ư nằm im. Trong đêm vắng tiếng khóc tỉ tê ai oán của mẹ ở phòng kế bên mỗi lúc như một rõ hơn; âm thanh nặng nhọc mệt mỏi của một con bệnh nặng chờ chết. Thỉnh thoảng tiếng khàn khàn bị cắt ngang bởi một trận ho dài rồi tiếng hỉ mũi nghe rột rột, cứ như thế kéo lê từ giờ này sang giờ khác; như một chiếc đĩa hát kêu nhừa nhựa vì hết pin.
Khó chịu quá! Cư trở mình kéo chiếc gối ôm đưa cao trên đỉnh đầu và bẻ cong lại úp sát vào hai tai. Người ta bảo đàn bà hễ động chuyện chỉ lấy nước mắt giải quyết là đúng; nhưng trong tình huống này nước mắt e không mang lại được lợi ích gì.
Suốt hai ngày, ngoại trừ những bữa cơm còn thì nhà cứ im ỉm như có người chết. Những lúc mẹ khóc tuy khung cảnh trông thê lương nhưng vẫn còn sống động, vẫn còn có tiếng xì xào to nhỏ của chị Đạm. Chị nấu canh đã ngọt mà kể chuyện lại càng ngọt hơn. Mỗi câu nói sau khi đã thêm mắm dặm muối cho đậm đà mùi vị, chị còn kèm vào tiếng thở hắt hoặc tặc cái lưỡi làm người ngoài nghe thấy tan nát cả ruột gan huống hồ gì mẹ. Mẹ cứ tru lên khóc theo điệu kể lên xuống của chị. Cư nhìn Đạm nhăn nhó:
-Mẹ buồn khuyên giải không xong lại còn bày chuyện tưởng tượng cho mẹ buồn thêm. May mà bố còn sống chứ giá có mệnh hệ nào chắc căn nhà này cũng phải trôi đi vì nước mắt của chị và mẹ.
Giọng Cư nhỏ và yếu, giống như tiếng trách cứ nhẹ nhàng vậy mà mẹ lại nghe được. Như cuộn băng cassette bị đứt, tiếng khóc ngưng lại giữa chừng. Mẹ vụt chạy ra, giọng cao và ráo hoảnh:
-Thằng bố mày chết tao đã không khóc. Khóc làm gì cái thứ bạc tình bạc nghĩa như thế.
Cư nhìn sững. Khuôn mặt mẹ mất cả thần sắc; các nếp nhăn hiện đầy trên đuôi mắt; hai đầu chân mày nhíu lại dưới vầng trán nhăn nhúm; hai lỗ mắt trũng sâu và mái tóc lưa thưa bới gọn như củ tỏi đã lất phất những sợi tóc trắng giờ màu trắng lan ra quá nửa. Không ngờ sự đau khổ tàn phá con người mau đến thế. Cư quay đi không dám nhìn bộ xương di động.
-Mẹ ạ! Chuyện đâu còn có đó, để từ từ chờ bố về xem ngã ngũ như thế nào.
Tiếng mẹ rít lên:
-Về đây tao ăn thua đủ chứ chẳng cần giải quyết gì cả. Bằng đấy mặt con có cháu gọi bằng ngoại rồi chứ bé bỏng gì mà bồng bột nông nổi. Sư bố con đĩ tao gặp nó tao lột cả quần...
Chị Đạm phụ họa theo mẹ trách Cư:
-Đấy, khuyên giải theo kiểu của dì hay nhỉ. Chỉ làm mẹ giận thêm.
Cư biết càng nói là càng chế dầu vào lửa. Giờ này mẹ không muốn nghe phải trái. Chỉ cần có người lôi tội lỗi hoặc những xấu xa của bố ra kể là mẹ khóc cho thỏa thê, khóc cho quên buồn, quên đau đớn. Nếu khóc mà giải quyết được mọi chuyện thì trên thế gian này chẳng những đàn bà mà đàn ông cũng cần phải khóc nữa, sao mẹ nông nỗi quá. Cư bỏ vào phòng tránh mặt mọi người. Khóc chán mẹ nằm lăn ra ngủ với khuôn mặt dầm dề nước mắt. Giấc ngủ không trọn vẹn hoặc giấc mơ đến quá buồn nên tỉnh dậy mẹ lại òa lên tức tưởi:
-Sao mà khổ như thế này hả trời.
Cư tức bực cho chính cả mình. Giá có thêm tí tuổi thì may ra sự khuyên can ảnh hưởng được phần nào. Đàng này đã là con út trong nhà lại học lực chưa xong đại học, chưa chồng, chưa con thì vẫn còn là con nít. Đã là con nít có nói hay cách mấy cũng đâu ai thèm nghe. Cư không nghĩ mình sẽ phải buông tay bất lực trong việc này; vả lại sự thể chưa có gì rõ ràng. Cách đây vài ngày, bố mẹ cãi nhau một trận nảy lửa. Trước đó những vụ cãi nhau xảy ra quá thường xuyên, chỉ vì bất đồng ý kiến hoặc những dỗi hờn nho nhỏ; đôi khi vì nhà cửa bề bộn mà bố mẹ biến thành trẻ con. Cư chẳng mảy may để tâm và biết rằng chỉ vài phút sau hai người lại nhìn nhau cười xòa. Tính mẹ cáu kỉnh và bố lại thích chiều chuộng, sự chiều chuộng quá lố biến thành nhu nhược, nhưng bố vẫn bảo:
-Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời con ạ! Mẹ chúng mày càng ngày càng đổi nết. Chắc là gở chết nên mới quái lạ như thế.
Tuy không nói gì nhưng Cư tự hiểu tính "quái lạ" này có trong mẹ từ lâu. Ngay từ khi có trí khôn Cư đã thấy mẹ hơi quá lố trong cách đối xử với bố. Bảo rằng mẹ dữ và chuyên quyền lúc nào "lệnh của bà" cũng là nhất thì không đúng. Mẹ thương bố lắm. Chẳng thế mà mỗi bữa cơm dù có tật ăn nhanh mẹ cũng ngồi nán lại ép bố ăn hết món này tới món khác. Mẹ ép như ép một đứa con nít. Tại bố con nít nên thấy trái đỏ là cứ nuốt vào; thấy lời ngon ngọt của mẹ là cứ ăn đầy một bụng. Chẳng biết no đói là gì cho đến khi bố buông chén ngồi thở dốc mẹ mới ngừng ép để kết thúc bữa cơm.
Bố ăn nhiều nhưng không mập, chắc tại hay năn nỉ mẹ. Mẹ bị một cái bệnh, một cái cố tật của đa số các người đàn bà trời bắt xấu nên chẳng bao giờ dám bước chân ra khỏi cửa. Chính vì thế cái hạnh phúc chỉ nằm gọn trong căn nhà bé nhỏ bên chồng bên con và đứa cháu ngoại vừa chập chững. Mẹ cho đời mẹ thế là quá đủ.
