Chương một

     ôi vừa hấp tấp chạy xuống đến lưng chừng cầu thang thì một cái đầu nhỏ, cứng xông lên, lao vào bụng tôi. Cả hai cùng hét lên một tiếng. Tuy suýt ngã bật ngửa về phía sau, tôi cũng cố quơ tay hy vọng túm được kẻ đối diện. Nắm được cánh tay gầy gò, xương xẩu của bé Hùng. Nó đã ôm chặt cái tay vịn cho khỏi lộn ngược xuống. Tôi kêu:
- Đi đâu mà vội thế? Sao không vỗ tay? Muốn ngã gẫy cổ hả?
Bé Hùng cãi:
- Anh có vỗ tay không chớ?
Tôi cười, nhớ lại sự hấp tấp của mình. Nắm cánh tay nó, tôi kéo nó đứng thẳng dậy. Cũng may, tai nạn không xảy ra. Đã nhiều lần như thế rồi. Lũ nhỏ nhanh tay lạ lùng. Chúng bám kịp một cách chắc chắn vào tay vịn dọc cầu thang như bám vào cuộc sống. Hùng vừa bước tránh sang một bên để tiếp tục lên thang, vừa hỏi:
- Thằng Vinh có trên lầu không anh?
- Chắc có. Hồi nãy tao nghe nó cười ở giường thằng Tấn.
Xuống hết cầu thang, tôi lần bước về phía “nhà chơi”. Trời đang nắng to. Hơi nắng đem theo mùi cỏ cháy làm khô mũi. Không cần lên tiếng tôi cũng biết Hoan ngồi ở góc nhà chơi, gần phòng nhạc. Tiếng đàn măng cầm của anh ta bao giờ cũng thế, chả trộn lẫn với ai được. Những nốt cao anh thường gẩy thật nhẹ và luôn luôn kẹt ở nốt “Si”. Tới nốt đó bỗng dưng dòng nhạc như đứng sững lại, lúng túng và ngỡ ngàng. Tôi đến sát bên Hoan:
- Bồ đậu rồi đó. Biết chưa?
- Biết rồi.
- Ai nói?
- Thầy Sáu.
Giọng Hoan thản nhiên, dửng dưng:
- Mấy đứa thi đỗ hết mà. Ối, coi như bỏ, ăn nhậu gì.
Hoan nắm tay tôi kéo xuống:
- Ngồi đây bồ.
Tôi ngồi cạnh Hoan, trên chiếc ghế xi-măng, tựa lưng vào tường. Hoan ngồi một mình đang gẩy và lắng nghe âm thanh của một bản nhạc buồn. Hẳn anh ta không vui. Tôi cũng ngồi im.
Câu chuyện thi đỗ của anh quả thực là buồn. Tin vui đó khi được ông thầy học loan ra chỉ làm sung sướng mấy cậu bé. Các cậu vốn yêu đời và chưa biết sợ ngày mai. “Các em đỗ hết rồi”. Thầy Sáu đã nói câu đó với giọng hân hoan và cảm động. Thầy đã tận tâm dạy chúng tôi, thầy có quyền sung sướng về kết quả công việc của thầy. Nhất là ai cũng đồng ý nhiệm vụ của thầy thật khó khăn. Nhưng lúc đó, một anh, tôi chịu không biết là ai, vì giọng nói lẫn trong tiếng cười, hỏi thầy:
- Đỗ để làm gì thầy?
Thầy Sáu đâm lúng túng trong việc tìm câu trả lời. Mãi sau thầy mới nói:
- Đi thi thì đỗ là mừng chớ.
Thằng Quỳnh nhỏ bỗng cười phá lên, châm chọc:
- Đậu thì được bằng cấp. Ít nữa, mình đeo cái bằng ở ngực để đi bán bàn chải cho nó lẹ hơn.
Câu nói cố ý chế giễu nghề làm bàn chải, cái nghề độc nhất nhà trường dạy để giúp chúng tôi kiếm sống. Thầy Sáu giận? Hay thầy buồn vì chúng tôi? Không ai biết. Thầy im lặng và bỏ đi. Đợi cho tiếng chân thầy nhỏ, xa dần, bọn “thi đậu” bắt đầu nhảy nhót, cười đùa. Tuy thích tỏ ra cay đắng, chua chát, chúng tôi cũng không muốn bỏ lỡ một dịp nào có thể coi được là vui.
Có tiếng Sinh, cậu bé nghịch ngợm và bướng bỉnh nổi tiếng trong trường, hét to:
- Trời ơi! Anh Nô của tôi đâu rồi, đậu hạng nhứt lận! Văn chương chữ nghĩa của anh hay quá mà! Giám khảo chấm gì nổi! Anh Nô cho tụi này ăn mừng đi.
Nô cười sằng sặc có vẻ nghẹn thở. Chắc Sinh đã chồm lên bá cổ anh ta. Nô kêu:
- Buông ra! Nghẹt thở mày, tao quật cho mày rơi xuống gẫy xương sống bây giờ.
Niềm vui và tiếng cười lan ra. Bỗng chốc, hình như mọi người lại quên được tất cả. Cũng như biết bao lần trong đời tôi đã quên được trong giây phút, cái thế giới tăm tối mà chật hẹp, ít khi rộng quá tầm tay. Tôi bỏ đám đông đi tìm Hoan.
Xưởng máy trước cửa trường vẫn phát ra tiếng máy điện chạy ầm ầm. Ban ngày, lẫn trong tiếng động cơ xe cộ, cái âm thanh đều đều buồn nản đó trở nên ào ào như tiếng gió lớn.
Hoan ngừng đàn, đặt một tay lên bàn tay tôi. Anh ta lần vuốt từng ngón rồi bóp nhẹ ngón tay út. Tôi quàng tay qua vai anh và nói lên cái ý nghĩ trong đầu cả hai đứa:
- Buồn ghê!
Hoan lại bóp nhẹ ngón tay tôi:
- Tôi còn bốn ngày, bồ còn bảy ngày nữa...
Hoan đã tốt nghiệp, đã ăn cơm của nhà trường đủ năm năm và kể như đã học hết chữ của trường. Như thế, chỉ còn bốn ngày nữa là cuộc đời nội trú của anh sẽ kết thúc. Năm năm ân huệ xã hội dành cho Hoan qua rồi. Tôi biết Hoan không buồn vì chuyện học hỏi bị chấm dứt quá sớm. Hoan lo lắng cho cái tương lai phải tự túc. Cũng như bao nhiêu người lớp trước, chúng tôi đến trường khi còn dốt nát và ra trường với một vốn kiến thức, một trí khôn chẳng ai thèm dùng. Và, tất cả thường dựa vào những điều đã học hỏi được để hiểu rõ về thân phận của mình hơn. Mỗi lần lên lớp là một lần thấy nguồn sống của mình cứ ngắn dần. Tương lai đó! Thật là “tương lai chan hòa trên mi mắt” như Nô thường nói. Tốt nghiệp, nghĩa là không còn được ở trong trường nữa. Mình đã ăn hết phần cơm năm năm của mình rồi còn đâu.
Ở khoảng hành lang giữa nhà chơi và phòng nhạc, mấy chú bé kiếm đâu được cái ống bơ sữa bò, đang chia bên để đá bóng. Các chú còn đủ ngây thơ để chưa biết nỗi khổ của mình. Tiếng chiếc ống bơ lăn trên nền xi-măng nghe thật inh ỏi, khó chịu. Trái banh kỳ quặc này đi đến đâu cũng lên tiếng xác định chỗ đứng của nó, không trốn chạy vào khoảng tối tăm mênh mông. Nếu tương lai của chúng tôi cũng có thứ âm thanh dẫn dắt như thế!...
Bỗng Hoan hét lên:
- Thôi! Trưa rồi đó! Đừng làm ồn!
Lũ trẻ làm như không nghe thấy tiếng Hoan, vẫn tiếp tục trò chơi ồn ào ấy. Sợ Hoan lấy mất “banh”, chúng di chuyển dần về phía phòng nhạc.
Chúng tôi im lặng. Hoan cầm đàn, co một chân đặt lên chân tôi và vừa gẩy vừa áp tai vào sườn đàn để nghe. Tôi vuốt cho tóc Hoan bớt xù ra. Anh gẩy từng tiếng một, nặng nề, chậm chạp. Bản nhạc buồn nghe quen, nhưng tôi không nhớ là bản gì. Tôi đập chân khe khẽ làm nhịp và yên lặng cho tới khi nghe tiếng chuông báo giờ ăn...
Buổi tối, câu chuyện “nghỉ hè” bỗng trở thành một đề tài chính. Đến giờ ngủ, chúng tôi vẫn còn nói chuyện ồn ào. Các thầy đều tỏ ra dễ dãi trong những ngày cuối. Giờ học chẳng đứa nào chịu thuộc bài và giờ ngủ tất cả có thể thức để tán gẫu. Thỉnh thoảng, ông giám thị lên phòng ngủ kiểm soát. Nhưng dù ông bước nhẹ đến thế nào chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng chân ông lẹp xẹp trên từng bậc thang.
Hôm qua anh Cung, cũng ổầ học hết năm năm và đang chờ giờ phút từ giã nhà trường, bỗng nổi điên vừa hét vừa nhảy thình thình như muốn phá sập cả ngôi trường. Thầy giám thị hấp tấp chạy lên, tất cả hoảng hồn. Cung trở lại giường mình nằm tỉnh khô. Nhưng thầy chỉ mắng qua loa.
Cánh cửa chính của phòng ngủ vừa đóng lại, tôi rời khỏi giường tiến đến giường Hoan:
- Ngủ rồi hả bồ?
Tiếng Hoan từ phía đầu giường sát bên cửa sổ:
- Chưa.
- Làm gì đó?
- Đang xếp lại hành lý để sửa soạn lên đường.
Hoan có một cái hộp gỗ nhỏ đựng quần áo và vài đồ dùng lặt vặt. Những lúc buồn, không có việc làm, anh lại mở hộp ra, rờ rẫm, xếp lại từng thứ.
Vướng chân vào chiếc gậy của Hoan để ở bên giường, tôi dừng lại. Một bàn tay ở giường bên phải nắm lấy vạt áo tôi, kéo xuống. Tôi đưa tay ra và chạm vào khuôn mặt có nhiều nốt sần của Vĩnh.
- Ngồi đây.
Dòng nước mắt trên má Vĩnh làm ướt mấy đầu ngón tay tôi. Tôi lướt ngón tay ngược lên gần đuôi mắt anh ta và kêu:
- Ê! Khóc hả?
Vĩnh ôm ngang lưng tôi khiến tôi ngả nghiêng trên ngực anh ta. Vừa cười khanh khách, Vĩnh vừa nói:
- Khóc chứ. Khóc cho quên sự đời.
Trong bọn chúng tôi, Vĩnh mập mạp và vui tính nhất. Anh ta thường hay gẩy đàn, đến độ xuống phòng ăn muộn và bị truất mất phần cơm. Vĩnh có cái bụng phệ nên bị chúng tôi gán cho nhãn hiệu “thực dân”. Nhưng anh ta lại tin một cách nhiệt thành rằng đó chính là một quý tướng, có thể giúp cho cuộc đời sau này của anh có đủ cơm ăn, áo mặc. Hồi mới vào trường, chưa quen với cuộc sống kỷ luật, Vĩnh phạm lỗi luôn. Ban đêm, nhiều khi Vĩnh không ngủ được, anh ta mò đến giường tôi, gãi chân hoặc dựng đầu tôi dậy. Nhiều lần tôi nổi cáu, co giò đạp thẳng vào cái quý tướng của anh ta. Vĩnh chỉ cười, không giận.
Vĩnh hỏi:
- Bồ có muốn nghe bức thư của mẹ tôi không? Tôi mới nhận được sáng nay.
- Nhờ ai đọc chưa?
- Rồi. Mình nhờ chị bếp đọc để chép ra chữ nổi. Bây giờ tôi thuộc lòng rồi. Đây cho bồ đọc.
Vĩnh xoay nghiêng người với lên đầu giường rồi đưa tôi một chiếc phong bì đã xé, một tờ giấy mỏng và một tấm bìa dầy, thứ giấy đặc biệt của chúng tôi. Tôi rờ qua bức thư thật rồi đặt xuống ngực Vĩnh. Co cả hai chân, ngồi xếp chân bên cạnh Vĩnh, tôi lần ngón tay trên tấm giấy cứng, đọc thư của mẹ anh ta.
“Vĩnh con,
Hồi này ở bên Lào lộn xộn lắm, đánh nhau luôn. Mẹ phải dẹp của hàng để về ở với chị Tư rồi. Hàng hóa phần thì cháy phần thì hư hỏng hết cả. Mẹ gần hết cả tiền vốn. Mùa hè này con ở bên đó tìm chỗ nào ở nhờ được ba tháng thì là phần nhất, về Lào bây giờ đường đi khó khăn, lại phải ở nhờ nhà chị Tư. Mẹ có gởi thêm cho con một chiếc nhẫn nữa. Tiền bán chiếc nhẫn trước đã tiêu hết chưa? Con ăn tiêu hà tiện một chút, hồi này mẹ túng lắm. Chỗ nào cũng đánh nhau, chả buôn bán gì được. Chị Tư gởi lời thăm con. Nếu con kiếm được chỗ ở cho qua ba tháng hè thì nhờ người viết thư về báo cho mẹ biết, cho mẹ mừng... ”
Tôi ngừng đọc, hỏi Vĩnh:
- Thế năm nay bồ có về Lào không?
Vĩnh nhỏm dậy:
- Đọc xong rồi hả? Bồ thấy tội nghiệp mẹ tôi không? Tuy hết cả tiền mà mẹ tôi vẫn gởi cho tôi cái nhẫn “phòng thân”.
Vĩnh chỉ còn mẹ, sinh sống ở bên Lào. Anh ta thường nói đùa là được mẹ cho “sang Việt Nam du học”. Mỗi năm bà gửi cho Vĩnh một cái nhẫn vàng nhỏ để anh bán lấy tiền tiêu vặt. Năm vừa rồi bà buôn bán thua lỗ, Vĩnh giữ thật chắc cái nhẫn “phòng thân” nhất định không bán. Mỗi lần nghe một tin về chiến tranh bên Lào, Vĩnh lại vừa cười, vừa khóc nhắc đến mẹ của mình.
Vĩnh trao cả hai chiếc nhẫn cho tôi xem. Cả hai có cùng một kích thước. Vĩnh hỏi:
- Tôi đố bồ biết cái nào cũ, cái nào mới?
- Chịu.
- Cái cũ có vết trầy lớn lắm.
- Sao vậy?
- Bồ không nhớ cái bữa tôi đâm đầu vào cánh cửa ở phòng nhạc hả?
Tôi lần tìm được vết xước trên chiếc nhẫn cũ:
- Thế là bồ có những hai cái nhẫn. Giàu rồi còn gì.
Tôi đặt trả hai chiếc nhẫn vào bàn tay Vĩnh. Vĩnh nằm vật ra giường. Cánh tay gạt nước mắt của anh ta chạm vào chân tôi. Vĩnh nói, giọng nghiêm trang, nhẹ và buồn:
- Tôi đang định gởi lại cho mẹ tôi một cái.
