Thiết lộ

     ng Tám rót thêm cho mình một lt đế nữa, tiếng nút cọ vào miệng chai thủy tinh thoát ra một âm thanh khô, khít. Chai đế đã vơi hơn nửa. Ông Tám nhủ thầm: sao hôm nay lão Tư không đến nhậu với mình, lão đã chán đến hay lại bệnh bất tử rồi... hay lão đã kiếm được đường đi khỏi như lão dự định, đi đâu, làm gì, mình già rồi, còn việc nào khác là việc bẻ ghi nữa, sức mình còn kham chi được nhiều... Ông Tám lẩm bẩm với mình, hôm nay không còn người bạn già để cùng nhau tâm sự, nói đi nói lại những câu chuyện đã nói không biết bao nhiêu lần, những câu chuyện thường bắt đầu: Lúc trước, khi xưa, hồi còn, ngày tôi mới lấy nhà tôi, tết năm...
Những vạt nắng cuối cùng leo lên những ngọn cây cao su phía trước, mấy tàu lá chuối óng ả vươn lên cao, sân ga trong buổi chiều hôm nay trông như hẹp hẳn đi, thùng chứa nước cũng như thấp xuống, chiếc thùng sơn đen như mốc, đã lâu rồi nó không còn được sơn sửa, nước mưa tràn đầy chảy xuống rì rả từ đầu mùa tới nay đã khiến cho một phía góc có chỗ hở nước chảy xuống tạo thành một vệt han gỉ, nhưng nay còn ai kiểm soát nữa đâu mà lo. Bốn con đường sắt song song với nhau ông Tám chỉ còn nhận ra một con thì cỏ cao bao phủ, phía ngoài những cây con đã mọc, chính những cây con và cỏ đã khiến ông tưởng như sân ga hẹp lại rất nhiều ông không còn nhận ra hàng rào thép gai phía trước, hàng rào mà những thời gian trước ông đã phải luôn luôn để ý đến nó vì từ phía đó những kẻ đi tàu lậu vẫn vượt qua, có một chỗ mà ông không sao ngăn ngừa được đã khiến cho trên khoảng sân ga có một con đường mòn, con đường những bà già, trẻ con thường vượt qua để vào bán quà bánh, trái cây nước trà, những khi có tàu đến ngừng lại trong chốc lát, bây giờ không còn ai vượt qua con đường ấy, không còn những đứa trẻ nhanh như chuột trốn chạy ông, không còn tiếng năn nỉ của những đứa nhỏ chậm chân khiến ông giữ lại của nó một ấm nước, một mẹt bánh, mẹt mía... ông Tám lơ đãng nhìn ra khoảng sân nhớ tới những con tàu đen nằm lại trong sân ga, tiếng máy ì ạch nặng nhọc, hơi nước và khói than nồng nàn, tiếng gọi nhau, tiếng rao hàng, tiếng gõ khô khan của những người kiểm soát con tàu soi đèn vào những chiếc vít, chỗ nối toa sau một đoạn đường dài con tàu đã chuyển động.. Bây giờ chỉ còn lại đó một sân ga cao cỏ và sự có mặt lếch thếch của gia đình kia. Lúc trước cảnh những gia đình đến ga này không ít, nhưng phần nhiều là những kẻ làm ăn thất bát, những người thất nghiệp đến đây làm phu đồn điều cao su, họ đến nhiều nhưng đi khỏi chẳng bao nhiêu, những lần thấy có người đi khỏi ông mừng cho họ, đất này độc, người ta đến và ở lại để chết vì bệnh tật, đời sống phu phen chẳng bao giờ tạo nổi cho họ một tương lai khá hơn. Gia đình này chắc cũng như vô vàn những gia đình khác. Họ có đi được không, ông mong họ may mắn. Thầy Ký vào nơi phòng nhỏ, chỗ có mắt cáo để bán vé, thầy lục lọi cái này cái khác, lấy chổi phất trần quét chỗ làm việc. Lúc sau ông xếp cũng đến, rồi mấy người lao công... thêm vào ông Tư, đó là tất cả nhân viên trong nhà ga này. Đã mấy tháng rồi họ đã đến đây không đều đặn, hôm đến hôm không, nhưng hôm nay họ đến đủ mặt và chừng như cố tạo lại sự bình thường, sự bình thường mà mỗi ngày trước đây họ phải làm. Thầy Ký ngồi vào chỗ bán vé, mở khóa ngăn kéo, lau kệ, rồi lấy thuốc ra châm hút. Ông Tám uể oải đưa chổi quét lần xi-măng trong khoảng phòng đợi, lối ra sân ga. Hai người lao công, anh Thịnh đứng lên chiếc cân như thử lại sự chính xác của nó, anh chăm chú nhìn chiếc cán cân thăng bằng sau khi điều chỉnh rồi kêu lên vẻ vui thích: Tôi lên được nửa ký. Anh Lạc leo lên chiếc thang lên dây chiếc đồng hồ nhin xuống nói: Mấy giờ rồi ta. Trong khi đó ông Xếp lau chiếc điện thoại trên bàn, xé những tờ lịch trên tường rồi ông ngồi thừ xuống ghế không biết làm gì tiếp...
Ông Tám già tợp thêm một ngụm đế. May mà còn đế nhậu nếu không thì buồn chết, ông nhớ tới thằng con, đứa cháu đích tôn mới được một tuổi, không hiểu hồi này bọn nhỏ ra sao, đến nửa năm rồi còn gì hồi ông xuống Mỹ Tho chơi với chúng được hai ngày, thế rồi thôi, chẳng được một lá thư của nó nữa, nếu có tàu ông đi Sài Gòn rồi xuống Mỹ Tho ông không mất một đồng bạc, bây giờ thì phải đi xe đò rồi, nhưng có đáng là bao nhiêu đâu, bình thường bây giờ chẳng ở đâu là xa hết, xe cộ dễ dàng và ngon lành nữa. Cái gia đình hồi sáng bây giờ ra sao, mong họ đã đến một nơi nào rồi trên đường tới Sài Gòn, ông thử tưởng tượng tới những trạm mà chuyến xe chạy qua nhưng ông không sao nghĩ được, đã rất lâu rồi có bao giờ ông đi trên con đường ấy đâu. Những đàn muỗi rừng, thứ muỗi cỏ cánh dài đã trở lại bay vòng vòng trên những ngọn cỏ, những cơn gió nhẹ thổi qua lay động những ngọn cây cao, vẻ lay động lặng lẽ cô tịch. Ông Tám nhấp một ngụm đế, cầm lấy miếng khế chua cắn một chút, cỏ và rêu đã mọc vào đến hiên ga, mai phải làm việc một chút mới được, để mãi trông nó hoang liêu quá, mà biết đâu chiều nay bỗng nhiên tàu chạy trở lại, nhìn thấy sân ga như thế này chắc các xếp không hài lòng? Ông Tám như nhủ thầm với mình, ừ biết đâu mai lại không có tàu chạy đến. Sáng hôm nay tất cả những nhân viên đều đã đến, ông cũng đã mở cửa nhả ga như mọi ngày, cầm cái chổi quét những rác rưởi, khi quét ông mới nhận ra rằng trong nhà đợi đã có một gia đình cư ngụ tại đó. Hai chiếc chiếu rách, một người đàn ông vàng vọt khô khẳng, một người đàn bà và hai dứa trẻ con. Ê nhà ga chứ đâu phải nhà tế bần các bồ. Người đàn ông khoác chiếc khố tải nói mãi mới ra tiếng: chúng tôi chờ tàu đi Sài Gòn chữa bệnh. Đi Sài Gòn, nghe thấy điều đó ông Tám bùi ngùi, ông lắc đầu: có tàu đâu mà đi Sài Gòn, không biết sao? Đôi mắt lo âu của người đàn bà: thưa bác không có tàu? Không có từ lâu rồi mà, không biết sao? Dạ chúng cháu ở trong đồn điền không biết. Ông Tám đưa mắt nhìn họ, chắc là họ ở trong đồn điền phía trong không