Bố tuy đã về hưu nhưng vẫn còn chạy bạy chỗ nọ đầu kia áp phe áp pháo lâu lâu mang về cho mẹ vài ngàn làm quà. Mẹ mừng lắm, những lúc đó mắt mẹ long lanh muốn khóc; cả tình yêu chan chứa thể hiện qua đôi mắt nhỏ nhưng phúc hậu. Ít ai có thân hình bé choắt, đôi mắt nhỏ mà lại có nét nhân từ. Thế mà ở mẹ, Cư đã nhìn thấy điều đó. Có thể lòng trắng hơi vàng đục, khuôn mắt tròn giữa hàng mi dài và cái nhìn đoan chính đã biến tướng con người.
Những lúc đưa tiền cho mẹ, mặt bố cũng hớn hở không kém. Chỉ nhìn đôi tay run run đếm lại những tờ giấy 1 trăm thẳng tắp, nhìn ánh mắt thương yêu của mẹ là bố thấy cả cõi trời hạnh phúc. Thế mà tuần rồi...
Buổi tối trong bữa cơm mẹ không ép bố ăn như thường ngày. Mâm cơm cũng nguội lạnh và những món ăn thừa của buổi trưa hâm không đủ nóng. Nhìn bố uể oải bưng chén cơm mẹ bực dọc:
-Cơm có bữa này bữa khác. Ông...
Như một trái bóng căng quá độ giờ có người mở nút cho nó xì, giọng bố cũng không kém:
-Đừng nói đến vấn đề ăn uống. Tôi không phải là thứ đói khát.
-Hừ, không đói khát. Không đói khát mà làm chuyện đó à!
Mặt bố đỏ bừng:
-Tôi đã nói cả trăm cả ngàn lần rồi. Đừng có hoạch họe chuyện nọ chuyện kia. Đừng có rúc một xó rồi ghen bóng ghen gió.
Mẹ ngướn cao cổ liếc xéo bố:
-Chính vì rúc một xó nên bây giờ mới hỡi ôi.
Bố dằn mạnh chén cơm xuống mặt bàn. Những hột cơm vô tội quyện lẫn nước canh mùng tơi trơn nhớt bắn ra tung tóe. Như được dịp mẹ nhấc đôi đũa đang gỡ khúc cá thu rim sốt cà thọc ngay vào chén của bố vảy ra đầy bàn:
-Đã không muốn ăn thì đứng lên đừng có ném chén ném đũa. Ném vào mặt tôi đây này.
Uất lên tới cổ nhưng nhìn vẻ sợ hãi của Cư bố thở dài đứng lên đi vào phòng. Tiếng mẹ đuổi theo:
-Con đĩ cho ăn no nên về đây chê cơm hôi cá ươn phải không?
Không có tiếng đáp lại, mẹ ấm ức một hồi rồi như không chịu nổi liền vớ ngay lấy Cư kể lể:
-Đấy chúng mày xem. Chúng mày sắp mất bố rồi con ơi. Con đĩ nó bỏ bùa quyến rũ bố mày. Nó mê tiền chứ thiết chi cái xác chết ấy. Già rồi còn chấm mút được gì mà dại dột thế hả trời...
Cư ngồi nghệt mặt. Những lời mẹ nói, những danh từ hãi sợ, những cái cau có lung linh đảo lộn trước mặt. Cư không nhìn thấy gì và cũng không nghe được gì hết; câu này chưa vào tai câu kia đã lọt đi mất tiêu. Đâu phải mẹ mới biết ghen lần đầu, lần nào mẹ cũng làm dữ tợn, cũng nhảy như cào cào. Được vài giờ đâu lại vào đấy, bố làm hòa và tiếng mẹ cười khanh khách vang dội từ phòng ngủ.
Nghĩ cũng tội, tại bố đẹp trai quá. Cư dùng chữ không sai vì sự thật tuy hai người bằng tuổi nhau nhưng bố trông rất trẻ, da đỏ hồng căng và trắng như sữa, tướng cao lớn phốp pháp oai phong như một công chức hạng bự. Bố lại thích diện, quần áo lịch sự, xe hơi láng o, và cái làm bố trẻ trung nhất là ưa thể thao bơi lội. Nhìn bố mẹ như hai con chim thiên nga và xí nga; vậy mà hai người lại yêu nhau mới chết. Thế mới biết tình yêu đâu phải nảy sinh từ cái vỏ bề ngoài; chỉ cần một chút cảm tình, cùng một trình độ hiểu biết, thông cảm và chăm sóc cho nhau là hạnh phúc ở trong tầm tay.
Tuy nhiên, hạnh phúc lại giống như một cái bóng đi theo người; mình chỉ có thể nhìn thấy nó khi đi đến trước gương, khi đứng dưới ánh nắng mặt trời nghiêng chênh chếch nhưng không thể nắm giữ. Hạnh phúc phải tự tạo mới có; phải theo đuổi giữ gìn mới tồn tại mãi bên mình. Mẹ biết tạo hạnh phúc. Mẹ tạo bằng sự chiều chuộng, săn sóc thương yêu. Mẹ tạo bằng cả tấm lòng thành thật, bằng những san xẻ lo âu; nhưng mẹ không biết giữ gìn nó. Cư lờ mờ nhận thấy thế vì mẹ ghen quá. Cư chưa yêu nhưng nếu yêu một người nào đó chắc chắn nàng sẽ tin tưởng tuyệt đối, vì khi đã có một chút nghi ngờ thì tình yêu cũng theo đó giảm dần. Sự ghen tuông sẽ bị biến nghĩa, nó không còn là yêu mà là chiếm đoạt, dành quyền sở hữu.
Giá mẹ đừng ghen thì tuyệt quá; cái ghen đã làm giảm giá trị của mẹ và làm tổn thương tình yêu của bố. Nhưng cũng chẳng trách được, tại bố "beau" trai, tại bố thu hút phái nữ nên vô tình bố đã đưa đẩy mẹ lọt vào sự ghen hờn. Sự ghen hờn không lối thoát như sợi dây oan nghiệt càng gỡ càng rối, càng giãy dụa thì càng mang sự cách ngăn. Đâu ngờ chỉ vì sợ hạnh phúc của mình sẽ bị thiên hạ cướp mất mà mẹ quên hẳn rằng chính bố mẹ mới là người tạo ra hạnh phúc đó. Không ai cướp được ngoại trừ mình đã vô tình hoặc cố ý làm cho nó mất.
Lời giận hờn trách móc bay vào khoảng không, như nước đổ lá khoai; mẹ nói một thôi một hồi rồi dừng lại nhìn chằm chặp vào mặt Cư. Giận uất người. Bao nhiêu tức bực không thể trút cho chồng giờ dồn sang Cư:
-Liệu hồn đừng ăn phải đũa của nhau. Tao nói cho cha con chúng mày nghe chứ nào phải chó sủa lỗ không.
Cư nhăn mặt, rõ ràng mẹ khiêu khích; vừa rồi vọc chén cơm của bố, bây giờ lại đổ tội cho Cư. Thật vô lý quá. Cư cố lùa nhanh cho hết phần cơm để dọt lẹ nào ngờ mẹ còn nhanh hơn; không kịp xỏ dép mẹ chạy xồng xộc vào phòng bố. Tội nghiệp cánh cửa bị khóa kín, mẹ tức bực dùng hai nắm tay nện vào thình thình và gào thét om xòm.