Tiếng máy ở cơ xưởng trước trường bỗng nhiên ngừng. Gió đêm lùa qua cửa sổ, vào phòng, thoáng qua tôi như một bóng người vội vã. Trời lạnh, đêm khuya rồi. Bỗng Hoan lên tiếng:
- Gửi lại làm chi. Để đó tụi mình làm vốn lập một ban nhạc sống lai rai qua ngày. Tôi với bồ Vĩnh đờn hay mà, lo gì. Tụi mình hát nghe cũng được quá chớ.
Vĩnh vùng dậy, vội vàng hớn hở. Thoáng một cái anh ta đã ôm trong tay chiếc tây ban cầm khua ầm ĩ:
- Ờ mùa hè này nhất định tôi với bồ Hoan sẽ lập ban nhạc. Tụi mình tập dượt lại coi.
Ở giường bên, tiếng mãng cầm của Hoan vang lên, cao vút, vẫn kẹt ở nốt “si”. Âm thanh nhiều lúc nhảy nhót, tin tưởng. Vĩnh so lại dây đàn. Sau đó, cả hai hăm hở chơi những bản nhạc vui, hùng. Vĩnh đập tay lên mặt đàn và thỉnh thoảng cất tiếng hát nho nhỏ. Nhưng đến giữa bài thứ tư bỗng tiếng măng cầm trở nên rời rạc và chán nản.
Từng nốt bật lên một cách bứt rứt, uể oải. Hình như bàn tay gẩy đã trở nên hờ hững thất vọng và người gẩy đang từ từ ngả người nằm xuống giường. Vĩnh hỏi:
- Sao vậy?
Tiếng lưng đàn chạm mạnh xuống sàn gác ở gậm giường của Hoan, Hoan trả lời trong khi ngáp:
- Thôi cho ban nhạc nghỉ. Buồn ngủ rồi.
Vinh hỏi tôi:
- Thế nào? Ban nhạc của tụi tui chơi được không bồ? Liệu đã vào rạp lớn được chưa, hay chỉ mới đáng làm ăn lai rai ở bến xe bến tàu...?
Có tiếng dép lẹp xẹp ở dưới chân thang, sợ ông giám thị lên, tôi vội lần về giường nằm. Vĩnh nói với theo:
- Chúc bồ ngủ ngon. Còn tôi, đêm nay tôi phải thức trắng để tính kế...
Làm sao có thể ngủ ngon được. Tôi không có một người mẹ ở bên Lào, một con đường về nhà gập ghềnh nguy hiểm như Vĩnh, nhưng cũng có lý do để thức suốt đêm, lo chuyện mùa hè. Từ ngày bóng tối trùm xuống đời, đã biết bao lần tôi thức suốt đêm, thấm thía hơn cõi tù hãm mênh mông này. Đột nhiên thế giới thu hẹp lại, các âm thanh thì xa vời và những cái mình nắm được trong tay cũng chẳng có gì là chắc chắn.
Một buổi chiều thứ bảy, anh Phong vào chơi. Tôi hỏi anh về mùa hè. Anh Phong tưởng là tôi đang vui vì sắp được nghỉ nên hăng hái giảng giải:
- Mùa hè là mùa vui nhất của học sinh. Ở đây không có tiếng ve kêu, nhưng cũng có hoa phượng đỏ.
Anh Phong lúng túng, ngừng lại. Anh vẫn cố tránh những mô tả màu sắc trong câu chuyện. Nhưng thực ra, điều đó đối với chúng tôi nào có quan trọng gì. Niềm vui anh mang đến. Cánh tay anh thành thật đưa ra cho tôi nắm đã giúp cho tôi quên nỗi bơ vơ, là một ân huệ cho chúng tôi rồi. Mỗi lần thình lình nghe tiếng anh gọi nhỏ ngay bên tai, tôi đã vùng reo lên hân hoan cùng cực. Nhưng anh Phong thì lúc nào cũng sợ rằng sự lỡ lời của mình có thể làm tôi buồn.
Anh cố gắng tìm một cách diễn tả khác:
- Hoa phượng nở, không thơm, nhưng có một mùi đặc biệt lạ. Cánh hoa mềm như nhung.
Tôi đề nghị:
- Hôm nào rảnh, anh đem vào cho em một bông hoa phượng. Em cũng muốn thưởng thức mùi của mùa hè.
Anh đem hoa vào thật, cánh hoa còn tươi và ướt, thơm nồng. Tôi đặt những bông hoa phượng trong lòng bàn tay, nâng niu. Tôi bắt anh tả phong cảnh một ngôi trường đầy hoa phượng nở vào hè. Tôi định dựa vào lời anh để gợi lại quá khứ, nhưng hoàn toàn thất vọng. Những cánh hoa êm như nhung, mùi hoa thơm nồng cho tôi cảm giác bâng khuâng, dễ chịu. Còn tất cả mái ngói, tường rêu chỉ là những góc cạnh hỗn độn, mơ hồ, tối tăm như những hình ảnh của một kiếp xa xôi nào đó.
Anh Phong hỏi về những thú vui của tôi trong mùa hè. Tôi lắc đầu cười và thành thật nói rằng tôi chẳng muốn rời nhà trường dù chỉ một tháng hay một tuần. Anh ngạc nhiên lắm. ít nhất thì mùa hè người ta cũng có thú vui về với gia đình, gặp gỡ người thân. Tôi có đầy đủ những thứ đó cơ mà. Tôi không thể nói rõ điều gì được. Anh sẽ buồn bã cùng với tôi một cách vô ích. Tất cả chúng tôi không đứa nào muốn kéo những người bạn thân vào ngồi chung trong bóng tối với mình. Tôi nhất định xoay câu chuyện sang vấn đề ca nhạc và nài anh hát một bản nhạc ngoại quốc. Anh không từ chối. Tôi vỗ tay làm nhịp và tìm được niềm vui trong âm thanh.
Lúc anh Phong về, tôi nhớ đến bông hoa phượng. Nó rơi xuống gần bàn khiến tôi mất một hồi lâu tìm kiếm. Bông hoa nằm trong tay có lẫn chút bụi cát. Mùi hoa thơm nồng, cánh hoa mềm như nhung... Đó lại là những dấu hiệu báo sự bắt đầu của một chuỗi ngày làm tôi kinh sợ.
Tôi đã xa lạ với gia đình tôi lắm rồi, cả cái tỉnh nhỏ đó nữa. Chúng tôi chẳng còn gì để lưu luyến nhau. Một năm kể cả ngày lễ, tôi chỉ ở nhà khoảng hơn ba tháng, không lần nào được nói chuyện với một người trong gia đình lâu quá năm phút. Nhiều lắm thì những người hàng xóm chỉ thấy một lần tôi chống gậy chậm chạp bước về, một lần tôi chậm chạp ra đi. Sau cái buổi ngồi hóng gió ở trước cửa để cho lũ trẻ hàng xóm xúm lại giễu cợt, tôi bị thím tôi mắng. Trong lúc quá nóng giận thím đã để lộ cho tôi biết thêm được nhiều điều. Ngoài nhiệm vụ được trời sai xuống làm gánh nặng cho gia đình thím, tôi còn là lý do để bọn hàng xóm coi thường thím.
Bây giờ, tôi vẫn có một chỗ kín đáo để nghỉ hè. Đó là chiếc giường gỗ thấp kê ở một góc cái gác xép nóng như thiêu. Giường rộng nhưng ngắn. Cái thế giới cỏn con đó còn bắt tôi phải co chân lại. Trong suốt ba tháng, ngày nọ qua ngày kia, tôi quanh quẩn bên giường. Lúc rảnh rỗi, tôi có thể ngồi yên, nằm hay ngủ để chờ giờ ăn cơm. Trước kia, tôi đã xin một việc làm để được đi lại, khỏi phải ngồi lặng lẽ hàng ngày như một pho tượng. Nhưng chú thím không cần khả năng làm việc của tôi bằng sự kín đáo.
