- 10 -
Giã từ bụi đời trong cuộc chia ly đầy nước mắt

     ư đờn và Tám lé ở đây. Hai đứa ngồi giữa lộ. Tư đờn đánh đờn cho Tám lé ca. Có chuyện gì, cứ xụyt xuỵt Tô Tô sủa là tao tới liền.
- Còn mày?
- Tao và Sáu móm lại đầu đằng kia.
Tôi kều Tư đờn ra một chỗ:
- Mày đủ sức hạ Tám lé chứ?
Tư đờn liếm môi:
- Dư ăn. Nhưng tại sao lại úynh nó.
Tôi nháy mắt:
- Nếu nó chạy về, mày phải giữ nó lại.
Sáu móm và tôi men theo mép đường bước thật nhanh. Chúng tôi qua nơi trái mìn chôn một khúc mới dừng lại. Hai đứa tôi cũng ngồi giữa lộ. Tôi đã dặn dò Tư đờn. Chàng nghệ sĩ đàn dạo của tôi chắc thừa thông minh thực hiện ý muốn của tôi. Chúng tôi ngồi chờ chuyến xe đò hay xe vận tải đầu tiên từ Mỹ Thuận lên. Tư đờn và Tám lé chờ chuyến xe đầu tiên từ Sàigòn xuống. Mình cứ đề phòng, chắc nhất. Nhỡ trái mìn nổ sớm. Ấy, ở đời cần tính trước tính sau. Tôi sửa soạn phá hủy trái mìn như thế này: Chúng tôi chận hai đầu đường. Xe đò chạy sớm sẽ chiếu đèn. Chúng tôi giơ tay vẫy ra hiệu dừng lại. Không một ông tài xế nào dám chạy luôn cán chết chúng tôi. Và chúng tôi sẽ nói có trái mìn chôn sắp nổ.
Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên. Và sẽ có người không tin chúng tôi, tưởng chúng tôi xí gạt. Thì chúng tôi sẽ liều mạng. Sẽ khóc đòi xe cán chết chúng tôi rồi hãy chạy. Tôi cam đoan hết ai dám nghi ngờ chúng tôi. Tôi hơi lạ lùng là từ lúc hai bóng đen chôn mìn tới giờ, chưa hề có chiếc xe nào chạy qua. Chúng tôi chờ khá lâu rồi. Sương ướt nhễ nhãi. Tôi được tắm sương. Tiếng gà gáy te te nhọn ở xóm làng bên tay phải tôi đã nghe nhộn nhịp. Mặt trời sắp dậy. Ông cụ đánh răng, rửa mặt, ăn điểm tâm xong mới chịu mở cửa sổ nhìn xuống trần gian.
Sáu móm hỏi tôi:
- Thật “nó” đợi tao hả mày?
- Ai?
- Con ma trọc đầu.
- Tao đã bảo không có ma trọc đầu, húi cua hay chải tóc gì hết trọi. Lúc nãy là người.
- Ai?
- Người giả đò ma.
- Ngồi đây làm chi?
- Rồi mày sẽ biết. Mày cù lần lửa quá. Đừng sợ ma nữa.
Sáu móm thôi hỏi vớ vẩn. Con ông cụ đang thắc mắc lắm đây. Tôi biết, ở phía trên, Tám lé sẽ hỏi vớ vẩn Tư đờn. Cuộc “phiêu lưu quốc lộ” của tôi, ngoài Tư đờn, không đứa nào biết.
- Ê, Hưng mập, có xe tới!
Tôi vội đứng dậy. Đèn xe, trông từ xa giống hệt đôi mắt quái vật. Thỉnh thoảng, nó nhấp nháy. Thoạt tiên, tôi chỉ nhìn thấy đèn. Rồi xe lừng lững tiến. Tôi trông rõ thân xe. Đèn sáng quá. Nó tung ra một khoảng ánh sáng khiến tôi nom rõ cảnh vật trước nó. Nó đến gần. Cách chừng hai trăm thước. Tôi vẫy tay lia lịa. Sáu móm làm y như tôi. Xe nhấp nháy đèn làm tôi chói mắt. Nhưng tôi cứ đứng giữa đường vẫy tay lia lịa. Chiếc xe phải từ từ rồi dừng lại cách tôi mấy chục thước.
