Phá cỗ


Mưu cao

     ụ đốc Nguyễn là một người rất vui tính. Những buổi tối, nằm bên khay đèn thuốc phiện, cụ thường thuật cho bọn hậu sinh nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh hay khôi hài đã từng xảy ra trong đời lịch duyệt của cụ. Dù bất cứ chuyện gì ở đời dù trang nghiêm trọng đại đến đâu đối với khối óc triết lý của cụ cũng chỉ trở nên có những tính cách hý hước hay trào lộng.
Hôm ấy tôi chỉ có cái hân hạnh được cụ lắng tai chú ý đến câu chuyện thầy cãi Pathelin của tôi. Khi tôi ngừng kể, cụ suýt sặc thuốc, vì vội phá lên cười. Rồi chẳng thèm giữ vẻ đạo mạo của nhà túc nho, cụ bắt chước anh chàng Agnelet mà kêu “bée” om lên, vừa kêu vừa cười ha hả:
- Bée... bée... khá lắm! Câu chuyện hài kịch tây của ông lại làm tôi nhớ đến câu chuyện hài kịch ta, mà chính tôi đây đóng một vai, cái vai khó khăn của ông thầy cãi. Nhưng đây thì anh khách hàng của tôi không biết kêu Bée vì anh ta rất thành thực và thật thà.
- Thời ấy, tôi làm đốc học Hà Nam, nhưng vì đã bỏ thi chữ nho, và việc học Hán tự không còn nữa, nên ông đốc học, tuy người ta vẫn gọi là quan đốc, kỳ thực vẫn là một ông thương tá giúp việc quan tuần phủ, tổng đốc cũng như ở phủ, huyện, những ông huấn đạo, giáo thụ đã nghiễm nhiên trở nên những viên trợ tá giúp việc cai trị. Đáng lẽ khi nào ông tuần giao làm việc gì, bất cứ việc gì, thì mình làm việc ấy nghĩa là ít khi phải làm việc gì hết.
Cụ đốc ngừng vài giây để cười một cách khoái lạc rồi lại kể tiếp:
- “Nhưng vì hồi đó ông chánh án ở Hà Nam hơi có tính khó chịu, càu nhàu, gắt gỏng, hay ngờ vực, nên cụ tuần giao hẳn cho tôi cái chức trách làm bồi thẩm tại tòa án đệ nhi cấp, nghĩa là cái địa vị ngồi ngáp và ngủ gật bên cạnh một ông chánh án gầm hét và một người thông ngôn láu lỉnh, hách dịch mắng dân luôn mồm. Thỉnh thoảng ông chánh án lại đánh thức mình dậy để hỏi một vài ý kiến. Thường thường thì tôi trả lời ông ta một câu cho yên chuyện: “Tùy quan lớn”. Nhưng một đôi khi tôi cũng máy miệng bàn vơ tán vẩn cho vui và đỡ buồn ngủ, bàn tán để xem ông chánh án làm án ngược hẳn với ý kiến của mình. Ông ta vốn đã không ưa gì mình thấy mình hoặc chểnh mảng với phận sự, hoặc mờ mịt với luật pháp lại càng ghét lắm. Có khi ông ta đã khen với tôi rằng cụ tuần là ban ngày, chừng muốn bảo ngầm rằng tôi là ban đêm.
Có lẽ dân sự cũng thấu rõ tình hình trong tòa án và biết rằng mình chỉ là một pho tượng gỗ, chẳng có chút oai quyền gì nên chẳng ma nào nó thèm nghĩ đến mình. Nhiều thằng, khi được tha trắng án, chỉ biết vái chào và cảm ơn ông chánh án mà thôi còn mình họ cho là thừa.
Nhưng một hôm, một anh dân chẳng hiểu sao lại vào dinh quan đốc học mà khấn khứa với mình. Anh ta bị chị dâu kiện về tội hành hung, và lăng mạ, có chứng cớ rõ ràng. Tôi dọa phủ đầu: ‘Tội anh ít ra là một năm tù’. Anh kia lạy van khóc lóc, coi bộ khổ sở lắm. Về sau công việc ngã ngũ ra như thế này: Nếu tôi giúp anh ta được trắng án, anh ta sẽ lễ tôi trăm bạc, còn nếu anh ta bị phạt ba tháng tù án treo thôi thì anh ta cũng chịu tạ tôi năm chục. Tôi chắc mẫm ít ra cũng xơi ngon được năm chục của anh ta. Anh ta nhà giàu có thừa tiền thì dẫu có mất cho mình dăm chục đã sao. Ấy là lúc đó tôi tự an ủi và tự tha thứ bằng một tư tưởng sáo.
Tôi chắc thế là vì tôi đã có cách cứu chữa cho khách hàng của tôi một cách rất hiệu nghiệm.
Đến phiên tòa. Hỏi xong chứng tá, ông chánh án quay lại phía tôi mỉm một nụ cười chê nhạo:
- Việc tên An đánh chửi chị dâu, quan lớn định tội ra sao?
Tôi dõng dạc đáp:
- Việc này có quan hệ đến nền Khổng giáo Á Đông, vì dân Á Đông trọng tam cương, ngũ thường. Nay tên An rất mực vô lễ đánh chửi chị dâu, phạm vào ngũ luân, vậy ta nên làm tội thực nặng để răn kẻ khác.
Ông chánh án lim dim cặp mắt, mai mỉa hỏi lại:
- Thực nặng là bao nhiêu?
- Một năm ít ra là một năm tù.
Ông chánh án giơ hai tay lên trời kêu:
- Trời! một năm tù. Sao quan lớn nghiệt dữ thế?
Tôi sung sướng biết ông ta mắc mưu mình rồi, vì tôi thấy ông ta mắt càng lim dim, đầu thì gật gù, cặp môi đã mỏng bị một nụ cười bí mật căng thẳng ra càng trở nên mỏng thêm. Chắc hẳn ông ta đương nghĩ thầm: ‘Lão này ăn tiền bên nguyên nên mới kết án nặng một cách vô lý như thế!’ Rồi ông ta hỏi tôi:
- Phạt nó độ ba tháng thôi có được không?
- Không thể được, sáu tháng cũng nhẹ quá chứ đừng nói ba tháng vội.
- Vậy thì tôi xin tha nó trắng án.
Thế là khách hàng tôi được trắng án.
Buổi chiều anh ta vào dinh tôi, vào không phải để nộp tôi món tiền đã hứa, cũng không phải để kêu ‘bée’, như anh chàng trong hài kịch gì đó, mà để trách móc tôi: Tôi giảng nghĩa cho anh ta hiểu mưu cao của tôi, nhưng anh ta nhất định không chịu hiểu. Tôi bực mình tống cổ anh ta ra, rồi ngồi lại một mình tôi cười, cười mãi”.
Dứt lời, cụ đốc cất tiếng cười vang nhà. Tôi cũng không thể nhịn cười được.
- Nhưng sao trước khi ra tòa, cụ không bảo cho anh kia biết rằng mưu mẹo của cụ là thế?
- Nếu vậy đã không có chuyện! Vả tôi muốn giữ kín cái mưu cao của tôi cho được có hiệu nghiệm.