ếu ai đã đọc những cuốn Chương Còm, Bồn Lừa, Mơ thành người Quang Trung, Mặt trời nhỏ, Giặc Ô Kê hẳn đều biết tôi, tên nhóc con trở thành dũng sĩ Phú Nhuận nhờ cái bụng rắn chắc mà bạn bè nói đùa là thùng nước lèo. Chúng tôi chơi thân với cây tăm tre Việt Nam. Bạn chưa rõ cây tăm tre à? Me xừ Duyên Anh đí! Cây tăm tre đã đưa tôi ra khỏi cư xá Chu Mạnh Trinh dẫn tôi đến những vùng trời xa lạ hơn vùng trời Phú Nhuận. Nhờ đó tôi có tí ti ông cụ tên tuổi. Nhưng tôi hơi buồn khi nghĩ đến Dzũng ĐaKao, Chương còm, Bồn lừa. Với ba ông nhãi này Hưng mập tôi chỉ là tài tử khi chủ tướng hô “ba quân” thì “dạ dạ” rối rít!Dzũng ĐaKao lên rừng đồi Ban Mê Thuột làm Gấu Rừng chiến thắng giặc khỉ, tiếng tăm vang dội buôn bản người Ra-đê. Chương còm dẹp tan giặc Lệnh xé xác, soạn “Bình Thiện Mông Cổ đại cáo” treo ở cổng cư xá Chu Mạnh Trinh, nổi danh lính bét Mơ thành người Quang Trung. Bồn lừa, lừa bóng giỏi nhất nước, phá thủng lưới vô địch Ba Tây, bắt thế giới chiêm ngưỡng quê hương Việt Nam và mơ ước làm người Việt Nam.Còn tôi, tôi chưa mấy rực rỡ trong ý nghĩ của me xừ Duyên Anh. Tôi không giận lão... tăm tre. Chỉ trách mình phì lũ! Đôi khi, cởi trần, gồng cái bụng tường đồng, đấm binh binh, tôi cũng hơi hơi hãnh diện chứ bộ! Bụng mình, trừ cái mẹo của con nhà Chương còm, đừng hòng anh nào dám thử trái đấm. Ông anh tôi thường khích lệ tôi rằng: “Nếu mơ ước trúng số, hãy mơ ước trúng số độc đắc. Nếu thấy một người tài ba, chớ mong mỏi bằng họ, mà đinh ninh mình sẽ tài ba hơn họ”. Tôi khoái câu này lắm. Vào mùa mưa, bọn nhóc ưa xé giấy xếp thuyền thả xuống dòng nước cống rãnh. Tôi đã ba hoa con chích chòe: “Ông sẽ chế cái tàu bự chạy bằng dầu hôi thả trên sông Sàigòn”. Bọn nhóc nói tôi nói dóc. Tôi rất ghét nói dóc. Khổ nỗi, mình mơ ước điều gì không giống điều ước mơ của người khác là mình mắc tội nói dóc. Tôi chưa hề chê ai nói dóc cả. Muốn được người tin mình, mình phải tin người. Cách ngôn dạy: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, thầy tôi giải nghĩa là, điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác. Mình không thích bị chê nói dóc, vậy chẳng nở chê ai nói dóc...Tôi chỉ chê... con dế mèn của ông Tô Hoài thôi. Nó đã bắt má nó chống gậy tựa cổng hang, khóc ròng rã, mỏi mòn con mắt nhìn về phía trời xa, trông đợi ngày hồi hương của chuyến phiêu lưu vô định. Dế mèn đã về. Các chị dế trũi, các em dế cơm, các võ sĩ dế than đón tiếp nó rất nồng nhiệt. Một em dế cơm hoa hậu ỏn ẻn hỏi dế mèn:- Anh dế mèn ơi, anh du sơn du thủy đã nhiều. Làm ơn cho em biết nơi nào đẹp nhất?Dế mèn cảm khái:- Em cơm thân mến, cảnh đẹp anh ngắm đã no mắt nhưng anh biết có một nơi đẹp hơn tất