ăm ấy, nghĩa là năm tôi còn là một tên học trò «tiểu tốt», lười nhác nhất đời, từ một tỉnh nhỏ miền nam cách Hà Nội độ một đồng tư bạc tàu «khứ hồi hai lượt» - nói như các ông Lý Toét – lễ mễ vác xuống sân ga Hà Nội một cái hòm gỗ đựng nửa phần giấy lớn và tiểu thuyết trinh thám Sà Goòng, với lại vài bộ quần ao ta không lấy gì làm tương lắm. Năm ấy, tôi bắt đầu làm quen với Hà thành và bắt đầu làm thân với ba «tên» nữa cũng ở các tỉnh đến «du học» như tôi, cũng ba thằng tiểu tốt, lười học nhất đời và ham chơi đặc biệt. Ở đời, những cái «óc lớn» (grand esprit) thường gặp nhau, cho nên sự gặp gỡ của bọn thằng quỷ sống ở nhà bà Quyền Vũ cũng không lấy gì làm lạ. Bà Quyền Vũ cố nhiên là một người đàn bà, ngoài bốn mươi tuổi, khô như con mắm, gầy như cái que, mười lăm năm chuyên môn thổi cơm hàng cho học trò các tỉnh. Chồng bà, cố nhiên là một ông Quyền, hay hơn thế nữa, là một đấng «yêng hùng» chết trận «Vẹt đoong» (Verdun) bên mẫu quốc, để lại cho bà một «mụn» con gái mà hồi bấy giờ chúng tôi cho là «được» lắm! Ngày nay, nhắc lại chuyện xưa, tôi còn có thể hình dung được ngôi nhà mà mấy năm trời chúng tôi chen chúc với nhau một cách «tâm đầu ý hợp», ngôi nhà mà, ngày nay, than ôi! Họ đã phá đi rồi, để thay cho một cái mặt hàng kiểu mới, ngôi nhà hẹp bằng bao diêm, trên gác kê hai tấm phản vừa vặn đến nỗi khi ngủ, chúng tôi phải nằm kiểu «úp thìa». Còn dưới nhà là cửa hàng tạp hóa táp nham, kim chỉ, guốc dép, khăn mặt, thuốc lá... lung tung của cô con gái bà Quyền Vũ. Bà Quyền Vũ lấy chúng tôi mỗi tháng tám đồng bạc cơm. Cứ đến cuối tháng là bà hỏi han, săn sóc đến chúng tôi một cách thiết tha hơn con đẻ. Vì trong bọn có Kỷ và Hoành, hai ông tướng «chây» tiền cơm và tiền học nhất. Mà cũng không trách được vì sao chúng nó hay chây, nhà mỗi tháng chỉ gửi cho có mười lăm, mười sáu đồng bạc là cùng, tiền học: bốn đồng, tiền cơm: tám đồng. Thế thì còn lấy gì để mà thuốc lá phì phèo, để mà quà sáng, quà trưa, quà tối? Lại còn chiếu ảnh? Ấy may mà ngày ấy Hà thành còn chưa có thú «nhẩy», không có thì còn là »vỡ nợ». Không hiểu sao về cái vấn đề gửi tiền cho con ăn học ở Hà Nội, các cụ «bô» ở nhà khéo bảo nhau, khéo đồng ý thế? Cứ cuối tháng là chúng tôi nhận được thư nhà, lần nào cũng kèm «măng đa» (mandat), mười lăm đồng, đến mười sáu là cùng, ít khi có hai chục trong tay. Cho nên Kỷ và Hoàng đã nổi tiếng là những tay «ăn xài lớn». Mỗi lần lĩnh tiền rồi, trông thấy tập giấy bạc nằm trong tay rõ ràng mà không được tiêu, lại phải đem đi trả tiền cơm, tiền học, thì chúng nó thường «hoa mắt» lên, hai thằng ông mãnh đánh lưỡi đến «tặc» một cái. Thế là a lê hấp! Lên hàng Buồm, ăn cơm tàu cho sướng miệng, rồi nghỉ học luôn một tháng, ngày ngày vác sách đến Bách thú ngủ gật cho tỉnh, hay đùa với khỉ đề «giết thì giờ». Thứ «Trung kỳ» thì không thế. Hắn là con một nhà giàu xứ Huế, mỗi tháng nhà thường gửi cho những hai mươi nhăm đồng, ba chục. Cho nên chẳng bao giờ nó phải cái cảnh trốn học, chây tiền cơm. Nó chỉ phải hai tật xấu: hễ đặt mình là ngủ, có khi quên cả giờ đi học là thường. Và nghiện... phở. Phở, lúc nào nó ăn cũng được: sáng dậy, giữa