uấn mong rằng mình nghĩ lầm.
Mấy hôm đầu, một chút hy vọng mơ hồ còn vấn vương, song chỉ như thứ hương khói mong manh, lòng càng cố tình luyến giữ càng thấy mau tan biến. Ban ngày, vào những giờ quen làm việc, Tuấn thường ngừng bút giữa đoạn, thẫn thờ nghĩ những chuyện xa hẳn đầu đề. Phần thứ nhất thiên tiểu thuyết của anh gần xong, kết thúc một cách uể oải. Tuấn không ham viết như trước. Anh thấy người mỏi mệt và cho đó là tại mấy đêm vừa qua trằn trọc thâu canh.
Từ buổi gặp sau cùng về trước, Tuấn không kém làm việc trong khi dan díu với nàng ta. Sự kích thích do một thứ tình yêu kỳ dị, cùng với sự hỏi lòng ân ái, không trực tiếp ảnh hưởng đến tác phẩm của Tuấn. Anh vẫn bình tĩnh trong sự suy tưởng, minh mẫn trong sự kết cấu và say sưa trong lúc phô diễn bằng lời văn. Hình ảnh của giai nhân có thoáng gợi lên những lúc này chỉ như màu hoa đẹp trong bình mà Tuấn chợt nhiên để mắt tới. Cả những nỗi ngạc nhiên hồi hộp vì Lan Hương cũng không lấn được hết cả tâm ý Tuấn. Anh chia biệt hẳn thời giờ tạo tác nghệ thuật với thời gian yêu đương. Nhà văn sĩ này giữa những giây phút say đắm nhất cũng không quên phân tích những cảm xúc rất chi ly. Anh vẫn ưa tin, theo quan niệm của anh, cái thuyết hai bản ngã trong một người; người sống và đam mê, nhà nghệ sĩ mới tận hưởng.
Nhưng bẵng đi luôn năm đêm liền, Lan Hương không đến. Có lẽ nàng ta thực không đến nữa chăng? Tất cả sự vắng lạnh bao quanh, phủ lấy nỗi trơ trọi của tâm hồn anh, đã trả lời Tuấn.
Lan Hương đã biến mất hẳn.
Những ngày trống không tẻ ngắt kéo dài từng phút thờ thẫn lê thê. Mùa thu muộn cũng vừa đổ tới nơi, bắt đầu xao xác khắp vườn. Lá lìa cành bay vào tận bàn viết.
Chiều nào Tuấn cũng lên đèn sớm để thấy đêm chóng về. Anh vẫn chờ đợi hết giờ nọ qua giờ kia, nhưng ở trong tuyệt vọng. Việc văn chương không còn chút nào hứng thú. Viết nhật ký anh chàng cũng bỏ, và những trang “thư” đọc lại chỉ làm gay gắt thêm nhớ nhung. Tuấn không còn lòng nào thưởng thức vị chua cay như nhà thi sĩ vẫn ca ngợi. Anh bỏ ghế để nằm thao thức trong giường. Hương hoàng lan thơm nhẹ vẫn chìm đọng lại ở gần anh, Tuấn dìm bên má xuống gối mềm và không buồn cầm giữ nước mắt.
Tuấn không còn đem những ý đùa cợt để tự dối lòng như trước. Anh hiểu rồi, bao nhiêu bữa ăn không biết vị ngon, bao nhiêu giờ ngồi đăm chiêu cùng khổ hận, bao nhiêu tiếng thở dài âm u ảo não, bao nhiêu khuya vùi mình trong chăn nệm để trào bên khóe mắt từng bao nhiêu giọt lệ tủi thương. Những triệu chứng đã quá rõ rồi. Tuấn chịu để cho lòng ủ rũ dưới âu sầu. Thời giờ qua, anh cứ ở hoài trong một hiện tại nặng nề, ngao ngán.