Bên trong vẫn im ắng; cái im lặng như thách thức càng làm cho mẹ nổi điên. Dùng tay không xong mẹ lấy cả chân đá vào. Khi ghen người ta như thế đó, có khôn ngoan hiều dịu cách mấy cũng biến thành u tối và hung dữ. Tóc mẹ xổ tung, lọn tóc thưa và khô cằn nằm vắt ngang lưng. Bình thường mẹ hay khóc để tấn công bố và trăm trận trăm thắng. Lần này có thể vì sự ghen tuông nó vùng dậy mạnh hơn hoặc mẹ thấy thắng bằng nước mắt chẳng vinh quang gì nên mới hung hãn như thế. Sức mẹ càng lúc càng yếu dần, sự hung hăng cũng đâu mất.
Mẹ ngồi bệt duỗi cả hai chân xuống mặt thảm và thở dốc, hình ảnh của một kẻ bại trận cũng không thê thảm hơn. Cư không đành lòng nhìn cảnh diễn tiến không mấy hào hứng và vinh quang nên rửa vội chén đũa rồi lủi luôn vào phòng. Vậy là xong. Chắc chắn lát nữa nghe tiếng mẹ khóc thể nào mà bố chả mở cửa làm hòa.
Cư lắng tai nghe và nhịp tim đập thình thịch. Trong đêm khuya yên tĩnh, tiếng khóc nghe mới đáng sợ làm sao; nó rên rỉ yếu ớt như tiếng mèo con lạc mẹ. Nàng banh tròn mắt nhìn trong khoảng bóng tối, chẳng thấy gì ngoài ánh sáng lờ mờ hắt vào từ khung cửa sổ. Có lẽ đã gần sáng, ngủ no giấc nên mắt không cảm thấy cay xót, nàng ngồi dậy bỏ hai chân xuống giường tìm đôi dép nhung và đi lần về phía cửa. Đôi dép kéo lẹt xẹt làm tiếng khóc ngưng bặt. Cánh cửa bật mở cũng vừa lúc mẹ gập người về phía nàng.
-Cái gì vậy mẹ?
Vừa đỡ mẹ vào giường Cư với tay bật công tắc đèn. Ánh sáng chói lòa làm Cư nhíu cả mắt.
-Mẹ dậy sớm vậy? Sao không gọi con mở cửa?
Nhìn mẹ nằm sõng xoài trên giường, hai mắt nhắm nghiền, mặt nhợt nhạt như một xác chết; những sợi tóc lòa xòa trước mặt còn dính bệt nước mắt Cư hỏi dồn:
-Mẹ bị trúng gió hay đau bụng vậy. Con lấy dầu cạo cho mẹ nhé!
Mẹ không trả lời, chỉ thay bằng tiếng nấc. Bây giờ thì Cư đã hiểu. Câu chuyện tối qua vẫn chưa giải quyết xong. Nhìn sang phòng bên, cửa vẫn đóng kín. Cư đặt mẹ nằm ngay ngắn rồi đứng lên tắt ngọn đèn cười pha trò:
-Trông mẹ cứ như đứa bé con, không có bố một đêm thì chết à! Mẹ ngủ chút đi để mai có sức đấu võ mồm với bố chứ. Không khéo lại thua kỳ này mà bọn con gái nhà họ Nguyễn sẽ mang tiếng sợ chồng thì khổ cho chúng.
Không có tiếng mẹ cười; Cư nằm xuống bên cạnh luồn bàn tay vào trong áo mẹ mặc cho năm con sâu con mềm mại bò vòng quanh rốn rồi lại chạy dọc theo hông. Bò đi bò lại đến 5, 6 lượt mà những thớ thịt chai lỳ vẫn không chịu nhúc nhích; sự giận hờn làm mất hết cảm giác. Kinh khủng thật. Chẳng biết mỗi lần giận nhau bố làm hòa với mẹ bằng cách nào chứ Cư thì chịu thua. Nàng xoay người bật nút cassette trên đầu giường; tiếng nhạc hòa tấu không lời êm dịu tỏa rộng trong căn phòng. Cư ghé vào tai mẹ:
-Con chứ không phải bố đâu. Mẹ không ngủ xấu xí ráng chịu. Cư chỉ lải nhải được vài câu lấy lệ vì con ma ngủ đã nhập tự lúc nào.
Sáng dậy không thấy mẹ nằm bên. Đồng hồ cũng vừa gõ 10 tiếng. Mùa hè không phải đi học nên ngủ đã quá. Cư vươn vai cho giãn gân cốt rồi lò dò bước ra khỏi giường. Cửa phòng bố mở rộng. Đình chiến là cái chắc. Cư đi ngang khẽ liếc mắt vào, không có ai ngoài mấy cái gối nằm ngổn ngang; bên ngoài tiếng chị Đạm xầm xì với mẹ.
-Bữa nay điểm tâm bằng bánh cuốn hay sao mà chị đi chợ về sớm thế?
Bị cắt đứt câu chuyện Đạm ngước nhìn Cư khó chịu:
-Người gì chỉ ăn với ngủ. Giá dì mập tí nữa để biến thành heo mang bán cũng được khối tiền.
Cư đâu phải vừa nhìn chị bỡn cợt:
-Tại sao chị cầu mong người biến thành heo trong khi nhà mình đang có sẵn con heo mập ú mới một lứa.
Mọi lần nghe hai chị em đùa giỡn thể nào mẹ cũng nạt Cư vì cái tội quá lố nhưng hôm nay mẹ vẫn ngồi im, lưng đâu về phía Cư rung nhè nhẹ. Có chuyện lạ đây nhưng Cư liến thoắng:
-Bố đi mua phở bao cả nhà hả mẹ?
Đạm nháy Cư bảo khóa cái miệng vô duyên lại. Nào ngờ Cư vẫn cố tình:
-Con xí tô tái nạm gân sách nước trong. Bố chê bánh nhiều con vớt hộ phân nửa. Mẹ chê thịt dai con chừa toàn bánh cho mẹ...
Tiếng Cư rớt vào khoảng không mất hút, không có âm thanh vang dội của những tiếng cười nói dành ăn dành uống, không có tiếng làm bộ hít hà vì ớt cay của chị Đạm. Bố giận nên bỏ đi đâu chứ gì! Cư choàng qua vai mẹ hát một câu chọc cười:
-Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám, sức mấy mà buồn, buồn chi đời có bao nhiêu.