trưa, vừa cơm nước xong, chập tối, khuya, dạ dầy nó sẵn lòng dung nạp. Chẳng thế mà có lần tính sổ, thằng hàng phở quen đã được lĩnh luôn một lúc mười một đồng. Mười một đồng bạc phở! Hình như trong Huế thứ quà này không làm cho nó ngon miệng bằng ở đây. Thứ «Trung kỳ» không những giầu tiền mà còn nghĩa hiệp. Hắn đã cứu anh em nhiều lúc nguy nan, nghĩa là nó đã thết, đã mời, đã «bao», đã cho vay không cần trả lại, những khi anh em vung tay quá trán sờ vào túi không còn một hạt bụi. Cho nên trong những cơn «khủng hoảng», trong những lúc khó khăn bối rối về «vấn đề tiền tệ», chúng tôi thường nghĩ đến nó như một vị cứu tinh. Kỷ thì thực là một thằng lắm tội. Không những hay tiêu liều, hay trốn học, hắn lại còn nghiện thuốc lá nặng nên hẳn nhiều phen rất khổ. Những khi anh chàng thèm thuốc, mặt mũi buồn thiu, thì cậy răng hắn cũng không buồn nói. Trái lại, hôm nào róc rách trong túi có tiền, có hơi thuốc, là hắn nói suốt ngày như vẹm. Bởi thế cho nên cố «cảm» cho kỳ được cô con gái bà Quyền, vì ở hàng cô không thiếu gì những gối Mélia giấy đỏ. Tôi còn nhớ, có một đêm, Kỷ nhờ tôi nghĩ hộ một bức thư để gửi cho cô Tỵ – tên con gái bà Quyền – vì ngày thường hắn vẫn phục tôi về khoản «văn thơ». Văn thơ! Mà nhất là thư tình! Hừ, Kỷ đã gãi vào chỗ ngứa của tôi rồi! Các ngài ạ, thì ra tôi có khiếu văn thơ từ ngày bé. Tôi còn nhớ mang máng, không biết có phải ngày xưa lúc lọt lòng ra đời, tôi không khóc oa oa như những đứa trẻ khác, mà hình như tôi đã ngâm được hai câu thơ đầu trong quyển Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du rồi! Vì thế, nhớn lên đi học, truyện Kiều, tôi thuộc như cháo chẩy. Lắm lúc tôi tưởng tượng như chính tôi là một quyển Kiều. Bất cứ văn, bài, thư cho bạn, cho nhà, khi nói chuyện, thế nào tôi cũng vận cho được hai câu thơ vào mới hả. Có một lần, ông giáo ra bài đầu luận quốc văn là: «Tả cảnh mùa thu». Thế mà tôi cũng «tương» ngay vào bài được hai câu: «Thanh minh trong tiết tháng ba Lệ là tảo mộ, gọi là đạp thanh...» Không biết trong bức thư tình viết hộ Kỷ ngày ấy tôi đã viết những câu gì mà khiến cô bé đến rơi nước mắt được, nhưng chắc thế nào cũng có câu: «Người đâu gặp gỡ làm chi? Trăm năm biết có duyên gì hay không?» Thư như thế mà «ăn câu» chứ! Các ngài hẳn lấy làm lạ? Nhưng chính sự thực như vậy. Hồi bấy giờ các cô thiếu nữ ngây thơ, dễ cảm, chứ không ranh mãnh như các tiểu thư ngày nay. Hồi bấy giờ, truyện Kiều là sách đầu đường của nam nữ thiếu niên. Cho nên hồi bấy giờ mới có người thâm thúy bảo: «Nước ta là Kim Vân Kiều quốc, mà người nước ta là Kim Vân Kiều nhân» vậy. Thế rồi từ đấy Kỷ không phải lo về nạn thiếu thuốc hút, vì mỗi bức thư lời lẽ văn hoa, chải chuốt đầy tình thương nỗi nhớ sau này đều kèm thêm một dòng chữ nhỏ: «Em nhớ bảo đưa lên gác cho anh một gói Mélia». Năm ấy, không hiểu sao bọn «tứ bất tử» chúng tôi bỗng nẩy ra cái ý đồng lòng ở lại ăn Tết Hà thành. Chẳng anh nào muốn về quê cả. Chúng tôi đều viết thư về nhà xin thêm tiền để ăn tiêu mấy ngày Tết cho thỏa thích. Không biết những ông bạn quý hóa của tôi đã viện những lẽ nghiêm trọng gì đến nỗi không về quê ăn Tết với bố mẹ được. Còn