Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 40
Cái trại nhỏ

     hứ năm, 6 tháng mười
Ngày hôm sau, trong một lúc dừng cánh nghỉ, nhân khi Akka vừa ăn cỏ vừa đi hơi xa các con ngỗng khác, Nils mới hỏi xem cái chuyện mà Bataki đã kể cho cậu nghe là có đúng không. Akka không thể bảo là không. Chú bé liền bắt ngỗng già hứa là sẽ không để cho ngỗng đực trắng ngờ chút nào là có cái điều bí mật ấy. Dũng cảm và độ lượng như thế, nó sẽ có thể hành động mà không cần xin lời khuyên bảo của một ai hết.
Sau câu chuyện đó, Nils cứ im lặng ngồi trên lưng ngỗng đực, mặt mày nhăn nhó chẳng muốn quan tâm đến bất cứ cái gì. Chú nghe các ngỗng mái kêu bảo các ngỗng con rằng đàn đang bay vào tỉnh Dalarna và có thể nhìn thấy rõ núi Stadjan. [1]
Nils lầu bầu: "Chắc là mình sẽ phải đi theo đàn ngỗng suốt đời, nên sẽ có thì giờ nhìn xem đất nước này kỹ hơn là mình muốn".
Chú chẳng quan tâm gì hơn khi đàn ngỗng kêu là đã sang tỉnh Värmland [2] và dòng sông mà đàn bay theo về phía nam là sông Klarälv.
"Mình đã trông thấy bao nhiêu là sông, đủ lắm rồi" chú nói.
Vả lại, dù chú có tò mò đi nữa thì cũng chẳng tìm thấy cái gì lắm mà xem, vì miền bắc tỉnh Värmland chỉ toàn những rừng mênh mông đơn điệu, sông Klarälv uốn khúc chảy qua, lòng hẹp và nhan nhản những thác. Đây đó có một đống than, một đám đất mới vỡ hay vài cái nhà thấp của người Phần Lan [3] không có ống khói. Cảnh rừng mênh mông có thể làm người ta tưởng là đang ở xứ Lapland.
Đàn ngỗng trời bay theo sông Klarälv cho đến nhà máy lớn ở Munk-fors, rồi rẽ sang hướng tây, chưa đến kịp hồ Fryken thì trời đã tối; đàn liền hạ xuống giữa một đầm lầy rộng ở trên mặt một cao nguyên. Tất nhiên đó là một chỗ tốt cho đàn ngỗng, nhưng mà chú bé thì lại muốn tìm được chỗ nào tốt hơn cho mình cơ. Trong khi đang ở trên không, chú có trông thấy vài cái nhà dưới chân cao nguyên, chú quả quyết tìm đến đấy.
Đường dài hơn chú tưởng. Nhưng cuối cùng rừng cũng thưa bớt, và chú ra đến một con đường cái. Xa một tí có một lối đi rất đẹp, hai bên trồng bạch dương, dẫn từ đường cái đến một cái trại, và Nils mạnh dạn đi vào đấy.
Trước tiên chú đến một cái sân sau, rộng như cái chợ của một thành phố nhỏ, chung quanh là những nhà dài, thấp, màu đỏ. Qua hết sân ấy, chú lại thấy một sân thứ hai; ở đấy là nhà chủ, có một cái chái bên, và trước mặt là cái bãi trồng cỏ dày rất rộng, đằng sau là một khu vườn um tùm. Chính phần nhà ở cũng nhỏ và giản dị, nhưng cái sân thì có những cây thanh lương trà khổng lồ trồng thành vòng tròn bao quanh, trồng khít đến nỗi như họp thành những bức tường cao. Vòm trời nóng như một cái trần nhà màu xanh lơ bàng bạc, những cây thanh lương trà thì màu vàng mang những chùm trái đỏ đẹp. Bãi cỏ phải còn xanh, nhưng mà đêm hôm ấy sáng trăng đẹp tuyệt trần, nên trông như màu trắng tráng bạc.[4]
Không một bóng người nào hiện ra, và Nils có thể tha hồ đi khắp cái trại. Vào trong vườn, chú trông thấy một vật làm cho chú gần như vui lên. Chú đã leo lên một cây thanh lương trà để ăn quả, thì lại trông thấy những chùm trái đỏ của một cây phúc bồn. Chú buông mình tụt xuống theo thân cây. Nhìn chung quanh chú để ý thấy là khu vườn trồng đầy những cây dâu, những cây phúc bồn đỏ và đen, những cây phúc bồn trái to màu lục hay phơn phớt đỏ, khi còn xanh thường dùng để làm nước
xốt ăn với cá biển. Ở đây, trong vườn rau, có củ cải và su hào; cái cây nào cũng có hạt, cọng cỏ nào cũng có đòng. Và kia, ở giữa lối đi, chú không trông lầm, một quả táo to, ngon lành, lóng lánh dưới ánh trăng.