Thiệt đúng là ngu, Cư đã chọc vào đúng chỗ ngứa của mẹ. Sức lực tiêu hao cả đêm tưởng mẹ thều thào không ra hơi nào ngờ giọng mẹ vẫn không thua tiếng còi hụ. Cư buông mẹ lùi vội ra xa vì cái màng nhĩ nghe bùng bùng trong khi mẹ chì chiết:
-Mả bố mày, nuôi cho béo tốt rồi cũng cuốn gói mà đi. Rau nào sâu nấy, chưa nứt mắt đã biết đời có bao nhiêu. Sợ đời chẳng có bao nhiêu nên gặp đứa nào cũng nhào vào, như giống thiêu thân lao đầu vào ánh sáng. Thấy hào quang chói lòa tưởng là thiên đàng. Thấy gái đẹp trai tơ tưởng báu bổ lắm. Rồi xem... Đừng vác cái thân tàn ma dại về đây báo cô.
À! Thì ra mẹ chửi... bố. Cư chờ mẹ dứt câu lấy hơi vì biết sức mẹ đã kiệt quệ không còn đủ để kéo dài như mọi lần.
-Mẹ ơi, mẹ giận cá chém thớt hả? Tội nghiệp cái thớt không có tai nên không biết đau. Mẹ càng giận chỉ càng thêm mệt thôi.
Đang giận đùng đùng vậy mà không thể ngờ mẹ có thể oà lên khóc ngay được, vừa khóc vừa kể lể:
-Đấy, bây giờ cả đến con cái cũng về hùa với bố nó mà làm khổ tao.
Có lẽ chị Đạm đã chán cái trò khóc lóc dỗ dành suốt từ sáng đến giờ nên đứng lên mở tủ lạnh lấy ra bịch bánh mì và vài quả trứng gà để trên bếp:
-Con làm ốp la cho mẹ nhé!
Như mang mặc cảm bị bỏ rơi vì lối đánh trống lảng vô cùng hợp lý đó, Mẹ vùng vằng bỏ vào phòng nằm vật xuống. Cư hỏi khẽ Đạm:
-Biến cố trọng đại trong lịch sử từ xưa đến nay?
-Chứ còn gì nữa. Bố có mèo; lần này thì thật rồi.
Cư cười lớn:
-Tưởng gì. Thật đã có sao. Nhà thêm người thì thêm của. Mình lại sắp có em để bồng.
Đạm háy Cư:
-Lớn chồng ngồng còn ăn nói bừa bãi. Hèn chi cứ bị mẹ chửi.
-Bị chửi là tại mẹ thích chửi; cũng như ghen là tại mẹ thích ghen thôi.
-Dì nói ngang như cua. Ai lại thích ghen bao giờ, bộ ghen sướng lắm sao?
Cư nhún vai ra giọng người lớn:
-Vậy là chị chưa được hưởng cái giây phút thần tiên của yêu đương. Chị không thấy mỗi lần bố làm hòa; mặt mẹ tươi thắm sung sướng vô vàn; hạnh phúc như chưa bao giờ được hạnh phúc. Người ta có sống qua cảnh nghèo đói thì khi được miếng ăn ngon mới thấy nó tuyệt hảo. Những người từng nếm đau khổ vì yêu thì khi được yêu họ mới thấy sự tuyệt vời của tình yêu. Còn như chị cứ đều đều êm ả cơm ngày hai bữa bên chồng bên con, cuộc sống không sóng gió nhưng chưa chắc chị đã cảm thấy hạnh phúc bằng những người khác; và cũng có thể, theo em nghĩ chị chưa biết yêu là gì nữa cơ.
Đạm buông tiếng cười lớn:
-Nghe nói cứ tưởng cụ già 60 bị mất trí. Đừng có triết lý vụn nữa. Chuyện hấp dẫn đang thích kể nhưng người nghe gạt đi thì đành... tịt.
-Chị cứ đi thâu lượm ba cái tin vớ vẩn về nhà cho bố mẹ xào xáo. Mấy lần trước có khi nào chị bảo bố có mèo giả đâu.
Đạm xịu mặt:
-Lần trước nghe thiên hạ. Còn lần này chính mắt chị thấy mà.
Cư tò mò:
-Đẹp hay xấu, già hay trẻ?
-Đẹp là các chắc, người đẫy đà khoảng 40.
-Vậy là trật rồi. Chị không nghe bố bảo "Vợ đẹp là vợ của người ta, vợ xấu là vợ của mình"?
-Thì chính vì đẹp nên vợ của người ta bố mới "o" được.
-Em không tin vì đâu phải cứ đi bên cạnh, hoặc ngồi chung xe là họ bồ với nhau.
-Bà này lạ hoắc à! Nếu bạn bè hoặc buôn bán chung ai lại ngồi kiểu gì lạ thế. Bố đâu có ốm o gì, bà ta lại như đẫn sung nên không thể ngồi lọt chung vào một ghế chỗ bố lái. Do đó chỗ trống ngay cái thắng tay và sang số bị cái mông căng phồng đè dẹp lép.
-Sao chị biết?
-Đã bảo thấy tận mắt mà.
Cư cứng họng. Cái kiểu ngồi của mấy tụi nhỏ trong lớp. Nhiều lần thấy Cư nhìn khó hiểu chúng phá lên cười:
-Con cù lần, ngồi thế mới tình, mới nghe được hơi thở của nhau. Mới vai kề vai má kề má chớ.
-Khiếp, chúng mày nói phát ớn.
-Cưng ơi thời buổi này mà không như thế là ê sắc.
-Chẳng thà ế còn hơn làm kiểu đấy. Mất giá trị, mất tư cách.
Cả bọn kêu ré lên:
-Mày chưa yêu nên nói ngon lắm. Đến nước lậm vào rồi thì nó rủ trốn nhà theo nó cũng trốn ngay.
Cư không thèm nói với cái lũ nhây. Tình yêu gì mà ghê tởm thế, chúng lầm qua ái tình xác thịt vì chỉ có xác thịt mới làm đầu óc con người u mê tăm tối. Tình yêu thuần túy bao giờ cũng là tình yêu dựa trên căn bản đạo đức và luân lý. Không có hoàn cảnh trớ trêu tạo ra tình yêu ngang trái mà chỉ có tình yêu không chân chính mới tạo ra hoàn cảnh trái ngang. Đạm nhìn vào nét mặt suy tư của Cư dò dẫm:
-Dì nghĩ thế nào về chuyện bố mẹ?
-Em thấy đơn giản chẳng cần suy nghĩ gì cả. Giá như bố không thương mẹ, bỏ bê gia đình con cái thì mới nguy hiểm. Còn bổn phận bố vẫn làm tròn; hai cụ già lại yêu nhau ra rít thì những chuyện mèo mỡ chỉ là bên lề cuộc sống.
Đạm trợn tròn mắt nhìn Cư:
-Ai dạy dì những tư tưởng như thế. Trường học hay lũ bạn mất nết? Hỏng cả. Chị phải bảo bố mẹ kềm dì mới được.
-Đừng nói bố kềm em không đủ đâu, phải kẹp nữa cơ; nhưng kềm kẹp thân xác đâu có đau, tư tưởng bị kềm kẹp mới là dã man. Nhưng hỏi chị trên đời này đã ai làm được việc đó? Ngay Cộng Sản còn bó tay nữa là. Thôi hãy để cho óc nó thoải mái đi, đâu có gì quá đáng. Bố là đàn ông thì nào có mất mát gì; đàn bà mới bị thiệt thòi.
