2 - Lấy chồng
Nghỉ mát

15 tháng chín 193...
TUYẾT lấy chồng!...
Tuyết sắp lấy chồng!
Hình như mấy đêm nay – mấy đêm cuối cùng của hai tháng nghỉ hè trên bờ bể Sầm Sơn – hễ lúc đặt mình lên giường sắp ngủ là mơ màng, hoảng hốt nghe rõ những câu này. Hình như tiếng sóng gầm dưới chân núi, bên chùa Độc Cước, tiếng gió reo vi vút đầu ngọn những cành dương liễu trước nhà, đối với mình đều ngụ ý mỉa mai, cợt giễu.
Thì ra, từ hôm bị bà cụ «chửi» một trận nên thân, rồi lại giận giỗi bỏ một bữa cơm, từ hôm nghe bà cụ quả quyết bảo:
- Đến tháng chạp này mà mày không chịu nhận lời, không chịu lấy chồng rồi mày xem bà...
Từ hôm ấy, trong người nó cứ «thế nào ấy», mình ăn cơm không thấy ngon nữa, tắm không thấy vui nữa, - nước bể hình như tanh và mặn ra – đêm ngủ cứ giật mình thon thót, mình có cái cảm tưởng như một anh bị «nhọt mọc trong gan», «đau dạ dầy» hay «thừa một khúc ruột» nay mai phải đi nhà thương mổ bụng!
Là vì từ trước đến nay mình đã «bỏ rơi» biết bao nhiêu đám «hiền lành», «chí thú», «làm việc nhà nước», «hà tiện», «không chơi bời», vân vân... rồi!
Tháng chạp!
Lần này có lẽ mà phải lấy chồng thực. Xem chừng bà «vía» đã «cáu» lắm!
- Ai lại hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi đầu mà động ai hỏi cũng là lắc, chối như chối chết, khất như khất nợ, con cái đâu mà gớm ghiếc thế!
Mình nghe mãi cái câu này đến đâm «nản người ra» ra rồi! Ừ thì lấy! Tuyết lấy chồng! Tuyết sẽ lấy chồng! Nhưng mà bà cụ hẵng cho Tuyết ở lại Sầm Sơn này thêm nửa tháng nữa. Tuyết chưa muốn về Hà Nội vội. Hình như về Hà Nội tức là phải gần cái con người ác nghiệt sắp lấy Tuyết làm vợ, tức là gần «tháng chạp» rồi! Chẳng bù với mấy năm xưa, cứ đến độ này, bờ bể vắng tanh, vắng ngắt là mình nằng nặc đòi về cho được. 
Về để sáng chủ nhật đi «Gô Đa», trua thứ năm đi xem chớp bóng ở «Philharmonique» - vì có nhiều học trò làm ồn – chiều chủ nhật lên trường đua ngựa, lo lắng, hồi hộp nhìn chân những con Otarie, Lardon, Bạch Hải lúc về tới đích...
Tại sao những cái thú mà Hà thành đương để dành cho mình trong cả một mùa thu và mùa rét đó sẽ thành «không thú» nữa, nếu mỗi khi mình nghĩ vớ vẩn rằng một ngày kia cả ý nghĩ lẫn thân thể của mình, không phải của mình nữa, mà thuộc về «kẻ khác»?
Ừ mà tại sao, con gái lớn lên là phải lấy chồng, cứ bình tĩnh ở nhà với bố mẹ như phần đông con trai thì đã làm sao? Tại sao người ta có con gái lớn trong nhà là cứ lo sợ, nhấp nhổm như «chứa đồ quốc cấm»? Tại sao người ta cứ phải «tống tháo», «đẩy ấn» con gái đi được thì người ta mới yên lòng, mới ăn ngủ được?
Kể ra, để mình ở nhà thì có thiệt hại gì, có mất gì, có phiền hà, bận bịu đến ai đâu? Trái lại, mình còn làm cho cả nhà vui vẻ vì cái «nghịch», cái «trẻ», cái «cười», cái «tươi» của mình nữa. Tống mình đi rồi lấy ai châm thuốc, đọc tiểu thuyết tàu cho ông cụ? Lấy ai trêu bà cụ, lấy ai cho con miu «Bích Thu» của mình ăn? – Nó kén tay cho ăn lắm kia đấy! – Lấy ai bênh u già mỗi lần bị bà cụ ngầy – à quên «vò xà phòng» – tủi khóc mếu máo:
- Nếu không có cô Tuyết thì tôi đi đã lâu rồi!
Tội nghiệp u già, nuôi Tuyết từ bé!
Chỉ tại những con ranh, con Bằng, con Thúy, bạn mình. Chúng nó đi lấy chồng sớm quá rồi cứ sồn sồn đẻ năm một, đẻ như gà, làm cho các cụ trông thấy mà thèm, đến nỗi cứ «sôi sùng sục» lên về cưới gả.
Ước gì bà cũng thích đọc «Tiểu thuyết thứ bẩy» như mình để xem đến câu này của Nguyễn Công Hoan mà sợ:
«Cô tiểu thư đẹp mà đi lấy chồng? Cẩm phạt!»
Nhưng khốn các tiểu thư đẹp chưa chồng có chịu ở nhà «thêu thùa kim chỉ» cho đâu? Các cô cứ bắt những cái giấy xanh xanh, tím tím của mấy anh con trai qua lại trước cửa nhà, cho ngầm vào túi để rồi theo các «bố mìn» đi... đi không về nữa, hay là về với bộ cánh xác, với cái mặt xanh như tầu rau, với cái thân hình «lớn giữa lớn ra» để các cụ phải vỗ bàn mà kêu:
- Trời ơi! Tội vạ chi mà thế «ni»?

