hôi, người còm nhom nhất nhóm sinh viên tình nguyện. Còm nhom nhất, cao nhất... tóm lại là cái gì cũng nhất, mà cái được khen nhất là trụ được ở vị trí chỉ huy lũ nhóc của xóm, điều mà lần lượt từ anh này tới chị kia trong đội tình nguyện đều lắc đầu và nói rằng có thể làm được tất cả mọi việc, chỉ trừ một việc là dạy một lớp học có đủ các lớp của cấp hai. Nhiệm vụ này được giao cho Khôi với lý do: Khôi là sinh viên khoa sư phạm. Còn gì hợp lý hơn?
Nổi tiếng ngay lập tức là cách phạt con Cúc, một học trò của lớp học Xóm Hẻm mới được khôi phục lại. Lớp học Xóm Hẻm, là nói cho gọn vậy chứ có cả mấy đứa con nhà mặt đường phố chính cắt ngang con hẻm cũng vô đây học chung theo lời rủ rê của mấy đứa trong này. Nói khôi phục lại là vì năm ngoái cũng có một nhóm sinh viên tình nguyện về đây mở lớp dạy học. Qua ba tháng hè, các anh chị sinh viên ra đi, bao lưu luyến hứa hẹn tới mùa hè sang năm, nhưng rồi chẳng những quên béng hết, mà cả sách vở cũng đâu mất luôn.
Lớp học một tuần sáu buổi, mỗi buổi ba tiếng đồng hồ bắt đầu từ bảy giờ sáng tới mười giờ. Để chọn được giờ học lý tưởng này, thầy giáo Khôi phải trổ tài thuyết phục các phụ huynh và thuyết phục cả ông khối trưởng chịu ghi nhận việc cho con đến lớp cũng tính vô điểm thi đua gia đình văn hóa mới. Thật ra thì cha mẹ nào cũng muốn cho con mình đi học, vừa là ôn tập kiến thức khỏi sợ quên, vừa là có... địa chỉ đàng hoàng cho con mình lui tới, chớ làm sao mà quản lý nổi tụi nó trong suốt ba tháng hè. Bởi vì có đứa phải phụ má bán hàng ăn buổi sáng, đứa bế em cho má đi chợ... nên giờ học bắt đầu lúc bảy giờ sáng là rất khó. Nhưng, nếu học buổi chiều thì... cả xóm nhà nào cũng lợp mái tôn, học từ một giờ trưa thì chẳng khác nào ngồi dưới cái chảo rang, làm sao mà học vô được. Thôi thì cứ coi như không phải nghỉ hè! (Sau này, khi thầy giáo đã trở thành thân thiết với dân xóm thì lý do đúng nhất mới được kể ra rằng: nếu học từ lúc một giờ trưa thì chắc chắc lớp sẽ tan ngay sau vài ba buổi, bởi vì giấc ngủ trưa của mùa hè thì chỉ có trời mới dựng mấy đứa chịu thức dậy đúng giờ!).
Ban tự quản của khối cho xóm mượn phòng trực của tổ tự vệ để làm lớp học. Phòng này nếu không cho lớp học mượn thì ban ngày cũng để không, vì tổ tự vệ chỉ có ở đó vào buổi tối. Mà cũng tại vì chỉ mở cửa khi trời đã tối và đóng lại khi trời tờ mờ sáng nên không ai nhìn thấy nó dơ đến cỡ nào.
Buổi đầu tiên, cả thầy giáo lẫn học trò phải quét dọn không chỉ bụi bặm lưu cữu mà mạng nhện cũng bám cứng vô tường như nó mọc từ tường ra vậy. Chính lớp mạng nhện cứng đầu này khiến bọn học trò nhận ra thêm một cái nhất nữa của thầy giáo Khôi là... yểu điệu nhất! Nhìn cây chổi lông gà trong tay thầy giáo phủi phủi trên tường, con Cúc nhanh nhảu nói: “Thôi, thầy để tụi em” rồi nó chồng hai cái ghế lên nhau và nhìn thằng Xây. Mắt con Cúc to và tròn như viên bi, mắt thằng Xây một mí. Hai đôi mắt này đối diện nhau, chưa nói năng gì đã thấy tếu rồi. Thằng Xây leo lên cái ghế phía dưới nhún nhún, ánh mắt nhìn xuống ra vẻ ta đây nhưng vì là mắt một mí nên nhìn nó như đang nhắm mắt khiến bọn đứng quanh cười ồ. Rõ ràng, thằng Xây đang muốn làm hề. Cả lũ liếc nhìn thầy giáo đợi phản ứng nhưng thầy chỉ xoay xoay cây chổi lông gà, mắt nhìn hai cái ghế chồng lên nhau, nói nhỏ nhẹ:
- Các em không sợ bị té sao?
Trời! Trèo lên hai cái ghế này là chuyện nhỏ xíu đối với thằng Xây. Từng theo cha đi phụ hồ, giàn giáo cao hơn vậy nữa, lại còn xách hai tay hai xô vữa thì hai cái ghế này có là gì. Nhưng lúc đó, nó là phụ hồ. Còn lúc này, nó là học trò! Là con nít! Con Cúc nhìn quanh tìm đồng minh. Và nó không phải nói thành lời. Trong mắt cả lũ, rõ ràng thầy giáo Khôi thật chẳng xứng là nam nhi tí nào. Thà thầy là cô giáo thì không nói làm gì. Lẽ ra là thầy mà thấy một đứa con nít trèo lên thì chính mình phải giành phần hoặc ít ra là cũng phải có một câu kiểu như “Các em tránh ra để thầy làm cho”, đằng này...
Thằng Xây trèo lên cái ghế bên trên. Cố tình, nó nhún nhún mạnh hơn làm như thử độ vững vàng của điểm tựa nhưng rất rõ là trêu ngươi. Rồi khi con Cúc chuyền cho nó cây chổi tre thì nó chà cây chổi vô tường và nhón hai chân nhướn người theo từng nhát chổi chà xát. Điểm tựa lúc này như không phải là cái ghế mà là cái đọt chổi đang dí vô tường. Mạng nhện vo lại, phần thì quấn quanh chổi, phần thõng xuống lơ lửng, phần rớt xuống nền cùng với bụi bặm và bụi vôi...
- Các em đội mũ vô!
