. Igo cho Minca ăn uống, tắm rửa. Lúc ấy, Michiaep ngồi nghỉ và hút thuốc. Có lần Igo bị bố mắng vì tội vắng nhà và hình như không chịu học hành gì cả. Michiaep đã lên tiếng bênh Igo ngay trước mặt bố cậu. Quan hệ giữa Igo với Michiaep là như thế. Đến nỗi, nhiều lần bố Igo phải thừa nhận rằng người lính già Xibia này có thể thay ông làm bố Igo được. Igo không phản đối điều ấy, và Igo cũng coi Michiaep là người bố tốt nhất của mình.
Một hôm, người ta đưa đến bãi tắm một chiếc thuyền. Thế là cảnh ồn ào, náo nhiệt vốn có trong lúc tắm ngựa giảm hẳn đi. Chiếc thuyền được chở đến bằng ôtô do chuẩn úy Belút lái. Belút hạ thuyền xuống bãi cát, rồi bảo: thuyền này của trưởng Ban quân quản Darubin, không ai được động đến. Belút ròng xích, cột chặt thuyền vào chiếc cọc buộc ngựa rồi khóa lại. Không hiểu vì sao, gần suốt cả mùa hè, chiếc thuyền vẫn nằm nguyên chỗ ấy. Darubin chẳng dùng đến nó bao giờ, còn bọn trẻ ở thị trấn thì khao khát muốn được ngồi vào đấy chèo đi chơi khắp mặt hồ.
Vào một buổi chiều, khi đàn ngựa đã tắm xong và được buộc vào những chiếc cọc trên bãi cỏ, các chiến sĩ trực ban đã về doanh trại ăn cơm, Igo tay cầm cần câu đi ra sông câu cá. Toàn là cá rỉa mồi, Igo toan thu dọn chuyển sang chỗ khác thì bọn bạn học từ trên cây trăn bên sông tụt xuống. Đầu tiên là thằng Cônca Bôrôpxki, sau đó đến thằng Iasa Phinken. Sau một hồi xem xét, bọn chúng hiểu là có thể tháo thuyền ra và bơi sang bờ bên kia. Ở đó là khu rừng thông lớn đang mùa xanh lá, và cũng là nơi cả bọn chưa khi nào được đặt chân tới. Ý định thật hấp dẫn khiến Igo im lặng hồi lâu. Đúng là bọn trẻ ở thị trấn này chưa đứa nào đến đó, và không có đứa nào là không bị khu rừng ấy hấp dẫn. Nhưng đến được đó là việc rất khó - đầm lầy, sình thụt chắn mất lối đi, ở chỗ cửa sông, nghe người ta nói có Hà bá đang tác oai, tác quái. Chiếc thuyền càng làm cho bọn trẻ thêm quyết tâm mạo hiểm. Nhưng lúc này Michiaep còn đang canh ngựa và canh cả chiếc thuyền của trưởng Ban quân quản Darubin. Igo thổ lộ điều lo ngại này với hai đứa bạn. Nghe xong hai đứa cùng chỉ tay về phía Michiaep và nhếch mép cười. Michiaep đang ngủ trên tấm chăn đắp cho ngựa dưới một bụi cây. Vấn đề còn lại là cái khóa - Igo đang nghĩ - thì ngay lúc ấy Cônca giơ chiếc chìa khóa to tướng ra trước mặt Igo. Đó là chiếc chìa khóa kho củi của bố nó cùng loại với chiếc chìa khóa khóa thuyền của Darubin. Không chút ngần ngại, Igo cầm ngay lấy chiếc chìa khóa và nhẹ nhàng mở khóa thuyền.
