Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 34 - Qua miền rừng [1]
Lời hứa được giải

     hứ năm, 16 tháng sáu
Ngày hôm sau, Nils đi qua Hälsingland. Tỉnh này trải ra, tươi sắc xuân. Dưới mắt chú, những cây tùng, cây bách đã giương cao những cành non xanh tươi, những cây bạch dương ở các cánh rừng con phô những chồi mềm mại, các bãi cỏ một màu xanh mới, và các cánh đồng một thảm lúa mì non. Vùng này hiểm trở và nhiều rừng, nhưng có một thung lũng chạy qua, trải dài ra hết sức quang đãng, và từ lũng đó còn có những lũng khác chạy rẽ ra, cái thì hẹp và ngắn, cái thì rộng và dài. "Cái vùng này xanh như một ngọn lá, và các thung lũng chia ra thành nhánh trông tựa những đường gân của một ngọn lá", Nils nghĩ như vậy.
Giữa thung lũng trung tâm là một con sông mà nhiều khúc mở rộng ra thành hồ. Hai bờ sông là những bãi cỏ, tiếp đến những cánh đồng ở cao hơn một ít; và trên cùng, trước bìa rừng, mọc lên những ấp trại, to và xây chắc chắn, và kế tiếp nhau không có khoảng cách. Nhà thờ thì dựng lên ven sông và làng mạc quây quần chung quanh.
Vùng này đẹp. Chú bé tha hồ ngắm cảnh vì con đại bàng bay ngược thung lũng này đến thung lũng khác, đi tìm nhạc công nhỏ nhắn Klement Larsson.
Vì buổi sáng đến nhanh, nên nhiều trại nhộn nhịp khác thường. Cửa các chuồng gia súc mở rộng hai cánh, người ta cho súc vật ra. Những con bò cái đẹp, lông nhạt, vóc nhỏ, nhanh nhẹn, dáng đi vững vàng, vui vẻ và nhảy nhót. Rồi đến bê và cừu, vui mừng được ra ngoài sau mùa đông dài, chúng nhảy từng bước, rồi nhảy tứ tung.
Những cô gái, lưng đeo túi, chạy giữa đám gia súc. Một chú bé, cầm chiếc sào dài, cố ngăn cho cừu chạy tán loạn. Một con chó lăng xăng tíu tít giữa đám bò cái, hết sủa to đến kêu như một con cún. Người chủ trại thắng con ngựa vào chiếc xe chở vỏ thùng đựng bơ, phên để phơi pho-mát và thức ăn dự trữ. Ai ai cũng cười và hát khẽ, người người vui sướng chẳng kém gì gia súc.
Sau cùng người ta lên đường đi vào rừng. Một cô gái, đi trước mọi người, chốc chốc lại cất tiếng gọi lanh lảnh. Đám gia súc đi theo cô ta. Anh chăn bò và con chó chạy lăng xăng, xem kỹ không bỏ một con vật nào tụt lại sau. Bác nông dân và anh người nhà đi sau cùng, mỗi người giữ một bên chiếc xe cứ nảy lên trên con đường hẹp đầy những sỏi.
Hôm nay đúng là ngày mà theo tập quán, các chủ trại ở Hälsingland gửi những đàn gia súc của họ lên sống mùa hè trên núi, vì từ mỗi thung lũng người ta thấy những đoàn vui vẻ như thế đi lên và vào sâu trong các khu rừng. Từ trong rừng sâu âm u, suốt ngày nghe vang tiếng gọi của các cô gái chăn cừu và tiếng những chiếc nhạc lanh canh.
Gần tối người ta đến những quãng rừng thưa, ở đấy có dựng lên một cái chuồng thấp và hai hay ba túp lều mái xám. Vừa vào miếng đất hẹp có hàng rào chung quanh là các con bò cái kêu lên vui vẻ, vì nhận ra bãi cỏ mùa hè của chúng; và thế là ăn ngay cái thứ cỏ mềm mại và ngon lành ấy. Người ta mang vào một túp lều các thứ đã chất trên chiếc xe, với nước và củi. Rồi chỉ một chốc là khói từ lò sưởi tỏa lên và các cô con gái, chú bé chăn bò và mấy người đàn ông đã ngồi ăn quanh một phiến đá bằng phẳng.
