Dịch giả: Vũ Minh Thiều
PHẦN THỨ Ba

     ại phi trường San Francisco. Allen thấy Josui xuống máy bay, bước đi ngập ngừng.
- Josui.
Nàng trông thấy chàng và một nụ cười biến đổi những nét mặt nàng. Vẻ mặt hơi chút lo âu, chàng tưởng nhận ra dễ dàng, thoạt đầu có lộ ra một chút thất vọng: nàng không xinh tươi như trong trí nhớ của chàng hoặc là bộ y phục màu xám không thích hợp với nàng chăng? Nụ cười trả lại. Allen, nàng Josui chàng yêu mến. Không để ý đến đám đông, chàng ôm nàng trong cánh tay. Một số người hiếu kỳ nhìn hai người: họ ngạc nhiên thấy người Mỹ cao lớn kia ôm hôn một thiếu nữ Nhật. Josui cũng trông thấy những cặp mắt soi mói ấy, nàng co người lại một chút, nhưng vẫn không rời chàng ra.
- Chúng ta hãy đến khách sạn – Allen nói – Anh đã lấy phòng. Chúng ta ở lại đấy một vài ngày, em yêu của anh ạ. Anh muốn dành thời gian, nhiều thời giờ với em. Và sau, chúng ta sẽ về nhà không vội vã gì.
Lúc trở về, hai người sẽ cùng tìm một đường lối xử thế. Mẹ chàng, như chàng thấy, quyết định không đếm xỉa đến thực tế. Nhưng bà có thể không để ý đến Josui được không, nếu nàng tới của nhà bà.
Hai người bước lên xe của Allen.
- Có phải xe của anh không, Allen?
- Của cả chúng ta, em yêu của anh. Tất cả những gì thuộc quyền sở hữu của anh là của em
Nàng mỉm cười và cầm tay chàng.
- Đừng lái nhanh quá – nàng khẩn nài một lúc sau.
Chàng cười:
- Josui, chúng ta ở Mỹ. Em quên điều này à?
Khi đến khách sạn, chàng đưa đồ đạc cho nhân viên xách hành lý và dùng thang máy đưa hai người lên từng lầu thứ mười bảy. Cửa sổ phòng của hai người hướng ra biển. Chàng dúi một đồng tiền thưởng cho anh bồi và khóa cửa lại. Chàng cởi áo choàng của Josui ra và ôm nàng trong vòng tay. À ! Hương thơm của da thịt nàng, cổ nàng, mềm dịu. Chàng không thể chờ lâu hơn được nữa. Chàng trông thấy cặp mắt nâu lớn và sáng ngời của nàng, đường vòng cung xinh đẹp của đôi môi tươi thắm. Tại sao chàng còn chờ đợi? Josui biết rõ lòng ham muốn của chàng. Nàng hoàn toàn là một thiếu phụ, một người phụ nữ phương Đông mà  những sự yêu sách của cõi lòng không có gì là bí mật.
- Em còn yêu anh nữa không?
Chàng ngừng lại để ít nhất cũng được nghe câu trả lời của nàng.
- Vâng em yêu anh – nàng đáp, giọng trông trẻo và tuyệt hay – Allen, em từ phương xa đến vì tình yêu với anh.
Ở đâu bắt đầu đời sống của trẻ thơ? Có phải trong căn phòng có những bức ngăn bằng giấy ở nơi kia, ở bên kia bờ đại dương, hay ở trong căn phòng từng lầu thứ mười bảy, có những cửa sổ mở ra phía Tây? Trong cái nhà nhà ván ở miền núi kia nơi cặp vợ chồng trẻ đã trải qua một vài ngày hoặc trên những ngọn đồi nhấp nhô miền Middle West? Trong những tháng ngày hạnh phúc xán lạn này, trong chuỗi ngày và đêm tình ái, đứa con bằng xương bằng thịt đã lựa chọn giờ của nó, nó sinh sống, nhưng cha mẹ nó chưa ngờ tới.
- Phải cần báo tin cho gia đình anh là chúng ta về – một ngày kia Josui nói.
Cả hai người cùng ngẫm nghĩ đến điều này. Cuộc đời không phải dệt toàn bằng tình ái, phải cần một ngày kia, xe tình yêu vào cuộc đời. Xúc động về từng nét mặt của Allen, Josui hiểu rằng chàng e ngại cái kỳ hạn này. Trên con đường của hai người có một trở ngại mà nàng không hiểu rõ thế nào. Nhưng nàng cố chuẩn bị để vượt qua. Nếu nàng thận trọng, chịu khuất phục, niềm nở, nếu nàng đặt bố mẹ chồng lên trên hết, có thể Allen và nàng sẽ hạnh phúc.
- Vậy ngày mai, xin anh gọi điện nói cho cha mẹ nhé – nàng hỏi giọng nũng nịu.
Những sự cố gắng của Josui để điều khiển chàng đối với chàng như một mệnh lệnh của trẻ thơ. Nàng cười khi chàng tỏ ra “thô lỗ” với nàng, khi chàng từ chối không dậy buổi sáng, hoặc chàng để bộ đồ ngủ rơi xuống đất hoặc chàng đùa nghịch làm rối tóc hay vò nhàu áo nàng. Nàng chiều chuộng chàng quá sức. Trong căn phòng hai người ở tạm, nàng không cần trông chờ sự giúp đỡ của chàng về việc lặt vặt, nàng chăm sóc chàng và thấy rất tự nhiên cầm chiếc áo choàng đưa cho chàng khi chàng tắm xong hoặc lau chùi dao cạo cho chàng khi chàng cạo râu xong.
Lúc đầu chàng chống lại, không muốn để nàng săn sóc chàng quá như thế này.
- Này, em làm vợ anh, chứ có phải là nô lệ đâu.
Nhưng nàng không thay đổi thái độ và cuối cùng Allen đành nhượng bộ, vì đó là cách của nàng biểu lộ tình yêu thương, chàng bắt đầu hiểu những người nói: “Sau khi đã biết những đàn bà phương Đông, người ta không thể yêu người đàn bà Mỹ được nữa.”
Ngày hôm sau, Josui lại dịu dàng nhắc chàng:
- Hôm nay, anh gọi điện nói cho cha mẹ đi.
- Được, lát nữa – chàng trả lời một cách lơ đãng.
Một ngày khác xán lạn hiện ra trong làn sương thắm đỏ trên dãy núi Allegheny, Allen không muốn nghĩ tới buổi chiều nữa.
Không mấy lúc chàng nhận thấy sự bối rối của Josui. Nàng ngồi ở gần chàng trong sự yên lặng hơi hay go một chút.
- Em đừng băn khoăn, Josui, anh sẽ làm việc ấy – chàng hứa.
- Vâng – nàng nói – Thật là hay quá nếu anh làm ngay bây giờ, có phải không?
Bỗng chàng cười:
- Được. Đến phòng điện thoại công cộng sắp tới, ta sẽ ngừng. Em sẽ báo cho anh khi trông thấy chiếc chuông nhỏ xanh.
Không mấy lúc nàng nhận thấy một phòng điện thoại trong một ngôi làng nhỏ.
- Ô kìa! – nàng kêu lên và lấy tay chỉ.
Chàng ngừng xe lại để xin nói.
Nay giờ phút đã đến, chàng cảm thấy bối rối và công phẫn. Chàng đâu còn nhỏ dại gì mà sợ hãi việc gì có thể xảy ra? Nếu cần, chàng sẽ đưa Josui ra khỏi nhà, hai người cùng sinh sống ở nơi khác. Nhưng trong thâm tâm, chàng không muốn xa rời nhà chàng. Những năm xa cách càng làm gia tăng tình yêu của chàng đối với quê hương, thành phố của chàng và ngôi nhà lớn do tằng tổ phụ chàng xây cất. Cách sinh hoạt này có thể bị loại bỏ, nhưng Allen còn sống thì nó vẫn tồn tại. Chàng muốn sinh sống như vậy, giống như cha chàng, hưởng được đức độ và hạnh phúc.
Nữ điện thoại viên bảo chàng:
- Xin ông nói đi.
- Kính chào cha, con Allen đây.
- Chào chú bé, chú ở đâu đấy?
Tiếng nói của cha chàng tới tai chàng rõ ràng.
- Ở miền núi Allenghyne. Con muốn thưa với cha rằng có lẽ chiều tối mai chúng con sẽ về đến nhà.
- Phải, này… – ông Kennedy ngập ngừng. Allen hãy nghe cha, tối đầu con nên qua đêm ở khách sạn, cha có điều muốn nói với con.
- Thưa cha, có gì thế?
- Cha không thể nói với con bây giờ. Chúng ta sẽ nói sau. Thí dụ, con hãy ngừng ở Rickmond. Cha sẽ đến tìm con. Con hãy gọi điện thoai cho cha ở quán rượu khi con tới đấy.
