Cách mạng táo quân

     ời TG: Đây là câu chuyện đầu tay tôi viết vào năm 1974, đã đăng trên tạp chí Văn nghệ tiền Phong, mục lính viết tếu do cô kim Yên phụ trách. Do đã thất lạc bản chính nay tôi viết lại vẫn giữ nguyên ý câu chuyện, nhưng lời văn sẽ có khác là điều không tránh khỏi. Mong quý đọc giả đón nhận.

*

Như thường lệ sáng nào cũng vậy khi chiếc xe GMC chở ông Thượng sĩ nghiệp trưởng ban "Hỏa đầu quân " của đơn vị vừa về đến, thì mấy anh em trong nhà bếp tập thể vội lao ra chiếc xe ấy để chuyển thực phẩm vô nhà kho do Bác Nghiệp mua về từ chợ Bồng sơn.
Nếu Tôi không lầm thì hầu như bác Nghiệp cho chúng tôi nạp vô cái bao tử của mình quanh đi quẩn lại mấy món sở trường như cá Đối chưng tương, cá Chuồn chiên dòn hoặc kho, thịt Heo kho đậu hũ, khá hơn chút nữa thì có món bò xào đậu que... Còn món canh thì đa phần canh rau muống nấu tôm khô, bí đao nấu với thịt.
Đơn vị cả trăm miệng ăn vậy mà ban Hỏa đầu quân của bác Nghiệp lúc nào cũng lo cho chúng tôi ăn đúng giờ, ngoại trừ những hôm thời tiết làm khó làm dễ, mưa bão bất thường củi lửa tắt ngúm thì lúc này chúng tôi phải ăn tạm gạo sấy và thịt hộp cho qua ngày.
Nơi chúng tôi đồn trú một cao độ nằm cạnh quốc lộ 1, một địa danh khá lạ lẫm với dân Sài gòn đó là đèo Phù Cũ, ở đây cách thị trấn Bồng Sơn vài cây số và cách thị xã Quy Nhơn gần trăm cây số, đường lên đèo quanh co khúc khuỷu có đoạn dốc rất gắt nên mỗi lần quá giang chiếc GMC của bác Nghiệp khi lên hoặc xuống đèo thì trong bụng chúng tôi lúc nào cũng đánh lô tô liên hồi vì chỉ cần tài xế lơ đễnh trong tích tắc thì xe sẽ tuột dốc và lao xuống vực sâu ngay, cũng mừng là từ khi đơn vị chúng tôi đến " ngự trị " trên ngọn đèo này chắc có lẽ nhờ những người khuất mày, khuất mặt phù hộ nên chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.
Một buổi sáng nọ, sau khi được lãnh lương do ban quân lương từ Sài gòn đem ra phát, trong lòng tự dưng nổi hứng muốn " Hạ san " đi chợ Bồng Sơn một chuyến cho biết tình hình mua bán của dân tình nơi đây ra sao và nhân tiện sắm một số vật dụng cho cá nhân.
Biết ý định của tôi, Thằng Bùi Đức Kết bạn tôi nó cũng hăm hở không kém nó cùng tôi theo ông Thượng sĩ Nghiệp đi chợ:
- Hùng...Hùng nè! Chờ tao xuống núi với mầy luôn, cái thằng này bạn bè kiểu gì mà lúc đi ngao du chẳng bao giờ nhớ đến ai hết.
Tôi thanh minh với nó liền một khi, vì tôi sợ nhất làm mất lòng thằng Kết, bởi khi nó làm mặt giận thì lâu lắm nó mới đồng ý làm lành, hơn nữa khi nó giận tôi rồi, thì lấy ai nhờ cậy làm thay công việc cho mình lúc gặp hữu sự, nên tôi nói vuốt ve nó:
- Tao chưa kịp rủ rê mầy thì mầy nhảy vô họng tao rồi, còn nói gì nữa? mà nói thiệt nghe, nếu không rủ mầy đi thì tao biết đi với ai bây giờ, thôi nhanh lên đi ông, cà rà, cà rề là Bác nghiệp bỏ mình lại đó.
