ăm tiếng chuông thong thả, ngân nga, điểm 5 giờ.Đương ngồi xem một tờ báo cho khuây khỏa nỗi sốt ruột, Liêm bỗng giật mình, phải đứng hẳn lên. Có thể như thế được chăng? Liêm không hiểu nổi nữa! Quỳnh đã sai hẹn. Không phải đến muộn quá mà thôi, lần này Quỳnh không đến nữa. Vì Liêm đã hẹn người yêu từ 3 giờ rưỡi cho đến 4 giờ. Vậy thì vì cớ gì? Xưa nay, đối với Liêm, Quỳnh đã tỏ ra phục tòng lắm. Chưa là chồng hẳn, Liêm cũng đã giữ cái địa vi chúa tể, có cái quyền sở hữu người đàn bà ấy trong tay. Cho nên đối với một người tình nhân sẵn có cái óc độc tài, một việc nhỏ nhen cũng trở nên có cái nghĩa hệ trọng. Liêm bỗng nổi giận bừng bừng...Chàng không hiểu rằng mình thế là không biết điều chút nào. Khi được quá tin, quá yêu, chàng vô tâm lạm dụng cả tin lẫn yêu. Rồi những sự chàng được hưởng đáng lẽ chỉ nên coi là đặc ân, thì chàng cho ngay là mình có quyền, quyền sai khiến, quyền bắt bẻ, quyền giận dỗi nữa.Nhưng đó cũng chẳng là lỗi riêng ở Liêm mà thôi. Cho nên Liêm quên ngay rằng trong cuộc ái ân, nếu Quỳnh đã làm cao, đã khó tính, đã kiêu ngạo, thì trong hai người, chính Liêm sẽ là tên nô lệ. Chàng không nhớ rằng khi bắt đầu yêu vụng dấu thầm người thiếu nữ mà “cuộc đời là một bài thơ” ấy, trong những thời kỳ quên ăn bỏ ngủ, bị cái khát yêu giày vò tàn nhẫn, thì chàng đã yên trí ngay rằng nếu được hưởng chỉ có một cái cười vô tình, chỉ một câu đáp ngọt ngào, chỉ một thái độ nhã nhặn hay kín đáo của thiếu nữ ấy, chàng cũng đã đủ sung sướng vô cùng để mà coi những điều lặt vặt ấy là những sự to tát đáng cho đến chết cũng vẫn phải nhớ ơn...Nhưng sự đời đã không khó khăn như Liêm đã tưởng.Cuộc chinh phục đã quá dễ dàng. Liêm chỉ còn nghĩ đến cái quyền của mình chứ không kịp nghĩ đến cái ơn của người yêu. Đáng lẽ cũng phải xử sự như người yêu của mình, chưa chi chàng đã có thái độ của một ông chồng áp chế. Đáng lẽ cũng phải yêu, Liêm chỉ vội nghĩ đến hờn giận mà thôi. Đáng lẽ phải yêu Quỳnh, thì Liêm chỉ yêu Liêm mà thôi, mà lại yêu mình qua người khác vậy?Liêm đứng tựa lưng vào cột, tầm mắt đặt ra phố xá nhưng không trông thấy cái gì cả. Như một cô thôn nữ dệt xong tấm lụa thì phải xem lại cả tấm để tìm những chỗ có mấu, những đoạn lỗi chỉ, Liêm cũng lần lần kiểm soát cuộc tình duyên của mình đã mấy tháng nay. Ích kỷ một cách vô tâm, chàng bỗng thốt ra một câu: “Tại sao Quỳnh lại thay đổi?”