- Vâng, được rồi.
Chàng nóng lòng muốn biết cho chàng nói về việc gì.
- Xin tạm biệt cha, xin hẹn ngày mai.
- Đúng rồi, bé con.
Allen nhắc máy điện thoại và nấn ná một lúc trong một cửa hàng nhỏ có bán đủ thứ. Chàng mua những bánh chocolate và đợi lấy tiền dư. Chàng muốn kéo dài thời giờ để kịp có vẻ mặt tự nhiên. Josui có con mắt thật tinh, nàng thấu rõ cả tư tưởng chàng và đoán ra khí sắc của chàng nữa. Chàng cũng bắt đầu hiểu biết nàng và nhận thấy nàng có một xu hướng nguy hiểm dễ dàng thất vọng, chán đời một cách ghê gớm, điểm đặc biệt của bản chất người Nhật. Chàng không muốn thấy nàng thất vọng vào lúc mà cuộc đời bắt đầu đối với họ.
Chàng trở lại, tươi cười và đưa cho nàng bánh chocolate.
- Ồ! Cảm ơn anh! – nàng nói.
Chàng ưa biếu nàng những tặng vật nhỏ, dù chỉ để được cái thú vị nghe tiếng nói dịu dàng của nàng, lễ phép cảm ơn chàng, với một vẻ tự nhiên đáng yêu.
- Anh đã nói chuyện với cha mẹ chưa?
- Phải, nói với cha anh. Tối nay, chúng ta ngừng ở lại một khách sạn tốt ở Richmond. Cha sẽ lại gặp chúng ta.
- Ồ, ông tốt quá! – Josui nói, mắt đẫm lệ. Em hy vọng rằng cha chưa già lắm. Điều đó làm em băn khoăn nhiều… Còn mẹ anh?
Chàng lẫn tránh câu hỏi này.
- Mẹ muốn ở nhà để chuẩn bị các thứ.
Allen chọn một khách sạn bình thường trong một phố yên tĩnh Richmond và tự thú thật rằng chàng không cần phải phô trương với Josui. Khi hai người vào một căn phòng bé, có cửa sổ hướng ra công viên nhỏ. Allen gọi điện thoại cho bố ở quán rượu. Một vài phút sau, ông Kennedy gõ cửa phòng hai người. Ông nghe thấy một tiếng nhỏ, một giọng phụ nữ, rồi đến tiếng Allen nói:
- Cha anh.
Cửa mở ngay. Riêng một mình trong phòng, Allen tươi cười, đón tiếp ông.
Josui vào phòng trong bới lại tóc. Nàng muốn khi trình diện được lợi điểm nhiều cho nàng.
Ông vào ngồi xuống chiếc ghế bành tiện nghi nhất và nhìn xung quanh. Ông muốn nói ngay cho Allen biết câu chuyện, nhưng ông còn để thời giờ châm điếu thuốc lá.
- Trong khi có hai chúng ta, bé con, ta cần phải nói cho con biết điều này, mẹ con không được hài lòng. Cha không muốn nói điều này trước mặt vợ con.
Allen đứng yên lặng, kinh hoàng trước về mặt buồn rầu và trang nghiêm của cha.
- Nói khác đi, là mẹ con không muốn chúng con về nhà phải không?
Ông Kennedy có vẻ chán nản, quay đầu đi và phà một làn khói thuốc lá.
- Bé con của cha, thật không may điều đó là đúng. Hay ít nhất, mẹ con chưa sẵn sàng tiếp đón vợ con. Tất nhiên là bao giờ mẹ con cũng hoan hỉ thấy con về. Mẹ con dặn dò cha mãi là bảo con muốn về lúc nào cũng được và phòng riêng của con lúc nào cũng sửa soạn sẵn sàng.
- Xin cha đợi cho một lát...
Allen vội sang phòng bên và đóng cửa thông hai phòng. Một lúc lâu, chờ đợi. Ông Kennedy hy vọng Allen đừng cáo giác sự bí mật này cho vợ chàng. Không bao giờ nên xen đàn bà vào những chuyện này, như vậy công việc để giải quyết hơn. Nhưng, cũng như phần đông những cặp vợ chồng mới lấy nhau, Allen có lẽ muốn nói hết cho vợ nghe. Về sau nữa, đàn ông học hỏi kín tiếng hơn, nhưng một người cha đâu có biết dẫn dạy con trai mình về điều này.
Ông Kennedy nghĩ đến vợ và buổi tối đáng buồn hôm qua. Ông thú thực với bà lý do cuộc hành trình của ông đi Richmond. Đáng lẽ cảm ơn ông về việc này, bà trách móc ông đủ điều.
- Thất bại vẫn vui lòng! – ông phản đối. Bà coi chúng đã lấy nhau.
Khuôn mặt xinh đẹp của bà Kennedy nhăn lại:
- Chúng chưa thành hôn – bà nói giọng xẵng.
Dễ thương và dịu dàng khi bà muốn, thường bà nói một giọng hơi kéo dài, nhưng đôi khi, bà lại có cái giọng cứng rắn như thế này mà ông vẫn e ngại.
- Này bà, tại sao nhắc lại chuyện này làm gì? Tôi đã nói với bà là một điều Phật giáo cũng có giá trị như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa.
- Đối với tôi một ngôi đền có đáng kể gì!
- Có phải là điều quan hệ với bà đâu…
Một tiếng la làm ông ngừng nói và kêu như tiếng roi vút:
- Ông nói có lý, không có gì quan hệ kể cả ý nghĩ của chúng ta, cả của ông và tôi. Nhưng pháp luật, luật lệ của nước chúng ta cấm cuộc hôn nhân giữa người da trắng và da màu.
Bà ngồi đối diện ông và buộc ông phải nhìn lại.
- Joséphine! Bà biết rằng luật đó chỉ nhằm người da đen.
Ông cho mời vị luật sư của gia đình, ông Bancroft Haynes. Ông này công nhận ý kiến của bà Kennedy là: luật lệ của nước Mỹ không công nhận cuộc hôn nhân của Allen với một người phụ nữ da vàng. Và nay, ông Kennedy chỉ còn cách báo tin này cho con trai.
Cửa mở. Allen xuất hiện với Josui. Ông Kennedy nặng nề đứng dậy, cặp mắt chăm chăm nhìn thiếu phụ xinh đẹp và rụt rè, mà con trai ông cầm tay dắt đi, cặp mắt lớn màu nâu đượm vẻ e sợ. “Ồ! Khuôn mặt xinh đẹp quá – ông nhủ thầm. Một thiếu phụ rụt rè, muốn làm vui lòng người khác, khẩn nài người ta hiểu mình!” Ông bỗng cảm thấy thương hại nàng hết sức.
- Con xin giới thiệu cha: Josui – Allen nói.
Ông Kennedy tiến về phía nàng, bước đi nặng nề và giơ bàn tay lớn, mềm mại.
- Ta rất hài lòng trông thấy con – ông lịch sự nói theo kiểu miền Nam. Con từ xa tới, ta xin chúc mừng con – ông khẽ bắt bàn tay nhỏ, chắc. Chắc con phải mệt và có lẽ hơi bỡ ngỡ với xứ sở này.
- Ồ thưa không, không chút nào – Josui nói khẽ, cảm động vì hình dáng của ông Kennedy.
Nàng mỉm cười, môi run run.
Ông Kennedy nhìn nàng vẻ âu yếm. Lòng ông nhẹ nhõm vì thấy làn da nàng thật trắng. Có thiếu gì những thiếu nữ con nhà thật tử tế ở miền Nam da sẫm hơn da nàng. Ông sẽ nói điều này với vợ.
Josui nhỏ bé đứng giữa hai người đàn ông cao lớn và mỉm cười. Nàng không còn sợ hãi gì nữa. Nàng hiểu rằng người đàn ông cao lớn kia, vẻ thật hiền hậu sẽ giúp đỡ vợ chồng nàng và mọi việc sẽ tốt đẹp. Nàng nguyện sẽ là người dâu hoàn toàn về tất cả các phương diện.
Nàng rút tay khỏi tay Allen.
- Xin mời cha ngồi đây, Allen xin anh bấm chuông, cho mang trà và bánh ngọt.
- Cha không muốn ăn gì – ông Kennedy nói giọng cảm động. Cha vừa ăn lót dạ xong.
Ông ngồi xuống và nàng quanh quẩn bận rộn gần ông.
- Cha uống một ly Whisky soda? – nàng hỏi ông, giọng dịu dàng.
- Ồ, có thể được.
Ông nhận lời cho nàng vui lòng.
Josui nóng lòng chờ đợi người bồi  mang giải khát lên. Nàng không để cho Allen pha Whisky. Khi ông Kennedy uống xong, nàng băn khoăn chờ đợi lời phê bình của ông.