Đạm tỏ vẻ tức tối:
-Không có ông với bà gì cả. Ngoại tình là có tội rồi. Biết người ta có vợ còn nhào vào quyến rũ. Còn bố biết người ta có chồng...
-Lỡ người ta chưa chồng hoặc đã ly dị? Với em, tòa án đời đâu nặng nề bằng tòa án lương tâm mà nếu lương tâm dằn vặt bố đã chẳng làm chuyện đó. Chị biết tính bố từ xưa mà.
Đạm nổi nóng:
-Tóm lại dì vẫn nghĩ rằng tôi dựng đứng câu chuyện tày trời này?
-Cái gì còn là nghi vấn thì nó vẫn chưa phải sự thật. Chị không nên buộc tội bố quá sớm như thế. Hơn nữa dù cho có thật thì trách nhiệm phần lớn đều ở mẹ.
-Cái gì? Do mẹ? Một người đàn bà suốt đời chỉ biết hy sinh cho chồng con. Một đồng bạc cũng chắt chiu chẳng dám tiêu xài riêng cho mình. Có may sắm một thì cũng dành cho bố ba. Đi đâu có món ngon vật lạ đều mang về. Đó là cái lỗi để bố phải bỏ mẹ đấy à!
Cư nhún vai tỏ thái độ bất đồng nhưng im lặng không trả lời. Nàng rắc tiêu lên đĩa trứng gà:
-Lần sau làm cho em chị giữ lòng đỏ lại; khi lòng trắng xém vàng hãy cho vào. Em thích ăn còn sống mới ngon.
-Ngon hay bổ?
-Thì cả hai, em nói thật tính mẹ với chị giống nhau. Khó chịu vô cùng cứ bắt người ta phải theo ý mình. Chị xem cái lòng đỏ mà khô ngắc như vầy chẳng thà ăn trứng luộc còn ngon hơn.
-Dì bảo tôi giống tính mẹ sao bố không cằn nhằn mẹ?
-Thì đấy, tại vì chiều quá chịu không nổi nên mới bung còn em đâu mắc mớ gì phải chiều chị.
Đạm hừ trong miệng:
-Thì ra vậy, chị em đâu cần nể nang chiều chuộng nhau.
-Em chỉ muốn nói mỗi người có một sở thích một tư tưởng khác nhau. Đừng dùng quyền hành hoặc lạm dụng sự thương yêu mà đi quá trớn.
Đạm hờn mát:
-Đã làm cho ăn không một tiếng cám ơn còn cằn nhằn. Lần sau tự làm lấy cho nó ngon.
-Em bảo chị không giống mẹ là gì. Em muốn làm cũng không được làm vì chị đều giành lấy. Chị biểu lộ tình thương qua sự săn sóc; em hiểu điều đó nhưng đã thương sao không thương cho trót?
-Tại thương cho trót nên mới làm cho nó chín. Để sống ăn đau bụng.
-Trời ơi sống ăn đau bụng còn chín thì mắc cam tích. Cái nào tệ hơn?
Rồi Cư pha trò:
-Cho em đau bụng đi. Em khoái đau bụng.
Đạm kéo dĩa trứng về phía mình.
-Đã lỡ mập cho mập luôn. Còn dì khoái mấy cục trứng sống?
-Chưa là heo nên chỉ ăn nổi hai trái. Trái chứ không phải cục. Sáng sớm dùng tiếng cục nghe nặng nề và hôi hám quá.
Đạm uể oải đứng lên. Qua khung cửa bếp nắng đã lên cao, màu nắng vàng rắc đều trên những phiến lá non tạo thành thứ ánh sáng loang loáng óng ả. Bụi tường vi nở đỏ rực rung nhè nhẹ theo những bước chân nhún nhảy của đôi chim sâu.
-Trưa trời trưa trật chứ còn sớm sủa gì nữa. Con gái ngủ trưa là hỏng hết. Hồi bằng tuổi dì tôi thức từ 6 giờ sáng.
Đỡ dĩa trứng gà ốp la trên tay chị và để nhẹ xuống mặt bàn, Cư dùng một mảnh vỏ bánh mì đâm sâu xuống lòng đỏ; lớp sáp sền sệt màu vàng cam từ từ chảy xuống cái lòng trắng đã xém cạnh. Nhìn Cư đưa vô miệng ăn ngon lành, Đạm lắc đầu:
-Ăn với muối tiêu mặn gắt thế mà nuốt được.
-Thôi đừng nhìn em ăn nữa. Chán lắm không có thanh tao chút nào đâu.
Nheo mắt nhìn chị, Cư nói như trêu ghẹo:
-Lúc nãy chị bảo phải thức 6 giờ sáng khi bằng tuổi em. Dĩ nhiên, có chồng làm sao dám ngủ lì thêm. Không dậy mà chuồn cho lẹ để nó cứ vần cứ vò chịu sao nổi.
Đạm đỏ mặt:
-Khiếp, ăn với nói không nể gì ai.
Cư phá lên cười:
-Đi guốc trong bụng thiên hạ mới chịu đỏ mặt. A ha! Rượu chưa uống mà say. Tình chưa vào cuộc đã... ngã gục.
Đạm gắt khẽ:
-Im đi để cho mẹ ngủ.
-Mẹ ngủ lấy sức lát chửi nữa cũng vậy.
Đạm nhìn Cư từ đầu xuống chân:
-Cái xác tồng ngồng, coi bộ lớn bộn rồi, không khéo lấy chồng nay mai. Vậy thì làm ơn ngồi xuống ăn đàng hoàng được không. Hành khất được miếng ăn còn biết tìm bệ đá hay gốc cây mà ngồi. Không tập ăn tập nói tập gói tập làm mai mốt về nhà chồng họ cười bố mẹ không biết dậy con.
-Chừng nào lấy chồng hẵng hay. Mà sao chị có ý nghĩ cổ xưa thế! Mình về làm vợ làm con dâu chứ đâu phải về làm đứa ở, con hầu hay con chó con mèo mà phải lo lắng sợ hãi họ đánh đập chửi rủa.
Đạm lắc đầu:
-Làm con chó con mèo vậy mà sướng. Có giận họ cũng chẳng còn lời nào nặng hơn để mà chửi. Còn em, là một con người có trí óc và hiểu biết lẽ dĩ nhiên em đâu muốn họ trách cứ hay nói đụng đến bố mẹ.
-Nếu khó như vậy em sẽ không lấy chồng nữa.
-Với điều kiện đừng yêu.
Cư dơ cái fork với bốn càng nhọn lên cao.
-Em sẽ là hội trưởng hội độc thân. Ai khoái tự do thì gia nhập.
Đạm cười:
-Tôi sẽ banh mắt gà mở mắt vịt mà nhìn xem hội trưởng hội độc thân khi nào phất cờ trắng đầu hàng nhục nhã.