Cả lũ bật cười trước câu nhắc nhở muộn màng của thầy giáo Khôi. Chính thầy giáo cũng không có mũ! Dưới lòng bàn tay đang khum lại trước trán để che bụi, đôi mắt thầy giáo nhìn thân hình của thằng Xây đang rướn tới, rồi khi thằng Xây nhảy xuống đất để đẩy hai cái ghế qua chỗ khác thì thầy giáo mỉm cười lắc đầu. Cái lắc dù rất nhẹ nhưng không qua khỏi ánh mắt xoi mói của con Cúc. Lại thêm nụ cười mỉm. Con Cúc thấy bất mãn ghê gớm. Nó nhìn quanh tìm đồng minh nhưng mấy đứa đang rượt theo mấy con nhện chạy tứ tán nên nó đành chỉ biết mím môi mà không thể nói ra cái điều đang ấm ức trong lòng - Thằng Xây phải rướn rướn là vì nó không được cao như thầy giáo. Thầy giáo đã không dám leo lên cái vị trí lẽ ra là dành cho người có chiều cao như thầy thì thôi, còn cười nữa là sao?
Buổi sáng đầu tiên là tổng vệ sinh. Việc này cả xóm ai cũng biết bởi vì đứa nào về nhà cũng mang theo một mớ mạng nhện trên đầu tóc. Khi bị ba má la, tất cả đều có câu trả lời giống nhau: “Con đâu có nghịch phá, không tin ba má cứ hỏi thầy giáo Khôi thì biết”.
Buổi học thứ hai. Thằng Xây về nhà với một vết bầm ở đầu ngón tay cái của bàn tay trái vì bị cái búa đóng trúng. Vốn hay theo ba tới công trình xây dựng nên những vết bầm kiểu này với má thằng Xây không là gì, bà chỉ hỏi một câu chiếu lệ: “Sao vậy?” và thầy Xây cũng trả lời lấy có: “Không sao đâu má”. Nhưng vết bầm ở vị trí y hệt trên tay thằng Đức đã gây nên một cơn bão tố.
Thằng Đức là con của ông bà Hoàng, chủ tiệm vàng bạc đá quý nằm trên đường chính cắt ngang hẻm. Thích chơi với thằng Vinh nên nó theo lời rủ rê của thằng Vinh vô lớp của Xóm Hẻm mà học. Cả nhà, chỉ trừ anh trai của nó đang học ở Sài Gòn nên không ai biết anh trai nó ý kiến ra sao, chứ còn ông bà Hoàng và chị Thiên Thanh của thằng Đức thì không thích nó chơi bời dính dáng tới mấy đứa xóm hẻm này. Việc nó đi học hè trong lớp Xóm Hẻm là một điều quá khó chịu! Chuyện này, cho tới khi thằng Đức bị búa đóng vô tay thì Khôi mới biết.
Học trò về hết, còn lại Khôi đứng giữa căn phòng mới hôm qua chỉ là chỗ ngủ của đội tự vệ khối mà nay đã trở thành một lớp học sạch sẽ tươm tất. Khôi xoa tay khoan khoái hít mạnh một hơi, hài lòng ngắm nghía công trình của mình thêm một lần nữa trước khi khóa cửa ra về. Chà, chỉ có Khôi. Khôi chứ không ai khác trong đội sinh viên tình nguyện nghĩ ra cách dạy một lớp hỗn hợp cả khối cấp hai như thế này. Trên thế giới đã có lớp học nào có hai tấm bảng đối diện nhau như ở đây chưa? Hai tấm bảng, và mỗi tấm chia làm hai phần. Vị chi là có bốn tấm bảng! Đúng vậy, bốn tấm bảng. Một cho lớp sáu, một cho lớp bảy, một cho lớp tám và một cho lớp chín. Lớp sáu và lớp bảy sẽ quay mặt về phía này, còn lớp tám và lớp chín sẽ quay mặt về phía ngược lại. Khi bên này đã nghe giảng xong và lo làm bài tập thì Khôi sẽ về phía bên kia mà giảng giải. Chà!...
Khôi hình dung sáng ngày mai, bọn nhóc thường ngày liến láu sẽ ngồi ngoan ngoãn nhìn lên phần bảng của mình. Khôi sẽ lần lượt viết bài tập của lớp nào lên phần bảng của lớp đó. Và bọn nhóc sẽ chẳng tìm ra kẽ hở thời gian nào để mà nghịch ngợm được.
Năm ngoái, Khôi tham gia nhóm tình nguyện về một xã vùng kinh tế mới, ở đó nhiều khó khăn hơn nơi này nhưng dạy học lại dễ hơn vì tất cả các em đều chỉ biết lõm bõm, tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu.
Cái lớp học này làm Khôi mệt lử với việc quét dọn và đi mượn bảng rồi bị búa đóng vô tay, nhưng so với lớp học năm ngoái thì đây đáng gọi là thiên đường. Năm ngoái, lớp là gian nhà kho bỏ trống vì chẳng có gì để cất giữ, lâu ngày mái tranh dột nát rụng từng mảng, chỉ còn lại bốn bức phên bằng cót nứt nẻ lỗ chỗ ngồi bên trong nhìn thấy rõ người đi từ xa. Thầy trò ngồi trong lớp gió nhẹ thì không sao nhưng gió mạnh thì những trang sách vở bay tung như quạt. Đầu ngày còn chịu được nhưng tới khi mặt trời lên cao thì cả thầy giáo lẫn học trò nhăn nhúm mặt mày vì chói mắt, mồ hôi ướt áo là chuyện phải quen. Tối nào trước khi đi ngủ, Khôi cũng nghĩ tới lớp học ngày mai không biết có còn đủ chừng đó đứa tới lớp hay không. Sáng ra, trên đường đi gần tới lớp đã thấy hồi hộp nếu không nghe tiếng cười đùa vang lên. Vậy mà những ngày hè trôi qua, có đứa đã đọc được truyện cổ tích. Những quyển truyện cổ tích cũ mèm của Khôi đã thắp lên giấc mơ về chàng trai nghèo thi đậu trạng nguyên. Giấc mơ này làm Khôi ứa nước mắt ngày chia tay, trạng nguyên tương lai nhìn còn nhem nhuốc quá. Nhưng giấc mơ hồn nhiên khiến Khôi tin rằng trong mỗi trái tim đều có một điều rất đẹp đang ngủ vùi, phải biết cách đánh thức nó dậy như chàng hoàng tử thức nàng công chúa ngủ trăm năm.