Gorgo, chim đại bàng tin chắc là sẽ tìm ra người nhạc công nhỏ nhắn trong cái đám người đi lên các nhà gỗ ấy. Nhưng thời giờ cứ trôi qua mà không thấy ông ta đâu cả. Sau khi đã lượn trên cả vùng, theo đủ mọi hướng, đêm xuống thì đại bàng đến một chiếc nhà gỗ hẻo lánh trên núi cao. Người và súc vật vừa mới đến đấy. Đàn ông thì hái củi, các cô gái ở các trại thì vắt sữa bò.
Gorgo nói: "Nhìn kìa! Mình chắc là ông ta đấy".
Nó hạ xuống rất thấp, và Nils, không khỏi ngạc nhiên phải công nhận là nó nói đúng. Quả thật, ông Klement Larsson nhỏ nhắn đang bổ củi phía trong hàng rào của chiếc nhà gỗ.
Gorgo đỗ xuống một cái cây hơi xa các túp lều một chút.
Nó nói: "Mình đã làm xong điều mình hứa. Giờ thì cậu cố mà thu xếp với con người đó đi. Mình chờ cậu ở đây, trên ngọn cây tùng rậm rạp này".
Trong chiếc nhà gỗ công việc ban ngày đã xong, bữa tối cũng đã ăn rồi, và người ta đang chuyện trò với nhau. Đã lâu lắm rồi người ta không được trải qua một đêm hè trong rừng, nên người ta chẳng muốn đi nằm chút nào. Vả lại trời cứ sáng như giữa ban ngày. Chốc chốc các cô gái để rơi đồ may vá xuống, nhìn ra phía rừng, và mỉm cười một mình.
"Chúng mình lại một lần nữa lên đây!" Họ vừa nói vừa thở ra khoan khoái. Cảnh nhộn nhịp của thôn xóm mờ dần trong trí họ và rừng bao phủ họ trong cảnh thanh bình sâu xa. Lúc ở nhà mà nghĩ rằng mình sẽ sống cả mùa hè một mình trong rừng, họ khó mà hiểu là làm thế nào mà chịu nổi cảnh hiu quạnh, nhưng mà vừa lên các nhà gỗ là họ đã cảm thấy rằng đây là thời gian sung sướng nhất trong đời họ.
Bỗng cô chăn cừu lớn nhất ngẩng đầu lên và vui vẻ nói:
- Tôi cho rằng tối hôm nay chúng ta không nên cứ ngồi im thế này, khi chúng ta có trong bọn ta một tay kể chuyện như Klement Larsson. Bác ta mà kể cho bà con một câu chuyện hay thì tôi sẽ biếu cái khăn quàng cổ đang đan đây.
Đề nghị đó được hoan hô, tán thành, và Klement không để người ta phải yêu cầu nhiều.
"Bấy giờ ở Stockholm, khi đang ở vườn Skansen thì một hôm tôi nhớ quê nhà", ông ta bắt đầu kể; và ông ta kể chuyện chú tumtê mà ông ta đã chuộc để cứu chú khỏi cảnh giam cầm, giật chú ra khỏi cảnh tủi nhục bị nhốt trong lồng cho tất cả những kẻ vô công rổi nghề đến ngắm. Rồi ông ta kể nghĩa cử của ông ta đã tức khắc được thưởng như thế nào. Mọi người theo dõi chuyện của ông ta kể với nỗi bàng hoàng, mỗi lúc một tăng; và khi đến chỗ người thị vệ đem cho ông ta cuốn sách của nhà vua tặng, thì các cô gái để rơi hết đồ khâu vá và nhìn sửng sốt kinh ngạc cái con người đã gặp được những việc lạ lùng đến thế. Tất cả mọi người liền kính nể Klement một cách khác hẳn: này nghĩ xem! Ông ta đã nói chuyện với quốc vương! Bỗng có ai hỏi là ông ta đã đem làm gì chú tumtê nọ.
Ông trả lời: "Tôi không có thì giờ tự mình đi mua một cái bát màu xanh. Nhưng tôi đã giao việc ấy cho ông lão Lapps. Sau đó rồi ra sao tôi chẳng biết gì nữa".
