Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 1
Nils Holgersson

     húa nhật 20 tháng ba
 
Có một chú bé khoảng mười bốn tuổi, người cao, lẻo khoẻo, tóc vàng như sợi gai. Chú chẳng được tích sự gì. Chỉ thích ăn và ngủ, lại còn bày ra những trò nghịch ác nữa.
Một buổi sáng chúa nhật, bố mẹ sắp sửa đi lễ nhà thờ, chú mặc chiếc sơmi, ngồi ở một góc bàn. Chú hí hửng thấy bố mẹ sắp đi và mình sẽ được tự do chẳng ai cai quản trong hai giờ. Chú nghĩ bụng: "Mình có thể lấy súng của bố xuống, bắn vài ba viên đạn, chẳng ai biết cả".
Có thể nói là bố đã đoán được ý định của chú. Lúc ra đi bố dừng lại trên bậc cửa và nói:
- Con đã không muốn theo bố mẹ đi nhà thờ thì có thể đọc kinh ở nhà. Con có hứa với bố như vậy không?
- Vâng, nếu bố muốn. Nhưng trong bụng chú thì nghĩ là chỉ đọc cái gì chú thích mà thôi.
Chưa bao giờ chú thấy mẹ chú nhanh nhẹn đến thế. Chỉ nháy mắt mẹ đã đến trước cái giá nhỏ treo trên tường, lấy cuốn sách thuyết giáo của Luther, đặt lên cái bàn kê trước cửa sổ, giở ra đúng trang có bài giảng hôm ấy. Mẹ lại tìm cả đoạn kinh Phúc âm sẽ đọc hôm chúa nhật ấy, đặt luôn bên cuốn thuyết giáo. Sau cùng, mẹ kéo sát vào bàn chiếc ghế bành lớn mua năm trước, hồi bán đấu giá cái nhà mục sư ở Vemmenhưg, cái ghế mà thường chỉ có bố mới được ngồi.
Chú bé nghĩ rằng mẹ chú đã quá nhọc công trong việc dàn cảnh ra như vậy vì chắc là chú sẽ đọc chỉ một hai trang thôi. Nhưng hình như bố lại đoán biết ý định của chú. Bố nói, giọng nghiêm nghị:
- Cố đọc cho kỹ đấy. Lúc về bố sẽ hỏi từng trang, cứ bỏ bớt thì liệu hồn.
- Bài thuyết giáo những mười bốn trang rưỡi, mẹ nói thêm. Muốn đọc hết thì hãy bắt đầu ngay đi.
Cuối cùng bố mẹ ra đi. Qua cửa chú bé nhìn bố mẹ đi xa dần và chú thấy như mình bị mắc mưu vậy. Chú lẩm bẩm: "Biết mình phải chúi mũi vào quyển sách suốt cả buổi mà họ vắng mặt thế này, bố mẹ chắc bằng lòng lắm đấy".
Nhưng mà bố mẹ chẳng bằng lòng chút nào, trái lại còn rất phiền muộn. Bố mẹ là những nông dân nghèo, mảnh đất làm ăn chẳng rộng hơn một chéo vườn chút nào. Khi mới đến đây, cái trại chỉ nuôi được có một con lợn và mấy mái gà. Nhờ chịu khó, siêng năng, tháo vát, giờ đã có mấy con bò cái và đàn ngỗng. Nghĩa là họ làm ăn đã khá, và nếu như không phải nghĩ gì đến đứa con trai thì buổi sáng đẹp tròi hôm ấy họ đã đi lễ nhà thờ rất vui vẻ. Bố phiền lòng vì thấy con lười quá sức, ỷ quá sức, chẳng muốn học hành gì ở trường cả, may ra chỉ có thể đi chăn ngỗng được mà thôi. Mẹ cũng thấy đúng như thế, nhưng mẹ buồn nhất là thấy nó độc ác, quá nhẫn tâm, quá tàn bạo với súc vật, xấu bụng với mọi người. Mẹ than thở: "Lạy Chúa bẻ gãy cái tính độc ác của nó đi và phú cho nó một tâm tính khác, nếu không chính nó sẽ gây ra bất hạnh cho nó và cho cả nhà nữa".
Sau khi suy nghĩ một hồi lâu, chú bé quyết định lần này nên vâng lời bố mẹ thì hơn. Chú ngồi vào chiếc ghế bành lán và bắt đầu đọc lẩm nhẩm. Chưa được bao lâu giọng chú đã như ru chú ngủ. Chính chú cũng thấy là mình cứ thế thiếp đi.
Bên ngoài, trời xuân đẹp tuyệt. Mới hai mươi tháng ba, nhưng làng Vemmenhưg ở tận cùng miền nam tỉnh Skâne* đã vào xuân hẳn rồi. Tiết trời chưa làm cây cối xanh lại, nhưng khắp nơi đã đâm chồi và sáng lên. Con mương nào cũng đã có nước, hoa tử uyên đã nở bên những vệ đường. Tất cả rêu và địa y mọc trên tường đá đã chuyển sang màu nâu và ánh lên. Rừng dẻ gai ở phía tận cùng, lán lên trông thấy, và như mỗi lúc một thêm um tùm. Bầu trời dường như cao thăm thẳm và xanh một màu trong vắt. Cửa ngôi nhà nhỏ vẫn để mở hé, nghe lọt tiếng ríu rít của chim sơn ca. Ngoài sân, gà và ngỗng đang kiếm mồi; những con bò cái cảm thấy không khí mùa xuân đến tận cuối chuồng, thỉnh thoảng rống lên một tiếng dài.
