Tiếng động buổi trưa

     gười đàn ông uống hết ly nước bỏ chiếc ly nhựa màu cam đã cáu bẩn xuống mặt bàn gỗ thấp, ông ta lấy ra rúm thuốc để trong chiếc hộp sắt đã cũ, vấn một điếu, đưa lên môi thấm nước, cử chỉ nhẹ nhàng thuần thục để làm thành một điếu thuốc gọn gàng trước khi ngậm lên môi. Người đàn bà khoảng ba mươi tuổi im lặng giữ đứa con trong lòng cho nó bú chốc chốc nhìn lên như chờ đợi. Người đàn ông mồi lửa, kéo hơi thuốc thứ nhất chậm chạp, đôi mắt nhăn lại vì khói đặc, ông ta nhìn quanh quất gian nhà, đôi mắt đưa lướt theo hai bức vách cây đóng bằng những ván thùng đủ cỡ, trên đó còn nhiều những vết đinh lớn đã đen lại, những khe hở được dán những miếng giấy báo cắt dài. Ngừng lại một lúc, chừng như ông ta nhìn ra khung cảnh ở bên ngoài cửa sổ, bãi đất trống màu cát trắng nhoa nhuếch với những đống rác đã đốt bỏ lại và đầy những ống bơ đã sét rỉ đen đủi đủ cỡ. Rất xa, phía sau những vồng cát mấy ngọn dương liễu tiêu sơ.
- Chị cho tôi vào coi phía trong chút.
- Dạ, bác tự nhiên.
Người đàn ông im lặng đứng lên, điếu thuốc đang cháy dính trên môi đen ướt, ông ta đi vào, tới khoảng ván ngăn với phía trong ông ngừng lại đưa tay lên sờ vào thân cột gỗ, lần gỗ cũ sù sì không được bào sơn phủ ra ngoài màu xanh nhạt. Khoảng trong ngôi nhà rộng hơn phía ngoài, mái tôn thấp là là xuống phía sau, bức ván trong cùng có nhiều khoảng hở, một cửa nhỏ thông xuống khoảng đất trống phía sau. Trong khoảng sân rộng không quá hai thước được bao lại bởi những cột sắt và kẽm gai, nơi góc, bên những phuy nước có một cây chuối được trồng từ bao giờ vẫn èo oặt với hai tàu lá nhỏ vàng úa như bị hơ vào ngọn lửa. Nơi chân hàng rào có mấy khóm sả lá xanh và cao. Người đàn ông nhìn ra khoảng đất trống phía sau, những vạt đất không đều, nơi đó trước kia là một khu vực dùng chứa những đồ phế thải, nay còn lại mấy khung xe nhà binh đã hư hỏng, mấy chiếc bánh xe bỏ ngổn ngang, mấy chiếc thùng sắt bỏ rải rác, phía sau có một chiếc máy bay trực thăng không còn cánh quạt và gãy ở giữa trông như một con vật thời cổ sử trong hình thù quái đản, màu xám và đen của chiếc máy bay nổi lên khoảng cát trắng. In lên bầu trời nắng gắt những cột gỗ đen đủi trơ vơ. Trở vào, người đàn ông đá mũi giày vào chân vách gỗ, từng miếng gỗ đen mục rụng xuống.
Người đàn ông trở lại ngồi xuống, ngả người ra sau ghế, hút những hơi thuốc cuối cùng. Người đàn bà nhìn lên trong giây phút. Giọng người đàn ông đặc nước miếng nói trong khi cúi xuống dập bỏ diếu thuốc:
- Nhà của chị nát quá, chắc cũng đến ba bốn năm.
- Dạ, năm trước lụt nên hư hao phía dưới, nhà em cũng mới sửa lại...
- Nhà của bà cụ ở phía trên kia còn tốt hơn nhiều.
- Thôi để tùy bác tính cho.
