Chương IX


Chương V
Soạn sách và bài ca

     ái hồn ái quốc gọi về cũng mau.
Muốn truyền bá tư tưởng mới, tất nhiên không thề dùng các sách cũ, trường phải soạn lấy sách, nên lập ra một ban Tu thư chia làm hai ngành: ngành soạn giao cho các cụ Phạm Tư Trực (Thủ khoa, người làng Hành Thiện), Dương Bá Trạc [1], Lương Trúc Đàm, Phương Sơn và ngành dịch giao cho các cụ: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, ông cử làng Đông Tác, Hoàng Tích Phụng [2].
Chương trình hoạt động và tổ chức phân công chưa được vạch rõ. Đại loại giáo sư dạy môn nào thường phải soạn bài cho môn đó, mỗi bài dài độ vài trang và xét về một vấn đề. Dù viết bằng Hán văn hay Việt văn, các cụ vẫn theo thể biền ngẫu, trừ một số đọc nhiều tân thư thì dùng thể nửa biền nửa tản [3], thể sở trường của Lương Khải Siêu. Nội dung bài nào cũng hô hào lòng ái quốc, chí tự cường và tinh thần duy tân.
Những sách được dịch đầu tiên là những tân thư của Trung Hoa, như bộ Trung quốc tân giáo khoa thư. Hai cụ Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Đôn Phục, nhờ rảnh việc dịch mà luyện được cây bút, sau thành những nhà văn sắc sảo trong nhóm Nam Phong.
Cụ Phạm Tư Trực chỉ giúp việc trong ít tháng và bị phủ Thống sứ vời làm trưởng ban Tu thư Bắc Việt. Cụ không từ chối được, đành lãnh soạn những sách chữ Hán [4]. Mới viết đoạn đầu về Việt sử, cụ hạ ngay những câu này:
Ngô chủng bản phi di
Ngữ tộc diệc phi ti
Bạch Đằng phá Nguyên binh,
Chi Lăng tẩu Minh si
[5]
Phụ xà giảo gia kê,
Tích nhân sở thâm bỉ.
Giống ta chẳng phải mọi,
Dòng ta chẳng nhát hèn.
Bạch Đằng phá quân Nguyên,
Chi Lăng đuổi tướng Minh,
Cõng rắn cắn gà nhà,
Người xưa ắt khinh bỉ.
Nhờ hai câu cuối, cụ được Pháp cho về nghỉ. Cụ không trở lại dạy ở nghĩa thục, sợ họ để ý.

*

Sách soạn xong, giao cho một ban khác và in ra hằng trăm bản để phát không cho học sinh và các đồng chí ở khắp nơi. Đào Trinh Nhất nói trường có máy in. Nếu có thì cũng không phải những máy đạp chân hay chạy điện in sách in báo bây giờ, mà chỉ là những dụng cụ thô sơ để khắc tay, phết mực rồi đặt giấy lên. Về sau hình như cụ Trần Đình Đức chỉ cách dùng hoạt bản, nghĩa là khắc rời những chữ cái rồi ghép lại thành bài như hồi mới đầu thì các bài học đều in bằng xu xoa (rau câu).

*

Sách của trường soạn hiện nay không còn di tích, nhưng các bài ca thì còn được truyền lại ít nhiều, vài bài có sức cổ động quần chúng mãnh liệt.
Người có tài đặt ca nôm nhất là cụ Lê Đại, hiệu là Từ Long người làng Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (1875-1952). Cụ là môn đệ Vũ Phạm Hàm, văn hai thầy trò cũng tươi đẹp, tình tứ như nhau.
Có lần cụ được thầy vời lại, bảo:
- Đêm qua, thầy mộng thấy anh bận áo lam lại chào thầy. Khoa sau chắc anh đậu. Tài anh là tài thám, bảng.
Từ đó cụ đổi tên là Mộng Lam, nhưng thi hoài vẫn rớt hoài, chỉ vì cụ có tật làm văn chậm lắm, nên khoa nào cũng bị ngoại hàm. Để cho cụ đủ thì giờ gọt đẽo thì đã mấy ai hơn cụ được?
Hồi nghĩa thục mới mở, cuốn Hải ngoại huyết thư của cụ Sào Nam đã lưu hành khắp nước [6]. Nhiều người dịch ra lục bát hoặc song thất lục bát, bản dịch của cụ Lê Đại được thuộc nhiều hơn cả, có những câu dẫn:
Lời huyết lệ gởi về trong nước,
Kể tháng ngày chưa được bao lâu.
Liếc xem phong cảnh năm châu
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ.
