Chương XII

     húng tôi ở trong động Hồng thầu thấm thoắt đã gần đến tết.
Trời mưa liên miên suốt ngày đêm.
Không khí lạnh như băng.
Trời, đất, cây, cỏ, củi đuốc hết thảy đều ẩm ướt.
Cuộc sống trong cái thế giới cách biệt ấy tự hồ ngừng lại và bị tê cóng đi…
Cơ vì bực tức, nghĩ ngợi nhiều quá, đâm ốm.
Tôi càng lo.
Năm hết tết đến rồi! Cha mẹ ở nhà cứ gọi là mong mòn con mắt.
Không những không được tin tức gì của con mà mấy tháng trời, không biết sinh kế gieo neo ra làm sao. Tôi càng nghĩ càng bồn chồn và càng bồn chồn bao nhiêu càng phải làm mặt bình tĩnh bấy nhiêu.
Bình tĩnh để khỏi bị ngờ và để mưu toan sự trốn chạy cho dễ.
Nhưng, Cơ ốm thì làm thế nào?
Bây giờ nếu có thể ra khỏi đây được thì họa may chỉ có một mình tôi có thể chạy được chứ Cơ thì khó lòng lắm!
Trốn mà còn phải đeo một ông bạn ốm ư?
Chẳng thà dừng lại khỏi chết mất mạng ở trong rừng.
Hay tôi cứ trốn một mình rồi sau nhờ các nhà đương chức can thiệp hộ?
Không được!
Là vì sao?
Anh chắc không lạ gì rằng bọn dân đường rừng họ hay thiên cư lắm. Nhà cửa ruộng nương chẳng phải là những thứ có thể buộc chết họ ở một chỗ. Đời sống của họ lắm khi bềnh bồng chẳng khác một con thuyền.
Vậy nếu tôi trốn đi một mình thì khỏi sao sẽ xảy ra nguy hiểm cho tính mệnh Cơ!
-  Sao lại nguy hiểm?
-  Hẳn đi chứ!
-  Tôi không hiểu…
-  Thấy tôi đi khỏi, họ tất nhiên tức giận và lo sợ rằng tôi đem thân thuộc Cơ hoặc nhờ quan nha lính tráng can thiệp mà đánh tháo cho bạn tôi nốt.
-  Những người còn dã man thường nóng nảy và chẳng hay nghĩ ngợi lôi thôi gì hết. Họ tức và lo thì họ giết phăng ngay Cơ đi thế là rảnh chuyện!
-  Gớm, giết người có phải dễ đâu!
-  À, giết người vẫn biết là một tội ác sẽ bị trừng phạt ghê gớm. Nhưng đấy là nói một người ở trong xã hội văn minh kia! Đằng này, một khi họ giết Cơ rồi, họ rất có thể gồng gánh đi nơi khác ngay vì họ di cư một cách dễ dàng lắm!
Họ thực tự do như không khí!
Thêm một điều khó nữa…
-  Điều gì?
-  Mùa bấy giờ gặt hái đã xong rồi…
-  Tôi biết.
-  Người ta không phải đi đâu nữa, có thể cứ ngồi ru rú ở nhà…
-  Phải.
-  Ấy chính đấy là một điều ngăn trở lớn cho tôi không thể hành động được.
-  Anh nói khó hiểu quá!
Khôi gắt với Ngọc:
-  Thế anh quên ông bố và ông anh vợ chúng tôi rồi à?
Ngọc như tỉnh ngủ và gật đầu lia lịa:
-  À, tôi hiểu rồi!
-  Suốt ngày, hai người cứ quanh quẩn ở nhà, chẳng đi đâu hết. Tôi không còn biết hành động ra sao nữa.
Cơ thì cứ thỉnh thoảng lại gọi tôi vào buồng để giục giã làm tôi cứ phải lấy tay bịt miệng anh ấy lại.
Cứ kể cũng khổ thật!
Đã đành rằng hai chúng tôi vẫn được đầy đủ về vật chất nhưng thằng người có giống như con lợn đâu!
Thằng người còn có nhiều cần thiết về tinh thần.
Mà, những sự nhu yếu của tinh thần mới thực là cấp bách.