- Thưa cha, uống có được không?
- Hoàn toàn – ông trả lời giọng quả quyết, sẵn sàng nói bất cứ điều gì để làm nàng yêm tâm. Bây giờ, con ngồi xuống đây, con thân mến và nghỉ ngơi đi.
Nàng vâng lòi ngay, thân hình yểu điệu của nàng vẫn thẳng thắn, trong khi mắt nàng đưa từ cha chồng đến chồng.
- Thế vợ con vẫn chiều chuộng con luôn luôn thế à? – ông Kennedy hỏi con trai.
- Đó là quan niệm của người Nhật về bổn phận một người vợ – Allen mỉm cười trả lời.
- Thật là hay quá.
Bỗng ông Kennedy như nhớ điều gì… Nàng trở lên băn khoăn và lại sợ hãi. Không thể chịu đựng được sự yên lặng, nàng khẽ tới gần Allen và đặt tay lên vai chàng.
- Có phải em làm điều gì rồ dại không? – nàng thì thầm vào tai chàng.
- Nhưng không, có gì đâu – Allen trả lời giọng thản nhiên. Riêng anh thấy rằng cha muốn nói một câu chuyện với mình anh. Nếu em có thể sang phòng bên?
Josui nhận thấy ngay có tai họa, nhưng nàng vâng lời như một đứa trẻ thơ. Nàng vào phòng ngủ và đóng nhẹ nhàng cánh cửa.
Ông Kennedy không thể lùi được nữa. Không còn làm cách nào được. Ông đặt ly rượu xuống.
- Bé con của cha, cha đem đến cho con những tin chẳng hay gì.
Allen chờ đợi, yên lặng.
- Con có muốn cha nói thẳng với con, không quanh co gì!
- Thưa cha, dĩ nhiên.
- Cha nghĩ như vậy là hơn.
Ông ngã người ra phía trước và buông thả hai bàn tay to lớn, xiết chặt vào nhau.
- Bé con ạ, mẹ con nói có lý. Cuộc hôn nhân của con không được pháp luật công nhận: ở trong nước chúng ta, có một đạo luật cũ cấm cuộc hôn nhân giữa khác nòi giống. Hình như, con tha lỗi cho cha nhé, luật này áp dụng cho tất cả những người không phải da trắng.
- Ai nói như vậy?
-  Ta hỏi luật sư Bancroft Haynes.
Ông Kennedy đứng dậy, ra nhìn cửa sổ để cho Allen có thì giờ trấn tĩnh.
- Chúng tôi không bắt buộc phải ở xứ này – Allen nói.
- Tất nhiên rồi – ông Kennedy tán thưởng và quay lại, thấy rõ ràng ông được thoải mái vì câu trả lời của con – Giải pháp hay nhất là các con sinh sống ở một xứ khác và làm lễ kết hôn theo pháp luật. Như vậy, các con sẽ yên mọi bề. Có phải con muốn như vậy không?
- Tại sao lại nói như vậy! – Allen có vẻ bực tức.
Ông Kennedy cố làm nguôi lòng con:
- Được rồi, bé con ạ. Chúng ta hãy quên những điều ấy đi.
- Chúng con sẽ sinh sống ở nơi khác – Allen nói giận dữ. Cha có thể bảo mẹ rằng từ nay không bao giờ con đặt chân vào nhà bà nữa.
- Cha sẽ không bao giờ bảo mẹ con điều này. Ta hy vọng rằng con sẽ luôn luôn trở về nhà. Con là con một của mẹ con.
- Người ta sẽ không nói như thế nữa!
Ông Kennedy uống thêm một hớp rượu trước khi trả lời:
- Allen, con xử sự như một đứa trẻ con. Mẹ con yêu quý con quá, cha nghĩ như vậy. Không phải chỉ liên hệ đều có mình con, nhưng đến cả đời con nữa. Khi mẹ con biết là mẹ con sẽ không được có các cháu nữa, mẹ con ốm liệt giường mất vì thất vọng. Mẹ con khóc lóc hằng đêm trường. Chúng ta không thể ngủ được. Ta tưởng mẹ con không bao giờ quên được sự chán nản này do Thượng đế bắt bà phải chịu. Chủ nhật mẹ con đi lễ nhà thờ, nhưng mẹ con không cầu nguyện buổi tối nữa.
- Mẹ con muốn khuất phục hết trước ý chí khả ố của bà – Allen bực tức nói.
Ông Kennedy không để ý đến những lời này.
- Mẹ con là một người đàn bà đáng khen, đáng thương và ngây thơ nữa – ông nói giọng âu yếm, và đây là lần đầu ông nói chuyện với con trai như một người đàn ông nói chuyện với con trai như một người đàn ông – Mẹ con lại ương ngạnh chuyên chế quá, đôi khi cha khó khăn mới chịu được. Những lúc này, ta liền nghĩ đến một khía cạnh khác về bản chất của mẹ con: một đứa trẻ bị đập. Có lẽ con không sao hiểu được mẹ con. Nhưng cha thì cha hiểu.
Ông nhìn con trai vẻ rụt rè, hầu như van lơn, như muốn yêu cầu tha thứ vì đã tiết lộ điều bí mật này. Xúc động và bối rối, không sao hình dung mẹ chàng trong vai trò người vợ, Allen bỗng đứng dậy.
- Cha đã làm hết sức cha. Nay đến lượt con hành động. Mời cha ở lại dùng bữa với chúng con.
- Không, cha không ở lại ngày hôm nay được. (Ông Kennedy cảm thấy rất mệt mỏi và ông không muốn trông thấy con dâu hiền dịu của ông nữa° - Cha sẽ lại thăm các con khi các con yên bề gia thất rồi.
- Con sẽ báo tin cha biết.
Hai cha con bắt tay nhau. Allen muốn đặt đầu mình lên vai cha chàng. Nhưng chàng lại đứng thẳng và nói giọng quả quyết:
- Con xin cảm ơn cha đã nói thẳng thắn với con. Con biết nay con phải xử sự thế nào.
Ông Kennedy hắng giọng và định nói điều gì. Đầu gối của ông run, ông những muốn ngã lưng chút ít.
- Tạm biệt con. Hãy gọi cha nếu con cần đến.
Cho đến lúc cha chàng đi, Allen vẫn giữ được nụ cười. Sau đó, chàng ngồi xuống và ôm đầu trong hai tay.
Trong phòng bên, Josui chờ đợi. Danh dự không cho phép nàng được nhìn hoặc nghe câu chuyện giữa hai cha con. Nàng đứng yên lặng giữa căn phòng. Mệt mỏi không phải vì cuộc hành trình, nhưng vì những ghế và giường kiểu Âu Tây mà nàng đã mất thói quen trong nhiều năm nay, nàng muốn được yên tĩnh hoàn toàn khi đó tất cả đều làm nàng bối rối.
Nàng nghe thấy cửa hành lang tự đóng lại. Một lúc sau, Allen vẫn chưa xuất hiện, nàng liền khẽ mở của và nhìn vào phòng.
- Allen!
Chàng giật minh, tưởng như chàng quên không có nàng ở đây và từ từ ngẩng đầu lên.
- Anh Allen có gì thế?
Allen xấu hổ phải tỏ bày lý do sự buồn rầu của chàng:
- Mẹ anh khó chịu trong người – chàng giải thích một cách vụng về – Cha khuyên chúng ta nên hoãn ngày về nhà thăm mẹ. Trong khi chờ đợi, chúng ta tìm một căn nhà.
Chàng trông thấy sắc mặt nàng biến đổi, nên vội nói thêm:
- Em yêu của anh, em biết rằng ở Mỹ con gái đã lập gia đình không sống chung với cha mẹ. Anh đoan chắc với em rằng việc ấy không khó. Đến lễ giáng sinh, có thể chúng ta sẽ qua nhà cha mẹ một vài ngày trong khi chờ đợi.
Chàng đứng dậy, tay bỏ vào túi quần vừa đi lại trong phòng vừa nói. Vẫn quỳ gối, Josui nhìn nhận từng cử chỉ của chàng và cặp mắt đen mất cả vẻ tinh anh.
- New York, đó là nơi chúng ta đến ở. Một thành phố lớn có đủ hạng người; em cũng rõ thành phố gia đình anh ở là một thành phố nhỏ, một số ít gia đình đã sinh sống ở đấy nhiều thế hệ. Họ chưa trông thấy người Nhật nào!
- Như vậy là vì em – Josui nói nhỏ.
Allen nói quá lời, chàng ngừng lại và định nhìn nàng mỉm cười.
- Em còn nhớ thái độ của cha em đối với anh không? Vậy...
- Ồ! Phải ở Mỹ, em yêu của anh. Đặc biệt ở Mỹ… em đã quên sao? Em đã sinh sống ở Los Angeles. Em không nhớ gì nữa à? – chàng hỏi vẻ buồn rầu.
