Chương 5

     ì Hạnh cầm trên tay hai chiếc phong bì vui vẻ báo tin cho cả nhà vào bữa ăn trưa.
- Anh Long mời cả nhà đi xem đoàn kịch trình diễn.
Bà ngoại uống một hớp chè tươi liếc sang ông ngoại, ông ngoại và nốt miếng cơm cuối, im lặng nhai. Dì Hạnh biết ý cười giả lả:
- Bạn của cháu Phượng đóng vai chính, Hoàng mới tốt nghiệp nên cũng muốn có bạn bè xem và phê bình.
Ông ngoại tằng hắng rồi nói:
- Ngoại biết ngày xưa ngoại cũng mê ca kịch lắm chớ. Nhưng mê nên mới biết. Nghề xướng ca không có hãnh diện chi mô. Chi cũng là xướng ca, mà ông bà mình có nói, xướng ca vô loại, tính tình họ không có rõ ràng... Đó là do ngoại biết ngoại nói.
Phượng thưa:
- Dạ thưa ngoại, mấy người bạn của con đều đứng đắn cả. Họ tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc tương đương với tốt nghiệp đại học, chớ không phải như hồi xưa. Phải học dữ lắm đó ngoại.
Hạnh được thể nói thêm:
- Học làm đạo diễn còn khó hơn. Nói chung mỗi người mỗi tính, nhưng con thấy các bạn Phượng đều đàng hoàng hết.
Minh cũng chen vào:
- Thưa bác, chị Hạnh nói đúng đó. Họ là những người được đào tạo song song cả văn hóa lẫn nghề nghiệp nên tác phong họ khác. Hai bác cũng nên đến để động viên các bạn ấy.
Ông ngoại ngần ngừ.
- Bác già rồi, đi về khuya không chịu được. Thôi thì mấy anh em dì cháu đi đi. Nhưng cũng phiên phiến, giao thiệp với họ có giới hạn chớ đừng luông tuồng. Ở Huế mình bà con còn khe khắt lắm chớ không như ở trong nam.
Dì Hạnh cười:
- Có con mà ba còn lo cho con Phượng. Để con lo cho. Dư một vé cho Minh rủ thêm bạn đó.
Minh cười:
- Thì em mời Phượng đi xem kịch. Phượng đi chứ?
Dì Hạnh mỉm cười:
- Phượng thì không thể vắng mặt rồi.
Phượng bực quá, háy Minh một cái dài.
Bà ngoại nhai trầu bỏm bẻm cũng nói thêm:
- Có đàn ông theo ngoại cũng yên tâm. Cháu Minh phải giúp dì cháu nó. Đi khuya, con gái con đứa, bác sợ lắm chớ. Rủi có bề chi biết ăn nói với ba má con Phượng làm răng. Dù gì cháu cũng là người nhà.
- Con lớn rồi chớ bộ, đâu cần ai theo giám sát.
Nhưng chưa hết câu thì Minh đã nói với dì Hạnh:
- Em sẽ đi, nhưng không biết có kịp không, vì em còn vài việc phải làm.
Phượng hơi hối hận bởi thái độ bất lịch sự của mình. Dù sao Minh cũng là người bạn tốt, công bằng mà nói, kể từ khi Phượng có mặt ở Huế đến nay, Minh là người quan tâm đến Phượng nhiều nhất, còn hơn cả Hoàng. Nghĩ đến Hoàng, Phượng lại cảm thấy buồn buồn. Thật ra, Phượng không còn giận Hoàng nữa. Đêm hôm qua, trong lúc Phượng đang đau khổ, Hoàng xuất hiện như một phép lạ và đến bên Phượng với nguyên tình cảm đậm đà âu yếm. Phượng đã khóc thật nhiều và Hoàng cũng đã giải thích, hứa hẹn thật nhiều. Bao câu trách móc, bao niềm đau khổ ghen hờn tích chứa suốt mấy ngày nay được dịp tuôn trào. Và cũng như những lần trước ở thành phố, Hoàng với giọng nói vỗ về trầm ấm, với ánh mắt nồng nàn, với vòng tay, môi hôn nóng bỏng đã xoa dịu nàng, đem lại lòng tin yêu cho nàng.
- Thôi, Minh ráng về sớm đưa Phượng đi trước kẻo trễ. Còn dì đi ăn đám cưới về, sẽ ghé luôn ở rạp khỏi về lại nhà mắc công.
Minh liếc sang Phượng thật nhanh rồi không biết nghĩ sao Minh mỉm cười vui vẻ.
- Rất hân hạnh được làm tài xế cho Phượng.
Phượng bực bội nhưng đành chịu vì trước hết Phượng chưa thuộc đường trong thành phố, hai là Phượng không muốn mất một màn kịch nào có Hoàng.
Tối khai mạc. Minh đưa Phượng đi bằng chiếc xe Honda mượn được của mấy người bạn ở bên Sở Thông tin Văn hóa. Trên đường từ nhà đến trường Quốc gia Âm nhạc, Phượng không nói với Minh nửa lời. Nàng để hồn nhớ về những buổi trình diễn của Hoàng ngày trước lúc anh còn đang là sinh viên của trường Kịch nghệ. Phượng đã từng ngồi lẳng lặng dưới sân khấu nhìn theo từng bước di chuyển, từng câu nói, từng nét mặt diễn xuất của Hoàng. Để rồi khi vãn hát, hai đứa đèo nhau trên chiếc xe gắn máy cũ mèm trở về nhà ngang qua những con đường vắng vẻ, bàn tán về vở diễn, chọc ghẹo nhau rồi cười vang đoạn đường đêm.
- Đã đến rồi Phượng.
Phượng giật mình thốt lên:
- Đến rồi à?
Minh mỉm cười trêu chọc:
- Phượng nghĩ gì mà ngẩn ngơ như vậy? Hay là nghĩ đến...
Phượng mắc cở gắt gỏng:
- Phượng nghĩ gì mặc Phượng, có liên quan gì đến anh đâu?
