Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 36
Âsa, cô bé chăn ngỗng, và bé Mats

Bệnh hiển nghèo

     ái năm mà Nils Holgersson đi theo đàn ngỗng, người ta nói nhiều về hai đứa trẻ, một trai, một gái, đã đi qua suốt đất nước để tìm cha. Hai chị em quê tỉnh Smäland, huyện Sonnerbo; ở đấy với bố mẹ và bốn anh chị em trong một chiếc nhà nhỏ ven cái truông mênh mông. Thuở hai chị em còn bé, buổi tối kia một người đàn bà lang thang, nghèo khổ đã đến gõ cửa nhà họ và xin ngủ nhờ. Dù là nhà quá nhỏ và đã chật hết, người mẹ vẫn thu xếp cho một chỗ nằm dưới đất. Cả đêm, người đàn bà ho như sắp chết, và sáng ra thì ốm nặng quá, không thể lên đường đi tiếp được.
Đối với người đàn bà kia, bố mẹ mấy đứa trẻ tốt hết sức. Họ nhường giường nằm của chính họ, và người bố đã đến tận hiệu dược sĩ để mua thuốc cho. Những ngày đầu, người ốm rất khó tính và vô ơn, nhưng dần dần cũng dịu đi, không ngớt khẩn cầu người ta đem mình ra ngoài truông thạch thảo và để cho mình chết. Người ấy kể lại mình đã sống lang thang với những người digan [1] Chính mình không phải nguồn gốc digan, mà là con gái một nông dân, đã trốn gia đình đi theo cái tộc đoàn du cư ấy. Một bà lão trong bọn ghét người lạ, đã gây cho cái bệnh đó. Và trong con tức giận, lại báo trước là bất kỳ ai mà tử tế với người bệnh và cho ở nhờ nhà mình, đều sẽ cùng chung số phận như thế cả. Người ốm khốn khổ kia tin vào lời trù yểm của bà lão digan và sợ gieo tai họa cho những người cho mình ở nhờ. Những người này bị câu chuyện đó tác động rất mạnh, nhưng không phải là hạng người có thể đuổi một kẻ sắp chết ra khỏi nhà mình.
Ít lâu sau người bệnh chết, và tai họa bắt đầu. Trước đấy trong nhà rất vui. Người ta nghèo, nhưng người ta không đến nỗi cùng khổ. Người bố làm những lược chải sợi, bán cho thợ dệt; người mẹ và các con giúp bố. Người bố làm các khung lược, các con cắt răng lược và giũa, còn người mẹ và người chị lớn thì tra răng vào các khung. Người ta làm từ sáng đến tối, vừa làm vừa đùa vừa chơi, nhất là khi người bố kể những chuyện từ thời ông ta đi khắp các nước ngoài để bán lược. Ông bố ấy vui tính lắm, và nghe chuyện của ông ta mọi người cười như nắc nẻ.
Cái thời tiếp theo ngày mà người đàn bà khốn khổ nọ chết, đối với hai đứa trẻ khác nào một giấc ác mộng. Không còn nhớ là nó kéo dài bao nhiêu lâu nữa, nhưng đối với hai đứa trẻ như thể một chuỗi đám tang không dứt; các anh chị em cứ theo nhau chết hết, người này đến người khác. Hai đứa chỉ có bốn anh em, chị em, và chỉ có thể có đến bốn đám tang mà thôi, nhưng đối với các trẻ còn sống ấy thì các đám tang dường như nhiều hơn thế. Trong cái nhà nhỏ là một cảnh im lặng thảm đạm.
Người mẹ không để cho tang tóc đánh gục, nhưng người bố thì thay đổi nhiều. Ông ta không chơi đùa, cũng không làm việc nữa. Từ sáng đến tối, ông ta ôm đầu ngồi suy nghĩ.
Một lần - sau cái đám tang thứ ba - ông ta bật lên nói những lời điên dại, làm cho các con hoảng hốt. Ông ta nói là không hiểu được tại sao những tai họa lại giáng xuống họ như vậy. Họ đã chẳng làm một việc tốt khi đón người ốm vào nhà sao? Cái ác có quyền lực lớn hơn cái thiện hay sao? Làm sao mà Chúa lại có thể để cho một người đàn bà độc ác gây ra bao nhiêu là tai họa. Người mẹ đã cố làm cho ông ta nguôi đi, nhưng ông ta không chịu nghe.
