CHƯƠNG 17

     ãi giờ cơm trưa em mới về dám về nhà.
Bà bảo, tổ cha mày, đêm hôm mò dậy đi đâu mà giờ mới vác cái mặt về? Em hỏi công an đến tìm con có việc gì thế hả bà? Bà dọn cơm lên cho em ăn. Rồi bà bảo anh đến hỏi rất nhiều về em. Rằng bây giờ em làm ăn như thế nào? Rằng nghề làm hương của gia đình có đủ ăn không? Rằng em có nghĩ ra cách làm ăn nào lương thiện mà đỡ vất vả hơn không, anh sẽ giúp. Rằng em có bạn trai chưa, nghe tổ dân phố báo rằng thỉnh thoảng vẫn có một thanh niên nào đó đến ngủ trong nhà mình là ai vậy? Em nghe chăm chú và im lặng không nói gì. Bà hỏi, hình như anh ấy biết con hả?. Em gật đầu. Bà bảo, anh ấy nói là ngày xưa học cùng trường với con. Anh ấy là người tốt. Con gặp được anh ấy mà nói chuyện thử xem sao. Em lắc đầu, chẳng giải quyết được gì đâu bà ơi. Bà bảo, nhà mình là nhà đối tượng đặc biệt, chính quyền họ chả ưa gì. Bao nhiêu đời cảnh sát khu vực có ai thèm ngõ ngàng tới đâu. Thế mà anh ấy có vẻ quan tâm lắm. Lại bảo bà khuyên con đừng ra bến nữa, ngoài ấy phức tạp lắm. Bà cũng thấy anh ấy nói phải, nhưng bà cũng nghĩ, đất này nó thế rồi. Làm cướp hay làm giặc thì đều có số. Có tránh cũng chả được.
Em rửa vội mấy cái bát rồi ngồi vào bàn xe hương cho bà. Bà vẫn làm hương mang bán giao cho các cửa hàng. Hàng chậm thì tự bà mang ra chợ, ngồi dưới gốc cột điện bán. Ngày rằm mùng một bà vừa đi lễ vừa mang theo làn hương ra đứng ở cổng đền bán cho khách vãng lai. Thấy em xe hương đều đều, bà hỏi: "Chiều nay con không ra bến à?". Em lác đầu: "Rét thế này, con muốn ở nhà chơi với bà". Bà nhìn em ngồi luôn tay xe hương, bảo: "Trông vẫn còn vụng lắm. Giống như anh giáo Nguyễn ngày xưa...". Em ngước mắt lên hỏi: "Anh giáo Nguyễn nào?". Thì là nhà văn Nguyễn viết cái quyển sách về cô Tám ấy. À, cái quyển sách đó em có biết. Cô Tám là nhân vật được đưa vào trong sách giáo khoa, học phổ thông, thi mãi rồi. Nhưng em cứ nghĩ là bà biết qua loa về cái cuốn sách đó thôi. Hoá ra bà còn biết cả nhà văn Nguyễn cơ à? Thì ngày xưa anh giáo Nguyễn ấy ở nhà mình mà? Em trợn tròn mắt: "ở nhà mình? ở đây?". Thì ở đây chứ ở đâu. Xóm này xưa gọi là xóm Cẩm. Anh giáo Nguyễn từ mãi tỉnh Nam ra đây trọ. Nhưng rồi cụ nội con cho anh ấy về nhà mình ở nhờ. Khi đó bà mới về làm dâu nhà các cụ. Anh giáo kém tuổi ông nội con nhưng hơn tuổi bà. Ban ngày anh giáo đi dạy học cho mấy nhà giàu trong phố. Tối về anh giáo thường trải chiếu ngồi nói chuyện với cụ nội con ở ngoài sân trước cửa nhà kia kìa. Hồi ấy xóm này còn lụp xụp lắm. Toàn dân tứ xứ cứ bám theo cái đường ray tàu kia mà dựng nhà lên ở. Cụ nội con ngày xưa cũng là dân phu đường. Sau