Minh buồn rầu nói:
- Minh xin lỗi, đùa Phượng một tí thôi, chứ có đâu từ nhà qua đây hai đứa như câm hết. Ngó bộ Minh là khắc tinh của Phượng sao mà khắc khẩu thế.
Phượng qua lại giục giã vì thấy bóng của ông Long trong nhà hát.
- Anh lo gửi xe rồi còn vào, đứng nói vẩn vơ mãi. Ai bảo anh cứ cố tình trêu Phượng. Phượng đang bực mình đây.
Minh lẳng lặng không nói, đi gửi xe trong khi Phượng đứng ngắm mặt tiền của rạp hát. Trên những tấm panô lớn, tên Hoàng và Thùy Linh song song nhau đứng đầu bảng. Hai diễn viên chính của đoàn kịch được loa phóng thanh đọc tên nhiều lần. Phượng nghe lòng rộn rã và hãnh diện về người mình yêu. Hình ảnh Hoàng lớn lao và cao hơn hết chiếm trọn tâm trí Phượng. Phượng lắng tai nghe những lời bàn tán của khán giả đang đứng đông nghịt chung quanh. Hoàng của Phượng, một nghệ sĩ lớn và như vậy tình yêu của hai người là một điều tuyệt vời mà Thượng Đế đã dành cho Phượng.
Đang ngây ngất với những suy nghĩ của mình, Phượng giật mình khi Minh đã trở lại và ghé vào tai Phượng thì thầm.
- Cô làm ơn tươi lên một tí. Gớm, cứ như vừa cãi lộn xong.
Phượng nguýt Minh, rồi phì cười
- Anh chàng này cũng biết điều đáo để. Chỉ có tôi...
Nhưng Phượng không tìm đâu ra tội của Minh.
Minh đưa cho Phượng tờ chương trình và hai gói đậu phộng rang nóng giòn.
- Cám ơn anh Minh.
Câu nói đầu tiên rất dịu dàng mà Phượng dành cho Minh từ khi quen nhau trên máy bay đến giờ. Minh cảm động, bối rối. Chàng cố làm một điều gì đó để Phượng vui, nhưng Phượng hầu như không còn quan tâm đến Minh nữa vì bức màn nhung đang từ từ hé mở...
Nét mặt Phượng thay đổi hẳn khi Hoàng xuất hiện trên sân khấu. Không có ai ngoài Hoàng rực rỡ chói lọi trong mắt Phượng. Minh nhìn sang Phượng, lòng buồn rười rượi. Minh muốn để Phượng ngồi đây một mình với giấc mơ của nàng, với tình yêu nông nổi của Phượng để ra ngoài tìm chút không khí mát hầu giải tỏa bớt những ẩn ức ngột ngạt trong lòng mình. Nhưng khi Minh dợm đứng dậy thì dì Hạnh đang vào chỗ của mình, theo sau là ông Long. Dì Hạnh rực rỡ và tuyệt đẹp trong chiếc áo dài màu hoàng yến. Không nữ trang, chỉ trang điểm rất nhẹ, nhưng hôm nay dì Hạnh đẹp lạ lùng và Minh chợt hiểu khi thấy ông Long trìu mến dìu dì Hạnh vào chỗ. Minh lại thấy vui vui trong lòng. Tình yêu tuyệt vời và thần kỳ thật. Chỉ có mình, cứ như anh chàng Trương Chi tuyệt vọng với khối tình không thể tan biến. Nhưng chàng Trương Chi còn có may mắn nên được Mỵ Nương yêu tiếng hát, còn Minh, không biết gì hết, dù là chút tình bạn khiêm nhường.
- Minh, đến lâu chưa?
Dì Hạnh hỏi nhỏ bên tai Minh
- Mới đến
Ông Long chồm qua bắt tay Minh và ra hiệu nhìn lên sân khấu. Một màn độc diễn của Hoàng. Tuyệt vời. Minh lẩm bẩm:
- Anh chàng diễm phúc.
Dì Hạnh hỏi:
- Minh nói gì vậy?
Minh lắc đầu dúi vào tay Dì Hạnh gói đậu phộng rang của mình. Vở kịch hay không làm Minh chú ý, từng ánh mắt và cử chỉ của Phượng lại cuốn hút Minh. Phượng như không còn biết đến những gì xảy ra quanh mình. Càng nhìn Hoàng diễn xuất, Phượng càng thấy tình yêu nhân lên tràn đầy. Nhưng đồng thời Phượng cũng thấy lòng buồn vô hạn. Nổi tiếng, có tài và đang trên đường thành công, hình như tất cả đã đẩy Hoàng càng ngày càng xa dần Phượng. Người sinh viên dễ thương, nồng nàn ngày nào trên ngọn đồi thơ mộng xứ anh đào đã chết, chỉ còn đó người diễn viên đang say sưa lao mình vào ánh hào quang sáng rỡ của danh vọng. Phượng cảm thấy mình bất lực, khó thể buộc chân được con Phượng hoàng đã đủ lông đủ cánh. Và chính những điều này đã dày vò Phượng, làm khổ nàng bởi Phượng cũng không có can đảm chấm dứt mối tình đầu.
- Romeo Minh Hoàng và Juliet Thùy Linh
Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò của khán giả vọng lên, kéo dài. Thùy Linh trong vòng tay của Hoàng âu yếm dìu nhau ra sân khấu chào khán giả. Khán giả vỗ tay như sóng vỗ. Thùy Linh và Minh Hoàng lại tay trong tay, mắt nhìn mắt âu yếm mỉm cười với nhau. Bàn tay vẩy của Phượng ngưng lại nửa vời. Cơn mệt mỏi chợt đến. Phượng thấy người rã rời. Như người mộng du. Phượng bước ra khỏi chỗ mình. Quanh Phượng, khán giả chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt. Lòng Phượng hoang vu như đứng giữa sa mạc.