Giọng người đàn bà nhẹ nhưng nhạt nhẽo. Người đàn ông tự rót lấy cho mình một ly nước khác. Hai đứa trẻ từ ngoài đi vào, một đứa ở trần, một đứa mặc chiếc áo trong những bao quần áo cứu trợ. Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn người đàn ông, người đàn bà một lúc rồi xô nhau chạy ra ngoài cùng với tiếng la, thứ tiếng động bỗng nhiên quý hiếm trong không khí im lặng tức thở. Người đàn ông đứng lên kéo vạt áo xuống:
- Thôi để rồi tôi trả lời chị sau chắc cũng chưa gấp gì.
- Dạ thưa bác, kể cũng gấp vì chúng tôi định về trong nội cháu.
- Chào chị.
- Dạ.
Người đàn bà bế con trong tay, đứng lên đưa người đàn ông ra cửa, nắng chói chang, trên quốc lộ, trước mặt hơi nóng như bốc lên oằn oại, khu trại binh phía trước vắng tanh với màu đất đỏ, một chiếc xe nhà binh chạy nhanh với tiếng máy gầm gừ và gian nhà rung chuyển lên trong chốc lát. Người đàn ông lưỡng lự đứng lại trong hiên mát như ngại ngần bước qua những tấm gỗ bắc làm lối đi để ra ngoài quốc lộ.
- Con chó của ai mà ngộ vậy chị.
- Dạ, chó hoang.
Giọng nói của người đàn ông như có đổi khác. Con chó đang thơ thẩn trên mép quốc lộ, màu lông vàng bẩn, mông tóp, lưng hơi cong xuống với cái bụng xệ, nó không bước bình thường mà như hơi nhảy lên, nó chỉ có ba chân, một chân trước bị cụt. Con chó trông đã già nhưng vẫn còn khỏe. Người đàn ông đưa mắt theo dõi con chó đang men theo mép cỏ cháy bên quốc lộ, bỗng nhiên nó nhảy nhanh hơn, phóng mình chạy xuống phía dãy nhà, rồi mất hút:
- Chó có ba chân có thể đưa đi làm xiếc được.
- Dạ, nó dữ lắm.
- Chó hoang mà.
- Lúc trước Mỹ nuôi.
Người đàn ông bỗng nhiên như bị lôi kéo vào câu chuyện của con chó hoang. Người đàn bà đang sửa lại thế bế đứa con. Nắng làm cho đứa nhỏ chói mắt, nó oằn người lên, người đàn bà bế vác nó lên vai cho đứa nhỏ quay vào phía trong nhà.
- Sao nó không mang con chó theo.
- Dạ không rõ. Bây giờ con chó sống quanh quẩn trong khu trại bỏ trống.
- Bây giờ ở đây khác hẳn hồi một năm trước, chị nhỉ.
- Dạ, lúc trước đông vui, làm ăn cũng dễ, bây giờ Mỹ nó đi hết rồi.
Người đàn ông nghĩ tới khung cảnh hơn một năm trước, khu trại binh trước mặt đầy quân đội Mỹ, khu đất trống bên này quốc lộ, xa cách với khu trại binh trở thành một khu đổ rác. Ít lâu sau ở bên những đống rác đó mọc lên những nhà chòi nhỏ che bằng những tấm vải nhựa, trước hết là của những người tới chờ đợt nhặt rác, có những túp lều trở thành quán giải khát bán những lon bia, nước ngọt ướp lạnh để trong những chiếc thùng, có thể thêm những gói kẹo, thuốc lá. Ít lâu sau những túp lều biến thành những ngôi nhà nhỏ có người ở, không bao lâu cả một khu vực trở thành một xóm người đông đảo kéo dài lên mãi phía trên ngả ba. Ngoài những người nhặt đồ phế thải còn có những người buôn bán, những tiệm giặt đồ, bán nước đá cũng bắt đầu làm ăn dễ dàng, số công nhân vào làm trong các khu trại lính gia tăng kéo theo những quán ăn bình dân mọc lên sống nhờ vào đám công nhân. Những ngôi nhà từ những túp lều được bán đi bán lại nhiều lần, những bảng hiệu xanh đỏ xuất hiện, thời kỳ cực thịnh của khu vực bên này quốc lộ được biểu hiện rõ nhất khi có hai quán nước lớn gắn máy hát lôi kéo lính Mỹ tới cười đùa với những cô gái từ xa đến với quần áo xanh đỏ. Người ta sống ở chung quanh đó có một đời sống khác, trẻ con bắt đầu hút thuốc lá, ăn kẹo cao su, chúng biết nói những tiếng Mỹ cần thiết và chạy theo những chiếc xe trên quốc lộ với bàn tay chìa ra, chúng cũng biết chửi tục lớn tiếng, mọi người uống bia hộp, mời nhau bằng những đồ hộp để trong những thùng nước đá. Sinh hoạt những ngày cũ không còn nữa. Những đống rác cao nghệu ngày nào nay chỉ còn những đống than và ngổn ngang những ống bơ không cháy đi được.