Bọn trẻ sẽ sàng, thận trọng tháo chiếc sào dài bằng gỗ vân sam. Chúng lấy sào khẽ đẩy thuyền trượt khỏi bãi cát xuống nước rồi cả bọn nhảy lên. Lúc đầu chúng chống thuyền bằng sào. Sau đó, hồ sâu dần, chúng phải bơi bằng tay, vất vả lắm thuyền mới ra được đến giữa hồ. Lúc này bọn trẻ mới thấy là thuyền để lâu ngày không dùng nên hai bên mạn nứt ra, nước đang rỉ vào. Không có cái gì để tát, chúng tìm cách lấy tay té nước ra ngoài, nhưng thuyền mỗi lúc một đầy nước. Bọn trẻ khó nhọc lắm mới bơi vào được bờ, thuyền từ từ chìm nghỉm.
Michiaep ngủ say như chết không hay biết gì hết. Còn bọn trẻ thì hong khô quần áo và mãi đến tối chúng mới mò về đến nhà. Sáng hôm sau, thấy mất thuyền, mọi người đổ đi tìm. Có người nào đấy nhìn ngay thấy cậu bé Chômkin đang ở cạnh bãi tắm. Cậu ta là một trong đám trẻ hay gây sự ở thị trấn. Thế là người ta lập tức làm biên bản và buộc cậu ta là người lấy thuyền. Igo cũng bị thẩm vấn, bởi lẽ Igo cũng có mặt ở bãi buộc ngựa từ sáng hôm qua. Nhưng Michiaep không thể nào ngờ rằng cậu bé mà mình mến nhất lại là đứa lấy trộm thuyền. Mãi đến tối, cực chẳng đã, Igo mới dám nhận với Michiaep cả những lỗi lầm của mình. Nhưng không phải Michiaep đã tin ngay điều ấy. Igo nói rõ thuyền đắm ở chỗ nào, lúc ấy Michiaep mới tin là chuyện có thật. Người ta lôi thuyền lên và kéo vào bờ. Nhìn thấy thuyền, Michiaep nhổ một bãi nước miếng xuống cát rồi quay đi chỗ khác, thậm chí cũng không thèm đoái hoài gì đến cậu bé mà trước đây anh rất quý mến. Quan hệ tốt đẹp giữa hai người suốt hai năm tới đây chấm dứt. Cho đến tận ngày giải ngũ, Michiaep cũng vẫn không nói với Igo một lời, anh làm như không thấy cậu bé và không thèm đáp lại lời chào khi Igo gặp anh, thậm chí khi gặp, anh chẳng thèm nhìn Igo. Igo không hề giận Michiaep, cậu biết rằng sự khinh bỉ ấy đối với cậu là xứng đáng.
Chẳng bao lâu, trên đường đi của họ xuất hiện một cánh rừng thưa. Đó là cánh rừng thông non mới trồng trước chiến tranh. Họ trượt nhanh, gần như sát bên nhau, rồi bỗng cả hai đều khựng lại. Hình như có một con đường ở ngay bìa rừng men theo những vệt trũng. Trên đường, những chiếc xe chậm chạp chạy về phía nào đấy. Lúc đầu Ivanôpxki có cảm giác mình lạc hướng và tách khỏi đường nhựa. Nhưng sau đó anh hiểu rằng đây không phải là đường mà có thể là một triền dốc nào đó. Nhưng tại sao ôtô lại chạy trên triền dốc ấy?
Sững sờ, Ivanôpxki dừng lại một lúc bên bìa rừng. Những chiếc ôtô chạy rất gần chỗ các anh đang đứng. Chiếc đi đầu bật đèn pha sáng chói, thùng xe cao lắc la lắc lư. Ba chiếc đi sau cũng có thùng xe cao, phủ kín như thế. Chúng chở gì? Nhưng chúng chở những thứ ấy từ đâu và chở đến đâu. Không tiến lại gần đường, Ivanôpxki đi dọc theo bìa rừng để theo dõi chúng.