- Mình ghen ư? Tại sao mình lại đau đớn trước cảnh diễn xuất của Hoàng và Linh. Không, không phải vậy... Mình rất hiểu mà, đó chỉ là kịch. Đó chỉ là kịch.
Nội tâm của Phượng thầm thì bao nhiêu ý nghĩ. Phượng cứ bước, len qua những dãy ghế, những khán giả nán lại mà không thấy cả Minh đang vội vã bước theo và phía đằng sau, ông Long ra dấu hãy đứng đợi.
- Phượng.
Dì Hạnh kêu.
Phượng giật mình dừng lại, ngơ ngác. Hai hàng mi rũ buồn sắc da xanh tái.
- Chờ dì chút. Ông Long mời dì cháu mình và Minh đi ăn mừng vở kịch thành công với các nghệ sĩ trong đoàn.
Phượng buồn rầu bảo Minh:
- Anh đưa Phượng về đi.
Trong lúc Minh đang ngần ngừ thì Hoàng vẫn còn nguyên y trang chạy ra.
- Các bạn thấy mình đóng thế nào? Đạt chớ?
- Rất tuyệt, chúc mừng cậu
- Tuyệt vời.
Hoàng quay sang Phượng, quàng tay qua vai nàng.
- Còn ý kiến Phượng ra sao? À, tí nữa tha hồ mình nói chuyện. Bây giờ để anh tẩy trang đã. Hôm nay, ông đạo diễn phải đãi anh em hậu hĩnh nhé.
Nói xong, Hoàng vội vàng chạy đi. Ông Long cười với Phượng.
- Ai là người yêu anh chàng này phải cầm cương cho chắc đó nghe. Thôi mình ra xe trước đi.
Dì Hạnh nắm tay Phượng lôi đi. Ông Long bước một bên, trông ông nhanh nhẹn và trẻ hơn trong đêm. Không có cách nào từ chối, Phượng lặng lẽ bước theo. Khán giả ra về gần hết, chỉ còn những gánh cháo khuya lác đác người ăn.
Hoàng chạy ra tươi tỉnh và nguyên vẹn Hoàng bình nhật. Nỗi hờn ghen lắng xuống, Phượng chờ đợi một cử chỉ thân mật âu yếm. Nhưng Hoàng vẫn mải mê bàn bạc về vở kịch, về sự thành công của mình với ông Long.
- Thôi, mình leo hết lên chiếc Toyota của đoàn, đi ăn xong sẽ quay lại lấy xe riêng.
Hoàng kêu lên:
- Ủa, còn thiếu Thùy Linh, để tôi chạy vào kêu cô bé không lại bảo mình xấu tính.
Như bị một gáo nước tạt vào mặt, Phượng ủ rũ thu mình nép vào thành xe. Hoàng chỉ nhớ đến Linh, Phượng có lầm lẫn chăng? Không, linh tính của người thiếu nữ của một kẻ đang yêu không sai. Chỉ có Phượng là đang tự ru ngủ mình, không nhìn vào sự thực. Nhưng còn những lời nói của Hoàng đêm hôm qua trên bến sông. Hoàng đã giải thích rất đơn giản, đấy chỉ là sự đồng cảm của nghề nghiệp không hơn không kém. Vậy là thế nào?
Hoàng đã đưa Linh lên xe ngồi cạnh Minh. Chỗ của Hoàng bên cạnh Phượng. Ông Long đã khéo léo thu xếp chỗ ngồi trên chiếc xe quá tải. Hoàng vòng tay ôm Phượng. Những ngón tay ấm ve vuốt tóc nàng.
- Không khen anh tiếng nào sao?
Giọng nói trầm ấm dịu dàng pha lẫn chút âu yếm của Hoàng lại du Phượng vào tình yêu. Vừa tự giận mình quá yếu đuối chịu thua cuộc một cách dễ dàng, nhưng đồng thời Phượng lại bằng lòng hạnh phúc với Hoàng. Phượng nhắm mắt lại. Xe đi vào bóng tối của con đường trồng toàn nhãn. Hương nhãn lồng thơm dịu dàng. Hình như Hoàng vừa hôn nhẹ lên tóc Phượng. Phượng ngã đầu vào vai Hoàng và cầu mong con đường dài thêm mãi.
Ở băng ghế sau, Minh vừa trả lời những câu hỏi liên tục của Thùy Linh, vừa liếc mắt quan sát Phượng - Hoàng. Câu nói của Minh như nghẹn ở đó. Anh vội vàng vờ móc túi lấy thuốc ra hút. Khói thuốc vờn bay tỏa mùi thơm dễ chịu. Thùy Linh mỉm cười.
- Anh Minh đốt cho Linh một điếu đi. Con mèo phải không? Rất nhẹ mà.
Minh châm thuốc cho Linh không nói gì, dáng tư lự. Thùy Linh hít khói rồi thở ra điệu nghệ. Nàng liếc sang Hoàng, hơi cau mày một tí, nhưng lại mỉm cười ngay.
- Anh Minh xem ông xếp của tụi em trở nên yêu đời không ngờ.
Thùy Linh nói hơi to, những anh em ngồi băng sau cười xòa nhưng ông Long và Hạnh không hay biết. Họ đang mải mê bàn về một vấn đề gì đó. Màu áo hoàng yến của Hạnh như mơ hồ trong bóng tối. Ngọn đèn độc nhất trên xe không cháy. Minh nhìn quanh và chợt thốt thành lời:
- Như vậy mà đâm dễ chịu hơn.
- Anh nói cái gì dễ chịu?
- Bánh khoái Đông Ba.
Chiếc xe dừng lại bên chân cầu Đông Ba. Quán đêm vắng khách nhưng những lò than đổ bánh vẫn cháy đỏ ấm áp.
Đoàn kịch chiếm trọn gần hết các bàn trong quán. Ông Long, Hạnh, Phượng, Hoàng, Linh và Minh ngồi chung một bàn. Bánh nóng dọn ra, mọi câu chuyện tạm chấm dứt và thay vào những tiếng hít hà vì cay, tiếng khen, tiếng nhai bánh ồn ào của khách.