Chú bé đọc, thiếp đi, giật mình tỉnh dậy và cố chống lại cơn buồn ngủ. "Mình không muốn ngủ, vì ngủ thì hết cả buổi sáng cũng chẳng đọc xong". Nhưng dù quyết tâm như vậy, cuối cùng chú cũng phải nhượng bộ cơn buồn ngủ.
Chú ngủ đã lâu hay chỉ mới một lúc, chú cũng chẳng biết nữa, nhưng một tiếng động khẽ ở đằng sau đánh thức chú dậy.
Trên bậc cửa sổ, trước mặt chú, có tấm gương nhỏ phản chiếu gần hết căn phòng. Chú ngẩng đầu lên thì nhìn ngay vào tấm gương, và thấy chiếc hòm lớn của mẹ đã mở nắp.
Bố mẹ có một cái hòm gỗ sồi lớn tướng, nặng và đóng đai sắt, không cho phép ai mở ra bao giờ. Mẹ cất vào đó tất cả những vật thừa hưởng được của mẹ mình và rất quý những thứ ấy. Đó là những chiếc áo dài thôn nữ kiểu cổ bằng dạ đỏ, thân ngắn, váy gấp nếp và trước ngực thêu ngọc trai. Đó là những chiếc mũ trắng, túi xách và những chiếc hoa tai nặng, những sợi dây chuyền bằng bạc. Giò người ta không muốn mặc những áo kiểu cổ ấy nữa, và nhiều lúc mẹ đã nghĩ đến việc bỏ đi hết, nhưng
rồi cũng không quyết được. Những thứ ấy đối với lòng mẹ thân thiết quá.
Thế mà chú bé trông thấy rõ ràng trong gương là nắp hòm bị mở. Chú không hiểu tại sao lại có thể như thế được vì chắc chắn là mẹ đã khoá hòm trước khi đi. Chẳng bao giờ mẹ lại bỏ ngỏ khi chỉ có mình con trai mẹ ở nhà.
Chú thấy khó chịu hết sức. Chú sợ có tên trộm nào đã lẻn vào nhà. Không dám cựa, chú ngồi yên nhìn chằm chằm vào tấm gương.
Chú chờ tên kẻ trộm ló mặt ra. Bỗng chú tự hỏi cái bóng đen vừa rơi xuống nắp hòm kia là cái gì. Chú nhìn, nhìn mãi mà vẫn không tin được mắt mình. Nhưng dần dần cái mà lúc đầu chỉ là một bóng đen kia, đã hiện rõ ra, và chú liền hiểu ngay rằng đó là một vật có thật. Trước mặt chú là một ông tumtề (**) không hơn không kém, đang ngồi như cưỡi ngựa trên mép hòm.
Tất nhiên chú đã nhiều lần nghe nói đến các gia thần, nhưng chưa bao giờ chú lại nghĩ rằng họ bé nhỏ đến thế. Vị thần này không cao hơn gang tay. Mặt thần già nua, nhăn nheo và không có râu. Thần mặc chiếc áo đen rất dài, cái quần chẽn, đội chiếc mũ đen rộng vành; trang phục rất chải chuốt: hai cổ tay áo và cổ áo đều viền đăng ten trắng, đôi giày có những cái vòng đẹp, và bít tất thắt nơ to. Thần lấy một chiếc yếm thêu trong hòm ra, ngắm nghía cái công trình ngày xưa ấy say mê đến nỗi không thấy chú bé đã thức giấc.
Thấy gia thần, chú bé rất ngạc nhiên nhưng chú không sợ lắm. Làm sao mà chú phải sợ một kẻ bé tí tẹo như thế? Và trong khi thần đang mải mê đến mức chẳng trông mà cũng chẳng nghe thấy gì cả, thì chú bé nghĩ là chơi ông ta một vố thì thích quá. Chẳng hạn đẩy ông ta vào hòm rồi đậy nắp lại, hoặc là một trò gì đại loại như vậy.
Tuy nhiên chú cũng không đủ can đảm đến mức đưa tay ra sờ vào thần. Bởi vậy chú đưa mắt tìm một vật gì có thể dùng để nện thần một cái. Chú nhìn từ giường sang bàn và từ bàn đến lò sưởi. Ngước nhìn lên xoong chảo và ấm cà phê để trên cái giá gỗ nhỏ; nhìn khẩu súng của bố treo trên tường giữa những bức chân dung của vương thất Đan Mạch, lại nhìn tới những cây phong lữ nở hoa trước cửa sổ, rồi cuối cùng chú dừng mắt lại nơi cái vợt bắt bướm cũ treo ở cửa sổ con.
Thoáng thấy chiếc vợt bắt bướm là chú vớ ngay lấy, vọt lên và úp sập xuống mép hòm. Chính chú cũng ngạc nhiên vì sự may mắn của mình, vì chú đã bắt được gia thần, rõ mười mươi. Vị thần bé nhỏ đáng thương nằm gọn ở đáy vợt, đầu lộn ngược xuống, không sao chui ra được.