Phải, nàng còn nhớ. Nàng cúi đầu xuống, nước mắt lóng lánh ở cặp mi dài.
- Em tưởng tất cả đã thay đổi – nàng thở dài.
- Đang thay đổi. Chúng ta là bằng chứng.
Nàng ngẩng đầu lên và nhìn chàng hãi sợ.
- Tất cả những điều này làm em cảm thấy lạnh lùng cô đơn – nàng nói giọng thất vọng.
- Phải hai ngôi sao lạc lõng, tìm cách lặp một thế giới riêng biệt mới... có thể được em yêu à.
Chàng cầm hai tay nàng và nàng đứng dậy.
- Em đừng quỳ nữa, anh van em, bà Kennedy. Anh sẽ gọi em là Jo Kennedy. Nghe tiếng kêu giòn như tiếng Mỹ, phải không?
Sự tức giận, phẫn uất làm chàng can đảm.
- Em hãy sửa soạn hành lý, chúng ta đi New York.

 

Bề ngoài, họ thay đổi dễ dàng lối sinh hoạt. Không mấy lúc, Allen tìm được một chân biên tập viên cho một tuần báo. Lương của chàng đủ sinh sống trong một căn nhà nhỏ ở Riverside Drive, Josui quen biết một vài người, một thiếu phụ Trung Hoa, vợ một sinh viên Columbia và một cặp vợ chồng Nhật, sinh viên sư phạm và khoa tâm lý trẻ thơ.
Nhưng sự thay đổi làm tổn thương cuộc đời của họ vẫn tạc sâu trong lòng hai người. Họ càng bám riết lấy nhau một cách thất vọng và nung nấu một mối tình tăng lên đến cực điểm, trong khi mỗi người sống một cuộc đời riêng biệt, bí hiểm. Ngôi nhà nhỏ hẹp của họ đối với bọn trẻ trong khu là cả một thiên đường, nhưng họ quen sống trong cảnh rộng rãi và sung túc. Josui vừa lau gian bếp nhỏ, vừa nghĩ đến nhà nàng ở Kyoto, mà những cửa ngăn khi kéo ra bày cả một dãy dài các căn phòng. Allen xếp quần áo trong một chiếc tủ nằm trong tường bằng chiếc hộp và mơ ước những căn phòng trong ngôi nhà cột trắng mà chàng sẽ hưởng một ngày kia. Cả người này người nọ, không người nào muốn rời bỏ tình yêu nhau, nhưng mỗi người đều mơ ước đến những vật đã mất đi và có lẽ không bao giờ có nữa.
Tình yêu của chàng chú trọng cả về nhà cừa, về tuổi thơ và về cha mẹ chàng, làm Allen trở nên cáu kỉnh. Luôn luôn chàng nghĩ đến cha mẹ, về đời sống gia đình trong một khung cảnh chàng yêu mến biết bao, rồi chàng lại oán hận cha mẹ và nhất là cha chàng. Chính là người đàn ông, phải có chí cương quyết buộc vợ phải theo ý kiến của mình, nếu không hóa ra nhu nhược...
Nghiền ngẫm mãi những ý nghĩ này, ngày này qua ngày khác. Allen trở nên tha thiết một cách vô ý thức, khó tính hơn, hung bạo cả với Josui. Ngạc nhiên, Josui tự hỏi tại sao nàng lại tự chuốc lấy biết bao điều oán trách của chàng. Tuy vậy, nàng cố gắng làm tận thiện tận mỹ đủ mọi thứ, đến nỗi nàng để cả mấy giờ để cắm hoa vào trong chiếc bình. Tuy săn sóc những việc nhỏ nhặt, nàng vẫn để thời giờ làm tròn nhiệm vụ trước khi chồng về. Nàng không có người hầu và cũng không muốn mượn. Vả nữa, công việc nội trợ làm nàng bận rộn luôn. Mùa Đông đến, khi nàng không thể đi dạo chơi trong các công viên được, nàng quyết tâm ghi tên theo các lớp học. Nàng lấy những tài liệu trường gởi tới để học buổi tối.
Nhưng chàng đi tới chỗ cáu kỉnh, những muốn thoát ly khỏi gian phòng chật hẹp này, tinh thần chàng bị ngột ngạt.
- Anh Allen – một ngày kia nàng nói. Anh yêu của em, anh có bạn bè không?
Nàng làm một bữa cơm ngon để chàng ăn, một món ăn Nhật, chàng ưa thích và cơm nấu vừa chín đến.
- Bạn bè à?
- Vâng, những người anh có thể nói chuyện được. Em có thể làm một bữa cơm ngon, như tối nay, nếu anh mời hai người bạn, một cặp vợ chồng trẻ chẳng hạn.
- Anh không có nhiều thì giờ để giao thiệp ngoài công việc của anh, Jo ạ! Sau này, có thể được.
Josui mời một cặp vợ chồng Mỹ-Nhật, quen biết ở công viên. Họ dễ thương nhưng dè dặt. Họ không thể quen được những năm giam hãm ở Arizona, sau những hàng rào dây kẽm gai và Allen đối với họ vẫn tượng trưng viên sĩ quan Mỹ trẻ tuổi.
Về phía này, phía nọ, họ cố gắng tìm câu chuyện. Khách rất ca tụng Josui về tài khéo léo bếp núc, nhưng họ cáo từ sớm. Josui không hẹn họ một ngày nào gặp gỡ khác nữa.
Một buổi kia, tính nóng nảy của Josui bỗng biến mất. Đi chợ về, nàng cảm thấy mệt nhọc và lên giường nằm. Một vài triệu chứng thầm kín làm nàng lo âu trong ít lâu nay. Sự hành kinh trở nên bất thường. Theo lời giải thích của một bác sĩ Nhật, sự kích động vì....phải rời Mỹ bất ngờ, sự gián đoạn các mối liên lạc về tình cảm đã làm cho tinh thần bực bội và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong một vài tuần nay, Josui tự hỏi có phải nàng có thai không? Nàng gắng hết sức xô đẩy cuộc đời kia đi. Con nàng sẽ sinh sống ra sao?
-  Không, không- nàng thì thầm.
Khi nàng yên nghỉ, nàng cả thấy trong người một cử động nhẹ nhàng, không rờ mó thấy, nhưng xa lạ với thân thể nàng. Những dấu hiệu mà nàng từ chối không chấp nhận bỗng có ý nghĩa rõ ràng. Một đời sống khác đời sống của nàng đã ẩn náu trong người nàng và chiếm một ngôi vị. Quá muộn! Đứa trẻ đã sinh sống.
Thoạt đầu bất động, kinh hoàng, cuối cùng Josui trở mình và mặt úp xuống gối, nàng khóc.
May thay đứa bé trong lòng mẹ không nghe thấy nàng khóc. Muốn hay không, nó bắt đầu sinh sống vui vẻ nà nó không cảm thấy mối đau buồn của người mẹ. Cứ như vậy đứa hài nhi sống trong lòng Josui. Nó không biết đến những giọt lệ của người mang nặng để đau nó. Nó cử động đôi khi và mỗi lúc mỗi mạnh hơn.Nó không hiểu rằng đời sống của nó là một điều bí hiểm giữa mẹ nó và nó.
Vì Josui không muốn thố lộ sự phát giác này với Allen. Nàng đoán rằng người thanh niên Mỹ kia mà nàng đắm đuối yêu thương chẳng được sung sướng. Chàng làm việc quá nhiều, tỏ ra rất tốt đối với nàng và yêu nàng lắm. Nhưng nàng không phải là tất cả đối với chàng. Chàng giấu nàng một vài ý nghĩa, một vài khía cạnh cuộc đời của chàng. Nghĩ ngợi về nhà cửa của chàng chẳng hạn, về gia đình chàng đã xa rời, về tuỗi thơ ấu mà nay nàng không thể chia xẻ với chàng được. Chàng còn lưu tâm đến chính trị mà nàng không hiểu, chàng đọc những sách nàng thấy khó quá, nàng sửng sốt vì những cơn giận hờn, do máy thâu thanh hoặc báo chí gây ra cho chàng. Khi nàng hỏi han, chàng đáp vẻ nóng nảy. Không có gì làm mếch lòng nàng hơn sự tức giận này mà dần dần khó khăn lắm chàng mới đè nén được.
« Ta phải đi ». Josui khiêm nhường nhủ thầm:
Đi làm sao? Thật ra, nàng còn it tiền trong một ngân hàng ở San Francisco, nhưng nàng đi đâu? Nếu nàng viết thư cho cha, có thể cha nàng sẽ gửi thêm tiền cho nàng nữa, nhưng cha nàng đã bảo nàng đừng có trở lại nhà. Còn đứa bé? Còn ai muốn đùm bọc nó, ngoài nàng ra?