17 tháng chín 193...
Bà cụ đã cho phép ở thêm nửa tháng nữa. Làm gì chẳng cho phép cô gái ngoan «tháng chạp này lấy chồng»? Lúc này mới là lúc mình làm nũng các cụ được đây! Tha hồ từ nay muốn «yêu cầu», muốn sắm sửa, muốn vòi vĩnh cái gì mà «chánh phủ» chẳng «chuẩn y»! Chẳng hạn như mùa lạnh đến, muốn may cái áo hàng mới thì chỉ việc nói:
- Mẹ cho con may đi! Đến tháng chạp này con đã lấy chồng rồi kia mà!
Chỉ một câu «tháng chạp con lấy chồng» nói một cách thẹn thùng, nhỏ nhẹ, má ửng đỏ, là đủ làm cho các cụ cảm động. Nhưng khéo không dùng mãi câu ấy rồi sẽ có ngày các cụ đâm «hoảng», đâm «nghi» mất!
Bờ bể vắng người hình như đẹp thêm ra, rộng thêm ra. Mỗi buổi sáng, dậy sớm đi lững thững một mình giữa bãi cát ướt vì nước triều đêm trước, mình tưởng tượng như lạc vào một thế giới vắng vẻ, hoang vu nào không bao giờ có một bóng người, mình tưởng như chốn trời nước này là của riêng mình, mình là Nữ chúa. Nếu không phải nghĩ đến «sự sắp lấy chồng» thì có lẽ phong cảnh đối với mình lúc này còn tươi đẹp thêm lên gấp mấy. 

II

Lo ngại

20 tháng chín, 193...
Cứ phải luôn luôn nghĩ tới sự lấy chồng, rồi thành ra nóng ruột, bứt rứt cả người, ngồi đứng không yên. Giá đời mình cứ phải kéo dài sự lo ngại này đến già thì không còn thú cực hình nào hơn nữa. Ước gì được lấy chồng ngay lúc này, lấy một cách mau chóng như một buổi đi tắm, hay hơn thế nữa, một cuộc chạy thi với chị Mão trên bờ bể. Cho nó xong đi! Cho mình yên dạ! Cho khỏi phải thấp thỏm phải đợi ngày cưới mình như tên tù đợi giờ ra chốn pháp trường.
Mà cái anh chàng sắp buộc đời mình vào đời anh ta sau này là ai mới được chứ? Lâu nay mình có để ý đến ai đâu, có để ý đến một câu chuyện chồng con nào đâu?
Anh ta bao nhiêu tuổi, có đẹp trai hay không, cao hay lùn, béo hay gầy, mặc tây hay mặc ta, con cái nhà ai? Nào mình có được biết! Mình đã bảo chưa muốn lấy chồng, không biết kén chọn gì hết, thì đã có các cụ kén chọn cho.
Mà các cụ thương con chắc phải hết lòng kén chọn. Bố mẹ bao giờ lại muốn cho con khổ. Nhưng nghĩ không khỏi tức mình mỗi khi tưởng đến sau này, một người mà mình không yêu, một người chưa làm một sự lạ lùng, khó khăn gì trong đời để xứng đáng là chồng mình lại làm chồng mình được. 
Vì mỗi khi nhìn vào gương, Tuyết thấy Tuyết đẹp, Tuyết xinh, thì Tuyết lại bảo thầm:
- Thế ra đời ta cũng đến thế thôi à? Cũng tầm thường như các cuộc đời khác thôi à? Lớn lên rồi lấy chồng. Thế là hết! Một buổi sáng mai, ra tòa Đốc lý, ký vào tờ giấy giá thú như người ta ký một cái văn tự bán nhà, hay bán bò. Thế là xong, bò chết, à quên! Bò bán, hết chuyện!
Hết chuyện trước khi một quả tim hai mươi mốt lần xuân,  chưa hề đập mạnh, chưa biết rung động cho một cuộc hẹn hò, ân ái nào, một cuộc tình duyên éo le, thảm thiết nào ly kỳ như trong tiểu thuyết. Người con gái nào trước khi lấy chồng lại không ao ước, lại không từng có những quãng đời hoa mộng ấy để ru lòng, để ôn lại lúc sau này. Vậy thì mình yêu thế nào được ông chồng trời đã định, hay các cụ «via» đã định? Những điều mình nghe ngóng được từ trước đến nay, những điều mình biết qua loa về việc «vợ chồng» lại càng làm cho mình bối rối. Đêm động phòng, ngồi trên một chiếc giường không phải giường mình, trong một gian phòng lạ lùng, bày biện không như ý của mình. Rồi, bỗng trên trời rơi xuống một người đàn ông. Người đàn ông ấy hôn mình. Trời ơi! Hôn làm sao được? Người đàn ông sẽ được thấy những cái mà suốt một đời con gái mình giữ gìn kín đáo: một cái cánh tay trắng nõn, một cái ngực, một cái đầu gối... còn gì nữa? Người đàn ông ấy sẽ nằm chung với mình một giường! Ấy chết! Nằm chung thế nào được? Sao lại nằm chung? Mình đến sợ, đến xấu hổ mà thét lên và chạy trốn mất! Nhưng nghĩ đến mà đã rùng mình, đã giợn người lên rồi! Thế thì không làm sao tránh được những nỗi nguy hiểm ấy hay sao?
Một đời thẹn thùng, gìn giữ rồi chỉ... một đêm thôi!
Cái «thẹn» của ta ơi! Thôi không có cách gì khác nữa đâu! Sửa soạn dần đi, để mà chờ cái «chết». Chết trong một đêm.
Nhưng, không biết có người đàn ông nào ở đời đối với vợ mới của mình lúc nào không đến nỗi sống sượng, mà trái lại, từ tốn, dè dặt, cử chỉ ôn tồn, dịu ngọt như khi người ta nuôi một con chim rừng sợ sệt, lạ lùng, chỉ chực thoát thân. Có người đàn ông nào để cho vợ «quen» mình, hiểu biết mình trước khi «làm chủ», trong một vài tuần, một vài tháng, hay một năm không?
Có lẽ mình phải hỏi qua chị Mão