Và rồi như chợt nhớ ra một tin rất quan trọng chưa được phổ biến rộng rãi. Đạm ghé sát vào tai Cư nói thật khẽ:
-Hồi hôm lúc mẹ nằm bên phòng với dì, bố thừa cơ dọn hết quần áo đi theo gái rồi.
Cư giật mình nhưng trấn tĩnh được ngay:
-Nãy chị kêu bố mê bà nào giờ lại theo con khác nghĩa là sao?
-Theo gái là tiếng chung dùng để chỉ phái nữ. Hơn nữa bỏ nhà là phải theo gái chứ chẳng lẽ theo bà già.
Cư thở dài:
-Vậy là chuyện gay cấn chứ chẳng phải chơi. Mẹ biết chưa?
-Biết ngay từ sáng sớm. Giá cả đêm cứ gác ở ngoài cửa thì đâu tới nỗi nào.
-Con chim đã không muốn ở thì có khóa cửa lồng nó cũng tìm cách thoát bay. Mẹ giữ được một ngày, hai ngày chứ đâu giữ được suốt đời. Tuy nhiên em sẽ có cách...
Cư nói mạnh là thế nhưng cho đến nay đã hai ngày rồi nàng vẫn bó tay nhìn mẹ ra vào như một cái bóng đau khổ và buồn bã.
Người ta bảo đàn ông bỏ đi đã dễ mà quay trở lại càng dễ dàng hơn trong khi đàn bà đã bỏ chồng là đi luôn. Cũng có thể đúng vì đàn ông đa số đều ham sắc dục; sắc và dục đâu thể tồn tại mãi với thời gian. Khi con ong đã tỏ đường đi lối về thì cũng phải chán, và gia đình vẫn là cái gốc để người chồng trở về. Cây nào chẳng có cội, nước nào chẳng có nguồn. Nhưng đàn bà không như thế; đa số bỏ chồng chỉ vì gia đình không êm ấm hạnh phúc, người chồng không xứng đáng với ngôi vị và khi tình yêu đã chết, họ đi để kiếm một hạnh phúc mới. Dù đạt được hay không con đường trở lại rất khó; khó chỉ vì người chồng ít có lòng bao dung quảng đại, và khó vì miệng thế gian.
Cư nghĩ giữa sự hiểu biết và nhìn xa thì đàn bà đâu bằng đàn ông, nhưng sự chịu đựng, hy sinh, chấp nhận và tha thứ thì đàn ông lại thua đàn bà. Cho nên ở trường hợp nào thì người đàn bà cũng luôn luôn thiệt thòi.
Cư chán ngẫm với tình đời thay đổi dễ như thay một cái áo; nhiều cái mới mặc một lần đã bỏ phí. Cư không trách bố, làm việc gì dù sai hay đúng cũng đều có lý do của nó; mà lý do nào chả được coi là chính đáng. Biết đâu bố lại chẳng bày ra một nước cờ tình và bố là những con cờ thí để nếu thắng sẽ được đền bù cả một cuộc sống với hạnh phúc toàn vẹn? Cư rùng mình khi chợt nghĩ đến điều đó và rồi nàng không ngần ngại bước vào phòng riêng của mẹ.
Màn cửa sổ vẫn buông nên tối om om. Quần áo mền gối vứt lung tung, những ngăn kéo đựng đầy ắp đồ bị kéo nửa chừng trống rỗng. Chiếc tủ lớn treo những bộ vét và quần áo đắt tiền chỉ còn vài cái móc không lỏng chỏng. Trong một đêm bố dọn bằng này thứ đi ra khỏi nhà mà không ai biết thì quả là tài. Có một điều lạ nếu dọn đi với gái thì lấy cả giày mòn áo rách làm gì? Không chừng ông già tính lên núi tu nên mới lồng cồng gánh gồng như thế!
Cư lay mẹ, người đàn bà ốm o nhỏ thó đang nằm thiêm thiếp nửa mê nửa tỉnh:
-Mẹ ơi dậy đi có chuyện này hay lắm.
Lẽ dĩ nhiên có chán đời cách mấy mà được nghe chuyện lạ cũng phải bật ngay dậy. Mẹ cũng đang nằm trong trường hợp đó, tuy chỉ hơi trở mình nhưng đôi mắt tỉnh táo và lắng vành tai nghe ngóng.
-Con kể chuyện của bố mà! Mẹ dậy tắm rửa ăn uống rồi đi với con.
Mẹ thở hắt:
-Đi? Giờ còn đi đâu? Tìm bố mày à! Tao không thèm.
-Ai nói với mẹ đi tìm bố? Mẹ con mình đi đánh ghen.
Cái tin động trời. Con Cư dám dẫn mẹ đánh ghen. Chị Đạm la hoảng. Nhưng mặc, Cư nhất định không cho chị theo phụ tá viện cớ đông người bị động thiên hạ chuồn mất.
Đạm hậm hực:
-Mẹ phải để con đi, bảo đảm con sẽ lôi xác bà ấy cho mẹ tha hồ đánh đấm. Cho con Cư đi là hỏng việc.
Cư cũng gân cổ:
-Em đánh bằng trí óc chứ không bằng chân tay. Mỗi người có một lối tấn công khác nhau.
Mẹ nhìn bộ vó ốm yếu của Cư ái ngại;
-Lỡ đến đó nó đòi đấu bằng dao búa thì tao làm sao chạy kịp.
Cư bật cười:
-Mẹ sợ quá thì ngồi ngoài xe để mình con vào thôi. Không lẽ họ đánh con. Còn bố nữa chi? Ít ra bố vẫn còn thương con chứ!
-Mẹ thấy kiểu này không ổn nếu không có con Đạm.
Cư giận dỗi:
-Vậy thì mẹ đi với chị Đạm để dẫn mặt xấu khắp cùng thiên hạ.
-Sư khỉ, đánh ghen mà xấu à! Tao là vợ, vợ được quyền đánh ghen. Đứa xấu mới là đứa giựt chồng người ta.
-Mẹ ơi nói với nó làm gì để con chở mẹ đi đoạn chen vào:
Cư hừ trong cổ họng:
-Chị biết bố ở đâu mà đòi đưa?
Đạm chưng hửng trong khi mẹ nhìn Cư ôn tồn:
-Con chỉ chỗ cho chị Đạm và ở nhà cứ yên chí.
-Không bao giờ! Cho chị Đạm biết là giết mẹ, bố sẽ đi mãi không về.
Có lẽ chỉ mẹ mới hiểu được Cư. Con người ương ngạnh ngang tàng không bao giờ khuất phục trước một sự việc mà nàng cho là sai trái. Mẹ đành vuốt theo và quay sang nói với Đạm:
-Thôi để mẹ đi với nó, biết đâu đấy, út ít bố mày thấy lại mủi lòng mà về không biết chừng.
Được sự ưng thuận của mẹ, Cư mở tủ lựa chiếc áo đẹp nhất. Mẹ nhìn lắc đầu ngao ngán:
-Làm như đi đám cưới đám xin mà hoa hòe hoa sói. Mặc đơn giản và cần nhất là màu xậm để rủi có bị thua mà té xấp thì quần áo mình cũng không dơ mấy.