Nils ngồi xuống mép bãi cỏ, quả táo to để trước mặt, lấy dao bổ ra từng miếng.
Chú nói: "Kể ra làm gia thần cũng chẳng gian khổ gì cho lắm, nếu ở đâu cũng có thể nuôi thân được dễ dàng như thế này!".
Bỗng chú nghe một tiếng run rẩy khe khẽ, phía trên đầu, và gần cùng một lúc trông thấy ở trước mặt, trên lối đi, một vật gì giống như một gốc cây bạch dương nhỏ. Gốc cây quằn quại, và ở trên chóp có hai điểm sáng, ánh rực lên như hai cục than hồng. Chỉ một lát, Nils nhận thấy là gốc cây lại có một cái mỏ khoằm, và đôi mắt đỏ rực viền những vòng lông vũ chung quanh. Thế là chú bình tĩnh ngay lại.
Chú nói: "Dù sao cũng thật thú vị là được gặp một sinh linh! Bà cú này, có lẽ bà có thể cho ta biết cái trại này tên là gì, và ai ở đây chứ".
Tối hôm ấy cũng như mọi tối, con cú đậu trên một nấc của cái thang dài để tựa vào mái nhà; đứng đó nó thị sát các lối đi và bãi cỏ, để tìm chuột đồng. Nó rất ngạc nhiên vì chẳng thấy một bộ da xám nào dẫn xác đến cả. Nhưng lại trông thấy một vật gì như thể một con người bé tí tẹo.
Nó tự nhủ: "Đó, chính là cái đã làm cho bọn chuột sợ đó. Chẳng biết nó là cái gì nhỉ? Chẳng phải một con sóc, cũng chẳng phải một con mèo con, cũng chẳng phải một con cầy mình dài; một con chim đã ở một cái nhà khá giả lâu năm như thế này thì phải biết tất cả mọi thứ ở đời, nhưng mà cái này thì thật quá sức hiểu biết của mình rồi".
Nó cứ nhìn chằm chằm vào cái sinh vật kỳ dị đang cựa quậy trên mặt đất, đến nỗi hai mắt nó cứ như phóng ra những ngọn lửa. Sau cùng tính tò mò mạnh hơn sự khôn ngoan, thế là nó lần xuống xem đó là cái gì.
Trong khi chú bé nói thì nó cúi mình ra phía trước để thẩm sát chú cho kỹ hơn.
"Nó chẳng có vuốt, cũng chẳng có gai, nhưng ai có thể bảo cho mình biết là nó chẳng có một chiếc lao tẩm thuốc độc hay một vũ khí nào khác còn nguy hiểm gấp bội? Mình nên giữ thế thủ thì hơn", nó nghĩ thế, rồi nói:
-   Trại này gọi là Mârbacka [5] và trước đây có những kẻ khá giả ở. Nhưng mà đằng ấy là ai vậy?
-   Mình nghĩ là sẽ đến ở đây, chú bé nói mà không trả lời câu hỏi của con cú.
- Nay trại này chẳng ăn thua gì so với ngày trước nhưng bao giờ người ta cũng có thể kiếm cách sống ở đây được, con cú nói. Cái chính là tùy vào cách sống mà đằng ấy muốn, và những thức mà đằng ấy ăn. Đằng ấy có định trông cậy vào việc săn bắt chuột đồng không?
- Lạy chúa tha cho ta việc ấy, chú bé nói. Có nhiều mối nguy cho ta là chuột sẽ vồ ta mất. Còn ta thì tất nhiên là chẳng thể làm gì hại cho chúng lắm.
"Không thể nào mà nó lại hiền lành đến thế. Nó muốn làm cho mình tưởng lầm đấy. Cứ thử xem sao", con cú tự nhủ như vậy.
