Phá cỗ


Trúng số

     ính và Mẫn nghỉ học rủ nhau vào hiệu Gô-đa chơi, vào chơi thôi chứ cũng chẳng định mua thức gì.
Trước bàn trả tiền, hai chàng ngây người đứng ngắm cô Pháp lai thủ quỹ. Cô tươi cười hỏi Bính:
- Thưa ông, cái gì của ông?
Bính nhìn Mẫn. Cô kia hỏi luôn Mẫn:
- Và ông?
Thấy hai chàng luống cuống, cô mủm mỉm cười nói tiếp:
- Chừng ông muốn mua một số phiếu thi xe đạp?
Rồi cô mở tập phiếu ra, bàn tay trắng trẻo cầm một tờ toan xé:
- Ông mua số này thế nào cũng trúng. Số độc đắc là một cái xe mô-tô. Tay tôi xé may mắn lắm, giá có một đồng thôi.
Bính tưởng nên trả lời một câu tình tứ:
- Tay cô xé cho biết bao nhiêu người rồi, mà đều may mắn cả.
- Nhưng riêng phiếu này may mắn nhất.
Hai chàng chống lại sao nổi cái nụ cười thơm tho. Bính thì thầm hỏi Mẫn:
- Anh có tiền đấy chứ?
- Tôi chỉ có năm hào.
- Tôi cũng vậy.
- Vậy mua chung nhé?
Tức thì hai chàng dốc cả túi đếm đủ mười hào lên miếng đồng vuông trên bàn trả tiền, để đổi lấy cái cười đủ hai hàm răng trắng nuột, và một phiếu đánh số xe đạp.