III

Chị Mão

25 tháng chín 193...
Chị Mão với mình bây giờ là «cái đinh» của Sầm Sơn. Mấy anh công tử còn sót lại, mỗi buổi chiều gặp mặt là nhìn trơ mặt, thì thầm khen ngợi: 
- Hai con bé trông ngon quá!
Mà ngon thực, mỗi người một vẻ.
Chị Mão là cựu học sinh trường Sư phạm, nhưng trông chị ấy chẳng có vẻ «sư phạm» một tí nào. Cười nói, nghịch ngợm như đàn ông, đi chơi với chị lắm lúc thẹn chết đi được. Anh con trai nào bẽn lẽn, hay sợ đàn bà mà gặp chị thì chị trêu cho đến khóc.
Chị là con nhà giàu, nhưng «nhà giàu bủn sỉn» - chính mồm chị ấy nói thế - có «villa» không ở, giữa mùa nực đem cho thuê đi, rồi bao giờ vắng khách ở bờ bể, không còn ai ở nữa, chờ cho người ta trả nhà, mới kéo cả họ hàng ra «nghỉ rét» vì cuối tháng chín ở đây hay mưa, bảo, gío, lạnh, nằm ngủ phải đắp chân bông.
Cũng nhờ thế mình mới có bạn, không thì buồn chết. Vì chị Thọ quen mình, cùng ở với Mão, đã về Hà Nội từ tuần lễ trước, nên Mão cũng buồn, cả ngày chỉ tìm mình để nói chuyện. Mà chuyện chị thì lúc nào cũng sẵn, cũng vui, mình vẫn muốn nghe để học khôn – vì chị biết nhiều bạn trai, biết nhiều «đàn ông» - thế mà hơi «khiếp» vị chị «bạo» quá!
Lắm khi đi tắm với chị, chị bỗng dưng ưỡn người ra làm căng chiếc «maillot»– hở lườn, hở lưng, hở đủ thứ, – làm nổi cái bộ ngực tròn trĩnh, nở nang quá của chị, rồi nhe răng cười hỏi mình:
- Trông em có «xếch ếp pin» không chị? 
Mình ngơ ngác không hiểu gì thì chị cười sằng sặc:
- Thể chị không đọc «Paris Magazine», «Lire à deux», «Paris Plaisirs»... bao giờ cả?
Rồi chị viết lên trên mặt cát rõ ràng từng chữ: «Sex Appeal». Chị bảo về tra tự vị sẽ hiểu, hay là hỏi «chồng» khi nào đã có chồng. Tự vị thì không thấy có chữ ấy rồi, mà hỏi chồng thì không đời nào mình hỏi.
Chị ấy nói chị ấy biết «flirter» từ năm mười tuổi. Chữ «flirter» chị bảo khó dịch lắm, cho nên chị ấy giảng:
- Năm lên mười, học ở một «cours» của một bà giáo người đầm, học chung với con trai, chị ấy đã biết khoèo chân một cậu bé ngồi cạnh mình và đút vào túi cậu một lá thư tình có những câu này: «Con bướm của em bỏ vào sách anh hôm qua, còn không? Mất em bắt đền đấy!»
Từ mười tuổi đến nay là đúng hai mươi hai, chị Mão đã có dịp biết tâm tính đàn ông hơn mình nhiều lắm. Mà thực ra, mình đã quen biết một người đàn ông nào đâu. Chị Mão kiêu ngạo mà nói với mình bằng một giọng che chở:
- Chị dại lắm! Không «từng trải» là dại. Đàn ông bây giờ họ ghê gớm lắm!
Phải «học» tính tình của họ như ngày bé học bài ở nhà trường.
Những cái hôn mồm - như trong «cinéma» cô đào Mỹ rùng mình, lim dim mắt, ngả đầu vào vai kép mấp máy cặp môi – đối với chị Mão là thường lắm! Không có gì lạ cả, không còn làm cho chị cảm động nữa rồi. Những cuộc hẹn hò đi chơi thầm vụng trong bóng tối, ở ngoại ô, chị cho là trò cổ (vieux jeu) rồi.
Chị bảo người chồng của chị sau này phải «khỏe mạnh», thích thể thao, nghèo cũng được. Cho nên chị đã chọn anh Cường, trường Luật, làm vị hôn phu. Anh Cường đã chiếm được giải quán quân (ping pong) học sinh trong năm và có hy vọng trở nên một tay địch thủ đáng sợ của những ông tướng «nhảy sào» và «ném đĩa» của trường Thể Dục. Chị Mão đã đưa ảnh Cường cho mình xem: Cường mặt «slip» đứng trên một tảng đá, trên bờ bể, bụng thon, ngực nở, vai rộng, bắp thịt nhỏ. Thực là một anh Tarzan con, xứng đáng với thân hình đầy đặn của Mão. 
«Ái Tình» hai chữ ái tình viết hoa, hiểu theo nghĩa của mình thì thiêng liêng quý báu như một vật cấm chưa bao giờ được sờ mó đến, thế mà đối với Mão thì chẳng có nghĩa lý gì. Chị bảo chị không thích tiểu thuyết như mình, vì đời thực không phải là một thiên tiểu thuyết. Chị không biết «mơ màng» là gì, «hồn mộng» là gì, «bâng khuâng» là gì, «xa xăm» là gì cả. Chị cũng không biết «yêu» là gì nữa. Chị bảo chị định lấy Cường, là vì chị «thích» Cường. Thích Cường! Hừ, thế thì còn ai hiểu được yêu là giống gì nữa. 
Ngày thường đi chơi với chị Mão, thường nói chuyện về đàn ông thế mà mình cũng chưa hết sợ đàn ông. Nghĩ đến việc chồng con sau này mà vẫn ngại. Ấy là nhờ chị Mão mình đã «sáng» ra nhiều rồi đấy.
Trời ơi! Một đằng thì chị Mão biết chồng, biết Cường từ hai năm nay rồi, chị định lấy chồng vì chị «thích», còn một đằng thì Tuyết gìn giữ «mình vàng» ra như gìn giữ một cái kho báu, rồi để dâng cho một người xa lạ trong một đêm!
Cái «luân lý» của chị Mão đáng theo, hay của Tuyết đúng?
Hôm nay mình rụt rè hỏi chị cái câu:
- Trong đời có thể có những người đàn ông, đêm động phòng, để cho vợ mới của mình bớt «sợ», bớt «thẹn», bớt «kinh khủng» rồi dần dần mới chiếm quả tim hay là «xác thịt» của vợ không? Vì mình vẫn lo nơm nớp về cái cảnh một người đàn ông ở đâu trên trời rơi xuống, tự nhiên xông vào giường mình, mở chân luồn vào hai cái cẳng lông lá, mặc quần đùi gớm chết!
Chị Mão không trả lời, chị để ngón tay cái vào mũi, xòe thẳng bốn ngón còn ra, cho mình một cái... «chân mũi» mà cười lăn cười lộn. 