Khi chiếc xe GMC đậu vào khoảnh đất trống kế bên chợ Bồng Sơn, ngôi chợ này là dãy nhà lá lụp xụp như những căn nhà chòi mà thời thơ ấu trẻ con trong xóm tôi cất lên để chơi trò bán đồ hàng, sở dĩ vùng này dựng nhà lụp xụp để tránh gió bão từ biển khơi thổi vào dễ làm tốc mái hoặc sụp đổ, tuy vậy cũng có vài căn nhà được xây tô bằng xi măng quét vôi cẩn thận đã vậy họ làm thêm một tầng lầu, vì thế mỗi khi thời tiết không thuận lợi hầu như dân ở phố chợ này xúm vào tá túc nơi đó, tuy chật chội, bức bối, ngột ngạt do tập trung quá đông người nhưng cũng thắm đẫm tình nghĩa đồng bào, do họ đã thực hiện đúng theo câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách.
Không để mất thời gian khi chiếc xe GMC đã được tắt máy, mọi người bên trên leo xuống và túa vào chợ, do lần đầu tiên đến chợ này, tôi và thằng Kết chỉ biết lẽo đẽo đi theo bác Nghiệp, ông Nghiệp đi lại thoan thoát từ hàng này qua hàng nọ, mua mua bán bán, cười cười nói nói, còn chúng tôi thì lóng nga lóng ngóng vì không biết mình bắt đầu từ đâu và mua cái gì, bao toan tính lúc nãy ở đơn vị trước giờ xe chạy, giờ thì nó biến đâu mất không còn lưu lại chút gì trong đầu, chưa biết tính sao thì một bà chị bán cá, chị ta đon đả mời chào:
- Hai chú lính sữa ơi, ăn cá gì chị bán cho nè, chị cân đủ và bán đúng giá luôn, hai cưng ăn gì?
Thằng Kết nó lẹ miệng:
- Cám ơn bà chị, tụi em như vầy mà chị kêu lính sữa hả?, còn cá..thì xếp tụi em mua của chị cả chục ký rồi còn gì?
Nói xong thằng kết chỉ tay về phía ông Thượng sĩ Nghiệp đang ngả ngớn nói cười với mấy cô bé bán rau muống gần đấy, thấy chúng tôi nói vậy chị bán cá chữa thẹn bằng câu nói vui:
- Vậy mà chị ngỡ mấy em ở đơn vị khác, ai dè... Chỗ bác Nghiệp với chị thì quen lắm, mà hai em có vợ con gì chưa. Nói thiệt đi, hôm nào chị làm mai cho, con gái Bồng Sơn này trắng da dài tóc nói chuyện ngọt ngào lắm đa nghe.
Biết chị bán cá nói đùa cho vui, nhưng tôi làm ra vẻ " Ngây thơ cụ ":
- Trời chị nghĩ sao vậy, hai đứa em mới mười chín hai mươi mà vợ con gì chị ơi, tụi em mà lấy vợ tối ngày giành ăn chắc lối xóm cười dữ lắm.
Nghe chị bán cá nói đến việc làm mai mấy cô gái cho mình, như bắt được vàng thằng Kết đâu dại gì bỏ qua cơ hội hiếm có này, chờ tôi trả lời xong cho chị ta nó liền hỏi tới:
- Chị ơi, cho em hỏi mấy cô đó hiền không, có coi được mắt hông nữa, vì ở Sài gòn nhiều cô đẹp hết xẩy mà em còn chưa chịu để các cô ấy làm quen với mình nữa đó chị.
Nghe thằng Kết " nổ banh ta long " với chị bán cá, tưởng đâu chị ta nổi trận lôi đình không ngờ chị vẫn cười và trả đũa thằng bạn tôi:
- Cha ơi! Em có giá dữ vậy sao, nhưng thôi hôm nào ở không thì đến nhà chị cuối dãy chợ này, tụi em đến căn nhà có cánh cửa sơn màu tím, rồi chị kêu mấy đứa đến chơi cho biết.