Klement vừa nói mấy lời đó thì một quả thông nhỏ liền bay đến đập vào đầu mũi ông ta. Chẳng có ai ném quả ấy cả.
Người đàn bà chăn bò nói: "Ấy, ấy, Klement! Người ta nói hình như "tộc đoàn những kẻ bé nhỏ" nghe hết những gì chúng ta nói. Đáng lẽ bác không nên giao cho một kẻ nào khác việc sắm cái bát màu xanh cho tumtê mới phải".

Mùa màng của rừng  [2]

Thứ sáu, 17 tháng sáu
Sáng hôm sau, đại bàng và Nils lên đường rất sớm và Gorgo tính rằng ngày hôm đó phải đi được rất xa trong tỉnh Västerbotten.[3]  Nhưng bỗng Nils quả quyết là trong một vùng như họ đang bay qua, thì người ta không thể nào sống nổi.
Cái vùng ở bên dưới chẳng là vùng nào khác miền nam tỉnh Medelpad, và có thể nói là ở đấy người ta chỉ thấy những rừng hoang không thể ở được. Nhưng mà đại bàng đã kêu to lên ngay:
"Họ chỉ có rừng thay đồng ruộng!"
Nils nghĩ đến cái khác nhau giữa những cánh đồng lúa mạch, bông lúa trĩu và mềm mại, mọc từ đất lên chỉ trong một mùa hè mà thôi, với những rừng bách âm u kia, thân cây cứng đờ, phải bao nhiêu năm mới già.
Chú nói: "Họ phải nhẫn nại, những ai muốn kiếm được cái để sống ở một cánh đồng như thế!"
Nils với đại bàng chẳng nói gì thêm trước khi đến một chỗ mà rừng đã được khai thác. Trên mặt đất chỉ còn lại vài gốc cây và những cành đã chặt, và Nils phàn nàn về vẻ xấu xí và nghèo khổ của những chốn này.
"Đây là một cánh đồng người ta đã cắt cỏ từ mùa đông vừa qua", đại bàng nói thế.
Nils như thấy lại trong trí người cắt cỏ ở quê mình; với những chiếc máy của họ, những đêm hè trời sáng chỉ nhoáng một cái là cắt xong một cánh đồng mênh mông. Rừng thì ngược lại, phải cắt trong mùa rét. Những thợ rừng đi làm giữa mùa đông, trong lúc một lớp tuyết dày đang phủ kín đất, và cái rét đang gay gắt nhất.
Hạ chỉ một cái cây thôi cũng đã là việc gian khổ, và muốn khai phá một khoảng rộng như vừa đi qua thì những người đó phải cắm lại trong rừng nhiều tuần lễ.
Nils thở dài và nói: "Người ta phải kiên nhẫn và cần cù đến đâu mới cắt được một cánh đồng như thế!"
Đại bàng vỗ cánh mấy cái, và họ nhìn thấy một cái nhà nhỏ ở bìa khu rừng thưa. Nhà làm bằng những khúc gỗ thông đẽo qua loa. Không có cửa sổ, mấy cành cây lung lay dùng làm cửa. Mới bằng cành và vỏ cây đã sập, và Nils nhìn thấy qua các lỗ thủng những phiến đá to ghép làm bếp, và hai cái ghế dài bằng gỗ.
  •  Cái nhà này là một túp lều tồi tàn, ai mà có thể nhẫn nhục ở đấy được?
- Những thợ rừng đã ở đấy.
Lần nữa, Nils nhớ lại những thợ gặt ở quê mình, công việc xong là trở về vui vẻ. Mẹ chú mời họ uống những thứ ngon nhất trong hầm rượu. Ở đây, làm xong công việc nặng nhọc, người ta lại phải ngủ trên những ghế gỗ cứng, trong một túp lều còn tệ hơn một nhà kho để lúa mới gặt. Và Nils tự hỏi không biết là họ ăn gì. "Mình rất lo là họ không được hưởng những ngày hội gặt hái".