. Thật thế, cái tiếng thay đổi vô tình đã len vào sự nghĩ ngợi của Liêm. Chàng không biết rằng đối với những thiếu niên, trong tình trường, khi một sự gì đã không có thi vị thì tức khắc nó phải trở nên có tính chất bi thảm. Người đương yêu không phải là một người thường như mọi người, nên trong sự gì cũng thấy bất thường hoặc phi thường. Cho nên chàng không tìm thấy lý lẽ nào chính đáng để tha thứ cho Quỳnh cái sai hẹn hôm nay. Chàng nhớ ngay đến những cái cười, những câu đáp, cái vẻ nhí nhảnh được sung sướng của Quỳnh, lúc tiếp hai thằng công tử bột, chúng đứng tán ma tán mãnh... Liêm bắt đầu ghen...Chàng nhớ rõ ràng lúc ấy, đứng dừng chân bên ngoài cửa kính, những cử chỉ của Quỳnh đã bị bắt được... quả tang.Ngay bấy giờ, Liêm cũng còn như đương trông thấy cái cảnh ấy trước mắt. Quả tim của Liêm bỗng lại thổn thức đập mạnh... Máu trong huyết quản tựa hồ dồn cả lên hai bên thái dương... Người yêu thương nhất đời của chàng, người vợ chưa cưới của chàng, người mà chàng đã gọi là “người mà cuộc đời là một bài thơ” thì, than ôi! Cái lẳng lơ là không còn phải ngờ gì nữa! Quỳnh, Quỳnh mà chàng yêu thiết tha như thế, yêu đứng đắn như thế, yêu để mà định lấy làm vợ chứ chẳng còn phải vì cái manh tâm trên bộc trong dâu gì nữa, thì người đàn bà ấy, thật thế, cũng lại như trăm năm nghìn người đàn bà khác mà thôi!- Đồ khốn nạn! Đồ đĩ!Liêm cau mày xỉ vả một câu như thế vào chỗ trống không, y như là chàng xỉ vả vào mặt Quỳnh vậy. Cử chỉ ấy chẳng những không làm cho Liêm nguôi mà thôi, mà lại còn khiến chàng nổi giận hơn trước nữa. Chàng ghiến răng dậm mạnh gót chân xuống đất, rồi bỏ dãy hành lang mà vào phòng. Ngồi trên cái ghế lùn, chàng lấy hai tay bưng trán. Và những ý nghĩ đen tối, bi quan, thảm đạm, đã đến lúc được chiếm đoạt hoàn toàn cái tư tưởng của Liêm.Thật vậy, một người con gái mà nhí nhảnh với những con trai lạ mặt, chúng đương kiếm cách bông đùa mình, thì đó có phải là người đứng đắn nữa không? Quyết rằng không, vì người đàn bà hoàn toàn đứng đắn thì phải nghiêm mặt lại mà lặng thinh, hoặc là, nếu không muốn làm mất lòng những khách hàng của mình, thì ít ra cũng biết phát biểu lòng khinh bỉ của mình ra một cách kín đáo. Nhưng mà, than ôi, đối với ai kia, chứ đối với Quỳnh thì lại khác hẳn! Quỳnh không biết rằng đã có chồng rồi mà lại còn tươi cười đáp liến láu những lời bông phèng nhảm nhí của đàn ông khác, là lẳng lơ. Trái lại, Quỳnh còn ra vẻ sung sướng vì được người ta trêu ghẹo nữa! Mà đối với đàn bà thì phải hễ cứ có chồng rồi thì mới phải giữ gìn khép nép hay không? Tưởng rằng dẫu chưa có chồng, dẫu chưa được ai dạm hỏi, thì cũng phải giữ đứng đắn thì mới phải là giống người chứ?Nghĩ đến đây, cái ghen tuông bóng gió của Liêm tăng lên đến cực độ. Chàng đã được yên trí: Quỳnh là người lẳng lơ, thế thôi. Chàng không cần phải ngờ vực gì nữa! Không cần phải lý luận nhiều nữa! Xưa kia, Liêm tưởng người mà chàng kén chọn là một người ngoan. Nhưng đã muộn rồi! Quỳnh mà ngoan? Nếu vậy thì Quỳnh cũng ngoan ngoãn như những thiếu nữ hư hỏng khác, ấy thế!Cố nhiên là những ý nghĩ chua cay của Liêm không phải chỉ dắt chàng có đến sự kết luận ấy mà đã là thôi đâu. Chàng còn nhớ lại những ngôn ngữ và