Bật cười trước thái độ nghiêm trọng của mẹ, Cư nhỏ giọng:
-Có lẽ mẹ hiểu sai ý con rồi. Đánh ghen con dùng ở đây là đi đón bố về, mẹ phải diện thật đẹp như cô dâu mới về nhà chồng.
Mẹ nhìn Cư chưng hửng và rồi gương mặt bỗng trở nên tái xanh:
-Nãy nói kiểu nọ bây giờ nói kiểu kia. Đừng để tao nổi nóng lên mà ăn mấy cái đạp.
Cư sợ hãi vội đánh trống lảng:
-Con nói đánh ghen bằng tâm lý chắc mẹ không mấy thích. Nghĩa là không tốn một giọt nước mắt, một câu năn nỉ. Chỉ cần thấy mặt mẹ, thấy sự chân tình và thương yêu của mẹ là bố tự động trở về.
-Nói đến sự trở về? Vậy tại sao bố mày lại ra đi?
-Con sẽ giải thích khi mình ngồi ngoài xe. Giờ mẹ đi tắm cho khoẻ, cần thiết nhất phải để cho tinh thần sảng khoái, thể xác lành mạnh thì việc gì cũng thành công.
Mẹ nhìn xoáy vào mắt Cư như đo lường tầm mức quan trọng của việc làm. Hồi lâu bà thở dài cầm chiếc áo Cư chọn rồi thẫn thờ vào phòng tắm ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Nhìn đôi vai gầy của mẹ so lên và rút lại như bị suyễn, Cư muốn rớt nước mắt. Không ngờ tình yêu biến đổi nhan sắc và tâm tính con người một cách nhanh chóng; khi vui, khi buồn, khi khờ khạo ngu si và đôi khi lồng lộn như con thú dữ nếu không muốn nói là độc ác; mẹ đã có đầy đủ những yếu tố đó.
Suốt bao năm trời bố phải chịu cảnh "lên cơn sốt" bất ngờ của mẹ. Vợ chồng thì phải thế đấy, làm gì chẳng có lúc sóng to gió lớn, làm gì chẳng có lúc ngập lụt để nước chảy đê vỡ. Yêu nhau lắm cắn nhau đau, càng yêu càng ghen dữ dội. Chỉ một câu giỡn chơi hoặc đùa dai của bạn bè là có thể làm hạnh phúc của người khác bị xào xáo.
Bảo đàn bà hay ghen bậy là không đúng vì ghen cũng có nhiều loại; mỗi loại ghen lại có những tầng lớp khác nhau; và mỗi tầng lớp ấy nằm trong phạm vi hiểu biết của mỗi con người. Mẹ ở trong tầng lớp thấp nhất, cái ghen bóng ghen gió không được việc gì chỉ làm tổn thương danh dự, tự ái, tình yêu và chứng tỏ sự nông cạn yếu kém của mình. Bố nhìn từ sự nông cạn ấy bảo sao chẳng chán. Cũng may, cái tính hiền lành và yêu chồng, yêu đến cuồng dại điên khùng đã kéo lại. Chứ nếu không chắc gì mẹ còn có bố để mà ghen.
Trong phòng tắm, tiếng nước rơi ào ào từ chiếc vòi sen tỏa trên cao giống như tiếng thác đổ, reo vui cùng gió khiến Cư thấy lòng mình nhẹ nhàng với cảm giác thật dễ chịu. Mẹ tắm lâu thật, chắc đang gột rửa sự buồn phiền trong đầu óc. Tắm xong tỉnh táo, mẹ quất thêm một bụng no nê thì tính tình sẽ khác ngay. Có điều lần này tự dưng Cư linh cảm mẹ sẽ có những thay đổi lớn. Bố bỏ đi như vậy mang đến cho mẹ một sự khủng hoảng; từ sự khủng hoảng và trống vắng đó, mẹ mới có đủ thời giờ nhìn lại con người và tính tình của mìmh. Dĩ nhiên muốn níu kéo chồng quay về phải sửa đổi con người của mình trước, phải thành một người toàn vẹn hơn hẳn mọi người khác chứ!
Cư mỉm cười trong khi mẹ từ phòng ra lau tóc bằng chiếc khăn lông.
-Sao, như vầy đã vừa lòng hai bố con chưa?
-Bới cao tóc lên mẹ ạ! Đưa con làm cho.
-Phải sấy khô chứ!
-Không cần, "mode" bây giờ họ ép sát tóc vào da đầu càng ướt càng dễ làm.
Mẹ ngồi trước gương mặc cho Cư vần vò. Những lọn tóc được vuốt sát kéo lên tận đỉnh đầu và trên chỏm cao Cư gắn chặt vào búi tóc giả. Vừa khéo tay lại vừa có mắt nghệ thuật nên chẳng mấy chốc trông mẹ như một người khác, lạ và trẻ hẳn ra. Ngắm bóng mình trong gương, mẹ buột miệng:
-Nhớ đừng có xịt keo và chải dựng lên như tụi "punk." Mẹ già rồi đấy!
Cư không trả lời, nàng lấy cái trâm bằng đồi mồi đâm ngang búi tóc rồi mới lấy "gel" thoa đều trong lòng bàn tay vuốt nhè nhẹ cho những sợi tóc con nằm yên một chỗ.
-Mẹ dặn hơi thừa vì tuổi mẹ biến thành bụi đời ai coi cho được.
Mái tóc bới cao làm hở chiếc gáy trắng ngần, vài sợi tóc tơ mọc xoắn theo cái xoáy như bò liếm dưới ót. Cư vuốt nhè nhẹ:
-Bố khoái cái vết bò liếm này lắm hả mẹ?
Mẹ cười:
-Có thấy đâu mà khoái.
-Vậy mẹ phải mặc áo hở cổ và bới tóc như thế này mới kích thích được bố chớ!
-Con khỉ, cứ đùa cợt mãi.
-Con nói thật mà, ăn mặc bê bối quá không ông chồng nào thích đâu. Đàn ông bây giờ ghê gớm lắm hay so sánh vợ mình với vợ thiên hạ.
-Mẹ như vậy mà chẳng hơn chúng nó à!
-Câu nói chỉ từ mặc cảm mà ra. Mẹ mất một điểm rồi.
-Tại sao?
-Vì quá chủ quan.
-Sống mà không chủ quan thì sống làm gì?
-Con dùng tiếng chủ quan cũng không được sát nghĩa cho lắm. Thực ra phải dùng hai chữ hợm mình mới đúng.
Lần đầu tiên mẹ im lặng trong khi hai vành môi mím lại.
-Cái thất bại nặng nề nhất trong cách giao tiếp là hợm mình, tự mình nâng mình lên trong khi không có chân đứng dễ gây cho người khác ấn tượng mình khoác lác, rỗng tuếch.
Mặt mẹ bừng đỏ. Cái máy như vừa được đổ xăng vào cho nó chạy:
-Sư bố mày, trứng đòi khôn hơn rận. Tao lại chả hất bay cái lược chứ ở đó mà chải với chuốt.