về chạy xe tay. ông nội con thì làm bốc vác dưới cảng. Rồi lấy trộm hàng mà bị Cai nó đánh cho què một chân. Chữa lành thì ra đường xe lửa, bám lấy nhà ga mà sống nhì nhằng. Anh giáo có vẻ quý ông nội con lắm. Thỉnh thoảng xin ông nội cho đi cùng ra ga, có đêm ở lại ga không về. Rồi anh giáo hý húi ngồi viết. Có nhiều lúc bí thì lại hỏi ông nội mày. Bà chả hiểu tại sao lại như thế? Anh giáo nhiều chữ thế mà những lúc khó lại phải đi hỏi ông nội. Hoá ra là thế này. Có lần ông nội mang về nhà một cô gái, bảo với cả nhà là lạc ở ga, cho tá túc tạm vài đêm. Cô ấy tên là Tám. Sau này có người đến rước cô Tám đi. Người này làm cướp, nhưng là ông cướp lớn, nghe tiếng ai cũng sợ. ông cướp lớn dọc ngang khắp trong Nam ngoài Bắc, bạo gan lớn mật lắm. Nhưng người ấy lại quý ông nội, mỗi lần theo tàu ra đây lại cho ông tiền, gạo, quần áo. Nhưng nghe nói sau này cả ông tướng cướp và cô Tám ấy đều bị lính sở Cẩm bắn chết. Anh giáo muốn viết về cô Tám và cái ông tướng cướp ấy nên có nhiều chuyện phải hỏi ông nội là vì thế.
- Nhà văn Nguyễn có đọc cho cả nhà nghe những gì ông ấy viết không? - Em hỏi.
Có chứ, viết trang nào xong là đọc trang ấy. Cụ nội nghe, ông nội nghe, bà thì vừa đánh hương vừa nghe, được chữ tác ra chữ tộ. Bố mày lúc ấy cũng nghe. Nhưng còn bé nên chắc chả biết gì. Anh giáo viết mấy năm mới xong. Rồi cuốn sách được in ra và anh giáo có giải thưởng. Anh giáo lấy tiền thưởng đó cùng với ông nội đi xây mộ cho ông tướng cướp và cô Tám. Dân cả xóm này đọc cái cuốn sách của anh giáo. Rồi anh giáo đi hoạt động, đi tham gia hội kín, lên chiến khu hay sao ấy, chẳng về xóm này nữa. Sau cách mạng anh giáo trở thành nhà văn. Thỉnh thoảng anh giáo về lại đây thăm bà. Lần đầu anh giáo hỏi cụ nội và ông nội con đâu? Bà chỉ lên hai bức ảnh trên ban thờ. Anh giáo thắp hương cho cụ nội và ông nội con rồi cứ giấu mặt vào cánh tay mà khóc. Trông anh giáo khóc tội lắm. Cụ nội con chết lâu rồi. Bệnh mà chết, ông nội con thì bị Pháp bắt vì cướp hàng của nó, vào căng Máy Chai được vài năm thì chết. Anh giáo bảo: "Tội nghiệp anh trưởng. Theo anh ra ga mấy lần, tôi biết là việc anh làm nguy lắm. Tôi hoạt động ở vùng khác, chứ không thì cũng kéo anh theo. Nếu cách mạng thành công sớm vài năm chắc anh không đến nỗi chết khổ chết sở như thế". Bố con lúc ấy vừa vào làm công nhân cảng. Nhưng tính nóng như hổ lửa. Thỉnh thoảng lại đánh người ta. Anh giáo Nguyễn bảo: "Đất này nghịch quá, trước đây tôi tưởng tôi viết xong chuyện cô Tám là hết chuyện. Nhưng tôi nhận ra là không phải thế. Có lẽ tôi phải khảo sát lại để viết một cuốn khác về đất này. Còn nhiều cô Tám lắm!".