cử động của Quỳnh, những lúc hai người lẻn nhà đi chơi với nhau, ăn nằm với nhau... Ăn nằm với nhau... Ừ, mà sự quả đã có thế thật, cái con người ngoan ngoãn ấy, mà cuộc đời là một bài thơ như thế? Chút nữa thì Liêm quên! Than ôi, chút nữa thì chàng quên rằng người thiếu nữ đứng đắn ấy, hoa khôi của một phố, cái tiếng nết na thùy mị đã hầu trở nên một thành ngữ đối với những ai quen biết, mà Liêm cho là đứng đắn mà cả nhà Liêm cũng đồng ý nữa, thì đã ăn nằm với một thằng đàn ông, mặc dầu người ấy chính là Liêm! Cái sự nhảy ra ngoài lễ giáo như thế mà có tỏ rõ một đức tính gì, hoặc là yêu, hoặc là tin, hay là cái gì khác thì chẳng biết, nhưng bảo là chứng cớ sự ngoan ngoãn của một thiếu nữ thì, hỡi ôi, cái đó quyết rằng không! Quỳnh đã nhẹ dạ cả tin Liêm chứ có phải nhẹ dạ cả tin người nào khác đâu? Liêm đã nghĩ lại như thế. Nhưng mà than ôi! Ngay sau đó thì Liêm cũng đã nghĩ luôn ngay rằng: “Nếu nó ngủ với mình được thì nó cũng ngủ với thằng khác được lắm!”.Đến đây ý nghĩ ghen tuông của chàng vấp phải một vấn đề lương tâm. Chàng nhớ lại rằng khi bắt đầu ôm ghì Quỳnh vào lòng mà hôn thì Quỳnh đã run lẩy bẩy cả chân tay, thổn thức cực điểm, đã tỏ rằng Liêm là người đàn ông thứ nhất được chiếm đoạt - dẫu là bề ngoài - cái thân thể còn trong sạch ấy. Ngay cả đến lúc bị dục tình xô đẩy, Liêm cũng vẫn nhớ lại cái thái độ lo sợ, hốt hoảng của Quỳnh, giữa cái tình thế vừa muốn giữ gìn vừa muốn tỏ lòng yêu, vừa tin vừa nghi, vừa sợ bị khinh thường lại vừa lo bị giận dỗi, để mà, sau cùng, thì hy sinh cái tân tiết cho người yêu... Chàng lại thấy văng vẳng bên tai cái tiếng kêu khe khẽ đến nỗi như là thất thanh: “Anh ôi! Anh Liêm ơi!” của Quỳnh.Thật thế, tiếng kêu ấy không những đáng yêu mà còn đáng thương nữa. Liêm cảm thấy như đó là cái sợ mênh mang của một người đàn bà khi biết rằng tính mệnh của mình đã ở trong tay một người đàn ông. Anh ôi, anh Liêm ơi, câu ấy có ngụ cái ý rằng: “Thế là từ nay mà đi, anh cho em sống thì em được sống, anh bắt em chết thì em phải chết”. Đã như vậy, Liêm nay có còn nên đang tâm mà nghiệt ngã kết án một người đã tin và yêu mình đến như thế? Không! Không!Liêm đã trờn trọn thấy rằng mình bạc tình.Nhưng mà sao bữa nay Quỳnh không đúng hẹn? Há chẳng phải đó là Quỳnh đã có một chút gì hơi thay đổi - dẫu là hơi hơi nữa - trong sự yêu đương? vẫn biết rằng nếu Quỳnh ăn nằm với chàng thì cũng chỉ là quá yêu và quá tín mà thôi, nhưng trên đời, nào có thiếu gì những thiếu nữ bắt đầu là vì yêu và tiếp tục là hư hỏng? Không! Liêm phải cẩn thận mới được! Từ trước đến nay, Quỳnh chưa hư hỏng, chưa phản bội, cái đó chàng không dám chối cãi. Nhưng mà từ nay trở đi thì chàng phải quan tâm, điều ấy đã cố nhiên lắm thay! Chứ cơ sự đã như thế rồi, thì Liêm chẳng thể nào lại yên trí được