Tức thì nó bay lên không, rồi bổ nhào xuống người Nils Holgersson, và đâm những vuốt của nó vào hai vai chú bé, lấy mỏ tìm cách chọc mù hai mắt chú. Nils một cánh tay đưa lên che mặt, cánh tay kia cố gỡ mình ra, vừa gỡ vừa đem hết sức kêu cứu. Chú hiểu rằng chú đang gặp nguy, có thể chết được.
Đúng cái năm mà Nils Holgersson cùng đi với đàn ngỗng trời, thì có một người không lúc nào là không nghĩ đến một cuốn sách muốn viết về nước Thụy Điển, một cuốn sách tập đọc cho trẻ em các trường. Người ấy đã nghĩ từ lễ Giáng Sinh cho đến mùa thu năm sau, nhưng mà chưa viết được một dòng, và cuối cùng chán quá, đến nỗi tự nhủ rằng:
"Không thể nào viết nổi đâu. Hãy ngồi vào bàn giấy viết những truyện hoang đường và những truyện dã sử như thường quen viết, và để cho người khác cái việc viết một cuốn sách thực sự nghiêm túc, và mô phạm, và nhất là chẳng chữ nào mà không đúng với sự thật!"
Và gần như dứt khoát là bà ta sẽ bỏ cái việc ấy đi, dù rất tiếc, vì bà ta vẫn rất muốn viết những điều tốt đẹp về nước Thụy Điển. Có lúc bà ta nghĩ rằng có lẽ sự bất lực của mình là do mình ở trong một thành phố, và chỉ trông thấy chung quanh những đường phố và những tường nhà. Giá bà ta về ở thôn quê để trông thấy những rừng cây và những cánh đồng, thì có thể là công việc sẽ tiến hành tốt hơn.
Bà ta người tỉnh Värmland, và đã có ý định dứt khoát là cuốn sách của mình bắt đầu từ tỉnh này, và trước tiên là tà nơi bà ta đã lớn lên. Đó là một cái trại nhỏ tí, khá hẻo lánh so với thế gian, và ở đó người ta còn giữ lại nhiều phong tục và tập quán ngày xưa. Trẻ em có lẽ sẽ thích nghe kể lại bao nhiêu công kia việc nọ cứ tiếp theo nhau ở đấy, từ đầu năm cho tới cuối năm, trong thời thơ ấu của bà ta. Bà muốn tà cho chúng biết là người ta đã ăn mừng các ngày lễ ở đấy như thế nào: lễ Giáng Sinh, ngày đầu năm, lễ Phục Sinh, lễ Thánh Gioan; [6] là nhà bếp, các kho đồ vật dự trữ, chuồng bò và chuồng ngựa và khu nhà tắm bố trí như thế nào. Bà ta nhớ lại tất cả những cái ấy rõ ràng như là còn ở trong trại. Nhưng mà nếu bà ta phải dọn về thôn quê thì tại sao lại không về thăm ngôi nhà cũ này một lần nữa trước khi viết sách? Bà ta thôi không ở đấy đã nhiều năm rồi, và rất vui lòng kiếm lấy một cái cớ để về thăm lại nhà. Trong thâm tâm, dù ở đâu trên thế gian này bà ta cũng vẫn nhớ thương cái mảnh đất ấy. Bà ta đã trông thấy biết bao nhiêu nơi khác đẹp hơn, nhưng chẳng ở chốn nào bà ta tìm lại được cái cảnh bình yên và an lạc đã hưởng trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình.
Tuy vậy, trở lại đấy chẳng phải dễ như người ta có thể tưởng, bởi vì cái trại đã bán mất cho những người mà bà ta không quen
biết rồi [8] Chắc bà ta cũng nghĩ là sẽ được họ tiếp đón niềm nở, nhưng bà ta không thể chịu được cái cảnh đến đấy như một kẻ xa lạ, và bắt buộc phải chuyện trò với những người không quen biết ấy. Vì vậy bà ta nghĩ ra cách đến đấy vào một buổi tối, khi mà tất cả mọi người đã xong xuôi công việc và đều ở cả trong nhà.
