Dịch giả: Vũ Minh Thiều
PHẦN THỨ NHẤT (2)

     llen Kennedy trở mình mãi trên các tấm mềm dày. Những chiếc giường Nhật lừa dối người nằm. Khi mới nằm xuống, người ta tưởng giường êm ấm lắm vì những mền lụa có nhồi bông và các chiếu thun giãn. Nhưng chỉ trong một lúc, người ta cảm thấy hẳn trong xương tủy, qua chiếu và mền, cái ván rắn đánh xi của giường. Allen Kennedy không mệt mỏi lắm để ngủ được ngay. Sự ham muốn ngây ngất hun đốt máu huyết chàng. Thiếu nữ xinh đẹp kia đã phá hủy cái thế thăng bằng mà chàng đã thận trọng giữ gìn mãi mới được. Chàng vẫn ghê tởm cách xử sự thô bỉ và khinh khoái của một số nhiều người trong thời chiến tranh, nhưng chính nay, chàng cũng thấy trào lên lòng dục vọng. Chàng không thể tập trung ý nghĩ về sắc đẹp của thiếu nữ, mà chàng chỉ tơ tưởng đến thân hình nàng, sinh ra làm vật sở hữu của người khác.
Bỗng chàng ngồi dậy vòng cánh tay dài qua đầu gối gấp lại và đặt lên trên. Chàng hối tiếc đã không phân chia được cảm tính của mình, đến nỗi pha trộn tình yêu với dục vọng. Nhưng một sự tế nhị khác, có lẽ di hưởng của mẹ, đã dạy chàng rằng tình yêu không thể xa rời dục vọng được.
Chàng đứng dậy, qua xao xuyến, không sao nhắm mắt ngủ được và khoác chiếc áo choàng rộng mà các khách sạn Nhật vẫn cung cấp cho khách hàng. Một kiểu sẽ thật đẹp, màu vanh và màu trắng tô điểm thứ vải bông rẻ tiền. Người Nhật có lỗi về thẩm mỹ trong những sự bắc chước người phương Tây thôi.
Được bà Sakai tiếp trên thềm nhà, Allen trông thấy một chuỗi những mảnh lóng lánh như xà cừ, do ánh mặt trời chiếu lọt qua tấm ngăn. Chàng chưa có dịp quen biết người Nhật trong thượng lưu xã hội. Luật lệ nghiêm cấm người Mỹ không được dẫn người Nhật vào trại của mình. Trên các chuyến tàu, có những toa dành riêng cho họ. Về phần Allen chàng cũng không có ý kết thân với ai.
Ngôi nhà trong lúc buổi sáng thật hòa hợp hoàn toàn với thiếu nữ xinh đẹp chàng gặp dưới cây hoa hoàng đậu. Allen không thể quên được khuôn mặt thanh nhã, thật đẹp với cặp mắt lớn, môi dưới hơi dầy. Chàng đã thấy mến Josui là người có giáo dục, điều khá hiếm. Ở Nhật, con gái các gia đình tử tế đều tránh người Mỹ.
Allen đứng chôn chân ở ngưỡng cửa, trông ra một thửa vườn nhỏ.
Chà, chàng nhủ thầm, thật ra ta biết chờ đợi gì ở nàng Josui ấy? Nếu ta để lòng ham muốn lớn mạnh lên hoặc ta không kiềm chế ngay được - việc gì sẽ xảy ra? Thật là một cuộc phiêu lưu khó khăn, phiền toái, có thể thương tâm nữa. Chẳng có gì khác nữa. Josui không thể là một "Hồ điệp”(5) để người ta yêu rồi lại bỏ.
Đêm tối và yên tĩnh. Ở quá xa bức tường thấp, chàng trông thấy hiện ra xa xa, khối sẫm đen của dãy núi. Đến Kyoto để tìm kiếm những di tích cổ xưa, chàng chưa đi thăm được nơi nào. Tại sao chàng thay đổi những dự tính của mình. Quyết định một điều gì giữa đêm khuya khoắ này thật uổng công. Ngày mai, chàng sẽ duyệt lại với người hướng đạo và vạch ra một lộ trình. Gắng sức, chàng sẽ quên được Josui.
Chương trình đã định, Allen cảm thấy dễ chịu hơn. Đầu óc bớt căng thẳng, chàng không cảm thấy sàn đất rắn chắc nữa.
Buổi mai, mặt trời mọc trên một nền trời trong sáng. Thời tiết đẹp khiến Josui lựa chọn một chiếc áo màu vàng nhợt. Cổ hẹp, điểm những đường thêu trắng, làm nổi bật mớ tóc đen và khô của nàng. Ở thái dương, một vài sợi tóc nhỏ ương ngạnh ngập ngừng không xoắn lại.
Khi nàng đi xuống ăn điểm tâm, cha nàng nhìn nàng với mặt cặp sắc.
- Sáng nay, con đi sớm hơn thường lệ, nàng nói. Con phải học hình học trước khi vào lớp.
Bác sĩ Sakai hiểu rằng như vậy nàng muốn tránh không gặp người Mỹ kia.
- Con đi sớm được mát mẻ hơn, ông bảo nàng, giọng dịu dàng.
Bữa điểm tâm xong không một lời nói. Vẫn yên lặng, hai người đứng dậy. Josui ra vườn gom góp hoa, cành và lá để cắm bình, phỏng theo mùa. Về mùa xuân, phải tỏ ra thận trọng trong sự lựa chọn một bó hoa. Josui xua đuổi ý nghĩ hái những hoa mọc dưới nước, mà người ta không bao giờ xen lẫn với những hoa khác và lựa chọn sự giản dị. Nàng phát giác hoa sim xanh nhợt, nở ở trên những cành như sơn, nửa cây che giấu dưới một cây phong lá đỏ sẫm. Nàng cắt một cành phong, cố  giữ không tạo một chỗ trống trong cành lá và bẻ làm hai cành sim. Bó hoa này đủ cho nàng rồi. Nàng để nửa giờ sắp xếp lại trên một chiếc bàn ngoài hiên. Như đã học hỏi được, nàng hết sức thận trọng cắm bó hoa vào một chiếc bình bằng xứ xanh, để những cành lá hướng ra phía mặt trời.
Bó hoa của nàng gồm ba kiểu: cành phong vượt cao hơn hai cành sim cap thấp khác nhau và xòe ra phía sau hai cành này. Sau cùng, hài lòng về công việc của mình, Josui nâng cẩn thận chiếc bình lên và đặt vào góc phòng hơi về một bến. Nàng định giữ lại bức họa buổi qua, vẽ mấy cây liễu trong sương mù và thay thế đồ mỹ thuật bằng viên ngọc thạch, cạnh không đều nhau, đặt trên một chiếc đế bằng gỗ hồng. Nàng lùi lại để ngắm xem toàn thể ra sao
- Được lắm, có tiếng cha nàng nói.
Josui quay lại để mỉm cười với ông và thấy ông mặt y phục Âu Tây, sắp sửa ra đi. Nàng thấy cha có vẻ uy nghiêm trong bộ y phục trang trọng và nhủ thầm ông đã vô tình bảo tồn trong lòng nàng cái kỷ niệm về Mỹ quốc. Nhưng nàng giữ riêng ý nghĩ này và không chia sẽ với ai.