IV

Tình xưa

 8 tháng mười 193...
Về Hà Nội được gần một tuần lễ rồi mà như chẳng đi đâu được cả. Suốt ngày chỉ ngồi nằm trong buồng ngủ, lục lọi những sách vở cũ để xem. Vì có ý tưởng một ngày kia mình sẽ phải dời những đồ vật thương yêu của mình từ bé, nên mình xem chúng nó như những vật có cảm giác, có linh hồn, có thể hiểu được tình quyến luyến, thiết tha của người lâu năm gần gũi.
Chắc chị Kiểm, chị Ngọc, chị Yên phải lấy làm lạ rằng mình đã về mà chưa tới với các chị ấy để hỏi thăm cho biết những sự thay đổi, biến hóa trong lúc mình đi vắng về trang sức, về trăm nghìn cái vụn vặt, tỉ mỉ, khong đâu của tụi gái vô công đổi nghề trong thành phố.
Mình không muốn đi đâu chỉ vì sợ đến chỗ nào, họ cũng «đọc» được những vẻ «sắp có chồng» trong mắt mình, trên bộ mặt mình thì thẹn chết! Không biết đàn ông họ có vợ rồi thì sao, chứ con gái mà có chồng rồi thì hình như thiệt thòi nhiều lắm, giá «ngàn vàng» không còn đáng một đồng trinh mới nữa, thành ra yếu thế như người thua trận. Hôm qua, cả vũ trụ là của mình, mình ngang nhiên, kiêu hãnh nhìn đời mà hôm sau đã buồn thiu như kẻ «mất tiền», thờ thẫn như tương tự, như nhớ tiếc, như hối hận vì đã làm một điều lầm lỡ gì trong đời không chuộc được. Mình hiểu thế cũng vì một hôm nghe ông chú mình – đã có tuổi mà hay khôi hài – nói:
- Gái có chồng như hàng bán «xon» (solde). 
Một hôm nữa mình đi mua lụa ở hàng Khay, gặp một người con gái rất đẹp, đẹp đến nỗi mình là đàn bà mà còn phải nhìn theo. Thế mà có hai công tử đi sau bấm nhau to nhỏ:
- «Nước mợ» gì mày! Ở phố tao trước, «có chồng» rồi đấy!
Rồi hai chàng không buồn nhìn con người quốc quắc ấy nữa, lạnh lùng đi thẳng.
Trên kia mình viết cái câu: «Quả tim – hai mươi mốt lần xuân chưa hề đập mạnh, chưa biết rung động cho một cuộc ái ân nào...» thì ra mình nói dối. Hôm nay, nhân xem lại những sách cũ, tình cờ bắt được một mảnh giấy nhỏ, trong có một chữ «coléoptère» to tướng – chính chữ mình viết – với hai cái dấu hỏi (??) liền nhau. Ở dưới có một hàng chữ đàn ông nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi tuy hơi bay bướm: «Se dit des insectes munis để quatre ailes dont les deux supérieures sont dures, impropres au vol, et recouvrent les deux autres». 
Hàng chữ nhỏ giảng nghĩa chữ to kia là của An. Phải, chính anh An đã viết sáu năm nay, ngày mình đi học với anh một lớp, ở một trường tư. Chữ «coléoptère» co lẽ là một chữ khó nhất trong một bài ám tả thi mà mình không hiểu, lúc làm bài phải nhờ An «gà» hộ.
Tội nghiệp, nhắc tới An bây giờ mình mới nhớ lại cả một quãng đời thơ ngây. Không biết An bây giờ ở phương nào, làm ăn gì, có khá không? Ngày bé, An là con một ông Ký ở cạnh nhà, vì An ngoan ngoãn, hiền lành, nên ông cụ mình vẫn để cho sang vườn chơi với mình luôn. Hai đứa thường chơi «đi trốn, đi tìm» và «vợ chồng». Chơi «vợ chồng» nghĩa là hái hoa lá ở vườn cắt ra làm cỗ cưới, tìm một quả ổi xanh làm lợn, bìa giấy xanh đỏ là bát đĩa, bẻ hai cái que làm đũa, rồi và, rồi ăn giả, rồi mổ lợn, giết gà, uống rượu. Lúc làm cỗ trân trọng, khéo léo làm sao thì lúc «phá cỗ» mau mắn chừng nấy. Đám cưới giản dị như thế mà cũng xong, mà cũng thành... vợ chồng. Bây giờ mới đến lúc làm nhà để ở. An thì xúc đất, quậy hồ (nghĩa là đổ nước vào đất vụn mà ngào) để trát vào mấy hòn gạch của Tuyết ghép dựng lại với nhau. Làm nhà rồi, thì Tuyết phải ở nhà trông con (con búp bê), mặc váy cho con, rửa ráy cho con, ru con, cho «bú tí»:
- Cho «nó» ngủ để tôi đi làm!
An bảo thế, và cũng có khi Tuyết «đi chợ mua ăn» thì lại giao con lại cho An ẵm:
- Trông «em» để tôi còn đi chợ làm cơm chiều kẻo muộn.
Những cái dáng nghiêm trang, trịnh trọng lúc ăn nói, đứng ngồi, cố tập, cố bắt chước người lớn ấy, bây giờ nghĩ lại mà buồn cười nôn ruột, mà cảm động.
Thế mà lúc lớn lên, đi học với nhau, An bẽn lẽn thẹn thùng hơn con gái. Động một tí là đỏ mặt, luống cuống. Hỏi câu gì mới nói, mà nói một cách ngượng nghịu vô cùng, có khi nghe không rõ nữa. Cũng vì thế mà ở lớp học ngồi cạnh nhau, có điều gì cần lắm mới hỏi đến An.
Bỗng một hôm, trong cuốn cách trí mà An cho mượn để chép bài, mình trông thấy ở phía trong bìa hai chữ A và T vòng với nhau. Ngày ấy An mười bảy tuổi, mà Tuyết mười lăm. Không hiểu sao mình bỗng đỏ bừng mặt lên, bồn chồn như vừa xảy ra một sự gì mới lạ trong đời. Có phải mình đã bắt đầu thoáng hiểu mùi vị êm đềm của «ái tình» – hai chữ «Ái Tình» viết hoa – Từ ngày trông thấy hai chữ «T – A» âu yếm quấn lấy nhau, từ ngày đọc được những ý nghĩ trong đôi mắt dịu dàng của An một đôi khi chưa kịp nhìn mình đã lẩn tránh?