cả...Hoa hậu dế cơm nũng nịu:- Nơi nào?Khách giang hồ dế mèn đáp:- Nơi này, quê hương ta đây, cái hang của anh, cái hang của em và những cái hang dế của loại dế nhạc sĩ chúng ta. Muốn biết cảnh đẹp anh đã ngắm nó đẹp ra sao, đón coi thiên bút ký của anh sẽ xuất bản.Và dế mèn sau khi gục đầu trên đôi càng gầy của thân mẫu, xin má tha lỗi cái tôi đã bỏ má hiu quạnh nơi quê nhà, thì đóng cửa hang, nhịn ăn bốn tháng, sáu ngày, bảy giờ, hai mươi phút, mười giây, viết một mạch xong thiên bút ký bất hủ nhan đề Dế mèn phiêu lưu ký. Ôi, mường tượng một buổi nắng vàng mơ chín, gã lãng tư dế mèn, ba lô trên vai, đứng giữa cái lá trang, xuôi dòng nước phiêu lưu, tôi thèm nhỏ rãi, thèm đến không ăn được cơm. Như anh thổi kèn đám ma không thổi được kèn nếu anh ta đang thổi kèn mà trông thấy ai ăn khế chua, xí muội! Tôi ngưỡng mộ dế mèn. Nó dám bỏ nhà ra đi, hai bàn tay trắng, và trở về với một túi khôn đáng giá mười năm đèn sách. Dế mèn còn có thể quay cổ lại nhìn rõ cái túi dại lũng lẳng sau lưng mình [1]. Nhưng như tôi đã nói, tôi nghi ngờ Dế mèn nói dóc tổ. Chẳng lẽ ngoài ngưỡng cửa nhà mình, toàn những chuyện bất hạnh cả hay sao? Có lẽ tôi cần làm một chuyến phiêu lưu. Cứ nay Phú Nhuận, mai Đakao, bạn bè quanh quẩn chỉ Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa, Tiến gầy, Báu tổ, Ngân quăn, Phong lùn, Long cải lương, mãi cũng chán.Dế mèn phiêu lưu mới biết trời đất rộng bao la. Trời đất còn có xén tóc, bói cá, bọ ngựa lạ lùng và ghê gớm và nếu dế trũi bắt gặp, cu cậu còn ớn gấp ngàn lần. Tôi muốn gặp những ông nhóc ở những chân trời xa lạ. Như Dzũng Đakao đã gặp Dũng sĩ Ban Mê Thuột Y kut, Y Pàm. Tôi cần phiêu lưu. Ở nhà với mẹ nào khác chi con nít bỏ sữa mà vẫn ngậm núm vú nút chùn chụt. Bây giờ đang nghỉ hè. Nghỉ hè rất sung sướng. Tôi đã học bài Học thuộc lòng của Xuân Tâm:Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hếtĐàn chim non hớn hở rủ nhau vềChín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quêÔi, tất cả mùa xuân trong mùa hạMùa Xuân không có trong mùa Hạ của nhiều học trò Sàigòn. Tôi thí dụ ngôi trường tư của tôi. Hôm trước uống xá xị con cọp, ăn bánh bông lan hát bản “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau ra về lòng buồn man mác. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày, mình còn gặp nhau...”