Ngay tình thân của những bạn bè Nhật cuối cùng cũng đè trĩu lên nàng và nàng thôi không liên lạc với họ nữa.
Nàng không thể gửi gắm những nỗi ưu tư của mình cho họ được.
Dần dần, nàng cảm thấy mình cô đơn.

 

Một buổi kia, Allen gọi điện thoại báo tin Cynthia, cô bạn tuổi nhỏ của chàng, đến thăm chàng ở bàn giấy và muốn được quen biết nàng. Chàng mời Cynthia ăn cơm tối và chàng yêu cầu Josui thết nàng món ăn Nhật chàng vẫn ưa thích. Tiếng nói của chàng vang lên vui vẻ trong máy nói. Josui rất hài lòng được nghe lại giọng nói đã bẵng đi từ mấy tháng qua...
Nàng dọn dẹp nhà cửa rồi đi mua một bó bông cúc nhỏ. Vì say mê hoa, nàng mua thêm ba bông cúc dại đóa màu vàng nữa. Nàng để hai giờ cắm hoa, cố gắng tạo một ảo tưởng, một khoảng không rộng lớn giữa bốn bức tường. Cuối cùng, nàng lựa, coi như phòng, chiếc cửa sổ với một mảnh trời và đầu những lò sưởi ở trên các mái nhà.
Còn bữa tối. Josui vo gạo nhiều lần, hết sức thận trọng. Nàng xếp đặt rất mỹ thuật những miếng củ cải cắt thành hình hoa. Nàng cắt cải xen thêm vào món gà hầm. Không thích thói quen của người Mỹ bầy món cá không đầu, nàng mua một con cá nguyên vẹn. Nàng đánh bóng thìa, nĩa, lau sạch bát đĩa, xếp đặt thứ tự trong bếp cho đến khi đứa bé trong bụng phản đối. Nàng liền đi nằm cho nó nguôi dịu đi.
Thường thường người ta  tìm tên cho trẻ trước khi chúng ra đời. Josui suy nghĩ về vấn đề này nhiều lắm. Biết đặt tên gì cho đứa bé này? Nàng không đặt tên cho nó là Allen vì bà mẹ Allen không muốn nhìn nhận nàng. Allen, Allen! Vậy tại sao không là Lennie? Như thế, hơi giống tên bố. Trong khi nàng đọc nhỏ cái tên này, nó trở thành tên của đứa bé. Nàng như nhìn thấy một khuôn mặt nhỏ đầy sinh khí, một khuôn mặt mà cái tên lựa chọn này thật thích hợp. Khi nàng làm việc trong nhà và khi đứa bé tức giận hoặc phản đối vì nàng đứng lâu để cắt rau làm món lẩu Sukyaki, nàng liền khẽ mắng con.
Nay nàng có thể gọi tên con là Lennie.
“Lennie, đáng lẽ mẹ phải ngồi. Đúng vậy, mẹ phải ngồi. Nhưng mẹ chưa bao giờ thấy một người phụ nữ ngồi cắt rau. Bao giờ chúng ta cũng đứng làm việc này. Vậy con hãy yên lặng, mẹ yêu cầu như thế”.
Nhưng Lennie không hiểu biết gì và Josui đành phải đi nằm.
Người phụ nữ ấy, nàng Cynthia, có thể nghi ngờ điều mà Allen không nhìn thấy ở nàng? Nàng là người thế nào: bạn hay thù?
Khi nàng trông thấy Cynthia, Josui nhận thấy là một người bạn. Một thiếu nữ cao, tóc vàng, thật kiều diễm. Khi Cynthia vào nhà, có Allen theo sau, Josui nhìn nàng vẻ khiêm nhường và kính phục. Đó là người thiếu nữ đáng lẽ Allen phải lấy. Cuối cùng Josui thấu hiểu nỗi thất vọng của bà Kennedy. Tất nhiên, chính Cynthia là người thích hợp với chàng hơn. Nếu Josui biết và vì tình yêu Allen, có lẽ nàng đã từ chối kết hôn với chàng.
Không biết nói sao nàng giơ tay. Cynthia nắm chặt tay Josui với hai bàn tay của nàng.
- Tôi nóng lòng muốn biết được chị – Cynthia nói giọng ấm áp. Tôi quen biết Allen đã từ lâu. Chúng tôi như anh em. Tôi ước mong là anh ấy đã nói điều này với chị.
- Anh ấy có với em.
- Em bỏ mũ ra, Cynthia – Allen nói, (giọng chàng tự nhiên, nhưng chàng hài lòng gặp Cynthia). Em hãy tự nhiên như ở nhà. Kìa, Josui, em quên những nghi lễ tao nhã của em rồi sao?
- Em bị bất ngờ quá – Josui nói khẽ, vẻ bàng hoàng.
- Bất ngờ vì cái gì?
- Chị đẹp quá… Em không ngờ thế… Anh không nói cho em biết…
- Ồ, chị nhã nhặn quá! – Cynthia cảm động kêu lên. Anh không nói cho em biết chị đáng quý mến như thế này. Em có thể đính chị lên áo em như một bông hoa.
Josui cười và không mấy lúc cảm mến Cynthia.
- Xin mời chị ngồi xuống đây – nàng nói và trấn tĩnh được. Em đi pha trà. Allen nói em tối nay tất cả đều phải theo kiểu cách Nhật. Xin chị thứ lỗi cho em.
Nàng đi ra và nghiêng mình, đóng lại cánh cửa gian bếp nhỏ và ngồi xuống một chiếc ghế đẩu.
“Lennie – nàng nghĩ thầm, mắng con, đừng có nhảy lên như vậy! Yếm che ngực của mẹ không che hết được con đâu, con phải biết thế. Con không được mời dự tiệc. Hãy giúp mẹ con!”
Đứa bé nguội dịu, đồng thời tim Josui cũng đập như thường lệ. Nàng liền đứng dậy và sửa soạn pha trà.
Sau cánh cửa đóng, Josui nghe thấy hai người nói, nhưng nàng không nghe rõ được. Có lẽ, họ nói về ngôi nhà của Allen, về mẹ nàng, về những điều mà có thể họ sẽ kín tiếng trước mặt nàng. Nàng nấn ná mà không ra để hai người có thời giờ nói chuyện.
- Allen, chị ấy thật đáng quý – Cynthia nói. Nếu mẹ anh có thể gặp chị dù chỉ một lần, cũng sẽ thay đổi.
- Anh nghĩ rằng có thể, vào dịp lễ giáng sinh… Nếu em có thể thuyết phục được mẹ anh…
Cynthia trở nên trầm ngâm.
- Vâng, em hiểu. Tại sao không, nhưng rồi sao? Em sẽ cố. Em sẽ tả cho bà nghe vẻ yêu kiều của chị Josui bé nhỏ, có phải thế không? Và chúng ta xem sao… chúng ta sẽ xem…
- Cynthia nếu em muốn…
- Xin hứa như vậy. Nếu bà không nhượng bộ, em sẽ mời Josui đến nhà em và sẽ tổ chức một tiệc đãi khách. Lúc đó, ta sẽ xem sao.
- Ồ, anh tự hỏi – Allen nói vẻ băn khoăn.
 - Hãy bạo dạn lên anh Allen, chúng ta sẽ ép buộc bà. Lễ giáng sinh anh hãy tới nhé.

 

Cuộc viếng thăm của Cynthia có một ảnh hưởng lâu bền. Lần thứ nhất sau nhiều tuần lễ nay, Allen lại có cảm giác với Josui, với một cảm tình gần như khiêm nhượng. Chàng nói:
- Em thật đánh yêu. Cynthia thấy hoa của em rất đẹp. Còn em… em xinh xắn quá, Jo bé nhỏ của anh. Đó cũng là ý kiến của Cynthia.
Sự ngờ vực không còn làm chàng mù quáng. Chàng lại không hiểu lầm nàng nữa, do ý kiến của Cynthia, hai người hầu như tìm lại được nỗi hân hoan hoàn toàn. Josui suýt nữa nói với chồng về Lennie. Nhưng nàng cảm thấy hạnh phúc. Allen còn gói ghém cả trong sự nhà cửa, gia đình, thành phố và cái thế giới che chở tuổi thơ ấu của chàng. Bao giờ nàng có thể tin chắc được rằng chàng đã di chuyển cái hạnh phúc từ dĩ vãng về hiện tại, lúc này nàng sẽ nói về đứa nhỏ trong bụng.

 

“Ta ăn uống nhiều quá – nàng đành lơ đãng nói và cố cười. Ta mập béo ra. Không khí ở Mỹ thích hợp với ta quá.”
Cứ như vậy, Josui cố che giấu sự thật. Nhưng cho đến bao giờ nàng còn giấu giếm được…?