Xa tí nữa, họ trông thấy một con đường thảm hại đi vào phía trong rừng. Hẹp và dốc đứng, toàn uốn lượn, toàn những đoạn ngoằn nghèo, lởm chởm đá và đầy những rãnh bánh xe do việc chuyên chở để lại. Ở nhiều chỗ, những dòng khe chảy băng qua đường.
Đang bay trên con đường rừng ấy, đại bàng nghe Nils nói:
-   Chẳng biết người ta có thể chở hàng gì trên một con đường như thế?
-   Chính qua con đường đó người ta mang về mùa màng của rừng, đại bàng đáp lại.
Lần nữa, Nils lại nhớ đến những ngày vui vẻ, khi mà người ta chở những gì gặt hái được về nhà, với những chiếc xe thắng những con ngựa khoẻ mạnh. Người đánh xe ngựa ngồi chễm chệ, chót vót trên đống lúa. Những con ngựa linh lợi đi, điệu bộ như công múa; và đám trẻ con được người ta cho leo lên trên các lượm lúa, tha hồ cười đùa, la hét, nửa phần khoái chí, nửa phần lo ngại. Ở đây, người ta chở những thân cây nặng trên những con đường cheo leo và gập ghềnh. Chắc là ngựa phải kiệt sức, thợ rừng thường không tránh khỏi nản lòng.
"Tôi rất lo là trên cái con đường đó, chẳng có gì vui", Nils nói vậy.
Đại bàng hùng dũng bay, và vài phút sau, các khách lữ hành đã ở trên một bờ sông, phủ đầy những vỏ bào, cành con và cỏ cây. Nils ngạc nhiên về cảnh hỗn độn ở đây.
Đại bàng nói: "Trên bờ này người ta đã đánh thành đống những gì gặt hái được".
Nils nhớ lại là ở quê nhà mình người ta thu xếp hạt lúa ở ngay cạnh nhà, như thể vật trang trí đẹp nhất của ngôi nhà. Ở đây người ta đem mùa màng đến một bờ sông hoang vắng, và bỏ lại đấy. Chú nghĩ: "Những người ở vùng hoang dã này có xuống đến bờ sông để đếm các đống của họ, và so sánh với các đống của láng giềng không?"
Một lát sau, họ đến gần con sông lớn Ljungen, nó đã tự đào ra một thung lũng rộng, và tức thì mọi thứ đều thay đổi hết.
Rừng bách âm u đã dừng lại trên sườn núi, phía trên thung lũng; dưới thấp một tí người ta thấy những cây bạch dương thân trắng và những cây hoàn diệp liễu. Thung lũng khá rộng để cho lòng sông lan ra thành nhiều chiếc hồ. Trên bờ, một cái làng đẹp rải ra những ấp trại trù phú và xây dựng chắc chắn.
Và lại lần nữa, đại bàng nghe người khách của mình nói.
-  Làm sao mà đồng lúa và bãi cỏ chung quanh có thể nuôi đủ dân đông đến thế này?
-  Chính đây là nơi thợ rừng cắt những cánh đồng của rừng xanh, đại bàng trả lời như vậy.
Chú bé lại nhớ đến những chiếc nhà thấp ở tỉnh Skâne, và những ấp nhỏ mà tất cả các tòa nhà đều quây quần quanh một cái sân. Ở đây thì nông dân ở những ngôi nhà như của chúa ấp, và chú lẩm bẩm một mình: "Rõ ràng có thể nói rằng làm lụng trong rừng lợi thật".
Đại bàng bay thẳng lên phía bắc. Nhưng mới được một đoạn đã nghe tiếng Nils hỏi người ta có thể dùng làm gì được những thân cây đánh đống trên bờ kia? Gorgo quay lại và bay sang phía đông, dọc theo dòng sông. Nó nói: "Ấy, con sông sẽ chở những thân cây và đưa về nhà máy".