Mới đầu chú bé không biết làm gì con mồi của mình. Chú chỉ lắc lắc chiếc vợt cho gia thần không trèo ra được thôi.
Thần liền lên tiếng và hết sức van xin chú trả lại tự do cho mình. Thần nói là trong bao nhiêu năm qua đã đem cho gia đình chú những điều tốt lành; và đáng được đối xử khác thế này. Nếu chú thả ra, thần sẽ biếu chú một cái thìa bạc, và một đồng tiền vàng to bằng cái đồng hồ của bố.
Chú bé cho là những thứ ấy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng từ khi bắt được thần chú lại đâm ra sợ. Chú thấy mình đang liên quan đến một cái gì lạ lùng, khủng khiếp, không thuộc về thế giới của mình, và chỉ mong sao ra khỏi cuộc phiêu lưu này.
Vì vậy chú đồng ý tức thì với đề nghị của gia thần, và ngừng tay lắc vợt để cho kẻ bé nhỏ kia trèo ra. Nhưng đúng lúc tù nhân của chú ra gần khỏi vợt thì chú chợt nảy ra cái ý là phải nắm lấy những của cải lớn và đủ mọi thứ khác nữa. Để mở đầu, ít ra chú phải bắt rằng bài thuyết giáo cứ tự nhiên nhập vào óc chú. Chú nghĩ, "để cho ông ta thoát thì mình ngu thật", và thế là đột nhiên chú lại lắc lắc cái vợt.
Nhưng đúng vào lúc ấy chú bị một cái tát dữ dội, đến nỗi tưởng như đầu sắp nổ toang ra. Trước tiên chú bị bắn vào tường, rồi bật sang tường bên kia, sau cùng ngã vật xuống đất và nằm bất tỉnh nhân sự.
Lúc tỉnh lại chú chỉ còn một mình trong phòng, chẳng hề thấy chút dấu vết nào của gia thần cả. Nắp hòm đã đậy lại; chiếc vợt bướm treo ở chỗ cũ, nơi cửa sổ. Nếu không thấy đau rát ở má thì chú đã có thể cho rằng tất cả những chuyện ấy chỉ là chiêm bao. Chú tự nhủ: "Dù sao đi nữa thì bố mẹ cũng vẫn cho rằng đó chỉ là giấc chiêm bao. Bố mẹ sẽ chẳng vì gia thần mà tha cho mình bài thuyết giáo. Vì vậy tốt nhất là mình hãy đọc lại đi".
Nghĩ vậy chú đi lại phía bàn, bỗng chú nhận thấy một điều gì khác lạ. Lẽ nào cái nhà lại to ra thế này. Nhưng mà giải thích bằng cách nào khác được, vì chú phải đi bao nhiêu bước mới tới cái bàn. Và cái ghế thì làm sao thế này? Hình như cái ghế không to ra; thế mà trước hết chú phải đu mình lên thanh gỗ bên dưới rồi từ đó mới leo lên được chỗ ngồi. Cái bàn cũng vậy, có trèo lên tay ghế bành mới trông thấy được mặt bàn.
Chú nghĩ: "Thế này là thế nào? Mình cho là gia thần đã hóa phép thay đổi cái ghế bành, cái bàn và cả nhà rồi!"
Cuốn thuyết giáo vẫn để mở trên bàn và hình như không biến đổi gì. Thế mà rõ ràng là trên sách vẫn có cái gì kỳ quái, vì chú không thể nào đọc được một chữ nếu không đứng hẳn lên trên cuốn sách.
Chú đọc vài dòng, rồi ngẩng đầu lên. Mắt chú lại bắt gặp tấm gương, và chú kêu to lên: "Kìa, lại một gia thần nữa!"
Trong gương, chú thấy rõ ràng một người bé nhỏ, bé tí tẹo, đội mũ nhọn, mặc quần chẽn bằng da.
"Tay này ăn mặc hệt như mình", chú reo lên, hai tay chắp lại vì ngạc nhiên. Thế là con người bé nhỏ trong gương cũng làm động tác như thế.
Chú bé liền bứt tóc mình, tự cấu mình, xoay người mình như chong chóng, tức thì người trong gương cũng làm đúng động tác như chú.
Chú liền chạy vòng quanh cái gương xem có kẻ nào nấp đằng sau không. Nhưng chẳng thấy ai cả. Thế là chú bắt đầu run, vì chú chợt hiểu ra rằng gia thần đã lừa chú, và hình người phản chiếu trong gương chính là hình của chú đó.

 Đàn ngỗng trời 

Tuy nhiên, chú bé vẫn không thể tin rằng mình đã bị biến thành gia thần. Chú nghĩ: "Chỉ có thể là một giấc mơ hay là mình tưởng tượng ra đó thôi. Đợi lúc nữa, mình sẽ biến lại là một con người".
Chú đứng trước gương nhắm mắt lại. Vài phút sau chú mới mở mắt ra mong cho phép thuật hết tác dụng. Nhưng không, chú vẫn bé tí tẹo như thế. Ngoài kích thước ra thì chú vẫn hoàn toàn như trước. Vẫn mớ tóc vàng nhạt, vẫn những tàn nhang trên mũi, vẫn những miếng vá trên chiếc quần da, và chỗ vá ở bít tất, chú thấy đủ tất cả nhưng đều nhỏ tí xíu hết.