*

Mẫn không tiếc lời kỳ kèo bạn, kỳ kèo cho đến hôm xem nhật trình thấy mình trúng số độc đắc. Từ đó, cố nhiên hai chàng không ai kỳ kèo ai nữa. Bính toan đến ngay Gô-đa cám ơn cô Pháp lai xinh đẹp. Mẫn cho thế là hơi lố, nên gạt đi.
Hai chàng đến lĩnh xe mô-tô. Đứng trước chiếc xe bóng loáng, hai chàng sung sướng như người... mới trúng số độc đắc. Mẫn hỏi Bính:
- Anh có biết lái xe mô-tô không?
Bính gật gù tự phụ:
- Còn phải nói. Đến xe ô-tô tôi còn lái được, nữa là xe mô-tô.
Mẫn buồn rầu ngẫm nghĩ:
- Vậy thế nào ta cũng phải bán xe.
- Nhưng làm thế nào đem được nó về bây giờ. Hay ta thuê xe bò kéo.
Mẫn cười:
- Kìa, anh đã quên rằng anh lái xe mô-tô giỏi hơn lái xe ô-tô.
- Ồ nhỉ!
Sau khi đã hỏi người thợ máy ở hãng xe về các máy móc, Bính liền cưỡi xe cho chạy. Nhưng cái xe còn mới lạ chưa quen chủ, nên nó bất kham chẳng chịu đi. Bính, Mẫn đành thay nhau dắt nó về chỗ trọ học.
Sau khi Bính, Mẫn đã giở hết tài hùng biện và đi khắp mọi nơi để tán tụng cái xe quý, thì một người đội Tây nghe bùi tai bằng lòng trả lại hai trăm bạc, nghĩa là chưa đầy nửa số tiền thực giá của nó. Nhưng hai chàng cũng mừng quýnh bắt tay cảm ơn mãi người đội mà hai chàng coi như ân nhân của mình. Bính bảo Mẫn:
- Với hai trăm bạc ấy, chúng ta sẽ mời anh em chén một bữa thực sang, rồi tặng một cái cúp ten-nit thực oai ê-xê-tê-ra... ê-xê-tê-ra...
Nhưng trước khi được hưởng những lạc thú ấy, hai chàng còn phải chịu khó một lần cuối cùng dắt xe tới một hiệu chữa xe ở phố Cửa Nam để người thợ máy ở đấy soát lại máy móc một lượt. Người đội hứa hôm sau sẽ đem tiền đến đó lấy xe.
Hôm sau Bính trở lại hiệu chữa xe Cửa Nam để nhận tiền. Mẫn đã đến trước. Bính hỏi:
- Nó đâu?
Mần bĩu môi đáp:
- Nó đã trở nên một đống sắt nát.
Bính không hiểu, kinh ngạc:
- Anh bảo lão đội?
Mẫn thản nhiên:
- Không, tôi bảo cái xe. Kìa anh trông.
Bính ngắm chiếc xe mô-tô rúm ró trong một xó:
- Anh chỉ nói đùa!
- Lại đùa nữa.
Người chủ hiệu phải buồn rầu và thuật lại sự rủi ro khi thử xe cho Bính nghe. Bỉnh mới tin là thực. Mẫn cũng trầm ngâm đứng nghĩ tới sự rủi ro của bữa tiệc và cái cúp ten-nít.
- Nhưng không sao, để tôi chữa lại mới nguyên.
Bính gắt:
- Mới nguyên! Xe của tôi giá năm trăm bạc mà ông làm ra nông nỗi như thế kia... Không được, ông phải đền tôi. Giá xe năm trăm bạc, tôi chỉ lấy hai trăm thôi.
Chủ hiệu không có hai trăm và xin đền bằng bốn cái xe đạp mới. Mẫn đã toan nhận lời, nhưng Bính nhất định không nghe, đòi cho bằng được hai trăm không thì kiện.
Bính tưởng dọa đùa một câu để chủ hiệu có sợ mà đền tiền chăng. Chẳng ngờ đùa quá hóa thực. Là vì Bính, Mẫn có một người bạn làm thư ký cho một ông thầy kiện ở Hà thành. Người bạn ấy bảo hai chàng:
- Quan trạng của tôi cãi đâu được đấy. Các anh chạy lấy ba chục, tôi sẽ nói ngài cãi giúp các anh. Đền hai trăm à? Năm trăm là ít.
Chiều hôm ấy, Bính Mẫn mỗi người gửi về nhà một bức điện tín tối khẩn như sau này: “Gửi ngay tiền học ba tháng tới, nếu không sẽ bị đuổi”.
Và hôm sau mỗi người nhận được một cái ngân phiếu ba chục. Món tiền học ba tháng lớp nhất trường trung học Albert Sarraut ấy tức thì trở nên tiền giấy mực trạng sư.
Chủ xe tuy cũng thuê trạng sư, nhưng ý chừng ông trạng ấy còn kém cỏi, vì một năm sau, Bính, Mẫn được kiện.
Được kiện mà mất cho trạng sư có gần trăm bạc, thành thử lãi những hơn bốn trăm, vì tòa xử bên bị phải đền bên nguyên đủ số tiền năm trăm.
Bính Mần, suýt hôn thầy kiện của mình. Rồi hai chàng nhờ ngay thừa phát lại đến hiệu chữa xe ở phố cửa Nam đòi tiền.
Một lát sau, thừa phát lại trở về.
Mẫn mừng quýnh hỏi:
- Nó trả rồi chứ?
Thừa phát lại thản nhiên trả lời:
- Nó vỡ nợ đã ba tháng nay, và hiện ở đâu không biết, vì không để đia chỉ lại.

 

Chiều hôm ấy Bính, Mẫn vào Gô-đa để di dưỡng cặp mắt và cố quên nỗi phiền muộn trong lòng.
Sau một năm, cô Pháp lai ở bàn trả tiền vẫn nhận được Bính, cái anh chàng hay ngắm nghía mình. Cô ta hỏi:
- Thế nào, năm ngoái ông có trúng số không?
Binh nhìn Mẫn suýt ứa nước mắt.
- Có trúng, trúng số độc đắc.
- Trời ơi! Trúng sõ độc đắc! Đã bảo tay tôi xé phiếu may mắn lắm mà!