Phần đầu (Sơ biên) vạch trần lòng thâm hiểm của thực dân:
Nó coi mình như trâu như chó,
Nó coi mình như cỏ như rơm.
Trâu nuôi béo, cỏ bỏ rờm.
Cỏ moi rễ cỏ, trâu làm thịt trâu.
Phần sau (Tục biên) kể những nguyên nhân mất nước, tâm trạng bỉ ổi của bọn quan lại vong bản:
Ngày mong mỏi vài con ấm tử,
Đêm vui chơi một lũ hầu non.
Trang hoàng gác tía đài son.
Đã hao mạch nước lại mòn xương dân.
[7]
Lịch can huyết dĩ điều canh, đế thiên diệc giám.
Chú tinh thành ư nhất tiễn, kim thạch năng khai.
Hoặc:
Tứ thiên niên phụ mẫu chi bang, hồn hề quy tá?
Sổ vạn lý bô đào chi khách, mộng lý thê nhiên!
Dịch:
Vắt gan huyết để nấu canh, trời cao cũng biết,
Đúc tinh thành vào tên nhọn, đá vàng phải xuyên.
Bốn ngàn năm trước của tổ tiên, về chưa hồn hỡi?
Mấy vạn dặm bôn đào đất khách, giấc mộng buồn thay.
Xét theo văn biền ngẫu thì những câu này rất hay, hai câu trên hùng hồn, hai câu dưới lâm ly.
Rồi hô hào toàn dân đồng tâm, bất hợp tác với thực dân, như Gandhi sau này hộ hào dân Ấn Độ. Cụ Sào Nam chưa nghiên cứu kỹ chiến thuật bất hợp tác như Gandhi, nhưng giọng của cụ thực cảm động:
Hai mươi triệu đồng bào đua sức,
Năm tươi nghìn giống khác được bao,
Cùng nhau bên ít bên nhiều,
Lọ là gươm sắc súng kêu mới là.
Cốt trong nước người ta một bụng,
Nghìn muôn người cùng giống một người,
Phòng khi sưu thuế đến nơi,
Bảo nhau không đóng, nó đòi được chăng?
Gọi đến lính không thằng nào chịu
Bắt một người, ta kéo muôn người,
Bấy giờ có lẽ giết ai,
Hẳn thôi nó cũng chịu lui nước mình.
Những lời nhắc nhở đồng tâm lặp đi lặp lại như một điệp khúc:
Thương ôi! Trăm sự tại người,
Chữ “đồng” ai dám ngăn rời chữ “tâm”
......................
Người trong cho đến người ngoài
Chữ “tâm” cốt phải ai ai cũng “đồng”.
......................
Gió nhanh thì sóng cũng mau,
Chữ “tâm” một chút đâu đâu cũng “đồng”.
......................
Hòn máu uất chất quanh đầy ruột,
Anh em ơi xin tuốt gươm ra,
Có giời có đất có ta,
Đồng tâm như thế mới là đồng tâm!
Ta nhận thấy cụ khác hằn Gandhi, bất hợp tác chứ không bất bạo động.
Cụ không thuộc trong phái bạo động, chỉ vì mấy vẩn thơ đó mà chính phủ Pháp căm hờn, đầy cụ ra Côn Đảo trên mười lăm năm (1908-1926), còn các cụ Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Võ Hoành chỉ bị khoảng một năm. Cái họa của văn tự.
Theo Đào Trinh Nhất, cụ Nguyễn Quyền (1869-1941 người làng Thượng Trì - Bắc Ninh đậu Tú tài, làm huấn đạo Lạng Sơn) cũng soạn một bài có tính cách ái quốc, giọng lưu loát, tức bài:
CẮT TÓC
Phen này cắt tóc đi tu,
Tụng kinh Độc lập ở chùa Duy tân.
Đêm ngày khấn vái chuyên cần,
Cầu cho ích ước lợi dân mới là.
Cốt tu sao cho mở trí dân nhà,
Tu sao độ được nước ta phú cường.
Lòng thành thắp một tuần nhang,
Nam mô Phật tổ Hồng Bàng chứng minh.
Tu hành một dạ đinh ninh,
Nắng mưa dám quản, công trình một hai.
Chắp tay lạy chín phương trời,
Kêu trời phù hộ cho người nước tôi.
Tiểu tôi trông đứng trong ngồi
Trông sao cho đặng giống nòi vẻ vang.
Nào là tín nữ thiện nam,
Nào là con cái thập phương giúp cùng.
Giúp tôi đúc quả chuông đồng,
Đúc thành quả phúc, ta cùng hưởng chung.
Ai muốn tu xin dốc một lòng,
Nghìn thu tạc một chữ đồng đến xương.