Chú bé nhớ lại là ở quê mình người ta cẩn thận không bỏ mất một hạt lúa. Ở đây, những khối gỗ khổng lồ trôi nổi trên mặt nước mà chẳng một ai quan tâm đến cả. Theo chú nghĩ thì không thể nào mà già nửa số gỗ kia về tới đích được. Có những khúc xuôi ở giữa dòng thì mọi việc trôi chảy. Nhưng những khúc khác bị đẩy vào bờ, sẽ mắc cạn tại những vùng nước tù, ở các chỗ bờ sông lõm vào. Còn các mặt hồ thì toàn thể bị phủ kín dưới khối cây gỗ to lớn, có lẽ đã đứng yên ở đó trong một thời gian chẳng ai tính được. Nhiều thân cây bị kẹp chặt vào các đập ở các bến sông, lắm khi gãy luôn ở đấy. Ở các thác, đá chắn gỗ lại, và thế là họp thành những giàn giáo mênh mông và lung lay.
"Phải bao nhiêu lâu cái mùa màng này mới đến được cối xay?" Nils tự hỏi vậy.
Đại bàng tiếp tục bay từ từ, xuôi theo dòng sông Ljungen. Nhiều lần nó dừng lại, cánh dang ra, để cho Nils thấy người ta đã đem cái mùa màng ấy làm gì. Ít lâu sau, đại bàng và người khách của nó bay trên một đám người chở bè đang làm việc, và lại nghe thấy Nils lẩm bẩm:
"Những người đi ra xa bờ thế kia là những ai thế?
Chính họ phải lo đến cái phần mùa màng đã đi lạc lối đó".
Chú bé lại nghĩ đến những thợ gặt ở quê mình, đưa mùa màng về nhà bình yên hết sức, chẳng chút nguy hiểm gì. Ở đây, người ta nhảy trên những cây gỗ và dùng những cây liêm dài, kéo gỗ bắt trở lại giữa dòng nước thuận lợi. Vì bì bõm mãi dưới nước dọc bờ sông, họ ướt sũng từ đầu đến chân. Họ nhảy từ tảng đá này sang tảng khác rất xa, trên các dòng thác, nhưng họ cũng đi lại trên các đống gỗ trôi lung lay, mà yên lành chẳng khác gì đi trên đất liền. [4] "Nhìn họ, mình không thể không nghĩ đến những thợ sắt ở vùng các lò đúc thép cứ cầm lấy lửa như là một cái thứ hoàn toàn vô hại. Những người chở bè này đùa với sóng nước! Có thể nói là họ làm chủ sóng nước, và họ không có chút gì phải sợ cả, vì đã dứt khoát thuần hóa được sóng nước rồi!".
Đại bàng và Nils bay đến cửa sông, và vịnh Bothnia [4] mở rộng ra trước mặt. Nhưng Gorgo không bay tiếp theo đường thẳng, mà men theo bờ biển lên phía bắc. Các lữ khách trông thấy ngay ở bên dưới một nhà máy cưa, rộng bằng một thành phố nhỏ. Đang bay, đại bàng nghe Nils nói to lên rằng đây thật là một chốn đẹp tuyệt trần, Gorgo liền nói:
"Đây là nơi xay các thân cây! Người ta gọi nó là Svartvik".
Nils nghĩ đến các cối xay gió của quê mình, náu mình yên tĩnh giữa các cây xanh, và quay chậm chạp hết sức những cánh quạt to. Cái cối nghiến nát mùa màng của rừng này, nằm ngay trên bờ biển. Một khối thân cây đã được vun lại dưới nước. Với những xích sắt và một chiếc cầu nghiêng, người ta đẩy cây này đến cây khác vào một cái nhà xây có vẻ như một kho thóc rộng. Nils không thể thấy cái gì đang xảy ra lúc bấy giờ, nhưng nghe tiếng ầm ầm như sấm.
Phía bên kia cái nhà xây, chú nhìn thấy rõ những xe goòng nhỏ chở đầy ván. Goòng chạy trên những đường ray bóng loáng cho đến công trường; ở đấy ván chất lên thành chồng, xếp thành dãy dài, hợp thành những đường phố thực sự, khác nào những ngôi nhà của một thành phố.
[4] Vịnh Bothnia là phần phía bắc của biển Baltic, nằm giữa lãnh thổ hai nước Thụy Điển và Phần Lan.
Ở đây người ta chồng những ván mới, ở kia người ta dỡ những chồng cũ, và chất ván xuống những tàu lớn đang thả neo đợi hàng.