Hai ngày sau, mấy đứa con mất bố. Ông ta không chết, ông ta ra đi, bỏ hết. Đó là cái lúc đến lượt người chị cả các đứa trẻ mắc bệnh. Người cha thương yêu cô ta hơn tất cả các con khác; trông thấy con chết dần, ông ta mất trí, và bỏ trốn. Người mẹ không phàn nàn về việc bỏ nhà ra đi đó, bà chỉ sợ ông ta phát điên thôi.
Sau khi người bố ra đi, gia đình họ rất nghèo. Lúc đầu ông ta có gửi tiền về, nhưng rồi cũng chóng thôi gửi. Và đúng cái ngày chôn người chị cả, bà mẹ khóa cửa nhà và ra đi với hai đứa con còn lại. Bà ta đến tỉnh Skâne, làm ở các cánh đồng củ cải đường, rồi kiếm được việc ở nhà máy đường Jordberga. Bà là một người thợ giỏi, cư xử vui vẻ và thẳng thắn. Ai ai cũng mến. Người ta ngạc nhiên thấy bà vẫn bình tĩnh trước tất cả các tai họa, nhưng mẹ là một người rất nhẫn nại, rất kiên cường và rất chịu đựng. Giá có ai nói đến hai đứa con còn lại với bà, thì bà chỉ trả lời:
-  Rồi chúng cũng chẳng sống được!
Bà ta đã quen chẳng hy vọng gì hết, và bà ta nói thề chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào.
Tuy vậy bà đã lầm. Chính bà, trái lại, đã bị bệnh cướp đi. Lại còn chóng hơn cả các con trai, con gái nữa. Bà đến tỉnh Skâne vào mùa xuân, sang thu đã để lại hai đứa con côi.
Trong khi ốm, bà nhiều lần nhắc lại các con rằng phải nhớ là mẹ không bao giờ tiếc đã đón người đàn bà bệnh hoạn tội nghiệp kia vào nhà. Bà nói là chết chẳng có gì khó cả, khi đã làm xong bổn phận mình; mọi người ai cũng phải chết, sớm hay muộn, chẳng ai thoát được. Muốn ra đi lương tâm thanh thản hay lương tâm nặng nề thì mỗi người được tùy mình chọn lấy.
Trước khi chết, bà đã cố thu xếp một ít việc tương lai cho các con. Bà đã xin được người ta để cho chúng ở lại trong căn phòng mà cả ba mẹ con đã cùng sống với nhau. Chỉ cần có cái chỗ ở thôi là chúng sẽ chẳng phải nhờ vả một ai cưu mang cả. Bà biết rằng chúng sẽ tự nuôi lấy được thân.
Người ta đã thỏa thuận với nhau là hai chị em sẽ chăn ngỗng trong mùa hè, xem như lấy công trả tiền thuê phòng. Bà mẹ đã không lầm: hai con đã qua được con khó khăn. Cô bé Âsa làm kẹo, và đứa em trai làm những đồ bằng gỗ, rồi đem bán ở các trại. Ngoài ra, ai thuê việc gì thì làm, người ta có thể giao cho hai chị em bất cứ việc gì. Cô bé mới mười ba tuổi, mà đã biết suy nghĩ như người lớn. Cô ta nghiêm trang và ít nói; em trai thì vui tính và hay chuyện, đến nỗi chú ta với đàn ngỗng cứ tha hồ mà quang quác ngoài đồng, cô chị nói thế.
Hai đứa trẻ đã ở Jordberga được độ hai năm rồi; một buổi tối có một cuộc diễn thuyết bình dân ở trường học. Hai chị em cũng có mặt trong số thính giả, dù đó là một cuộc nói chuyện cho người lớn; hai chị em không có thói quen xem mình ở trong số trẻ con. Diễn giả nói đến cái bệnh ghê gớm: bệnh lao, cứ mỗi năm giết chết biết bao nhiêu người ở Thụy Điển. Ông ta nói rất giản dị, và hai đứa trẻ hiểu rõ từng chữ.
Sau buổi diễn thuyết, họ chờ diễn giả ở cổng. Ông ta ra thì hai chị em cầm lấy tay nhau, và trịnh trọng xin được nói chuyện với ông ta. Dù đôi khuôn mặt trẻ con phúng phính và hồng hồng, hai chị em nói năng nghiêm trang như những người lớn, kể lại những gì xảy ra ở nhà mình, và hỏi rằng ông ta có cho là mẹ và các anh em, chị em mình đều đã chết vì cái bệnh mà ông ta vừa tả không. Điều đó đối với ông ta chắc là đúng rồi. Chỉ có thể là bệnh đó mà thôi.