Khôi muốn mình là chàng hoàng tử đó! Khôi đã chuẩn bị những bài học rất độc đáo, những bài học khiến học trò phải khao khát và ước mơ. Khôi sẽ kể về Shakespeare từng chỉ là người kéo màn cho rạp kịch. Khôi sẽ kể về nhà bác học Edison thuở nhỏ từng ngồi lên ổ trứng với ý muốn ấp cho gà con nở. Khôi sẽ kể về Dicken thời thơ ấu nghèo khổ đến nỗi phải theo cha vào sống trong tù. Khôi sẽ kể về... Và biết đâu... sẽ có một trạng nguyên, những trạng nguyên... từ những đứa nhóc nghịch ngợm của lớp học Xóm Hẻm này. Ừ, biết đâu...
Khôi thở một hơi dài khoan khoái và thò tay vô túi lấy cái chìa khóa để chuẩn bị khóa cửa, cùng với động tác này, Khôi quay người ra cửa.
- Cậu là Khôi?
Người đàn bà đứng ngay ngưỡng cửa. Bên cạnh là đứa con gái trạc tuổi Khôi. Trong tích tắc, Khôi tưởng câu hỏi mình vừa nghe được thốt ra từ miệng của đứa con gái vì đôi môi vừa cắn lại một cách giận dữ. Nhưng rồi Khôi nhận ra người buông câu hỏi bằng giọng nặng trịch chính là người đàn bà trung niên. Hai mẹ con che khuất hẳn cửa. Không hiểu sao Khôi bỗng nhiên lại nhớ đến một câu trong vở kịch cổ điển: “Muốn bước khỏi nơi này hãy bước qua xác của ta”.
Khôi mỉm cười. Thường là vậy. Có khi người ta chợt cười vì một điều liên tưởng khác dù đang trong tình huống không nên cười tí nào. Bà Hoàng đỏ bừng mặt mũi:
- Tôi hỏi cậu là Khôi phải không?
- Dạ.
- Dạ là dạ có hay dạ không?
Lần này là đứa con gái hỏi. Cách vặn vẹo gây gổ quá rõ ràng! Khôi nhìn đứa con gái. Đứa con gái mở to mắt nhìn lại, kiểu nhìn đối đầu quyết liệt. Khôi lại muốn mỉm cười, lần này không vì liên tưởng mà chính vì đứa con gái. Người đâu mà dễ thương quá chừng, đang giận mà đã thấy dễ thương như vậy thì lúc bình thường còn đến đâu nữa! Lại thêm Khôi chẳng thấy mình có lỗi gì cả, không có lý do gì để hai người này tới đây theo cái kiểu này. Rõ ràng là họ đã lầm lẫn và phải xin lỗi Khôi là cái chắc! Một đứa con gái xinh quá là xinh phải thốt lời xin lỗi mình... Khôi cười nụ cười của kẻ lương thiện nhất trần đời. Và mơ màng...
Đúng vậy... Đứa con trai nào mà không mơ màng tới một điều... Có những lứa đôi bắt đầu từ một tiệc sinh nhật tình cờ ngồi gần nhau, bắt đầu từ cái lốp xe bị xì, bắt đầu từ đụng đầu nhau trên hành lang chật ních, bắt đầu từ tai nạn xe cộ... Biết đâu cơn giận phi lý này cũng là một tai nạn... trời ban! Ừ, biết đâu... Sau này, nhắc lại giây phút ban đầu... Hẳn cô nàng sẽ...
Khôi cười, không phải cười mỉm mà nhoẻn cười như hiện tại đã là quá khứ rồi!
- Cậu là thầy giáo Khôi à?
Câu hỏi lần này thốt lên bằng giọng ngọt lịm, kiểu ngọt mật chết ruồi. Khôi tỉnh cơn mơ màng. Hỏi tên Khôi là chuyện chỉ liên quan tới Khôi mà thôi, còn hỏi thầy giáo Khôi là liên quan tới lớp học. Ngay lập tức, Khôi nhớ tới ngón trỏ của bàn tay của thằng Xây. Khôi đang đóng cây đinh mười vô tường để treo cái bảng thì cái búa nện trúng ngón trỏ của Khôi. Nhát đóng cây đinh mười tất nhiên là rất mạnh. Dù biết mình phải giữ thể diện trước mặt bọn nhóc nhưng Khôi cũng phải nín lặng người cho cơn đau điếng dịu xuống. Thằng Xây nhanh nhảu: “Thầy để em đóng cho”. Sợ nó sẽ bị như mình nên Khôi lắc đầu, tiếng “đừng” Khôi thốt lên trong cơn đau nghe yếu xìu chứ không mang nổi âm điệu mệnh lệnh cương quyết. Thằng Xây cầm lấy cái búa. Thấy nó hôm qua trèo lên hai cái ghế ngon lành quá nên Khôi cũng làm ngơ. Đâu ngờ...
Khôi bắt đầu hiểu ra cái gì đang đợi mình. Nhưng rồi Khôi lại tiếp tục thấy có sự lầm lẫn ở đây. Người đàn bà này và đứa con gái này không có vẻ gì là dính dáng tới thằng Xây. Hôm mới tới xóm này, thằng Xây dẫn đầu đám nhỏ rồng rắn đi theo các anh chị trong đội sinh viên tình nguyện cho tới khi một người đàn bà gọi nó về mà nó chưa chịu về. Mấy đứa phải nhắc nhở tới lần thứ mấy: “Má mày kêu kìa Xây”. Người đàn bà hôm đó chẳng giống người đàn bà này chút nào.
- Tôi hỏi mà thầy giáo không thèm trả lời à?
Câu bắt bẻ cũng thốt lên bằng giọng ngọt ngào.
Khôi đỏ mặt:
- Dạ, cháu là người của đội sinh viên tình nguyện, cháu được phân công phụ trách lớp học này.
- Đây là lớp học à?
- Dạ phải.
Người đàn bà nhìn quanh với một cái nhếch môi. Đứa con gái thì mím miệng. Cái nhếch môi và mím miệng khiến Khôi bực bội kinh khủng. Đúng là căn phòng này không tươm tất lắm, bàn ghế luộm thuộm lắm, tường vôi cũ kỹ lắm, nền nhà tróc lở, trần nhà lốm đốm vệt nắng chiếu qua... Nhưng nó là một lớp học! Một lớp học mà có nơi chỉ mong thế này còn chưa được có. Một nơi gieo những ước mơ!