Đời sống ở trường cũng chỉ là một chuỗi ngày giống nhau. Nhưng tôi có bạn. Tôi được nói và được nghe nói. Những người bạn như anh Phong đem đến cho tôi nguồn khích lệ tinh thần. Anh đã đọc cho tôi nghe câu chuyện tự thuật của một người khiếm thị làm luật sư để tôi thấy rằng không phải chúng tôi chỉ có thể làm được một nghề độc nhất là làm bàn chải, khả năng của tôi không phải chỉ ngồi quanh quẩn bên chiếc giường gỗ thấp chờ giờ cơm.
Tôi chán và sợ ngày về. Trong mùa hè năm đầu mới xa nhà, tôi đã trở về thành phố với niềm vui nặng hơn hành lý. Tôi khua chiếc gậy dò đường trên những vỉa hè quen thuộc. Tôi chú ý đến cả những luồng gió nhẹ từ lòng mấy ngõ hẻm lướt qua da thịt tôi. Và mỗi câu nói, dù chỉ là những tiếng mơ hồ, xa lạ gặp ở dọc đường, tôi đều lắng nghe.
Niềm vui trong cuộc đời tôi, và nhiều người như tôi, là hồi hộp chờ đợi một tiếng reo quen thuộc. Đột nhiên, tiếng reo nổi lên ở một hướng nào đó. Nỗi vui mừng vụt ra giữa bóng tối mênh mông. Tôi bồi hồi cảm động, nhiều lần run rẩy cả chân tay. Sự quen thuộc chỉ là một giọng nói và một bàn tay. Nhưng tôi chẳng bao giờ quên được những bàn tay, ngón tay và cả những chiếc khuy áo đã được nắm giữ. Tôi nhớ những đường gân và những cựa quậy mong manh của chúng. Vả lại, những bàn tay mà tôi được nắm lấy để hân hoan tỏ tình thân mật nào có nhiều gì.
Không hiểu sao, bây giờ, những bàn tay bè bạn cứ mất dần. Tỉnh nhỏ đó chỉ còn một cái giường gỗ nồng mùi bụi đợi chờ tôi. Chỉ có nó với căn gác xép nóng hổi là trung thành với tôi như bóng tối.
Một tiếng chân hơi nặng nề bỗng nổi lên ngay ở đầu giường. Tôi hỏi khẽ:
- Tên nào đó?
- Vĩnh đây.
- Mò đi đâu?
- Đi uống nước.
Vĩnh lần đến tận đầu phòng, ông giám thị đã ra lệnh không cho ai được quyền khát nước vào ban đêm. Vì thế, anh Bằng, lớn nhất bọn thường chịu khó lén lút, mỗi tối, đem một bình nước cất giấu ở gần giường anh. Tên nào khát cứ việc mò đến xin. Lúc Vĩnh trở lại, qua gần giường tôi, tôi hỏi:
- Khuya rồi nhỉ?
- Khuya lắm rồi. Ngủ đi. Sáng mai dậy đưa tiễn tụi nó.
Ở giường Thịnh vẫn có tiếng rì rầm nói chuyện và tiếng cười bị kìm hãm. Hình như Thịnh và Vân đang coi bói cho nhau bằng cách rờ xem chỉ tay. Tên nọ bảo tên kia sẽ giầu, sẽ sung sướng, sẽ lập được gia đình đàng hoàng. Cả hai có thể không tin lời nhau. Những ảo vọng được nhắc đi nhắc lại mãi cũng trở thành khả nghi. Nhưng chỉ còn cách đó để cười dễ dàng.
Những tiếng rì rầm biến đi một lúc lâu tôi mới cảm thấy buồn ngủ...
Sáng hôm sau, người chị của Thịnh đến đón hắn về từ sớm. Mới thoáng nghe tiếng chị ở phòng khách, hắn đã chạy ào xuống. Thịnh tốt số nhất trong bọn chúng tôi. Hắn có gia đình và được thương yêu. Chị Thịnh học ở Sài Gòn, thứ bảy nào cũng vào thăm hắn. Chị đọc thư nhà, chị nói chuyện về đời sống, chị nói đùa cho cậu em vui cười. Lúc buồn Thịnh có thể khóc thả cửa để được an ủi. Có một người chị nghe mình khóc như thế thật là sung sướng.
Ngày đầu tiên được đưa đến trường, Thịnh kêu gào ầm ĩ đòi về. Hắn đinh ninh là người ta bỏ tù hắn, tù về tội không làm được việc gì có ích. Các ông giám thị và cả ông hiệu trưởng xúm lại giảng giải, hắn càng sợ. Mới đầu hắn van xin rồi hắn dọa lại: hoặc cho hắn về hoặc hắn tự tử. Cũng như chúng tôi, lúc ấy, Thịnh nghi ngờ mọi người. Nhưng vì quen được cưng chiều, hắn dám tỏ lộ sự nghi ngờ ấy ra. Còn chúng tôi, chúng tôi đã quen chịu đựng, quen được dắt đi, được đẩy tới. Dù biết đang bị lừa lọc tôi vẫn cắn răng.
Ngay trong tình bạn, tôi sẵn sàng nhận chịu những chuyện dối trá. Có người đã đưa tay cho tôi cầm, bằng lòng trở thành bạn tôi. Nhưng sau, vì một cớ nào đó, người ấy không thèm gặp tôi nữa. Anh ta vẫn vào trường nói chuyện với vài người khác. Tôi cố tình đi quanh quẩn ở chỗ anh đứng nói chuyện và khắc khoải mong chờ một tiếng gọi để được reo lên, được nắm lại bàn tay, bóp nhẹ từng thớ thịt trên cánh tay anh ta. Nhưng tiếng gọi đó không bao giờ có nữa. Anh cố tình quên hẳn đứa bạn vô duyên. Và có lần anh đi qua mặt tôi với những bước chậm đều đều, yên ổn. Chắc anh ta không thể ngờ rằng tôi đã lắng nghe từng nhịp chân bước, từng hơi gió thoảng, và tôi đã cảm thấy rõ ràng hình bóng anh ta lướt qua mặt mình.
Thịnh chưa quen chịu đựng nên lần ấy đã giẫy giụa khóc lóc. Vài học trò lớn trong trường kéo đến phụ với chị Thịnh giảng giải cho hắn nghe. Nhưng hắn vẫn gầm thét:
- Các người tưởng tôi không thấy đường thì gạt được tôi hả? Tôi không mắc lừa mấy người đâu.
Sau đó người chị của Thịnh cũng bật khóc và không nói gì thêm được nữa. Phải được đưa đến lần thứ hai, Thịnh mới chịu ở lại trường. Những ngày đầu, chúng tôi thường đùa nghịch bằng cách vuốt mái tóc được uốn cẩn thận của Thịnh. Khuôn mặt hắn tròn, trán cao, làn da mềm và trơn. Chúng tôi đặt cho hắn cái tên quý hóa nhất “Hoàng Tử Đẹp Trai”.
Thịnh đã sửa soạn xong hành lý từ hôm trước, hắn đi từ giã từng đứa, chia gia tài cho mấy bạn thân. Vân được hộp thuốc đánh răng dở. Tôi và Vinh mỗi đứa một cục xà phòng.
Năm sáu đứa khoác tay nhau, chúng tôi đi tiễn chân Thịnh. Chị Thịnh chờ ở chân thang. Chị gọi tên từng đứa rồi hỏi:
- Chừng nào các chú mới về?
Vân trả lời thay cả bọn:
- Dạ, thưa chị, tụi em sẽ ở tới ngày cuối cùng, khỏi bỏ uổng cơm nhà bếp. Hồi nào tụi em bỏ cơm là lũ heo nuôi trong trường lại kêu la dữ lắm. Chúng nó sợ bội thực chị ạ!