rằng người yêu của chàng chẳng bao giờ lại sa ngã, lại phản trắc, lại trụy lạc được nữa! Bằng cách lý luận ấy, thế là cái đức hạnh của Quỳnh từ đấy bị bỏ vào phạm vi của sự hoài nghi.Liêm vẫn ghen.Chàng cho rằng nếu không đề phòng thì hỏng.Rồi chàng nhớ lại đến Khánh, một gái giang hồ mà chàng chưa hề dám đem so sánh với Quỳnh, người vị hôn thê. Thì Khánh cũng đã phó thác thân thể một cách dễ dãi như thế, một cách ngây thơ như thế. Liêm rất đau lòng khi nhận ra rằng ở một gái giang hồ và một thiếu nữ con nhà lương thiện, cách hiến thân chung quy cũng giống nhau mà thôi... Than ôi! Người đàn bà nào cũng vậy, cũng có thể bắt đầu thì là như Quỳnh mà tiếp tục thì như Khánh. Nếu Quỳnh là người đoan chính hoàn toàn thì chẳng đời nào có thể sa ngã được, ắt hẳn bắt đầu Quỳnh phải cương quyết trước nhất ngay cả với Liêm! Nhưng không! Đối với Liêm, nàng đã dại dột, Liêm không thể tin đức hạnh gang thép, cái tâm can thiết thạch của nàng được nữa! Có đâu mà tin?Nghĩ đến đấy, Liêm bỗng nghĩ trùm lấp đến tất cả mọi hạng đàn bà... Chàng bỗng thấy ghê tởm, thấy đáng phàn nàn cho cái số kiếp đàn ông. Vì rằng đời đã từng ghi những vụ ngoại tình ghê gớm: gái năm con chưa hết lòng chồng, những tiểu thư khuê các hoang dâm với những thằng nhỏ, thằng xe, những đàn bà có chồng danh giá mà đi ngoại tình với những đứa chỉ đáng là đầy tớ cho chồng, vân vân... Vào trường hợp ấy, Liêm không hiểu rằng tuy nhiên cũng vẫn có nhiều đàn bà đáng kính trọng, có đức hạnh, vì đây là Liêm đương lục tìm, đương soi mói rặt những cái xấu của đám phụ nữ mà thôi, chứ không phải chàng đương bình tĩnh và công bình xét đến những cái tốt của phụ nữ. Cho nên Liêm phải tự hỏi lòng một cách xót xa: “Ngoài những tấn kịch đã vỡ lở tung tóe mà đời biết đến được, thì còn bao nhiêu tấn kịch tương tự như thế bị chôn vùi trong tối tăm?”.Liêm lại đứng lên, vì ngồi đã mỏi.Giữa cái không khí lặng ngắt của gian phòng vắng vẻ, chàng đọc vang lên một cách chua cay hai câu cổ thơ:Souvent femme varie,Bien fol est qui s’y fie! [1]Đọc xong, Liêm lại thấy bỗng đâu mình tự chế nhạo mình.Chiếc đồng hồ đã ngân nga sáu tiếng.Dưới nhà, đã nghe thấy tiếng đũa bát lạch cạch nhau vì bọn gia nhân của Cử Tân đã sửa soạn bữa cơm chiều. Ngoài phố đèn điện đã sáng. Mãi đến lúc ấy, Liêm mới nhớ rằng phải về nhà ăn cơm. Chàng lấy cái mũ chụp vào đầu, lẩm bẩm: “Thế là cả một chiều hôm nay chờ đợi công toi chứ không làm được việc gì cả!”.Liêm uể oải xuống thang.- Thưa ông, chiều tối ông có lại đây nữa không?- Có! Có chứ.- Thưa bao giờ ông Cử con về?