Như vậy là giá ông bố và bà mẹ được biết những điều mà các con học được tối hôm nay, thì họ đã có thể giữ mình rồi; giá họ đem đốt hết quần áo của người đàn bà lang thang tội nghiệp kia đi, giá họ quét dọn thật sạch cái nhà của họ và không dùng chăn đệm cũ nữa, họ đã có thể còn sống, tất cả các người mà giờ đây hai chị em thương tiếc chứ gì? Diễn giả nói rằng chẳng một ai có thể khẳng định chắc chắn điều đó được, nhưng ông ta không tin rằng các người ấy tất yếu phải mắc bệnh, nếu họ biết giữ mình cho khỏi lây.
Hai chị em hình như còn có điều gì đó muốn hỏi nữa, nhưng rõ ràng là do dự, trước khi đặt câu hỏi mới; sau cùng mới quyết định: có phải cái việc bà lão digan đã gieo họa cho gia đình họ để báo thù vì họ đã cứu giúp con người mà bà ta ghét là không đúng không? Những việc đã xảy đến cho họ có phải là chẳng có chút gì lạ lùng cả không?
"Chắc chắn là không". Diễn giả có thể quả quyết với hai chị em là chẳng một ai trên đời mà có quyền lực để làm cho người khác mắc các thứ bệnh như thế cả.
Hai chị em cám ơn ông ta và về nhà, và tối hôm đó trò chuyện với nhau rất lâu.
Hôm sau hai chị em xin thôi việc, không thể chăn ngỗng mùa hè năm đó được vì bắt buộc phải ra đi.
-   Chúng đi đâu vậy?
-   Chúng đi tìm bố. Chúng muốn cho bố biết rằng mẹ và anh em, chị em chết vì một thứ bệnh tự nhiên, chứ không phải do những lời trù yếm của một người đàn bà độc ác. Cho đến nay chắc người bố vẫn còn nát óc vì điều bí ẩn đó.
Trước tiên, hai chị em đến cái nhà nhỏ của họ ở ven truông, và đã khiếp đàm vì thấy nó đang bốc cháy. [3] Lại đi tức khắc và đến ngay nhà ông mục sư, thì người ta cho biết là một người đàn ông đã làm công nhân đường sắt có thấy bố hai đứa trẻ ở Malmberg, trên Lapland; ở đó ông ta làm việc trong mỏ và có thể đang còn ở đó cũng nên. Được biết hai chị em muốn đến với bố, ông mục sư giở một cuốn sưu tập bản đồ ra, chỉ cho biết là chuyến đi sẽ xa đến thế nào; nhưng hai chị em không vì thế mà khiếp sợ chút nào cả.
Hai chị em đã dành dụm được chút ít tiền nhờ mua bán, nhưng không muốn tiêu phí bằng cách đi xe lửa và quyết tâm đi bộ cái hành trình rất dài đó.[4] Và đã chẳng phải ân hận chút nào, vì đã đi một chuyến lý thú tuyệt vời. Thế này nhé:
Ngay cả khi chưa rời tỉnh Smäland, một hôm hai chị em vào một cái trại mua chút gì ăn. Bà chủ trại vui vẻ và thích chuyện trò. Bà hỏi ở đâu đến, con cháu nhà ai; hai chị em đã kể lại hết chuyện mình. Bà ta thết đãi hai chị em hết lòng, mà không muốn lấy một chút tiền trả nào cả; và sau cùng khi hai đứa trẻ đứng dậy ra đi, bà ta cho biết địa chỉ của anh mình ở xã bên cạnh. Bà ta bảo: "Các cháu cho bác ấy biết tin tức về cô, và kể cho bác ấy nghe chuyện của các cháu".
Hai chị em vui thích làm theo lời khuyên ấy, và được tiếp đãi ở nhà ông anh ân cần chẳng kém gì ở nhà bà em. Ông ta lại còn đánh xe đưa hai chị em đến một cái trại ở xã bên, nơi ông ta có bạn bè. Từ đó về sau, cứ mỗi lần từ giã nhà ai, cũng nghe một lời khuyên: "Các cháu có đi qua đấy thì cố ghé nhà nọ, nhà kia và kể lại những việc đã xảy ra cho các cháu".