Anh lơ xe nhảy xuống, chạy nhanh lên, chửi thề um sùm:
- Nhãi con, muốn chết hả?
Sáu móm sợ co rúm người:
- Dang ra cho xe chạy.
Tôi nói:
- Có mìn chôn gần đây.
Anh lơ xe nhéo tai tôi:
- Nhãi con, mầy toan xí gạt ông nội mầy à?
- Có mìn.
- Câm miệng.
Tôi la lớn:
- Có mìn chôn gần đây.
Bây giờ tôi mới nhận ra chiếc xe đầu tiên lên Sàigòn là xe đò. Nghe tôi la lối, tài xế và vài hành khách mở cửa xe đổ xô tới gặp tôi. Một người hỏi tôi:
- Em nói có mìn à?
- Dạ.
- Sao em biết?
- Tôi trông thấy họ chôn mìn. Bạn tôi đang ngăn xe phía trên. Nếu tôi nói sai, tôi xin vào tù.
Tất cả tin tôi hết. Ai cũng sợ chết. Xe đò tắt máy đậu sát bên đường. Đây là chiếc xe thư Vĩnh Long - Sàigòn chạy hồi bốn giờ.
- Tôi chờ xe nhà binh dò mìn. Tôi không nói láo.
Không ai hỏi tôi ở đâu, đi đâu, tại sao biết có mìn. Tôi lại gần xe. Nhiều ông làm dấu. Nhiều bà xuýt xoa. Tôi hơi tủi thân vì thấy chẳng ai cám ơn mình. Tin đường có mìn do chính anh lơ xe báo cho xe đến sau. Trời đất, lúc này xe lên đông quá! Độ nửa giờ sau, xe nối đuôi dài và trời đã sáng tỏ. Tôi quay lại nhìn Tư đờn. Phía nó, xe cũng nối đuôi nhau. Tôi có thể men theo mép đường cùng Sáu móm trở về chỗ bạn Tư đờn thân mến của tôi. Chiếc xe đầu tiên xuống lục tỉnh là chiếc xe của một đoàn hát cải lương. Tư đờn đã bắt nó dừng lại.
Thấy tôi, Tư đờn khoe:
- Tao khóc sướt mướt họ mới đậu đó mày. Nếu không có mìn, tao bị ăn đòn.
Tôi cười:
- Có mìn thì được ăn gì?
Tư đờn nín thinh. Xe nối đuôi nhau mỗi lúc một dài. Bỗng tôi nghe tiếng còi xe cấp cứu. Một chiếc xe jeep phóng nhanh tới. Bốn người quân cảnh ngồi trên xe. Xe thắng cái “rét” trước xe ca của đoàn Sông Hồ. Một người quân cảnh nhảy xuống:
- Chuyện gì đó?
Một người lớn đáp:
- Mấy thằng con nít này nói chúng nó trông thấy có đứa chôn mìn.
Tôi nhanh miệng:
- Dạ đúng thế. Giữa khúc hai bên xe kẹt có một trái mìn. Tôi nói láo, sẽ bắt tôi.
Người quân cảnh bắt tôi thuật từ đầu đến cuối. Tôi nói vanh vách. Ông lại xe, gọi máy truyền tin. Mười phút sau, xe dò mìn tới. Hai chiếc máy rà rà, không bỏ sót chỗ nào trên mặt đường. Máy ra kiên nhẫn làm việc. Và, cánh tay người dò mình giơ lên. Nhiều trái tim nhảy mạnh.
- Đây rồi!