biết những điều xảy ra ngoài này. Thôi kiếm xe đò mà đi, tàu thì đến bao giờ... Ông muốn nói cho họ biết việc đi ra khỏi đây không còn như những ngày trước nữa, ông Tám uể oải đưa chổi quét cho tới lúc sau ông thấy họ thu xếp đi. Ông hỏi đi đâu, người đàn bà bế đứa con trên tay: chồng con bệnh nặng phải về nhà thương ngay, chúng cháu ra ngoài lộ đón xe. Bây giờ họ đã lên được chiếc xe nào chưa, những xe dò họa hoằn mới chạy qua một lần, hay bây giờ họ còn đứng đợi ngoài quốc lộ. Ông Tám không muốn nghĩ tới nữa. Ông đã nhìn theo họ thương hại, sao ông lại không nói hết cho họ hay, sao không nói để trở lại nơi làm việc của họ, sao không nói họ ở lại, biết đâu mai này có tàu, những biết đâu mà ông đã nghĩ đến không biết bao nhiêu lần... Lúc nãy thầy Ký bán vé tàu đến, hai người bắt tay nhau, ông Tám đã nói: Đáng lẽ sáng nay ông có việc rồi đó. Thầy Ký nhìn ông: Việc gì? À một gia đình định mua vé đi Sài-gòn? Cả hai người phá lên cười, thầy Ký hỏi: Họ đâu rồi? Tôi nói không có tàu nên họ ra ngoài đón xe đò. Ông Tám nói xong định cười nhưng ông không cười được khi nhớ lại cảnh gia đình người phu lếch thếch lo âu kéo nhau đi ra quốc lộ với hy vọng tìm được xe trở về Sài Gòn. Sài Gòn, với cái tên gọi đó bỗng trở thành xa lạ với ông, nó không còn là một nơi gần gũi mà nếu ông muốn ông có thể đến đó một cách dễ dàng như trước. Mong cho họ đã đến được Sài Gòn, nhưng ngay sau đó ông không tin điều ông mong ước đã trở thành sự thật với gia đình người lạ mặt kia.
Mỗi lúc ông Tám một thấy chất rượu như ngọt thêm nơi đầu lưỡi, đầu óc mỗi lúc như thấy một mờ tối đi cùng cảnh vật ngoài trời. Không say thì còn biết làm gì nữa, không biết vợ chồng thằng Hai ra sao, đứa cháu nhỏ nữa, sao ông thấy nhớ chúng quá, có cách nào cho chúng có thể tới đây hay ông có thể tới ngay bên chúng nó lúc này, nếu được vậy ông sẽ bắt thằng hai đi kiếm thêm vài xị nữa, làm một con gà xé phay ra rồi cha con cùng nhậu, nó cũng là một thằng nhậu được lắm, nó có những thằng bạn trong lính cũng là sâu rượu chứ ít gì, ông vẫn thường nói với nó: con trai phải biết nhậu nhưng không được bê bối, nhậu cho vui, cho khuây khỏa chứ không được mượn rượu mà làm chuyện bậy bạ, không thể nói say mà làm thế này thế khác, không thể mượn rượu mà chửi bố người ta, say nhưng sao không chửi bố mình mà lại cứ nhè bố mẹ người ta mà chửi. Như thế là bá láp, tầm bậy, đó là điều ông Tám không tha thứ cho ai được. Nhậu nhẹt, tán dóc, cười vui rồi ngủ, đó là điều ông vẫn nói với thằng con của mình không được mượn rượu mà la mèo mắng chó làm khổ vợ con. Những ngày ở với ông xem ra thằng Hai cũng biết điều lắm, chúng nhậu mà không bao giờ làm ông phiền lòng, lúc làm việc thì làm việc, khi chơi thì cho ra chơi, đó là điều khiến ông yên tâm và hài lòng về nó, không hiểu hồi này nó ra làm sao, ông không được biết một tin gì của nó cả. Ông Tám thấy má mình ướt không biết có phải mình đã khóc không.