Nam mô Phật tổ Hồng Bàng.
Cụ còn có bài Chiêu hồn nước, nhưng bài này không được truyền rộng bằng bài Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc sau này. [8]
Bài dưới đây, chưa biết rõ là của một giáo sư trong Nghĩa thục hay của cụ Sào Nam, chúng tôi cũng chép lại để tồn nghi. [9]
Á TẾ Á
Ngồi mà ngẫm thêm sầu lại tủi
Nước Nam ta gặp buổi truân chiên,
Dã man quen thói ngu hèn,
Nhật Bản Minh Trị dĩ tiền khác đâu?
Tự giống khác mượn màu bảo hộ,
Mưu hùm thiêng lo lũ cáo già,
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.
Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ,
Nòi giống ta chắc có còn không?
Nói ra, ai chẳng đau lòng,
Cha con tủi nhục, vợ chồng thở than.
Cũng có lúc căm gan tím ruột,
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra.
Cũng xương, cũng thịt, cũng da,
Cũng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng giam buộc,
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Thương ôi! Bách Việt giang san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn, tỉnh chưa, chưa tỉnh
Anh em ta phải tính nhường sao?
[10]
Chúng tôi xin giới thiệu thêm hai bài ca khuyết danh cho phụ nữ học, mà tôi cho rằng đã mở đường cho những bài hát Anh Khóa sau này của cụ Trần Tuấn Khải, mặc dù thể thơ khác nhau:
VỢ KHUYÊN CHỒNG
Tình thân ái là tình trong phu phụ,
Nợ anh hùng là nợ cũ non sông!
Nghĩ nguồn cơn, ngán với Âu phong
[11]
Tưởng nông nỗi than cùng Á vũ. [12]
Ai lăn lóc chen trong đài múa
Trò diễn ra: nào hiểm, nào ác, nào hoan, nào lạc, nào tráng nào bi.
Nực cười thay! Mây nước tới kỳ,
Kìa hiệp nữ, nọ kiện nhi đâu máu lạnh
Tỉ diện, Cách mi quân đối kính,
[13]
Qua tình, La tứ thiếp lâm trang. [14]
Thiếp tôi đây, đâu có nhi nữ chi thường,
Anh tai mắt, mong nở nang trong vũ trụ.
Đường ưu thắng, anh thênh thang vó ngựa,
Gánh văn minh, em sớn sở lưng ong.
Đôi ta vợ vợ chồng chồng,
Nước non nhẹ gót tang bồng này chăng?
Xem trong phu phụ ai bằng!
Hai câu mở đột ngột, bi mà hùng. Điệu hát nói của ta thường chỉ để diễn cái vui hưởng nhàn, ít có bài nào cổ động quốc dân mà giọng thiết tha như bài này.
KHUYÊN CON
Mẫu dĩ tử quý [15]
Con ra người thì mẹ đặng tiếng khen.
Thôi thôi đừng bạc trắng lòng đen,
[16]
Tham danh lợi nỡ quên người một giống.
Xưa mẹ ông Vũ Mục
[17] khuyên con giúp Tống,
Chữ “tận trung báo quốc” để ngàn thu.
Khuyên con đừng “nhẫn sỉ sự thù”
[18]
Ngày muôn kiếp ai khen đâu Phùng Đạo? [19]
Thân trâu ngựa mà cân đai áo mão,
Vẻ vang này mẹ nghĩ càng đau!
Này này, học chữ để đâu?

*

Ngoài những bài ca ái quốc ra, còn nhiều bài có tính cách khai trí, như khuyên canh nông, khuyên công nghệ, khuyên thương mại, dạy Sử ký, Địa lý..., đều dùng những thể bình dân như lục bát, song thất, vè.. Các cụ đã chống lại quan niệm lạc hậu “nôm na là cha mách qué” mà đề cao Việt ngữ:
“Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để cho trong thời gian vài tháng đàn bà con trẻ cũng đều biết chữ và người ta có thể dùng chữ quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay (....) Đó thực là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy”.
(Văn minh tân học sách)
Các cụ một mặt khai thác vốn cũ của dân tộc, một mặt tiếp thu văn hóa phương Tây, mà dùng tiếng mẹ để làm chuyển ngữ.
Chữ Tàu dịch lấy chữ ta.
Chữ Tây cũng phải dịch ta chữ mình.