Một buổi tối kia, Allen trở về, nàng đưa cho chồng bức thư:
- Thư gửi cho anh đến ngày hôm nay.
Chàng mở bức thư ra ngay. Josui quan sát mặt chàng trong khi chàng chăm chú đọc và nàng hiểu rằng đó là một bức thư quan trọng. Bỗng chàng vò nát lá thư, ném vào sọt giấy và đi vào phòng.
- Em có thể đọc được không? – Josui hỏi.
- Tùy ý em – chàng đáp không quay người lại.
“Một ngày kia rồi cũng phải cho nàng biết” Chàng buồn rầu nghĩ. Josui nhặt lá thư trong sọt giấy và lấy tay vuốt thẳng.
“Anh Allen thân mến.
Em có đến thăm mẹ anh, như em đã hứa với anh. Em có nói với bà về chị Josui thân yêu! Em tả chị cho bà nghe, không giấu giếm chút cảm tình nào của em. Em nghĩ sẽ làm lay chuyển bà và trong tâm trí em đã hình dung những chương trình về ngày tiếp khách của chúng ta nhân dịp lễ giáng sinh. Bà để cho em nói không hề ngắt lời em. Nhưng em phải nghi ngờ rằng bà để nước bài cho đến phút chót. Anh đã biết thái độ cứng cỏi của bà, cứng rắn như kim cương, khi bà tin chắc là mình có lý.
Allen tại sao anh không nói với em về đạo luật? Anh không thể kết hôn với Josui trong xứ sở của chúng ta. Theo cha anh, người ta không thể làm thế nào chống đạo luật ấy được. Dư luận đã tạo ra luật lệ và dư luận phải đổi thay. Nhưng chẳng có gì thay đổi ở thành phố chúng ta từ hai trăm năm nay...
Em không ngớt nghĩ đến Josui. Theo em, anh nghĩ có cách lập cuộc đời ở nơi khác. Thật là cả sự oái ăm trong đời này.
Đối với anh, em vẫn như xưa.
                                                                                                                                                                           Cynthia”
Josui đọc từng chữ một, ý tưởng này xâm nhập vào đầu óc và len lõi vào huyết quản nàng như một nọc độc. Người Mỹ một lần nữa lại đóng cánh cửa hòa nhập không cho nàng vào. Không bao giờ nàng lấy chàng được. Lennie, ôi! Lennie!
Nàng bỏ bức thư vào ngăn kéo bàn, giấy nhỏ của nàng. Ở trong bếp, nàng rưới nước sốt vào món thịt quay và trong món rau. Tại sao Allen không nói cho nàng biết điều đó? Ồ! Chàng đâu có can đảm nói, nàng không ngờ như thế. Nay, mọi việc đều sáng tỏ, nàng hiểu lý do tại sao chàng hay buồn rầu, bực tức.
Chàng ở trong phòng ra, đi giầy Pantoufle, mặc quần áo ngủ. Nàng chạy lại với chàng, hai tay giơ ra.
- Anh Allen khổ sở – nàng nói, thổn thức. Em thật khổ tâm quá. Đó là lỗi ở em đã lấy anh. Em làm cho anh khổ sở, tuy thật ra em chỉ tìm hạnh phúc cho anh! Em biết làm thế nào?
Chàng ghì chặt nàng trong vòng tay và can đảm trả lời:
- Chúng ta sẽ sống ở nơi khác, Pittsburgh.
Ồ, cái địa danh thân yêu, vô nghĩa mà đã lâu lắm chàng không gọi tới!
- Chúng ta sẽ quên ngôi nhà xưa ở Virginia.
- Nhưng ông bà tổ tiên anh đã xây dựng ngôi nhà cho anh – nàng rên rĩ. Tổ tiên như là một vị thần thánh, người ta đâu có thể quên được thần thánh?
- Anh sẽ kiếm tiền và nhà chúng ta sẽ rộng lớn hơn nữa. Anh phải làm cho mẹ phải ngượng.
Nàng cảm thấy dưới má nàng tiếng ngực Allen đập. Bị xúc phạm vì hiềm khích, tức giận, lòng giận hơn đó chỉ đập vì chàng, chứ không phải vì nàng. Nước mắt nàng ngừng rơi, nàng nguôi dịu. Nàng giữ sự bí mật của nàng. Người ta không thể xây dựng một thế giới trên sự giận hờn được.
Josui không hỏi về những ý định của chàng. Nàng không còn ngạc nhiên nữa và tỏ ra bình tĩnh. Allen thấy đỡ gánh nặng. Gần đến lễ giáng sinh, ông Kennedy viết thư cho con trai, nói rằng ông bà rất sung sướng được thấy riêng chàng về thăm ông bà dù chỉ trong một ngày.
“Cha nghĩ rằng là Phật tử, vợ con không thấy lễ này quan trọng như chúng ta – ông Kennedy nói, như tự biện giải. Nhưng sự thăm nom của con sẽ là một nguồn an ủi vô cùng cho mẹ con! Đó chính là cha yêu cầu con, chớ không phải mẹ con.”
Allen đưa bức thư cho Josui xem.
- Dĩ nhiên, nàng nói ngay, anh phải về nhà. Đó là bổn phận của anh. Em sẽ tự lo liệu lấy một mình. Em xin van anh. Allen, anh hãy làm cho em vui lòng, anh hãy tuân lời em
Riêng chỉ còn mình nàng với Lennie, Josui nói với con rất lâu, cắt nghĩa cho con hiểu hoàn cảnh của mình. Nàng quỳ xuống xin lỗi con, tưởng như con nàng đứng trước mặt nàng, đã lớn lao, đã thành nhân rồi.
“Lennie, con hiểu rằng không phải mẹ muốn công việc như thế. Con có quyền sinh sống ở hai ngôi nhà thích đáng, nhà của ông ngoại và nhà của ông nội con. Nhưng mẹ không thể giải thích cho con rằng ở cả hai ngôi nhà này, không ai dung nạp con. Mẹ xin con, hãy thứ lỗi cho mẹ.”
Hầu như ngày nào, nàng cũng lặng lẽ nhắc lại cho con nàng nghe bản diễn văn này. Nay nàng hiểu rằng Allen không những yêu vợ, nhưng chàng còn mến yêu tổ tiên, cha mẹ, nhà chàng, nơi chôn nhau cắt rốn của chàng. Đáng lẽ chàng phải lấy vợ trong cái hoàn cảnh thiên liêng ấy mà Josui không tới tham dự, nàng nhận thấy chàng không đủ cương quyết để đoạn tuyệt với quá khứ, để quyến luyến riêng nàng. Nàng có thể làm được điều này, nhưng chàng thì không. Nhưng không nên oán hận chàng, nàng cắt nghĩa cho Lennie nghe.
Cảnh quạnh hiu trống không đè trĩu lên nàng. Nàng ăn uống ngon lành, vì Lennie phải lớn và nảy nở. Lúc Allen trở về, nàng biết tính sao?
Trước ngày Tết, Allen vẫn chưa trở về. Buổi tối, nàng nghe thấy có tiếng gõ cửa. Hơi lo âu, nàng đi nhón chân ra mở cửa. Cửa vừa hé mở nàng trông thấy… Kobori. Cao lớn, khỏe khoắn, mặc Âu phục, đầu đội mũ, tay đi bao và cầm chiếc gậy, chàng mỉm cười và đưa cho Josui một bó hoa.
- Kobori! – Nàng kêu lên, sung sướng và sửng sốt.
- Trước anh đã nói với em rằng, anh sẽ tới New York vì công việc.
- Ồ! Xin vào! Xin nào.
Nàng hài lòng mình đã mặc Kimono. Vì một lý lẽ riêng từ ngày Allen đi vắng, nàng vẫn mặc Kimono.
Chàng cởi áo khoác, bỏ mũ, chiếc gậy và bao tay.
- Em có một mình ở nhà thôi à? – chàng hỏi.
- Allen về nhà cha mẹ chàng vài ngày, nàng đáp không chút bối rối.
- Thế em không đi cùng với chàng sao?
- Chưa
- À!
Chàng ngồi xuống và nàng ngồi ngả ra chiếc ghế đi văng nhỏ.
- Này! – chàng nói khẽ, nhìn nàng vẻ hiền từ. - Em hãy nói sự thực, Josui. Chúng ta quen biết quá lâu rồi.
- Để em cắm hoa vào bình đã.
Nàng mở hộp và thấy những bông huệ của Trung Hoa, hương thơm ngát. Về mùa này, người ta bán khắp nơi, ở kinh đô, những bông huệ đã ló ra những mầm non màu trắng sữa, xanh ngọc thạch ở đầu.
- Em đã sợ tưởng màu hồng đỏ.
Chàng lắc đầu:
- Đâu anh có ngu ngốc thế?