Hạnh ăn nhỏ nhẻ vì nàng quá quen với món bánh này rồi. Tuy vậy Ông Long vẫn âu yếm tiếp Hạnh từng cọng rau, miếng vả chát, lát khế chua. Phượng nhìn nét mặt dì Hạnh và chợt hiểu. Một chút vui mừng dấy lên làm Phượng mỉm cười.
- Phượng ăn đi chứ, nếu không sau khi đi Huế về, người gầy nhom, mẹ lại thắc mắc.
Một người nào đàng sau Phượng cười nhạo:
- Vì yêu nhiều nên ốm.
Phượng đỏ mặt, tìm cách nói lảng:
- Anh Hoàng còn nhớ không? Hôm thi ra trường, anh đóng vai anh Gù trong vở “Thằng Gù nhà thờ Đức Bà Paris” suýt chút nữa quên gỡ cái cục gù sau lưng khi ra về.
Hoàng cười:
- Tại thấy Phượng đứng đợi ngoài cửa.
Minh hỏi:
- Thế ai đóng vai cô gái Di-gan Exmeranda?
Hoàng nhìn Linh cười:
- Còn ai khác đâu. Thùy Linh đó. Hôm ấy Linh đẹp và man dại như một cô gái Ai Cập thứ thiệt làm tôi run quá.
Linh cười:
- Đấy là lần diễn đầu tiên mà hai đứa đóng cặp vói nhau.
Phượng cười gượng:
- Lúc đó, anh Hoàng trông ghê quá. Ai hóa trang cho ảnh thiệt đạt, Phượng cứ nhắm mắt lại không dám nhìn.
Thùy Linh liếc nhìn Hoàng bằng đuôi mắt dài ướt rượt.
- Nhưng Exmeranda vẫn cảm nhận được tình yêu và sự cao đẹp trong tâm hồn Quasimodo. Nếu Exmeranda không bị hành hình, thế nào cô ấy cũng hòa hợp với Quasimodo. Thiệt tội nghiệp anh Gù. Kẻ bất hạnh nhất trần gian! “Ôi, đó là tất cả những gì ta yêu quý”. Lúc anh Hoàng nói câu đó, Linh đang dẫy chết trên giá treo cổ mà thấy cảm xúc muốn khóc.
Ông Long chen vào:
- Tôi đã cho anh điểm tối đa trong vai đó.
Minh gật gù thán phục:
- Tương lai của Hoàng sẽ rực rỡ lắm.
Minh nói trong khi môi chàng điểm một nụ cười nửa miệng. Phượng khó chịu nhìn Minh. Anh chàng này không giữ lịch sự gì cả. Phượng tưởng Hoàng sẽ bực mình tỏ thái độ vì lối nói đó của Minh. Nhưng không, Hoàng hầu như không nghĩ tới mà chỉ tự mãn trước lời khen ngợi. Hoặc có thể Hoàng quá quen với những lời khen nên xem đó là câu nói chung cuộc hiển nhiên khi nói về tài nghệ của anh, hoặc quá say mê với danh vọng, Hoàng không còn biết gì nữa và chỉ thích mọi người luôn khen tặng mình.
Hoàng vẫn thao thao kể cho mọi người nghe về những vai diễn của mình. Càng lúc càng say sưa và đề cao mình đến độ chóng mặt. Dì Hạnh mỉm cười lịch sự nhưng ông Long đã thấy nhíu mày.
Phượng muốn tốp bớt những lời khoe khoang của Hoàng bèn chuyển đề câu chuyện sang lãnh vực điện ảnh. Ai ngờ Hoàng như cá gặp nước.
- Điện ảnh, mảnh đất màu mỡ và thích hợp đối với những diễn viên thực tài. Ở ngoại quốc diễn viên sân khấu được mời đóng phim không thiếu và trái lại, ca sĩ, diễn viên điện ảnh được lên sân khấu cũng không ít. Nếu mình có tài diễn xuất thì sẽ thành công ở bất cứ lãnh vực nào. Tôi tin là vậy, bởi thế tôi quyết định sẽ thử sức trong bộ phim sắp quay của chú Long.
Linh cười khúc khích:
- Nếu thành tài tử danh tiếng thì nhớ đến em nghe.
- Nơi nào có Hoàng mà lại thiếu Linh. Em là tài tử sáng giá nhất rồi còn gì nữa. Đẹp như em...
Hoàng bỏ lửng câu nói vì bắt gặp cái nhíu mày của Phượng. Chàng đánh trống lảng.
- Chú Long xem bộ mến gia đình Phượng lắm đó. Phải không chú Long?
Ông Long không nghe rõ, nghiêng người hỏi lại. Minh cười nói xen nửa đùa nửa thật:
- Anh Hoàng hỏi khi nào chú Long bắt đầu thực hiện cuốn phim và tựa đề dự kiến là gì?
Ông Long gật đầu:
- Cũng định khoảng một tháng nữa thì bấm máy. Chắc chắn sẽ lấy Huế làm ngoại cảnh.
Linh vỗ tay:
- Tuyệt quá. Như vậy sẽ có dịp trở lại Huế lần nữa.
Minh ngạc nhiên:
- Sao nghe tin đoàn kịch chỉ ở Huế một tuần. Sợ không kịp.
Ông Long gật đầu:
- Nếu mọi thủ tục xong sớm, tôi sẽ thay chương trình xem như đoàn kịch dừng chân ở Huế là trạm chót bỏ chuyến đi Đông Hà. Diễn viên tham gia phim sẽ ở lại Huế chờ đến khi đoàn làm phim từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Như vậy đỡ tốn kém và diễn viên không mất sức mà lại có thời gian nghiền ngẫm kịch bản.
- Chú Long cũng ở lại đây cho đến khi phim quay xong chứ?