Bà ta đã không thể ngờ rằng trở lại nhà cũ mà cái cảm giác lại lạ lùng đến như vậy. Trong khi chiếc xe đưa bà ta về phía ngôi nhà cổ, thì cứ mỗi lúc bà ta lại thấy trẻ lại; chẳng mấy chốc bà ta không còn là một bà già tóc đã hoa râm nữa [7] mà là một cô bé con mặc váy ngắn, sau lưng bỏ thõng một chiếc đuôi sam dài, vàng như sợi lanh. Trong khi nhận ra từng ngôi nhà một dọc con đường cái, thì bà ta không thể nào chấp nhận được rằng ở đằng kia, nơi nhà bà ta, mọi thứ lại đều không phải như xưa nữa. Cha, mẹ, các anh và các chị đang chờ bà ta trước tam cấp, bà quản gia già chạy ra cửa sổ nhà bếp để nhìn bà ta, Nero và Freja cùng với hai hay ba con chó khác nữa, lao ra và nhảy nhót quanh bà ta.
Càng đến gần, bà ta càng thấy hân hoan. Giờ đang là mùa thu, và thế là sắp bắt đầu một thời kỳ đầy những công kia việc nọ; nhưng chính nhờ không biết bao nhiêu những công việc ấy mà người ta không bao giờ thấy buồn. Dọc đường bà ta đã trông thấy thiên hạ đang dỡ khoai tây; chắc là ở trại bà ta cũng thế. Như vậy công việc đầu tiên đang chờ bà ta là xắt khoai để làm bột múc. Mùa thu này tiết trời rất dịu. Bà ta tự hỏi là nhà đã thu hoạch hết mọi thứ trong vườn chưa. Bắp cải có lẽ là chưa cắt. Và hoa bublông không biết đã nhặt chưa? Táo tây không biết đã hái chưa?
Có lẽ cả cái cảnh xôn xao khi quét dọn nhà cửa trước phiên chợ mùa thu cũng là một ngày hội chăng, nhất là đối với đám kẻ ăn người ở. Thú biết mấy, hôm trước phiên chợ mà vào trong bếp và trông thấy sân nhà rắc đầy lá đỗ tùng thái nhỏ [9] các tường quét lại vôi trắng và đồ đồng sáng loáng xếp trên các đầu tường sát trần nhà!
Nhưng hết phiên chợ cũng sẽ chẳng được nghỉ ngơi gì đâu. Lại phải bắt tay vào đập sợi lanh; trong tiết đại thử [10] người ta đã rải lanh ra để ngâm trên một cánh đồng.
Sau đó người ta cho vào cái thùng hấp cũ để đồ lên, và người ta đã đun sẵn cái lò to để hong tiếp. Khi lanh đã đủ khô rồi thì một hôm nào đó, người ta tập hợp tất cả đàn bà hàng xóm lại. Họ tề tựu cả ngoài sân, trước cái thùng hấp và cùng nhau đập lanh. Rồi họ lại cán, để tách những sợi mịn và trắng ra từ các thân cây lanh. Khắp người họ trắng lốp những bụi, nhưng mà nguồn vui không dứt và chuyện trò nổ ra như pháo ran chung quanh cái thùng hấp.
Làm lanh xong, lại phải lo đến việc làm bánh mì khô để dành mùa đông, việc cắt lông cừu và thay kẻ ăn người làm. Sang tháng mười một lại đến những ngày khó nhọc ngả bò lợn làm thức ăn dự trữ: nhồi xúc xích hấp xúc xích xông [11] kho thịt lợn, vân vân, và sau cùng là đúc nến.[12] Người đàn bà khâu thuê đến may áo với vải dệt trong nhà, là bao giờ người ta cũng được hai tuần lễ thích thú, mà tất cả mọi người đều tụ họp lại để may vá. Đồng thời người thợ giày đến đóng giày dép cho cả nhà, cũng làm việc trong gian phòng của những người tớ trai; người ta nhìn không chán ông phó cắt da, đặt đế và khâu giày.
Nhưng vội vàng tất bật nhất là vào cữ Giáng Sinh: hôm lễ Nữ Thánh Lucia [13] người gái hầu buồng, mặc áo trắng, đầu đội một vòng lá xanh cắm những cây nến, đem cà phê buổi sáng đến cho mọi người, đánh thức họ dậy lúc năm giờ sáng; và thế là bắt đầu hai tuần lễ sửa soạn, chẳng một ai còn có thể mong được ngủ đẫy giấc nữa. Vì phải ngâm đại mạch cho mọc mộng để cất bia uống Giáng Sinh, phải nướng bánh mì và làm các thứ bánh ngọt ăn Giáng Sinh, phải quét dọn nhà cửa để mừng Giáng Sinh.