riêng tôi thì tôi đã cố bóp đầu nặn óc mãi mới viết được một bức thư gửi về nhà xin tiền mà tôi cho là quỷ quyệt, khôn ngoan lắm. Bức thư ấy đại khái như thế này: «Thưa thầy đẻ, «Tết năm nay, con không về quê ăn Tết với thầy đẻ được cũng là không phải lắm. Nhưng, vì sự học hành bắt buộc, ra giêng con phải thi, nhiều bài vở khó khăn chưa học kip. Bởi vậy con muốn ở lại Hà Nội với mấy người bạn cùng lớp để học với nhau cho có bạn, và tiện việc chỉ bảo nhau. «Thầy đẻ gửi thêm cho con năm đồng mua sách để học, hai đồng rưỡi để mua một cái mũ giạ mới vì mũ cũ hỏng rồi! Và thầy đẻ cho con thêm ba đồng nữa để tiêu mấy hôm Tết. «Con bất hiếu, «Bái thư» Thư gửi đi rồi, cả ngày hai mươi tám Tết, hết ra lại vào, ngong ngóng mãi bác đưa thư nhà giây thép. Mãi đến chiều mới nhận được hai cái, một cái của Thứ và một cái của tôi. Tôi đưa cho Thứ, chờ cho hắn bóc ra xem trước đã. Lúc tôi thấy nó lôi trong phong bì ra một cái «măng đa» năm mươi đồng, tôi choáng cả người. Nhà giầu có khác, thương con ở xa ăn Tết, gửi cho một lúc từng ấy tiền, tiêu gì cho hết? Mình vừa nghĩ thế, vừa run tay bóc thư mình: - Nào còn thư của mỗ? Tôi giở lối tuồng, trân trọng như ông tướng Quảng lạc lúc nhận được chiến thư, bóc ra xem, nhưng tôi tái người đi, xuýt ngất! Vì cái thư mà tôi mong chờ gần một tuần lễ nay, cái thư mà tôi hi vọng sẽ đến với bao nhiêu hi vọng tốt tươi nóng sốt, cái thư ấy chỉ có ba dòng, tóm tắt: «Tiền cơm, tiền học tháng này mẹ mày đã gởi ra rồi. Đây gởi thêm cho hai đồng nữa để đi tầu. Thu xếp về ngay, không tao đánh chết!» Tôi tức uất người lên, dơm dớm nước mắt. Đánh chết? Ừ thì ra mà đánh chết. Tôi nhất định cứng đầu ở lại xem sao. Thế là đi lĩnh số tiền hai đồng rồi ở lỳ luôn với bọn anh em. Nhưng còn Hoành và Kỷ? Thì hai đứa ấy đã bảo nhau tiêu ngầm cả tiền học lẫn tiền cơm đâu từ đầu tháng. Lúc này còn hòng gì nhận được thư nhà. Hỏi đến mặt mày tiu nghỉu, móc mãi túi thằng Hoành chỉ còn thấy có năm đồng. Năm đồng? Trời! Thế thì chết với bà Quyền. Tết nhất đến nơi, bà ấy cần tiêu mà dằn vặt mãi hai ông tướng cứ trơ như tượng gỗ. Hai đứa mười sáu đồng! Đối với bà Quyền, một người đàn bà gắt như mắm, coi đồng xu bằng cái mâm, mà hai đứa chây những mười sáu đồng giữa tháng Tết, thì ăn ngồi sao yên với bà được? Thôi thì cả ngày bà nói cạnh, nói khóe, mắng chó, đánh mèo! Mặc! Kỷ và Hoành vẫn cứ ôm nhau nằm đắp chăn bông, chùm kín cả đầu mà ngủ, ngủ hết ngày này sang ngày khác, ngủ đến hai mươi chín Tết, thì, chừng chừng Thứ «Trung kỳ» cũng sốt ruột lây, «nghĩa hiệp» bỏ tiền ra trả thay cho bạn. Hoành và Kỷ chỉ còn thiếu công kênh Thứ lên trời! Từ đấy, hai ngài mới lại đi, lại, ra vào nhìn mặt bà Quyền một cách khinh thường, kiêu ngạo. Lần này thì bà Quyền lại đấu dịu. Thấy anh nào cũng sòng phẳng, hẳn hoi rồi, bà mới vồn vã, chăm nom cơm nước cho chúng tôi như một người mẹ quý. Rồi ba mươi Tết đến, bà ngọt ngào nói với chúng tôi: - Các thầy năm nay ở đây ăn Tết với chúng tôi thì vui vẻ quá! Tôi đã bảo cháu nó gói thêm bánh chưng để các thầy xơi. Rồi bà cười một thôi «hi... hi... hi...» lạt như nước óc. Kỷ và Hoành bấm nhau nói nhỏ: - Thế chưa