Câu chuyện vui chúng tôi phải tạm chấm dứt do có vài bà khách đến mua cá, chúng tôi đành chào từ giã chị bán cá vui tính kia và không quên hẹn có dịp sẽ trở lại tiếp tục câu chuyện ngọt ngào của buổi sáng này.
Nhìn sang hàng rau muống thì lúc này bác Nghiệp cũng không còn hiện diện nơi ấy nữa, buộc lòng hai đứa chúng tôi đành phải quay ra cổng chợ, trên đường đi chúng tôi thấy người dân ở đây họ buôn bán với nhau rất nhã nhặn không thấy cảnh cãi vả lẫn nhau, khi đến căn nhà bày bán những bao gạo được vun lên có ngọn trắng phau như núi tuyết, một cô bé có đôi mắt thật đẹp và đượm buồn ngồi gần đó, hai gò má cô nhô cao đỏ hồng thật quyến rũ, tóc nàng để dài tha thướt và phất phơ bay khi có cơn gió nhẹ thổi hôn vào. Lúc này nàng dùng năm ngón tay làm lược vuốt lại mái tóc đen nhánh, bàn tay trắng ngần như những búp măng non. Tôi và thằng Kết như bị thỏi nam châm vô hình hút mình về hướng cô gái, đang bối rối vì gặp một giai nhân tuyệt mỹ của vùng biển mặn nơi này, thì thằng Kết nói nhỏ vào tai tôi:
- Hùng.. Mầy muốn mua gạo của cô bé này phải không?  Sao mà nhìn chầm chầm con người ta vậy?
Rồi nó cười rú lên khiến cô gái bán gạo không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng rồi có lẽ trực giác đã mách bảo cho cô gái nọ rằng chúng tôi đang nói về cô ta, tôi nhìn kỹ thấy cô gái bẻn lẽn thẹn thùng, mặt đỏ bừng vội chạy nhanh vào nhà bên trong, thái độ cô gái đã làm hai đứa tôi cụt hứng, tôi quay qua trách thằng Kết:
- Mầy ghẹo con người ta lộ liễu không sợ cô bé buồn hay sao? Tao đang ngắm cô tiên nữ mà mầy phá đám để nàng biến mất, bây giờ tao phải làm sao đây chán mầy thiệt.
Đang tần ngần chưa biết tính sao thì thời may từ phía sau nhà của tiệm bán gạo, ông Thượng sĩ già Hỏa đầu quân xuất hiện cùng cô gái, tôi mừng thầm trong bụng:
"Bác Nghiệp ơi! bác là vị cứu tinh của cháu đó bác biết không".
Tiếng bác Nghiệp hỏi cô gái:
- Đâu? Cháu Bồng nói đứa nào đâu chỉ cho bác coi.
Tôi thấy cô gái không trả lời mà hướng đôi mắt về phía chúng tôi, bác Nghiệp dường như hiểu ý bèn hất hàm hỏi chúng tôi:
- Hai thằng nhóc này tụi bây ghẹo cháu Tui phải không? Người ta con nhà đàng hoàng đó, đừng ghẹo quá trớn coi không được nghe bây, tui mà nghe cháu Bồng méc lại thì tui cúp cơm hai đứa bây ráng chịu nhe.
Bác Nghiệp vừa nói vừa làm mặt nghiêm nghị, nhưng không quên nháy nháy mắt cho chúng tôi như ngầm bảo:
" Tới luôn bác tài, đừng cho số de ".
Cô Bồng nghe bác Nghiệp nói vậy bèn thanh minh:
- Không phải mấy anh này ghẹo con, con thấy mấy ảnh cứ nhìn vô tiệm hoài nên con sợ vậy thôi, chứ bây giờ con biết rồi, mấy anh chung đơn vị với bác thì con an tâm.