- Thành công lắm, bác sĩ Sakai nói. Cha không ngờ rằng màu xanh của hoa sim và màu đỏ của lá phong lại hòa hợp với nhau được... vậy mà lại hóa ra đẹp. Đặc biệt lắm. Và viên ngọc thạch lại kết hợp hoa lá này với những cây liễu trong sương mù kia.
Gật đầu và khẽ mỉm cười, ông đi ra.
Cứ như vậy ngày bắt đầu. Josui từ chối không muốn nhận rằng mình tìm kiếm trên đường phố. Ít nhất, nàng cũng vẫn theo con đường thường lệ để đến trường Đại học trước giờ và bắt tay vào việc học. Đến cuối ngày, nàng trở về sớm hơn thường ngày. Đường phố vắng vẻ nàng nhủ thầm “Hôm nay phải đi thăm Nara với bạn bè. Sẽ không bao giờ gặp chàng nữa”
Ngày hôm sau, lại đẹp hơn hôm trước nữa, nhưng Josui trở dậy buồn bã và lạnh lùng. Không thấy nàng, mẹ nàng sai Yumi đi xem sao.
- Ta thấy buồn - Josui thú thật – Thấy như ốm.
Yumi về báo tin buồn này cho cha cha mẹ nàng. Hai người nhìn nhau.
Bà Sakai đứng lên và hấp tấp đi, yên lặng trên những chiếc chiếu. Bà vào phòng con gái và nhìn nàng. Josui để hai bàn tay nắm lại trên chiếc mền.
- Con hãy nói cho mẹ biết có điều gì làm con bối rối, bà hỏi nàng, giọng âu yếm.
- Không có gì, nàng thở dài. Đó là điều làm con ngạc nhiên. Con không cảm thấy gì. Tất cả con thấy đều dửng dưng.
- Đó là điềm chẳng lành. Vào tuổi con, phải cảm thấy điều gì, dù đó là sự bất mãn.
Josui không đáp và bà Sakai đi ra, bối rối tỏ bày với chồng:
- Ông đến xem con thế nào. Con nó không chịu nói gì, không biết đau ở đâu.
- Như vậy thì không sao – bác sĩ Sakai nói, giọng vui vẻ.
Ông cầm hộp đựng dụng cụ, khẽ gõ cửa phòng Josui và vào.
- Vậy con không thấy đau ở đâu cả à - ông hỏi.
- Không đau ở đâu cả – nàng đáp, không nhìn cha.
- Con có giấu ta điều gì lần nữa không?
- Không.
Ông để vào miệng nàng chiếc hàn thử biểu(6) và quỳ ở đầu giường con gái, vẻ băn khoăn. 
- Khi nào thì con thấy cảm giác trống rỗng như vậy? Con không sốt.
- Lúc con thức tỉnh sáng nay. Con không muốn dậy nữa.
Vì thận trọng, ông giữ không muốn thổ lộ những ý nghĩ của mình.
- Thôi! Con cứ nằm, nếu con muốn. Ăn ít, cố ngủ nếu được. Cha sẽ lại ngay, nếu con cần.
- Cảm ơn cha.
Ông cầm hộp đồ và đi ra. Ông bình tĩnh bảo vợ đợi ở ngoài cửa:
- Con nó không đau; đó là mệt mỏi, có lẽ vì mùa xuân. Thời tiết thay đổi bất ngờ, khó chịu lắm, nhất là đối với một thiếu nữ dễ xúc cảm như Josui. Tôi khuyên con nằm nghỉ.
- Cảm ơn, tôi yên tâm rồi – bà Sakai nói.
Sau khi bác sĩ đi, ngôi nhà lại càng yên lặng. Bà Sakai nấn ná lại một lúc, ngắm nghía bình hoa. Yumi đi vào.
- Chúng ta không có cá – Yumi nói giọng tẻ ngắt.
- Mày nói gì? – bà Sakai vội kêu. Ngày hôm qua ta vừa thả một con cá vào cái hồ nhỏ.
Đó chỉ là một cái vại, chôn ở trước cửa bếp, để nuôi cá sống mua ở chợ về.
- Nó chết rồi.
- Chôn nó đi – bà Sakai buồn rầu nói. Để ta ra chợ trách anh hàng cá. Chắc y phải cho cá ăn nhiều lắm cho nặng cân.
Chợ không xa và Yumi coi nhà. Nhưng dù sao bà Sakai cũng muốn báo cho Jusui biết. Bà kéo tấm ngăn trong phòng bà; thiếu nữ ngủ, nằm ngửa, thở bình thường. Bà không muốn đánh thức con.
- Cô mày ngủ – bà bảo Yumi. Ta về ngay.
- Vâng, thưa được – Yumi nói.
Người hầu gái bắt đầu giặt ít quần áo ngay. Khi bà Sakai về, cô sẽ làm cá và nhặt rau.
Trời đẹp. Ánh nắng hun nóng thửa sân sau nhà và Yumi vẫn dậy sớm như thường lệ. Giặt quần áo xong, cô cảm thấy buồn ngủ. Ngôi nhà yên lặng. Nếu cô có ngủ một vài phút sau bếp lò, chắc cũng không ai biết. Nằm ngay xuống đất, cô gối đầu lên một thanh củi và ngủ liền. Đó là một thiếu nữ thôn quê, lúc nào cũng sẵn sàng ăn, sẵn sàng ngủ say sưa, không có tiếng động nào làm thức tỉnh cô được. Cô không nghe tiếng gõ cửa.
Josui tỉnh giấc, nàng lắng nghe, gọi mẹ, gọi chị hầu. Không có tiếng đáp. Tiếng gõ cửa dồn dập thêm. Buộc lòng nàng phải dậy, nàng khoác chiếc áo Kimono màu hồng, vuốt tóc và đi ra ngoài hiên nhỏ để coi xem ai, ở đây, bên ngoài không trông thấy nàng được. Ẩn mình sau một góc nhà, nàng lén thò đầu ra.
Chính chàng!... Chàng gõ cửa và không ai trả lời. Josui lùi lại và tựa vào tường. Chàng không thể trông thấy nàng. Nếu nàng không động đậy, chàng không thể ngờ rằng nàng có ở đó và có lẽ chàng sẽ đi. Nàng muốn biết chàng đi chưa. Nàng lại thò đầu ra, rất khẽ khàng. Chàng vẫn ở kia. Ngồi trên thềm, chàng nhìn tứ phía.
Nàng rút lui, nhưng không vội vàng. Với giọng trầm, vui vẻ, chàng reo lên:
- Tôi trông thấy cô rồi… Josui!
Yên lặng như nghẹn thở, nàng tự hỏi, vậy mẹ nàng đâu? Và Yumi nữa?
Giọng nói trầm lại vang lên, vui vẻ, hơi kéo dài:
- Cô lại đây với tôi hay tôi phải lại với cô?
Nàng trấn tĩnh, thắt chặt dây lưng chiếc áo Kimono, cài cổ áo và nói đĩnh đạc:
- Mẹ tôi đi vắng, tôi sẽ cho chị hầu ra.
Josui đi tìm Yumi, gọi cô, cả ở trong bếp trống không. Yumi vẫn không thấy đâu. Josui còn biết làm thế nào, nếu không phải chính nàng ra mở cửa?
- Mẹ tôi về ngay bây giờ – nàng ấp úng nói, mặt đỏ ửng.