Chờ đợi cũng chẳng ích gì. Phải hành động. Và tốt hơn cả là đi tìm gia thần, để cố làm lành với thần.
Chú bèn nhảy xuống đất, và bắt đầu tìm. Chú nhìn phía sau các ghế tựa và các tủ, dưới gầm giường và trong bếp lò. Chú lách cả vào mấy cái lỗ chuột, nhưng vô ích.
Vừa tìm chú vừa khóc, vừa van, hứa hẹn đủ điều; nào là không bao giờ làm sai lời hứa nữa, không bao giờ độc ác nữa, nào là không bao giờ ngủ trong giờ thuyết giáo nữa. May mà chú được trở lại thành người thì chú sẽ là đứa bé biết vâng lời nhất, hiền lành nhất và đáng yêu nhất. Nhưng chú cứ việc hứa hẹn, việc đó vẫn chẳng ích gì.
Bỗng chú sực nhớ là có nghe mẹ nói rằng các gia thần thường quen ở chuồng bò, thế là chú quyết ra đấy. May mà cửa ra vào vẫn để ngỏ, nếu không thì chẳng bao giờ chú có thể mở nổi cái then. Chú đi ra chẳng vướng mắc gì.
Ra đến bậc cửa, chú đưa mắt tìm đôi giày gỗ(1) của chú, vì ở trong nhà thường chú đi lại bằng giày vải. Nhưng mà chú sẽ mang thế nào nổi đôi giày gỗ to và nặng của chú đây? Vừa đúng lúc ấy chú thấy trên ngưỡng cửa một đôi giày gỗ bé tí tẹo. Việc phát hiện này chỉ làm chú thêm sợ; nếu thần đã lo trước đến việc thay đổi cả kích thước đôi giày gỗ của chú thì chẳng phải cuộc phiêu lưu tai hại này sẽ còn kéo dài nữa sao?
Một con chim sẻ nhảy nhót trên cái bậc bằng gỗ sồi đã cũ ở trước cửa. Vừa trông thấy chú bé là nó đã ríu rít kêu lên:
"Chuyt, chuyt, nhìn kìa. Nhìn Nils, thằng bé chăn ngỗng kìa! Nhìn thằng bé Tí Hon kìa! Nhìn Nils Holgersson Tí Hon kìa!"
Những con ngỗng và những con gà mái lập tức quay
về phía Nils, tiếng cục cục và cà kíu, cà kíu liền nổi lên ầm ĩ. Con gà trống gáy:
"Cúc cù cu cu! Đáng lắm!"
"Cục cục cục, đáng lắm!" Bọn gà mái cũng kêu lên và cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái câu ấy. Các con ngỗng tụ tập lại, chen chúc nhau, tất cả đều vươn dài cổ ra cùng hỏi: "Ai gây ra việc này? Ai gây ra việc này?"
Điều kỳ diệu nhất là chú bé hiểu tiếng nói của chúng nó. Ngạc nhiên, chú đứng lại một lúc trên bậc cửa để nghe chúng nó nói.
Chú nghĩ bụng: "Bởi vì mình đã biến thành gia thần nên biết tiếng nói của loài chim".
Chú thấy các con gà mái thật là khó chịu, cứ cục cục và kêu mãi: "đáng kiếp". Chú ném về phía chúng một hòn đá để bắt chúng im. "Có im mồm đi không, đồ vô lại". Khốn thay, chú quên mất rằng chú không còn đủ sức để làm cho bọn gà mái sợ nữa. Cả bọn chạy xô đến, vây lấy chú và cứ cục cục. "Cục cục cục, thật đáng đời! Cục cục cục, thật đáng đời".
Chú tìm cách chạy trốn, nhưng đám gà mái đuổi theo và kêu đến điếc cả tai. Chú chẳng tài nào thoát nổi đàn gà nếu lúc đó con mèo nhà không hiện ra. Vừa trông thấy nó, đàn gà liền im tiếng và làm bộ mải miết bới đất tìm sâu.
Chú chạy lại phía con mèo và nói: "Này Miu bé nhỏ của mình, cậu biết rõ mọi hang lỗ ngõ ngách trong trại, cậu làm ơn bảo cho mình biết đi tìm gia thần ở chỗ nào đây".
Mèo không trả lời ngay. Nó ngồi lại, xếp cái đuôi quanh mình thật duyên dáng, rồi chằm chằm nhìn chú bé. Miu là một con mèo đen to, ngực trắng. Bộ lông mượt ánh lên dưới tia mặt trời. Móng nó quắp lại hết. Mắt nó toàn một màu xám, có một khe rất hẹp ở giữa. Nó có vẻ hiền lành.
Mèo nói giọng rất dịu dàng: "Tất nhiên mình biết gia thần ở đâu, nhưng cậu tưởng mình sẽ nói cho cậu biết đấy à?"
- Miu thân mến ạ, phải giúp mình tí. Miu không thấy là mình bị ông ấy lừa đấy à?
Con mèo hé mắt ra, ác ý lộ qua ánh mắt màu lục. Nó gầm gừ, thích chí mãi rồi mới nói: "Cậu muốn mình giúp cậu để cảm ơn cậu cứ thường thường kéo đuôi mình ấy à?"