Khôi nghiêm trang nhìn đứa con gái. Bà mẹ thì đã đành, bà ta dẫu sao cũng là một bà già! Nhưng còn bạn, lẽ nào bạn cũng nhìn sự vật bằng mắt thôi?
Lớp học gì mà khi thì đầy mạng nhện trên đầu trên cổ, khi thì tay chân bầm tím. Tôi hỏi thầy giáo đây có đúng là lớp học không hay là chỗ chơi giỡn mất thời gian?
Từ thầy giáo được nhấn mạnh một cách mỉa mai. Câu hỏi chấm dứt bằng một cái vung tay, chùm vòng vàng lấp lánh nơi cổ tay rung leng reng. Khôi nuốt cơn bực bội xuống cổ:
- Thưa bác, đây đúng là lớp học. Và các em tới đây sẽ được ôn tập hè, nếu em nào thật sự có nhu cầu sẽ được dạy thêm kiến thức mới.
- Cám ơn cậu... Cám ơn thầy giáo. Cám ơn cái lớp học này có ý định dạy dỗ con tôi. Nhưng tôi sẽ cám ơn thầy giáo nhiều hơn nếu ngày mai con tôi tới đây, thầy giáo... đuổi nó về nhà giùm. Con tôi không cần làm thợ mộc để được học miễn phí.
- Cháu thành thật xin lỗi bác, em Xây quá nhiệt tình với lớp nên...
Đôi mắt đứa con gái mở to đến căng khóe khiến Khôi khựng lại. Có gì sai trái ở đây?
- Gia đình tôi không có đứa con nào tên Xây hết.
Giọng người đàn bà gay gắt như thể sự lầm lẫn của Khôi là một xúc phạm lớn. Còn Khôi thì thở phào. Không vì ngón trỏ bị dập của thằng Xây thì còn gì khác nữa đâu?
- Thôi, mình đi về đi má! - Đứa con gái thở hắt ra như không thể nào phải trái với Khôi được.
Khôi mỉm cười, khi tin rằng mình không có lỗi gì thì người ta có quyền nhẹ nhõm mỉm cười lắm chứ, và khi mình là người sẵn sàng tha thứ cho người ta, nỗi mơ màng lại có quyền tiếp tục. Hồi đó, nhìn cái mặt giận dữ thấy buồn cười gì đâu, tự nhiên mà cự nự người ta đủ thứ, mắc cỡ chưa kìa.
- Tôi tin là bạn và mẹ bạn đã có sự hiểu lầm.
Câu trả lời tự tin làm người đàn bà bùng lên:
- Cậu là thầy giáo mà vậy à? Cậu không biết đứa nào là đứa nào thì dạy dỗ cái gì? Thằng Đức con tôi. Cậu nghe chưa, thằng Đức con tôi da tay nó mỏng mảnh lắm. Từ nhỏ tới lớn, tôi là mẹ mà chưa dám sai bảo nó làm cái gì ngoài cầm bút viết. Vậy mà cậu sai nó cầm búa. Cậu tới nhà tôi đi, tới ngay bây giờ đi. Cậu tới mà nhìn con tôi...
Khôi ngớ người ra. Thằng Đức cũng bị búa đập vô ngón tay? Khôi lục lọi tâm trí... Thật sự Khôi cũng chưa kịp nhớ đủ mặt học trò. Từ lúc nhận lớp là chỉ lo dọn dẹp, đứa nào hay nói hay cười hay lách chách ý kiến thì dễ nhớ. Hẳn thằng nhóc có tên Đức này phải là một đứa rất ngoan! Nhưng nó cầm búa lúc nào mà Khôi không biết? Rõ ràng sáng nay, sau khi thằng Xây kêu “ối” rồi ôm cứng bàn tay lại thì Khôi trèo lên ghế đóng lún cây đinh mười vô tường rồi cất luôn cái búa vào túi xách. Chắc chắn là ngoài thằng Xây ra, không một đứa nào đụng tới cái búa.
Vẻ ngạc nhiên của Khôi khiến đứa con gái nhìn quanh hoài nghi còn người đàn bà thì nổi giận. Bà chỉ thốt lên được một tiếng “Cậu...” rồi cầm tay con gái ngoắc đi về hướng nhà bà tổ trưởng, nơi đội sinh viên tình nguyện mượn làm nơi tụ họp trong ngày. Khôi đang còn chưa biết nên làm gì tiếp theo thì hai thằng nhóc thập thò xuất hiện. Một đứa, Khôi đã biết tên là Vinh, đứa kia... linh cảm cho Khôi biết đó là Đức, thằng nhóc làm Khôi phải chịu trận nãy giờ.
Trắng trẻo và thanh tú như chị, Đức nhìn Khôi bằng ánh mắt e dè, tay trái đưa về đằng sau lưng, tay phải thọc vô túi áo khoác, hai chân nó chựng lại ngay ngưỡng cửa, đúng nơi má nó và chị nó vừa bỏ đi.
Cả hai đứa ngoái đầu về phía má và chị thằng Đức vừa khuất.
- Thưa thầy... - Thằng Đức ấp úng.
- Thưa thầy... - Khuôn mặt thằng Vinh như sắp lên đoạn đầu đài - Thưa thầy tại em... Em với Đức đập cho thẳng nắp chai bia với chai nước ngọt... Đang đập bình thường tự nhiên cái búa giáng trúng ngón tay của nó. Em sợ ba má nó méc ba má em cho nên...
- Cho nên em xúi nó đổ thừa cho thầy hả? - Khôi nói tiếp câu ấp úng.
Thằng Vinh đơ mặt ra. Thằng Đức vội vàng đính chính:
- Thưa thầy không phải tại mình bạn Vinh, cả em cũng thấy là nên nói như vậy.
- Em cũng thấy là nên?
- Dạ... Tại lúc đó em... Nếu là công việc của lớp thì má em sẽ không la em là thích làm những việc nhảm nhí.
- Mà em có thấy việc đập dập nắp chai là nhảm nhí không?
Hai đứa liếc nhìn nhau rồi liếc nhìn Khôi và cụp mắt xuống đất.
- Thôi được rồi, hai đứa về đi.
- Thầy... - Thằng Vinh ngước mắt lên, não nùng - Ba má em mà biết thì...
Khôi thấy buồn cười và đồng thời thấy luôn cả nỗi rắc rối:
- Thì sao?
- Thì sẽ không cho hai đứa em làm nữa.
- Hai đứa đang làm gì?