Tưởng lại những giờ gần kề người đẹp, tâm hồn Tuấn càng thấy ê chề. Tiếng cười, giọng nói, những lời âu yếm hay những câu êm ái văn hoa, những dáng điệu mềm dịu lả lơi - tất cả cái thân thể rung động kia, cái hình ảnh bừng cháy kia còn lưu lại trong bầu không khí nhà này một âm vang tịch mịch xa xăm, một hương vị thấm thía lạnh lùng của một sự gì rất thân yêu đã mất đi - đã chết hẳn. Thà Lan Hương là người tình đã chết! Tuấn sẽ không bị một sự ngờ vực khác thường ám ảnh thêm nữa. Tuấn sẽ thờ cái kỷ niệm trong đau đớn, hay Tuấn sẽ chết dần. Anh chàng chua xót nghĩ:
“Lan Hương ơi! Em là người gì mà cám dỗ lòng anh tới bực này? Em chiếm cả tâm hồn anh rồi”.
Khắp tâm hồn Tuấn tê tái đi vì cái ý thiết tha não ruột. Anh lại thầm trách:
“Lan Hương ơi! Em quái ác lắm! Em để thương để yêu cho nhau mà sao em không cho anh một tia hy vọng nào tìm được em thế? Em là ai? Em ở đâu? Anh biết đường nào để theo bóng vết em?”
Tuấn càng suy tưởng, càng thấy lòng bối rối thêm. Anh không thể hiểu được những cái kỳ dị về Lan Hương. Điều đó như đã thành một sự dĩ nhiên cay đắng.
“Cái khổ của lòng ta càng thêm xót xa thấm thía vì đến lúc này ta mới thực sự yêu nàng... Lan Hương ơi! Em nỡ phụ lòng anh đến thế sao?”
Và những tiếng thở dài từng khắc, từng giờ, xao động thâu mấy canh trường, hay ám nặng khắp ngày ủ dột.
*
Thằng Dần, tên đầy tớ yên lặng của Tuấn, bắt đầu lo sợ.
Sáng nào nó cũng lên nhà rất sớm để buồn rầu thấy chủ bơ phờ, một dộc dạc thêm. Trong lúc anh ngồi thừ trước cửa sổ, hoặc nằm thẳng trên ghế dài, hoặc đứng tựa cột rất lâu ngoài hiên, nó thường quanh quẩn gần đó. Tính rất kín đáo, chỉ nói khi nào hỏi đến hay có việc tối cần, nó không tỏ ý kiến gì hay một thái độ nào về việc riêng của Tuấn. Anh cũng không cần để tâm đến sự nghĩ ngợi của đầy tớ. Nhưng đến nay anh thấy nó có vẻ ái ngại cho anh rất nhiều. Anh bất chợt những lúc nó đứng sững nhìn bằng đôi mắt băn khoăn; thấy anh nhìn lại, nó vội cúi xuống dọn dẹp hay quét tước.
Một đêm, nửa thức nửa ngủ, anh thấy tiếng chân chạy nhẹ nhàng nhưng gấp ở đâu đó. Vùng thức dậy thì thoáng có bóng người động trong vùng liễu dưới đêm trăng tàn. Anh gọi, thằng Dần túng túng trở vào, ngượng ngùng và trả lời bên cạnh những câu anh hỏi.
Anh căn vặn mãi đến gần nổi giận nó mới rụt rè thưa:
- Con nằm mơ thấy có người đến...
- Ai đến?
- Con không biết.
- Nhưng người thế nào?
Dần thêm cuống quýt, ấp úng mãi mới nói được. Nó không trông thấy rõ mặt, chỉ biết một hình tóc xõa, vận toàn đồ trắng chập chờn đi qua. Nó giật mình thức dậy, thấy trờn trợn và nghe như có tiếng loạt xoạt ở gần. Nó vùng chạy ra, thì một nhành liễu bên rặng mẫu đơn còn phe phất một cách khác lạ. Nó như sợ quá hóa táo tợn, sấn đến xem thì lại không thấy gì.
Tuấn đang nghi hoặc bỗng ngạc nhiên vì thấy Dần se sẽ gọi:
- Thưa cậu...
Nhưng nó im bặt khi anh ngoảnh nhìn. Ngập ngừng mãi, rồi nó mới lại khẽ nói:
- Thưa cậu... ở trại này có ma.