Lần đó anh giáo tặng bố con cái áo sơmi kẻ, chính là cái áo bố mặc hôm cưới mẹ con đấy. Đẻ thằng anh lớn xong thì bố mày đi bộ đội. Chẳng biết đánh nhau thế nào nhưng thấy cũng có nhiều giấy khen. Có lần được thưởng phép nữa cơ. Nhờ có lần về phép đó mà mới có thêm mày đấy. ở bộ đội ra, bố mày lại về làm công nhân cảng, vẫn tính nào tật ấy. Toàn cãi nhau với người ta. Rồi đánh người ta gãy cả xương hàm. Bị đuổi. Chán. Lại lao vào cờ bạc...
- Nhà văn Nguyễn không về thăm bà lần nào nữa à?
Có chứ. Lần thứ hai anh giáo về thăm thì bố mày đang ở trong chiến trường. Anh giáo lúc này đã là quan văn nghệ gì đó, to lắm, có ô tô đi hẳn hơi. Anh giáo tặng thằng anh lớn mày khẩu súng bắn chim. Khẩu súng ấy là anh giáo đi công tác nước ngoài được người ta cho. Nói là tặng anh mày chứ nó còn bé tí, khấu súng cao gần bằng người, bê làm sao được mà chơi. Bà cất vào trong tủ. Chờ đến lúc bố mày về bố mày lấy ra dùng. Bố mày quý khẩu súng đó lắm. Vác đi khắp phố, về cả quê, sang cả bên kia sông, ra cả ngoài đảo, bắn chim. Lần nào đi cũng mang về hàng xâu, đủ các loại chim to chim nhỏ, mỏ dài mỏ ngắn, đuôi xòe đuôi cụp, vòng cổ khuyên mắt, cẳng cao cẳng thấp, lông thưa lông dày... Bà vặt lông cho vào nồi tất. Hôm cả nhà con xuống tàu đi, bố con có mang theo khẩu súng ấy, rồi mất tích ngoài biển kia. Vậy là chả còn giữ được vật kỷ niệm gì của anh giáo. Sau này bà có nghe tin anh giáo chết trên mạn ngược. Người đức độ thế mà chết sớm thế. Nhưng mà thôi, có khi bây giờ anh giáo lại đang cùng cụ nội và ông nội con uống rượu với nhau ở dưới kia rồi. Có cả bố mày nữa chả chừng.
Lạ quá. Em không thể tưởng tượng được cái ông nhà văn Nguyễn mà em vẫn học lại từng sống ở đây, từng có mối quan hệ thân thiết với nhà em như thế. Xóm này là xóm liều, cư dân ở đây là cư dân Đường Tàu, khu vực này là khu vực tệ nạn tập trung, ai ngờ được có một nhà văn danh tiếng thế lại từng sống và vật lộn với mỗi trang viết ở đây. Mà nếu có nghĩ nhà văn Nguyễn từng ở một khu lao động nghèo nào đó thì cũng là khu lao động nghèo trong quá khứ, thuộc về một đêm đen nô lệ xa vời nào đó, được cách mạng thanh toán và xoá sổ lâu rồi, đâu có hiện hũu ngay trước mắt em thế này. Thế nên nghe bà nói chuyện mà em cứ ngỡ như chuyện đùa, chuyện vơ vào mình, chuyện huyền sử truyền miệng dân gian đâu đó chứ không phải chuyện nhà mình. Nhưng mà em đã hiểu vì sao bà nói chuyện hay thế. Đúng là được sống gần nhà văn có khác. Bà biết nhiều chuyện, từ chuyện vặt vãnh ngoài đường ngoài chợ đến cả những tích truyện lịch sử xa xưa. Mà bà nói câu gì cũng hay. Chửi cũng hay. Hời khóc cũng hay. Em còn phát hiện ra là mỗi khi nhắc đến "anh giáo Nguyễn", mắt bà cứ long lanh lên. Già rồi mà vẫn long lanh. Thế mới lạ.