Những người tò mò đứng coi, sợ hãi, nằm rạp hết. Tôi không được đứng gần nơi trái mìn nên không biết sự hồi hộp của anh lính gỡ mìn. Tôi đoán chừng anh ta sẽ toát vài lít mồ hôi. Hai người lính can đảm, hì hục, loay hoay trong nỗi e dè, thận trọng độ mười lăm phút thì bê được trái mìn lên.
- Xong rồi!
Mọi người thở phào, hú vía. Đường hết mìn song kẹt người. Tin đồn loan đi là nhờ có mấy đứa bé nên thoát nạn, hành khách đổ xô tới “chiêm ngưỡng” bốn đứa tôi. Tôi vắn tắt kể cuộc phiêu lưu của tôi. Tất cả cám ơn tôi và Tư đờn. Rất nhiều người cho tiền tôi. Tôi bảo họ đừng cho tôi mà cho Sáu móm và Tám lé. Người ta công kênh chúng tôi, hoan hô ầm ỹ. Tôi chảy nước mắt. Tư đờn khóc rống. Sáu móm và Tám lé mếu máo.
Một ông ở đoàn hát Sông Hồ tặng Tư đờn năm ngàn. Tư đờn lắc đầu. Ông hỏi:
- Em muốn gì?
Tư đờn mở to mắt ngắm cái cái bảng Sông Hồ. Hiểu ý nó, tôi lễ phép:
- Thưa ông, chắc ông là ông bầu?
- Đúng.
- Bạn cháu là Tư đờn, đàn ca hay lắm. Nó đã mơ uớc có ngày gặp ông bầu thương nó, luyện nó thành kép hát. Nó mồ côi...
Ông bầu Sông Hồ ôm chặt Tư đờn:
- Em sẽ thành kép hát, sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường. Ta dắt em theo đoàn Sông Hồ của ta.
Tư đờn khóc nức nở. Nó sung sướng tột độ. Giấc mơ của nó đã nở hoa. Tôi túm tóc nó, kéo ra, rút khăn thấm nước mắt giàn giụa khuôn mặt ngàn đời dễ thương của nó, nhoẻn miệng:
- Tin tao chưa?
Tư đờn gật đầu. Ông bầu hỏi tôi:
- Còn em nữa, em muốn gì?
Tôi phưỡn bụng, nói một câu sặc mùi dế mèn:
- Cháu còn mải phiêu lưu, thưa ông. Trời đất đẹp tuyệt vời.
Ông bầu khen tôi:
- Thằng này giễu đâu chịu thua Thanh Việt. Ta muốn tặng em một vật kỷ niệm.
Tôi xua tay:
- Thưa ông, đi phiêu lưu không nên mang vật kỷ niệm. Nếu ông thương cháu, cháu xin ông một ân huệ.
- Chi ta cũng thuận hết. Không có em, xe ta đã nổ tung, ta chết tan xác rồi.
- Ông đợi xe chạy hết rồi hẵng chạy.
- Sợ mìn ư?
- Không. Cháu muốn giã từ bạn cháu.
Tôi đang ba hoa tới đây thì có tiếng réo:
- Hưng, Hưng!
Tôi quay lại. Trời ơi, bố tôi! Bố tôi lắc đầu:
- Tao định lên xem mặt thằng bé anh hùng nào, không ngờ đi xem mặt mày.
Tôi trợn mắt, há hốc miệng, chôn chân xuống đường. Bố tôi lách vô, bẹo tai tôi:
- Mẹ mày đánh điện tín cho hay mày trốn nhà xuống Cái Dầu. Tao chờ không thấy mày, sốt ruột quá phải đáp xe sớm về Sàigòn.
Nhiều người “bênh” tôi:
- Thưa ông, cậu ấy cứu mạng chúng tôi. Cậu ấy là anh hùng.
Bố tôi cười vui vẻ:
- Mới tí tuổi mà học đòi phiêu lưu.