Chú bé nổi giận và quên hẳn rằng mình bé nhỏ và bất lực, hét lên: "Tao ấy à, tao vẫn rất có thể kéo đuôi mày nữa. Đợi đấy tí!"
Trong nháy mắt con mèo thay đổi đến nỗi khó mà nhận ra nó. Mỗi sợi lông trên mình nó tua tủa lên. Lưng cong vòng lại, chân duỗi ra, móng cào cào đất, cái đuôi xù lên và co lại, đôi tai rụt sát vào đầu, mồm nhỏ dãi, cặp mắt mở to rực lên một ánh lửa đỏ.
Chú bé không muốn để cho một con mèo lại dọa mình. Chú bước lên một bước. Thế là con mèo vọt lên, nhào thẳng vào chú bé, hất chú ngã xuống đất và đứng chắc trên mình chú, hai chân trước đè lên ngực, mõm há to ngay trên cuống họng chú.
Chú thấy các móng của mèo đang cắm vào thịt mình qua lần áo vét và áo sơ mi; những chiếc răng nhọn cọ vào họng chú buồn buồn. Chú lấy hết sức kêu cứu.
Nhưng chẳng ai chạy tới cả, và chú tưởng rằng giờ cuối cùng của đời chú đã đến. Sau cùng chú bỗng thấy mèo thu móng lại và thả chú ra.
"Đấy! Thế là đủ. Lần này tớ tha cho cậu vì tớ nghĩ đến bà chủ. Tớ chỉ muốn cho cậu hiểu là cậu với tớ ai khỏe hơn thôi".
Nói xong mèo bỏ đi, vẫn uyển chuyển và hiền lành như trước. Chú bé xấu hổ đến nỗi không thốt nên lời, nhưng chú cứ đi về phía chuồng bò tìm gia thần.
Trong chuồng chỉ có ba con bò cái. Thế mà khi chú bé hiện ra là tiếng rống lên huyên náo tưởng chừng ít ra cũng phải có đến ba chục con bò.
-   Mòo! Mòo! Mòo! - con Hoa Hồng Tháng Năm kêu - sướng thay là trên đời này có công lý!
-   Mòo! Mòo! Mòo! Cả ba con bò cái cùng kêu tiếp. Chú bé không thể nghe rõ chúng nói gì vì con nọ cố rống to hơn con kia.
Chú muốn nói chuyện gia thần, nhưng không làm thế nào cho chúng nghe tiếng được. Mấy con bò cái đang giữa cơn nổi loạn. Chúng nhốn nháo lên như lúc chú đem một con chó lạ vào chuồng vậy. Chúng tung cẳng lên đá, lắc lắc dây xích, quay đầu ra đằng sau và giương sừng ra dọa.
-   Cứ lại đây! - Con Hoa Hồng Tháng Năm hét - Tao sẽ cho mày một cái đá, không quên ngay được đâu!
-   Lại đây! Con Hoa Kèn Vàng nói - Ta sẽ cho nhảy lộn trên đôi sừng này!
-   Lại đây đi, lại gần đây tí! Con Ngôi Sao gầm lên - Ta ấy à, ta sẽ cho biết là ta đã đau như thế nào lúc mày lấy giày gỗ ném ta mùa hè năm ngoái.
-   Lại đây! Con Hoa Kèn Vàng rống lên - Ta sẽ cho đền cái tội đã bỏ ong bò vẽ vào tai ta!
Hoa Hồng Tháng Năm, con bò lớn tuổi và khôn ngoan hơn cả, lại là con bò tức giận hơn cả. Nó nói: "Lại đây, ta sẽ thưởng công cho về việc bao lần kéo chân chiếc ghế đẩu lúc mẹ mày sắp vắt sữa chúng ta, về tất cả những lần ngáng chân mẹ mày lúc bà ấy xách những xô sữa đi qua, về tất cả những giọt nước mắt đã phải khóc vì mày, ngay tại đây".
Chú bé muốn nói với chúng là chú hối hận vì đã độc ác với chúng, rằng chú sẽ không bao giờ chơi ác lại như vậy nữa, chỉ cần chúng bằng lòng cho chú biết gia thần ở đâu thôi. Nhưng mấy con bò làm ầm ĩ và vùng vằng dữ quá đến nỗi chú sợ là dây buộc sẽ đứt mất, nên chú nghĩ tốt nhất là cứ lẻn ra khỏi chuồng.
Ra ngoài sân, chú nản lắm. Chú thấy rõ là chẳng một ai sẵn lòng giúp chú tìm gia thần cả. Vả lại tìm thấy được thần có lẽ cũng chẳng ích gì cho lắm.
Chú trèo lên bức tường đá xếp quanh trại mà từng quãng bị phủ kín những cây mâm xôi và những bụi gai. Chú ngồi đấy ngẫm nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu chú không được trở lại thành người bình thường. Trước hết bố mẹ ở nhà thờ về sẽ ngạc nhiên đến thế nào! Phải rồi, tất cả các xứ sẽ kinh ngạc, và người ta sẽ kéo nhau từ Vemmenhưg Đông, từ Torp, từ Skerup, từ các xã đến để xem chú. Và có thể là bố mẹ sẽ đưa chú tới chợ phiên Kivik bày cho thiên hạ xem nữa.