- Tôi không phải đến thăm bà – chàng nói.
Chàng đứng dậy, bỏ chiếc mũ chào mào(7) xuống và bóp trong tay.
Nàng không biết đối xử thế nào với chàng. Mời chàng vào hay sao? Nàng xoắn vặn tay mà không biết.
- Tôi thấy mình thật khả ố, chàng nói khi thấy nàng có cử chỉ này. 
- Không – Josui phản đối. Nhưng tôi chỉ có một mình lúc này và…
- Và cô không biết đối xử với tôi thế sao, vì cô là con nhà Nho giáo.
Nàng hối tiếc là đã thổ lộ nàng có một mình ở nhà và cắn môi.
- Xin ông đi cho, nàng nói nhỏ.
Nàng không biết rằng mắt nàng lóng lánh, cặp môi xinh đẹp của nàng thắm đỏ, mặt nàng tươi sáng như một bông hoa chào đón hừng đông. Allen tiến một bước đến gần nàng và sự ham muốn xua đẩy đã lâu bỗng tràn ngập người chàng với sức mạnh vô biên. Chàng bị mù quáng, không thể kìm hãm được sự bồng bột của mình. Chàng sẽ chỉ hôn cặp môi xinh xắn và thanh khiết kia, trong khung cảnh thửa vườn đẹp này. Với một cử chỉ mau lẹ, chàng ôm nàng trong cánh tay với sự âm yếm hung bạo và từ từ ghì chặt vào người mình, trong khi nàng cố quay đầu đi. Rồi bỗng nàng không chống chọi nữa.
Chàng mơ tưởng suốt đêm cái giờ phút này và ngây thơ Josui không hề nghĩ tới. Cuối cùng nàng hầu như ngất trong cánh tay chàng và chàng khẽ rời rời ra, không buông thả hẳn nàng.
Josui cũng không thoát ra, nang chỉ quay mắt đi và tì má lên vai Allen.
- Việc này phải tới – chàng thì thầm.
Nàng không thể nói được. Chàng nâng cằm nàng và quay khuôn mặt dịu dàng lại mặt mình.
- Cô biết rằng việc này phải tới sao? – chàng hỏi.
- Tôi không biết – nàng nói khẽ, đó là lần đầu mà tôi…
Lời thú nhận chất phác này làm chàng vui sướng.
- Ồ! Em yêu của anh! Chàng nói và cúi đầu xuống.
- Không, đừng làm nữa – nàng van nài. Lần thứ nhất đủ rồi. Tôi phải suy nghĩ xem việc gì xảy ra cho tôi.
- Điều xảy ra là anh yêu em.
- Nhưng anh không biết tôi.
- Người đàn ông không cần phải biết người phụ nữ để yêu thương. Họ tìm biết và yêu dấu.
Nàng canh chừng hàng rào thửa vườn:
- Tôi không thể đứng ở đây được, mẹ tôi sắp về.
- Em để anh nói với bà.
- Không, không, đâu có đơn giản thế, anh hãy tin tôi. Cha tôi không ưa người Mỹ và ông yêu mến tôi quá…
Nói đến cha, nàng đứng cách rời chàng ra. Allen nhận thấy nàng muốn tránh và chàng cũng không tìm cách giữ nàng.
- Josui, chàng nói, em có muốn ban cho anh một sự may mắn nào không?
- Một sự may mắn à?
- Đúng rồi, là được quen biết em.
- Làm thế nào được? – Nàng thở dài.
- Anh sẽ tìm cách, em thân yêu.
Em thân yêu! Danh từ này đã bị quên lãng đi, bỗng chàng lại nhớ tới. Đó là một từ thắm thiết yêu đương. Nàng rùng mình. Nàng tìm thấy ở đây một mối tình tương tự? Chỉ có ở nước Mỹ mà ở đấy người ta không sợ ái tình.
Bỗng, nàng nhìn chăm chăm vào mắt chàng.
- Em tin ở anh, Allen… Em đọc như vậy có đúng tên anh không?
- Đúng như anh ưa thích được nghe em đọc đến. Chúng ta sẽ gặp gỡ nhau ở đâu? Ở đây à?
- Không, không, anh để em nghĩ.
- Dưới cây hoàng đậu, ngày mai được không?
- Được.
Chàng cúi đầu xuống và cặp môi dịu dàng, như đòi hỏi biết bao của chàng trai đặt lên môi Josui. Bây giờ, nàng hiểu: nàng yêu chàng thanh niên này.
Hai người hoảng hồn vì tiếng lá xào xạc. Môi họ rời ra. Hai người cùng nhìn phía bụi tre rũ bóng mát xuống cửa ra vào. Một làn gió nhẹ, một cơn gió lốc nhỏ rung động các lá xanh, non và bỗng:
- Thật lạ lùng! – Josui kêu lên.
- Có ai không? – Allen ngạc nhiên hỏi.
Trong một thoáng, họ quên không nghĩ đến nhau và cùng nhìn những chiếc lá múa nhảy. Bỗng nàng nhận thấy chàng vẫn ôm nàng trong vòng tay. Nàng giựt ra và chạy trốn vào nhà.

 

Josui nhận thấy hành động của mình quá tệ. Tại sao nàng có thể chấp nhận việc này? Ngày hôm sau, bình phục một cách kỳ dị, nàng trở lại trường. Nàng cầm một chiếc dù trắng viền hoa vàng và cầm tay cuốn sách cùng một hộp bút chì gọt tử tế. Nàng có ý định làm việc nhiều để tự nhắc nhỏ rằng mình là một thiếu nữ đứng đắn.
Chàng giữ nàng lại cách hàng rào không xa mấy. Cặp mắt chàng xanh biếc như nước biển dưới ánh mặt trời.
- Anh ở đây để quyến rũ em, chàng bắt đầu nói dạn dĩ.
Josui e sợ. Biết chống trả thế nào với ngày tươi đẹp như thế này? Nàng cố tạo một vẻ trang nghiêm.
- Anh sung sướng được thấy em đẹp quá. Như thế càng làm lòng ham muốn dễ dàng hơn nữa.
- Em phải vào lớp học – nàng nói, giọng van lơn.
Mặt chàng nghiêm nghị:
- Josui, anh chỉ còn năm ngày phép. Anh chẳng xem gì được ở Kyoto, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới. Em có muốn, hôm nay, lại với anh và dẫn đường cho anh đi… vì bổn phân yêu nước.
Nhìn cặp mắt sáng ngời của Allen, Josui cảm thấy có một điều gì vui vẻ tràn ngập người nàng. Nàng cười:
- Anh cám dỗ em quá, nhưng em không thể theo được. Em biết nói với vị giáo sư của em thế nào? Và nếu có ai trông thấy hai chúng ta? Cha em chắc sẽ giận lắm.
Chàng nhún vai:
- Xin lỗi em, anh van em. Hãy quên sự cám dỗ. Em đi học đi.
Nụ cười tắt trong cặp mắt chàng. Hai người đi sát cạnh nhau bên bờ rào. Allen cầm sách cho nàng, Josui nhớ lại khi ở Mỹ, con trai vẫn thỉnh thoảng mang sạch cho con gái. Nàng nhìn nghiên chàng và nhận thấy chàng đang ngắm mình. Mắt chàng trở nên trong sáng và miệng như cố dập tắt nụ cười.