Ông Long cười:
- Nếu Huế chấp nhận tôi như người nhà thì tôi không ngần ngại gì mà không ở lại. Huế tuyệt diệu quá mà.
Cả bàn vỗ tay cổ võ câu nói của ông Long nhưng lại nhìn chăm chăm vào dì Hạnh. Hạnh đỏ mặt không dám ngước lên. Một nửa cái bánh khoái còn dang dở trong dĩa. Ông Long dịu dàng đưa đôi đũa của mình cho Hạnh:
- Hạnh đừng giận, anh em trẻ hay đùa trêu ghẹo chút thôi. Chúng tôi ai cũng có máu tiếu lâm trong người để sống vui một chút, nhứt là những ai thích đóng bi kịch, ra đời thật, còn cười nhiều hơn, cười bù mà. Hạnh ăn hết bánh rồi còn tráng miệng.
Hạnh không biết nói sao đành mỉm cười đón lấy đũa, nhưng cũng chỉ nhá thêm một tị rồi thôi. Cả nhóm tranh nhau những trái nhãn lồng ngọt lịm, vừa ăn vừa khen nức nở.
Linh thở một hơi dài:
- Bánh ngon, nhãn ngon. Giá bao tử mình lớn hơn một tí nữa. À, sao đoàn mình không tổ chức tham quan Lăng tẩm. Chú Long tổ chức cho cả đoàn đi với.
Hoàng hưởng ứng:
- Đúng rồi. Ra Huế mà không xem Lăng thì phí lắm.
Nhưng ông Long gạt đi:
- Chúng ta không có nhiều thời gian đâu. Các bạn còn phải tập dượt. Đi chơi xa mệt mỏi thì làm sao diễn hay được.
Hoàng không đồng ý, anh nằn nì với giọng của một diễn viên biết mình quan trọng và xem đó như điều kiện tiên quyết để anh được thoát ra khỏi kỷ luật nghiêm nhặt của đoàn:
- Nếu tinh thần được thoải mái thì diễn viên mới có thể diễn tốt được. Chú Long đừng từ chối. Hay nếu chú ngại thì mình tổ chức gọn nhẹ mấy người thôi.
Hoàng vừa nói vừa đưa một ngón tay khoanh vùng những người đang ngồi chung bàn.
Dì Hạnh nhẹ nhàng khuyên
- Không nên như vậy Hoàng à, mình phải làm gương cho anh em...
Nhưng Thùy Linh lại cắt ngang
- Linh chẳng quan tâm. Đi hay không đi cũng được mà dù có đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của Linh.
Hoàng đắc ý đứng lên vòng sang phía Linh vịn vào hai vai nàng cười nói:
- Đây là bạn diễn ăn ý nhất.
Phượng bực tức vì cách xử sự vô trách nhiệm của Hoàng, Phượng không thể không lên tiếng.
- Em thấy chú Long và dì Hạnh nói đúng đó. Muốn đi Lăng khi nào rảnh rỗi hãy đi. Lăng còn có đó mà.
Hơi tự ái, Hoàng không trả lời ý kiến của Phượng mà cuối xuống nói sát tai Linh.
- Chú Long gân cốt lỏng lẻo nên ít muốn đi chơi. Mai anh chở em đi, tụi mình đi nhanh về sớm, như vậy khỏi ảnh hưởng đến công việc. O.K?
- O.K.
Linh gật đầu cười. Hoàng lại ghé sát vào tai Phượng cũng nói bằng giọng y như vậy:
- Phượng đi không.
Phượng mím môi, mắt ánh lên thoáng bực bội. Những câu nói tầm thường của Hoàng ám ảnh tâm trí Phượng. Trước nay có bao giờ Hoàng có thái độ cử chỉ như vậy đâu. Ấy mà từ khi bắt đầu chuyến lưu diễn... Phượng bất giác muốn từ chối thẳng lời mời.
- Không, ngày mai Phượng có việc riêng nên không thể đi được.
- Đến thăm Huế mà cứ ru rú ở nhà, Phượng không thấy chán. Chắc Phượng lặm cái chất Huế rồi, trước đây Phượng đâu có vậy.
Phượng mỉa mai
- Anh thích thay đổi và hiếu động nên chóng chán, chứ Phượng thì trái lại.
Minh kín đáo nhìn Phượng mỉm cười - Chẳng lẽ giấc mơ của cô gái này bắt đầu rạn nứt rồi chăng? Chờ xem - Nhưng nụ cười tắt lịm nửa chừng - Không lẽ mình lại tồi đến mức chỉ cầu mong người khác gặp khó khăn để mình thủ lợi sao? Đó đâu phải là tình yêu chân chính. Nếu mình cảm thấy cần nàng thì hãy chinh phục nàng bằng tư cách, tài năng và bằng chính tình yêu chân thành của chính mình.
Minh nhìn Phượng âu yếm và cảm thấy vị ngọt đắng của tình yêu mình đang nếm trải bắt đầu phát tác trong trái tim nhỏ của mình.

*

Những áng mây sáng lên màu hồng tuy còn nhạt nhưng sẽ hứa hẹn một màu rực rỡ. Đàn ve hầu như không ngủ yên vẫn thổi vang khúc ca mùa hạ át cả tiếng chim ríu rít đang chuyền cành trên những vòm cây để đón chào buổi sáng. Lá xanh mướt còn óng chuốt hơi sương. Bầu không khí khoảng khoái dịu dàng gây cho người người cảm giác thoải mái dễ chịu.
Phượng đứng thẳng người ngoài bao lơn, căng ngực hít vào một hơi dài. Máu nóng chảy rần rật trong huyết quản như thúc giục Phượng phải làm một việc gì đó để giải thoát bớt đi những cảm giác khoan khoái đang tràn ngập trong nàng.
Phượng chợt giật mình nhớ lại.
- Chết thật, sáng nay Phượng phải thi hành một lời hứa với Minh: làm mẫu cho Minh vẽ tranh ở lăng Tự Đức.