Mắng yêu tôi, song bố tôi cũng hãnh diện vì tôi, chứ bộ. Đường đã mở quang đãng. Xe bắt đầu chạy. Chúng tôi đứng một bên đường. Xe lên, xuống qua mặt chúng tôi đều vẫy tay, hoan hô, từ biệt chúng tôi. Nước mắt chúng tôi ứa ra. Đến nỗi, có một con bé vất cho trái ổi gọi là quà nhớ ơn anh hùng Hưng mập mà tại mắt tôi mờ đi vì cảm động, tôi chẳng thể ngắm rõ con bé có gắn chiếc răng vàng nào không. Hoặc mặt nó có rỗ huê, mắt nó có toét? Xe của bố tôi đã qua. Bố tôi chìu tôi, cho xe qua luôn. Lát nữa, bố con tôi sẽ đón xe khác.
Bây giờ đến lúc xe Sông Hồ chuyển bánh. Tư đờn nắm chặt tay tôi:
- Hưng mập, suốt đời tao không quên mày.
- Tao cũng vậy, Tư đờn ạ!
Nước mắt hai đứa tôi lại ứa ra. Sao chúng tôi nhiều nước mắt thế. Tư đờn đưa cho tôi cây đàn của nó:
- Tặng mày.
Tôi liệng cho Tư đờn cái cạc-táp “giang hồ” của tôi:
- Tặng mày.
Xe chuyển bánh. Tư đờn vẫy tay giã từ Sáu móm, Tám lé và tôi. Tám lé dặn dò:
- Nổi tiếng nhớ gởi tặng tao tấm hình, nhe!
Sáu móm mếu máo:
- Có “dzìa” hát quanh đây, nhớ mời tụi tao nhé!
Tôi nhắm mắt chờ xe chạy xa. Hình ảnh Tư đờn đã in vào trái tim tôi. Tôi khẽ nói thầm:
- Mày phải nổi tiếng, Tư đờn!
Sáu móm giật tay tôi:
- Vô nhà tao ăn cháo vịt.
Tám lé mời mọc:
- Rồi qua nhà tao ăn cá lóc nướng trui.
Tôi khoác tay lên vai hai người bạn:
- Rất tiếc tao phải về với bố tao. Sẽ còn dịp chúng ta gặp gỡ. Tao muốn lần sau gặp tụi mày, đứa nào cũng đọc được sách. Nhớ viết câu tao dạy mày, dán lên thân cây nghe, Sáu móm!
- Tao nhớ. Chúng tao có nhiều tiền quá xá. Mai khỏi đi chăn vịt mướn. Tao sẽ đi học.
Sáu móm cười hóm hỉnh:
- Tao sẽ viết những câu chửi ma, dán cùng xóm.
Bố tôi đã đón được chiếc xe đò thưa khách. Tôi lên xe, giã từ hai ông tướng chăn vịt. Giã từ cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của tôi, cuộc phiêu lưu nhiều cảm động, lắm chia ly. Tư đờn vài năm nữa sẽ nổi danh. Sáu móm, Tám lé, Năm rỗ, Bảy đen, Đạt sún sẽ hết mù chữ. Tôi ước ao ngũ tướng chăn vịt sẽ nhóm lên một chút ánh sáng ở quê hương chúng nó. Điều chắc chắn là chúng nó hết sợ ma, hết tin có ma. Tôi còn món nợ với Bờm láu. Tới Tân An tôi phải ghé thăm nó. Bố tôi nói đúng. Tôi chưa thể phiêu lưu. Dế mèn, xưa tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Dế, mới rời vú mẹ ra đi. Tôi cần học hỏi cả chục năm. Kiến thức vững, phiêu lưu mới bỏ vào túi điều hay ý đẹp được. Mới học nổi cả sàng khôn trong nửa ngày đàng.
Dù sao, cái sự trốn nhà ra đi của tôi cũng vẫn là cuộc phiêu lưu. Và những trang sách vụng về, ngớ ngẩn do chính tay tôi viết mà các bạn đã đọc phải là thiên bút ký dở nhất nước. Thôi thì, “Lời quê góp nhặt dông dài. Tẻ, vui may được một vài trống canh”.
28-2-71
(Viết xong tại quận III, Sàigòn)