- Em có thể dấu những quyển sách này ở gốc cây hoàng đậu, rễ cây khá lớn và xoắn xuýt có thể che kín cả em nữa.
- Em sẽ làm thế – nàng kêu lên.
Những lời nói mới đáng kinh ngặc làm sao!
Vào giờ buổi sáng này, không ai trông thấy nàng giấu sách và trở lại với chàng. Hai người đi vào một con đường hẹp.
- Em hãy nói về thành phố Kyoto cho anh biết – chàng hỏi, giả đò lưu tâm lắm.
Để trấn tĩnh sự bối rối của chính lương tâm, nàng trả lời với giọng nghiêm trang.
- Trong một ngàn năm, Kyoto là thủ phủ của nước Nhật. Thành phố cổ xưa này với trên trên một triệu dân có một ngàn bốn trăm đền Phật giáo, nhiều lâu đài, cung điện cổ xưa của nhà vua và những công viên cổ, đẹp nhất thế giới.
- Cô em hướng đạo thân yêu của anh, hãy dẫn anh đi thăm các công viên.
Ở trong các công viên, chàng nghĩ sẽ có những nơi ẩn náu, những động, tảng đá, các hồ phẳng lặng, các hàng rào, bụi cây. Chàng phải mất hứng và nghi ngờ nàng có mánh khóe tinh ranh gì.
Nàng chỉ một khoảng hình chữ nhật, đất khô khan, một bãi sa mạc, cuối cùng có một bức tường thấp. Những tảng đá bám bụi rải rác trên cát trắng, gợi nhớ những đảo lởm chởm trong một biển nước đọng, mà chiếc đã vạch những làn song bất động và đều đặn.
- Đây là một khu vườn à?
Trong một thoáng, chàng không thấy ý nghĩa chàng gán ghép cho ngày hôm nay nữa. Chàng linh cảm thấy một cách mơ hồ một sự hùng vĩ và trang nghiêm, vượt tầm hiểu biết của chàng.
- Anh sẽ hiểu – Jossui giải thích, vẻ trang trọng. Anh hãy đếm những tảng đá đi.
Chàng đếm được mười lăm chòm, xếp những đảo hàng năm và hai, năm và ba, ba và ba.
- Không phải chỉ riêng là những đảo. Một vài cái giống như những loài chim nước đang nghỉ ngơi…
Josui lấy ngón tay chỉ những đảo đó cho chàng
- Kìa, những con vịt trời.
Những tảng đá mòn giũa bởi gió và mưa, nhắc nhở thật sự những con vịt nằm ngủ.
- Em có hiểu vườn này tiêu biểu gì không? – Allen hỏi.
- Không được hiểu lắm, nhưng em có thể nói để anh biết rằng, công viên này rất nổi đanh và rất cổ kính, biểu lộ tâm hồn thanh khiết của người sáng tạo. Nếu chúng ta đứng hàng giờ lâu, yên lặng trông ngắm, lúc ấy chúng ta sẽ hiểu
Chàng lắc đầu:
- Không, cảm ơn – chàng nói. Anh muốn một cảnh gì linh động hơn.
Josui lại nhẫn nại dẫn Allen vào hoa viên một lâu đài cổ, ở đấy những đồi thấp là những dấu nối liền vườn với trời. Nhưng, nơi này cũng không phải là một cảnh thân mà không có một góc nào có thể ẩn náu được. Allen không dám cầm cả tay Josui.
Trưa đến, chàng chẳng còn muốn nghe nói về đền đài, lăng miếu, công viên và thần thánh nữa.
- Anh đói – bỗng chàng nói. Chúng ta đi ăn, thuê một chiếc xe và ra miền quê. Anh muốn xem môt phong cảnh thường.
Nàng nhận lời như trong một giấc mơ. Đã phạm lỗi lớn lao là dành cho chàng cả ngày hôm nay, nàng như sẵn sàng tất cả. Thấy thế, chàng thấy ngực đập mạnh.
Buổi chiều, ở miền quê, Allen lại thấy Josui có vẻ xa cách. Hai người trèo lên một ngọn đồi, theo một con đường nhỏ quanh co, có lát gạch và trồng tre hai bên. Chàng đứng dừng lại trước một khoảng có rêu mọc.
- Chà! Chỗ này tốt quá. Một chiếc đệm thật êm, có phải không? Josui, em ngồi xuống đây.
Nàng vâng lời và quỳ xuống, cách một khoảng thích đáng với người bạn trai. Mấy sợi tóc nhỏ lóng lánh mồ hôi bám vào trán đẫm ướt của nàng. Môi nàng thắm tươi, chàng có dám đến gần nàng không? Chàng bỗng quyết định và cầm lấy tay nàng.
- Josui.
Nàng quay lại nhìn chàng với cặp mắt trong sáng:
- Anh hãy nói cho em biết về nước Mỹ. Nói cho em biết về nhà, cha mẹ anh. Em tọc mạch quá.
- À! – chàng bắt đầu nói. Anh ở một thành phố nhỏ, cách Richmond không xa, thuộc về miền Virginia.
- Anh mô tả nhà anh đi.
Chàng nhìn bàn tay Josui và khẽ lấy những ngón tay mình mân mê.
- Một ngôi nhà lớn, sơn trắng, sáu cột lớn trắng. Một ngôi nhà cổ dô tằng tổ anh xây cất. Ở cửa vào có một cầu thang lớn dẫn đến các phòng.
- Thế gia đình anh, có bác trai bác gái(9) ? 
- Phải và anh. Có thế.
- Con một?
- Phải
Nàng có vẻ nghiêm nghị:
- Vậy anh đối với hai bác chắc rất được quý.
Chàng cười:
- Đôi khi anh cũng nghỉ như thế.
- Thân mẫu anh… bà thế nào?
- Khá, anh nghĩ như vậy.
- Em muốn nói về dáng người.
- Ồ! Anh hiểu. Khá bé nhỏ, mảnh khảnh, xinh xắn đúng hơn. Nhưng bà có một ý chí sắt đá.
- Còn thân phụ anh?
- Cao lớn, điềm tĩnh… biếng nhác, anh thấy thế. Ông là luật sư, nhưng nay không hành nghề. Ông thấy không cần thiết, anh nghĩ như vậy, từ ngày ông anh mất.
Nàng hiểu rằng chàng muốn thổ lộ là chàng có gia sản nhưng vì tế nhị, chàng không muốn đề cập đến vấn đề này. Nàng nhìn qua các khóm tre. Thành phố Kyoto trải dài ở dưới chân hai người.
- Cần phải về – Josui nói.
Thời giờ đi mau quá. Chàng nằm xuống thảm rêu và gối đầu lên cánh tay gấp lại.
- Lúc này chưa, Josui.
Nàng nhìn chàng với một vẻ không sao tả được. Nàng có sợ hãi không?
- Josui, em hãy nằm gần đây.
Nàng lắc đầu. Cái cổ trắng muốt của nàng bừng đỏ.
- Tại sao không, em yêu của anh?
Nàng không trả lời, nhưng chàng trông thấy môi dưới của nàng run và nàng cắn lại ngay.
- Em có sợ anh không?  – Chàng hỏi một cách âu yếm.
- Một chút.
- Anh không làm hại em điều gì, em yêu của anh.
Nàng chỉ biết lắc đầu.
Chàng dịu dàng hỏi:
- Em quên rằng anh yêu em sao?