Chàng liền thấy điều mà Allen không nhận ra. Chàng đoán nàng có mang.
- Này – chàng lại nói khẽ. Anh thấy như em không phải có một mình ở đây.
Nàng cúi đầu xuống bình hoa.
- Allen không biết điều này.
- Làm thế nào mà một người chồng lại không biết được? Vậy chàng không muốn có con hay sao? – Kobori nói và giương cặp mắt ngạc nhiên.
Josui ngồi gần bàn và hít hương thơm của hoa. Rồi nàng nói rõ cho chàng biết hoàn cảnh của nàng. Nàng cảm thấy nàng có thể nói hết mà không đến nỗi phải khóc. Khi nàng nói xong, chàng thở dài và ngả người ra tựa ghế.
- Sao em không nói sự thực với chồng em? Biết đâu đứa bé lại chẳng thay đổi sự tình.
- Ồ! Không – nàng trả lời vội vàng. Một đứa trẻ ở đây không có gì quan hệ lắm. Ở xứ này, các thế hệ này với thế hệ nọ không ràng buộc với nhau như ở nước ta.
- Tuy vậy…
- Không! – nàng kêu lên. Không bao giờ em thú thật với Allen rằng có cháu bé Lennie.
- Josui, thế em sẽ xử sự ra sao? – Kobori dịu dàng hỏi ngay.
Chàng sửng sốt, bối rối vì điều chàng phát giác ra. Chàng yêu mến Josui trước kia một cách điềm tĩnh. Rồi sau nỗi đau đớn của chàng biến đổi thành các cảm giác với hôn nhân. Sau khi thấy Josui được sung sướng, chàng cũng ước mong mình được kết hôn theo lý trí với một thiếu nữ do cha mẹ chàng lựa chọn để có cháu chắt cho ông bà và để lập gia đình. Một người đàn ông cần phải có con cái.
Hoàn cảnh của Josui làm đảo lộn tất cả chương trình của chàng.
- Em không biết phải làm thế nào – Josui nói nhỏ, đầu cúi xuống các bông hoa. Riêng em chỉ biết rằng em không muốn làm điều ấy.
Kobori thở dài.
- Em phải trở về với cha mẹ. Đứa bé sẽ chào đời ở Nhật. Các cô nhi viện sẽ nuôi những đứa bé này, em đã biết.
- Không, anh ạ.
- Em Josui thân mến – chàng hỏi khẽ. Em có còn yêu người Mỹ kia không?
Nàng bỗng ngẫng đầu lên. Kobori hỏi nàng câu hỏi chính nàng vẫn tự vấn mình. Phải, nàng yêu Allen nhưng với một mối tình chết. Nàng vẫn yêu chồng, nhưng với mối tình vô vọng. Đáng lẽ hai người đừng gặp nhau trên đường đời là phải. Sinh trưởng trong hai thế giới khác biệt. Allen không thể là một người bạn trăm năm của Josui, mà Josui cũng không thể là một người bạn đời của chàng được. Josui không có một manh tâm chống đối nào và cũng không lấy gì làm thất vọng lắm. Nỗi buồn xâm lấn khắp người nàng, khiến nàng đờ đẫn như bị tê liệt.
- Cũng chẳng có lợi ích gì phải yêu chàng – nàng giản dị nói.
Cả hai người đều trầm ngâm, để kéo dài sự yên lặng. Cuối cùng Kobori nói giọng ngập ngừng nhưng rất tế nhị.
- Anh muốn nói với em một điều… Em hãy thứ lỗi cho anh, nếu anh im đi là hơn.
- Xin anh cứ nói – Josui đáp, không quay đầu lại.
Chàng liếm môi nói:
- Nếu bao giờ em định một mình về Nhật, anh sẽ chờ em.
Hương những bông hoa bỗng trở nên ngát mạnh quá đối với Josui. Nàng đẩy xa chiếc bình, nàng hiểu ngay ý nghĩa những lời này của Kobori: chàng muốn lấy nàng, nếu nàng không có ý giữ đứa bé:
- Em có đứa con – nàng nói.
Chàng không ngẩng mắt nhìn nàng. Hai bàn tay to lớn của chàng bấu chặt lấy đầu gối.
- Anh muốn giữ đứa bé, anh muốn điều ấy thật sự. Nếu anh chỉ có một mình, nếu anh không nghĩ đến cha mẹ anh, anh sẽ giữ nó. Ít nhất, anh cũng tưởng như thế.
Thành thật, bối rối, chàng muốn tỏ ra khoan hồng.
- Em xin cảm ơn anh – nàng nói. Một ngày kia, em có thể sẽ nhớ lại lời anh. Em không biết được.
Nàng đứng dậy, vẻ quả quyết. Chỉ một lời nói thêm nữa, sự thất vọng sẽ vỡ bờ, nàng không thể chịu đựng được nữa.
- Em đi pha trà – nàng đề nghị với một sự vui vẻ miễn cưỡng, và đi vào bếp.
Chàng nhìn nàng pha trà và không có ý nghĩ giúp nàng. Chàng vốn quen được chiều chuộng. Josui thấy cử chỉ đó rất tự nhiên. Nàng mang ra ấm trà sơn và hai tách trà tươi. Khi nàng đã mời Kobori uống, nàng uống sau.
- Anh hãy cho em biết tin tức về cha mẹ em. Cha mẹ em không trả lời hai bức thư của em.
- Anh biết. Anh có đến thăm ông trước khi đi và anh thấy ông còn giận dữ lắm. Ông nghĩ rằng đáng lẽ em không được trái ý ông.
Nàng đặt chiếc tách xuống và can đảm nói:
- Xin nhờ anh nói giùm với cha em rằng, em có lý do.
Ngạc nhiên, chàng kêu lên:
- Josui, em kiêu hãnh thế mà nói như vậy à?
- Em đâu còn kiêu hãnh nữa – nàng khiêm nhượng nói. Em không biết làm thế nào đối với lòng dạ những người ở đây. Em biết đi đâu để sinh con? Nó không có chỗ để nương thân.
Nói xong những lời này, bỗng Josui không kiềm chế được nữa và sụp xuống. Nàng thổn thức, mặt úp vào tay, người rung động vì khóc.
Kobori xúc cảm hết mức, chàng đặt chiếc tách xuống và đứng dậy. Chàng vặn hai bàn tay, nhưng chàng không hề nghĩ dám đụng vào người nàng.
- Thôi Josui, như thế này thật có hại cho em lắm. Josui, xin em ngừng đi, thật nguy hiểm lắm..
Chàng nói khẽ những lời rối loạn và thở dài. Bỗng cảm thấy xấu hổ, Josui cố nén lòng. Nàng lấy tay áo Kimono lau mắt nói với Kobori giọng bình thường làm chàng nhẹ nhõm hẳn người:
- Anh còn ở Mỹ bao lâu?
- Một vài tháng, nói cho cùng, đến khi nào em có một quyết định – chàng nói.
Kobori đứng dậy và cầm các thứ. Hai người cúi rạp chào nhau ở ngưỡng cửa. Josui đứng chờ thang máy với chàng và hai người lại chào nhau nhiều lần dưới cặp mắt hiếu kỳ của thằng bé gác cầu thang. Nàng về phòng và khóa cửa lại. Quyết định đối với nàng thật rõ ràng, quyết định duy nhất có thể thực hiện được có lợi cho Lennie: trên đời không có nơi nào dung nạp nó.

 

Đỏ mặt vì bẽn lẽn Josui nói Allen:
- Em sẽ không viết thư cho anh trong khi anh còn ở nhà cha mẹ.
- Tại sao lại không?
- Em thấy rằng làm như thế là trái ý mẹ anh. Có khác gì bí mật lẻn vào nhà mà bà đã đóng cửa không cho vào.
Chàng phản đối:
- Josui thật vô lý. Em không buồn bực thấy anh đi hay sao?
- Ồ! Không Allen. Riêng em, em định không viết thư là tỏ ra lễ phép với mẹ anh. Em muốn tuân lời bà.
Vì vậy, Allen không chờ đợi thư của Josui. Khi bước vào gian phòng lớn, chàng thấy như tất cả chào đón mình, chàng lại tìm thấy niềm vui nhộn nhàng của tuổi thơ, với lòng tin chắc rằng ở nhà mọi người đều mạnh khỏe. Chàng còn nhớ cảm giác thoải mái, khi chàng ở trường võ bị về nhà nghĩ lễ giáng sinh. Ở đây chàng lại tìm được sự yên tĩnh, an toàn và tất cả những gì chàng yêu mến. Chàng trở về giống như những trở về thuở xưa, trông thấy mẹ tiến lên đón chàng, bước đi nhẹ nhàng, yểu điệu, lòng chàng chan chứa tình yêu, bà giang tay đón con, chiếc áo khoác màu xám bạc phất phơ ở cánh tay và gợn sóng ở phía chân bà.