Nghĩ đến đấy người lữ khách đã thấy mình bị vây giữa những chiếc bánh ngọt sắp được đưa vào lò và những con dê Giáng Sinh nặn bằng bột lõa mạch nhào mật thì người xà ích hãm ngựa lại ở đầu lối đi trồng bạch dương, như khách đã dặn.
Khách giật nẩy mình, và bỗng nhiên tỉnh mộng. Đêm đã khuya rồi mà lại thấy mình cô đơn, sau khi vừa mơ màng thấy được quây quần với tất cả những người thân thích, thì quả thật là thê thảm. Xuống xe đi bộ vào ngôi nhà cũ của mình, người lữ khách bàng hoàng vì cảnh khác nhau quá giữa ngày trước với ngày nay, đến nỗi những muốn quay gót trở lại. Khách tự nhủ: "Hay gì mà trở về đây? Chẳng còn gì có thể như xưa được nữa rồi".
Nhưng mà đã đến đây thì dù sao cũng có thể thăm lại cái trại cũ, nên bà ta cứ đi tiếp, dù mỗi bước lại một buồn thêm.
Bà ta có nghe nói là cái trại đã tả tơi lắm, quả thế thật. Nhưng mà về đêm trông thấy gì đâu: với bà ta hình như mọi thứ đều như ngày xưa cả. Kia cái ao: thuở niên thiếu của bà ta ao đầy cá vàng mà chẳng một ai dám câu, thân phụ bà ta muốn mọi người để yên cho cá. Trước nhà ở, cái sân vẫn trông như một gian phòng kín, chẳng mở lối thông ra bất cứ phía nào, cũng như thuở trước mà thân phụ bà ta chẳng thể quyết định chặt đi một bụi cây mọn nào.
Bà ta dừng lại dưới bóng cây phong to, cạnh cổng sắt ra vào, nhìn tất cả mọi vật. Và thế là, lạ lùng thay, một đàn bồ câu bay đến đỗ xuống quanh bà.
Bà ta gần như không thể tin rằng đó là những con chim thật, vì bồ câu thì sau khi mặt trời lặn là không còn cử động được nữa. Chắc là sáng trăng đẹp đã đánh thức chim dậy. Tưởng trời đã sáng, chim liền rời chuồng, và thấy bị choáng váng, nên trông thấy một con người là đã bay cả đến như thể tìm cách trấn tĩnh lại.
Thật ra thì thời còn song thân bà ta, nhà có cả đàn bồ câu lớn; và bồ câu ở trong số các vật, mà thân phụ bà ta vẫn bảo hộ một cách đặc biệt. Người rất cáu khi nghe ai nói đến việc giết một con bồ câu. Bà ta lấy làm sung sướng được những con chim xinh đẹp ấy đón tiếp như thế này, trong ngôi nhà cũ của bà ta. Có ai nói cho bà ta biết rằng đàn bồ câu đã bay ra giữa đêm khuya là vì bà ta, để tỏ cho bà ta biết là chim nhớ rằng xưa kia đã tìm được ở đây một nơi trú ngụ tốt? Hay có thể như thế là thân phụ bà ta đã gửi đến cho con một dấu hiệu nhỏ, để bà ta khỏi cảm thấy buồn rầu và khổ não khi thấy lại cái trại cũ của mình?
Nghĩ đến đấy, lòng nhớ thương, tiếc nuối những thời xưa làm bà ta rơm rớm nước mắt. Cuộc đời đã sống trong ngôi nhà cũ kỹ này thật là thích thú. Người ta đã phải làm lụng hàng tuần, nhưng người ta cũng đã có những lễ lạc, hội hè; người ta đã làm việc khó nhọc ban ngày, nhưng tối đến người ta tề tựu quanh ngọn đèn để đọc Tegner và Runeberg,[14] bà Lenngren và Fredrika Bremer. Người ta đã trồng lúa mì, nhưng cũng trồng hoa hồng và hoa mạt lê;[15] người ta đã kéo sợi lanh, nhưng những bài hát dân gian hòa vào tiếng xa quay. Người ta đã học ngày học đêm ngữ pháp và lịch sử, nhưng người ta cũng đã đóng kịch và làm thơ; người ta đã bị bỏng với cái lò khi làm bếp, nhưng người ta cũng đã học thổi sáo, gảy ghi-ta, kéo vĩ cầm, đánh cương cầm [16]  và dương cầm. Người ta đã trồng bắp cải, su hào, đậu Hòa Lan và côve, côbo trong vườn rau đằng sau nhà, nhưng người ta cũng đã có một cái vườn khác toàn những lê táo và đủ mọi thứ trái cây. Người ta đã sống cô độc, nhưng vì thế mà người ta đã có trí nhớ đầy những truyện hoang đường và truyện truyền văn.[17]  Người ta đã mặc những quần áo dệt ở nhà, nhưng người ta đã có thể sống độc lập và vô tư lự.