. Ối giời ơi, mấy đứa bạn tôi sắm cuốn vở dày cộm, vẽ bướm, vẽ hoa, dán ảnh, bắt tôi viết đôi dòng lưu niệm mùa hè. Tưởng mình đi xa tít tắp bên Tây, bên Tàu. Hoặc ba tháng sau mới gặp gỡ... Buồn cười thấy mồ đi ấy... Hôm sau đã gặp đủ mặt, ngay tại gian lớp cũ, ngôi trường quen thuộc. Chúng tôi học hè. Trường tư nghỉ hè chừng tuần lễ là lâu nhất. Nghỉ hè, đối với học trò trường tư, chẳng còn ý nghĩa gì hết. Vậy mà nếu thầy ra bài luận “Kỳ nghỉ hè vừa qua trò đã nghỉ mát ở miền biển hay miền núi, hãy kể lại và cho cảm tưởng”, chắc chắn tôi sẽ gắng sức làm được!Tôi nhớ như in, bài tập đọc “Nghỉ hè” trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị. Nhìn bức tranh vẽ ngôi trường cửa đóng kín mít, buồn ghê ghê là. Bài tập đọc nói rằng sau chín tháng học tập mệt mỏi, ba tháng hè giúp người học trò nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng người học trò chăm chỉ vẫn cần ôn bài vở để năm học tới khỏi thua kém bạn bè. Cũng trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị, còn có bài “Chơi đùa không phải là vô ích”. Cậu Tí siêng học vô cùng. Giờ ra chơi, bạn bè đánh vòng, đánh bi, nhảy dây, chơi bịt mắt bắt dê, tươi cười hồn nhiên, thì Tí ta lại kiếm gốc cây, lôi sách ra học. Thầy gọi Tí đến, khuyên Tí nên chơi đùa trong giờ ra chơi. Nếu học hoài, trí óc sẽ mệt mỏi, và sinh bệnh tật. Chơi đùa là thuốc bổ óc chứ không phải vô ích lợi. Ba tháng hè mà bắt học tư, tôi tưởng chừng tiếng ve rền rĩ và màu đỏ thắm của hoa phượng mất mát vô khối kỷ niệm.Nhất định tôi không học hè. Vì tôi học đỡ đỡ, cuối năm ẵm phần thưởng hạng bình thôi! Mỗi ngày ôn bài độ một tiếng đồng hồ là đủ sức ganh đua với bạn bè năm học tới. Chơi đùa khác với chơi bời lêu lổng. Thằng Bính ở bài tập đọc đầu của cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị, trốn học đi đánh đáo, đánh vòng ở ngoài đường mới là thằng học trò lêu lổng. Tôi không chơi với những thằng bạn lêu lổng. Sách đã dạy:Thói thường gần mực thì đenAnh em bạn hữu phải nên chọn ngườiNhững người lêu lổng chơi bờiCùng là lười biếng ta thời tránh xa.Bạn thân của tôi như Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa, Tiến gầy... đều giống như anh Cần ở bài tập đọc trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu. “Anh Cần là người học trò dễ dạy. Anh đi học đúng giờ. Trong lớp anh không nói chuyện. Thầy dặn học thuộc bài nào, anh học thuộc bài đó. Thầy bào làm bài nào, anh làm đúng bài đó. Anh kính thầy, nhường bạn. Bạn bè thiếu cái gì, anh cho mượn cái ấy. Nên thầy và bạn đều thương mến anh”. Tôi không được học mấy cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Chương còm cho tôi mượn đọc. Tôi thích lắm. Nhiều bài học thuộc lòng ngắn ỉn, coi một lần là thuộc. Và thuộc là áp dụng ngay:Gọi vâng bảo dạ con ơiVâng lời sau trước con thời chớ quênCông cha nghĩa mẹ khôn đềnVào thưa ra gửi mới nên con ngườiTôi khoái bài ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ. Tôi muốn bố mẹ tôi sống mãi. Thỉnh thoảng, nhổ tóc sâu dùm bố tôi, thấy mái tóc bố tôi bạc phơ như tuyết, tôi đã ước biến thành con kiến lửa, rủ cả họ hàng kiến lửa, đem lửa lên mái tóc của bố tôi, đốt cho tuyết trắng tan rã để mái tóc bố tôi lại đen thẫm.