Gần như lúc nào, ở trại nào mà người ta bảo đến như vậy, cũng đều có một người ho lao. Và vô tình hai đứa trẻ đi khắp nước, đã khuyên người ta đề phòng cái bệnh ghê gớm, bảo cho người ta biết cách chống lại bệnh đó.
Ngày xưa, xưa lắm, nhiều thế kỷ về trước, khi bệnh dịch hạch, gọi là nạn dịch đen [3] tàn phá đất nước, người ta cho là có một đứa con trai và một đứa con gái đi từ trại này đến trại khác, từ nhà này đến nhà khác. Đứa con trai cầm một cái cào, và hễ nó cào trước mặt nhà nào thì đó là triệu chứng nhiều người sắp chết trong nhà ấy; nhưng mà không chết hết, vì cái cào có răng và không cào sạch hết cả mọi thứ. Đứa con gái cầm cái chổi, và hễ nó quét trước cửa nhà nào thì đó là triệu chứng tất cả mọi người trong nhà ấy sắp chết hết, vì cái chổi đã quét là sạch nhà.
Hai đứa trẻ ngày nay đi khắp đất nước, lần này cũng vì một bệnh ghê gớm, đã không làm bà con khiếp sợ vì cái cào và cái chổi, trái lại còn bảo họ: "Chúng ta không chỉ cào sân và quét sân. Chúng ta còn dùng nước và bồ tạt, và bàn chải, và xà phòng nữa. Chúng ta sẽ giữ gìn sạch sẽ trước cửa nhà ta, sạch sẽ trong nhà ta, sạch sẽ thân thể ta. Như vậy chúng ta sẽ trị được bệnh đó".

Đám tangMats

Bé Mats chết. Việc đó hình như không thể tin được đối với tất cả những ai trông thấy chú vui vẻ, khỏe mạnh cách đó chỉ vài giờ. Nhưng sự thật là như vậy: bé Mats đã chết và sắp an táng.
Bé Mats chết một buổi sáng rất sớm; chỉ chị Âsa có đấy và trông thấy em chết. "Đừng đi gọi ai cả!", lúc lâm chung bé Mats nói vậy và chị bé đã làm theo. Bé lại nói tiếp: "Em sung sướng vì không phải chết do "bệnh" đó. Chị cũng thế, phải không?" Âsa không trả lời, bé Mats lại nói: "Em thấy chết cũng chẳng sao, em có chết như mẹ và các anh, các chị đâu; vì em chắc rằng em mà chết như vậy thì chị không bao giờ có thể nói cho bố tin rằng mẹ và các chị, các anh đã chết vì một cái bệnh thông thường: nhưng giờ thì chị thấy là chị sẽ nói cho bố tin được".
Khi bé Mats đã đi rồi, Âsa ngồi đấy một giờ đằng đẵng, nghĩ đến tất cả nông nỗi mà bé Mats đã phải chịu trên đời, Âsa nghĩ là bé Mats đã chịu đựng tất cả những nỗi bất hạnh với lòng dũng cảm như một người lớn. Âsa nghĩ đến những lời nói cuối cùng của em: bao giờ cũng vẫn một lòng dũng cảm như thế. Đối với Âsa, có một việc bắt buộc phải làm: phải an táng bé Mats với những nghi thức như người lán vậy.
Bấy giờ Âsa, cô bé chăn ngỗng, đang ở rất xa trên miền Bắc, trong những mỏ lán ở Malmberg. Đây là một chốn lạ lùng, nhưng để làm được như ý muốn của Âsa, thì có lẽ lạ lùng như thế lại là hơn.
Bé Mats với Âsa đã đi qua những miền rừng vô tận. Trong bao nhiêu ngày, hai chị em không trông thấy đồng ruộng cũng như ấp trại gì cả, chỉ toàn là những trạm dừng chân nghèo khổ; cuối cùng bỗng đến trước cái làng lán Gellivare có nhà thờ, nhà ga, tòa án, ngân hàng, hiệu thuốc, khách sạn, mọc lên ở chân một ngọn núi mà mãi đến lễ Thánh Gioan vẫn còn mang những vệt tuyết [3]. Gần hết các nhà ở Gellivare đều mới, và xây rất đẹp. Giá không trông thấy tuyết phủ sườn núi và những cây bạch dương còn trụi lá, thì hai đứa trẻ đã không tin là đang ở Lapland rồi. Và lại chẳng phải Gellivare đây là nơi hai chị em đến tìm bố, mà ở Malmberg thì không có cái vẻ một xã hội được tổ chức tốt như ở đây.