Ông Tám ngồi im lắng nghe những tiếng động chung quanh. Tiếng một con chim rừng nào đó lẻ loi ngoài rừng cây. Chòi nước sơn màu hắc ín những dây leo bám quanh. Đoạn đường sắt cụt dành cho những đầu máy vào lấy nước đã um tùm những cây cao hơn đầu người. Những vạt nắng cuối cùng leo trên những ngọn cây xanh tối mù đục hơi sương. Ông Tám lấy từ trong túi ra gói thuốc rê bọc trong lần lá chuối đã vàng héo. May mà ở đây người ta còn trồng được thuốc, nấu được rượu, nếu không thì ông cũng đến tìm cách mà rời khỏi dù bằng cách nào đi nữa. Nhưng dù vậy những điếu thuốc đã không còn được ngon như trước, vì thứ giấy cuốn đã không còn là thứ giấy mỏng mà ông đã phải dùng tới những tờ giấy dầy, nhiều khi là những tờ giấy xé ra từ một cuốn vở viết, mùi giấy hôi át đi mùi thuốc thơm dịu. Ông Tám ngạc nhiên nhìn ra, ông cố gắng vận dụng mắt để nhìn xem ai đang đi lại phía ông, à lão Tư, tưởng là hôm nay lão không đến, phải rồi lão phải đến chứ, còn ai nữa đâu trong cái nhà ga khốn kiếp này. Qua khói thuốc ông Tám nhận thấy ông Tư đã đứng lờ mờ trước mặt:
- Sao bồ, tưởng bồ không đến, tôi nhậu một mình chán quá. Làm mấy ngụm chơi.
- Không đến sao được, nhưng kẹt...
- Kẹt gì vậy, bà xã làm khó hả?
Ông Tư cười lớn vẻ khoái trá, ông ngồi xuống bên cầm lấy chiếc ly không của ông Tám rót phần ba ly đưa lên môi tợp một ngụm, ông tép tép môi lấy một miếng khế nhấm nhấm.
- Kẹt quá ông ơi, thằng con tôi nó tính bỏ đi khỏi đây, nó kêu chịu không thấu nữa. Tôi cố bảo nó ráng chịu đựng ít lâu, chẳng lẽ mãi như thế này được sao nhưng nói gì nó cũng không chịu, nó tính đi khiến cho bà vợ tôi khóc tùm lum hết, bà sợ khi bà chết không có nó ở bên, thật thời buổi kỳ quá, bỗng nhiên mình như bị đày...
Ông Tám thở dài như thông cảm với tình cảnh người bạn già.
- Nhưng làm cách nào mà nó đi được, ngó bộ nó muốn chết sao, chẳng gì bây giờ nó cũng lớn rồi, nó mà leo xe đò là thế nào cũng bị bắt đi, đi mà không biết tung tích gì cả.
- Mình nói với nhau thì dễ chứ với bọn nó thì ông ơi, ông biết đó... cái hồi thằng con ông lấy vợ ông có nói được nó không...
- Chuyện lấy vợ khác, chuyện này can hệ cho mạng sống nó chớ.
- Vậy rồi, nhưng mình nói mà bọn chúng không nghe thì biết làm sao đây, thật rầu thúi ruột...