Nếu An vẫn ở cạnh nhà, vẫn còn đi học với mình cho đến ngày nay? Ngày nay Tuyết đã hai mươi mốt tuổi rồi, mà An thì hai mươi ba. Đôi bạn đã thân, mến nhau từ nhỏ, đã cùng nhau học một lớp, đã cùng nghe tiếng đập đầu tiên của hai trái tim thành thực, đã nhận là «vợ chồng» trong lúc chưa hiểu được thế nào là vợ chồng, ngày nay liệu trông thấy nhau thì cảm tưởng ra sao? Ra sao thì không biết nhưng, «nói ví dụ» ví dụ An bây giờ là một người có địa vị hẳn hoi trong xã hội – vì bà cụ muốn thế – đến hỏi Tuyết làm vợ lúc này, thì có lẽ Tuyết không còn ngần ngại gì nữa, Tuyết nhận lời ngay. Vì An chẳng phải ai xa lạ mà e lệ, hãi hùng, vì An ngày xưa hiền lành như thế, chắc sau này chẳng bao giờ để cho vợ phải khổ vì mình, nhất là người vợ đó lại là người bạn gái mà An đã yêu mến, che chở khi xưa như một người em nhỏ tuổi hơn.
Nếu An là chồng mình, thì làm gì mình còn có những nỗi lo ngại này, làm gì mình phải ví sự lấy chồng với mọi thứ cực lòng, mọi điều sợ hãi. Tưởng tượng tối tân hôn: An và mình, nhìn nhau không thẹn thùng, không nơm nớp như hai người thù địch rình nhau từng lời, từng cử chỉ, mình gặp An như gặp một người bạn cũ vắng mặt lâu ngày, tay cầm tay, nhắc tới những ngày vui thủa nhỏ, sung sướng, ngây thơ, rồi đêm khuya, sóng giạt dào, yên lòng trao thân cho một người mình đã quen, đã hiểu tính tình, «đã yêu» – có nên dùng chữ «đã yêu» không – ngã mình trên cánh tay che chở của một người đàn ông đã che chở mình từ tấm bé.
Cảnh tân hôn như thế thì an ủi mình hơn là cảnh một người đàn ông xa lạ, mặc quần đùi nằm cạnh mình, trời ơi! Nằm cạnh mình! Nhưng biết rằng mình nhớ tới An, mà An có còn nhớ đến mình không? Hay An đã nghiễm nhiên là một ông chủ gia đình, vợ nọ con kia từ lâu rồi.
Mình chỉ còn nhớ mang máng được rằng lúc ông cụ đẻ ra An mất thì hình như nhà An túng quẫn lắm, bà cụ anh thường sang nhà mình giật tạm luôn, rồi bỗng An và bà cụ không ở đấy nữa, vì có người chú ruột buôn bán ở Sài Gòn gọi vào trong ấy. Một hôm mình tò mò lẻn sang cái nhà An bỏ trống cho thuê, đứng trước sự im lặng, lạnh lùng của những gian phòng không người, không đồ đạc, mình bỗng thấy buồn bã lạ thường. Lúc ra về muốn trào nước mắt. Không biết lúc ấy đối với An mình có lòng thương cảm, hay đã thực tình yêu? Hình như có cả hai thì phải.
Thế rồi, ngày tháng đi, không tin tức của người đi. Mình lớn lên mải vui cười với những ngày xuân tưng bừng tươi đẹp của cô gái «đến thì» cũng không mấy khi nhớ đến «ai». Người vắng mặt bao giờ cũng bị thiệt thòi.
Nhưng bây giờ giá An còn về kịp. Về kịp để cướp lại một người thủa xưa trên tay một kẻ thù địch nay mai sẽ đến. Về kịp trong lúc Tuyết đang phân vân lưỡng lự, không có ý định gì. An sẽ đấu gươm với «kẻ thù» trong khi Tuyết lấy tay che giấu mặt, sợ hãi, lo cho tính mệnh An. An sẽ thắng trận, bế Tuyết lên mình ngựa, thúc ngựa phi trên những con đường bụi đỏ, đi về một cái ấp, cái làng hẻo lánh nào đêm khuya còn một vài nhà le lói ánh đèn. An đỡ Tuyết xuống ngựa, gõ cửa một túp lều tranh xin vào ngủ trọ một đêm. Rồi bên một đống lửa rạ khô, ánh sáng lúc mờ lúc tỏ, hai người ngồi sát bên nhau, cảm động trao đổi cái hôn đầu tiên, trong khi ấy thì xa xa, trong xóm vắng, một con gà lên tiếng gáy... như thế thì thành ra tiểu thuyết hay chiếu bóng mất rồi. Nhưng, như thế mới thích hợp với tâm hồn mình, vì mình vẫn ao ước, chờ mong những sự ly kỳ. Vì mình vẫn không ưa cái cảnh đám cưới hiền lành, ô tô nối đuôi nhau từng lũ, đi trưng, riễu qua những phố đông đúc nhất Hà thành đi chậm chạp phân minh, trịnh trọng như một bác túc nho.
Việc hôn nhân mình chẳng muốn do sự thoả thuận của hai bên cha mẹ mà thành đôi một cách «đúng luật» đúng với lễ nghi xưa.
Mình muốn nó là sự phấn đấu của «đôi lứa» với trăm nghìn sự khó khăn cản trở, trái nghịch với họ hàng, cha mẹ và dư luận. Trước khi lấy được nhau, hai người đã phải thầm thương, trộm nhớ, đau khổ vì nhau, năm chìm, bảy nổi. Có thế sự sum họp của hai người sau này mới thành thiêng liêng, mới có ý nghĩa. Còn gì tầm thường, vô lý cho bằng đi lấy một người chồng mà mãi đến đêm động phòng mình mới thực nhìn rõ mặt – mà cũng chưa chắc, vì biết đâu đêm đó tắt đèn – Còn gì ngu ngốc cho bằng lấy một người vợ không phải tự ý mình kén chọn.