"Chẳng một nơi nào trong thế gian này mà người ta đã biết sống một cuộc đời êm ái, dịu dàng như những gia trạch bé nhỏ của các trang chủ thời tho ấu của mình vậy, bà ta nghĩ thế. Ở đấy làm việc và vui chơi có chừng mực, và ngày nào cũng là hoan lạc.[18]  Mình muốn trở về đấy quá chừng! Từ lúc thấy lại nhà cũ, lòng nặng chề chề, chẳng muốn ròi chân nữa".
Rồi quay lại đám bồ câu bà ta nói: "Chim có muốn đến nói với thân phụ ta rằng ta nhớ thương nhà cũ quá không? Ta đã phải phiêu bạt hết nơi này đến nơi nọ khá lâu rồi. Hỏi người xem có thể làm thế nào cho ta nay mai trở lại ngôi nhà thời thơ ấu của ta được không".
Bà ta vừa nói xong mấy lời thì cả đàn bồ câu cất mình lên không và bay đi. Bà ta cố nhìn theo, nhưng chim biến mất rất nhanh. Có thể nói là tất cả đàn chim trong trẻo đã tan thành hơi trong không trung lấp lánh.
Đúng lúc đàn bồ câu vừa bay đi thì bà ta nghe thấy những tiếng kêu cao và sắc ở trong vườn. Bà ta chạy lại và trông thấy một cảnh quái lạ: một con người bé tí, chẳng cao hơn gang tay là mấy, đang cố sức chống lại một con cú. Thoạt tiên nỗi kinh hoàng làm bà ta đứng sững đấy, nhưng mà tiếng kêu của bé Tí 
Hon mỗi lúc một thêm thảm thiết, bà ta bèn can thiệp và chia rẽ hai đấu thủ ra. Con cú bay lên một ngọn cây, nhưng con người bé nhỏ thì cứ đứng trước mặt bà ta.
Nó nói: - Cảm ơn bà đã cứu cháu. Nhưng đáng lẽ bà đừng để cho con cú thoát đi thì hơn, vì bây giờ nó đang rình cháu trên cành cây kia kìa, và không cho cháu đi khỏi đây.
-   Đúng là ta đã không nghĩ ra, khi để cho nó bay đi, bà ta thú nhận như vậy. Nhưng mà ta không thể đưa cậu về tận nơi cậu ở hay sao?
Dù đã rất quen viết những truyện thần tiên, bà ta vẫn không ít ngạc nhiên vì được chuyện trò như thế này với một gia thần. Nhưng có lẽ bà ta không ngạc nhiên đến như người ta tưởng, vì chẳng phải là đi lại dưới ánh trăng trên những con đường trong cái trại cũ của mình, bà ta đã chờ mong suốt buổi, một cuộc phiêu lưu lạ lùng nào đó ư?
-   Vì rằng cháu có ý định ở lại suốt đêm nay tại đây, con người bé nhỏ nói. Nếu bà có thể chỉ cho cháu một chỗ ẩn chắc chắn đêm nay thì đến trời sáng cháu mới trở về rừng.
-   Chỉ cho cậu một chỗ ẩn à? Vậy ra không phải cậu ở đây?
-   Cháu biết rằng bà tưởng cháu là gia thần, con người bé nhỏ nói, nhưng cháu là người, cũng như bà vậy; có điều cháu đã bị biến thành gia thần.
-  Thật là việc quái dị nhất xưa nay ta chưa từng nghe thấy. Cậu có muốn kể lại cho ta biết việc đã xảy ra cho cậu như thế nào được không?
Chú bé cũng chẳng phiền lòng gì khi kể lại cho một người nào đấy những cuộc phiêu lưu của mình. Chú càng kể, người nghe càng kinh ngạc, càng thán phục, và càng thích thú.