Anh đi rất chậm, chốc chốc dừng lại để nghe ngóng. Tiếng động cơ điêden trầm đục, xa xa vẫn vẳng đến, sau đó lại bị gió át đi, rồi có lúc như im bặt. Ivanôpxki sửa lại chiếc thắt lưng da đã sệ xuống vì đeo lựu đạn nặng, rồi nhìn sang Pivôvarôp. Pivôvarốp lặng lẽ đi cạnh anh. Rõ ràng Pivôvarốp cũng linh cảm thấy điều gì đấy và khó khăn lắm mới kìm được hơi thở gấp của mình.
- Thế nào? Có nhìn thấy gì ở đấy không?
Pivôvarôp gật đầu, anh sửa lại khẩu súng ở sau vai, chiếc dây da chó từ vai xuống thắt lưng thít chặt vai, chiếc dây da chéo từ vai xuống thắt lưng thít chặt lấy ngực, lằn vào áo khoác. Tất nhiên, Pivôvarốp là chiến sĩ còn chưa được rèn luyện, nhưng lúc này trông anh thật khoẻ mạnh. Thanh trượt kêu kin kít trên tuyết, Ivanôpxki tiếp tục trượt men theo bìa rừng.
Chẳng mấy chốc cánh rừng đã lùi lại phía sau, phía trước là con suối hoặc nhánh sông nhỏ, hai bên bờ mọc đầy những bụi cây lúp xúp. Mệt mỏi, Ivanôpxki cố vượt qua suối và băng ra cánh đồng. Thật vô cùng đột ngột khi anh nhìn thấy con đường - bánh ôtô lún sâu xuống tuyết làm thành hai vệt trũng chạy song song. Để khỏi mất hút con đường vừa phát hiện, anh lùi lại một quãng rồi trượt dọc theo nó. Trượt được một lúc bỗng nhiên một xóm nhỏ hiện ra trước mắt anh. Không một tiếng động, không một tia sáng, trong bóng đêm nhập nhoạng, một mái nhà lù lù hiện lên rất gần, hết mái ấy lại đến mái khác và anh thầm rủa mình sao lại vô ý đến thế, đáng lý phải dừng lại cách xóm nhỏ này một quãng xa hơn nữa. Anh muốn quay về phía mà có lẽ ở đấy hình như anh nhìn thấy một chiếc xe việt dã. Rõ ràng ở phía đó còn có cái gì to lớn, kềnh càng hơn xe việt dã, trong bóng đêm mờ mờ, từ vật ấy, một cây cột thanh, mảnh chọc lên nền tròi. Quan sát kỹ, Ivanôpxki hiểu: đấy chính là cột ăngten. Chắc trong xóm nhỏ này không có căn cứ nào cả, có lẽ đây hoàn toàn chỉ là một bộ phận hậu cần hay một phân đội hành quân nào đó của bọn Đức dừng lại ngủ đêm ngoài trời mà thôi.
- Có nhìn thấy không? - Ivanôpxki quay sang Pivôvarốp hỏi nhỏ.
- Có.
- Theo cậu, cái gì ở trong ấy?
Pivôvarốp khẽ nhún vai. Cũng như Ivanôpxki, Pivôvarốp chưa đoán ra được ngay. Lúc này Ivanôpxki coi Pivôvarốp như người ngang hàng. Nếu có năm hay mười chiến sĩ thì Ivanôpxki sẽ không cho phép mình suồng sã như thế, nhưng giờ đây đối với anh, Pivôvarốp ở vào trường hợp đặc biệt. Pivôvarốp là ngươi giúp việc đầu tiên của anh, thậm chí còn là cố vấn chính của anh nữa, ở đây không còn trông cậy vào ai khác được.
Quay thanh trượt, Ivanôpxki trở ra cánh đồng. Pivôvarốp cũng trượt theo anh. Họ vừa trượt vừa quan sát xung quanh. Nhưng sau chừng một phút, Ivanôpxki lại nghĩ: ngộ đấy là một cơ quan tham mưu lớn của bọn Đức thì sao? Có khi cơ quan tham mưu còn giá trị hơn một căn cứ. Vả lại, biết tìm đâu ra căn cứ ấy trong đêm nay.