Khủng khiếp thật! Chú những muốn từ nay không một ai trông thấy chú nữa. Thật bất hạnh quá! Chẳng có ai đáng phàn nàn như chú! Chú không còn là một con người nữa, mà là một quái vật.
Dần dần chú hiểu ra rằng: không còn là con người thì sẽ như thế nào? Từ nay chú bị xa cách tất cả. Chú không còn được chơi với những trẻ khác nữa; không thể lĩnh canh cái trại sau khi bố mẹ qua đời, và chắc chắn là sẽ không bao giờ tìm ra một cô gái muốn lấy mình làm chồng. Chú nhìn cái nhà mình. Một túp nhà tranh nhỏ, tường đất, trông như tụt vào lòng đất dưới sức nặng của cái mái rạ cao và dốc. Những buồng phụ cũng đều nhỏ tí, rẻo đồng ruộng thì hẹp đến nỗi một con ngựa cũng khó có đủ chỗ quay mình. Nhưng dù có bé nhỏ và tồi tàn đến đâu thì giờ đây chỗ ở này đối với chú cũng tốt đẹp quá rồi. Chú không còn có quyền đòi hỏi gì hơn một cái lỗ nhỏ dưới sàn chuồng ngựa.
Trời đẹp lạ lùng. Xung quanh chú nước chảy tràn trề, cành cây đâm chồi, chim chóc ríu rít. Riêng chú mang một nỗi buồn ghê gớm. Chú chẳng còn thấy vui với cái gì nữa cả.
Chưa bao giờ chú thấy trời xanh đến thế. Những loài chim di cư bay qua từng đàn. Chúng từ nước ngoài về, vượt biển Baltic, bay thẳng đến mũi Smygahuk, và giờ đây đang bay lên phương Bắc. Có nhiều loài chim khác nhau, nhưng chú chỉ nhận ra những con ngỗng trời bay theo hai hàng dài, họp lại thành một hình chữ nhân.
Đã nhiều đàn ngỗng bay qua rồi. Chúng bay rất cao, nhưng chú vẫn nghe tiếng chúng kêu: "Chúng tôi bay lên các cao nguyên băng tích. Chúng tôi bay lên các cao nguyên băng tích".****
Khi trông thấy những con ngỗng nhà lững thững đi trong sân gà vịt, thì đàn ngỗng trời bay thấp xuống, và gọi to: "Đi với chúng tớ đi! Đi với chúng tớ đi! Chúng tớ bay lên các cao nguyên băng tích!"
Những con ngỗng nhà không thể không ngẩng đầu lên nghe. Nhưng chúng đáp lại, rất khôn ngoan: "Ở đây chúng mình sướng rồi. Ở đây chúng mình sướng rồi".
Như đã nói, hôm ấy là một ngày đẹp tuyệt vời, không khí mát mẻ làm sao, nhẹ nhàng làm sao, như mời người ta bay lên. Những đàn ngỗng trời khác càng bay qua thì những con ngỗng nhà càng băn khoăn. Có lúc chúng vỗ cánh như đã quyết bay theo bọn ngỗng trời. Nhưng mỗi lần như thể lại có một mụ ngỗng già lắm mồm nào đó lên tiếng nói: "Này, đừng có điên rồ thế. Bọn chúng nó rồi sẽ phải khổ vì đói, vì rét đấy".
Nhưng lại có một con ngỗng đực, nghe tiếng gọi của các ngỗng trời, tỏ ra rất khát khao được bay đi. Nó nói: "Nếu còn một đàn nữa đến, tôi sẽ theo ngay."
Một đàn nữa bay tới, lại gọi như những đàn trước. Thế là ngỗng đực đáp: "Đợi tí, đợi tí. Tôi đi ngay".
Nó dang cánh bay lên, nhưng vì chẳng quen bay tí nào nên lại rơi xuống đất.
Nhưng hình như những con ngỗng trời đã nghe tiếng ngỗng đực. Chúng thong thả bay lộn lại, xem ngỗng đực có theo chúng không. "Đợi tí! Đợi tí!", ngỗng đực kêu, rồi lại cố bay lên.
Ngồi nấp trên bờ tường, chú bé nghe thấy tất cả: "Ngỗng đực mà bay đi thì thiệt quá! Đi lễ về mà thấy ngỗng bay mất rồi, bố mẹ sẽ buồn lắm".
Lại một lần nữa, chú quên rằng mình nhỏ bé và yếu đuối. Chú nhảy vào giữa đàn ngỗng nhà, vòng tay ôm lấy cổ ngỗng đực, miệng hét: "Mày phải ở lại đây nghe chưa".
Nhưng đúng lúc ấy, ngỗng đực hiểu là phải làm thế nào để bay lên khỏi mặt đất. Nó không thể ngừng lại để hất chú bé xuống, và thế là chú bị mang theo lên không.
Chú bị mang đi nhanh đến chóng cả mặt. Chưa kịp nghĩ đến việc bỏ tay ôm cổ ngỗng ra thì chú đã lên cao đến nỗi nếu ngã xuống đất thì sẽ chết ngay.