Thẹn thùng nhìn hai thằng tôi, cô Bồng bằng cái giọng nói ngọt như mía lùi:
- Mời hai anh vô nhà chơi uống nước, Bồng xin lỗi vì nhận xét không tốt về hai anh, bác Nghiệp quen với mẹ em và đã mua gạo ở đây từ lâu rồi.
Được cô Bồng mời vào Tiệm gạo, tôi thì sướng rân người, còn thằng Kết lúc này nó đang nghĩ gì trong đầu thì tôi chịu thua không thể đoán ra, có điều thấy thái độ ngần ngừ của nó với gương mặt không vui tôi bèn chọt léc nó bằng câu nói:
- Ê thằng Kết, em Bồng này tao xí trước rồi nha mậy, sẵn ở chợ nè mầy nhờ bác Nghiệp kiếm cho mầy em khác, có nhiều khi còn sắc nước hương trời hơn em Bồng này cũng không chừng. hi...hi..
Nó nghe xong tiếng cười của tôi, nó làm bộ nghiêm mặt và giơ nắm đấm dứ dứ vào mặt tôi như là muốn thách đấu để coi ai thắng thì sẽ là người săn đón cô Bồng.
Quan sát thấy cử chỉ của chúng tôi, dường như cô bé này đã đọc được suy nghĩ của hai đứa tôi, cô Bồng cười hiền rồi nhỏ nhẹ nói:
- Hai anh cũng vui tính ghê hé, thôi vô nhà uống nước rồi chút nữa theo bác nghiệp về luôn.
Tôi hưởng ứng lời mời tức thì, riêng thằng Kết thì xin phép đi mua vài ba vật dụng linh tinh khác, nó chào tạm biệt tôi và cô Bồng nó bước thật nhanh như muốn nhường lại cho tôi tận hưởng tiếng sét ái tình mà tôi mới gặp.
- Anh Hùng đi lính lâu chưa? sao không chịu xin ở gần nhà, ra chi vùng đất chó ăn đá gà ăn muối này cho cực thân?.
Hớp ngụm nước trà tôi thong thả kể lại quảng đời niên thiếu, học hành rồi hoàn cảnh vào quân ngũ của mình, nghe xong tôi thấy Bồng dường như chưa thoát ra khỏi câu chuyện tôi vừa kể nếu tôi không hỏi:
- Câu chuyện anh vừa kể có buồn không, mà sao anh thấy Bồng thẫn thờ quá vậy?
Nàng như tỉnh một giấc mơ:
- Dạ Bồng thấy buồn thật, nếu Ba anh không bị cái tai nạn đó, có thể giờ này anh vẫn tiếp tục học lên nữa thì phải.
Tôi không đáp lời chỉ gật nhẹ đầu thay cho lời nói, rồi cô Bồng cũng muốn tôi hiểu hoàn cảnh mẹ con cô, phải bỏ nhà của vườn tược trong miệt núi An Lão chạy ra thị trấn Bồng Sơn sau khi cha cô chết giữa trận giao chiến của hai bên. Rồi mẹ cô bươn chảy làm lụng buôn bán gầy dựng lại sự nghiệp cho đến bấy giờ, thú thật tôi có cái nhận xét, Bồng có cái lối kể chuyện như hát ru à ơi trong những buổi trưa hè khiến tôi bị cuốn hút thật sự, qua buổi trò chuyện này hai đứa chúng tôi có được cái nhìn về nhau thật gần về mọi mặt, và dường như sợi dây tình cảm nó đang bắt đầu buộc dần hai tâm hồn chúng tôi lại với nhau...