Ivanôpxki dừng lại giây lát, suy nghĩ, chưa biết nên quyết định thế nào. Bên cạnh anh, Pivôvarôp đứng lặng, chờ đợi. Anh chiến sĩ biết rằng người chỉ huy đang suy nghĩ để đi đến một quyết định quan trọng nào đấy cho cả hai người. Vì thế, anh chờ đợi quyết định ấy với tâm trạng của một người lính. Ivanôpxki nghĩ: tất nhiên, khôn ngoan hơn thì nên bỏ qua “tổ ong” ấy, nhưng có thể cứ nên đến gần hơn nữa xem sao, may ra lại thấy được thứ mình đang tìm.
Lúc cả hai người còn đang phân vân đứng trong gió tuyết thì ở đâu đó trong làng xuất hiện những chấm sáng mờ đục và một thứ gì đấy lờ mờ chiếu trên tuyết. Hoàn toàn chưa thể giải thích được tia sáng bất ngờ này, nhưng trong đêm tối nọ lại định hưóng cho hai người. Rõ ràng, ở đấy có phố xá. Thế là Ivanôpxki quyết định, dù thế nào cũng phải tìm cách tiếp cận để quan sát, tìm hiếu xem có những thứ gì ở trong ấy.
- Nào, Pivôvarốp, hãy cẩn thận, theo tôi.
Pivôvarốp gật đầu đồng ý. Ivanôpxki đẩy mạnh gậy chống trượt về phía xóm nhỏ. Trên đường vào xóm, thoạt đầu anh gặp một bờ rào đã cũ, đổ nát. Trườn qua chỗ ấy anh lọt vào vườn. Tại đây, trong bóng tối mờ mờ, anh nhìn thấy những cột nhỏ và những bụi cây, hình như những cột rào giữa hai mảnh vườn. Anh ẩn mình vào hai cột rào ấy và thận trọng men dưới bóng chúng trong tuyết dày, tiến đến một ngôi nhà. Xung quanh vẫn im ắng, trời lạnh buốt, gió thổi từng cơn, bụi tuyết bay lất phất trong vườn. Không một tiếng động nào lọt ra ngoài ngôi nhà, nhưng bằng cách nào đó mà chính mình cũng không giải thích nổi, Ivanôpxki đoán chắc lúc này trong xóm nhỏ chỉ có bọn Đức thôi. Cảm thấy như có người đang phát hiện ra, anh thận trọng tiến đến ngôi nhà.
Đã đến gần kho chứa củi lắm rồi. Cạnh đấy là những chiếc xột xiêu vẹo. Hàng cọc rào đến đó cũng vừa hết. Gần cọc rào cuối cùng là một cây lê to tướng, xung quanh là những cây anh đào thanh mảnh. Từ đằng xa, Ivanôpxki đã nhìn thấy cây lê, anh nghĩ rằng đến đấy phải ngồi lại và chờ. Nhưng anh chưa mò đến được gốc cây lê thì đột nhiên, từ đâu chẳng biết, một bóng người mặc áo capốt xuất hiện. Anh giật mình và đoán ra ngay: bọn Đức! Vì bất ngờ, tên Đức nhìn anh chằm chằm, nhưng rõ ràng nó rất bình tĩnh và giọng nói lơ lớ:
- Hình như có một thằng Nga thì phải?
Ivanôpxki không hiểu tên Đức nói gì, anh thò tay vào ngực áo và nắm chắc khẩu súng ngắn. Khóa nòng kêu lách cách trong đêm im ắng. Tên Đức biết là mình sơ ý, nó sợ quá thét lên rồi nhào xuống tuyết, bò chéo qua vườn rau sang nhà khác.