- Chắc bọn Mỹ chặt chân con chó?
- Dạ không, con chó bị thương hồi có pháo kích.
- Kỳ vậy...
Người đàn bà cười hồn nhiên, người đàn ông cũng cười. Đứa nhỏ đã ngủ trên vai người đàn bà.
Chiếc hầm trú ẩn trong gian nhà làm bằng những bao tải cát mới được dẹp đi sau này, trong những năm trước nhà nào ở đây cũng có hầm trú ẩn. Có lúc chính chị cũng đã trở thành một người đi làm những bao cát bán cho lính Mỹ ở đồn bên kia quốc lộ, những chiếc xe Mỹ mang theo những chiếc bao không đến, chạy sâu vào trong khu đất bỏ hoang thuê đàn bà trẻ con đổ cát đầy vào trong những chiếc bao rồi cột chặt lại. Ở đây, gần như ai cũng có thể kiếm được việc làm một cách dễ chịu. Hàng đêm mọi người bị đánh thức trở dậy với những loạt đạn pháo kích. Sự đe doạ bỗng trở thành quen thuộc. Mỗi buổi sáng thức dậy người ta kéo nhau đi coi những dấu vết tàn phá, xem có ai chết hay bị thương không, người ta cũng theo dõi những thiệt hại của trại lính Mỹ một cách bình thản. Tiếng đạn pháo kích đến, tiếng súng bắn đi, tiếng máy bay lên xuống, tiếng xe cộ chạy suốt ngày đêm đã khiến cho khu xóm có một bầu khí đầy tiếng động, thứ tiếng động của chiến tranh, thứ tiếng động mệt nhoài, tiếng động như lùa khỏi đầu khối chất lỏng đen để chỉ còn lại một khoảng trống ngu ngơ thờ thẫn biểu lộ trên nét mặt thiếu máu và ngái ngủ. Người đàn bà nhớ lại những ngày đầu cùng chồng đến đây, hai vợ chồng lúi húi trong nhiều ngày, nhiều đêm để mỗi lúc làm cho cái chòi trở thành một ngôi nhà như hiện nay. Trước đó, một lần cả khu nhà mới đã bị vây lại bởi những hàng kẽm gai, những người cảnh sát đã tới đòi họ đi khỏi và dở theo những căn nhà tôn. Chị đã ngồi lại trong căn nhà và khóc trong khi chồng ở phía ngoài không thể vào được, lúc đó chị mới có thai, người chồng mua bánh mì liệng qua hàng rảo vào cho vợ. Những khó khăn đã qua, chị cùng những người khác đã được ở lại làm ăn, những ngôi nhà sang bán mỗi lúc một có giá, những tờ văn tự viết tay giữa hai người với nhau, có những ngôi nhà mỗi lần sang bán người chủ lại phải dở ra từng tờ một, những tờ giấy được viết từ những người đầu tiên, có những người chỉ còn tên gọi trên tờ giấy, người ta không còn biết được mặt mũi ra sao. Một chiếc xe hàng vắng khách chạy nhanh ngoài quốc lộ. Người đàn ông nói:
- Hồi trước tôi có một người bà cô lên chữa bệnh ở trong trại lính này. Họ giỏi thật, bệnh tật bao nhiêu không khỏi, đến lúc về thì mập mạp ra. Mỗi tháng còn phải trở lại để họ khám rồi phát thuốc cho uống... Nhiều người mắc bệnh kinh niên được nhờ lắm.
- Dạ.