Nhưng bà bỗng dừng câu chuyện lại, quay sang hỏi em:
- Con quen với cái anh cảnh sát khu vực ấy lâu chưa?
Em gạt đi:
- Bà hỏi làm gì?
Thì bà thấy anh ấy cũng tử tế. Sao con không tìm người tử tế mà xán lại, mà làm thân. Bà thấy con cứ đi với thằng Hưng thế, lại bỏ chợ, bỏ nghề làm hương, rồi biết lấy gì mà ăn? Thân con gái mà cứ đêm hôm lần mò bến xe bến tàu thế thì chả ra làm sao. Bà thương thằng Hưng nhưng bà bảo thật, bà không thấy nó có thể tu tỉnh được đâu. Con người ta đã có cái tính nghịch rồi thì không sửa được. Bà sợ nó lại giống thằng anh con, lại cơm tù cơm trại, lại mất xác nơi rừng xanh núi thẳm, tội cái thân mà khổ cái đời thôi.
Em không nghe bà nói nữa mà vùng vằng đứng dậy, bỏ xuống bếp. Chả lẽ cứ bám lấy cái nghề làm hương chết đói của bà ư? Em được mẹ dạy cho từ rất sớm, về cách xay bột, cách làm ra những cây hương, đem hương đi phơi nắng, biết cả cách làm như thế nào cho hương thơm lâu, lúc cháy thì không bị tắt giữa chừng, biết chọn các cây làm hương liệu tốt như cây quế, cây quạ, hoa hồi, gộc trầm, nhưng em chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người làm nghề hương suốt đời. Song bà nói cũng đúng. Em không bán hương nhưng ra bến em cũng chỉ đứng bán vài điếu thuốc lá, rồi mắt trước mắt sau đi tiêu thụ hàng ăn cắp để kiếm tí tiền hời. Thế thì đến bao giờ mới hết khổ? Đành rằng còn có Hưng. Hưng bảo sẽ lo cho em, sẽ chọn ngày lành tháng tốt mang trầu cau đến hỏi cưới em, sẽ mở quán cho em bán hàng, sẽ cùng em nuôi những đứa con và phụng dưỡng bà lúc tuổi già. Nhưng mấy năm rồi vẫn thế thôi. Hưng cứ gặp em thì nói như rồng như phượng, đến khi em tìm hiểu ra thì lại không phải thế. Hôm nay em lại biết thêm một sự thật, rằng Hưng vẫn chưa được ông chú tha thứ. Thế nhưng em vẫn yêu Hưng, vẫn tin Hưng. Em không muốn nghe ai nói xấu về Hưng, dù đó là bà nội.
Một tuần sau ngày anh đến nhà em nói chuyện với bà thì Đinh đến. Đinh mặc đồ cảnh sát, oai phong, hùng dũng, tự tin và luôn tỏ ra vui vẻ. Bà em biết mặt Đinh vì hồi trước anh ấy thường đến lấy hương của nhà em về cho mẹ bán. Đinh đi chiếc xe đạp pơgiô có khung màu vàng, láng coóng. Đinh mời em đi ăn bánh cuốn, ăn phở bò, rồi uống cà phê. Đinh vốn là người phóng khoáng, chịu chơi. Đinh bảo học xong, anh được điều về phường Đường Tàu công tác, còn Đinh về lực lượng cảnh vệ của thành phố. Đinh thực dụng hơn anh. Nói năng ầm ĩ, kể chuyện oang oang chứ không giữ gìn lời ăn tiếng nói như anh. Đinh không giấu giếm khát vọng làm giàu. Đinh nói nhiều đến việc đánh quả. Đánh hàng dưới tàu lên rồi đưa đi những đâu, bán cho những ai, mối nào làm ăn lâu dài, mối nào thì chớp nhoáng. Rồi hàng mậu dịch tuồn ra. Chuyển qua tay ai, đưa ra các cửa hàng bán lẻ thì như thế nào, thu tiền mặt và cách đổi sec ra sao. Em nghe mà chóng hết cả mặt. Chỉ lờ mờ hiểu ràng Đinh rất quan tâm đến chuyện "làm ăn" và từ khi có bộ cảnh phục khoác lên người thì mọi sự thuận lợi hơn rất nhiều.