Anh tính mấy tháng ròng, chúng tôi cứ ăn, ngủ rồi lại ăn rồi ngồi đấy, sách không có mà đọc, đi chơi đâu không được đi, cứ như hai tên tù cầm cố vậy. Đến nỗi xác thịt mỗi ngày thấy nặng nề, tâm chí mỗi ngày càng thấy bế tắc khó chịu quá lắm!...
Ngọc nói khôi hài:
-  Thì ra cái câu cơm no bò cưỡi chẳng phải là câu cực tả cái thú vị nhân sinh.
-  Có, nó cực tả cái thú sống của con lợn.
-  Thế… ông nhạc và anh vợ anh đối với anh ra sao?
-  À, họ không ngờ vực gì cả.
-  Dễ tin nhỉ.
-  Cái ấy cũng không lạ!
-  Tại sao?
-  Vì rằng họ bản tính chất phác, thấy chúng tôi cứ ung dung ăn ngủ thì họ yên chí rằng chúng tôi không thể có dị ý được nữa!
-  Tội nghiệp cho họ.
-  Họ cho rằng nơi họ ở lúc thóc nhiều, gà vịt hươu nai nhiều. Một khi thằng người chỉ cần có miếng ăn mà miếng ăn lại đã no đủ thì còn nghĩ vẩn vơ gì khác.
-  Ồ!...
-  Thêm một lẽ nữa là còn có vợ chúng tôi đấy! Chẳng gì thì cũng đã là vợ chồng với nhau, cái tình lưu luyến gối chăn tất nhiên phải có chứ khỏi làm sao được!
-  Nghĩa là họ tin ở sự trói buộc của những sợi tơ đào?
-  Chính vậy!
-  Khờ ơi là khờ!
-  Và, còn điều này…
-  Gì?
-  Vợ tôi đã…
Khôi ngừng lại và đỏ mặt.
Ngọc hiểu:
-  Chị ấy đã có tin mừng chứ gì?
Khôi khẽ gật.
-  Người ta có thể còn phụ bạc được vợ, chồng chứ ai nỡ bỏ đây bỏ liều đứa con là giọt máu của mình sẽ ra, phải không anh?
-  Cái ấy cùng tùy.
-  Ấy là tôi đứng về phương diện của họ mà nói.
-  Nếu thế lại khác!
-  Khốn nỗi họ đã quên phắt đi rằng nếu người ta không nỡ bỏ con thì người ta lại càng không bỏ cha mẹ được.
-  Ừ.
-  Và, con thì còn nhiều người không có chứ ai cũng phải có cha mẹ mới có mình…
-  Đã đành.
-  Người ta có phải mọc lên từ một cái nấm đất nào đâu!
XIII
Cơ đã khỏi ốm; da anh xanh mét như tầu lá; mắt anh tím quầng chẳng khác bị đánh; miệng anh giẩu ra…
Anh chỉ còn là một cái bóng của chính mình anh khi trước.
Ấy thế mà, một buổi sớm kia nhà vắng, anh vừa ở buồng ngủ bước ra đã trợn mắt nhìn tôi và kêu rầm lên:
-  Ô hay, cái anh này ra làm sao thế này!
Tôi vờ không hiểu:
-  Làm sao?
-  Lại còn làm sao! Anh khéo vờ lắm.
-  Thực tình tôi không hiểu ý anh định nói gì.
-  Anh không hiểu à?
-  Thật thế!
-  Hừ, anh bây giờ thì còn hiểu gì nữa!
-  Sao lại thế?
-  Vì anh lú mất rồi!
-  Anh chỉ nói bậy!
Cơ tức thực tình:
-  Tôi không nói bậy: anh thực quả đã lú lấp mất rồi.
-  Anh làm tôi tức lắm!
-  Anh tức là vì anh đã thật bị lú lấp…
-  Anh này nói sảng!
-  Có anh sảng thì có: ai đời lại ăn mặc thế kia thì còn ra cái phong thể gì nữa!
-  Anh công kích bộ quần áo mán này của tôi?
-  Phải!
-  Có gì lạ: nhập giang tùy khúc; nhập gia tùy tục chứ!
-  Tôi không ngờ anh lại dễ đồng hóa thế!