Lý do như thế này: dù người ta đã biết từ rất lâu là có những mỏ sắt lớn ở gần Gellivare nhưng việc khai thác mới thực sự bắt đầu có ít năm thôi, từ khi đường xe lửa làm xong. Từ lúc ấy hàng vạn người đã kéo đến. Việc làm đủ cho mọi người, nhưng nhà ở thì thiếu. Cho nên mỗi người phải tự xoay xở lấy tùy theo khả năng. Có người dựng lên những chiếc lều với những thân cây để nguyên vỏ, người khác chỉ làm những cái lán với những thùng cũ đựng cốt mìn, chồng lên nhau như xếp gạch. Bây giờ đã có những nhóm nhà nhỏ xinh xắn, nhưng khắp nơi còn thấy đất hoang, đất gốc cây và đá sỏi. Những biệt thự xinh đẹp của ông giám đốc và các kỹ sư ở ngay cạnh những túp lều thuở ban đầu. Có một con đường xe lửa, có ánh sáng điện khắp nơi, và những nhà máy lớn, và người ta có thể đi xe điện vào sâu lòng núi theo một đường hầm có đèn điện soi sáng. Khắp nơi nhộn nhịp khác thường. Còn bốn chung quanh lại là vắng vẻ hoang vu, đồng ruộng chẳng có, nhà cửa cũng không, chỉ có người Lapps sống với những con hươu phương Bắc của họ thôi.
Đến Malmberg hai chị em đã hỏi khắp nơi có ai biết một công nhân tên là Jon Assarsson; ông ta có đôi lông mày giao nhau trên sống mũi. Đôi lông mày đó là cái nổi bật ai cũng trông thấy; cho nên hai chị em được biết ngay là bố đã làm việc ở Malmberg này nhiều năm, nhưng đã bỏ đi nơi khác rồi. Người ta đã quen thấy ông ta thỉnh thoảng lại biến đi như thế ít lâu, những khi mà nỗi lo lắng làm ông ta hoang mang. Chẳng ai biết ông ta đang ở đâu cả, nhưng người ta tin chắc là sẽ thấy ông ta trở về một ngày nào đó thôi. Vì hai chị em là con Jon Assarsson, thì trong khi chờ bố có thể cứ ở cái nhà tồi tàn mà ông ta đã ở. Một người đàn bà đã rút chiếc chìa khóa từ dưới ngưỡng cửa ra và mở cho hai chị em vào. Chẳng một ai tỏ ra ngạc nhiên khi thấy hai đứa trẻ đến đây, cũng như thấy ông bố thường thường đi vắng như thế cả. Ở đây, mọi người hình như chỉ làm theo ý mình cả thôi.
Âsa hiểu rất rõ là phải làm đám tang cho em như thế nào. Một người quản đốc vừa được an táng chúa nhật trước. Xe tang do những con ngựa của chính ông giám đốc kéo đến nhà thờ, và một đoàn dài công nhân đã đi theo xe. Quanh mộ, một phường nhạc đã cử nhạc và một hội hát đã hát. Cuối cùng, sau khi an táng, tất cả những ai đã dự lễ tang đều được mời uống một tách cà phê ở trường học. Âsa muốn làm cho em mình, bé Mats, đại khái như thế.
Nhưng làm sao được? Không phải là tốn kém làm Âsa sợ. Hai chị em đã tiết kiệm khá đủ tiền để có thể làm tang lễ thật đẹp cho bé Mats. Khó là ở chỗ khác. Làm sao mà bắt được người khác theo ý muốn của mình, khi mình chỉ là một đứa con nít? Âsa chỉ hơn bé Mats có một tuổi, Mats đang nằm trước mặt chị, bé nhỏ thế, mảnh khảnh thế. Có thể là người lớn, người ta sẽ cản lại ý muốn của Âsa.
Trước tiên Âsa ngỏ ý với người y tá: xơ [5] Hilma đến túp nhà một lát sau khi bé Mats qua đời. Vừa đi xơ vừa nghĩ chắc rằng đến nơi thì bé Mats không còn sống nữa, xơ biết là hôm trước bé Mats vì đến gần một cái giếng khoan mỏ đúng lúc nổ mìn, đã bị đá bắn phải. Một mình bé nằm dưới đất bất tỉnh nhân sự rất lâu: sau cùng người ta trông thấy, băng bó cho và đưa về nhà; nhưng mà bé đã mất quá nhiều máu, không sống được nữa.