Thoạt nghe, Tuấn cho ngay đó là do cái sợ lưu truyền và rất giản dị của những tâm trí ngô nghê. Thấy trời sáng dần, anh không muốn ngủ lại nữa. Nhân dịp vừa rồi, anh thử hỏi chuyện đầy tớ trong lúc đợi sôi ấm nước trên đèn cồn. Lúc đó, Tuấn mới biết đầy tớ anh ít lâu nay bị giày vò vì một sự khiếp sợ thầm kín.
Hắn biết chủ vẫn tiếp một người con gái đẹp dị kỳ đêm đêm thường hiện đến, nhưng sẵn tính nể sợ chủ và rất ít lời, lại thêm cái lòng kiêng dè, không hay đả động tới việc hắn biết, nên tuy vẫn lo cho Tuấn mà không dám đem điều ấy nói ra với anh. Vâng lời Tuấn, hắn phải ngủ dưới nhà phía sau và đêm nghe thấy những tiếng gió thổi kinh hoàng.
Hắn nhắm mắt lại là thấy người xõa tóc, giống với dáng người con gái mà chỉ đêm đầu hắn thoáng thấy trong nhà, ở cạnh Tuấn. Hắn thú thật vẫn mạn phép Tuấn đi rủ một người nhà quê, mua rượu cho người ấy uống để ngủ với hắn những đêm về sau... Dần không dám lộ chuyện xảy ra. Hắn lựa lời hỏi dần dà thì người nhà quê cũng chỉ mơ hồ nói đến những việc biểu hiện kỳ quặc mà chính mình không trông thấy. Theo lời đồn quanh quất thì Trại Bồ vẫn có ma, khi thì mập mờ, khi thì hiện rõ, nhưng không làm ai việc gì. Người nhà quê bảo Dần: “Mình không động đến họ thì chả bao giờ họ làm hại mình”. Dần vẫn không yên lòng, mấy đêm sau hắn phải trốn ra ngủ ở chính nhà người bạn táo tợn kia, cho đến hôm hắn thấy Tuấn bơ phờ như người ốm. Hắn lại ngủ ở nhà, ngủ gần Tuấn, mừng vì đoán rằng người đàn bà không hiện đến nữa, nhưng lại lo vì chủ của hắn mỗi ngày một hốc hác xanh xao thêm. Dần không dám nói rõ hết ý nghĩ của hắn, nhưng Tuấn hiểu thầm:
- Hẳn nó cho là mình bị yêu ma ám ảnh.
Tuấn cười một tiếng vu vơ của người đã hiểu và không tin những ý nghĩa của kẻ khác. Dần càng ngơ ngẩn khi thấy anh vừa pha nước uống vừa mỉm cười. Một lát Tuấn thở dài, mắt đăm đăm buồn.
Anh chợt hỏi:
- Mày trốn... mày ra ngoài ngủ mấy đêm?
Anh lấy giọng ôn tồn để cho Dần khỏi lo bị trách mắng. Dần thưa:
- Bẩm cậu, bảy, tám đêm.
- Sáng về lúc nào?
- Bẩm, hôm nào con cũng về từ lúc còn mờ mờ đất.
Anh nghĩ một lát, dọn câu hỏi cho hắn hiểu rõ:
- Thế... có sáng nào về mày thấy có người trong nhà nữa không?
Dần lúng túng:
- Bẩm... thấy... người đàn bà?
- Phải rồi. Có thấy gì không?
- Bẩm không. Hôm nào con về cũng lên ngay nhà dọn dẹp quét tước trong lúc cậu chưa dậy. Con không thấy gì cả... không thấy ai cả. Nhưng...
- Nhưng sao?
Tuấn chăm chú nghe, đôi mắt nhìn bao dung để khuyên khích. Dần nói tiếp:
- Bẩm... Chỉ có sáng sớm mười tư (Tuấn tính nhẩm thấy cách đó đúng bảy ngày) sớm hôm mười tư con về tới cổng thì thấy như có bóng người đi ra...
- Ở đâu ra?
- Bẩm ở trong nhà này ra... con thấy đi rất nhẹ nhàng, nhưng lúc ấy chưa sáng giời nên con trông không rõ lắm.