Bức tranh này sẽ là tác phẩm thi tốt nghiệp của Minh. Minh đã lên lăng hai ba lần và cuối cùng anh cho rằng đề tài mà Minh muốn thể hiện cần một người mẫu. Biết tìm ai bây giờ? Trường Mỹ Thuật Huế đã gợi ý giúp Minh cô người mẫu của trường, nhưng khi gặp mặt, Minh không bằng lòng. Hôm qua dì Hạnh đột nhiên đề nghị Phượng làm người mẫu cho bức tranh của Minh. Minh e dè ngỏ lời và thật bất ngờ (đến giờ này Phượng cũng không hiểu mình ra làm sao nữa). Phượng đã nhận lời. Mắt Minh sáng lên và lần đầu tiên Phượng thấy Minh tươi tỉnh lạ thường. Minh nhìn Phượng thầm cám ơn nàng.
- Phượng tốt quá. Tôi đã có ý định đó từ khi mới gặp Phượng trên máy bay kia, nhưng biết Phượng... không thích lắm... nên tôi không dám... Cám ơn chị Hạnh nữa...
Phượng thở dài:
- Buồn quá, chẳng biết làm gì, giúp anh một tí đâu có sao. Anh cứ xem tôi như những người mẫu trước đây của anh. Bận tâm làm gì.
Minh lắc đầu:
- Phượng đừng nói vậy. Phượng là người mẫu quý giá nhất mà tôi vừa có được.
Phượng đứng lên đi vào nhà, vừa đi vừa nói:
- Bây giờ thì chưa, ngày mai Phượng mới là người mẫu mà anh có.
Minh cụt hứng, im lặng nhìn theo trong khi dì Hạnh chép miệng.
- Con gái bây giờ khó hiểu thiệt.
Tuy đã hứa, nhưng sáng nay, tâm hồn sảng khoái, suy nghĩ minh mẫn, Phượng thấy giật mình. Từ trước đến nay Phượng đã làm mẫu cho ai bao giờ đâu. Nhưng điều đó chưa đáng nói bằng việc sẽ theo Minh suốt cả ngày có thể cả tuần cho đến khi Minh hoàn thành bức tranh. Song đã lỡ. Phượng chặc lưỡi:
- Thôi, kệ... chứ ở nhà mình buồn không chịu nổi.
Phượng vào phòng, nhìn đồng hồ. Có tiếng huýt gió của Minh ở phòng ăn. “Ta mang cho em một đóa Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm...”
Vừa mặc chiếc áo dài lụa vàng theo yêu cầu của Minh, Phượng vừa thầm nghĩ đến Hoàng. Cái đau trong lòng sao cứ dai dẳng mãi.
- Lẽ ra hôm nay, chuyến đi Lăng này anh phải đưa em đi chứ không phải là Minh.
Phượng thầm thì một mình. Mắt như mờ đi. Phượng cố nuốt cơn nghẹn ngào xuống lồng ngực, kề mặt sát gương, cẩn thận chấm hai khóe mắt rồi bước xuống gác.
Ngoại nhai trầu bỏm bẻm, gặp Phượng đi xuống.
- Thưa ngoại, hôm nay, cháu xin phép ngoại đi lăng với anh Minh.
Minh đột ngột xuất hiện đứng cạnh Ngoại nói thêm:
- Con nhờ Phượng làm mẫu cho bức tranh thi tốt nghiệp. Ngoại cho phép con đưa Phượng đến lăng Tự Đức.
Ngoại gật đầu:
- Ừa, đi với ai, chớ đi với cháu thì bác đâu có lo chi. Em nó lạ nước lạ cái, cháu nhắc nhở giùm. Nhưng có đi cũng nhớ về sớm nhé.
- Vâng ạ.
Phượng đem theo một cái xách tay bằng vải để đựng đồ ăn trưa. Minh bận lỉnh kỉnh với khung, vải, màu, cọ v.v...
Cả hai cùng với đồ đạc chất lên chiếc xe Honda. Máy nổ dòn dã đưa họ thoát khỏi khu vườn, hòa nhập vào giòng người xuôi ngược trên đường phố.
Phượng bắt đầu thấy vui vui trở lại. Mọi cảnh vật đều sống động, hớn hở vì buổi sáng tươi hồng và bầu trời tuyệt đẹp.
Cả hai trở ngược lên Nam Giao trực chỉ Lăng Tự Đức. Phượng không thể không lên tiếng khi xe ngang hai đường Trưng Vương, Quốc Học.
Trong niên học, con đường này dập dìu áo trắng chắc đẹp lắm.
Minh cười nhẹ:
- Nếu là trong niên học chắc tôi khó có thể đi tiếp. Chỉ mới mường tượng thôi mà tim tôi đã đập loạn xạ lên rồi.
- Đàn ông các anh đều vậy cả.
Minh đưa tay khoát một vòng tròn trước mặt.
- Nhưng cuối cùng vẫn bị mấy cô trói chân. Tóc càng dài, trói càng chặt.
Bất giác, Phượng đưa tay vuốt mớ tóc dài của mình. Chợt hiểu ra Phượng đỏ mặt lặng thinh không nói thêm câu nào. Minh lảng sang chuyện khác.
- Tôi thấy hai ngoại Phượng vui ghê. Hai ông bà già mà thỉnh thoảng vẫn còn cãi nhau, ông nói gà bà nói vịt. Cãi nhau rồi lại huề nhau. Phượng có bao giờ để ý đến việc cãi vã thú vị ấy chưa?
- Mới đầu khi gặp ngoại, Phượng tưởng ngoại khó lắm. Đâu ngờ đó chỉ là bề ngoài, còn bên trong thì khác. Hai ngoại thương yêu, khắng khít nhau lắm. Phượng cho rằng tình yêu có được biểu lộ đặc biệt bằng chính những lần bất đồng ý kiến hoặc cãi vả vui nhộn và sống động. Chứ nếu hai ngoại cứ lặng lẽ sống thì buồn lắm, có khác gì hai chiếc bóng.