Đến thăm, người y tá nghĩ đến Âsa hơn là bé Mats. Thấy cô bé Âsa không khóc cũng không than, mà điềm tĩnh giúp mình trong mọi việc phải làm, xơ hết sức ngạc nhiên, cho nên xơ hiểu ngay khi mà Âsa nói với xơ về lễ an táng.
Âsa bắt đầu nói trịnh trọng, vì có thói quen chọn chữ như một người già: "Đối với một người như bé Mats, trước hết phải nghĩ đến việc tôn trọng cho đúng lúc đã. Sau
sẽ có thì giờ để khóc".
Rồi Âsa nhờ xơ giúp mình lo liệu cho bé Mats một đám tang cho xứng đáng.
Đối với người y tá thì cô bé mà có thể tìm được chút an ủi nào khi nghĩ đến đám tang, thì đó là một điều may vậy. Bởi thế xơ hứa giúp Âsa thực hiện được những dự định của mình. Âsa thì nghĩ rằng xơ Hilma mà ủng hộ mình, thì mục đích gần như đạt được rồi, vì xơ Hilma rất có thế lực. Trong cái vùng mỏ này mà mìn lúc nào cũng nổ ầm ầm, công nhân không bao giờ dám chắc là một lúc nào đó không bị một tảng đá lạc đập phải, hay một vụ đổ núi đè lên: vì vậy họ cần phải tử tế với y tá.
Bởi thế ngày hôm sau xơ Hilma cùng Âsa đi mời công nhân chúa nhật đến dự đám tang của bé Mats, thì chẳng mấy ai từ chối. Xơ còn nhờ được cả người ta cử nhạc và hát trước mộ nữa. Vì thời tiết hình như còn tốt lâu, nên đã quyết định là sau khi lễ tất, khách khứa sẽ uống cà phê ở ngoài trời. Người ta mượn ghế băng và bàn ở phòng họp của hội Chống uống rượu: các cửa hiệu hứa cho mượn tách. Nhiều người vợ thợ mỏ mở cả tủ lấy ra những khăn trải bàn trắng tinh.
Tất cả những việc sửa soạn đó có tiếng vang hết sức lớn. Khắp cả vùng Malmberg người ta chỉ nói đến đám tang của bé Mats. Cuối cùng tin đó đến tai ông giám đốc mỏ.
Được biết rằng hơn năm mươi công nhân sẽ đi đưa đám một đứa trẻ mười hai tuổi, và hơn nữa, nghĩ cho kỹ cũng chỉ là một đứa bé lang thang, ông giám đốc cho như thế là điên. Rồi lại hát, lại nhạc; lại cà phê sau khi an táng, rồi lại kẹo đặt ở tận Lulể [5] nữa! Ông ta cho đi mời người y tá đến, bảo khuyên cô bé bỏ cái việc làm điên dại đó đi. Ông ta nói:
"Để cho cô bé tội nghiệp phung phí tiền của nó như thế là không phải. Không nên chiều theo ý muốn thất thường của một đứa trẻ".
Ông giám đốc nói rất dịu dàng, và người y tá thấy chẳng có gì phải nói lại, vừa do lòng tôn trọng, vừa phải công nhận rằng ông giám đốc nói đúng. Nghe ông ta nói, xơ phải tự nhận rằng mình đã để cho lòng thương xót cô bé tội nghiệp lấn át cả lý trí của mình.
Từ nhà ông giám đốc, người y tá đến thẳng nhà Âsa báo cho biết là phải bỏ các dự định về tang lễ long trọng. Làm cái việc vận động này, xơ thấy lòng mình cũng nặng nề vì xơ hiểu, hơn bất kỳ ai hết, là đám tang này có ý nghĩa như thế nào đối với cô bé đáng thương. Dọc đường, xơ gặp mấy người vợ công nhân và ngỏ với họ nỗi phiền lòng của mình. Những người đàn bà đó đáp lại ngay là họ cho rằng ông giám đốc nói đúng. Tang ma linh đình cho một đứa con nít mười hai tuổi như thế là điên.