Ngày nay, cách các cụ đã sáu mươi năm - ba thế hệ - mà một bọn “trí thức”, giáo sư Đại học, vì quyền lợi, mạt sát tiếng Việt, ngăn cản sự phát triển của tiếng Việt, đọc tiểu sử của các cụ không biết có lấy làm thẹn không? Các cụ liệng bỏ cái tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, hòa mình với dân chúng để dắt dẫn dân chúng còn họ thì cầu cạnh chức thạc sĩ hay tiến sĩ, lấy làm vinh dự rằng được ngoại nhân gọi là “những đứa con tinh thần”, rồi cố bám lấy địa vị để duy trì chính sách thực dân của bọn “cha mẹ tinh thần”, làm hại dân hại nước, điêu đứng cho cả một thế hệ thanh niên.
Dưới đây chúng tôi xin trích đoạn đầu trong bài ca Địa lý do vài ba cụ hợp tác:
Năm châu quanh mặt địa cầu,
Á châu thứ nhất, Mỹ châu thứ nhì.
Châu Âu, châu Úc, châu Phi.
Mỗi châu mỗi giống sắc chia rành rành.
Giống vàng, giống trắng tinh anh,
Giống đen, giống đỏ, giống xanh(?) ngu hèn.
Cuộc đời là cuộc đua chen,
Giống khôn thì sống, giống hèn thì sa.
[20]
Lạc Hồng là tổ nước ta,
Nước non từ trước gọi là Đại Nam
Lịch niên hơn bốn ngàn năm
Hoàng dân phỏng độ bốn trăm ức nguờì.
[21]
Song có ảnh hưởng lớn nhất đến thời cuộc, làm cho người Pháp căm gan nhất, là bài Thiết tiền ca của cụ Nguyễn Phan Lăng, biệt hiệu là Đoàn Xuyên.
Cụ không phải là hội viên của Nghĩa thục. Một hôm các giáo sư đương họp ở phòng Tu thư thì thấy một thầy đồ nghèo, đen đúa, mặt rỗ, tay cầm chiếc nón tróc hết sơn, chân đi đôi dép quai ngang, bận chiếc áo dài vải đen và chiếc quần trắng vải thô, khép nép bước vào, lễ phép chào mọi người. Không ai để ý tới, tưởng là người đến xin sách; sau một hội viên mời ngồi, hỏi chuyện. Thẩy đồ vén áo ghé ngồi trên một chiếc đôn rồi móc túi lấy ra một tờ giấy đặc chữ nôm và nói:
- Thưa các cụ và các ông, người Tây mới cho ra thứ tiền sắt, chúng tôi nghĩ hại cho dân lắm, vì khi dân đã dùng tiền sắt thì họ sẽ thu lại tiền đồng và tiền kẽm, nên chúng tôi đặt bài ca này, xin trình các cụ, các ông phủ chính cho.
Các giáo sư ngạc nhiên, xúm lại đọc. Bài ca giọng nồng nàn, mạnh bạo, hô hào dân chúng tẩy chay tiền sắt. Ai nấy đều khen, lúc đó mới niềm nở hỏi thăm thảy đồ thì thầy chỉ nhũn nhặn thưa là quê làng Tây Tựu huyện Hoài Đức (Hà Đông) chứ không cho biết tính danh. Nghĩa thục bèn xin bản đó, phiên âm ra quốc ngữ, cho in ba trăm bản gởi đi khắp nơi.
Một người truyền cho mười, mười truyền cho trăm, từ kẻ chợ đến thôn quê, không ai chịu dùng tiền sắt nữa. Chính phủ Pháp ra lệnh bắt giam một số, nhưng càng đàn áp, dân chúng càng nghi kị, có nơi gần như bãi thị. Tiền phát cho quan lại, họ miễn cưỡng nhận, mang về giao cho vợ con, vợ con đem ra chợ tiêu không được, tình hình muốn nghiêm trọng, chính phủ phải chịu thua, thu tiền sắt về.
Công đó là của cụ đồ Tây Tựu, một người chân thành ái quốc hoàn toàn không háo danh, vì cụ chỉ tới Nghĩa thục lần đó và một lần nữa rồi thôi không ra mặt. Thực là một người giúp sức kín đáo và đắc lực của trường. Khi Nghĩa thục bị đóng cửa, cụ viết báo ở Hà Nội, năm 1925 những bài Tiếng cuốc kêu, Mơ tổ mắng, được nhiều người chú ý.
Thi sĩ Tản Đà phàn nàn, về cái việc kiếm tiền, bút lông không “nhọn” [22] chút nào cả. Đúng vậy. Cụ Lê Đại, văn hay chữ tốt nổi danh Hà Thành, mà khi ở Côn Đảo về viết câu đối thuê làm văn mướn cũng chỉ đủ để chi tiêu về khoản trà thuốc, nếu không được bà vợ buôn muối, mắm thì tất phải túng quẫn.