*

Đơn vị chúng tôi cũng như các đơn vị bạn đồn trú quanh vùng bước vào chiến dịch, suốt cả tháng trời quần nhau với đối phương, khi chúng tôi rút về vị trí cũ thì phía đối phương cũng rút vào rừng sâu trên dãy trường sơn hùng vĩ, chiến trường lắng dịu trở lại, lúc này thì tôi mới lại có dịp nhớ về cô gái tên Bồng cô gái bán những hạt ngọc của trời ở chợ Bồng Sơn nằm cạnh bờ sông Lại Giang, con sông hiền hoà chảy, nước sông Lại Giang vào mùa khô thì trong veo nhìn thấy rõ từng hạt cát dưới đáy sông đang tung tăng di chuyển theo dòng nước, nhưng vào mùa mưa bão, dòng Lại Giang nước đục ngầu và cuồng nộ hung hãn lạ thường, trái tính trái nết như cô Bồng mà tôi yêu mến sau này.
Rồi dăm ba lần đến cái tiệm gạo, ăn dầm nằm dề khi rảng rang công việc ở đơn vị, cũng đôi ba lần chúng tôi hò hẹn bên dòng Lại Giang cuồn cuộn chảy, ngồi dưới bóng mát của rừng dừa chúng tôi trao đổi niềm vui nỗi buồn, rồi bỗng một hôm nàng nói với tôi:
- Chúa nhật tuần sau, em với con Hoàng lên Đèo Phù cũ thăm anh với anh Kết nhé.
Nghe nàng nói, tôi chưa biết trả lời ra sao, vì khi đơn vị đang Hành quân các xếp không cho anh em lính tráng đem bạn gái, người yêu đến đơn vị, đây là trường hợp đặc biệt tôi phải xin phép trước thì mới cho nàng câu trả lời chính thức, tôi hẹn nàng sẽ báo cho Bồng biết khi được sự cho phép của các xếp. Nghe vậy Bồng làm vẻ mặt không vui, suốt thời gian còn lại bên nhau nàng chẳng thèm nói với tôi thêm một lời khiến tôi áy náy lên tiếng:
- Em không biết đâu, vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội, anh tự tiện để em lên núi thăm anh là các xếp sẽ "bố" cho anh một trận liền.
Với đôi mắt buồn buồn Bồng nói như trách móc:
- Chứ không phải anh nghi ngờ điều gì phải không? Bộ sợ em lên đó dò xét rồi báo cho mấy ông "bên kia" hay sao vậy?
Tôi lấy ngón tay cốc nhẹ lên tóc nàng rồi phân tích cho Bồng hiểu thêm:
- Làm gì có ý nghỉ đó cô nương ơi, suốt ngày gieo tiếng oán cho anh không hà, anh phải xin phép đàng hoàng để tránh rắc rối nếu nó xảy ra, hiểu.....chưa.???

*

Thấy tôi đứng chàng ràng nơi ông ngồi cộng sổ thu chi tiền chợ búa trong tháng để báo cáo cho xếp đơn vị trưởng, bác Nghiệp dỡ cặp kính ra khỏi sóng mũi và lên tiếng hỏi tôi:
- Gì nữa đây chú em, canh hôm nay không ngon à? Hay cơm sống, có gì cứ nói huỵt toẹc ra cho rồi, à thôi biết rồi, muốn xin phần cơm cháy phải không? Cơm cháy hôm nay đưa cho ban quân y hết rồi, ngày mai tui để cho chú mầy vài miếng nhai cho đã thèm.
Tôi dự định nhờ Bác Nghiệp dùng miệng lưỡi của Tô Tần thuyết phục xếp cho tôi được phép tiếp cô bạn gái tại đơn vị nhưng nghe bác nhắc đến mấy giề cơm cháy dưới bếp, thì trong miệng tôi nước miếng tự nhiên nó tuôn trào khiến tôi phải nuốt ực liên tục, vì cơm được nấu trong chảo bằng gang, nấu nhiệt độ cao nhưng ngọn lửa chỉ cháy liu riu nên lớp cơm dưới cùng cháy vàng thật đều và dòn rụm, cơm cháy được thoa lên một lớp mỡ hành và rưới một ít nước mắm y dằm thêm lát ớt đỏ đỏ cho vào miệng nhai, khi nó được nhai nhuyễn thì các vị mặn ngọt béo cay cay nó kích thích vị giác khiến người ăn bắt thèm, nhai nhóp nhép đến lúc bụng căng đầy nhưng vẫn còn muốn ăn thêm...
