Tiền

     ăm 16 tuổi, Hiền, con ông chú tôi đẹp mảnh mai và đài các như thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân. Ngắm nhìn Hiền tôi cứ tiếc vì sao chúng tôi lại là anh em nhỉ, anh em họ xa thôi, nhưng vẫn cứ là có chút máu mủ ruột thịt. Con gái như thế mà rơi vào tay một thằng chồng tục tằn, vũ phu thì thật uổng. Cũng chả phải lo xa lắm đâu, ông Tạo vốn thích đùa ác mà. Năm ấy người tình trong mộng của các cô gái Hà Nội là các chàng trai sĩ quan quân đội. “Anh bộ đội” đã có tiếng lành là người tốt về đủ mọi phương diện. Nhưng anh bộ đội lại không thể lấy con gái nhà tư sản. Chú tôi có mấy cái xe tải chạy đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định. Xe đã công tư hợp doanh, ông chủ là nhà nước, chú tôi và hai con trai lớn lái xe ăn lương nhưng vẫn cứ là nhà tư sản. Giả thử ngày ấy tôi có thể yêu và lấy Hiền làm vợ tôi có dám không? Xem nào, xem nào, cũng phải tính toán đấy! Lấy nhau là phiền phức lắm, chồng thì hết đường thăng tiến, vợ cũng không thể có công ăn việc làm đàng hoàng, rồi lấy gì mà nuôi nhau nuôi con. Quá nửa bạn bè cùng lứa tuổi với tôi đều lấy vợ nông dân nghèo, con cái những gia đình quen biết trong chín năm kháng chiến. Một số khác may mắn hơn lấy được vợ là người thành thị thuộc gia đình công chức nhỏ hoặc buôn bán nhỏ. May mắn hơn nữa là được làm rể những gia đình cán bộ kháng chiến. Những cặp vợ chồng cọc cạch, lấy nhau bằng những tính toán ngoài tình yêu, nhẫn nhục ăn ở với nhau suốt mấy chục năm trời, đẻ ra một loạt con cái, chồng dạy con một cách, vợ dạy con một cách, phần còn lại giao phó cho nhà trường và xã hội mới thành ra người Hà Nội của bây giờ, vừa quen vừa lạ, khiến ngòi bút đâm bối rối mỗi khi muốn viết một chút gì về họ.
Mấy năm sau tôi lấy vợ, vợ nông dân, đẻ liền hai đứa con, Hiền vẫn chưa lấy chồng, hình như chưa có cả người yêu. Khi đứa con lớn tôi đã học lớp 3, con nhỏ học lớp 1, Hiền mới có gia đình riêng. Người chồng là thợ máy, về sau là cầu thủ bóng đá của đội Đường Sắt, con một gia đình làm bánh kẹo có tiếng của Hà Nội. Cũng là con nhà tư sản, tư sản thương nghiệp, nhưng đã đóng cửa hàng từ nhiều năm nay. Thuở nhỏ tôi đi học mỗi ngày đều phải qua cửa hiệu bán bánh kẹo của nhà này. Nhà một tầng, mái thấp, mặt tiền rộng, lòng nhà sâu, cửa gỗ tháo ra lắp vào mỗi sáng và mỗi tối. Ban ngày nhìn vào cứ tối đen hun hút, chỉ nghe có tiếng vật bột và tiếng gõ khuôn. Có mấy người đàn ông còn trẻ, mặt rất dài, dáng rất cao, ra vào lừng lững như không có việc gì làm. Và một người đàn bà đã đứng tuổi, quanh năm mặc áo dài đen, tóc búi, mặt rất đẹp và buồn đứng lấp ló phía trong. Chồng của Hiền là cháu trai của gia đình. Những người đàn ông cao lớn ngày xưa cũng đi đâu cả, còn lại có một người tức là ông bố chồng của Hiền bây giờ. Người đàn bà có gương mặt buồn năm nào đã là một bà lão ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, vẫn ở với em trai và các cháu. Khi Hiền đi lấy chồng cô đã có một việc làm được xem là có màu của Hà Nội lúc bấy giờ: nhân viên kế toán một cửa hàng ăn uống. Lúc này chú tôi đã mất, bà mẹ ruột của Hiền là bà kế, Hiền là con gái đầu, sau cô còn bốn đứa em, thằng lớn nhất mới 17 tuổi. Bà thím tôi may hàng cho quân nhu. Hai người con trai lớn của chồng vẫn chạy xe tải, vợ con chưa có, đưa hết tiền lương cho dì để nuôi các em ăn học. Từ ngày Hiền đi làm các em mới được ăn no. Bánh đúc ngô nấu mỡ, bánh mì và patê, bánh bao đều là của cửa hàng, mỗi ngày người chị mang về một túi đầy. Hiền về nhà chồng nhưng không phải làm dâu. Cô vẫn sống thoải mái, tự do như ngày còn ở với mẹ và các em. Bà mẹ chồng thời con gái là hoa khôi phố Cầu Gỗ được nhà chồng nể vì bà có vốn riêng cho vay lãi và gọi họ. Pháp thua phải rút khỏi Hà Nội, các con họ và con nợ ôm tiền chạy theo vào Nam, nhà cái và chủ nợ bỗng chốc thành tay trắng. Bà tiếc của khóc lóc cả mấy tháng rồi thành người ngớ ngẩn, ngày ngày lang thang khắp các chợ nhặt giấy vụn nhét đầy các túi bị mang theo, tối về quăng một đống trước mặt chồng, nói hể hả: “Tiền tôi đòi về đấy, mất thế nào được!”. Bà lão tóc bạc là chị ruột của bố chồng, thường gọi là cô huyện, ngoài ba mươi mới lấy lẽ một circ;ng nhỉ? Nhưng thay đổi là tốt, tốt hơn trước nhiều. Cứ nhìn mặt người ở phố Lý Nam Đế là biết, họ vui lắm, đi lại hối hả, tất bật, ăn nói uốn éo, kiểu cách như… dân buôn chính hiệu.