Chị cười, tiếng cười kín đáo, ngắn, đứt đoạn, nghe không vui nhưng thật dịu dàng dễ thương. Vĩnh hỏi:
- Chị có thấy hồi này Hoàng Tử Đẹp Trai mập ra không?
- Nó mập và trắng hơn trước nhiều, các chú cũng vậy.
Chúng tôi đưa tiễn chị em Thịnh ra tận cổng trường. Chị nhẹ nhàng đặt tay lên vai từng đứa để từ biệt. Cánh cửa đóng lại rồi Vân còn nói với theo:
- Mùa hè Thịnh gắng ăn cho thật mập, thật nặng ký nghe chưa. Đầu niên học, tụi mình cùng mập, tụi mình sẽ giẫm sập lầu nhà trường. Chính phủ phải xây cho mình ngôi trường khác ngon lành hơn.
Tiếng cười của Thịnh lẫn trong tiếng cánh cửa xe đóng lại, tiếng xe xa dần...
Chuông điểm thời gian báo chín giờ được một lúc thì đến lượt anh Tần sửa soạn lên đường. Cũng như Hoan, anh đã ở trường đủ năm năm, đã đỗ bằng Tiểu Học, nên lần ra đi này được kể là vĩnh viễn. Chúng tôi xúm quanh anh nói chuyện, đùa nghịch, vì biết có thể suốt đời chẳng có dịp gặp anh nữa. Đứng sát bên nhau còn có lúc chẳng nhận được nhau, nói gì đến chuyện tái ngộ.
Anh Tần không có ai đến đón. Gia tài cũng chỉ gồm hai chiếc va li không nặng lắm. Vĩnh nói:
- Theo thầy tướng Vân thì cái số bồ Tần về sau này thế nào cũng làm ăn khá giả. Lúc đó đừng quên anh em đấy.
Vân bảo:
- Yên trí. Anh ấy không quên đâu. Khi thành triệu phú anh ấy sẽ lập một cái trại nuôi tụi mình cho mà coi. Tụi mình chỉ việc ăn xong là rỡn, lại có vợ con đàng hoàng.
Tần không nói gì. Có thể anh ta đang cười lặng lẽ, có thể anh ta không thích những câu nói đùa của các bạn. Vân hỏi:
- Anh Tần chịu thế không?
Tần trả lời, giọng sốt sắng một cách giả tạo:
- Chịu chứ. Tớ sẽ đem bằng cấp đi rao bán, bao giờ đủ một triệu thì sẽ bao các cậu.
Cả bọn reo lên. Bỗng Sinh nói một câu rất ngang:
- Ôi, bằng cấp của anh chỉ là đồ bỏ, cho tôi cũng không thèm lấy. Muốn thành triệu phú thì lại đây tôi chỉ cho nghề coi bói gia truyền. Cam đoan đoán vận mạng, công danh, ái tình đúng trăm phần trăm. Hành nghề vài năm là có nhà lầu, xe hơi. Con gái tới bu đầy cửa, phải nhờ cảnh sát giải tán.
Tần cười to, cay đắng:
- Tớ về rồi mai mốt các cậu nghe tin có đứa ngực đeo bằng cấp, vai gánh bàn chải, nằm chết vì đói thì đứa đó đúng là tớ.
Tần xách va-li. Chúng tôi, đứa nắm tay, đứa nắm áo anh ta cùng đi tiễn chân. Được mấy bước, bỗng Sinh nảy ra một ý kỳ quặc. Hắn tiến lên trước. Chúng tôi đâm vào hai cánh tay Sinh vừa dang ra để chặn cả bọn. Sinh nói:
- Khoan đã các bồ. Tôi đề nghị cái này. Anh Tần rời khỏi nhà trường vĩnh viễn, từ hôm nay không được chính phủ nuôi thì kể như anh ấy đã chết rồi.
Vĩnh kêu lên:
- Ê! Đừng có ăn nói bậy bạ. Người ta đang sống nhăn mà bảo chết, chết cái gì?
Giọng Tần hơi run, trầm, không hiểu vì giận dữ, xúc động hay vì anh ta đang cố nín cười:
- Sinh nói đúng đó. Rời nhà trường mình thất nghiệp là chết đói.
- Chết vì đói, vì không thấy đường mà lao xuống sông, bị xe cán... thứ nào cũng được. Tụi tôi kể như bồ chết từ hôm nay.
vẫn dang tay chắn lối chúng tôi, Sinh nói to:
- Vậy tụi mình phải tổ chức đám tang cho bồ Tần. Phải có khóc và có văn tế đàng hoàng.
Cả bọn yên lặng, sững sờ. Nhưng rồi hình như ai cũng thấy đề nghị đó hay hay, là một cớ để vui đùa thêm. Khi Vĩnh lên tiếng đồng ý thì cả bọn nhao nhao hưởng ứng. Tần bật cười ngỡ ngàng. Sinh vẫn giữ vai chủ động cái trò “đưa đám” này. Nó nói:
- Phải có người làm vợ, người làm con của hồn ma ông Tần. Mấy người này phải khóc thật lớn. Đứa nào khóc giả vờ ông Tần có quyền làm ma bóp cổ. Một người sẽ đọc văn tế.
Vĩnh nói:
- Thôi, bỏ cái mục khóc đi, um xùm quá, mấy ông giám thị biết, bị rầy chết.
Nô bảo:
- Khỏi lo, cứ khóc thả giàn đi, mấy ông giám thị không có dưới phòng khách đâu.
Sinh ra lệnh:
- Anh Nô coi lại đi, cho chắc ăn.
Nô hăng hái bước ra cầu thang. Hắn giậm chân thình thình xuống sàn gác ba bốn lần. Chúng tôi im lặng, lắng tai nghe ngóng, chờ đợi. Không có gì lạ. Các ông giám thị đi vắng thật rồi. Được tự do, đám tang hẳn sẽ ly kỳ và linh đình lắm. Vĩnh lên tiếng phân công rất dõng dạc:
- Nghĩa địa sẽ là cổng trường. Tụi mình chỉ được quyền đưa anh Tần từ đây tới đó... Bồ Nô mới thi đậu, văn chương chữ nghĩa cùng mình, tôi mời bồ đọc bài văn tế. Tôi giả làm vợ. Còn các bồ kia ai muốn làm con hay bạn cũng được.
Nô không biết một bài văn tế phải viết thế nào. Nhưng hắn vốn ăn nói lưu loát nên thoát được ngõ bí. Bằng một giọng chậm rãi, khề khà, quan trọng, Nô đọc tên tuổi Tần và những thành tích của anh ta: đã đậu bằng Tiểu học, đã từng nhiều lần đến muộn bị ông giám thị phạt không cho ăn cơm, đã từng lén đem nước lên lầu uống đêm v.v... rồi hắn chúc cho Tần lên trời ở với Tiên, Phật.
Những người khác thì bắt đầu ỉ eo khóc lóc. Mới đầu đóng trò còn lúng túng, sau, ai cũng khóc to, và rất thảm thiết...
Vĩnh cố bắt chước giọng khóc của đàn bà. Nhiều lúc hắn bị lạc tiếng, khóc chẳng ra khóc, rên chẳng ra rên, nghe kỳ quái và khôi hài. Vài tên bật cười, Sinh thường phải gầm gào lên để cứu vãn tình thế. Nô đọc văn tế xong cũng khóc ông ổng. Hắn kể lể bằng những lời than tiếc, ai oán, thảm thương như đang thực sự đi theo sau một cái quan tài.
Một lần tôi bật cười vì không chịu nổi trò kỳ quái này, Sinh bóp mạnh vai tôi:
- Bồ rỡn hả?
Rồi hắn cầm bàn tay tôi đưa lên mắt hắn:
- Bồ xem tôi khóc thật đây này.
Mắt Sinh ướt thật. Một dòng nước làm ướt một bên sống mũi nó. Tôi không hiểu đó là nước mắt thật hay chỉ là nước bọt nó bôi lên.