Trở lại chuyện tôi định nhờ bác Nghiệp nói với xếp tôi cho phép cô bạn gái được đến thăm tôi và thằng kết tại đơn vị, khi nghe tôi nói rõ ngọn ngành thì bác Nghiệp trố mắt nhìn tôi rồi gằn giọng:
- Nè...tui hỏi thiệt chú mầy nha, chú mầy cua con Bồng cháu tui sao mà nhanh dữ vậy, mà quen với nó rồi phải đàng hoàng nha, nếu không chú em mầy biết tay tui đó nghe, tui với mẹ nó là chị em kết nghĩa đó. Rồi để tui nói với ông Đại úy Bôn dùm chú mầy, sau này phải trả ơn tui đó nghen.
Tôi không ngờ Bác Nghiệp nhiệt tình với mình như vậy, tôi trở về căn hầm của mình chờ đợi tin vui từ bác Nghiệp.
Chiều đến khi tôi xuống nhà bếp lấy phần cơm, Thấy tôi lơn tơn đi tới bác Nghiệp ngoắc tay gọi tôi vào văn phòng của ông:
- Chúc mừng chú em, Đại úy Bôn Ok rồi đó, mà Hai đứa bé đến chơi cả ngày rồi chú mầy liệu cho ăn uống đãi đằng ra sao, không lẽ lấy cơm nhà bếp đãi coi sao được.
- Trời! bác không nói cháu quên phức cái chuyện này, thôi được rồi cháu với thằng Kết sẽ đi chợ mua đồ ăn rồi về tự nấu.
Bác Nghiệp cười khẻ và hỏi:
- Hai đứa liệu nấu có ra món gì hay không? Nếu cần tui nhờ mấy đứa nhà bếp nó phụ cho.
- Nấu món ăn dễ ẹt Bác ơi, hồi chưa vào lính ở nhà thỉnh thoảng cháu nấu cho cả nhà ăn ai cũng khen ngon
Tôi cố làm ra vẻ rành rọt trong cách nấu ăn nên trả lời bác Nghiệp theo kiểu nói mạnh miệng, chứ thật ra trong bụng tôi bắt đầu lúng túng, vì từ nhỏ đến ngày vào lính tôi chưa bao giờ đụng tay vào con dao cái thớt nói chi đến các món ăn phải chế biến cầu kỳ đúng cách thì mới ngon.

*

Vậy là còn hai hôm nữa, hai bông hoa của miền duyên hải sẽ đến thăm tôi và thằng Kết, đêm đó tôi với thằng Kết bàn bạc với nhau nấu món gì, suy đi tính lại cuối cùng chúng tôi sẽ làm ba món ăn gồm cá biển ướp muối sả ớt, bột nghệ rồi chiên dòn, thịt kho tiêu, và canh chua thịt gà nấu với lá giang, vậy là hai đứa yên tâm với thực đơn này, từ đây chính thức Tôi và Thằng Kết sẽ làm một cuộc "Cách Mạng Táo Quân", tự mình nấu ăn để truất phế ngôi vua bếp của Bác Nghiệp, nghỉ đến đây thôi bắt đầu tưởng tượng em Bồng của của Tôi và em Hoàng của thằng Kết vừa ăn cơm với các món ăn này vừa xuýt xoa miệng khen ngợi hai đứa tôi hết lời, bay bổng với ý tưởng trên tôi và thằng Kết ngủ thiếp trên cái võng đánh một giấc tới sáng.

*

Sáng chúa Nhật của cái ngày quan trọng với chúng tôi đã đến, trời vừa hừng sáng, không thể chờ quá giang xe GMC đi chợ với bác Nghiệp như mọi lần, Tôi và thằng Kết nai nịt gọn gàng, chân mang giày "Bốt đờ sô" đánh "si ra" bóng loáng, nói đùa cho vui chớ nếu con ruồi nào vô phước mà đậu vào mũi giày chúng tôi thì coi như nó tự kết liễu số phận của mình, do mũi giày lúc bấy giờ rất trơn và láng chú ruồi bạc mệnh kia bị trợt chân té xuống đất chết không kịp ngáp.