Chú chỉ còn cách là cố trườn lên lưng ngỗng. Chú đã lên được, nhưng thật là vất vả. Lại cũng chẳng phải dễ dàng gì mà ngồi yên được trên cái lưng nhẵn mượt và trơn tuột, giữa đôi cánh đập liên hồi. Chú phải thọc sâu hai tay vào bộ lông, đến tận lông tơ của ngỗng để cho khỏi bị lao nhào xuống đất.

Tấm vải kẻ ô 

Chú bé bị chóng mặt một hồi lâu, chẳng nhận ra cái gì hết. Không khí rít lên, quật vào chú, cánh ngỗng đập, lông ngỗng rung ầm ầm như bão. Mười ba con ngỗng bay quanh chú. Tất cả đều kêu cà-kíu, và vỗ cánh. Mắt lóa, tai ù, chú chẳng biết là chúng bay cao hay thấp, cũng chẳng biết cái đích của cuộc lữ hành này là gì.
Sau đó, chú trấn tĩnh lại, và hiểu là mình phải cố tìm cho biết xem chúng đưa mình đi đâu. Nhưng làm sao mà chú có đủ can đảm nhìn xuống đất được?
Đàn ngỗng trời không bay cao lắm, vì bạn đồng hành mới sẽ không thể thở nổi không khí quá nhẹ. Và cũng vì nó mà đàn bay cũng không nhanh như thường lệ.
Sau cùng, chú bé dám táo bạo nhìn một cái xuống đất. Chú ngạc nhiên thấy dưới ấy trải ra như thể một tấm vải rộng, chia thành vô số những ô vuông lớn nhỏ.
"Mình ở đâu thế nhỉ?" Chú tự hỏi.
Chú lại nhìn. Chỉ toàn những ô vuông. Có những ô hẹp và dài; vài ô nằm chéo, nhưng chú thấy nhiều nhất là những góc vuông và những bờ thẳng. Chẳng có cái gì tròn cả, chẳng có một đường cong nào.
"Tấm vải kẻ ô to tướng kia là cái gì thế nhỉ?" Chú nói làu bàu, chẳng đợi ai trả lời.
Nhưng những con ngỗng trời đang bay xung quanh liền lên tiếng: "Những đồng ruộng và những đồng cỏ. Những đồng ruộng và những đồng cỏ".
Bấy giờ chú mới hiểu rằng tấm vài kẻ ô là đồng bằng tỉnh Skảne mà cả đàn đang bay qua. Và chú cũng hiểu tại sao trông nó sặc sỡ đến thế. Những ô màu lá mạ, chú nhận ra trước tiên. Đó là những cánh đồng lõa mạch* gieo từ mùa thu trước và vẫn còn xanh dưới tuyết phủ. Những ô vàng nhạt pha xám là chân rạ của lúa mì mùa hạ, những ô màu nâu là những cánh đồng trước đây trồng cỏ chẽ ba, những ô đen là ruộng trồng củ cải đường đã thu hoạch hết, nay trơ trụi, hay là những đám đất bỏ hoang. Những ô màu nâu viền vàng chắc là những rừng dẻ gai, vì trong những rừng ấy, mùa đông những cây cao mọc ở quãng giữa đều trụi lá. Trái lại những cây non ở ven rừng giữ được lá vàng khô trên cành đến tận mùa xuân. Cũng có những ô màu sẫm điểm cái gì màu xám ở giữa. Đó là những trại lớn mà nhà lợp rạ đã đen, bao quanh những cái sân lát gạch. Lại còn những ô khác, ở giữa thì xanh, chung quanh viền nâu. Đó là những mảnh vườn với những bãi cỏ đã xanh, dù còn trông thấy lớp vỏ trần trụi của những bụi cây và những hàng rào.
Chú bé ngắm tất cả những ô đó mà không sao nhịn được cười.
Nhưng nghe chú cười, những con ngỗng trời liền kêu to, giọng trách cứ: "Đất nước tốt lành và màu mỡ, đất nước tốt lành và màu mỡ".
Chú liền trở lại nghiêm chỉnh và nghĩ thầm: "Làm sao mà mày dám cười khi vừa gặp phải bước phiêu lưu ghê gớm nhất có thể xảy đến cho một con người như thế?"
Chú tập nghiêm được một lát, rồi trở lại vui vẻ ngay.
Chú quen liền với kiểu du hành này, với tốc độ lớn, và có thể nghĩ đến việc khác ngoài việc cố ngồi cho vững trên lưng con ngỗng đực. Chú bắt đầu nhận thấy không gian có biết bao đàn chim, tất cả đều đang bay lên phương Bắc. Và những tiếng kêu lên, tiếng gọi nhau từ đàn này qua đàn khác. Đàn này kêu:
-   A, các bạn đấy à, các bạn vừa vượt biển hôm nay à?
-   Vâng, vâng, đàn ngỗng đáp. Mùa xuân ở đây thế nào rồi?
-   Không một chiếc lá trên cây và nước các hồ thì lạnh như băng - những chim khác trả lời.
Bay qua một nơi, trông thấy những gà nhà, đàn ngỗng gọi và hỏi: "Trại này tên là gì? Trại này tên là gì?". Thế là con gà trống vươn dài cổ ra và gáy: "Trại tên là Đồng Nhỏ. Năm nay cũng như năm ngoái! Năm nay cũng như năm ngoái".