có tiền thì liệu hôm nay có vui vẻ thế không? Tối ba mươi, cơm nước xong, chúng tôi đi lượn phố. Lúc ra cửa, bà Quyền đã phải dặn đi, dặn lại mấy lần: - Các thầy hôm nay đi chơi, xin về sớm cho. Đừng đi khuya như mọi hôm, vì mười hai giờ, giao thừa rồi các «bố» mới bò về, các «bố» lại xông nhà tôi thì đừng trách đấy! Tôi đã mượn được người tốt vía xông nhà tôi. Quá mười hai giờ là các thầy ngủ ngoài đường, tôi không cho mở cửa đâu. Nhớ đấy! Năm mới đừng để tôi giận. Tôi quên chưa nói là tụi chúng tôi thường đi chơi khuya, ít nhất là mười hai giờ, không thì một giờ, hai giờ sáng mới chịu về cho. Hôm nào có con gái bà Quyền, nằm ngay cửa hàng, cũng phải mất giấc ngủ ngon để mở cửa cho «lũ ôn». Vì vậy, nên tối hôm ấy, bà Quyền phải dặn chúng tôi kỷ càng như vậy. Chúng tôi mà xông nhà cho bà, thì thực là tai hại! Cả năm bà còn làm ăn buôn bán, phát tài thế nào được với cái «vía» của những thằng «trời đánh không chết» như chúng tôi cả năm chây nợ, trốn học, nói tục, ngủ trưa, ăn quà như thánh! Nhưng, trái với lời dặn khẩn khoản của bà Quyền, chúng tôi nhất định đi chơi đến quá một giờ mới về, hỏi Kỷ và Hoành, hai đứa muốn báo thù cho được bà Quyền, vì nỗi dằn vặt chúng nó mấy bữa đến mất ăn mất ngủ. Thứ «Trung kỳ» thi sợ phải ngủ đường thực nên lo lắng hỏi: - Thế nhỡ bà ấy không cho vào thực? Kỷ bĩu môi, đáp: - Không ngại! Thế nào bà Quyền cũng phải mở cho chúng ta vào. Tôi bảo thế! Đã có cách, rồi các anh xem! Quá giao thừa về đập cửa, xông nhà bà Quyền cho kỳ được trước khi có người «tốt vía» xông nhà, cai «cách» mà Kỷ đã nát óc nghĩ ra để trả thù là, giả vờ ngộ cảm «phải gió», vì đi đêm bị lạnh, để cho cô Tỵ, người yêu của hắn phải hoảng hốt, động lòng thương. Đúng một giờ đêm thì chúng tôi đập cửa nhà bà Quyền một cách khẩn cấp. Cô Tỵ nổi giận, choàng dậy, léo nhéo: - Mời các ông đi cho, mai hãy về, me tôi bảo thế! Nhưng Hoành đã líu mồm, líu lưỡi, ra dáng cần kíp, luống cuống, nói qua khe cửa: - Cô mở mau cho... anh Kỷ làm sao ấy! Hình như ngộ cảm... đương đi chơi với chúng tôi bỗng ngã gục xuống đường... mở mau để «khênh» anh ấy vào nhà không có gió máy thì nguy bây giờ. Một cái then cửa rút. Cả bọn cùng ùa vào như nước chảy. Cô con gái bà Quyền vì quá thương Kỷ, mở cửa cho «quỷ sứ» xông nhà đã phải chịu nghe mẹ chửi suốt đêm hôm ấy. Còn chúng tôi? Chúng tôi bò ra giường mà cười, sung sướng như một đám quân thắng trận, ích kỷ như... một tụi học trò trẻ tuổi. Chúng tôi ca hát rầm nhà như lũ hóa điên, ca những bài «vọng cổ» khổ ngày xưa, để cho bà Quyền đã điên tiết vì con gái dại, lại càng điên tiết! Rồi, ra giêng, chúng tôi cũng vác hòm đi tìm một nhà trọ khác, một bà Quyền Vũ khác – chẳng thiếu giống ở đất ngàn năm – mười lăm năm thổi cơm hàng cho học trò các tỉnh. Vì không nói, các ngài cũng đã thừa hiểu, là bà Quyền đã không còn kham nỗi chúng tôi, bà đã dùng gạo muối mời chúng tôi đi, để lại rước vào nhà vài ba tên học trò khác, ban đầu con chịu được, nhưng ở lâu ngày lại thành ghê gớm hơn tụi chúng tôi, lại nghĩ thơ để chim con gái bà lấy thuốc hút chơi, lại chây tiền trọ, để cứ đến cuối tháng tây, bà lại phải bận lòng săn sóc.