Ông Tư rót thêm một ly nữa và uống cạn, ông Tám lặng thinh. Bọn trẻ thật là khó chịu, giá hồi đó nó không cưới vợ thì ngày nay đã được sống với nó, nhất là ông muốn cưới cho nó một con vợ ở ngay đây, như vậy thì bố con đâu phải xa nhau, nhưng nó đi đây đi đó, rồi nó thương nhau biết làm sao mà ngăn cản. Cái hồi đó ông đã buồn nhưng thấy con vợ nó cũng khá nên ông cũng bằng lòng vậy, nếu không có lộn xộn thì cũng không đến nỗi nào, lâu lâu ông xuống thăm chị sui, anh chị ấy cũng chẳng có con cái nào khác ngoài vợ thằng Hai nên chúng nó cũng được nhờ, nhất là đứa cháu trai, có người bảo ông không sợ mất con mất cháu sao, ông nghĩ mất sao được gì thì nó cũng vẫn là con mình, mà mình nuôi có chắc gì nó đã sướng như người ta nuôi nó. Xa nó ông buồn nhưng trông thấy nó không phải khổ là ông vui lòng rồi.
Hai lão già ngồi im nhìn ra khoảng sân ga vắng lặng, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua lay động những ngọn cỏ cao úa vàng, xưa kia trên khoảng sân đó vào những buổi chiều như thế này khi những chuyến tàu sắp ngang qua sân ga ồn ào náo nhiệt với những hành khách, những người bán quà bánh, những đứa trẻ bán nước, bán những khẩu mía cắm lên đầu những cái tăm túa ra từ một thanh tre nhỏ, cùng đó mùi khói than nồng nực và những tiếng động kéo níu, tất cả chừng như đã dời khỏi sinh hoạt phân tán đi mọi nơi, những đầu máy, toa xe chỉ còn chạy trên những quãng đường ngắn, nằm trong những nhà ga không còn sinh hoạt, ông Tám nói:
- Ông có nghe chuyện ông thanh tra cùng phái đoàn đi coi đường sắt không?
- Không.
- Tôi nghe họ nói lại kỳ lắm, phía đường ngoài muốn tái thiết cũng còn lâu. Đoàn quan sát ngồi trên trực thăng suốt từ Sài Gòn ra tới ngoài, dọc theo đường sắt cho thấy nhiều quãng đường đã bị phá hoàn toàn, nhiều cây cầu đã bị sập, có nhiều đoạn đã trở thành những ruộng ngô, ruộng sắn.
- Nghĩa là đường sắt, tà-vẹc bị mang đi luôn?
- Hẳn là vậy.
- Kỳ nhỉ, vậy rồi làm sao?
- Thì làm lại.
- Thật là nhảm, làm cho được đâu phải dễ gì, mất bao công sức, thật tôi không hiểu được.
- Mình nghĩ vậy và cho là đúng, nhưng người ta không nghĩ vậy. Kể cái hồi đầu tiên người ta làm con đường này cũng kinh, chắc là khối người chết. Này hồi trước ông đã có dịp đi một chuyến nào suốt cho tới ngoài Bắc không?
- Chưa bao giờ, cũng có lúc tôi nghĩ tới một lần đi như thế, nhưng chưa, và chắc không còn dịp để làm nữa, sợ tới lúc mình chết vẫn còn loạn, ông ngó coi từ hồi nào đến giờ có bao giờ yên đâu, hết thế này lại thế khác, có người nói có khi mình chết hết, chết mà trả cái nợ đã diệt người Chàm của tổ tiên mình...
Giọng nói khề khà chếnh choáng, hai ông già vừa uống vừa nói những chuyện này khác, không liên lạc gì với nhau. Trời đã tối hẳn, ông Tám nhìn về phía nhà mình, một ngọn đèn cháy leo lét bập bùng nơi giữa nhà thấp thoáng trong đó bóng vợ ông đi lại. Ông Tám hình dung ra con đường xe lửa ông đã từng ngang qua, bây giờ bỗng nhiên có những nơi không còn dấu vết gì nữa, những ruộng ngô, những rẫy sắn, những căn nhà được dựng lên, không còn một con đường, không còn những liên lạc ngang qua... Đó là điều không thể nghĩ ra được. Như vậy rồi đây làm sao để người có thể đi từ nơi này tới nơi khác. Có người nói với ông không phải chỉ những con đường sắt, mà những con đường khác cũng đã không còn là những con đường mà có khi nó đã trở thành một con sông, con lạch, những cái hồ... Biết đâu, tới một lúc nào đó nhà ga này cũng không còn là một nhà ga, và ông sẽ phải đổi sang làm một công việc khác, ông có thể làm được việc gì. Ông Tám nói:
- Này, ví dụ rồi không bao giờ có xe lửa, rồi ngành hỏa xa giải tán thì ông làm gì?