Những người đàn bà đó truyền cái tin đến những người khác và tức khắc các nơi đều biết, từ "thành phố những chiếc lán" cho đến tận các mỏ, là sẽ không có
đám tang lớn cho chú bé Mats. Và tất cả mọi người đều tán thành với ông giám đốc.
Chắc rằng trong tất cả vùng Malmberg chỉ có mỗi một người là có ý kiến khác: đó là Âsa, cô bé chăn ngỗng.
"Vậy thì tôi đành phải đến nói với ông giám đốc," Âsa nói thế. "Rõ ràng là ông ta chẳng biết tí gì về bé Mats cả".
Chẳng chút do dự, Âsa sẵn sàng đến gặp ông giám đốc, con người oai quyền nhất vùng Malmberg. Người y tá và nhiều người đàn bà khác đi theo xa xa, tò mò muốn xem là cô bé có đủ can đảm đi đến cùng trong việc thực hiện ý định rất mục táo bạo của mình không.
Âsa đi chính giữa đường, nghiêm trang và trầm mặc như một cô con gái đi đến nhà thờ để chịu lễ ban thánh thể lần đầu tiên trong đời.[6] Âsa phủ lên đầu chiếc khăn quàng đen, thừa hưởng của mẹ, một tay cầm chiếc khăn mùi soa gấp cẩn thận, tay kia cầm cái làn đựng những đồ vật bằng gỗ nho nhỏ mà bé Mats đã làm ra.
Trẻ con chơi ngoài đường trông thấy Âsa, liền chạy tới kêu lên: "Đi đâu đấy, Âsa? Đi đâu đấy?"
Âsa cũng không nghe thấy nữa. Các người đàn bà gạt đám trẻ con ra và bảo chúng: "Nào, để yên cho cô ấy! Cô ấy đến nhà ông giám đốc nói ông ta cho phép làm đám tang to cho bé Mats, em cô ấy".
Cảm kích vì lòng dũng cảm của Âsa, một đám đông trẻ con liền đi theo.
Lúc ấy vào khoảng sáu giờ tối, và hàng trăm công nhân đi làm ở các mỏ về. Ngày thường họ đi rảo bước chẳng nhìn trái nhìn phải gì cả; nhưng thấy Âsa có bao nhiêu người đi theo như vậy, nhiều công nhân dừng lại, hiểu rằng đang có việc gì lạ lùng xẩy ra đây. Được biết là cái gì thì nhiều công nhân cho là việc làm của cô bé quá sức dũng cảm, và họ liền nhập bọn với đám đàn bà và trẻ con để xem kết quả của việc này ra sao.
Âsa lên cái phòng làm việc, nơi ông giám đốc thường ngồi cho đến hết giờ. Đúng lúc cô bé đi vào hành lang thì cửa mở; ông giám đốc bước ra, mũ đội trên đầu, gậy cầm ở tay, để về nhà ăn tối.
Trông thấy cô bé đến long trọng như vậy, ông ta hỏi:
-   Cô muốn gặp ai?
-   Gặp chính ông giám đốc, Âsa trả lời.
-   Vậy thì chính tôi đây. Vào đây vậy. Ông giám đốc vừa nói vừa trở lại phòng làm việc của mình.
Âsa đi theo. Cô bé ngẩng đầu lên, hất chiếc khăn quàng ra sau lưng và ngước về phía ông giám đốc, đôi mắt trẻ con tròn trịa, mà cái nhìn nghiêm trang thật là cảm động.
Âsa bắt đầu nói: " Số là bé Mats vừa mất". Giọng cô bé run run vì phải ngừng lại nhiều. Bấy giờ ông giám đốc biết là mình đang có việc với ai rồi. Ông ta nói rất nhân hậu:
" À! Cháu là cô bé đã muốn lo liệu cái đám tang to lớn ấy. Không nên làm, cháu ạ. Tốn kém cho cháu lắm đó. Tôi mà được nghe nói về ý định ấy sớm hơn thì tôi đã khuyên cháu đừng làm..."
Nét mặt cô bé cau lại, và ông giám đốc tưởng là cô sắp òa lên khóc, nhưng Âsa trấn tĩnh lại và nói:
" Cháu muốn kể ông giám đốc biết vài điều nhỏ về bé Mats".
Ông giám đốc nói dịu dàng: " Tôi đã biết việc của cháu rồi. Không nên nghĩ rằng tôi không đau xót với cháu. Tôi làm vì lợi ích của cháu".