Súng nổ liên hồi. Ivanôpxki nằm xuống và ngay lúc ấy anh nghe thấy một phát súng từ phía ngôi nhà bắn ra. Viên đạn trúng cành cây phủ đầy tuyết lạnh cứng. Nhưng anh cũng đã kịp nổi súng vào phía bờ rào, rồi sau đó lại bắn xuống phía dưới - phía tên Đức đang bò, và hình như nó đã bò gần đến bóng đổ của ngôi nhà. Loạt đạn cuối cùng của anh có lẽ không cần thiết nữa. Tên Đức đã chúi đầu xuống tuyết, nó chết ngay tại đó. Ivanôpxki ném thanh trượt bên chân trái ở chỗ ngoặt rồi cầm lấy gậy chống. Trong lúc vội vàng, anh cong lưng trượt trên thanh còn lại. Từ bóng tối, lửa từ ngôi nhà lại phụt ra. Anh “ối” lên một tiếng, cái gì đó đập mạnh vào lưng anh. Ivanôpxki hiểu ngay là mình đã bị thương. Nhưng với sức mạnh kỳ lạ, anh vọt ngay ra khỏi khu vườn, tại đây Pivôvarốp đang sốt ruột chờ anh.
Rõ ràng bọn Đức đã không nhanh bằng anh, dù chỉ độ mấy chục giây thôi, nhưng chút thời gian ấy đối với anh quý giá biết chừng nào. Anh đã kịp băng qua được nửa mảnh vườn, còn bọn Đức thì mói bắt đầu chạy từ chỗ nào đó trong ngôi nhà ra vườn. Một tên bực tức thét lên như ra lệnh, rồi năm sáu đứa chạy ra theo nó. Ngoái cổ lại, anh thấy chúng rất rõ. Một giây chần chừ: có nên dùng tiểu liên diệt bọn chúng hoặc kệ chúng để nhanh chóng lẩn vào bóng đêm. Nhưng chưa kịp quyêt định thì Ivanôpxki đã thỉu đi vì đau, không điều khiển được thanh trượt nữa.
Phía sau, súng vẫn rộ lên từng hồi giống như những tràng súng máy, nhưng Ivanôpxki không còn lòng dạ nào chú ý đến nữa, lúc này anh ở vào tình thế hết sức khó xử. Một viên đạn chết tiệt nào đó đã trúng chân anh. Không quay đầu lại, anh thấp người xuống nữa, rồi bằng cả sức lực còn lại, anh cố gắng băng ra khỏi khu vườn. Nhưng lại một luồng đạn nào nữa rít trên đầu anh? Anh nắm lấy khẩu súng bắn trả để bắt nó câm họng. Vừa lúc đó, ở phía trước anh, loạt súng thứ hai lại dội lên. Anh sung sướng hiểu ra: đó là Pivôvarốp - Pivôvarốp biết chĩa luồng đạn của mình về phía nào. Trong đêm tối, dường như hết đợt này đến đợt khác, đường đạn bay ngược lại phía anh làm thành lưới lửa thứ ba dày đặc, đạn bay chiu chiu bên cạnh, nhưng anh hiểu rằng: đạn ấy không bắn vào anh.
- Nhanh lên, đồng chí trung úy!
Ivanôpxki ngã nhào, chỉ chút xíu nữa thì anh đã ra khỏi khu vườn. Anh cảm thấy ngực đau ghê gớm, cơn đau lan ra khắp nửa người bên phải, đau đến không thở được. Anh như người chết ngạt, nhưng anh hiểu rằng Pivôvarốp đã ở đâu đó, ngay bên cạnh anh và sẽ không bỏ anh.
Gạt tuyết bám đầy người, Ivanôpxki tìm cách đứng dậy, nhưng hai chân anh nặng như đeo cùm, khiến anh không thể nào điều khiển được đôi thanh trượt. Một thanh dường như tụt khỏi chân khi anh đi thanh khác vào, anh không kịp buộc chặt. Đằng sau anh vẫn còn những loạt súng, nhưng dường như những loạt súng ấy không đuổi theo anh nữa mà chĩa về phía Pivôvarốp - người đang chạy về phía anh trong đêm tối.