Người đàn bà nói nhỏ, chừng như chị muốn cắt đứt câu chuyện. Người đàn ông lần theo hàng hiên đi về phía trên vừa đi vừa ngắm nghía, có lúc ông ta ngừng lại gõ tay vào những vách gỗ, lay động thử một chiếc cột hàng rào. Người đàn bà trở vào nhà, nhẹ nhàng đặt đứa con xuống chiếc giường nhỏ, chưa buông tay, đứa nhỏ đã oằn người, mếu xệch và khóc thành tiếng. Người đàn bà vội vàng bế nó lên, tay vỗ miệng ru, đi quanh quẩn trong khoảng hẹp của căn nhà ngoài. Người đàn bà chợt nhận ra có người đang đi từ phía quốc lộ xuống. Chị ngừng lại nơi cửa. Một người lính xách chiếc mũ sắt nơi tay, tóc rối bù, da mặt đen cháy nhễ nhại mồ hôi, người lính bước lên hiên, dáng dè dặt nhìn về phía đầu nhà.
- Phiền chị cho tôi xin chút nước.
Người lính vừa nói vừa đung đưa cái mũ sắt. Người đàn bà lanh lẹ:
- Anh vô lấy giúp tôi chút.
Người lính bước vào, nhìn vào trong nhà. Người đàn bà nói:
- Nước trong ấm đây anh.
- Dạ không, tôi xin nước lạnh, cái xe nó nóng quá.
Người đàn bà phác một nụ cười:
- Anh xuống phía sau.
Người lính đi xuống phía sau, dáng anh ta ngại ngần, lúc sau anh đi lên với một mũ nước đầy. Anh ta đứng lại nơi cửa nhìn ra nắng ngại ngần, giọng anh bâng quơ:
- Trời nắng chi lạ.
Người lính cúi người ngồi xuống nơi bậc cửa, để chiếc mũ nước một bên, đưa cánh tay lên quệt mồ hôi trên mặt. Anh ta chú ý tới con chó nằm nơi đầu hiên nhà, lưỡi thè ra thở mệt nhọc:
- Chị nuôi con chó ngộ ghê.
Người đàn bà đứng lại nơi cửa nhìn ra chỗ đầu hiên. Con chó trở lại từ lúc nào đang nằm soài người trên đất, hai chân sau ruỗi ra, chân trước để dưới chiếc đầu nằm ép xuống. Chiếc chân cụt lộ hẳn ra một bên thừa thãi, mắt nó nhắm lại hiền lành, cái lưỡi đốm thè ra, rớt rãi chảy nơi hai khóe mõm. Người lính lấy thuốc châm hút, anh ta duỗi hai chân về phía trước phơi đôi giày đã vẹt hết đ;ng có những sợi tóc bạc:
- Có lẽ chỉ còn những người đã chết và những người cầm súng ở lại...
Không còn người đi lại phía thang máy bay nữa. Đám người bị dồn trở vào, thang máy được mang đi, máy bay bắt đầu chạy. Chúng tôi trở vào trong phòng đóng cửa lại. Bụi mù. Đám người được dồn như khựng lại không di chuyển. Những tiếng súng chỉ thiên chừng như cũng không thay đổi. Trời mỗi lúc một sầm xuống cùng với cơn mưa mau hạt. Chiếc máy bay đã ra tới đầu phi đạo phía xa. Tôi mở cửa phòng ra ngoài tìm phòng rửa mặt. Những lối đi nhơ bẩn như của một ngôi nhà bị bỏ hoang lâu ngày. Lúc trở lại tôi không còn thấy hai người đồng hành, chừng như chiếc xe ca cuối cùng chở các công nhân của hãng hàng không đã đưa họ về. Tôi lo âu cầm chiếc xách tay ra khỏi nhà ga đứng nơi cửa chờ đón với hy vọng một chiếc xe nào ngang qua. Hoàn toàn vắng vẻ, bên kia khoảng sân, khu trại lính vắng ngắt. Trước kia là một trại lính Mỹ, chừng như họ đã rút đi hết. Một chiếc xe nhà binh chạy vụt qua. Tôi lo ngại với quãng đường dài còn lại phải vượt qua. Một chiếc xe dép trắng từ ngoài chạy vào, chiếc xe đỗ lại trước hiên nhà ga. Một người đàn bà bước xuống vẻ vội vàng. Người đàn bà mặc chiếc áo dài màu gụ, quần đen đôi kính sẫm trên khuôn mặt trái soan trắng. Người đàn bà đi vào trong phòng đợi, tôi quay lại theo dõi, bà ta nhìn quanh quất không thấy ai, bà tiến tới phía cửa ra phi trường đứng áp nhìn ra ngoài rồi từ từ trở ra ngoài, bà đến phía tôi:
- Thưa ông có còn máy bay nữa không?