À, tôi dông dài quá xá! Chỉ tại mùa hè này tôi thèm một chuyến phiêu lưu tuyệt cú mèo, y hệt chuyến phiêu lưu của con Dế mèn. Ai đã đọc cuốn Chương còm, cuốn sách viết từ khuya, mới xuất bản, cuốn sách giới thiệu tôi và cái bụng của tôi, cuốn sách phong tôi làm dũng sĩ Phú Nhuận, hẳn đã biết sơ qua gia đình tôi. Bố tôi buôn bán mãi tận Cái Dầu, gần Châu Đốc. Muốn đi tới đó, phải ra bến xe đò lục tỉnh đường Pétrus Ký, Sàigòn, kiếm xe Sàigòn - Châu Đốc mua vé mà đi. Xe đò sẽ chạy qua cầu Bến Lức, cầu Tân An, ngã ba Trung Lương, bắc Mỹ Thuận, tỉnh Sa Đéc, quận Lấp Vò, bắc Vàm Cống, tỉnh Long Xuyên, bến đò Lăng Gù. Đã nhiều lần tôi ngồi trên xe đò ngắm cảnh đẹp chạy ngược. Tôi thường đi với mẹ tôi hay anh tôi. Lần này tôi muốn đi một mình. Phiêu lưu mà! Tôi muốn bố tôi ngạc nhiên. Tôi cần kiếm một cái cớ ra đi. Thì có liền cái cớ.Hôm ấy, anh chị tôi vắng nhà. Mẹ tôi bận bán hàng ở chợ Tân Định. Tôi được giao công việc giữ nhà và trông một thằng cháu. Ông nhãi qua nhà nhóc con Hải, xin ổi xanh chấm muối ăn. Nó ăn hơi nhiều nên cái bụng chương phềnh. Chấm muối mặn, cu cậu uống cả chai nước lọc. Buổi trưa, cu cậu chê cơm, nằm ngửa tênh hênh, thở hổn hển và rên rỉ. Anh chị tôi hạch tội tôi. Bà chị dâu của tôi diếc móc tôi nặng lời. Mẹ tôi còn chả nỡ mắng tôi quá ba câu, nữa là. Tôi, Hưng mập, đứa con út ít đâm ra tủi thân. Và, một phút chợt nhớ hình ảnh con dế mèn, ba-lô trên vai, đứng giữa cái lá trang, xuôi dòng nước, tôi đã vào buồng lôi hết sách trong cặp ra, nhét vôi hai bộ quần áo, đội lên đầu cái mũ lưỡi trai, chạy sang nhà nhóc con Hải dặn dò: “Mẹ tao có hỏi, mày bảo tao xuống Cái Dầu ở với bố tao nhé! Chị tao hắt hủi tao mày ơi!” Lúc đó tôi rươm rướm nước mắt. Nhóc con Hải gật đầu. Tôi vội cười:- Ông đi phiêu lưu!Nhóc con Hải hỏi:- Em đi với nhé!Tôi lắc đầu, bĩu môi:- Mày ở nhà bú tí mẹ!Và tôi chia tay nhóc con Hải, băng ra ngõ tắt, đi ngược đường Võ Di Nguy lên Sàigòn. Tôi đi thật nhanh. Đến Cầu Kiệu, nghe tiếng “ấm ứ” quen thuộc. Ngoảnh lại mới hay, dũng sĩ Tô Tô đòi phiêu lưu với mình. Ngang chợ Tân Định, tôi tạt vào kiếm mẹ tôi, giả đò xin tiền coi chiếu bóng. Mẹ tôi không có tiền lẻ, đưa tấm giấy năm trăm, bảo tôi về trả lại.Thế là hơn con Dế mèn, Hưng mập phiêu lưu có tiền đáp xe đò.Chú thích:[1] Trong bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, nhan đề La Besace, đại ý nói rằng, người ta thường chỉ nhìn rõ điều xấu của người khác mà không nhìn rõ điều xấu của mình.