Khắp nơi, công nhân đông đúc và nhộn nhịp; nhà họ ở trong rừng, phía sau công trường.
Nils lẩm bẩm; "Ở cái rẻo đất này người ta làm việc như là phải cưa xẻ hết cây của tất cả các rừng trong tỉnh Medelpad!"
Đại bàng vỗ cánh nhè nhẹ, và Nils lại thấy ngay một nhà máy cưa nữa, gần giống như cái trước. Người ta cũng trông thấy ở đấy một cái nhà đặt máy cưa, một công trường, một bến bốc dỡ hàng, và những nhà ở của công nhân.
Đại bàng kêu lên: ‘‘Đấy, một máy xay lớn nữa! Kukikenborg đấy!’’
  •  Tôi thấy những người gặt hái đã đem từ rừng về mùa màng nhiều hơn tôi tưởng tượng! Nils nói vậy.
Đại bàng lại vỗ cánh. Nó bay qua hai nhà máy cưa nữa, và sau cùng thì bay trên một thành phố lớn, và khi nghe người khách của nó hỏi tên thành phố thì nó nói to:
"Cái trại chính của vùng thả gỗ trôi sông đấy!"
Nils Holgersson nghĩ đến những thành phố ở tỉnh Skâne, xám xịt thế, cũ kỹ thế, nghiêm túc thế!
Ở đây, trên miền cực Bắc, thành phố Sundsvall hiện ra ở bờ lõm của một cái vũng, với tất cả vẻ rực rỡ của tuổi xuân xanh, vui vẻ. Thành phố này nhìn từ cao xuống thật đặc biệt thú vị, vì người ta thấy ở chính giữa nhiều công trình kiến trúc bằng đá lộng lẫy, chỉ ở Stockholm mới đẹp như thế mà thôi. Quanh những nhà xây đá, thấy một quãng trống, mà bao quanh là những nhà nhỏ bằng gỗ, xinh xắn, ẩn ở tận cùng những vườn tược, nhưng hình như hiểu rõ rằng mình không thể bằng cách nào sánh kịp những nhà xây đá, và vì thế mà không dám đánh liều đến gần các nhà ấy.
Nils nhận xét: "Đấy là một thành phố vừa giàu có vừa cường thịnh! Liệu đất rừng nghèo nàn lại có thể làm sinh ra tất cả cái cảnh lộng lẫy này được chăng?"
Đại bàng vỗ cánh và bay qua đảo Aln ở phía trước Sundsvall. Và chú bé, chưa hết ngạc nhiên này đã đến ngạc nhiên khác, khi trông thấy nhiều nhà máy cưa mọc kín bờ hòn đảo. Các nhà máy chen chúc nhau và phía trước mặt, trên lục địa, nhà máy cưa và công trường cũng xếp thành hàng dài liên tục, Nils Holgersson đếm đến bốn mươi cái, nhưng nghĩ là chắc còn nhiều hơn nữa.
"Quang cảnh vùng này quả thật lạ lùng! Mình chưa trông thấy ở đâu có đời sống như thế này, và cảnh nhộn nhịp như thế này, trong suốt cả chuyến đi của mình! Tuyệt vời thay đất nước của mình! Bất kỳ ở đâu, mình cũng thấy những cách nuôi sống được con người." [5]
Chú thích:
[1]  Trong nguyên tác là "Một ngày ở tỉnh Hälsingland."
[2] Trong nguyên tác: "Ở tỉnh Medelpad".
[3] Từ tỉnh Hälsingland lên phía bắc thì phải qua các tỉnh Medelpad, rồi Ângermanland, sau cùng mới đến tỉnh Västerbotten
[4] Ngày trước gỗ rừng Thụy Điển khai thác được đều thả trôi trên các dòng sông về nhà máy hay bến tàu để xuất khẩu. Ngày nay hoàn toàn chở bằng ôtô và xe lửa.
[5] Rừng là nguồn lợi rất lớn của Thụy Điển, phủ khoảng 78% diện tích toàn quốc, cho người nước này xuất khẩu một phần tư bột giấy, một phần bảy giấy và một phần tám gỗ xẻ của toàn thế giới.