- Có lẽ hết, chuyến bay đã trở vào.
- Ông mới ở trong ra?
- Vâng.
Người đàn bà im lặng nhìn quanh quất vẻ buồn:
- Thưa ông không còn chuyến nào nữa?
- Dạ, tôi tin thế.
Người đàn bà tần ngần bước đi mấy bước ngắn nơi hiên nhà. Lúc người đàn bà trở lại, tôi nói:
- Chuyến bay chót chỉ có bảy hành khách, tất cả mọi người đều đi vì công vụ, trừ một người ra đón gia đình và một người đi tìm tin con trai. Bà đón người nhà?
- Dạ vâng, một người bạn trai... Ông nghĩ còn có thể có chuyến bay nào nữa không?
- Tôi tin không, tất cả hành khách đã bị đẩy ra khỏi.
Người đàn bà bỏ kính xuống tay lau vào vạt áo, đôi mắt đẹp lãng mạn với hàng mi xanh và quầng mắt hơi tối lại, không có một trang điểm trên khuôn mặt u buồn quý phái. Người đàn bà nói:
- Ông đợi xe?
- Tôi đã bị bỏ lại và chờ tim xe quá giang.
- Ông cho phép tôi đưa ông về.
- Cám ơn bà. Tôi cũng có ý định làm phiền bà.
Người đàn bà ra xe lên trước, tôi đi vòng lên cửa bên kia, lúc đưa chiếc xách tay lên, người đàn bà ngồi sau tay lái đưa tay cầm lấy chiếc xách để về phía băng ghế sau. Chiếc xe ra khỏi sàn nhà ga phi trường chạy theo con đường vòng đất đỏ để ra quổc lộ. Đường vắng ngắt. Khung cảnh chung quanh hiu quạnh, khung cảnh của một ngày báo hiệu mưa bão. Chiếc xe phóng nhanh trên quốc lộ rộng và phẳng bóng...
Chúng tôi vượt qua khoảng đường hai bên có những xóm nhỏ, tất cả đều không còn sinh hoạt, sau đó chúng tôi phải qua con đường vắng hai bên là ruộng nước mênh mông, bầu trời thấp đục. Xe vào thành phố. Người đàn bà lặng lẽ trong suốt khoảng đường dài. Khi vào tới đầu thị trấn. Người đàn bà hỏi:
- Ông về đâu?
- Bà cho tôi xuống phố.
Tôi lấy một điếu thuốc châm hút:
- Mọi người đã đi khỏi sao bà còn ở lại?
- Tôi đợi một người bạn để mai trở vào, chúng tôi đã dành chỗ máy bay... Nhưng hôm nay người bạn không ra...
Người đàn bà cho xe chạy chậm, giọng kể, buồn:
- Hôm nay là ngày đám cưới của chúng tôi, nhưng mọi việc đã không như dự định. Mới mấy hôm trước, ai nghĩ được tình hình bất ngờ như vậy.
- Sao bà không thay đổi ngày...
- Không, tôi không muốn thay đổi nữa, ông biết, chúng tôi đã phải thay đổi như vậy tới ba lần, một lần anh ấy được lệnh qua Lào, một lần qua Cam Bốt, một lần mẹ anh ấy ốm nặng... Lần này tôi đã đánh điện cho anh ấy, dù dám cưới chỉ còn hai đứa chúng tôi... Tôi đã ở lại đây dể chờ đợi hôm nay và sẽ đi không trở lại thị trấn này nữa. Nhưng anh ấy đã không trở lại, và thêm một lần tôi thất bại...