Hai đứa tôi lật đật cuốc bộ đỗ đèo, khi xuống đến quốc lộ chúng tôi quá giang xe " Ba lua " loại xe chở hàng có mui bít bùng để đến chợ Bồng Sơn, mười lăm phút sau chúng tôi đã đến chợ và bắt đầu trổ tài mua bán như bác Nghiệp làm hàng ngày, chúng tôi đến hàng của bà chị bán cá dạo nọ, thấy chúng tôi đến gần chị mừng rỡ ra mặt:
- Hôm nay mua cá giúp chị nghe, có cá Dìa ngon lắm, mới từ biển đưa vô, cá Hường, cá chuồn, cá đỏ dạ nữa nè.
- Cho tuị em bốn con cá Dìa, bốn con cá Hường, bao nhiêu đó đủ ăn rồi chị ơi!
- Ủa còn bác Nghiệp đâu hôm nay chị không thấy?
-Dạ bác Nghiệp chút nữa mới đến chị à, tính tiền em luôn.
Chị ta gói tất cả số cá trên vào lá chuối, chị lấy sợi dây lát buộc chặt khi gút lại chị chừa lại đoạn dây cho chúng tôi cầm. Ghé qua các gian hàng khác mua thêm các loại nguyên liệu cho buổi nấu ăn xong chúng tôi hối hả trở về đơn vị chuẩn bị cho cuộc hành trình: Cách mạng Táo quân.

*

- Tao bắc nồi cơm, làm cá, mầy lặt rau nấu nướng nghe Hùng.
- Cái gì cũng được mầy ơi, thôi nhanh tay lên sắp đến giờ mấy em đến rồi, làm không kịp là các em cười chê mình dữ lắm mầy ạ.
Tôi và thằng Kết hì hục làm việc, bắc nồi cơm xong thằng Kết đánh vẩy cá, khứa rãnh thân cá để khi ướp gia vị mau thấm vào, nó rửa thật sạch mấy con cá rồi chất hết vào rổ để lên cao cho ráo nước, tôi lặt rau, chặt gà rửa sạch và cũng để cho ráo nước, ít phút sau chúng tôi dọn dẹp rác rưởi gọn ghẽ và bắt đầu nấu nướng.
- Chết rồi, quên mua muối bột lấy cái gì ướp cá bây giờ.
- Cái bếp lò xô lại hết dầu nữa.
Thế là tôi với thằng kết mỗi đứa chia nhau xuống cầu viện mấy anh Hỏa đầu quân " viện trợ " những mặt hàng còn thiếu thốn để hai chúng tôi hoàn tất hành trình làm cuộc cách mạng nêu trên.
Khi có đủ các món cần thiết cầm trên tay chúng tôi hí hửng quay lại nơi bếp núc của riêng mình thì hỡi ơi, con mèo Tam thể của Thằng Hồng ban quân y nuôi và con chó bẹc giê của Anh Hổ tài xế đang gầm gừ cắn nhau mãnh liệt làm tung mấy con cá và cả cái dĩa thịt gà rơi xuống cát, xuống cống thoát nước, trên mình cá dấu răng hai con vật giành ăn cắn xé nát cả thân, còn cái dĩa đựng thịt gà bể tan tành dưới đất, thịt gà thì văng trọn xuống mương cống thoát nước. Lúc này chứng kiến cảnh chiến trường bất đắc dĩ này tinh thần chúng tôi sụp đổ:
- Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên mà. Giờ tính sao đây Kết.