V

Sửa soạn

25 tháng mười 193...

Bây giờ thì nhà cửa bề bộn như một cái kho chứa hàng. Câu đối, hoành phi, ché, độc binh, tủ khảm, sập gụ, tranh ảnh, bàn, ghế, đồ đồng đều được lôi xuống để lau chùi, rửa ráy, đánh bóng. Tường thì kẻ chỉ, quyét vôi màu mới, cả đến cái mặt nhà trông ra phố bao nhiêu năm rêu xanh, mốc ẩm không ai để ý tới, bây giờ cũng được «trát» một lần «phấn» mỏng vàng.
Ông cụ thì cả ngày chỉ chăm cho mấy chậu lan quí, uốn nắn mấy cây si, sửa sang hòn non bộ, ra vẻ đắc ý lắm. Bà cụ thì có một vẻ mặt long trọng, vẻ mặt của bà chủ nhà thích bẻ bai đầy tớ, người làm, thích hoạch họe, chỉ bảo, bắt người ta phải theo đúng như ý mình mới hả. Nhưng có đứa nào nó theo đúng ý, có mặt đấy thì nó cạo tường, đánh đỉnh, lau sập, ra vẻ lanh lợi, chăm chú, siêng năng lắm, nhưng hễ quay lưng đi chỗ khác thì chúng nó uể oải, cười chuyện với nhau, khúc khích như ranh.
Các cụ thì bảo cho làm cẩn thận thế để ăn tết luôn, nhưng mình thì mình hiểu mười mươi là chỉ để đợi ngày «đại lễ». 
Tội nghiệp! Trông thấy các cụ vui vẻ sửa soạn, rộn rịp lăng xăng, lo lắng vì mình mà mình cảm động. Các cụ trông mong cho mình chóng có chồng như người trong đợi một cái hạnh phúc ích kỷ. Nhưng rồi mà xem, lúc mình đã đem theo với mình về nhà chồng tất cả những sự vui, tươi, tất cả tiếng cười, giọng nói, các cụ sẽ phải bùi ngùi, nhớ tiếc... 
Bây giờ, mỗi ngày đến hình như đã đưa mình vào cái phần số, nhất định ngang trái với ước nguyện mình rồi. Thôi thế là xong! Cũng xong! Nói như những người thất vọng tự an ủi. Mình đành chịu nhận cái cuộc đời sắp tới chứ biết sao? Anh An ở đâu, bao giờ về? Làm sao mà biết mà chờ đợi được?
Cái «người ấy» đã đến rồi đấy, người «thù địch» của An.
Mà người ấy đã đến đây từ năm ngoái, đến với một bà cụ – bà cụ là mẹ thì phải – nhưng nào mình có để ý. Đến nay để ý thì mới biết là người thường đến chơi nhà. Anh chàng, mình trông, không đẹp, không xấu, không đáng ghét lắm. Nhiều lúc nhìn trộm mình, mình vẫn tự nhiên như thường, không bối rối, không đỏ mặt, vì mình nghĩ: «Thì trước sau gì rồi cũng phải có một người, không anh này thì cũng đến anh khác, mà anh khác đã vị tất bằng anh này». 
Vậy thì anh chàng tốt số kia ơi! Anh đã nắm phần chắc trong tay rồi đấy! An của tôi xa lắm, như chim trời bay bổng, biết bao giờ về?
Anh không phải lo ngại gì nữa.
Tôi bằng lòng lấy anh rồi đấy.
Mà bà cụ tôi chắc cũng bằng lòng lắm, sung sướng đến khóc được, vì «anh làm thư ký phủ Toàn quyền»! Có con rể làm «Toàn quyền» – chứ không phải thư ký Toàn quyền, trong bụng bà cụ nghĩ như thế – thì ai mà không khóc?

VI

Chị Cả

 15 tháng mười 193...

Chị Cả lấy chồng ở Sơn - Cũng một ông thư ký, thư ký tòa Sứ - nghe tin, đã về để mừng và để sắm sửa cho mình. Kể đồ trang sức và quần áo thì mình đã có thừa, nhưng cứ phải mua, phải sắm thêm, có thế mới ra vẻ rộn rịp sắp lấy chồng. Chị Cả đưa mình đi các hiệu vải, hiệu may, rồi tối đến ngồi trong buồng mình, hai chị em thủ thỉ nói chuyện, may vá, đến khuya mới đi ngủ. Ngày trước mình hỏi chị Mão về «nỗi bối rối của đêm đầu với người chồng lạ», chị ấy chế mình, thành ra mình xấu hổ không dám đụng đến chuyện ấy nữa. Bây giờ có chị Cả về, mình phải liệu lời «phỏng vấn» khéo chị ấy cho biết, kẻo ngày đêm canh cánh bên lòng. 
Chị Cả ngày xưa lấy chồng lại còn khổ hơn mình bây giờ nhiều. Chồng thì ở tận Sơn nhờ người mối lái, đánh tiếng, đánh tăm mãi, rồi lúc nhận lời mới được rõ mặt chồng. 
Thế mà bây giờ đã có hai đứa con mà hình như chị ấy an phận lắm, chẳng bao giờ thấy phàn nàn, kêu ca gì cả.
Đêm qua, khép chặt cửa phòng, ngồi bên chị Cả, mình mới đánh liều hỏi chị:
- Chị Cả! Chị đã trải qua cảnh chồng con rồi, em mới hỏi, có lúc nào chị nghĩ đến sự đau tủi vì phải chung chạ cuộc đời với một kẻ mà thực lòng mình không yêu không? Vì em biết, ngày xưa anh ấy và chỉ có yêu nhau trước khi cưới đâu!
«Ví dụ như em bây giờ nay mai em nhất định phải lấy người đối với em chưa có một chút tình cảm gì ở trên đời, vậy thì sau này em có phải chịu nhiều đau đớn về những sự... chung chạ, miễn cưỡng, bắt buộc – vì là bổn phận - không?»
Chị Cả giật mình, đỏ mặt nhìn mình, không ngờ mình lại hỏi chị một câu kỳ quặc như thế làm cho chị bối rối. Nhưng rồi chị cũng trả lời:
- Chị thì bây giờ hình như chị cũng không nhớ rõ những việc đã qua nữa. Từ ngày có các cháu thì chị đã quên hết, chỉ để ý đến việc thương con. Nhưng, đi lấy chồng, người đàn bà nào chả có những sự miễn cưỡng nặng nề ấy. Mình phải can đảm mà chịu cho qua đi, rồi lúc có con, mình khuây hết. Mà đàn ông họ cũng «khéo chiều» mình lắm. Họ coi mình như một người bạn quý, quý hơn hết mọi người đàn bà họ đã yêu rải rắc trong đời, vì người vợ hơn một người tình, người vợ là một người «nội trợ», một người mẹ của gia đình, trông nom, săn sóc đến gia đình người ta như bà mẹ người ta ngày trước đã trông nom, săn sóc. 
Lúc mình đã có cái ý nghĩ trong sạch, thiêng liêng ấy trong đầu thì mình mới hiểu rõ được cái trách nhiệm quan trọng của mình, mình mới rõ rằng: «Đàn bà chúng mình đi lấy chồng, thường chỉ nghĩ đến lợi, chỉ muốn được tự do, nhiều tiền của, có danh giá, có nhiều đồ trang sức để đua đòi với chị em, có thế thôi. Đàn ông đi lấy vợ họ thành thực hơn đàn bà nhiều.»
Chị Cả bảo thế mà mình cũng chưa yên dạ. Mình lại được dịp biết thêm rằng: «Con gái đời bây giờ khác con gái ngày xưa nhiều lắm. Ngày xưa họ thật thà quá, họ chẳng biết lo ngại là gì. Quả tim của họ trao cho người một cách dễ dàng quá. Họ dễ an phận quá!» Thực đúng như lời chị Mão thường nói:
- Con gái đời bây giờ thực «khó chịu» cho các «đấng phu quân».