Giọng đều đầy cảm xúc nhưng đã được giữ lại trong một dáng vẻ trầm tĩnh. Tôi nhìn thẳng vẻ con đường phía trước, tấm biểu ngữ giăng qua đường với nét chữ đỏ viết vội như những vết máu tươi trên nền vải trắng. Tôi nghĩ người đàn bà sắp òa khóc. Tôi muốn kiếm một lời an ủi nhưng không biết nói thế nào. Con đường vắng bóng người, mấy chiếc xe nhà binh chạy ngang. Những cửa nhà đóng kín với chữ phấn: Nhà có người ở. Nhà có chủ.
- Tôi định mai chúng tôi đi khỏi, nhưng chắc tôi ở lại, mẹ tôi đã không chịu ra đi. Mẹ tôi đã thắng.
Tôi muốn tìm nơi người đàn bà một lời giải thích nhưng không biết nói sao:
- Chiến tranh đã làm cho đời sống bất định...
Tôi nghe thấy câu nói của chính mình như vô nghĩa. Xe đã ngang qua cây cầu nối hai bên thị trấn với nhau. Dòng nước vẫn trong xanh. Xe xuống phía chợ, một vài người, mấy quán nhân. Người đàn bà nói:
- Ông xuống đây?
- Dạ, bà cho tôi xuống nơi cuối đường.
Xe chạy tới rồi đỗ lại. Tôi nói:
- Rất cám ơn bà.
Tôi mở cửa bước xuống, người đàn bà thò tay về phía sau với cho tôi cái xách tay.
- Cám ơn ông, có ông tôi được nói, cả mười ngày nay tôi không được nói với ai tiếng nào. Chúc ông may mắn.
Tôi đóng cửa xe định quay đi. Người đàn bà mở cửa nói:
- Tôi sợ ông không kiếm ra người quen, nếu cần ông ghé lại chỗ nhà tôi.
Tôi cầm lấy tấm danh thiếp, người đàn bà đóng cửa xe rồi bước đi.
Tất cả các cửa hãng đều đóng, ngôi chợ bị đốt cháy chỉ còn lại một xác nhà nhem nhuốc đen đúa. Một con chó hoang chạy dọc theo con đường mòn từ trên lộ xuống bờ sông. Tôi đi vào thành. Nhà người quen đã đóng cửa và khóa trái.
2.
Bên kia con đường nhựa là hồ sen, mặt hồ rộng toàn một màu xanh và những bông hoa trắng điểm đều. Giữa hồ có một cái gò đất trơ vơ mấy ngọn cây khô và hai bức tường gạch đã cũ, nơi đó xưa kia có một ngôi nhà dành cho vua ngự, và tên hồ mang theo một ý nghĩa, hồ làm cho lòng người lắng lại. Bầu trời bỗng như sáng hẳn lên, không có nắng, những mặt lá sen như lóng lánh với nước mưa còn đọng lại. Đã cuối mùa hè chưa? Đầu hè và những cơn gió thổi với hương thơm ngào ngạt thanh khiết. Cha tôi nói: nấu nước trà phải gạn lấy những nước mưa đọng trên lá sen mà nấu thì trà mới ngon mà không mất hương trà. Tôi nhớ những hạt cốm xanh như ngọc bích để trong lòng những chiếc lá sen cuối mùa. Tôi như còn thấy vị ngọt của những nhân sen còn non chua đầy trong lớp vỏ mỏng xanh mọng. Rất xa, bên kia mặt hồ, một làn khói lam bốc lên uốn éo. Một người đàn bà mặc quần áo tang, chít khăn sô tay cầm bó hương ra đứng bên bờ hồ vái về phía trước. Tôi gọi người con gái bán hàng cho tôi một ly nữa. Người đàn bà bắt đầu kêu gào thảm thiết, bầu trời tối dần lại với những đám mây vần vũ. Cô gái bỏ chiếc ly xuống bàn.
- Tội nghiệp chị ấy quá.
Tôi uống một hớp, nhìn lên:
- Chị ấy khóc ai vậy?