Đinh còn đến chơi nhà em nhiều lần. Lần nào cũng rủ em đi ăn uống. Đinh chả giấu em gì cả. Có gì cũng cứ bô lô ba la ra miệng. Thú thực là cho đến tuổi đó, em được biết đến vài món ngon vật lạ trên đời này cũng đều là nhờ anh Đinh cả. Đinh còn cho em vải vóc, son phấn, guốc dép, những thứ mà đàn bà con gái chúng em cần hơn cả ăn uống. Nhưng Đinh như ngọn gió biển ngoài khơi kia vậy. Khi xuất hiện thì ào ạt, cuốn phăng mọi thứ đi. Khi biến mất thì lặng lẽ đến khó hiểu, ngóng hoài không thấy tăm hơi. Đinh nhiều lần bảo với em rằng: "Nhân nó thương em lắm!". Cho đến mãi sau này em vẫn không lý giải được cái từ "thương" ở đây hàm ý gì? Thương như Hưng "mã" thương em, hay như Đinh thương em? Mà sao ông trời lại cứ tréo ngoe thế. Lần nào anh đến nhà cũng không gặp em. Có lần em lên phường tìm anh cũng không gặp anh. Thế rồi đời cứ kéo em đi. Đời cũng cứ cuốn anh đi. Và em chẳng thể nào đi chung với anh một đoạn đời, dẫu chỉ ngắn ngủi như lần anh đưa em từ trường về nhà thôi.
Lần cuối cùng anh đến nhà em là buổi chiều. Lại chỉ có mình bà em tiếp. Khi đó em đang ở ngoài bến với Hưng. Mãi tối muộn em mới về. Bà vẫn chờ cửa để nói về chuyện anh đến. Bà bảo anh cần gặp em, anh còn ra cả bến xe nữa mà không thấy em đâu. Em hỏi có chuyện gì vậy? Bà bảo, để báo cho em biết Nhà máy cá hộp đóng trên địa bàn phường vừa đi vào hoạt động. Anh có thể xin cho em vào đó làm công nhân. Họ chỉ tuyển từ lớp 7, tức là hết cấp 2 trở lên thôi. Anh mang đến cho em bộ hồ sơ, bảo em khai vào đó rồi mang lên phường đưa cho anh. Nghe bà nói mà em phát run lên vì sung sướng. Em có thể trở thành công nhân của Nhà máy cá hộp sao? Đó là niềm mơ ước của không biết bao nhiêu cô gái xóm này. Mà anh lại mang hồ sơ đến tận nhà cho em nữa. Em chỉ việc khai đầy đủ vào đó thôi. Rồi đàng hoàng lên phường gặp anh. Rất nhiều lần em muốn gặp anh nhưng lại ngại chả biết nói gì. Bây giờ thì anh đã mở ra cho em một cơ hội rồi. Bà cứ giục em tìm bút mà khai hồ sơ luôn đi. Em mở bộ hồ sơ ra xem rồi lại đút vào. Bây giờ muộn rồi. Điện lại kèm nhà kèm nhèm, chẳng may viết nhầm ra đấy thì chết. Để sáng mai em nghỉ cả ngày, viết thật cẩn thận rồi sẽ mang lên phường nộp cho anh. Đêm đó em lên giường nằm ôm bà mà thấy trong lòng chộn rộn khác thường. Chắc bà cũng vui không kém gì em. Rồi em ngủ thiếp đi. Nửa đêm em lại nghe thấy có tiếng gọi, như tiếng của ma quỷ: “Hương Ga ơi, Hương Ga...”