Allen lắng nghe kỹ mới nhận thấy có trả lời.
- Em có nhớ, nhưng tại sao anh yêu em?
Josui quay nhìn chàng với cặp mắt lớn nghiêm nghị. Chàng đứng dậy, cử chỉ hấp tấp. Thật ra, tại sao chàng yêu nàng? Thái độ của thiếu nữ làm cho những cử chỉ của chàng hóa ra kỳ quặc.
- Anh không hiểu – chàng nhận thế. Chính anh cũng tự hỏi mình. Anh như là… người đói khát. Anh chẳng có ai ở đây để yêu thương. Chỉ có mình em.
- Còn mấy ngày nữa anh đi à?
- Anh sẽ trở lại.
Nàng mỉm cười
- Như vậy chúng ta có thể chờ đợi. Chẳng cần phải quyết định bây giờ tại sao anh yêu em. Nàng nhảy lên và trông ngắm vẻ mặt nồng nàn, hướng về phía nàng. Bỗng nàng quay đi, xuống dốc và chạy, nhẹ nhàng và mau lẹ. Chàng chỉ còn biết chạy theo nàng đến tận xe.
- Như vậy có phải là hết một ngày không? – Allen hỏi.
- Chỉ ngày hôm nay thôi, một ngày qua với anh, Allen Kennedy.
Nàng nói cả tên họ chàng lần thứ nhất, dằn từng chữ một cách điệu bộ.
Ngày khởi đầu với biết bao sự băn khoăn thì lại kết thúc trong một giấc mơ vui vẻ. Nàng lấy sách giấu ở một nơi. Sinh viên đã trở về cả. Người gác cổng già ngủ ở trong chòi canh.
Josui chỉ ngừng lại một lúc để từ giã Allen. Chàng phản đối:
- Nhưng anh có được đi xem gì đâu. Anh chưa được thăm Nara. Tất cả mọi người đều phải tới Nara. Tất cả mọi người đều phải tới Nara.
- Anh phải đi với các bạn của anh – nàng nói và mỉm môi. Em không có ý gì về việc này.
- Có chứ. Đó là lỗi ở em. Anh đã gặp em, thì anh lại cần phải gặp nữa.
Với thái độ trẻ con, nửa đùa nghịch, chàng tìm cách bào chữa cho mình. Sự xúc động làm chàng hãi sợ. Chàng không muốn chỉ định những nguyên nhân.
Nàng hết sức sửng sốt và hỏi:
- Anh có muốn ngày mai em đi Nara cùng với anh không?
- Anh kính cẩn ước mong như vậy.
- Em cần phải suy nghĩ.
- Josui, làm thế nào, anh biết được quyết định của em?
- Nếu em đi, em sẽ ở đây, sáng mai, không mang sách vở?
- Anh đợi em
Hai người từ giã nhau, cũng chẳng bắt tay nhau, tưởng như người nào cũng đoán ở kẻ kia lòng ham muốn ngập ngừng và e sợ.
Josui kinh ngạc về sự nhu nhược không ngờ được của mình. Nàng trở về nhà như thường lệ. Cha nàng được mời tới nhà một bệnh nhân, phải trở về muộn. Josui ăn buổi tối riêng với mẹ. Thỉnh thoảng nàng mới trả lời những câu hỏi âu yếm của mẹ; trước kia nàng là người rất ghét nói dối hay bắt buộc phải nói dối. Trong khi nàng đang bận rộn sửa soạn khay cơm cho mẹ, thì bà nói giọng dịu dàng:
- Thôi con, khỏi bận tâm, mẹ không muốn ăn. Ta không dám nói cho con...
- Bảo con gì, hở mẹ?
- Chính cha con được mời gấp đến gia đình Matsu. Kobori… cha con sợ bị ruột dư.
- Kobori! Ồ! Con mong rằng bệnh không đến nỗi nặng. Người con độc nhất của gia đình Matsui!
- Và một người con hiếu đễ biết bao! Cha con rất có thiện cảm và đặt nhiều hy vọng ở chàng…
Josui biết những ước vọng của cha, nhưng nàng không thể trả lời được. Nàng ẩn mình trong một giấc mơ tình ái lôi cuốn nàng đi xa nhà, xa cha mẹ. Khi ăn xong, nàng nhận thấy bà Sakai nhìn nàng với vẻ băn khoăn.
- Con có điều gì bận tâm thế? – bà hỏi.
- Ồ! Con nghĩ đến việc học hành – Josui đáp, ngạc nhiên thấy mình nói dễ dàng quá!
Nàng đi ngủ rất sớm, viện cớ mệt. Đêm trong sáng. Nàng ở giường sát liền mặt đất, nàng trông thấy qua cửa mở, những ngôi sao tỏa ánh sáng vàng, tựa những đèn lồng bằng lụa ở đằng xa. Nàng nhớ lời những chuyện tình đọc trong các tạp chí ở California. Tình yêu đưa đến hôn nhân. Thoạt đầu là cái hôn, rồi tỏ tình và sau cùng là ấn định ngày hôn lễ. Nàng đã nhận được cái hôn, chàng đã tỏ tình. Bây giờ đến lúc chàng ấn định lễ cưới.
Nàng thở dài, hình dung khuôn mặt của Allen và ước mong ngày mai sẽ tới.

 

Ngày mở đầu tươi đẹp. Ánh mặt trời làm nàng thức tỉnh, Josui dậy. Nàng được mẹ cho biết là tối quá, cha nàng về muộn, vì phải giải phẫu Kobori về bệnh ruột dư và tình trạng của chàng làm ông lo ngại. Josui lẫm bẫm một vài câu xã giao và ra đến ngoài là nàng quên ngay hết cả. Đường phố hơi ẩm ướt sau một cơn bão nhỏ ban đêm, trời tuyệt đẹp. Allen đợi thiếu nữ, nhưng lão gác kiểm soát đường phố khắp cả mọi mặt. Chàng đến gặp nàng ở một đường hẹp dọc theo một bức tường Trường Đại học.
- Lão không trông thấy em? – chàng nói.
- Thôi, ta đi ra ga qua những đường vắng vẻ – Josui đề nghị. Nara cách đây không đến một giờ xe lửa.
Hai người bắt tay nhau và đi yên lặng trong đường phố ẩm ướt. Trên cây những hạt mưa nhỏ rơi xuống khuôn mặt và tóc Josui.
- Hạt mưa rơi trên mấy bông hoa – Allen nói.
Nàng mỉm cười:
Vào giờ sớm sủa này, họ có chỗ ngồi trên toa tàu. Josui giả tạo vẻ lãnh đạm trước con mắt hiếu kỳ của hành khách ngạc nhiên thấy một thiếu nữ Nhật tử tế đi cùng một người Mỹ.
- Nara là kinh đô cố định đầu tiên của Nhật – nàng nói, giọng trong trẻo, hơi lớn một chút. Trước kia, các vị vua chúa chỉ định kinh đô ở thành phố nào họ ưa thích. Từ thế kỷ thứ nhất, Nara được lựa chọn và trở thành kinh đô trong bảy triều đại liên tiếp Sau đó là Nagaoka cũng ở gần Kyoto.
- Ở Nara ta xem gì?
- Tất cả những gì anh thích. Cửa hàng, lâu đài, đền miếu, rương cất thánh tích, tượng Phật lớn, vườn Thượng Uyển.