Anh Tần đâm ra lúng túng. Mới đầu anh cười sặc sụa. Anh quẳng va li xuống sàn gác để cười. Nhưng rồi tiếng cười bắt đầu đứt khúc, nghèn nghẹn và gượng gạo. Khi tất cả đã gào khóc quá hăng, Tần hét lên:
- Thôi đi các cha! Rỡn cái lối gì kỳ vậy.
Chắc cái lối vừa khóc vừa gọi tên anh của chúng tôi đã làm anh bối rối, ngượng ngùng rồi bực mình. Có bao giờ một người được thiên hạ tỏ cảm tình nồng nhiệt bằng hắn được đưa ra nghĩa địa. Nhưng Tần càng lúng túng thì chúng tôi càng khoái chí, khóc lóc hết sức say sưa. Vĩnh kể lể khá tài tình, hắn vẽ ra một cảnh gia đình rất đáng thương. Chúng tôi vừa gầm gào vừa chồm lên bám lấy người Tần như bám lấy cái quan tài, giữ linh hồn người chết lại dương thế. Tôi nắm được vai anh ta và cảm thấy đầu anh đang chúi xuống vì nhiều cánh tay. Tôi bị Tần thúc một cùi chỏ vào giữa ngực đau điếng. Mấy đứa kia cũng tru tréo lên vì bị Tần đẩy. Nhưng không đứa nào nản chí. Cả bọn cứ vây quanh Tần vừa đi vừa khóc. Đến đầu cầu thang, Tần lại chợt bật cười. Và, từ lúc đó, anh để mặc cho chúng tôi đưa đám anh.
Đám tang thật là vui vẻ và hấp dẫn. Trong mấy năm trời ở đây quả thực chưa có trò đùa nào lại khiến tôi say mê đến thế. Suốt đời bị giam một chỗ, quen thuộc với một không gian chật hẹp, mỗi lần bước vào nơi lạ là e ngại, dè dặt như bước vào sự mênh mông. Chỉ xảy chân là có thể bước thẳng xuống ngôi mộ của mình, chúng tôi luôn luôn được nhắc nhở như thế. Chúng tôi nghĩ đến cái chết quá nhiều. Thế nên chúng tôi hăng say khóc lóc đưa ma một người sống.
Đi quá nửa sân gần tới cổng, Vĩnh thôi khóc và ra lệnh cho anh em:
- Thôi tới cổng rồi. Cấm khóc. Những giây phút quý báu còn lại là để mặc niệm. Người ngoài đường họ thấy kỳ lắm, tủi vong linh người chết.
Sinh và Tần đột nhiên gào thật to như nổi cơn điên. Vân vừa khóc vừa nói:
- Thấy thì thấy. Kệ họ.
Rồi hai tên đó gạt chúng tôi ra, bảo nhau:
- Mình khênh anh Tần lên.
Đứa nhỏ ở nhà bếp được Tần nhờ đi gọi xe đã trở vào:
- Có xe rồi đó anh Tần.
Nó cười rú lên trước cảnh lạ. Ngoài cổng tiếng máy xe nổ đều và giòn.
Tới cổng chúng tôi dừng lại nghiêm trang chào từ biệt Tần. Những câu chúc tụng đầy ảo vọng lại vang lên. Tần ra xe. Chúng tôi đứng dựa cổng gỗ lắng nghe tiếng máy xe xa dần. Lạy trời! Mong rằng cuộc đời không phải chỉ là năm năm có cơm áo nhà trường, tốt nghiệp không phải là sự bắt đầu một cuộc đời kham khổ, cay đắng hơn.
Chúng tôi vẫn phải tin tưởng, nhờ cậy ở cánh tay những con người trời sinh ra toàn vẹn. Chúng tôi vẫn thường nắm chặt cánh tay họ để mạnh bạo tiến lên. Cầu cho Tần, nếu không tìm được một nghề, một tấm lòng bác ái, thì ít nhất anh cũng nắm được một cánh tay đưa đường không hờ hững, dửng dưng...

*

Hôm nay Hoan cũng về nốt rồi. Có người muốn tổ chức một đám tang nữa, nhưng không ai cảm thấy hứng thú. Hoan nghiêm trang quá. Tình bạn của anh đầy chân thành, thiết tha mà vẫn chừng mực. Hoan đến giường từng người để từ biệt. Mỗi người anh khuyên một câu. Riêng với tôi, anh đưa tay lên xem lại mặt tôi nhiều lần. Tôi cũng nắm chặt cánh tay gầy guộc của anh. Giọng nói Hoan gợn lên những tiếng trầm thật khác lạ. Chưa bao giờ tôi nghe giọng anh ta bị lạc đi đến thế. Hoan nói:
- Nếu một trong hai đứa còn thấy đường thì sau này...
Anh ta không nói hết câu. Tôi cũng chẳng hiểu anh muốn nói gì với ba tiếng “còn thấy đường”, nhưng không hỏi. Chúng tôi vẫn cố tránh chạm vào nỗi tuyệt vọng của mình. Khi tuyệt vọng lên tiếng, nó nói rất lâu và hành hạ chúng tôi một cách thật tàn bạo. Tôi nói gượng:
- Niên học tới, nếu rảnh, Hoan tới thăm trường, tụi mình lại gặp nhau.
Hoan đặt tay lên vai tôi, lần dọc theo cánh tay, rồi vuốt nhẹ từng ngón, anh ta vẫn bảo rất yêu ngón út của tôi vì nó tròn và thon nhỏ. Hoan cười:
- Làm sao còn có dịp để tới thăm trường?
Câu than nhẹ nhàng như một tiếng thở dài. Dù có đủ can đảm để vượt hàng trăm cây số đến thăm bạn, đời sống chắc sẽ chẳng cho phép anh làm việc đó. Hoan đã biết gì về tương lai của mình đâu. Ra khỏi cổng trường là bước thẳng vào sự bơ vơ. Còn đủ năm giác quan đã chắc gì tìm được một chỗ đứng yên ổn. Hoan lại mới mất ánh sáng nên khó giữ được tâm trí bình thường. Được hưởng một số năm có ân huệ của trời anh lại khổ vì nỗi chẳng quen chịu đựng thiệt thòi từ thuở bé. Có chúng tôi, anh được an ủi và được quên. Trong cái thế giới nho nhỏ này, mọi người cho và nhận đồng đều. Ra ngoài, mọi chuyện sẽ khác.
Đưa tiễn Hoan xong, tôi trở lên lầu, nằm dài trên giường, bỏ bữa cơm trưa. Phải mất vĩnh viễn một người bạn thật khó chịu. Tôi bực bội, rồi ý nghĩ co kéo nhau đến đầy đầu. Niềm chua xót cho thân phận xen lẫn những ước vọng viển vông cứ dằn vặt mãi. Cuối cùng, nỗi tuyệt vọng tràn đến làm nóng đầu và hơi nghẹt thở. Tôi bắt đầu thèm cái khoái cảm của anh chàng, một lần, đã liều lĩnh giậm thình thình lên sàn gác và hò hét vang trời...
Tôi tỉnh dậy khi cảm thấy hai chân nóng ran. Ánh nắng chiều xuyên qua cửa sổ đã làm rát một khoảng da từ cổ chân trở xuống. Nệm giường cũng nóng hôi hổi. Trong phòng chả có đứa nào biết mà đóng giùm tôi hai cánh cửa sổ.
Vừa bước vào phòng rửa mặt, tôi đã nghe tiếng Vĩnh hỏi:
- Thương đấy hả?
- Tớ đây.
Tôi đến bên cạnh Vĩnh, lấy nước đổ lên hai bàn chân cho đỡ khó chịu.
Vĩnh khoe:
- Mình khỏi về bên Lào. Mình kiếm được nơi nghỉ hè rồi.