Nghe tôi hỏi, thằng Kết nó chưa vội trả lời, nó cầm hai thanh củi khô phang cho hai con vật đáng ghét kia, bị trúng đòn đau điếng con thì kêu ẳng ẳng cụp đuôi chạy về ban Quân xa, còn chú mèo Tam Thể kêu meo meo thảm thiết và phóng vội về ban quân y, còn hai đứa tôi phải thu dọn bãi chiến trường, những " Chiến lợi phẩm " còn vương vãi dưới đất được cho vô thùng rác vì không còn hình thù lúc ban đầu thì làm sao ai mà có can đảm đưa vào cái dạ dày.
Nhìn đồng hồ 11 giờ trưa, nắng bắt đầu gay gắt, chợ thì quá xa không còn phương cách cứu vãn tình thế hiện tại, thấy thằng Kết bứt đầu bứt tay, tôi nói một câu làm nó tỉnh người:
- Tao xuống mượn bác Nghiệp bốn cái hột vịt đem về luộc xong dằm nước mắm vậy là có một món mặn, món canh thì lấy hai tô canh rau muống dưới bếp bác Nghiệp, chén nước mắm cay, đãi hai em bằng món đặc sản này, sẵn dịp mình thử lòng các em luôn mầy chịu không?, vậy đi mầy không nghe người ta hát ví hả:
" Giàu thì cơm tấm bún bò.
Nghèo thì xôi, bắp cũng qua một ngày"
Như vớ được chiếc phao cứu sinh giữa biển trời bao la rộng lớn, thằng Kết nó toe toét cười rồi nói:
- Tao bái mầy sát đất luôn nghe Hùng, khổng Minh Gia Cát Luợng tái thế chắc thể nào cũng thâu nhận mầy làm đồ đệ đó, chuyện vậy mà mầy cũng nghĩ ra. Bái phục.. Bái phục..
Khi dọn những món ăn ngoài dự tính ra trên bàn ăn, tưởng chừng mọi chuyện đã an bày, khi chuẩn bị xới cho mỗi người mỗi chén cơm tôi cười muốn bể bụng, tôi nói với thằng Kết và hai cô em gái kia tiện thể nghe luôn:
- Công nhận thằng Kết này có tài thiệt nha, nấu cơm ba tầng kiểu này xưa nay hiếm lắm, mầy đi dự thi nấu ăn hay ẩm thực thì giựt giải cái chắc.
Nồi cơm nó nấu phần trên cùng sống nhăn, chính giữa nhảo nhoét, dưới đáy nồi cháy khét đen, nói dại bây giờ ai kêu nó nấu cơm mà có kết quả y như nồi cơm ngày hôm đó chắc thằng Kết không bao giờ thực hiện được. Cuối cùng tôi cũng phải xuống nhà bếp của bác Nghiệp lãnh phần cơm đem về thế chổ cho cái nồi cơm của thằng Kết nấu.
Bốn người chúng tôi ăn uống đạm bạc trong ngày hôm đó mà hầu như ai cũng luôn miệng khen ngon, sau này tôi mới hiểu được do ai cũng đói meo nên ăn cái gì vào cũng thấy ngon, sau một ngày vui chơi bên nhau chúng tôi chia tay trong lưu luyến.
Đêm ấy cũng trên hai chiếc võng nằm tòn teng, tôi với thằng Kết ôn lại một ngày sóng gió trôi qua, may là kết thúc có hậu các nàng tiên của hai đứa tôi đúng là mẫu người không Tham phú phụ bần, tuy cuộc Cách mạng Táo quân lần này thất bại nhưng tôi cũng thấm thía câu nói của người xưa:
" Không thành công cũng thành nhân "
Rồi thì chiến trường miền duyên hải cũng bớt căng thẳng, đơn vị chúng tôi được tái phối trí lên Tây nguyên, chúng tôi chia tay hai nàng tiên bé nhỏ dễ thương mà chưa một lần gặp lại, hình ảnh hai cô bé ở chợ Bồng Sơn đôi lúc nó vẫn còn len lén đưa chúng tôi quay về bến mộng ngày xưa.
Ngày 25 tết Nhâm Thìn 2012
Hai Hùng SG