- Làm một căn nhà... - Vinh nói khe khẽ và ngậm phập miệng lại, mặt đỏ ửng. Mặt mũi thằng Đức cũng ửng đỏ. Bí mật đã bại lộ!
Một căn nhà! Khôi thấy tim mình đập nhanh. Trạng nguyên...
- Nói rõ hơn cho thầy nghe nào. Hai đứa làm một căn nhà là sao?
- Chị Thiên Thanh của thằng Đức kể là trên mạng internet mở một cuộc thi chủ đề bảo vệ môi trường, nếu mình làm được cái gì đó mà cái mình làm ra mà là từ những vật dụng bỏ đi thì... Nên hai đứa em mới...
- Thầy hiểu rồi. Hai đứa muốn làm một căn nhà từ nắp chai đập dập để tham gia cuộc thi này phải không?
- Dạ phải! - Cả hai đứa đồng thanh gật đầu như cái hiểu của thầy giáo đã giải quyết xong mọi sự.
Khôi thú vị:
- Căn nhà của hai đứa làm tới đâu rồi?
- Dạ, gần xong rồi mà hết nắp chai nên đang đợi lượm thêm cho đủ.
- Nhưng vì sao hai đứa lại có ý nghĩ làm căn nhà mà không là cái gì khác?
- Dạ, tại... ngày nào cũng nhìn thấy mấy bản vẽ của chị Thiên Thanh hoài nên... - Thằng Đức ấp úng.
- Chị của nó là sinh viên xuất sắc của khoa kiến trúc đó thầy! - Thằng Vinh hùng hồn khoe như Thiên Thanh chính là chị của nó - Mỗi lần thằng Đức bật máy lên là thấy la liệt bản vẽ.
A, ra vậy! Hèn nào “người ta” kiêu quá cũng đúng thôi!
Thằng Đức tiếp tục nói như phân bua:
- Mới đầu tụi em xếp mấy cái nắp nằm chồng lên nhau chơi chơi thôi, sau thấy giống mái ngói của nhà cổ trong phim trên ti vi mà lại kiểu cách hơn, cũng đẹp... cho nên...
- Hiện giờ công trình của hai đứa đang ở đâu?
- Dạ ở nhà thằng Vinh - Đức nói, vẻ tiếc rẻ. Đôi mắt thông minh của nó đã nhận ra thầy giáo thích thú khi biết điều này. Rõ ràng nó muốn khoe căn nhà đang ở trong phòng của nó hơn!
Vinh thở dài:
- Mới đầu, hai đứa em đem nắp chai về nhà nó để làm tại vì nó có phòng riêng rất rộng, nhưng má nó không cho, làm mất thời gian lại dơ dáy nữa. Nên mới đem về nhà em... Nếu má của nó mà méc ba má em thì ba má em chắc cũng bắt dẹp luôn. Mà sắp xong rồi, anh Khôi. Bắt dẹp ngay lúc này là uổng lắm.
Thằng Vinh buột miệng gọi thầy giáo bằng anh Khôi, đủ biết là nó đang bối rối ghê lắm.
Hình dung hai đứa quanh quẩn quán xá để lượm nắp chai, Khôi bật cười khẽ. Má thằng Đức mà chứng kiến cảnh này thì chắc chủ quán cũng không được yên! Nhưng còn Thiên Thanh thì sao? Chẳng phải chính Thiên Thanh kể thông tin về cuộc thi này cho em của mình biết đó sao?
- Ngày mai học xong anh tới nhà Vinh ngắm căn nhà bằng nắp chai của hai đứa, được không?
Cũng là màu đỏ ửng trên mặt nhưng màu đỏ này kiêu hãnh và sung sướng làm sao. Hai đứa bẽn lẽn gật đầu. Khôi vỗ vai từng đứa (văn chương thường miêu tả cảnh này bằng cụm từ: như giữa những người đàn ông với nhau). Cái vỗ vai làm hai đứa sung sướng như sắp đoạt giải thưởng bảo vệ môi trường tới nơi rồi.
- Hai đứa giỏi lắm. Thôi, trưa rồi, về đi.
Hai đứa rạng rỡ dợm chân bước đi nhưng chợt nhớ ra, thằng Đức ngoái đầu lại:
- Thầy nhận với má em là thầy sai em đóng đinh há thầy?
Khôi cũng sực nhớ ra:
- Đưa tay của em cho thầy coi.
Thằng Đức giơ bàn tay trái nãy giờ giấu sau lưng ra. Làn da quá trắng trẻo, mấy cái móng tay kia quá trắng trẻo nên vết bầm màu tím ở móng của ngón trỏ nhìn càng thấy đậm đen hơn.
- Còn tay của Vinh đâu? - Khôi hỏi.
Thằng Vinh rúc hai tay của mình sâu vào túi quần. Khôi cười:
- Có hai bàn tay biết biến rác rưởi thành căn nhà đẹp để dự thi mà không dám đưa ra là sao?
Vinh rụt rè xòe ra hai bàn tay ngăm đen, móng cùn lủn. Khôi thốt nhiên cất tiếng cười khiến thằng Vinh đỏ mặt. Nó không hiểu là thầy giáo đang cười chính liên tưởng của mình. Thầy đang tưởng tượng nếu... tay của thầy mà đặt cạnh tay Thiên Thanh thì cũng... tương tự như tay của Vinh bên cạnh tay của Đức!
Chưa nghĩ ra cách nào để nhận lỗi thay cho hai thằng nhóc mà mình không bị vạ lây, Khôi tránh mặt không về nhà bà tổ trưởng trưa hôm đó. Nhưng đến chiều thì cũng gặp. Bà tổ trưởng, vốn là giáo viên về hưu nên dành cho Khôi nhiều ưu ái, hỏi Khôi:
- Cậu làm gì mà bà Hoàng phiền trách quá vậy?
- Cháu... Bọn nhỏ lấy cái búa nghịch phá lúc nào cháu cũng không để ý.
- Tôi cũng đoán vậy - Bà tổ trưởng cười an ủi - Chưa rõ đầu đuôi ra nhưng tôi biết nếu có sơ xuất gì là cũng do vô ý thôi. Tụi học trò đó mà.
- Dạ...
- Cứ tiếp tục đi nghe. Tôi là tôi ủng hộ cái lớp học của cậu lắm đó. Nhưng có điều bà con thì hơi sốt ruột. Biết sốt ruột gì không?
- Dạ gì hả bác?