- Chồng chị ấy, chết không lấy được xác...
Tiếng người đàn bà kêu gào mỗi lúc một thảm thiết. Những cơn gió mạnh thổi rạp những tàn lá sen trên mặt hồ. Người đàn bà vẫn kêu gào, chị ta ngồi xuống lăn lộn, rồi bỗng nhiên chị đứng lên chạy qua, chị chạy đi chạy lại ven bờ hồ với chiếc áo trắng dài phấp phới trong gió. Tôi nói:
- Sen nhiều quá, nhà ở đây thích...
- Vô vị, hôm nay em hái ít hoa mang ra chợ, không có người mua mà lại nhiều người bán quá... Chợ chỉ thấy bán hoa sen với mận, người ta đi hết rồi còn ai cúng kiếng gì nữa.
Người đàn bà đã biến vào một ngôi nhà nào đó. Tôi uống cạn ly rồi trả tiền đứng lên.
3.
Ngọn đuốc cháy bập bùng nơi góc công viên, một nhóm người tụ quanh. Người đàn bà đang khóc: ới con ơi là con ơi, sao con phải chết tội nghiệp, sao con không được sống cùng mẹ, ới con ơi là con ơi... Tiếng khóc u uất nghẹn ngào vẳng đưa trong buổi chiều im vắng quạnh quẽ.
Tôi tới bên, lách giữa hai người đàn ông ngó vào trong. Hai người đàn ông đang đào một cái hố sâu. Ánh đuốc bập bùng soi rõ những cục đất ướt nhão được đưa lên trên.
- Người ta đào gì vậy?
- Tìm hài cốt...
- Của ai vậy?
- Con trai chị ấy.
- Sao lại tìm ở đây?
- Cầu hồn, hồn chỉ ở đây... Hồi bấy giờ chỗ nào cũng có người chết, người ta lấp xuống cho xong.
- Thấy chưa?
- Thấy mà còn đào gì nữa?
Giọng người đàn ông hơi gắt. Hố lớn đào sâu đã hơn đầu người. Bên cạnh đống đất mới có cắm một bó hương đang bốc cháy. Chợt có người nói:
- Đây rồi...
Người đàn ông dộng cán mai xuống, nghe tiếng gỗ. Người đàn bà im bặt. Mọi người như đều cúi đầu nhìn xuống:
- Có hòm hả?
- Ừa, một cái hòm nhỏ.
- Sao lại hòm, hòm đâu mà người ta phí như thế, chắc của người khác rồi. Nhỏ chừng bao?
- Dài chưa đầy thước.
- Vậy càng vô lý, nó cao thước tư lận, chẳng lẽ người ta bẻ gập nó lại mà ấn vào quan tài.
Mọi người im lặng, tiếng động dưới hố sâu. Chợt một người ở dưới reo lên:
- Hòm để của... à, một cái đầu nữa, mà có vòng, có đồ sứ...
Người đàn ông từ dưới lên, tay cầm một chiếc đĩa cổ nhoa nhuếch bùn đất, vẻ mặt tưới cười:
- Hên ghê, ai ngờ kiếm được chút cháo...
- Chắc là một cái mộ xưa rồi.
Đám người bàn tán, người đàn bà không khóc, bà ta cũng trụt xuống, lúc sau chị leo lên với một cái đầu lâu. Chị ngắm nghía trước ánh đuốc rồi thả xuống dưới hố. Người ta bàn về giá trị của chiếc vòng ngọc. Tôi ra khỏi công viên...
4.
Tôi yên tâm khi nhìn thấy có ánh sáng trong căn nhà qua khe cửa. Chắc anh ta chưa đi. Tôi đứng lại gần gõ cánh cửa và chờ đợi. Cánh cửa mở. Một người đàn bà xuất hiện, tôi nhìn vào trong thấy nhà trống trơn, một gia đình đang ngồi quây quần trên tấm chiếu trải giữa nhà bên những gồng gánh, dấu hiệu của một toán người chạy loạn.
- Ông hỏi ai?
- Cái anh ở trước đây đi đâu rồi bà?
- Chúng tôi không biết.
- Gia đình bà mới vào?