- Ở đâu thế? Ô Cấp hay Đà Lạt?
- Ối, chỗ này sang hơn mấy nơi đó nhiều. Đoán coi.
- Chịu.
- Viện mồ côi.
Tôi kêu lên:
- Ai cho bồ nghỉ hè ở đó? Bồ đâu phải trẻ mồ côi.
Vĩnh đáp, kiêu hãnh:
- Thế tôi mới hay chớ. Tôi nhờ ông hiệu trưởng viết giấy giới thiệu. Tôi sẽ đi với bọn thằng Thiệp nhỏ. Bồ nên nhớ, thằng Thiệp nhỏ là khách quen của viện mồ côi. Mấy năm trời nay nó đều về nghỉ ba tháng hè trong đó.
Thiệp nhỏ làm quen và ăn cơm của viện mồ côi hồi mới lên năm hay sáu tuổi. Nó được gởi sang đây học và năm nào cũng nhớ trở về viện nghỉ ba tháng hè.
Thiệp mang trong lòng một nỗi tiếc hận ghê gớm.
Nó luôn nói về niềm tiếc hận đó với giọng lúc buồn rầu, lúc hăm hở. Có dịp kể lể, tâm sự, Thiệp luôn quả quyết rằng nó không phải là đứa trẻ mồ côi thực thụ, nó dám thề độc để bảo đảm cho điều nó nói. Nó nhớ mang máng rằng gia đình nó cũng khá giả, có cửa hiệu bán tạp hóa hẳn hoi. Khi nó mới mất ánh sáng, mẹ nó cho rằng đó là điều tiền oan nghiệp chướng. Bà nhất định đem cho nó đi. Lần đầu người xin thấy nó khóc quá đem trả lại. Lần thứ hai Thiệp được đưa vào viện mồ côi.
Nó bảo không thể quên được ngày hôm ấy. Nó được mẹ đặt trên cái ghế trong một căn nhà lạ nào đó. Bà bảo nó ngồi chờ bà đi mua kẹo. Và nó chờ, chờ mãi, rồi khóc lóc, được dỗ dành, tuyệt vọng và tập quen đời sống trong viện mồ côi. Khó mà hiểu nổi nỗi kinh hoàng của một đứa bé, mới năm, sáu tuổi, khi nó quờ quạng trong bóng tối, nghe vang bên tai những giọng nói lạ, và cảm thấy mất bà mẹ thân yêu.
Bây giờ, Thiệp nhỏ đã quen chịu đựng và bình thản sống, nhưng mỗi lần kể lại chuyện mình, nó kết luận bằng một câu than:
- Hồi đó mình còn nhỏ, ngu quá. Giá như bây giờ thì mẹ mình làm sao đánh lừa và bỏ nổi mình. Mình cứ nắm chặt lấy áo mẹ là xong, nắm thật chặt...
Rồi để chứng tỏ bây giờ nó đã khôn, đủ sức bám víu vào những người thân yêu, Thiệp nhỏ chồm lên ôm chặt lấy người đối diện:
- Rồi, anh thử gỡ ra coi. Tôi ôm cứng thế này thì làm sao mà gỡ cho nổi. Mẹ tôi chỉ có cách chặt tay tôi đi mới bỏ tôi được.
Quả thực, ai cũng công nhận Thiệp nhỏ bám chắc thật, tưởng như muốn gỡ nó ra sức một người không đủ. Nhưng nó nghĩ rằng người ta chỉ có mỗi một cách chặt tay để bó nó thì thật là ngây thơ. Hai bàn tay đâu đủ mạnh để bám vào vạt áo những người đã quyết xa lánh mình. Không ai nỡ nói cho nó nghe điều đó.
Bây giờ Thiệp còn ôm ảo vọng. Nó thích được đi lang thang đây đó để may ra, một ngày nào đó, tình cờ, bước vào đúng tầm mắt của người thân, được nghe lại tiếng nói, tiếng gọi mà nó khắc khoải mong chờ từ bao năm trong viện mồ côi...
Tôi hỏi Vĩnh:
- Ở viện mồ côi có gì lạ không?
- Thì chắc cũng như ở đây, ngày nào mình cũng được ăn no. Nhưng không được đi dạo trong một cái sân rộng, không được đứng bám vào cánh cửa gỗ nghe tiếng động ở ngoài đường. Nhưng dù sao cũng được đổi không khí.
Tôi trở ra. Vĩnh còn nói với theo, tiếng hắn vang lên ong óng, như phát ra từ tất cả các góc tường quanh tôi:
- Suốt đời ngồi tù trong bóng tối thì thay đổi một căn phòng giam nào có nghĩa lý gì...
Tôi đã đi qua hết địa phận “nhà ngồi chơi” và nghe những tiếng đàn hát từ các lớp học vọng lại. Chắc những người bạn của chúng tôi vào thăm lần cuối cùng trước hè. Tôi phân biệt được tiếng cười giòn tan của anh Trần, tiếng đàn dồn dập của anh Vinh và tiếng hát cao vút của chị Hằng. Chị Hằng hay hát bản “Thu Vàng” chúng tôi đã nghe bao nhiêu lần rồi mà không chán. Giọng chị ướt mềm như được gói trong một màn sương mỏng. Lời ca dẫn chúng tôi đi trong gió thu, trong tiếng lá bay, và trong mùi thơm kỳ dị của loài cỏ úa.
Chắc anh Phong và những người bạn tôi hôm nay không vào. Trong lần gặp trước, anh nói là sẽ đi Cấp nghỉ mát. Tôi muốn biết anh đã đọc và viết được chữ nổi chưa, nhưng không dám hỏi. Như thế là mùa hè này tôi sẽ không nhận được một cái thư nào. Thiếu tiếng nói trên giấy của một người bạn phương xa chắc cái giường và căn gác xép sẽ đáng chán hơn nhiều. Bây giờ, tôi lại tiếc đã không thẳng thắn yêu cầu anh viết thư cho tôi. Những câu an ủi vượt hàng ngàn cây số đến với mình, trong lúc mình ngồi ngơ ngẩn giữa phòng giam trá hình, chắc chắn sẽ đáng yêu quý như những bà tiên hiền hậu.
Cảm thấy nao nức vì những tiếng cười, tôi bước vội vào phòng khách. Tôi muốn nhập bọn và được vui vẻ. Nhưng đến chân thang thì e ngại, ngập ngừng. Những người như anh Trần, anh Vinh, chị Hằng... chưa phải là bạn của tôi. Hay nói đúng ra là họ chưa nhận tôi là bạn. Mặc dầu, tôi biết tên, phân biệt được giọng nói và hiểu khá rõ về tính tình từng người. Ở đây, bạn bè là một món hàng khan hiếm và quý giá, người ta không chịu chia sẻ cho nhau. Ai kiếm được một người bạn thì tìm cách giữ lấy cho riêng mình, cùng lắm chỉ có vài người bạn thân nhất là được “nhập bọn”.
Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng, trong mấy ngày cuối cùng mọi người đều dễ dãi. Tôi đi qua từng lớp. Đến mỗi lớp, tôi đứng dựa vào một bên cửa nghe ngóng và chờ đợi. Chỉ có tiếng đàn, tiếng hát. Không có ai gọi tên tôi. Đi hết năm lớp chưa nản lòng, tôi đi ngược lại. Lần này lên tiếng vờ hỏi xem Vĩnh có trong lớp không, và đứng lại lâu hơn. Như thế chắc chắn mọi người có thể nhìn hoặc nghe tiếng mình. Nhưng không có một tiếng reo chào đón nào.
Cuối cùng, không còn hy vọng, tôi lần bước trở lại sân sau. Sự buồn chán và bực tức thình lình kéo đến khiến tôi cảm thấy tai ù lên và đầu nặng trĩu. Tôi trở lại phòng tắm gọi Vĩnh, nhưng hắn đã đi đâu mất rồi.