- Vườn Thượng Uyển – chàng quyết định không do dự. Có lớn lắm không?
- Hơn sáu trăm mẫu(10).
Đến Nara, Josui gọi một xe kéo, đưa hai người đến công viên, trong khi nàng cố gắng quên những cặp mắt soi mói của hành khách trên tàu.
Hai người dạo chơi một giờ trong công viên. Nhận thấy có một góc vắng vẻ, Allen không sao kìm hãm được lòng ham muốn. Chàng bỗng quay lại trên con đường nhỏ hẹp mà chàng đi trước và nắm lấy tay nàng.
Bây giờ không còn vấn đề giằng co gì nữa. Cái hôn không còn làm Josui sợ hãi. Nàng chỉ những muốn tiếp tục nữa. Nàng cảm thấy một nỗi hân hoan cực độ, êm ái không sao chịu nổi.
Đối với Allen, cái hôn chỉ là bước đầu một sự mời mọc. Hai người yêu đương nhau, mỗi lúc một say sưa, thắm thiết hơn. Thúc đẩy tới cái kết luận không sao tránh được. Allen bỗng nâng Josui lên trên cánh tay chàng, đặt nàng nằm lên thảm rêu, dưới hàng thông và nằm ngả xuống gần nàng.
Nàng hiểu ngay nguyên nhân cử chỉ hấp tấp này. Lấy hai tay, nàng đẩy mạnh chàng ra.
- Thôi, nàng nói như hắt ra. Không, Allen Kennedy không thể làm cách này được.
Giọng nói của nàng run run và mắt nàng nhìn vẻ dữ tợn.
Sống tuổi thơ ấu sung sướng trong ngôi nhà lớn sơn trắng ở Virginia, lương tâm thanh khiết của Allen bỗng bừng dậy. Sự phẫn nộ của Josui làm chàng nguội lạnh và chàng giấu mặt vào lồng ngực thiếu nữ.
Thoạt đầu bất động, sau nàng quyết định phá tan sự im lặng.
- Em không hiểu điều gì chi phối em, một thiếu nữ Nhật hay Mỹ. Em chỉ biết trước tiên em là con gái của cha em, một người họ Sakai. Gia đình em không phải là những người tầm thường, vốn thuộc một giới khác. Anh và em, chúng ta phải cùng xem xét, chúng ta yêu nhau bằng cách nào. Hãy cùng quyết định hoặc là vĩnh biệt ngay ngày hôm nay, hoặc…
Nàng ngừng nói, không sao tưởng tượng được, nếu chàng nói: “Thôi, vĩnh biệt”.
- Có cần phải có một quyết định ngay hôm nay không?
- Phải
- Tại sao?
Nàng ngập ngừng rồi quả quyết:
- Vì anh làm dữ ngay khi chỉ có hai người.
Chàng tức giận vì sự thực trắng trợn.
- Này, Josui. Có phải thế là làm dữ không?
Nàng nhìn chàng với cặp mắt lớn, trong suốt.
- Hãy cho là thế, nếu cần phải nói thật. Em không có lẩn tránh  –  nàng nói tiếp ngay. Nếu em nhận lời đi một mình với anh, em cũng phải nhận phần trách nhiệm của em.
- Em đã học được những tiếng kheo léo ấy ở California?
- Không phải ở California, mà ở đây, ở Nhật, chính ở miệng cha em.
- Một người cha nghiêm nghị phải không?
- Có lẽ thế.
Trong khi chàng im lặng, nàng nói thêm:
- Có lẽ rất ích lợi… cho một người con gái.
Nàng quàng tay qua đầu gối và cúi đầu.
Gáy nàng trắng xanh như màu sữa, cánh tay trắng và tròn, ở cánh tay áo cụt hở ra và hai bàn tay xinh đẹp. Chân và tay đẹp, thật hiếm ở đàn bà Nhật. Chàng không trông thấy được chân Josui che trong đôi vớ ngắn.
- Em hãy bỏ vớ và dép ra – bỗng chàng hỏi. Em thò chân cho anh xem. Chân em có đẹp như tay em không?
Allen ngạc nhiên thấy mặt Josui bừng đỏ. Nàng đứng phắt dậy và đi:
- Bây giờ thì em không thể ngồi với anh được nữa – nàng nói vẻ dữ dằn. Không thể được nữa. Anh chửi em một cách dễ dàng quá. Allen Kenndy! Bây giờ em mới hiểu lòng dạ anh. Ái tình thế à! Hãy nói đi! Với tình yêu như vậy, em không muốn chút nào.
Nàng đi và chàng chạy đuổi theo:
- Josui, em nói gì thế? Em thân yêu, tại sao những lời này lại làm phật ý em? Anh không hiểu chút gì.
Chàng nắm vai thiếu nữ:
- Josui hãy trả lời anh!
Nàng quay lại, nắm nẩy lửa, má hồng đỏ.
- Anh không trả lời em, Allen Kennedy! Em hỏi anh “Chúng ta quyết định thế nào?” Và anh bảo em: chìa cho anh xem…
Nàng ngừng nói, quay đầu đi và mắt đẫm lệ.
Buộc lòng phải thổ lộ sự thực, chàng nói:
- Em thân yêu, nếu anh không trả lời, vì anh không biết trả lời làm sao.
- Nếu anh không biết, anh không thể… đụng đến người em.
Tay Allen rơi xuống
- Em nói có lý.
- Nếu anh không biết vậy em xin anh ngay ngày hôm nay, anh đi Kyoto, rồi trở về Mỹ. Hãy quên em đi.
Chàng không rời mắt thân hình mảnh khảnh của nàng. Thấy chàng yên lặng, nàng nói giọng chán nản:
- Em muốn về.
Hai người đi chuyến tàu sau về Kyoto và chia tay nhau ở ga, vì nàng muốn như vậy.
- Anh không bao giờ quên em, Josui.
- Ồ! Rồi anh sẽ quên.
- Nếu anh không quên, anh có thể viết thư được không?
- Anh sẽ không viết thư.
Nàng rời đi, không lời từ biệt. Chàng đứng nhìn mãi cho đến lúc nàng lẫn vào đám đông, nhưng nàng không quay lại. Chàng về khách sạn, xếp dọn hành lý và đi Tokyo chuyến tàu nhất. Chàng không muốn đá động đến ngày nghỉ phép nữa. Điều cần thiết là tiếp tục làm việc ngay.

 

- Kobori đã khá hơn, bác sĩ Sakai nói. Chàng chống lại được các thuốc trụ sinh mới.
- Con rất hài lòng – Josui nói vẻ lãnh đạm.
Bác sĩ Sakai cảm thấy có điều gì bất thường ở con gái. Ông nhủ thầm chắc nàng có sự bất thường về sinh lý. Nàng đến tuổi phải lấy chồng mà nàng không rõ.
- Kobori thật là mẫu người thanh niên Nhật. Vậy mà chàng lại tân tiến. Chàng kính nể cha, song chàng sẽ vượt ông. Một ngày kia, chắc chàng sẽ là một nhân vật quan trọng.
Josui muốn xua đuổi hình ảnh Kobori khỏi tâm trí nàng, nhưng bị thúc đẩy bởi một sự cần thiết mơ hồ tự trừng phạt mình và dồn dập các biến cố, nàng nói thành thật.