Nghe Phượng luận bàn, Minh mỉm cười một mình. Cô bé cũng có những nhận xét tinh tế đấy chứ. Nhưng sao với riêng mình, cô bé không tự thấy tình yêu càng lúc càng trôi tuột khỏi tầm tay. Thật tội nghiệp.
- Phượng nói như một...
Câu nói đột ngột ngưng lại nửa chừng. Tay lái hơi chao và Phượng chồm về phía trước bám vào áo Minh.
- Ủa, xe bị làm...
Và câu nói của Phượng cũng lửng lơ trên môi, bàn tay nàng siết chặt chéo áo chemise của Minh. Minh đủ để hiểu ra mọi chuyện, chàng định nói một cái gì để Phượng phân tâm không để ý nhưng đã muộn. Phía bên kia đường, trong một quán điểm tâm xinh xắn kiến trúc theo lối nhà thủy tạ, Hoàng và Thùy Linh ngồi sát bên nhau quay lưng ra đường. Chỉ là hai tấm lưng nhưng Minh không lầm và Phượng càng không lầm được.
Minh lưỡng lự không biết nên dừng xe hay tiếp tục đi. Một tiếng nói vang lên yếu ớt sau lưng.
- Anh làm ơn đi nhanh cho...
Minh vặn tay ga, lặng lẽ phóng xe trong khi Phượng lẩm bẩm một cách vô thức:
- Nhanh lên, nhanh nữa lên.
Minh vẫn làm theo lời Phượng. Rồi khi nhìn thấy cái chóp của lăng thấp thoáng qua hàng cây rậm, Minh dừng xe. Vẫn ngồi yên và không ngoái lại. Minh thong thả nói:
- Phượng khóc xong chưa? Không lẽ chúng ta vào lăng với gương mặt đầy nước mắt.
Minh rút khăn tay mình đưa cho Phượng mà không nhìn nàng.
- Phượng lau sạch nước mắt đi rồi mình vào. Còn cả khối công việc cần phải làm. Phượng cứ nhìn bao quát cảnh vật quanh đây, nó uy nghi và can đảm biết bao, nó đâu có héo hắt tàn úa như con người, mặc dù ai có dám chắc là nó không chịu đựng và trông thấy bao nhiêu điều dâu bể.
Phượng lau nước mắt, trả lại khăn cho Minh rồi khẽ khàng cất tiếng:
- Thôi, mình đi
Chiếc khải hoàn môn rêu phong dẫn vào Lăng Tự Đức nứt nẻ và đầy các loại dương xỉ. Một nhóm khách du lịch cũng vừa trờ tới. Có lẽ đây là một nhóm khách đi riêng không theo tuyến du lịch nên thấy họ dự bị cả đồ ăn trưa và trải chiếu dưới bóng một gốc dại để làm chỗ ngồi nghỉ. Minh dừng xe gần đó và nói với Phượng.
- Mình cũng để đồ gần họ cho đỡ lo và cũng đỡ buồn.
Phượng làm theo lời Minh, không nói năng. Cảnh tượng Hoàng âu yếm bên Linh làm Phượng như nghẹn thở khi nghĩ đến Hoàng có thể tệ với mình như vậy sao? Không lẽ mối tình đầu của mình lại kết thúc buồn tẻ như thế? Phượng không muốn tin, và đã cố ru mình, thoa dịu tự ái mình bằng những lý lẽ khoan dung nhất. Thế nhưng sự thực làm Phượng đau đớn. Phượng cầu mong đó chỉ là một giấc mơ. Tối nay, khi về đến nhà, mọi việc sẽ đâu vào đấy. Hoàng vẫn yêu nàng như ngày nào. Vòng tay ấm và nụ hôn gắn bó vẫn nồng nàn trao cho Phượng với đầy tình yêu mến.
- Phượng ơi, mình tham quan một chút đi. Tôi cần chọn cảnh, đi ngã nầy nè...
Phượng bước theo Minh. Cả hai tiến vào bên trong. Qua khúc sân rộng, hai hàng sư tử đá lặng lẽ đứng chầu. Những chiếc đỉnh đồng đen ngạo nghễ từ một thời vàng son xa thẳm. Chiếc hồ sen rộng uốn khúc và ngôi nhà thủy tạ im lìm. Dấu chân vua chúa nào đã ngồi đây hóng mát.
- Đây là hồ Lưu Khiêm. Kia là sân Khiêm Cung.
Con đường lát gạch Bát Tràng uốn lượn bên hồ đưa Minh và Phượng đến Khiêm Cung. Minh lại chỉ và hướng dẫn như một hướng dẫn viên du lịch:
- Đảo nhỏ giữa hồ gọi là Khiêm đảo, nơi mà Vua Tự Đức ngày xưa hay chèo thuyền qua bắn gà rô, thỏ rừng, còn bên này là Tạ xung Khiêm, nơi đã từng diễn ra các cuộc đọc sách ngâm thơ của vua lúc còn tại thế.
Thấy Phượng có vẻ mệt mỏi, Minh đề nghị
- Mình ngồi ở bờ hồ nghỉ chân một lát. Khoảng nửa tiếng nữa tôi sẽ bắt đầu.
Phượng gật đầu. Nàng ngồi xuống ven bờ. Nền gạch mát rượi. Mặt nước hồ xanh tối vì rong. Những cánh sen nở lớn tỏa lan chung quanh một mùi hương êm dịu. Đầy hồ, những búp sen nõn tím nổi bật trên những bản sen xanh. Phượng muốn nói một cái gì đó để làn hơi ẩn ức trong lồng ngực được thoát ra ngoài, nhưng nàng không biết phải nói gì. Phượng cứ nhìn chăm chăm vào những đóa sen thanh bạch.
- Đây có phải là sen đã mọc từ thời vua Tự Đức?