Ngay lúc ấy, đột nhiên không muốn ở lại trường cho tới ngày cuối cùng, tôi quyết định xin về với bọn Tấn và Hoành vào sáng hôm sau.

*

Tối hôm trước, ông hiệu trưởng khuyên chúng tôi đi ngủ sớm. Nhưng tôi và Vĩnh vẫn khoác tay nhau đi vòng quanh sân sau cho đến khi nghe tiếng chuông reo cuối cùng. Lên giường cũng không ngủ ngay được. Ngày đẩy chúng tôi vào tương lai, đêm lại kéo chúng tôi về quá khứ. Tôi thao thức mãi. Những người thường phải nằm nghe tiếng động trong đêm là những người luôn được nghe sự buồn khổ, tuyệt vọng của mình lên tiếng nói.
Qua một giấc ngủ thật ngắn, tôi tỉnh dậy vì những tiếng động nhỏ. Tấn và Hoành đã thức từ lúc nào và đang thì thầm nói chuyện. Dưới nhà bếp cũng có vài tiếng chậu thiếc chạm trên nền gạch. Âm thanh mỏng và sắc cạnh. Nhớ là Hoành có đồng hồ, loại đồng hồ có thể mở mặt kính ra bất cứ lúc nào, tôi hỏi:
- Mấy giờ rồi Hoành?
- Ba rưỡi rồi. Dậy sửa soạn là vừa.
Tôi chẳng có gì phải sửa soạn lâu. Chỉ cần đóng nắp chiếc va-li rách lại là xong.
Khoảng gần bốn giờ sáng, ông hiệu trưởng và ông giám thị Toán lên phòng đón chúng tôi. Ông hiệu trưởng cũng mò mẫm dậy từ ba giờ sáng và muốn đưa chúng tôi ra tận nhà ga. Ông gõ nhẹ chiếc gậy vào chân giường tôi và hỏi:
- Thương, Hoành, Tấn dậy chưa?
Chúng tôi chào ông. Chắc hành lý của bọn Tấn, Hoành có vẻ cồng kềnh lắm, ông giám thị cười bảo:
- Trời đất! Mấy em này đi đâu cũng mang đủ thứ. Đồ đạc không thua gì mấy gánh hát.
Ông hiệu trưởng cũng cười, hỏi:
- Mấy cậu ấy có những thứ gì đó?
Ông giám thị đáp:
- Hai ba va-li quần áo đồ dùng. Rồi đờn guitare, đờn mandoline, kèn, sáo...
Hoành bào chữa:
- Coi nhiều vậy mà chẳng có gì đâu ạ. Trong va-li của em chẳng hề có một cái áo không vá.
Ông giám thị dắt ông hiệu trưởng đi trước, chúng tôi lặng lẽ đi theo tiếng gậy khua trên nền gác.
Chiếc xe của nhà trường đưa chúng tôi qua các phố còn yên ngủ. Rồi nó dừng lại trong tiếng ồn ào của nhà ga. Chúng tôi nắm cánh tay dẫn dắt của ông giám thị và người tài xế để bước xuống. Lần trong mùi khói tàu khét lẹt tôi ngửi thấy cả mùi thơm của những món quà buổi sáng. Ông giám thị dắt chúng tôi vào ngồi chờ trên một chiếc ghế dài. Tôi lắng nghe những tiếng động xung quanh một cách tò mò và cố tìm nguyên do của từng âm thanh. Có một lần, tôi nghe những tiếng động sền sệt, kéo dài, giống như người ta kéo lê một vật nặng. Nhưng tiếng động này bị ngắt khúc một cách khó hiểu. Tôi đưa tay định tìm Hoành thì lại chạm vào cổ tay áo được là cứng của ông hiệu trưởng. Ông nắm nhẹ tay tôi:
- Thương hả?
-Dạ.
- Được về nghỉ hè có vui không?
- Dạ, thưa ông, vui.
- Ờ, về nghỉ hè cho khỏe rồi sang năm trở lại học. Gắng ăn nhiều cho mập nghe.
Ông hỏi to:
- Có em nào đói chưa?
Chúng tôi chưa kịp trả lời, ông đã gọi người tài xế nhờ mua mấy khúc bánh mì. Chúng tôi vừa nhai bánh mì vừa nghe ông nói. Toàn là những lời dặn dò. Ở trường mấy năm tôi đã biết rõ tính ông. Những lúc thương chúng tôi là những lúc ông nói nhiều, khuyên bảo nhiều:
- Về nhà, các em cần nhớ là lúc nào cũng ăn mặc thật cẩn thận sạch sẽ. Đừng quên rằng người ta luôn luôn thấy mình. Tôi biết có nhiều em về với gia đình không được tiếp đón đàng hoàng. Phải tập kiên nhẫn, chịu đựng mọi hoàn cảnh...
Tiếng ồn ào lấp dần tiếng nói của ông. Tàu sắp sửa chạy. Chúng tôi được đưa vào ngồi trong một toa có những chiếc ghế dài. Ông hiệu trưởng lên theo. Ông đi xoa đầu từng đứa. Tiếng gậy của ông đập nhẹ và rời rạc trên nền toa xe. Ông nhờ ông giám thị soát lại quần áo, đầu tóc chúng tôi. Tấn nói:
- Đi xe lửa ớn quá.
Ông hiệu trưởng hỏi:
- Sao mà ớn?
- Con thấy người ta nói hồi này xe lửa hay bị giật mìn, trật đường ray luôn.
Chúng tôi im lặng. Ông hiệu trưởng cũng im lặng lâu lắm, khi ông cất tiếng nói, nghe giọng ông, tôi biết rằng ông đã lo lắng thật sự.
- Thì cũng cầu ở trời chứ biết sao.
Hành khách lên đã khá đông. Tàu sắp chạy. Ông lại đi nắm tay từng đứa và dặn dò:
- Nếu chẳng may có việc gì xảy ra thì mấy em cứ chui nằm dưới gầm ghế. Có cái gì rơi nó cũng không đè lên người. Nhớ kêu thật lớn cho người ta biết người ta tới cứu... Thôi chúc các em may mắn.
Chúng tôi lên tiếng chào ông và ông giám thị. Tiếng gậy của ông khua chậm chạp và xa dần ở cuối toa.
Tàu chuyển bánh trong tiếng xôn xao, trong bầu không khí còn gây gây lạnh. Chuyến đi này đã được lo liệu đầy đủ mọi phí tổn. Chúng tôi chỉ việc ngồi yên để được đưa đi, cũng như suốt đời chúng tôi đã quen phó mặc. Ngay trong đời sống, chúng tôi cũng chỉ là những hành khách hiền lành và thiệt thòi, lặng lẽ đi trên con đường nhỏ hẹp số mệnh đã ban cho.
Tôi không phân vân thắc mắc về chuyện những quả mìn nằm giữa đường sắt rình chờ lật tung các toa tàu. Tôi muốn được ngồi thật yên tĩnh như người ngủ. Gió bên ngoài đem cái lạnh ùa qua cửa sổ quấn lấy đầu, mặt tôi. Đặt tay một cách hờ hững lên vai Hoành, tôi nhớ lại câu nói của Vĩnh:
- Suốt đời ngồi tù trong bóng tối thì thay một phòng giam nào có nghĩa lý gì...
Chẳng hiểu sau ba tháng hè, không được trở lại trường, không về Lào thì hắn sẽ đi đâu. Tiếng than của hắn vang vang dội vào bốn phía tường. Dù sao, hắn còn muốn về một nơi nào đó.
Một tiếng ho bật lên ở cuối toa xe và biến ngay trong tiếng gió. Tôi nghe vọng lại trong lòng nỗi cô đơn của tiếng đầu gậy dò đường khua chập chờn trên một con đường hoang vắng...