- Đồng chí trung úy!...
- Khẽ chứ! Đưa tay cho tôi.
- Tôi nằm ở đấy một mình! ngủ cho đến bây giờ...
Ivanôpxki muốn đứng dậy nhưng lại cảm thấy choáng váng, vai chúi xuống tuyết mềm lạnh. Có lẽ mãi đến lúc này Pivôvarốp mới biết thực trạng sức khoẻ của người chỉ huy. Anh tháo thanh trượt và lao đến giúp Ivanôpxki.
- Thế nào, đồng chí trung úy?
- Không sao, không sao. - Ivanôpxki gắng gượng nói.
Cần phải đi khỏi nơi này càng nhanh chàng tốt. Bọn Đức có thể đuổi kịp họ bất cứ lúc nào. Pivôvarốp im lặng luồn tay vào người Ivanôpxki, kéo anh lẩn vào bóng tối, xa dần xóm nhỏ, Ivanôpxki ngoan ngoãn theo Pivôvarốp lết trên tuyết, anh choáng váng, bắt đầu nôn oẹ. Đã hai lần anh nhổ ra trên mặt tuyết cái gì đó đen đen, nhưng anh chưa hiểu ra được ngay đó là máu. “Thế lại càng hay”… “Thế lại càng hay!...” - anh thầm nghĩ hầu như với một niềm vui ác độc.
Họ không ngoái đầu lại, nhưng cũng biết rõ đằng sau họ, nỗi kinh hoàng vẫn chưa bớt đi.
Những tiếng la thét vẫn còn vẳng đến! Đúng, không còn những loạt súng ngắn nữa, nhưng tất cả vẫn có thể mách bảo cho bọn Đức biết về họ. Chắc là bọn Đức đã đổ ra quanh xóm nhỏ ấy, cũng có thể chúng lần theo dấu vết của họ. Người Ivanôpxki đẫm mồ hôi và máu, bên hông anh, máu thấm qua áo capốt làm thành những vệt lớn, anh thở hắt ra, nặng nhọc và thỉnh thoảng lại nhổ ra tuyết những cục máu đã đông lại. Mấy lần cả hai người ngã lăn ra, nhưng Pivôvarốp sau khi nghỉ thở lấy sức, anh lại nhỏm dậy xốc nách trung úy và họ tiếp tục chệnh choạng bò lết đi trong bóng đêm tối mờ, lạnh buốt trên cánh đồng mùa đông gió lồng lộng.
Khi hai người đã hoàn toàn kiệt sức, Ivanôpxki lau vết máu, thều thào: “Dừng lại”, rồi ngã đập mông xuống tuyết. Bên cạnh, Pivôvarốp cũng ngã theo. Lúc này thậm chí những gì đã xảý ra ở cái xóm nhỏ ấy họ cũng không nhớ nữa. Họ có cảm giác là họ đã lết được đến nơi tận cùng trái đát, ở đó không có người đàng mình mà cũng chẳng có cả bọn Đức. Pivôvarốp thở dốc rồi anh gắng gượng ngồi dậy - tôi sẽ băng lại cho đồng chí - Pivôvarôp thều thào rồi bắt đầu lục trong cái túi tìm cuộn băng - Trung úy bị vào đâu?
- Vào ngực, phía dưới tay ấy...
- Không sao, không sao! Xong ngay bây giờ. Tôi sẽ băng lại. Vâng, nhanh thôi... chỗ khác à? Vâng, tôi sẽ làm cẩn thận. Vâng, tôi sẽ xé... cả áo nữa...