- Người thế nào?
- Bẩm... người... ở trong này.
- Ăn mặc thế nào?
- Bẩm, áo trắng dài.
- Sao lại áo trắng?... Mày nhớ kỹ xem... Áo xanh phơn phớt chứ?
Dần không nhớ rõ, vả lại lúc ấy cũng không phân biệt được màu trắng hay màu phơn phớt, vì sương sớm vẫn hỗn mờ chút bóng đêm tàn. Hắn lại khiếp sợ quá, phải nép vào xó cổng, không dám thở nữa. Bóng dáng kia ra khỏi hiên, thướt tha bên rặng liễu, nhẹ nhàng một cách rất quái lạ, khiến hắn sợ tưởng đến lịm người đi. Dần cố gượng đứng vững, tay níu gẫy một cành khô bên cột gạch. Hình như thấy động, cái bóng trắng biến đi ngay.
- Biến đi?
- Bẩm vâng...
- Biến thế nào? Biến ở đâu?
- Bẩm...
- Nghĩa là mày thấy tới đâu thì mất?
- Bẩm, ở khoảng cuối hàng liễu đầu hiên. Bẩm đầu hiên phía này (Dần chỉ phía tay phải) ở khoảng cây đề ba chẽ với cây lan tây già.
Tuấn ra đầu hiên bên phải nhìn xem. Sau những khóm lá xum xuê, một cây để phân trạc từ dưới gốc choãi ra những cành lớn, tán lá ken mau và chờm tới sát mặt một phía ao trước nhà. Tuấn chú ý đến cây hoàng lan hơn. Cây này to ôm, vươn cái thân vút cao lên trên cả lũy tre bên dãy ngoài và gửí những cành mềm cong, lá đính thành tràng vờn xuống những chòm cây khác.
Trời bềnh bệch sáng. Bóng mờ tối kéo lên khỏi cái thế giới cây cỏ vườn hoang. Một hơi gió chậm thoáng qua, dặt dìu trong ánh hương thơm mát và thân yêu làm động lòng Tuấn. Nỗi buồn khổ của chàng có một tình nũng nịu như được ai vỗ về.
Tuấn lặng lẽ trở vào mang theo một ý định còn mơ hồ trong lòng trống trải. Anh chậm chạp uống tiếp tuần nước, nghe vị trà nóng thấm dần vào huyết mạch và đợi cho rõ rệt thêm cái ý mới mẻ vừa rồi.
“Lan Hương có phải là thế đó chăng? Hay em là một giống cây hoa nào khác trong trại này?”
Cái buổi sáng thằng Dần trông thấy cái bóng đàn bà, chính là buổi sáng bữa sau cùng nàng ta đến với Tuấn. Nó có thể hốt hoảng mà trông sai được, nhưng lối biến hiện của nàng ta bao giờ cũng đột nhiên. Tuấn cứ muốn suy nghĩ theo những cách thông thường của mọi trường hợp trần gian. Anh nhớ lại cac câu nói bóng của người yêu và thấy những ý nghĩa rành rọt trong đó.
Tuấn lý luận để tắc trách. Lòng anh không nghi hoặc như trước nữa, đã hướng cả về một chiều tin tưởng rồi.
Lan Hương biết bao lần bảo anh rằng nàng ta không hẳn là người thường: “Em dù là một thứ người gì mà yêu anh được thì cũng đáng là bạn của anh... Từ cổ chí kim, em là giống yêu văn thơ, yêu hoa cỏ...”. Và lần sau cùng gần gũi, nàng than trách Tuấn: “Thân em chỉ là thân cây cỏ, anh có coi ra gì, anh ngờ vực không cho em được xứng đáng với anh...”.
Tuấn để trở đến tâm hồn mình tất cả bầu hương khói dị đoạn mà trí não anh trước đây vẫn cố xua đuổi. Một chút phản kháng của phần thiết thực còn sót lại, nhưng Tuấn nhất tâm làm ngơ, con người si tình ấy như đã được thứ men nồng làm chìm lịm bớt đi cái sức giày vò của sầu muộn.