Bà ta tự nhủ: "Duyên may quả thật lạ lùng, dun dủi cho mình được gặp một kẻ đã chu du suốt đất nước Thụy Điển trên lưng một con ngỗng! Mình chỉ cần viết lại chuyện cậu ta là thành cuốn sách đã làm mình lo nghĩ đến thế. Mình trở về nhà thật là phải! Ngay vừa tới nơi đã được giúp đỡ thế này rồi".
Chính lúc ấy bà ta nảy ra một ý nghĩ mà không dám nói hẳn thành lời. Bà ta đã gửi nhờ đàn bồ câu một cái tin đến thân phụ mình, nhắn người rằng bà ta đang nhớ thương nhà cũ, và chỉ lát sau là bà ta đã thấy mình được giúp đỡ trong cái việc đã làm bà ta lo nghĩ biết ngần nào. Đó có phải là câu trả lời của thân phụ cho cái điều mà bà ta đã cầu xin chăng? [19]
Chú thích :
[1] Núi Stadjan ở phía tây - bắc tỉnh Dalarna, cao 1131 mét.
[2] Tỉnh Värmland ở phía tây-nam tỉnh Dalarna và phía tây tỉnh Västmanland, là quê hương của tác giả, có sông Klarălv chảy qua và đổ vào hồ Venern.
[3]Người Phần Lan ở Thụy Điển họp thành một tộc thiểu số, cư trú trong các miền rừng núi.
[4] Tác giả tả chính cái trại của gia đình mình, nơi mình ra đài và sống trong thời thơ ấu.
[5] Mârbacka là tên cái trại của gia đình Selma Lagerlưí. Kỷ niệm thời thơ ấu ở trại ấy, sau về già tác giả có viết lại thành cuốn hồi ký Mârbacka.
[6] Lễ Phục Sinh của đạo Cơ Đốc kỷ niệm ngày chúa Giêsu sống lại sau khi bị hành hình, hàng năm xê dịch từ ngày 22 tháng ba đến ngày 25 tháng tư. Lễ Thánh Gioan kỷ niệm vị thánh đã rửa tội cho Chúa Giêsu, hàng năm cử hành vào ngày 24 tháng sáu.
[7] Trại Mârbacka của gia đình tác giả, vì nghèo túng, chị của Selma đã bán cho người ta từ năm 1885 lúc em còn đi học, đến khi viết truyện này thì đã ngoài hai mươi năm rồi. Lòng nhớ thương nhà cũ mà Selma tả ở đây là rất chân thực.
[8] Năm viết truyện này Selma Lagerlưí đã bốn mươi tám tuổi
[9] Lá đỗ tùng thái nhỏ rắc xuống sàn nhà để cho thơm, đuổi mùi ẩm thấp trong những ngày thu ưót át.
[10]Tiết đại thử ở vùng ôn đới là từ 22 tháng bảy đến 23 tháng tám.
[11] Loại xúc xích to có bỏ nhiều gia vị.
[12] Nến là vật tiêu biểu nhất của lễ Giáng Sinh đối với người Thụy Điển, trước ngày lễ độ một tháng người ta đã giết bò lấy mỡ, rồi nấu cho chảy ra để đúc nến ở mỗi nhà.
[13] Nữ Thánh Lucia tuẫn đạo năm 304, là Thánh bảo trợ những người thợ may, lễ vào ngày 13 tháng chạp.
[14] J.L. Runeberg (1804-1877) nhà tho Phần Lan, và E. Tegner (1788­1846) nhà tho Thụy Điển, đều là tác giả của nhiều tho trữ tình và ái quốc nổi tiếng.
[15]  Mạt lê là một thứ hoa rất thơm, như hoa nhài.
[16] Cương cầm là kiểu dương cầm cổ, tiếng nhỏ.
[17] Truyện truyền văn là truyện nghe người ta kể miệng.
[19] Selma Lagerlưí đã tả lại đài sống thật của mình trong thiếu thời, ở trại Mârbacka ngày trước, một cách rất trữ tình.
[18] Bà cầu xin thân phụ có cách gì giúp bà được trở về nhà cũ. Cuốn truyện về Nils bà viết xong năm ấy, thì được giải nhất do chính phủ Thụy Điển tặng; năm sau bà được trường đại học Uppsala, lớn nhất nước Thụy Điển phong học hàm tiến sĩ; hai năm sau được viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel văn chương; tiền các giải thưởng ấy cho phép bà thực hiện ưóc mong nhiệt thành nhất của bà: chuộc lại trại Mảrbacka đã bán cho người ta từ một phần tư thế kỷ.