-  Sao anh lại không ngờ?
-  Vì tôi vẫn tưởng anh là một người tự trọng…
-  Thì, tôi vẫn tự trọng chứ sao!
-  Không!
-  Anh võ đoán thực…
-  Anh không những không tự trọng theo trong phạm vi cá nhân, lại còn không tự trọng theo trong phạm vi dân tộc nữa!
-  Làm gì mà to chuyện thế!
-  Thật đấy chứ! Một người thanh niên Việt Nam còn nghĩ đến cái danh dự nòi giống mình không khi nào lại nhẫn tâm hóa mán như thế!
-  Hừ, thế bộ quần áo tây của anh?
-  Ồ, cái ấy lại là một chuyện khác!
-  Sao lại khác?
-  Vì đời bây giờ cần gọn ghẽ, nhanh nhẹn mà bộ quần áo ta thì lôi thôi lòa xòa nên tôi đổi mặc tày cho tiện.
-  Thế thì tôi, tôi cũng cốt cho tiện việc…
-  Tôi bắt chước người văn minh hơn; còn anh, anh lùi lại làm người dã man.
-  Dù sao cũng là bắt chước, cũng là bỏ quốc phục.
-  Anh hay cãi cối lắm!
-  Có anh cãi cối thì có!
( Kiểm duyệt bỏ) (1)
-  Ai bó buộc anh?
-  Sự cẩn dùng.
-  Thế tôi có bị bắt buộc đâu!
-  Anh khác, tôi khác…
-  Khác ở chỗ nào?
-  Ở chỗ anh còn nhiều quần áo để thay đổi; chứ tôi thì rách hết rồi!
-  Anh có thể lấy của tôi mà mặc chứ?
-  Thế khi chính của anh cũng rách hết?
-  Ồ… Đến khi ấy cũng còn lâu!
-  Lâu hay chóng rồi cũng phải hết.
-  Vả lại, từ nay đến lúc ấy biết đâu ta đã chẳng bước tám đời rồi!
-  Biết đâu! Tôi rất ghét  hai tiếng biết đâu chỉ một sự bấp bênh mờ vòng…
-  Nghĩa là anh không tin sự thoát ly của chúng mình?
-  Tôi có tin.
-  Thế thì còn nữa!
-  Chính vì tôi rất tin ở sự thoát ly của chúng ta nên tôi mới mặc quần áo mán…
Cơ đỏ mặt:
-  Tôi không bằng lòng anh nói thế!
-  Ô hay, sao anh lại không bằng lòng?
-  Anh hay nói đùa lắm.
-  Không!
-  Nếu anh không nói đùa thì tức là anh cố ý nhạo bắng tôi. Anh không có quyền nhạo báng tôi, anh phải nhớ lấy điều ấy!
-  Nếu tôi không có quyền nhạo báng anh thì anh cũng không có quyền đâm khùng một cách, vô lý như vậy!
-  Thế mà anh bảo tôi hay đâm khùng à?
-  Chính thế!
-  Tôi không khùng…
-  Có. Bởi vậy nên anh mới không chịu nghe tôi nói rõ.
-  Anh nói rõ cái gì?
-  Tôi nói rõ cái việc thoát ly của chúng ta, mà tôi tin chắc…
-  Sao nữa?
-  Không những tôi chỉ tin chắc, tôi lại còn đương sửa soạn là khác…
Mắt Cơ sáng lên; anh hấp tấp:
-  Thật à?
-  Ấy đấy, anh cứ luếu quếu như thế làm tôi bực lắm!
Cơ giảng hòa:
-  Ít ra anh cũng cho tôi mừng chứ!
-  Mừng sớm thì lại chỉ tổ lo sớm mà thôi.
-  Anh cẩn thận quá!
-  Anh nên lo rằng tôi chưa đủ cẩn thận…
-  Ồ!
-  Thật đấy chứ!
-  Anh hoài nghi dữ…
-  Phải hoài nghi mới được. Việc tôi đương sửa soạn đây, chỉ hở bằng sợi tóc là hỏng ngay.
-  Gớm, nghiêm trọng thế kia!
-  Ra khổ anh không nhớ gì đến lời thề?
-  Có chứ!