Minh mỉm cười:
- Không có cái gì tồn tại vĩnh viễn, nhưng những hạt giống tốt thì cứ tồn tại mãi mãi...
Và Minh bắt đầu nói về lăng tẩm những giai thoại đồn đãi trong công trình xây cất lăng mộ. Dấu vết của một thời vàng son.
- Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Lời ngâm thơ của ai đó lướt thướt theo gió, la đà trên mặt hồ im lặng. Nhưng cảnh trang nghiêm u tịch càng làm Phượng như đắm chìm trong thế giới mù khơi nào trước.
- Phượng này...
- Dạ...
- Mình đến đầu kia đi. Tôi đã đặt giá vẽ sẵn sàng rồi, chỉ chờ người mẫu. Và xin Phượng một điều là tươi lên, chứ không bầu trời hôm nay sẽ ủ ê và tác phẩm của tôi có thể sẽ bị điểm hai thì thiệt ê mặt.
Phượng phì cười. Câu nói đùa của Minh, và cả bầu không khí tĩnh mịch lẫn hồ sen đẹp như tranh đã làm Phượng vơi bớt phiền muộn. Trước khung cảnh uy nghiêm, bát ngát này, tâm tình riêng chẳng đáng là gì cả mà lại tỏ ra quá tầm thường vụn vặt.
Phượng ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Minh, cố gắng giữ nét mặt tự nhiên để làm mẫu. Hầu như Minh không trao đổi gì với Phượng nữa cho đến khi bức tranh được phác thảo và những mảng màu ẩn hiện trên nền vải trắng.
- Thôi, mình nghỉ tay ăn trưa đi.
Những vị khách du lịch đã ăn xong và tham quan ở phía lăng bà Lệ Thiên Anh, quý phi của vua Tự Đức. Chỉ còn Minh và Phượng.
Trong khi ăn, Minh gợi chuyện:
- Giá hôm nay có chị Hạnh đi cùng thì vui biết mấy.
Nhắc đến dì Hạnh, Phượng hơi mỉm cười:
- Tưởng dì Hạnh xưa và quá tuổi, ai ngờ dì vẫn còn trẻ trung. Vậy mà dì cứ ở vậy hoài. Dì giỏi đủ điều, người vậy mà lại cao số.
Minh cười:
- Chị Hạnh chưa yêu ai thật sự đó thôi.
- Lần này không biết dì Hạnh đã tìm thấy người ấy chưa?
Minh vỗ tay như trẻ con:
- Phượng không thấy dì Hạnh và ông Long tương đắc lắm sao?
- Ủa... mà Phượng cũng ngờ ngợ... Nhưng ông Long nghệ sĩ lắm... Phượng sợ những nghệ sĩ lắm rồi.
- Trời ơi, Phượng đừng nghĩ sai về người nghệ sĩ... Tùy người chớ. Với lại, khi đã yêu, mọi sự phải khác đi.
Phượng cãi:
- Nhưng nhất định dì Hạnh sẽ không tin... Cũng như ông bà ngoại bao giờ cũng e ngại trước những người “xướng ca”...
Minh cười:
- Phượng ơi, khi yêu thì trái ấu cũng tròn, trái bồ hòn cũng ngọt, huống hồ ông Long là một trái nhãn chứ không phải củ ấu. Ngay Phượng, cũng đã...
Phượng biết Minh có ý ám chỉ mối tình của nàng với Hoàng. Nhưng Minh đâu có nói sai, Phượng phải công nhận như vậy.
- Anh nói đúng. Trong cuộc, có thể Phượng có nhiều sai sót. Nhưng đã là bạn, anh nên giúp Phượng...
Minh ngây người trước câu nói dễ thương của Phượng. Chưa bao giờ Minh được nghe Phượng nói những lời nhún nhường, êm ái thân thiết như hôm nay. Minh như người câm, chỉ biết nhìn Phượng nồng nàn. Phượng ngượng quá, nhắc khéo:
- Ô kìa, anh Minh...
Minh thở một hơi dài, nói một câu không ăn nhập gì với câu chuyện.
- Phượng dễ thương thật. Được quen Phượng thật là một hạnh phúc.
Phượng đỏ mặt, nhưng nàng không cảm thấy ghét hoặc giận Minh như những ngày đầu mới gặp.
- Phượng cứ tưởng anh ghét Phượng lắm. Cái con bé bồng bột, ích kỷ, lại vô lễ, bất lịch sự...
Minh nhanh nhẹn chận lại:
- Thôi, đó chỉ do hiểu lầm. Bây giờ mình là bạn của nhau. Phượng trung thực, dễ thương lại đẹp nữa... Tôi rất vui.
- Anh bắt đầu nịnh Phượng đấy... Phượng không thích đâu à.
- Nói vậy mà Phượng cho là nịnh à? Tôi nói nghiêm trang đó.
- Vậy mà nghiêm trang? Phượng nghi đấy.
- Chứ Phượng nhận xét về tôi thế nào?
Phượng lắc đầu:
- Thôi, cho Phượng xin. Phượng đâu phải là nhà phê bình. Bỏ chuyện đó đi. Mình làm việc cho xong để về sớm.
Minh đứng dậy theo Phượng nhưng chàng làm một cử chỉ ngăn Phượng đi.
- Tôi sẽ... nhưng Phượng có thể nói thật ý nghĩ... về... tôi của Phượng được không? Điều đó rất quan trọng.
Phượng bỡ ngỡ nhìn Minh một giây rồi thành thực trả lời:
- Phượng có biết gì anh nhiều mà nhận xét. Nhưng có điều chắc chắn là Phượng không ghét anh như hôm đầu tiên. Với lại anh biết đó, Phượng rất dở khi muốn nhận xét về ai, ngay cả người thân. Phượng vẫn chưa hiểu nổi.
Mắt Phượng tối lại. Nàng lại nghĩ về Hoàng. Nỗi đau xoáy buốt tim Phượng. Mắt rưng rưng, Phượng quay người đi như chạy.