VII

Những ngày cuối cùng

 25 tháng chạp 193...

Những ngày cuối cùng của «đời con gái» mình sao mà buồn thế. Mưa rả rích suốt ngày, trời rét, được hôm nào tạnh ráo thì mây đen u ám khắp trời.
Hôm nay đóng cửa phòng nằm xem truyện «Đoạn Tuyệt». Nghĩ thương Dũng quá, à quên thương An quá. An cũng như Dũng, một thiếu niên phiêu bạt, nay giữa rừng, mai đầu sông, theo đuổi những chí nguyện anh hùng, chôn sâu một mối tình tuyệt vọng trong lòng, gượng vui quên thảm mà làm việc.
Nhưng kết cục một buổi kia, trong khoang thuyền nhỏ, chếnh choáng hơi men, thảo một bức tâm thư gửi về cho bạn, đã được Loan âu yếm, ép vào bên ngực, sung sướng đi vào đêm tối, đi dưới mưa sa, gió lạnh mà vẫn thấy cõi lòng ấm áp vì đã được «đoạn tuyệt» cũng đời cũ, sắp cùng ai nối lại duyên xưa. Còn ta, mối duyên xưa đến ngày nào thì nối lại? Biết ngày nào cho «Dũng của ta» trở lại đây?
Biết sau này, lúc đũa đã có đôi liệu mình gặp «người cũ» có giữ được lòng, mà không đến nỗi thất tiết cùng chồng không?
Giá cuộc đời mà có thể làm lại, có thể tháo bỏ được như một bức thêu lỗi chỉ, thì mình quyết sắp đặt như thế này:
«Mình sẽ chờ An cho đến già cũng được.» – Nhưng chắc không đến nỗi thế – mình sẽ nhắn cho An biết. An sẽ gắng chỉ làm việc cho có tên tuổi, có địa vị lừng lẫy với đời, cho xứng đáng với tình yêu của mình, rồi một ngày kia An trở về đây, mình có thể giới thiệu với bà cụ:
- Đây là người bạn cũ của con, mẹ đã biết rất xứng đáng là chồng con. Nhưng cuộc đời đâu có phải là bức thêu lỗi chỉ.
 Thiếu trang 39 và 40...
Chú rể mình xem... cũng là một người chồng dễ bảo, hay chiều ý vợ – mà chàng chiều thì nói sao? Vợ mới kia mà!
Chú rể tuy đã ngoài 30 tuổi, nhưng trong cũng lanh lẹn, áo quần chải chuốt, cử chỉ ôn tồn, nói tóm lại: một người đã trải đời, lịch thiệp.
Sinh mặt một bộ quần áo ngủ vừa vặn sát người bằng lụa. Lúc Sinh mở cửa buồng vào, mình thoáng ngửi thấy một nước hoa lạ, làm cho mình bối rối. Sinh cử chỉ rất tự nhiên, nói chuyện rất dễ dàng. Sinh xin phép hút thuốc, rồi để tay lên trán xem «em sốt ra làm sao». Mình rùng mình, gạt nhẹ tay đàn ông đụng vào người, sợ quá!
Thế rồi Sinh bảo mình đi nằm kẻo khuya rồi mệt, mai còn dậy sớm. Sinh mở cửa sang phòng bên cạnh còn quay lại bảo:
- Mợ có cần gì cứ gọi tôi!
Nhưng mình không cần gì cả, cởi áo đi nằm, nghĩ tới «Dũng lúc này ngồi một mình trên chuyến xe lửa đêm đi Yên Bái, đương mở cửa sổ nhìn ra những giải rừng mù mịt chạy nối tiếp nhau ở chân trời». À quên nghĩ tới An chứ, nghĩ tới An lúc này ở Sài Gòn – hay ở đâu cũng không biết nữa – lạnh lùng bước trên hè vắng, không ngờ rằng Tuyết của mình đã «ôm cầm thuyền khác».
Cứ thế rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, lúc mở mắt ra đã thấy sáng rồi, mà Sinh thì đứng ở đầu giường tự lúc nào, tủm tỉm cười, làm mình thẹn quá.
Trang điểm, thay quần áo, ăn cỗ rồi đi lại mặt «nhị hỉ». Loanh quanh, luẩn quẩn đã đến chiều, rồi tối.
Tối đến, mình lại ngồi trong phòng ngủ một mình. Chân bông, nệm gấm, màn tuyn, ấm áp, êm đềm, ánh đèn sáng dịu, mà sao lòng mình vẫn thấy lạnh lùng, trống trải? Mình bỗng đâm nhát sợ như đứa bé con đêm khuya thức giấc dậy thấy nằm trơ trọi một mình không có bàn tay của «u già» mơn man, vỗ về, an ủi. Mỗi một thứ đồ vật trong phòng, hình như giấu kín một sự bí mật. Mình sợ từ cái giường rộng, đệm trắng tinh không có một nếp dán, sợ cả đến những bức ảnh lạ mặt, treo trong phòng như nhìn mình bằng những con mắt lãnh đạm, sợ cho cả cái đời hiện tại của mình, xa nhà, xa bố mẹ, xa... An. Rồi không hiểu sao, mình thấy nước mắt cứ trào ra, mình gục đầu xuống chiếc bàn con mà khóc như một cô bé có điều uất ức trong lòng.
Giữa lúc ấy thì Sinh đi đâu về, mở cửa vào phòng. Sinh chạy lại bên mình vuốt ve, khuyên giải. Mình không còn nhớ lúc đó Sinh khuyên giải mình bằng những câu gì, nhưng hình như lúc đó, những cái vuốt ve nhẹ nhàng của Sinh, những lời êm ái của Sinh đã thấm thía, đã đi thẳng vào quả tim yếu đuối của mình. Một lát sau, mình đã ngả đầu trên vai Sinh, rồi sáng dậy, mình thấy mình nằm cạnh Sinh, ngoan ngoãn như một cô bé con cả ngày đùa nghịch, đến đêm đã ngủ một giấc ngon lành. 
Thì ra đàn ông không phải là những vật đáng ghê sợ lắm. Trái lại họ còn dễ bảo, dễ yêu như con miêu tâm thể «Bích Thu» của mình ở đằng nhà.
Bây giờ mình mới vỡ nghĩa cái câu: «Tôi định lấy Cường, vì tôi thích Cường của chị Mão ở Sầm Sơn ngày trước».