- Cái đó tôi cũng không biết.Sau khi đáp lời người bếp của Cử Tân như thế, Liêm đẩy mạnh cánh cửa ra thẳng. Một ít gió lạnh ngoài phố quật mạnh vào mặt chàng, làm Liêm hơi tỉnh táo thần trí. Phong cảnh của phố xá nhộn nhip khiến chàng hơi nguôi nguôi... Nhưng mà một nhặng xanh bị nhốt trong phòng kín thế nào thì ý nghĩ ghen tuông trong óc chàng cũng thế. Con nhặng xanh bay vo vo chán thì đậu một chỗ, không làm cho ta phải sốt ruột nữa. Nhưng khỏi mỏi cánh rồi thì nó lại bắt đầu bay. Cái ý nghĩ ghen giận trong óc Liêm cũng chỉ tạm dừng có một lúc ngắn ngủi. Chàng hãi hùng hỏi: “Hay là đã có ai...”.Câu tự hỏi ấy cũng chỉ là một câu hỏi lửng, vì chính Liêm cũng không dám hỏi cho đủ chữ, cho gãy nghĩa, vẫn biết rằng nếu Liêm sợ có kẻ nào đến chiếm mất lòng Quỳnh của Liêm, thì Liêm hèn lắm, vì một người ghen chính là một người hèn, thế thôi. Trong sự ghen tuông nó vẫn có ngụ ý cái kín đáo này: người ghen là người sợ cái người vu vơ nào đó giỏi giang, tài cán hơn mình, có thể xiêu được lòng thục nữ, có thể hạ được mình xuống mà tranh cướp tấm yêu, nghĩa là khiến mình phải lo sợ, thì mình mới phải ghen. Thì Liêm chẳng khi nào muốn thấy mình có vẻ khiếp nhược như thế! Ghen tuông chính là đề phòng. Nhưng Liêm không muốn đề phòng! Lòng tự ái của Liêm bảo chàng rằng ngoài chàng ra thì thôi, không một người nào xứng đáng cho Quỳnh cả, và nếu Quỳnh không yêu chàng thì thôi chứ chẳng còn ai hơn được chàng nữa. Vậy mà Liêm cứ phải đề phòng, cứ phải ghen... Vì sao? Vì rằng cái bụng dạ đàn bà, than ôi, nó đâu dễ hiểu như ta vẫn tưởng! Cứ gì cái kẻ thứ ba nào đó phải là hơn Liêm về đủ mọi phương diện thì mới chiếm được Quỳnh của Liêm! Nếu sự đời lại toàn là có nghĩa lý cả thì còn đâu những tấn kịch tiểu thư khuê các ngủ với thằng xe, hay là những đàn bà lừa chồng để đi với những kẻ chỉ đáng làm đầy tớ cho chồng!Thế là Liêm nghĩ đến tương lai, cái ngày mai nó chẳng sáng lạn như chàng dự tưởng. Đáng lẽ được là một người chồng hưởng hạnh phúc giữa một cảnh gia đình êm ấm, có vợ là người tin cậy được, thì chàng ắt sẽ là một người chồng ghen. Đáng lẽ được ăn no ngủ yên, Liêm sẽ phải lúc nào cũng phải ả cái thế dự bị, đề phòng một điều gì, nghĩa là sẽ ngủ cái giấc ngủ của những người lính cứu hỏa! Chỉ vì sợ vợ chàng không đủ cho chàng hoàn toàn tin yêu. Chỉ vì Quỳnh đã là người lẳng lơ, nếu được chồng thả lòng thì ắt hỏng bét! Đến đây Liêm muốn kêu lên:- Quỳnh! Quỳnh, mày làm khổ tao! Tao tưởng tao yêu được mày thì là tao được hưởng hạnh phúc ở đời, không ngờ chỉ vì yêu mày mà tao khổ sở đau đớn!Nghĩ thế, Liêm bỗng thấy ruột gan nôn nao lên như đương có điều gì đau đớn thật sự vậy. Chàng khổ sở lắm, khổ sở không thể nói được nữa. Đáng lẽ về nhà, chàng qua nhà Quỳnh để xem mặt mũi nàng ra làm sao. Rồi, không thấy Quỳnh ngồi ở cửa hàng mà chỉ thấy có bà phán Hòa, Liêm không vào, đi thẳng.Tối hôm ấy, bỏ bữa cơm chiều, Liêm nằm hút ở một tiệm thuốc phiện như một dân bẹ chính tông.Chú thích:[1] Đàn bà thường hay thay đổi, Điên lắm là kẻ tin họ!