Cư cười hiền lành:
-Mẹ đừng nghĩ đang nói chuyện với con hay với bố. Cứ tưởng tượng đang nói với một người bạn thân, câu chuyện sẽ biến chuyển theo chiều hướng khác và rất có lợi cho mẹ.
Mẹ nín hơi trong buồng phổi như đè sự bực tức:
-Nói không xuôi chết với tao.
Đã đến nước này không liều cũng phải liều. Cư bạo miệng:
-Tình cảm cũng thế! Mẹ cho là cái nết đánh chết cái đẹp, cho nên cái đẹp mẹ đã loại hẳn khỏi cuộc sống để chỉ giữ lại cái nết. Một viên ngọc quí không giũa không mài, một viên kim cương không cắt cạnh và lau chùi liệu nó có sáng ngời bóng loáng? Cái tính nết của mẹ cho là toàn vẹn; mẹ ủ mẹ dấu trong nhà để đi thâu thập một số rối rắm ngoài đời mà ứng dụng.
Mẹ nhíu mày;
-Cả đời tao không biết đến người đàn ông thứ hai thì bảo còn ai hơn?
Cư đánh trên da mẹ một ít phấn mỏng, mặt cố thản nhiên như không biết sợ là gì:
-Nết bao gồm nhiều thứ. Nó có cả công dung ngôn hạnh nữa. Hạnh của mẹ thì tạm cho là đủ nhưng những thứ khác nó chưa được toàn vẹn. Nhất là ngôn ngữ mẹ phát biểu nghe tàn bạo lắm. Khi giận lên mẹ nói những câu mà bây giờ vui con mới dám nói. Nó...
Mẹ ngắt lời:
-Hiểu rồi, đừng nhắc lại xấu hổ lắm...
-Mẹ bỏ tính đó nghe mẹ!
Giọng mẹ lấp lửng giận hờn:
-Bỏ cái mả bố mày ấy. Sư khỉ, rế đòi úp lên trên nồi.
Cư không lùi bước trước tự ái của mẹ.
-Hãy tạm cho là hy vọng mẹ sẽ thay đổi vì muốn đạt được thành công, ai không mang hy vọng mà hy vọng phải lồng trong sự cố gắng. Muốn trở thành người tốt có mấy ai không té lăn té lóc trong trường đời. Con nghĩ ngôn ngữ do chính miệng mình nói và khối óc tự điều khiển cũng dễ dàng thôi. Và điểm thứ hai...
Mẹ lấy tay vỗ nhẹ lên trán tỏ ý nhức đầu:
-Thôi đi, mẹ không muốn nghe trong lúc này óc nó muốn nổ tung. Chờ bố về hãy nói.
-Vậy thì cho con thêm một câu cuối cùng là mẹ ghen tầm bậy. Cư hấp tấp nói như sợ không còn dịp làm hơi thở dồn dập.
Bà mẹ ngẩn người, trong chiếc gương lớn hình ảnh Cư chính là hiện thân của bà 30 năm về trước; một đứa con gái thông minh, hiểu biết và ngoan hiền. Thời gian và tuổi tác đã biến đổi một phần tâm tính con người thêm vào tình yêu chiếm hữu đã đưa hai vợ chồng bà càng ngày càng đi đến sai lầm để tan vỡ. Yêu mà chiếm hữu là tình yêu ích kỷ đưa dần đến sự chết. Bao năm nay chồng bà chẳng bao giờ than trách điều đó. Ông càng nhún nhường thì bà lại càng lấn lướt làm tới. Những tưởng là mình đúng, ai ngờ sự thể xảy ra mới nhìn thấy được lỗi lầm của mình.
Bà nhớ lại hành động hôm gây gỗ với chồng mà rùng mình... Đũa thọc vào chén cơm hất bay lên; thật xấu hổ quá, một người đàn bà chân yếu tay mềm mà nhảy đong đỏng, chân đá, mồm gào. Những danh từ đốn mạt góp nhặt từ những cuộc xung đột của hàng xóm bà cho xổ tung tứ tán...
Cư nhìn nước mắt mẹ long lanh chực rơi xuống bật thốt:
-Mắt mẹ hiền và đẹp tuyệt vời.
-Mẹ không xứng đáng với bố con ạ!
-Có gì đâu, mẹ sửa tính lại gia đình sẽ hạnh phúc nhất thiên hạ.
Lần đầu tiên mẹ ôm lấy Cư kể từ ngày con bắt đầu khôn lớn.
-Nhờ con mẹ mới hiểu hạnh phúc khi ẩn khi hiện như một cái bóng. Mình chỉ có thể nhìn thấy nhưng không tài nào nắm giữ. Cái khó là làm sao để cái bóng nó luôn quanh mình.
Cư kéo tay mẹ:
-Mình ra tiệm kiếm cái gì ăn rồi đi tìm bố.
Mẹ xiết chặt vòng ôm:
-Kêu chị Đạm nữa, ba mẹ con ra tiệm ăn mừng ngày mẹ tỉnh thức. Sau đó sẽ về nhà...
Cư ngạc nhiên đưa mắt dò hỏi trong khi mắt mẹ ngời sáng:
-Mẹ cần về nhà dọn dẹp phòng cho gọn ghẽ và nhất là gọt đẽo những tư tưởng không hợp thời.
-Còn bố?
-Mẹ tin rằng mẹ đã ghen bậy và như thế hết giận, bố sẽ trở về. Lúc đó mẹ...
Cư nhanh nhẩu:
-Mẹ sẽ xin lỗi và con lại được nghe tiếng mẹ cười khúc khích từ trong phòng ngủ.
-Chó con, cấm ngạo mẹ.
Cư thở hắt một hơi thật dài vì thực ra nếu mẹ đồng ý để Cư chở đi gặp bố, nàng cũng chẳng biết tìm ở nơi nào. Đôi khi liều tầm bậy cũng có cái hay.
Vài phút sau ba mẹ con đã có mặt trong tiệm phở; mùi nước lèo xông lên thơm phức làm ai nấy đói cồn cào. Cư đẩy thực đơn qua cho mẹ; mẹ nhìn một thoáng rồi nói trống không:
-Như mọi lần...
Đạm thêm vào:
-Như mọi lần có bố.
Cư nhanh nhẩu:
-Con ăn thịt hộ mẹ nhưng không có bánh hộ bố.
Mẹ cười nhìn ra ngoài cửa:
-Biết đâu đấy...
Mẹ chợt ngưng lại sau câu nói và mặt bỗng nhiên tái ngắt; đôi môi run rẩy bấu víu vào nhau để ngăn chận giọt nước mắt chực trào ra; bàn tay níu chặt lấy mép bàn cho dằn cơn xúc động. Cư và Đạm cùng ngoái cổ lại. Ở cửa, bố đứng sững như trời trồng; khuôn mặt buồn so và đôi mắt sâu trũng, râu ria để tua tủa chứng tỏ những đêm mất ngủ. Cư xô bàn chạy lại và hét lên:
-Con xí phần bánh của bố.
LÊ THAO CHUYÊN