X

Dũng

8 tháng hai 193...

Nếu mình là một người đàn bà vô tình, dễ quên, ít tưởng tượng thì có lẽ mình đã hoàn toàn sung sướng. 
Mình chẳng còn thiếu gì nữa. Một người chồng đủ tư cách, yêu thương mình. Một cảnh nhà yên lành, dễ chịu. Mình sống trong vòng tự do, sống trong cảnh đầy đủ của đời vật chất.
Thế mà mình vẫn chưa yên phận được. Hình như trong đời vẫn thiếu thốn một sự gì. Một mối buồn mỏng mảnh, bâng quơ vẫn đến ám ảnh mình, làm cho Sinh một đôi khi thoáng hiếu cũng thấy buồn lây. Cái nó làm cho mình phải băn khoăn trong dạ, làm sao mà tả được, hay chỉ tả được như thế này:
Mình lấy làm tủi phận vì được sung sướng với một người không phải tự «tiếng lòng» chỉ bảo. Trong những phút ái ân mặn nồng nhất với chồng, bao giờ mình cũng có những ý nghĩ bất chính trong đầu, bao giờ mình cũng nghĩ: «Nếu những cái vuốt ve mon trớn này là của An thì nó ra sao?».
Hình như trong đời có một thứ tình yêu vô giá mà mình không bao giờ được biết nữa: Cái tình yêu của một người mình yêu nhất trên đời. Đó là những ý nghĩ nguy hiểm cho người đàn bà đã có chồng, có thể làm lung lay nền hạnh phúc.
Từ ngày mình lên chức «bà» thì ngày tháng hình như chóng hết quá. Thế mà đám cưới mình, mình tưởng đâu vừa mới hôm qua. Mới ngày nào còn là cô con gái ở bờ bể Sầm Sơn lo ngại về tương lai, mà nay đã là một người đàn bà từng trải việc chồng con. Hạ tàn, thu, đông qua rồi xuân tới. Xuân tới với những cành đào nở hoa đỏ ối, với những bông cúc vàng rực rỡ, với tiếng pháo nổ vang trời mấy ngày tết, như hôm cưới mình.
Bây giờ thì Tết cũng qua rồi. Cũng qua nốt giấc mộng thần tiên bấy lâu mình mơ tưởng. Mình đã tỉnh mộng một cách xót xa. Vì «Dũng» đã về, vì An đã trở lại Hà thành.
Một buổi chiều mình mở cửa sổ, vẩn vơ nhìn xuống đường, nhìn người qua lại trên hè thành phố. Bỗng, một người đàn ông đang đi, tự nhiên dừng lại trước nhà. Người ấy đội một chiếc mũ bạc màu, mặc một bộ quần áo nát nhầu, vẻ mặt tiều tụy, chán nản, buồn rầu, nhìn lên cửa sổ. Mình còn đang ngạc nhiên chưa nhận ra ai, thì người ấy đã lật đật cúi mặt xuống, rồi rảo bước đi mà không quay cổ lại. 
Dũng! Người ấy là «Dũng của mình». Người ấy là An, nhưng một anh An xấu xí, già đi nhiều lắm, đã có râu xanh xanh ở mép và cầm. Một anh An đã bị thương vì phấn đấu phí công, phí sức với đời, một tên lính bại trận, một thanh niên già trước tuổi già, ốm mòn, không có vẻ tinh anh thủa trẻ, không còn nghị lực, không còn hy vọng ở tương lai.
Không biết An có nhận Tuyết của An ngày trước nữa không? Nhưng Tuyết thì Tuyết vẫn nhận ra An được. Tuyết đã đoán ra được rằng từ buổi xa nhau, An không được sung sướng lắm. Đời đã cướp hết phần hạnh phúc của An rồi, mà Tuyết và An ngày nay tuy gặp nhau nhưng lại cách xa nhau nhiều lắm. Một cái hố sâu đã ngăn cản hai người. An không phải là «người trong mộng» của Tuyết nữa rồi. Thà An đừng gặp Tuyết còn hơn. Vì như thế, Tuyết còn giữ lâu trong lòng được cái hình ảnh một thanh niên dịu dàng, tươi tắn, thông minh, mạnh mẽ, ngày xưa. Cái hình ảnh của An ngày nay đã làm tan mất mối tình cảm ngày trước rồi. An không còn là An nữa rồi. An bây giờ là một người khác rồi, một người mà đàn bà không yêu được, hay có yêu nữa cũng là yêu gượng mà thôi. Ai bảo An không cố gắng cướp lấy phần phú quý cho đời mình? Ai bảo An lại trở về tiều tụy thế? Biết làm sao được? Thôi, ta với An từ nay cũng «đoạn tuyệt» rồi!
Chiều qua Sinh đi làm về mua cho mình một gói kẹo «li cơ» (liqueur). Mình cảm động, nghĩ thương chồng bấy lâu săn sóc tới mình, mà mình chẳng thực tình yêu. Đêm khuya nằm cạnh Sinh, trong phòng ngủ êm đềm, tự nhiên lòng mình thổn thức, rồi đem tâm sự kể cho Sinh hay. Sinh nghe lúc đầu có ý không vui, mặt cứ xám dần. Nhưng đến đoạn cuối thì chàng mừng rỡ, từ nay chàng hẳn yên lòng. Sinh đã tha lỗi cho vợ bằng một cái hôn đậm đà trên đôi môi son thắm. Một ngày kia lúc mình và An đều có tuổi cả thì hẳn An không bao giờ còn trách mình, vì An sẽ nghĩ: Tuyết là đàn bà...
Đúng như một câu hát tiếng Pháp mà ngày xưa chị Mão thường hát trên bờ bể Sầm Sơn: «Je suis femme, voilà mon défaut».  (Em là đàn bà, em chỉ có cái lỗi ấy thôi.) «Những dân tộc thái bình, sung sướng, không làm gì có lịch sử.» Những người vợ đẹp được chồng yêu cũng không còn chuyện gì mà kể nữa. 
Vậy thì, tập nhật ký của mình đến đây cũng nên chấm dấu cuối cùng.