- Thưa cha, tại sao cha không nói sự thực? Cha muốn con lấy Kobori. Vậy tại sao lại có những sự quanh co như thế?
Bác sĩ Sakai tức giận:
- Con hiểu rõ lắm tại sao ta không dám thành thật với con – ông kêu lên. Con giống những thiếu nữ Mỹ. Nếu con rõ những ước mong của cha, con sẽ phá hết.
Kinh hoàng vì sự tức giận của mình, ông sẵn sàng chịu đựng những hậu quả. Nhưng ông lại ngạc nhiên thấy Josui tỏ ra dễ bảo:
- Cha biết, con suy nghĩ nhiều lắm. Bây giờ, con thấy đối với con lấy một người Nhật là hơn. Đôi khi, con ước mong được trở về Mỹ, nhưng bây giò con nhận thấy phải sinh sống ở đây. Như vậy, tại sao lại không ưng thuận Kobori?
Nàng nói, vẻ trầm ngâm, buồn rầu nữa, bác sĩ Sakai khó nhận ra con gái mình. Sự tức giận tiêu tan, ông ấp úng.
- Josui, con gái của cha, thật con hiểu biết lẽ phải lắm. Ta sửng sốt quá. Con có muốn rằng cha... Ta có phải nói với ông thân Kobori không?
Nàng quay lại ông, cặp mắt lớn buồn rầu:
- Tùy ý cha.
Rất băn khoăn, ông hỏi con:
- Con có ốm đau gì không, con gái bé bỏng của cha?
- Không, thưa cha, trái lại, con thấy dễ chịu lắm.
Thấy cha lo âu, nàng cố mỉm cười.
- Con thấy con trưởng thành rồi.
Vui vẻ nhưng khó chịu một chút, ông nói thêm vẻ trang trọng:
- Con tin chắc rằng cha không thúc đẩy con đâu.
- Xin cảm ơn cha.
Nàng khẽ nghiêng mình và rời cha để ra xếp đặt lại những viên sỏi trong hồ nước. Nàng nhặt những viên tròn và bóng, do nước mài giũa, ném bỏ dần dần những viên khác và xếp vào hồ. Màu sắc những viên sỏi lóng lánh dưới làn nước trong. Một viên đá mờ đù, đôi khi để dưới nước lại có một màu sắc bất ngờ. Nàng đặt những viên đá hết sức nhẹ nhàng, đến nỗi hình của nàng phản chiếu xuống mặt nước bằng phẳng chỉ hơi rung động khẽ.
Không có một bức thư nào của Allen. Một tháng trôi qua từ ngày hai người chia tay nhau và chàng chưa viết gì. Trong những tuần lễ chờ đợi, những đêm thao thức, Josui trông thấy hiện ra rõ rệt tương lai của mình, đời sống giản dị, theo định mệnh của người phụ nữ Nhật, hôn nhân, con cái, gia đình. Tất cả những bài diễn từ của những phụ nữ tân tiến chẳng thay đổi gì đời sống ấy, nàng dần dần quen với ý tưởng sẽ kết hôn với Kobori. Nàng vẫn nhớ khuôn mặt chàng xanh xao, khá lớn, những nét hơi nặng nề, vẽ hiền từ và khoan hồng. Giọng chàng nói từ tốn, êm ái. Chàng nói được rất ít tiếng Anh: “Tôi không có khiếu về sinh ngữ”– chàng nói, không có vẻ hối tiếc gì. Chàng không có vẻ gì khiêu khích và buộc người khác phải nhận mình là đúng.
Có thể một ngày kia, nàng sẽ yêu chàng. Trước hết là nàng ưa thích lòng nhân từ và nàng đoán chắc rằng ở Kobori có nhiều sự nhân từ hơn là bất cứ người nào quen thuộc nàng.
Josui cầm một viên đá sỏi tròn, màu xanh nhợt trong lòng bàn tay và để rơi xuống nước. Màu xanh ở dưới nước trở nên sáng và dịu.
Mùa hạ oi ả đè nén lên thành phố Tokyo. Nhựa đường bóc lên một hơi nóng không sao chịu được và điện tắt luôn, làm tê liệt các quạt máy, lại thường vào lúc trong ngày trời nóng bức nhất. Cách độc đáo để chịu đựng sức nóng này là lăn xả vào công việc đến u mê.
- Thưa trung úy…
Một người lính mang thư từ đến.
- Cứ để bên bàn. Ta còn phải làm xong biên bản này.
- Vâng, thưa trung úy.
Người lính chào, đặt trên bàn một tập mười hay mười hai lá thư và đi ra.
Cả gia đình, cha mẹ, cô chú, anh chị em họ… người nào cũng coi là bổn phận phải viết thư cho Allen và coi như là một sự thống khổ trong thời gian chàng phải lưu trú ở xứ xa lạ của những kẻ man di. Những bức thư của mẹ chàng bao giờ cũng bắt đầu câu “Con bé bỏng của mẹ, bao giờ chúng ta để cho con về?”
Chàng tiếp tục đánh máy bản tường trình. Một trung úy, thật cũng tiện đủ điều, người ta bắt chàng làm đủ điều, mọi việc. Xuất thân ở Đại học ra, Allen bị chìm đắm trong trận mưa viết lách vô tận. Chàng coi như một thú vui biến một bản tường trình nhạt nhẽo – như bản đang viết về một vài tổ chức dân sự của Nhật trong thời chiếm đóng – thành một tác phẩm nhỏ để trau dồi văn chương. Không phải bản tường trình này dành cho những người có thể thưởng thức được. Nhưng Allen, chàng bắt đầu lưu ý đến người Nhật. Chính vì Josui.
Josui hiện ra trong đầu chàng hai mươi lần một ngày. Allen lại nghĩ đến vấn đề. Nếu chàng xin cưới… chàng chìm đắm trong những ức đoán và những ngón tay chàng hóa ra bất động trên chiếc máy chữ. Hai người có thể sống ở Nhật. Nhưng chàng có ưng thuận sống suốt đời ở đây không? Hay ở Mỹ. Thật không thiếu gì nơi hai người có thể sống sung sướng với… con cái… hừ! Con cái của hai người… có cần phải có con cái không? Chàng vẫn thường nghĩ một ngày kia lấy vợ và có con. Nếu chiến tranh không bùng nổ có lẽ chàng đã kết hôn với Cynthia Levering mà mẹ chàng rất yêu quý.
- Ta coi nàng như con đẻ của ta – bà nhắc đi nhắc lại.
- Xin mẹ đừng ném Cynthia lên đầu con – chàng phản đối, có ý giễu cợt. Một ngày kia, có lẽ một mình, con sẽ có ý nghĩ lấy vợ.
- Ồ! Im đi con – bà kêu lên, giọng dịu dàng và vui vẻ. Con lớn lên càng trở nên khó chịu.
Tập thư người lính để trên bàn chàng có lẽ có những tin tức về Cynthia. Chàng giơ tay, cầm tập thư và lần lượt xem các bì thư. Một bức thư của mẹ chàng, một bức của vị mục sư Tân giáo hội, hai bức chữ viết xa lạ và, phải, một bì lớn của Cynthia. Ngoài thân hình mảnh dẻ và mềm mại, ở Cynthia chẳng có nhỏ bé cả, vì nàng dong dỏng và rất cân đối, nhân từ và quảng đại.