- Chờ coi con của họ có thật sự là đi học hay là ngày nào cũng bày chuyện ra cho có để đội sinh viên tình nguyện của các cậu... lấy điểm sinh hoạt hè!
Ý tứ của câu nói lồ lộ khiến kẻ nghe phải ngại ngùng:
- Dọn phòng cho tươm tất cũng là để có không gian học hành thoải mái thôi mà bác.
- Ờ, tôi biết mà. Vậy là sáng mai bắt đầu học được rồi hả?
- Dạ.
- Vậy để tôi thông báo cho bà con biết chớ không thì...
- Thì sao hả bác?
- Thì ngày mai người ta không cho con cái tới lớp chớ sao! - Bà tổ trưởng cười ý nhị rồi giơ ngón trỏ của bàn tay trái ra xuýt xoa như đau đớn lắm, còn tay phải vung lên trong không khí.
Khôi nhận ra bà tổ trưởng đang nhại điệu bộ của bà Hoàng, và những điều bà nói nãy giờ chính là lời lẽ của bà Hoàng, nhưng cổ tay phải của bà không có những cái vòng vàng khua leng reng nên động tác vung tay trở thành khẩu hiệu tiến lên.
- Thôi, nói gì thì nói, con của người ta bị dập ngón tay thì mình cũng nên nhận lỗi. Mọi sự vì học trò mà! - Bà nháy mắt - Tôi bàn với cậu Thắng tối nay đi với cậu tới thăm thằng Đức gọi là công tác tư tưởng.
- Rắc rối vậy sao bác?
- Vậy ra cậu chưa hiểu lý do chính à?
-...
- Bà Hoàng mượn ngón tay bị đau của thằng Đức làm khó dễ cho lớp học nhưng thật ra đó không phải là lý do. Cậu không thắc mắc tại sao con của bà chủ tiệm vàng mà tới học lớp Xóm Hẻm sao?
- Tại nó với thằng Vinh chơi thân với nhau.
- Đó đó, cậu cũng biết hai đứa nó chơi thân với nhau hả?
- Dạ biết.
- Mới tới mà sao biết hay vậy?
Khôi cười cười. Bà tổ trưởng nói tiếp:
- Hai đứa nó học chung lớp trên trường từ hồi lớp một tới nay. Bà Hoàng rước thầy giáo cô giáo tới tận nhà dạy cho thằng Đức mà nó không chịu, lại thích học chung với thằng Vinh. Mà không có cớ gì để nói thằng Vinh được nên sáng nay có ngón tay quý tử bị đau bà ta mượn cớ làm um lên để thằng Đức mắc cỡ mà không tới lớp này nữa. Kể cũng tội nghiệp thằng nhỏ.
Khôi suýt bật cười thành tiếng. Nếu bà tổ trưởng biết thằng nhóc mà bà nghĩ là đang mắc cỡ và tội nghiệp đó đã tìm gặp Khôi để nhờ Khôi che chở cho lời nói dối của nó.
- Thằng Đức mà là học trò của cậu thì xóm mình còn nghe mắng vốn dài dài.
Bà tổ trưởng nói như cảnh báo mà mắt cười tinh nghịch. Khôi nhận ra nơi cô giáo về hưu vẻ trẻ trung một thuở sẵn sàng đương đầu với những bất ngờ trong lũ học trò. Khôi thì nheo mắt nhìn ra xa. Ai như thằng Đức và thằng Vinh đang đi với nhau. Dáng thằng Vinh thấp đậm, màu áo trắng ngả qua cháo lòng. Còn thằng Đức thì cao và gầy, cái áo thun màu trắng có dòng chữ Dream thật to màu xanh dương phía sau lưng.
Xem ra mình sẽ không phải tìm cớ mà vẫn được gặp Thiên Thanh dài dài. Càng mắng vốn mình càng lời thôi mà!
Thắng, đội trưởng đội sinh viên tình nguyện thì độp một câu:
- Mày làm gì mà bà Hoàng la lối quá chừng vậy?
- La lối sao?
- Còn muốn tao lập lại nữa à? Tối nay mày đi với tao qua nhà bà Hoàng.
- Là tới nhà Thiên Thanh đó hả?
Đang cau có, Thắng bật cười:
- Thứ dân mà dám mơ màng tiểu thư hả?
- Sao lại không dám?
- Trương Chi ơi, nhìn tiểu thư tháp tùng thân mẫu, đội trưởng đây thấy hai người sao mà giống hệt nhau. Tưởng tượng mười lăm năm nữa, tiểu thư cũng giống thân mẫu hôm nay mà kinh hãi.
- Sức mạnh kỳ diệu sẽ cảm hóa được tất cả.
- Trong khi chờ đợi sự cảm hóa đó, tối nay mày nắn lại lá gan rồi đi với tao tới nhà bà Hoàng.
- Là tới nhà Thiên Thanh đó hả?
- Thôi không giỡn nữa.
- Vậy tới để làm gì?
- Đem hộp dầu cù là cho cậu quý tử...
- Chà...
- Để gọi là bày tỏ thiện chí. Mà tại sao mày không chọn đứa nào khác mà lại chọn công tử để giao việc đóng đinh?
- Đó là số phận của tao.
- Kiểu trả lời này không sinh viên tình nguyện tí nào.
- Đúng chất sinh viên tình nguyện hơn bao giờ!
Khôi nhận lỗi về mình. Nhưng sự thật theo con đường rỉ tai đã đến với tất cả lũ học trò. Và thầy giáo nghiễm nhiên đẹp hẳn trong mắt bọn nhóc. Trăm phần trăm, kể cả con Cúc vẫn còn ấm ức với nụ cười của thầy giáo khi nhìn thằng Xây quét dọn ở độ cao của hai cái ghế chồng lên nhau, đồng ý là thầy giáo xứng đáng với danh hiệu cao thượng nhất.
Buổi sáng thứ ba là buổi học đầu tiên. Chính ngay buổi học này, Khôi nhận thêm biệt danh thầy giáo có hình phạt kỳ cục nhất.
Giữa lúc Khôi đang viết bài tập của lớp chín trên bảng thì phía dưới rộ lên một tràng cười. Khôi quay lại. Con Cúc và đứa con gái ngồi bên cạnh đang bụm miệng lại. Còn đứa ngồi sau học lớp bảy phải quay lưng lại nhưng rõ ràng nó cũng đã ngoái đầu nhìn cái gì đó trong tay con Cúc rồi vội quay đi, hai vai rung rung trong tiếng cười cố nín. Cả lớp, nói đúng hơn là cả bốn khối lớp sáu bảy tám chín đều nghển đầu, mở to mắt nhìn Khôi một cách “em vô tội nghe thầy”.