- Làm gì mà không được, chết chóc gì mà ông phải lo, đến lúc đó hãy hay.
Ông Tư vừa nói vừa cười với người bạn già. Nụ cười thanh thoát tưởng như của một người đã hoàn toàn hài lòng với đời sống, ông đứng lên nhìn người bạn già trong bóng tối nhờ nhờ của buổi tối:
- Thôi tôi về nghe, làm mấy ngụm rồi về ngủ một giấc, thế là được rồi. Để mai tôi nói làm một con gà nhậu chơi...
Ông Tư bước đi chếnh choáng, chợt ông ngừng lại nhìn chăm chú ra ngoài cửa nhà ga, phía ngoài hàng cửa sắt. Ai đi ngoài đó trong đêm. Ông Tám thấy ông Tư đứng lại với dáng điệu chăm chú vội hỏi:
- Gì đó ông Tư?
Ông Tư vẫn đửng im, một tay ra dấu cho ông Tám im lặng. Ông Tám vội đứng lên đi lại phía người bạn già. Ông đã nhận ra gia đình người phu buổi sáng tới chờ tàu đi Sài Gòn.
- Vậy mà tưởng gì.
- Tôi tưởng đâu...
- Mấy người buổi sáng tôi đã nói với ông đó, họ không đón được xe về dưới.
Người đàn ông khăn trùm kín đầu, bước đi không vững tựa tay lên vai người vợ đang bước lên khỏi những bậc gạch nơi cửa nhà ga, đứa nhỏ theo sau. Trong bóng tối đám người như những bóng ma hiện hình chập chờn trở lại một cõi nào. Ông Tám buột miệng:
- Tội nghiệp...
Ông Tám đi lại gần nơi cửa:
- Không kiếm được xe sao?
Giọng người đàn bà mếu máo:
- Chúng cháu chờ suốt từ sáng tới giờ mà không có chuyến xe nào... cụ cho chúng cháu ngủ lại đây mai chờ xe...
Người đàn ông ngồi nơi nền xi-măng đưa bàn tay run rẩy lên cố vạch mép khăn nơi mặt nhìn lên, chừng như người đó nói gì nhưng không ai nghe thấy. Đứa nhỏ trên tay người vợ khóc, tiếng khóc nghe mềm nhệu như tiếng con mèo bệnh. Ông Tám lần trong thắt lưng kiếm chùm chìa khóa, ông lần chuỗi dây xích, tiếng sắt kêu khô khan, ông mở khóa, kéo cánh cửa rồi nói:
- Thôi vào trong này mà ngủ, ở ngoài ấy gió lắm. Bây giờ không có tàu, xe cũng khó lắm, khó mà về dưới đó được, tôi đã bảo mà, khó đi khỏi đây lắm, nếu đi được thì tôi đã đi thăm thằng con tôi, hóa các người sống ở trỏng không biết gì sao?
- Dạ không, chúng cháu tưởng cũng như ngày xưa...
Người đàn ông được vợ đỡ cho đứng dậy, anh ta vịn một tay vào tường, chân lết đi, đứa nhỏ theo sau kéo một cái túi vải nhỏ. Ông Tư lặng lẽ bỏ đi. Người đàn bà trải chiếc chiếu rách vào sát tường phía trong cho người chồng ngồi xuống, chị cũng ngồi xuống bên, chị mở ra một gói cơm đưa cho đứa nhỏ trong khi nựng đứa bé trong lòng. Tiếng ru của người mẹ nghẹn ngào như muốn khóc, ông Tám ra đứng cửa. Ông nghe thấy tiếng súng vọng từ xa, tiếng nổ vang lên trong không khí tịch mịch...
1966