“Anh Allen rất thân mến…” Bao giờ nàng cũng bắt đầu trong các thư như thế. “Anh Allen rất thân mến, chưa bao giờ em thấy một mùa xuân như thế này…”
Chẳng đọc từ tốn những trang giấy gợi nhớ thành phố quê hương của chàng, những người bà com xóm giềng và họ hàng. Đối với chàng, một mình ở Tokyo, họ ở xa thăm thẳm, tưởng như ở một hành tinh khác. Họ không thể bao giờ hiểu được thế giói riêng biệt của chàng ở Nhật Bản.
Chàng đọc cẩn thận những bức thư khác và lần lượt bỏ vào bao bì, rồi chàng chòng chọc nhìn những chữ không có hoạt khí chiếc máy đánh chữ của chàng.
Không có gì của cha chàng, mà thư từ, cũng như lời nói rất thưa thớt… trong những bữa ăn, câu chuyện của ông chỉ giới hạn vào sự cần thiết tối thiểu “Đưa bánh bơ cho ta, con trai” Hoặc để xen một chút cảm tình “Những bánh này ngon hơn thường lệ, cưng ạ” Ông ưa thích gọi bà nhà là cưng, vì ông không muốn gọi tiểu tự Joséphine.
- Quả vậy, ông Kennedy – bà trả lời lưu loát. Tưởng như không bao giờ chúng ta có những bánh ngon như thế.
Từ trước, không bao giờ Allen tìm hiểu bố, nay bỗng hối tiếc là đã không hiểu biết để có thể nói về chuyện Josui và hỏi ông...
Chàng chỉ có một điều thắc mắc và điều đó chàng chỉ có thể tự vấn mình được thôi, chàng có yêu nàng để kết hôn với nàng được không?
Trước kia, chàng chưa yêu ai.
Bây giờ, chàng có yêu không?
Chàng bỏ thư từ vào ngăn bàn giấy và đi tắm trước khi thay quần áo. Chàng phải ăn cơm tối ở nhà ông đại tá.
Bà vợ ông đại tá không biết đối xử thế nào với những chàng trai vui tính, những kẻ bạt mạng và cuồng nhiệt làm dưới quyền ông.
- Họ chẳng coi cái gì là đúng đắn cả – bà than vãn. Họ tưởng còn như ở thời bà Butterfly.
Allen hiểu bà muốn nói gì. Trong công viên ở Nara, suýt nữa chàng cũng đã xử sự như họ. Đôi khi, khó nhận rõ được người Nhật trong thời kỳ chiếm đóng với những người Nhật đã tàn sát dã man người Mỹ trước đó ít lâu, những người thấp nhỏ, gan dạ, đánh úp những quân lính Mỹ trong rừng rậm ở các đảo, tưởng như không có chút liên hệ nào với các đồi núi có những bậc thang đất cây cối xanh um, những người thôn quê y phục bằng vải bông màu xanh, các thiếu nữ xinh đẹp trong chiếc Kimono và đi guốc và tất nhiên là chẳng có gì liên hệ với Josui.
Khi chàng nghĩ đến nàng, ngực chàng lại đập. Chàng tự hỏi, có nên nói chuyện này với ông đại tá sau bữa ăn không. Nhưng chàng không dám. Chàng chỉ hỏi có bao nhiêu người Mỹ lấy con gái Nhật, trong thời kỳ chiếm đóng. Ông đại tá, khó chịu, trả lời:
- Anh muốn nói là kết hôn, hay chỉ đơn giản…
- Tôi muốn nói là kết hôn.
- Có lẽ không nhiều – ông đại tá thở dài, vẻ hài lòng. Và nữa, còn ai biết được? Hàng mấy mươi ngàn đứa trẻ máu pha trộn đã chẳng cho ta một ý niệm xác thực về tình hình là gì. Tôi tự hỏi tại sao quân lính của mình lại ham muốn nhiều như vậy. Tôi rất ngạc nhiên, mặc dầu có kinh nghiệm lâu năm trong quân đội.
- Những đứa trẻ lai này sẽ ra sao? – Allen hỏi, vẻ chăm chú trông thấy.
- Tôi không biết. Viên phụ tá của tôi có kể cho tôi nghe rằng vợ ổng có tìm thấy một đứa con hoang ở nhà một người láng giềng tử tế. Barclay và vợ không sao ngủ được vì đứa trẻ kêu khóc quá. Khi bà Barclay tới than vãn, bà thấy bà cụ già vì xấu hổ đã giấu đứa bé vào trong một tủ nằm trong tường.
- Thế Barclay làm thế nào?
- Anh ta báo tin cho cô nhi viện công giáo đến đón đứa trẻ, làm cho cả gia đình được khuây khỏa, kể cả người mẹ. Barclay thấy ở đứa trẻ có một vẻ khác lạ: kết quả sự tạp chủng thật ghê tởm. Tôi chống đối những cuộc hôn nhân tạp chủng nhưng chúng ta biết làm thế nào?
Không thể nói về Josui được! Allen cáo lui rất sớm.
Chàng từ chối không muốn nghỉ phép đi thăm viếng Karuizawa (Khinh tỉnh Trạch) và cũng không đi xem chiếu bóng nữa. Về mùa hạ, hiếm lắm chàng mới dự khiêu vũ, nhưng không một chút nào vui vẻ và chàng cố tìm hình ảnh một thiếu nữ khác ở quê hương mà chàng muốn được gặp lại, chính Cynthia cũng không gợi được cho chàng tình yêu. Đời mất hết cả hương sắc.
Khi ý thức được sự chán nản của mình, chàng nhủ thầm: “Ta biết tìm hứng thú cuộc đời ở đâu”. Chàng biết hứng thú đó chỉ bừng sáng trong lòng khi chàng đi sánh đôi với Josui.
Chàng nghĩ đến nàng, gợi nhớ hình ảnh nàng, mặc dầu cảm thấy khuấy động những kỷ niệm đó là đều nguy hiểm. Trong cảnh cô đơn của tiết hè, sau khi các bạn đồng ngũ và ông đại tá nghỉ phép, chàng luôn luôn nghĩ đến Josui. Đến trung tuần tháng Tám, chàng quyết định gặp nàng lần nữa, hầu để đo lường cái cường độ cảm tình của mình và để xem chàng có thể một ngày kia quên được nàng để kết hôn với một người phụ nữ khác được không.
Chú thích:
(5) Trong nguyên tác là Madame Butterfly là tên một vở kịch nổi tiếng cùng tên có thể ám chỉ dựa theo nội dung vở kịch này. Dịch sang “Hồ điệp” trong Liêu trai chí dị để độc giả tiện theo dõi. 
(6) Tên gọi cũ của nhiệt kế
(7) Loại mũ dành cho sĩ quan hải quân Hoa Kỳ (navy officer hat), có chóp như đầu chim chào mào.
(8) Từ cũ chỉ đáng ghét hoặc thô lỗ.
(9) Theo lễ nghi phong kiến (Nho giáo) khi chưa kết hôn, tránh gọi các từ thân mật chỉ cha,mẹ của người khác mà phải nói trại ra.
(10) Theo nguyên tác là “More than twelve hundred acres.” Nghĩa là hơn 200 mẫu đất Anh nên có thể là xấp xỉ 800,000 m2Còn ở đây không biết mẫu tính theo đơn vị nào.