-  Nếu vậy, anh đủ thấy rằng chỉ hở ra một sợi tóc là cũng đủ cho anh, cho tôi mất mạng ở xó rừng hoang này.
-  Tôi tức chúng nó lắm!
-  Tức thì ích gì.
-  Tôi mà về được chuyến này thì…
-  Thì anh chẳng bao giờ trở lại đây nữa chớ gì?
-  Anh lại giễu tôi rồi.
-  Nhưng anh hay nói xốc nổi lẳm!
-  Ừ, thì tôi xin nhận lỗi vậy.
-  Ấy là câu nói thứ nhất của anh mà tôi cảm phục.
Cơ bật cười:
-  Rõ khéo ông tướng lắm!
-  Lại  hỏng rồi!
-  Thôi không nói đùa nữa…
-  Lại đáng phục!
-  Này, anh Khôi?
-  Gì?
-  Anh có thể cho tôi biết anh đương sửa soạn gì không?
-  Sửa soạn đi trốn chứ còn sửa soạn gì nữa!
-  Ai chẳng biết anh sửa soạn đi trốn…
-  Đã biết lại còn hỏi!
-  Tôi hỏi xem anh đã sửa soạn đến đâu rồi.
-  Bí mật!
-  Anh bí mật cả với tôi à?
-  Chứ sao!
-  Vô ích.
-  Để rồi xem…
Cơ nằn nì:
-  Anh ác lắm!
-  Hừ, tôi mưu đem anh ra khỏi đây mà anh lại bảo tôi ác à?
-  Tôi bảo anh ác vì ở đây chỉ có hai anh em mà anh lại giấu tôi.
-  Cái gì chỉ một người biết là một sự bí mật; hai người biết là một sự bí mật đã hở mất nữa.
-  Đã thế, sao còn hở cho tôi biết?
-  Để anh yên lòng.
-  Trái lại thế.
-  Sao!
-  Anh chỉ cho tôi biết một nửa thì tội càng thêm sốt ruột mà thôi!
-  Anh khỏe sốt ruột thì tôi sẵn lòng cứ để cho anh sốt ruột đi. Như thế tức là tập cho anh sự kiên nhẫn.
-  Nếu tôi không thể kiên nhẫn được?
-  Thì chúng mình ở đây. Anh nóng dí hơn tôi, anh nên nhớ như thế.
-  Đã đành!
-  Vậy anh phải kín chuyện.
-  Nhưng, anh nói cho tôi rõ có phải anh thêm được một người giúp việc không?
-  Ừ, câu ấy nghe được!
Cơ hăng hái:
-  Anh phải biết, tôi tuy thế mà giỏi đáo để. Anh được một người giúp việc như tôi mới biết tôi là đáng quý.
-  Thế phỏng?
-  Thật đấy.
-  Được, tôi xin nói để anh nghe.
Sự vui sướng hiện ra nét mặt Cơ.
Tôi ngừng lại để hút một điếu thuốc và uống một chén nước nóng.Tôi có xuyệt xoạt uống kéo dài ra rõ lâu để Cơ phải sốt ruột.
Cu cậu quả nhiên băn khoăn nhưng không dám hỏi.
Chê chán, tôi mới nói:
-  Tôi vừa làm xong tám chiếc giày cho hai con ngựa.
Cơ trợn tròn hai mắt…
-  Trời rét này, bắt chúng nó đi đất thì khổ cho chúng nó quá phải không anh?
Cơ ậm ừ cố tiêu cái món khó tiêu để lấy lòng tôi:
-  Chính thế!
-  Mấy hôm nay mưa đã ngớt, gió tây bắc thổi mạnh, đất sắp rắn lại như sành, đi đau chân ra phết…
-  Hừ!
-  Chúng nó tuy là súc vật mà gặp chỗ đất rắn hẳn cũng biết đau chứ!
-  Hừ!...
-  Anh sao lúc này ngoan nết đáng yêu thế!
Cơ bật cười:
-  Nếu tôi không nhầm thì anh hình như lại giễu tôi!
Tôi điềm nhiên:
-  Tôi đã xem xét kỹ đại thể. Ba mặt núi cao hình như có đường hâm vây phủ…
-  Đường hầm?