Khôi lạnh lùng:
- Cúc, đứng lên.
Con Cúc đứng lên. Cả lớp im phăng phắc. Không ngờ thầy giáo nghiêm khắc vậy.
- Qua bàn bên này ngồi! - Ngón tay thầy giáo chỉ về phía bàn toàn con trai ngồi, giọng thầy lạnh băng - Từ nay về sau, em nào gây mất trật tự sẽ phải ngồi chung với các bạn trai.
Bọn con trai nảy lên, vẻ tự ái khi mình bị chọn làm hình phạt cho mấy đứa con gái miệng mồm lau chau. Nhưng rồi khuôn mặt lạnh băng của thầy giáo khiến không đứa nào dám phản ứng gì. Nói gì thì nói, ngày hôm qua hôm kia khi cùng dọn dẹp bày biện với thầy thì còn dám này nọ chớ hôm nay thầy đứng trên bục cao cách xa mình một khoảng với viên phấn trong tay thì tự nhiên cũng thấy sợ.
Con Cúc ngần ngừ một giây rồi ôm sách vở đi về chỗ ngồi mới.
Thầy giáo tiếp tục viết bài tập lên bảng. Chưa đầy ba mươi giây sau, tiếng cười lại rộ lên ở chỗ ngồi mới của con Cúc. Thầy giáo quay lại. Tình hình y hệt lúc nãy. Hai thằng con trai ngồi bên phải và bên trái con Cúc đang cắn chặt miệng lại, hai đứa trước và sau cúi gằm đầu xuống bàn, và những đứa chung quanh thì mím chặt môi miệng. Mặt mũi đứa nào cũng như một cái bong bóng bơm đầy khí cười và đang chờ nổ tung.
Thầy giáo đi về phía con Cúc:
- Em đứng lên!
Con Cúc nặng nề đứng lên. Hai tay nó lẳng lặng lùa sách vở lại, chuẩn bị đi về chỗ ngồi khác. Tất cả, từ lớp sáu tới lớp chín đều ngoái nhìn Cúc. Thường thì kẻ sau hai lần liên tiếp trong một tiết học bị kêu đích danh sẽ phải về bàn cuối, nơi dành cho xóm nhà lá. Nhưng trong phòng học này, với cách sắp xếp chỗ ngồi quá đặc biệt, biết bàn nào là bàn cuối?
Có lẽ chính thái độ sẵn sàng chịu lỗi của con Cúc khiến thầy giáo mủi lòng, hay còn vì điều gì khác mà cả lớp không hiểu được. Nhưng câu nói tiếp theo của thầy giáo mới là lý do khiến cơn cười được thổi bùng lên và bung ra như ong vỡ tổ.
- Trở về chỗ cũ!
Liên tiếp mấy ngày sau đó, lũ học trò vẫn còn vừa cười vừa nhắc lại hình phạt của thầy giáo Khôi. Cả ba má anh chị của học trò nghe kể cũng không thể không bật cười, cả đội sinh viên tình nguyện cũng cười. Anh Thắng đội trưởng hỏi con Cúc đã làm gì mà những đứa ngồi gần nó muốn cười dữ vậy? Cả lũ im re. Thắng hỏi Khôi: “Mày không tìm hiểu lý do tại sao tụi nó cười à?”. Khôi thở phì ra: “Tụi nhóc này mình càng chú ý, càng làm tụi nó có cớ quậy phá chớ ích gì”. Xem ra thầy giáo cũng đã kịp hiểu học trò của mình đôi chút rồi! Chẳng hiểu sao câu trả lời của Khôi lại lọt tới tai bọn nhỏ tinh quái. Vậy là thêm một biệt danh cho Khôi người tâm lý nhất! Chứ sao!
Vài buổi học trôi qua trong bình yên, đùng một cái, thầy giáo Khôi rơi vào một tình huống không “sư phạm” tí nào.
Đó là một buổi sáng nhiều gió. Cơn mưa đầu mùa được báo hiệu bằng tiếng lá rụng bấy lâu nay nằm im trên mái tôn giờ xô đẩy rào rạt. Cây bông gòn đầu đường rung rùng rùng, tiếng lắc rắc nứt trái như trứng gà con đồng loạt nở và một trời bông gòn bay tung tứ tán.
Bông gòn bay qua cửa, mắc vào tóc và vai áo, những chỗ sần sùi trên tường cũng bám bông gòn trắng lốm đốm.
- Trời ơi giống tuyết quá...
- Giống tuyết quá thầy ơi!
Những tiếng reo và cả lớp nhao nhao hưởng ứng bằng trò nhấp nhổm giơ tay chụp lấy cụm bông đang lơ lửng trong không khí. Chụp được, có đứa dán cụm bông lên lưng áo đứa ngồi trước mặt rồi cả hai bật lên cười, có đứa thì nắm chặt tay lại cho nắm bông tìm đường chui qua kẽ ngón tay. Nhưng bông gòn không phải là tuyết...
Con Cúc mở bàn tay ra, nắm bông gòn đang bẹp dúm lại phồng lên và bay đi...
- Thầy có thấy giống tuyết không hả thầy?
Khôi chưa kịp trả lời thì một đứa khác hỏi:
- Nước mình có nơi nào có tuyết không hả thầy?
Khôi vẫn chưa kịp trả lời thì thằng Đức nói:
- Mùa đông năm ngoái, ti vi đưa tin Sa Pa có tuyết rơi.
- Mày xạo. Nước mình là xứ nhiệt đới làm sao có tuyết được?
- Mày không tin thì...
- Thì xin má cho đi du lịch Sa Pa để tận mắt nhìn thấy!
Câu trả lời cũng là nói kháy khiến thằng Đức xụ mặt xuống. Thằng Vinh lên tiếng ngay:
- Tao không cần đi Sa Pa cũng biết đúng là năm ngoái có tuyết ở đó. Phải không thầy?
Khôi cười xòa. Thằng Vinh láu lỉnh luôn tìm cách kéo thầy giáo vào cuộc đúng lúc. Và cũng thật đúng lúc với thầy vì ánh sáng không đủ để học trò nhìn lên bảng, trong mưa mà nghe kể chuyện thì thật thích hợp.