Phần lớn các trại đều mang tên chủ cả, theo tục lệ ở tỉnh Skâne, nhưng đáng lẽ nói đây là trại của Per Matssons hay của Ola Bossons thì lũ gà trống đặt ra những tên mà chúng cho là hợp hơn. Nơi nhà tranh nghèo nàn, và trại nông dân nhỏ thì kêu: "Trại này tên là Hạt Bay". Ở những nơi nghèo khổ nhất thì: "Trại này tên là Nhai Ít! Nhai Ít! Nhai Ít!"
Những trại lớn của nông dân giàu thì được những tên đẹp, như: "Đồng Giàu Có", "Đồi Trứng", "Thị Trấn Bạc". Những bọn gà trống ở các lâu đài và các trang ấp lớn thì kiêu ngạo lắm, chẳng thèm đùa. Một con trong bọn ấy lên giọng gáy thật to như muốn làm cho mặt trời cũng phải nghe tiếng: "Đây là lâu đài Dybeck. Năm nay cũng như năm ngoái! Năm nay cũng như năm ngoái!".
Xa tí nữa, một con khác kêu: "Đây là Swanholm. Mọi người đều biết".
Chú bé nhận thấy rằng đàn ngỗng không bay thành đường thẳng. Chúng bay và lượn trên khắp đồng bằng rộng lớn tỉnh Skâne, dường như vui sướng được trở về, chúng muốn chào mỗi một ngôi nhà bên dưới.
Chúng đến một nơi mọc lên mấy tòa nhà lớn nặng nề, trên có những ống khói cao và bao bọc xung quanh có nhiều ngôi nhà nhỏ.
"Đây là nhà máy đường Jordberga!" Bọn gà trống kêu. "Đây là nhà máy đường Jordberga!". Chú bé giật mình. Làm sao mà chú không nhận ra nơi này nhỉ? Có cách nhà chú bao xa, hè năm ngoái chú còn đến đây chăn ngỗng mướn nữa cơ mà. Nhưng từ trên cao nhìn xuống, mọi thứ đều khác cả.
Jordberga! Jordberga! Và Ảsa, con bé chăn ngỗng và thằng bé Mats đều là bạn chú! Chú rất muốn biết chúng có còn ở đấy không. Chúng sẽ nói gì nếu biết rằng lúc này Nils đang bay trên đầu chúng.
Nhưng chẳng mấy chốc đã mất hút Jordberga. Đàn ngỗng bay về phía Svedala và Skaber để trở về phía nhà tu Bưringe.
Chỉ trong có một ngày hôm nay mà chú bé thấy được nhiều thứ trên tỉnh Skảne hơn tất cả bao nhiêu năm chú đã sống.
Những lúc ngỗng trời gặp ngỗng nhà chính là lúc chơi đùa vui nhất. Chúng bay rất thong thả và gọi: "Chúng tớ đang trên đường lên những cao nguyên băng tích. Có đi không".
Nhưng các ngỗng nhà đáp: "Trong xứ đang còn là mùa đông. Các bạn đến sớm quá. Trở lại đi! Trở lại đi!"
Đàn ngỗng trời xuống thật thấp, để cho ngỗng nhà nghe thật rõ. Chúng kêu: "Lên đây, chúng tớ sẽ bảo cho mà bay, và bơi!"
Bực mình, các ngỗng nhà chẳng thèm đáp lại một lời.
Đàn ngỗng trời lại sà xuống thấp nữa, đến là là sát mặt đất, rồi lại bay vụt lên như những mũi tên, vừa bay vừa làm ra vẻ sợ hãi: "Ai, ai, ai! Chúng kêu lên. Nào phải là ngỗng. Chỉ là những con cừu! Chỉ là những con cừu!".
Đến lúc ấy thì các ngỗng nhà tức giận và hét lên: "Mong cho người ta bắn chúng mày và hạ cả lũ chúng mày, cả lũ chúng mày!"
Nghe những lời bông đùa đó, chú bé cười. Rồi lại nghĩ đến nỗi bất hạnh của mình, chú khóc, để rồi một lát sau lại cười. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chú được đi nhanh như thế. Chú thường vẫn thích phi ngựa đi nhanh, thật nhanh. Nhưng tất nhiên là chú không bao giờ tưởng tượng ra là ở trên cao không khí lại mát mẻ, thú vị đến thế, cũng như trên này ta được hít những hương thơm đến thế của đất ẩm và nhựa cây, từ mặt đất bốc lên. Mà cũng chẳng bao giờ chú có thể biết là bay cao đến như thế thì sẽ ra sao. Có thể nói là đã bay xa những nỗi lo lắng, những mối phiền muộn, và những điều buồn bực, đủ mọi thứ.
Chú thích :
*  Skâne là tỉnh ở cực nam đất nưác Thụy Điển, trên eo biển thông sang Đan Mạch.
** Trong truyện cổ Bắc Âu, tumtê là một thứ thần rất bé, hay giúp người trong các gia đình thần ở, nên đây tạm dịch là gia thần.

*

****Cao nguyên băng tích là những cao nguyên ở miền bắc Thụy Điển, xưa kia khí hậu lạnh, băng phủ dày hàng chục vạn năm, ngày nay băng tan rồi nhưng mặt đất còn mang đầy dấu vết xâm thực của các sông băng cũ. Tiếng Thụy Điển gọi các cao nguyên ấy là Fjell.

*