- Con trai, con trai thân yêu của mẹ.
Chàng cảm thấy quanh mình cánh tay mẹ và ngửi thấy mùi hương thân mật.
- Thưa mẹ…
Tiếng nói của chàng, giọng nói của một người đàn ông trầm và vang lên vẫn không phản lại tâm hồn tuổi thơ.
- Mừng con về nhà.
- Vậy mẹ biết con về nhà sao? Con tưởng đó là một sự bất ngờ.
Bà giữ con với cánh tay và cười. Khuôn mặt bà xinh đẹp, tươi trẻ, dưới mớ tóc bạch kim, trở nên linh động với nụ cười thắng thế.
- Cha con có giấu gì được mẹ. Lễ giáng sinh này con…
Chiếc voan xám lại che phủ bà, như một màng tơ nhện.
- Lại đây, hãy đến gần lò sưởi, chúng ta chưa sửa soạn xong cây giáng sinh, chúng ta đợi con về đính ngôi sao lên ngọn cây, ví đó là nhiệm vụ của con. Cynthia có đến dự!
Bà nói tên Cynthia không lộ ra một lý do gì.
- Này Cynthia, anh Allen đây! Ta đã nói với con anh ấy sẽ về. Ta biết lắm mà!
Cynthia mặc một chiếc áo len dài, chiếc áo len đỏ bên trong và đính những trái ô rô vào tóc.[1]
Mặc dầu xa cách lâu ngày, Allen và Cynthia gặp gỡ nhau vẫn tưởng như mới chia tay ngày hôm qua.
- Ngồi xuống đây anh – Cynthia nói. Em sẽ pha trà. Bà đang bị bệnh biếng nhác đấy.
- Ta thật sung sướng – bà Kennedy kêu lên.
Ngày hôm ấy, Allen thật đặc biệt cảm động về khung cảnh đẹp này: những bông hồng vàng, những thanh củi nổ lốp bốp trên những chiếc giá bằng đồng bóng loáng, những chiếc ghế bành và những chiếc ghế dài bọc vải satin, sàn nhà đánh si bóng và các tấm thảm dầy. Một sự hoàn hảo như vậy thật quý và hiếm có.
Chàng có quyền hưởng tất cả những thứ này, gia tài của chàng. Chỉ trừ khi nào chàng tự ý khước từ...
Cynthia ngồi gần chiếc bàn nhỏ bằng gỗ hồng vân, trên có đặt một bộ đồ trà bằng bạc, một của gia bảo, Allen nhủ thầm nàng sẽ giữ được vẻ yêu kiều cho đến tận ngày già nua, vì nàng thật đẹp và hoàn toàn thích hợp với khung cảnh này.
Ngày ngày ngày nọ trôi qua. Họ treo những chiếc bí tất vào lò sưởi bằng đá trắng do ông cố năm đời của Allen mua ở Pháp. Ở dưới  chiếc bí tất của chàng, Allen nhận thấy viên ngọc huyền đính vào một chiếc kẹp caravat vốn xưa là của ông nội chàng.
Thấy Allen cảm động nhìn, mẹ chàng mỉm cười:
- Đó là phần của con sau này, vậy tại sao không cho con ngay bây giờ? Mẹ có nói với cha con là mẹ muốn trao cho con tất cả những gì thuộc về con sau này. Chúng ta sẽ nói chuyện này một ngày kia.
“Một ngày kia” bao giờ cũng là ngày hôm sau. Phải đợi viên luật sư đi dự lễ ở Miami trở về. Allen viết thư cho Josui, tuy biết là nàng không trả lời. Cuối cùng chàng không nghĩ ngợi nữa. Chàng giải trí trong cảnh tiện nghi và đẹp đẽ của ngôi nhà bền chắc và cổ xưa.
Ngày Tết khách đến đông đảo. Không ai hỏi thăm Allen về Josui, về cuộc sống của chàng ở New York. Đâu đâu chàng cũng gặp sự tiếp đón nồng nhiệt.
Khi viên chưởng lý ở Miami trở về, Allen được mời vào thư viện và quyết định của mẹ chàng được bày tỏ. Bà ngồi co người lại, ở phía đầu chiếc bàn gỗ đào.
Ánh mặt trời mùa đông lọt vào gian phòng giữa những bức rèm lớn có những búp vàng.
Viên chưởng lý, một người nhỏ bé, khuôn mặt rắn chắc nói như người đang nhai rơm.
- Allen, mẹ anh đã tỏ ra rất quảng đại. Bà sang tên ngôi nhà cho anh, kể từ nay, anh là chủ nhân ngôi nhà.
- Nhưng thưa cha, con tưởng ngôi nhà là quyền sở hữu của cha? – Allen ấp úng nói.
Ngồi gần cửa sổ, như một hình bóng xám trong gian phòng chan hòa ánh sáng, ông Kennedy trả lời vắn tắt:
- Cha đã tặng mẹ con ngôi nhà này ngày chúng ta kết hôn. Cha nghĩ rằng một người đàn bà cần phải có một căn nhà. Đó là sự bảo đảm cho đời mẹ con.
- Con bé của mẹ, chắc con sẽ dành cho mẹ một góc nhà để ở – bà Kennedy nói. Mẹ tin tưởng ở con.
- Ta không tán thành quyết định này – ông Kennedy nói.
- Và con, con phản đối – Allen nói.
- Ồ! Con yêu của mẹ, mẹ van con! – bà khẩn nài. Con hãy nhận đi, ta yêu cầu con đó.
- Ý kiến này không làm con vui lòng chút nào – Allen cự tuyệt.
Nhưng thật ra việc này làm chàng vui lòng hết sức.
Chàng liếc nhìn gian phòng rộng lớn, từ nay thuộc quyền sở hữu của chàng. Nhưng bỗng chàng nói giọng hoảng hốt:
- Nhưng con không thể sống ở đây được.
- Có thể một ngày kia, con sẽ ở được – bà vui vẻ nói.
Như vậy, mặc dầu sự phản đối của ông Kennedy và của Allen, một lần nữa, ý chí của bà Kennedy lại thắng thế. Allen thấy có một cảm giác kỳ dị và đáng ghét nữa: nỗi vui mừng được gia sản. Chàng cố gắng làm nguôi dịu niềm vui, tự nhủ, dù sao, ngôi nhà sau này cũng thuộc quyền sỡ hữu của chàng. Và nay, nếu chàng có xây cất ở nơi khác một ngôi nhà nữa, thì một ngày kia rồi chàng cũng phải lựa chọn một trong hai ngôi nhà.
Buổi chiều, chàng đi New York. Chàng đi taxi về đến nhà lúc sẫm tối. Thằng bé gác cầu thang, một đứa mới, không nói với chàng điều gì. Allen bấm chuông, nghĩ rằng Josui sẽ mở cửa ngay cho chàng và sự hối hận làm tim chàng đập mạnh, chàng thật có nhiều tội lỗi, cần xin tha thứ.
Cửa vẫn đóng. Chàng lại bấm chuông, có lẽ Josui ngủ. Không khác gì một chú cún nhỏ, nàng có thể ngủ bất cứ lúc nào, nằm cuộn tròn trên chiếc đi văng hoặc dưới đất, trên mấy chiếc đệm. Cửa vẫn không mở. Chàng lục soát trong túi và tìm thấy chìa khóa. Không có ánh sáng trong nhà. Không khí chứa đựng có mùi ngột ngạt và hơi lò sưởi. Một cảnh yên lặng hoàn toàn trong các căn phòng.
Chàng kêu lớn:
- Josui!
Không có lời đáp lại. Chàng bật đèn và hấp tấp đi vào phòng. Không có ai! Chàng mở rộng hai cánh cửa tủ đựng quần áo ăn sâu vào tường. Nàng đi rồi!
Sự thực hiển nhiên đập vào đầu óc chàng. Đi rồi. Biết tìm kiếm nàng ra sao? Chàng thấu hiểu sự thất vọng có thể đưa người đàn bà đến đâu! Nàng đã tới cực độ, tuy vẫn giữ cái vẻ bề ngoài khả ái đối với Allen. Nàng đã đoán ra những gì? Nàng hiểu đến mức nào? Không bao giờ chàng có thể hiểu được. Chàng nằm lăn ra lề giường, bỗng ngã lòng vì buồn rầu và hối hận. Rồi chàng úp mặt vào lòng bàn tay và trong thâm tâm tự nguyền rủa mình: không phải vì Josui bỏ ra đi, nhưng bởi vì, mặc dầu xấu hổ, hối tiếc và hãi hùng, chàng thấy hài lòng là nàng ra đi.
Chú thích :
(1) Tiếng Anh là holly berry, tiếp Pháp là Hõu dùng để trang trí, trưng bày trong dịp lễ giáng sinh,