. Em khẽ trườn ra khỏi giường. Chắc lại có hàng, vẫn là thằng Châu điên. Thằng bé này mới mười bảy tuổi, nhưng trộm cắp có sừng có mỏ. Lần này nó mang đến một chiếc xe đạp Mini hai dóng màu xanh ngọc, nhờ em bán. Cũng như lần trước em chở nó ra bến xe tìm Hưng. Nhưng cái "căn phòng" gần nhà vệ sinh của Hưng đã bị người ta cẩu đi rồi. Em dò hỏi mãi mới ra nơi Hưng ở. Đó là một căn nhà cấp bốn, lợp giấy dầu, ở gần ga. Vừa lúc chiều Hưng còn ôm em ngồi ở quán nước ngay cổng bến, thế mà Hưng không nói gì cho em biết về chuyện chuyển sang nhà trọ mới. Vừa thấy em Hưng đã lại định vồ lấy, vật em ra giường. Nhưng em không có chút hứng thú nào cả. Lại có mặt thằng Châu ở đấy nên không tiện. Hưng mở hòm lẩy tiền ra đưa cho Châu. Nó không thèm đếm, rút mấy tờ ra đưa cho em rồi bỏ đi luôn. Em cũng bỏ về. Kệ Hưng. Để mai xem anh ta nói gì. Lại nỉ non đủ điều để làm lành với em cho mà xem.
về đến nhà, em lại rón rén mò vào giường ngủ với bà. Những tưởng bà vẫn say giấc như mọi khi, nhưng bà xoay lưng lại và nói một câu như mơ ngủ: “Con gái cứ mò dậy đi đêm đi hôm thế thì hỏng thật rồi. Chả lẽ nhà này không tránh được tai ương...”. Em chả bận tâm đến những gì bà nói. Kéo chăn trùm kín mặt một lúc là em ngủ say như chết. Mặc kệ đời!
Sáng hôm sau bà mua đồ ăn sáng về để sẵn đầu giường cho em. Rồi bà giục em viết hồ sơ xin việc. Em bảo: "Bà ngồi đây, có gì không biết con còn hỏi. Bắt khai lý lịch ba đời thì con nhớ làm sao được". Tổ cha mày, ừ thì bà ngồi xem mày viết. Sau này có thành người nhà nước thì đừng có mà vênh mặt lên với bà. Em ngồi viết đến gần trưa mới xong. Chưa kịp đọc lại cho bà nghe thì Hưng "mã" hớt hơ hớt hải chạy đến. Hưng vẫy em ra ngoài cửa. Em biết là có chuyện chẳng lành, vội bỏ bộ hồ sơ xuống, đi ra gặp Hưng. Hưng ghé vào tai em thì thào: “Thằng Châu điên bị bắt rồi. Nếu nó khai đưa đồ cho em thì em bảo là chỉ bán hộ lấy hoa hồng. Bán cho ai thì không biết. Cứ mang ra bến gạ, ai mua thì bán. Nhớ đừng nhắc gì đến tên anh”. Em gật đầu. Tưởng chuyện cũng bình thường thôi, không có gì đáng phải lo, vẫn vào nhà ngồi đọc lại lý lịch tự khai cho bà nghe. Ai ngờ đến chiều thì công an quận vào đọc lệnh bắt em và khám nhà. ôi trời ôi. Bà em run rẩy hỏi cái gì thế này, con cháu tôi bán vài bao thuốc lá, có gì mà phải bắt nó, lại còn khám nhà tôi nữa.
Bà em còn kêu trời đến cả trăm cả ngàn lần nữa khi chứng kiến em bị tòa tuyên phạt hai mươi tư tháng tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Phiên tòa ấy chỉ có em và Châu điên đứng trước vành móng ngựa. Em đã nhận tất cả về mình mà không hé răng khai nửa lời về Hưng.