Ivanôpxki nằm ngửa, cởi bao da, cởi áo khoác. Pivôvarốp sờ, nắn khắp người anh, hai tay Pivôvarốp lạnh ngắt, run run. Máu ướt đẫm quần áo Ivanôpxki và đã bắt đầu đông cứng lại như băng. Thêm nữa khắp người, chỗ nào cũng đầy tuyết, Ivanôpxki run lên vì lạnh nhưng ngay sau đó anh kìm lại được và nằm im. Dùng hai ba cuộn băng, Pivôvarốp băng chặt vết thương ở ngực Ivanôpxki lại.
- Đau lắm à?
- Ừ. Đau lắm - Ivanôpxki gắng gượng trả lời.
- Xong rồi chứ, thắt bao da lại.
Pivôvarôp giúp người chỉ huy của mình mặc quần áo, thắt bao da... Dần dần người Ivanôpxki nóng lên, anh sốt, mặc dầu thân thể anh vẫn lạnh toát, anh bắt đầu thở khò khè.
- Không nên đến đấy mới phải. Vừa lau hai bàn tay bê bết máu và ống quần, Pivôvarốp vừa nói.
- Đúng thế! Sao cậu không nói trước?
- Lúc ấy tôi chưa biết. - Pivôvarốp nhún vai.
- Thế cậu tưởng mình biết à? - Trung úy bực tức trả lời. Anh biết rằng bực tức với Pivôvarốp lúc này là không phải, chính anh đã gây nên mọi sai trái, lỗi lầm. Nhưng chính ý thức về lỗi lầm của mình lại làm anh bực tức vối bản thân. Đúng, lúc này anh giống như người tự day dứt, giày vò và vì thế mà bực mình với cả người chiến sĩ, với nhiệm vụ đi tìm căn cứ và với cả những gì anh không làm được trong xóm nhỏ ấy. Nhưng làm cách khác, không đi tìm căn cứ, không mò vào cơ quan tham mưu của bọn Đức, không lẻn đến xóm nhỏ ấy... mà chỉ giữ mình, thì anh không thể. Trong cuộc chiến tranh này, hành động như thế là tự sỉ nhục, là có tội với Tổ quốc.
- Đưa hộp đạn cho tôi. Cả súng nữa. Tôi mang cho. - Pivôvarốp khẽ nói. Ivanôpxki im lặng gật đầu. Tất nhiên, lúc này, anh không thể mang nhiều thứ được. Dùng toàn bộ sức lực còn lại, anh gắng gượng ngồi dậy.
- Thế nào? Đi thôi chứ?
- Vâng, đi thôi - Pivôvarốp sôi nổi hẳn lên. Lạy Chúa, giá gần đây có một làng nào nhỉ.
- Làng à?
- Vâng. Một làng không có bọn Đức.
Có lẽ Pivôvarốp nói đúng. Ivanôpxki nghĩ. Lúc này, đối với họ thì ẩn nấp trong một làng nào đó chỉ có người đằng mình là tốt nhất. Anh không thể hiểu ngay được rằng, vì anh bị thương quá đột ngột nên toàn bộ kế hoạch phải thay đổi. Tất nhiên, lúc này điều duy nhất nên quan tâm là làm sao để khỏi rơi vào tay bọn Đức. Anh không thể tìm căn cứ bọn chúng được nữa...
Chú thích:
(1) Giuyn Vécnơ, nhà văn Pháp chuyên viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tác giả của Hai vạn dặm dưới biển, đã dịch ra tiếng Việt.
(2) Oantơ Xcốt (1771 - 1832), nhà văn Anh viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, tác giả của Aivanhô, đã dịch ra tiếng Việt.
(3) Mác Tuên, nhà văn Mỹ, tác giả Craxnacutxki, Cuộc phiêu lưu của Hớcphin, Tôm Xoyơ, đã dịch ra tiếng Việt.
(4) A. Đuyma, nhà văn Pháp, tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử, trong đó có Ba chàng ngự lâm pháo thủ.