Âsa, cô bé chăn ngỗng, càng ngẩng cao đầu lên nữa và nói, giọng trong trẻo và rành mạch:
" Từ khi lên chín, bé Mats đã không còn cả cha lẫn mẹ, và đã bắt buộc phải kiếm ăn để nuôi thân như một người lớn. Không bao giờ bé muốn ăn xin ai, dù chỉ là một bữa. Bé lúc nào cũng nói rằng xin người ta bố thí cho là không xứng đáng làm người. Bé đi khắp đất nước, mua trứng và bơ của nông dân rồi bán lại, và đã làm ăn nghiêm chỉnh chẳng kém gì một người buôn bán già cả. Mùa hè đi chăn ngỗng, bé đem một công việc nhẹ ra đồng làm. Khi bé Mats đi từ trại này sang trại khác, nhiều lần bà con nông dân tỉnh Skâne đã giao cho bé những số tiền lớn, vì họ biết là có thể tin cậy bé; như vậy người ta không có quyền nói rằng bé Mats chỉ là một đứa trẻ con, và người lớn cũng không phải là nhiều người đã..."
Ông giám đốc, đôi mắt nhìn như đóng đinh xuống sàn, và không một thớ thịt nào trên khuôn mặt cử động cả. Âsa, cô bé chăn ngỗng, ngừng lại, cho rằng chẳng cần nói tiếp nữa. Như một lời kháng nghị cuối cùng, cô bé chỉ thêm:
" Vả lại tự cháu sẽ trả hết mọi chi phí của đám tang, cháu chỉ mong rằng..." Âsa ngừng lại lần nữa.
Bấy giờ ông giám đốc mới ngước lên nhìn thẳng Âsa, cô bé chăn ngỗng, nhìn thấu tận đáy mắt của cô bé. Có thể nói là ông ta đo và cân cô bé bằng cái nhìn gần như nghiệp vụ của một kẻ có bao nhiêu là người dưới quyền mình. Ông nghĩ là cô bé đã mất cả gia đình, cha mẹ, anh em, chị em, mà vẫn không ngã gục. Một ngày kia, cô bé là một người đàn bà trung dũng biết bao nhiêu! Nhưng mà ông có dám tăng thêm gánh nặng đang đè lên đôi vai mảnh khảnh của cô bé không? Như thế có phải là cái cọng rơm sẽ làm cô bé ngã quỵ dưới cái gánh quá nặng không? Ông ta hiểu là, buộc lòng phải đến gặp ông để nói về em mình, đối với cô bé là đau xót đến chừng nào. Chắc là cô bé đã thương yêu nó, đứa em ấy, hơn bất kỳ cái gì ở đời. Làm sao mà người ta lại dám ngăn cản lòng thương yêu đó được.
" Cứ làm như cháu muốn, cháu thân yêu ạ", cuối cùng ông giám đốc nói vậy.
Chú thích:
[1] Digan là những người dân lưu vong, sống lang thang không nguyên quán, trú quán, ở khắp các nước Âu châu, thường làm nghề hát rong và bói toán.
[2] Xem lại chương XV. Từ tỉnh Smäland ở miền nam Thụy Điển lên mỏ Malmberg ở cực bắc nước ấy, đường ngắn nhất cũng gần hai nghìn kilômet
[3] Nạn dịch hạch xảy ra ở châu Âu từ năm 1348 đến 1350, làm chết có lẽ đến một phần ba dân số; có vùng chết đến một nửa, là nạn dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử; người chết thân hình đen lại nên gọi là "dịch đen".
[4] Lễ Thánh Gioan hàng năm đúng vào ngày 24 tháng sáu là lúc nhiệt độ cao nhất trong năm; đáng lẽ tuyết đã phải tan hết cả rồi, nhưng ở đây vẫn còn lạnh lắm.
[5] Xơ là danh hiệu gọi những phụ nữ tu hành theo đạo Co Đốc, phần nhiều họ mở trường dạy học hay làm y tá, hộ lý không lương ở các bệnh viện.
[6] Lulê là một thành phố và hải cảng lớn của cả miền Bắc Thụy Điển ở trên vịnh Bothnia, cách khu mỏ Malmberg gần hai trăm rưỡi kilômét.
[7] Lễ ban thánh thể của đạo Gia Tô là lễ ban cho con chiên được hưởng máu thịt, linh hồn và thánh đức của chúa Giêsu bằng cách cho ăn bánh thánh và uống rượu lễ.