-  Phải, đường hầm nguy hiểm lắm! Trên mặt phủ phên trồng cỏ nhưng dưới đáy có chông thả chưa biết chừng. Anh nào lò rò đi qua mà không biết thụt xuống là toi mạng…
-  Ghê nhỉ!
-  Vậy lối ra vào tự do chỉ còn có đường suối.
-  Hừ!
-  Tôi nói tự do là có ý bảo đường ấy không có cạm bẫy gì…
-  Thật à?
-  Thật!
-  Hay ta trốn bằng lối ấy?
-  Chính thế!
-  Vậy anh còn đợi gì?
-  Tôi chẳng đợi gì cả. Tôi chỉ không muốn nhận những phát tên của một thằng quản canh vô hình mà thôi.
Cơ thất vọng:
-  Như thế sao anh lại bảo không có cạm bẫy gì?
-  Ô hay, tôi nói không có cạm bẫy chứ tôi có nói không có quân mai phục đâu!
-  Ừ nhỉ!...
-  Đấy, tôi đã sửa soạn được chừng nấy!
Cơ ngẩn mặt và nhìn tôi đến lác cả hai mắt.
Tôi vờ quay sang chuyện khác.
Cơ nhắc:
-  Tưởng thế nào chứ thế đã gọi là sửa soạn sao được.
Tôi vờ không nghe tiếng:
-  Này, anh Cơ ạ, nhà tôi hình như nó có chửa thì phải!
-  Sao anh lại hỏi tôi điều ấy! Chị ấy chửa hay không thì anh biết chứ tôi biết nào được!
Tôi cứ làm như không nghe tiếng:
-  Tội nghiệp quá! Mai kia mình đi thì nàng sẽ đau khổ biết chừng nào!...
Cơ lườm tôi rất nhanh:
-  Đi gì!
-  Anh không đi à?
-  Đi thế cóc nào được!
-  Nếu anh bị vướng víu thì tôi đi một mình.
Cơ không thể kiên nhẫn được nữa, anh gần như gào vào giữa mặt tôi:
-  Anh xỏ vừa vừa chứ!
-  Đấy, anh lại khùng rồi.
-  Ừ thì tôi khùng. Anh muốn bảo tôi làm sao thì bảo… Tôi biết thừa đi rằng anh ngồi buồn không có việc gì làm thì anh trêu tôi chơi chứ gì!...
-  Anh thế thì vô lý thực!
Cơ chề môi nhại:
-  Vô lý!... Phải, tôi đây chỉ có thể với kém!
-  Chứ lại không ư? Lúc tôi không nói đến chuyện đi thì anh giục khan giục vã, lúc tôi nói đến đi thì anh co cổ lại!
-  Đi!... Có mà đi xuống hố!
-  Được, rồi anh xem!
-  Anh bảo anh đã sửa soạn được tử tế vậy mà ra anh chưa sửa soạn gì cả!
-  Thế là sửa soạn chứ còn gì nữa?
-  Sửa soạn!
-  Thật đấy chứ… Có anh tồi anh mới không nghe ra: tám chiếc giày để bịt móng ngựa cho khỏi kêu thì đi đêm mới không đánh thức quân canh dậy, nghe chưa!...
Cơ nhìn chằm chặp vào tôi.
-  Ba mặt có hầm, ta sẽ bỏ và chỉ ra đường suối, sau khi đã đánh thuốc mê cho cả nhà vợ chúng ta.
-  Ồ!...
-  Kế ấy được chứ?
Cơ rụt dè:
-  Được! Nhưng thiếu một cái…
-  Cái gì!
-  Thiếu thuốc mê!
-  Anh có tìm đâu ra có không?
-  Trừ phi có một vị Bồ Tát đêm ở trên giời xuống cho.
Tôi cười:
-  Ấy thế mà có đấy!
-  Anh nói khoác!
-  Nó ở ngay quanh mình ta.
-  Ồ!...
-  Nó là một thứ lá rừng, lấy về đốt ra tro trúc bỏ lẫn vào thức ăn là xong việc!...
Chú thích:
(1)  Câu này bị kiểm duyệt bỏ hồi còn bị Pháp thuộc