- Ừ, người ta có nhiều cách để biết thêm kiến thức mà không đổ thừa cho điều kiện sống. Thậm chí có những nhà bác học còn tìm ra những ý tưởng quan trọng trong khi đang làm những việc rất bình thường. Các em có bao giờ nghe tới từ “Ơ-rê-ka” chưa?
Cả lớp im lặng. Khôi nhăn mặt:
- Các em cấp hai đã được học tiếng Anh rồi mà. Nào, những em học lớp tám lớp chín?
Tất cả vẫn im lặng. Giọng con Cúc thì thầm:
- Nhưng đâu có thấy từ này trong sách nào đâu.
Thằng Đức rụt rè:
- Có phải nghĩa tiếng Anh là “tìm ra rồi” không thầy?
Khôi gật đầu:
- Đúng.
Giọng tị nạnh vang lên:
- Tại nó được học thêm môn tiếng Anh ở ngoài.
Khôi vội nói:
- Nào, bây giờ không phải là tiếng Anh, em nào cho thầy biết ai là người đã nói câu: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng được quả đất”?
Con Cúc ngập ngừng:
- Ê-đi-xơn.
Thằng Vinh và thằng Đức cụng đầu hội ý thật nhanh rồi thằng Vinh quả quyết giơ thẳng tay:
- Ác-si-mét.
Khôi bỗng thấy tiêng tiếc khi con Cúc trả lời sai. Kiến thức nổi trội hẳn của thằng Đức và thằng Vinh khiến lớp vào giờ học vô tình chia làm hai phe rõ ràng. Cũng như trong lúc lao động, phe thằng Xây và con Cúc nổi trội hẳn. Khôi thấy thích hai thằng nhóc thông minh này, nhưng Khôi cũng muốn phe bên kia ít nhất có một lần kiêu hãnh vênh mặt trong giờ học!
- Đúng! Đó là nhà bác học lừng danh thế giới Ac-si-mét. Các em có biết từ “Ơ-rê-ka” đã đi vào lịch sử trong trường hợp nào không? Ngày xưa có một ông vua rất thông minh và tài giỏi...
- Sao giống truyện cổ tích vậy thầy?
- Truyện cổ tích cho học sinh sinh viên thời hiện đại - Khôi hắng giọng. Mưa to hơn, phải nói lớn hơn mới át được tiếng mưa, và cùng với sự lớn giọng, nhiệt huyết trong giọng nói cũng tăng lên - Dưới triều đại của ngài, các học giả, những nhà bác học rất được trân trọng và được tạo điều kiện rất tốt để làm việc va cống hiến cho đất nước. Như mọi ông vua khác, ngài cũng thích ăn ngon mặc đẹp nữa. Một hôm, ngài ra lệnh cho tay thợ kim hoàn làm cho mình một cái vương miện đẹp hơn cái vương miện đang có, và nhà vua muốn cái vương miện mới được làm bằng vàng ròng. Một cuộc thi tuyển thợ kim hoàn rất quy mô và rất khắt khe để chọn ra người thợ giỏi nhất nước, người thợ sẽ được nhận vinh dự hiếm có trong đời là làm cho nhà vua một cái vương miện xứng đáng lưu danh hậu thế. Và quả thật cái vương miện đã được lưu danh hậu thế, có điều không phải chỉ vì vẻ đẹp hay vì trọng lượng vàng để đúc nên nó. Mà là vì...
Nghệ thuật kể chuyện là biết dừng lại khi đang đến đoạn hồi hộp. Khôi đi ra cửa nhìn lên trời như xem sắp tạnh mưa chưa.
- Vì sao hả thầy?
- Thầy vừa nói với các em là người ta có nhiều cách để biết thêm kiến thức mà không đổ thừa cho điều kiện sống.
- Dạ. Nhưng vì sao hả thầy?
- Sau ba tháng, người thợ mang nộp nhà vua cái vương miện đẹp chưa từng có. Vua rất hài lòng và ban thưởng cho người thợ rất hậu hĩ. Vua còn mở tiệc mừng nữa. Tóm lại là vua rất vui lòng. Một thời gian sau, có tin đồn là người thợ làm vương miện cho vua bỗng giàu có khác thường. Ai cũng ngạc nhiên về điều này. Và người ta nghi ngờ người thợ đã tráo vàng của vương miện... Vua lệnh cho người thợ đến cung điện và truy hỏi nguồn gốc sự giàu có, người thợ chỉ đập đầu khóc lóc kêu oan. Vua tức giận lắm nhưng vốn công minh nên vua nén giận giao quan điều tra vụ việc. Ba tháng trôi qua rồi thêm ba tháng nữa trôi qua, quan vẫn không thể làm rõ vụ án này. Bao nhiêu lần đặt chiếc vương miện lên bàn cân là bấy nhiêu lần quan thở dài bất lực, cái vương miện cân nặng đúng bằng trọng lượng vàng được giao. Làm sao bây giờ? Chỉ có cách là nấu chảy nó ra, nhưng cách này lại không được nhà vua chấp thuận vì ngài vốn yêu cái đẹp, dẫu bị tráo vàng nhưng nó vẫn mang một kiểu dáng rất đẹp! Cuối cùng, vua giao cho Ác-si-mét làm sáng tỏ vấn đề... Trời đã tạnh mưa rồi kìa các em.
- Kể tiếp đi thầy.
- Kể tiếp đi thầy!
- Mưa lại rồi kìa thầy!
Đúng là mưa lại rơi xuống ngay khi vừa tưởng như dứt. Những dáng người lùng nhùng áo mưa đi ngang qua, và một cái dù màu đỏ thấp thoáng đầu hẻm... Mùi hơi đất nồng nồng trong cơn mưa đầu mùa...
- Biết ý kiến của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng của người thợ nên Ác-si-mét rất thận trọng, ông ngày đêm suy nghĩ. Đang ăn ông cũng nghĩ tới cái vương miện, đang ngủ ông cũng giật mình thức giấc với ý nghĩ về cái vương miện, làm gì ông cũng nhớ tới nó. Và một hôm, đang ngâm người trong bồn tắm, làn nước nhấp nhô qua người ông rồi tràn ra ngoài, ý tưởng chợt xuất hiện, ông nhảy ra khỏi bồn, la lớn “Ơ-rê-ka”. Quên cả mặc áo quần, ông cứ như vậy mà chạy như bay tới cung điện...