Nghĩa cho tôi mượn xe hơi của công ty hai buổi tối để đi xem đèn của Hà Nội. Xe gắn máy lạnh, chạy êm nhẹ trong vùng sáng vàng của đường Láng Hạ, đường Giảng Võ, đường Yên Phụ, tên thì quen mà cảnh rất lạ, những khu nhà cao tầng, những biệt thự, những dãy phố mới, những vườn cây mới. Những vầng sáng, những vùng sáng, những dải sáng. Và những chùm sáng xanh huyền ảo từ các ngôi biệt thự ẩn hiện trong những rặng cây ven hồ. Là nhà của ai nhỉ? Của nhà nước hay tư nhân? “Động nhện đấy chú ạ. Những con nhện khổng lồ có thể nuốt một đêm dăm bảy ông Frăngklanh”. Cậu lái xe nói thế. Ồ, cái Hà Nội hiền lành, an phận ngày nào bây giờ cũng đáo để nhỉ! Cánh cửa bao cấp vừa hé mở, thánh nhân và ác quỷ cùng xông ra một lượt, làm sao chọn lựa được trước! Nghĩa mời tôi uống bia tại một khách sạn quen thuộc, sang trọng cũng trên đường Lý Nam Đế. Xưa kia chỗ này là chỗ nào? Là một bức tường, là một khu đất hoang, là bãi để xe hay là nơi làm việc của doanh trại, hậu cần? Chịu, không còn nhớ! Phòng ăn cũng rộng, chỉ có hai người khách và dăm bảy người phục vụ, những cậu bé quần đen áo trắng và thắt nơ, những cô gái mặc váy ngắn và bó, cười nói nhí nhảnh như là đang vui lắm. Họ vui thật hay nghề nghiệp buộc phải luôn luôn vui. Tôi bảo Nghĩa:
- Cái Hà Nội bây giờ không còn là của mình nữa. Nó là của các anh. Nó sẵn sàng phục vụ cho mọi tham vọng của các anh.
Nghĩa đưa mắt nhìn tôi nhưng vẫn ngồi lặng lẽ uống bia nhắm hạt điều. Cái thằng đến tiết kiệm nói.
Tôi lại hỏi:
- Hình như anh đang giàu lên, đang rất giàu phải không? Đã được triệu đô chưa?
Nghe nhiều người nói Nghĩa là bậc cao thủ trong giới kinh doanh, pháp thuật vô biên nhưng không dám dứt bỏ cái vòng kim cô trên đầu nên cũng chả làm được chuyện gì lớn. Đã dấn thân vào chốn thương trường lại còn muốn giữ bụng dạ quân tử, việc không sạch không làm, người không sạch không chơi, không hại ai, không giết ai tức là gàn rồi, dở hơi rồi. Sống vào cái thời mọi cửa đều mở toang hoặc mở hé hoặc khép hờ để mình xông vào vơ tiền mà lại còn nghĩ ngợi đến lương tâm, đến nhân nghĩa thì kiếm tiền làm sao, rửa tiền làm sao? Vì vậy nên Nghĩa vẫn nghèo, một doanh nhân mà vốn liếng chỉ có dăm ba tỷ bạc là nghèo, không đáng được chú ý.
Nghĩa nói, có nhiều cơ hội đã nhìn thấy cả đống tiền trước mắt, vì tôi cũng có cái tài nhìn ra nơi ẩn trốn của đồng tiền, nhìn trước được nhiều người, chỉ giơ tay một cái là nó thuộc về mình, rất ngoạn mục, rất an toàn mà không dám, chỉ vì cái cách kiếm tiền ấy không được đạo đức cho lắm mà tôi lại chưa thể bước qua cái đường vạch của bà nội. Cụ là cô gái nghèo, thuộc lớp đáy của xã hội, bỗng chốc thành phu nhân, danh vọng và tiền bạc đều dư thừa mà không lóa mắt, không đua đòi, không chịu để mất cái phẩm giá riêng, nghĩ lại thật đáng sợ. Tôi là một thằng đàn ông không thể nói là nghèo, lại có học, lại cũng từng trải mà chịu quỳ gối trước sức mạnh kim tiền như một thằng Mít thằng Xoài thì cũng hèn quá, cũng nhục quá, có phải không? Vả lại cách sống đàng hoàng của kẻ có tài đâu phải thua thiệt, cũng ra tiền đấy, ít thôi nhưng là tiền sạch, tiền bền, đồng tiền không mang họa cho người giữ nó. Rồi Nghĩa khuyên tôi nên viết về bà nội hắn, chỉ là người đàn bà tầm thường thôi nhưng cái cách ứng xử một đời không thay đổi của bà lão lại chẳng tầm thường một chút nào: biết thích ứng nhanh để hòa nhập nhưng không chịu để mất những niềm tin riêng, cái cốt cách riêng của mình.