Nhưng quét nổi một chế độ, làm cho kẻ thù mạnh gấp trăm mình phải tái mặt, có khi thúc thủ, thì bút lông há nhường súng đạn, gươm sao? Trung Quốc có bài hịch của Lạc Tân vương chống Võ Tắc Thiên, bài hịch của Trần Lâm chống Tào Tháo; nước ta cũng có bài hịch chống Minh của Nguyễn Trãi và bài Thiết tiền ca của thầy đồ Tây Tựu.
Bài dùng thể song thất lục bát, dài non trăm câu (coi phụ lục I), đoạn đầu giọng rất chua xót và phẫn uất:
Trời đất hỡi! dân ta khốn khổ,
Đủ trăm đường thuế nọ thuế kia,
Lưới vây chài quét trăm bề
Róc xương, róc thịt còn gì nữa đâu
Chợt lại thấy bắt tiêu tiền sắt
Thoạt tai nghe bần bật khúc lòng!
Trời ơi có khổ hay không?
Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền
Họ khinh lũ đầu đen không biết,
Lấy mẹo lừa giết hết chúng ta
Bạc vào đem sắt đổ ra,
Bạc kia thu hết sắt mà làm chi?
Chú thích:
[1] Từ khi qua ban Tu thư, cụ Dương thôi dạy học.
[2] Thân phụ của Hoàng Tích Chu, một ký giả có danh tiếng lớp trước.
[3] Trong một bài có đoạn, có câu đối nhau, bằng trắc du dương, lại có đoạn có câu thì viết theo lối tản văn như bây giờ.
[4] Cụ Trần văn Khánh em cụ Trần văn Thông cũng ở ban đó, chuyên soạn sách Việt.
[5] Chữ sư đọc là si cho có vần.
[6] Nhiều câu trong cuốn đó, được nhà nho đương thời thuộc lòng.
[7] Chúng tôi chưa tra được nguyên văn chữ Hán của những đoạn đó.
[8] Đề tài chiêu hồn nước thời đó được các nhà ái quốc ưa dùng trong thi ca: ngoài hai bài đó, còn Hồn cố quốc (khuyết danh), Tỉnh quốc hồn của Phan Chu Trinh. Có lẽ đó là một đặc điểm của thơ ái quốc Việt Nam. Không rõ các cụ có chịu ảnh hưởng của Khuất Nguyên không, mà bài nào cũng ai oán như Chiêu hồn của Khuất Nguyên.
[9] Người đọc cho tôi chép bài này có thể nhớ sai, nếu không thì giọng văn còn có chỗ non, chưa chắc là của cụ Sào Nam. Có thuyết bảo là của cụ Nguyễn Thiện Thuật, lại có thuyết bảo là của cụ Nguyễn Thượng Hiền mà chỉ là một đoạn giữa rất ngắn thiếu đầu và đuôi.
[10] Chắc tới đây chưa hết.
[11]Nghĩa là gió Âu mưa Á, tức biến chuyển dữ dội ở châu Âu, châu Á.
[12] Như trên.
[13] Soi gương chàng không thẹn với mặt Tỉ Tư Mạch (Bismark, nhà chính trị thống nhất nước Đức, sau khi thắng Nã Phá Luân đệ tam) và (lông) mày Cách Lan Tư Đốn (Gladstone, nhà chính trị Anh đã duy trì được địa vị bá chủ của Anh ở cuối thế kỷ trước)
[14] Tô điểm thiếp không thẹn với Qua Đặc, (Jeanne D’Arc, nữ anh hùng Pháp, lãnh đạo nhân dân chống quân Anh) và La Lan phu nhân (Madame Roland), nhà nữ Cách mạng Pháp sau cuộc cách mạng 1789.
[15] Mẹ vì con mà được quý, nghĩa là con được vinh hiển, được tiếng thơm thì mẹ cũng được hưởng lây.
[16] Đồng bạc trắng làm mờ ám lòng người.
[17] Vũ Mục tức Nhạc Phi, danh tướng đời Tống, hồi trẻ, mẹ xâm vào lưng bốn chữ: tận trung báo quốc.
[18] Chịu nhục mà thờ kẻ thù.
[19] Phùng Đạo là một gian thần đời Ngũ Đại, trải bốn triều đại, thờ 13 vua. Nước ta lúc này cũng không thiếu gì kẻ thờ liên tiếp bốn năm triều đại.
[20] Sa là sa sút.
[21] Thực ra lúc đó chỉ non hai trăm ức, nhưng các cụ thường phóng đại cho quốc dân tin ở sự hùng cường của nước nhà: một lối tuyên truyền!
[22] Mất chú thích.