- Dạ chúng tôi mới chạy bom đạn vào, mai đi...
- Chào bà...
Tôi bước ra. Không còn nơi cho tôi tạm trú đêm nay.
5.
Trời chiều, trong cơn vần vũ có những lúc tối sầm lại rồi lại sáng lên, ánh sáng nhạt nhẽo bệnh hoạn, thứ ánh sáng lạnh của một cõi âm.
Sau khi nhận chuông tôi đứng đợi. Người đàn bà trong bộ quần áo ngủ xuất hiện nơi hiên, dáng vẻ bình thản bước xuống sân ra mở cửa.
- Tôi nghĩ ông sẽ trở lại. Dân chúng đã đi gần hết, còn lại ai thì đã lên mặt trận phía bắc... Những người chết cũng nằm lại đó...
Cánh cổng mở ra, lối đi những viên gạch vuông lớn sẫm màu, những khóm hồng già cỗi hai bên, khu vườn bỏ hoang không ai coi sóc. Ngôi nhà cũ ba gian, người đàn bà mở một cánh cửa phía bên rộng ra. Bước vào nhà, nơi gian giữa có kê một bộ tràng kỷ, phía trong bàn thờ che màn màu vàng cũ. Bên trái một bộ ngựa, chắn với phía trong là một chiếc tủ sách lớn. Người đàn bà nói:
- Ông nghỉ ở đây.
Nói xong người đàn bà đi vào phía sau tủ sách. Tôi ngả lưng xuống bộ ngựa nghe lạnh nơi lưng. Mùi ẩm mốc hoang phế như toát ra từ những chiếc cột nhà, ván gỗ, nền gạch nâu. Nơi đây nấm mộ cho một người sống còn tràn đầy sinh lực. Người đàn bà trở lên:
- Ông xuống rửa mặt dùng cơm...
Tôi ngồi dậy mở chiếc xách lấy khăn mặt rồi bước theo người đàn bà. Chiếc thau đồng lớn để trên chiếc ghế đẩu nơi cửa xuống nhà ngang, người đàn bà cầm chiếc ấm rót nước sôi vào chiếc thau khói nóng bốc nghi ngút. Tôi pha nước cho vừa rồi cúi xuống vả lên mặt.
Khi ngồi vào bàn ăn tôi nghe thấy tiếng ho của một người già vẳng ra từ một căn nào đó nơi ngôi nhà ngang. Bữa ăn đơn giản, khi trở lên nhà ngồi nơi bộ tràng kỷ người đàn bà mang lên hai ly trà nóng và ngồi trước mặt tôi vẻ tỉnh táo:
- Mẹ tôi tưởng là anh ấy đã trở về, bà cụ không chịu ăn và nói. Bà nghĩ bà thất bại. Tôi giải thích nhưng bà không tin.
Người đàn bà uống một ngụm nước, với tay cầm gói thuốc của tôi và lấy một điếu châm hút, dáng vẻ thanh lịch gọn gàng. Giọng người đàn bà tâm sự:
- Mẹ tôi muốn tôi lấy một người khác, một người hiện là bác sĩ đã lớn tuổi. Tôi không chịu. Tôi đâu phải là món hàng để mua bán. Mẹ tôi dọa nếu tôi lấy ai khác thì bà cắn lưỡi chết. Bà bằng lòng cho tôi sống độc thân.
Nói hết câu tôi thấy nơi khóe miệng người đàn bà một nụ cười buồn trễ biếng như thách thức. Người đàn bà nhìn tôi:
- Ông đã có gia đình?
- Vâng, tôi có hai cháu, một gái một trai.
- Tôi có nhìn thấy cái nhẫn nơi tay ông, tôi xin lỗi ông...
Tôi cười. Tôi nghe như có tiếng động phía sau tủ. Người đàn bà đứng lên đi nhẹ nhàng vào trong. Những tiếng động rời rạc. Lúc sau tôi mới thấy người đàn bà trở lên.
- Tôi là người con độc nhất trong gia đình này, mẹ tôi ở góa từ năm hai mươi tuổi, năm nay bà năm mươi nhưng có hình dáng của một người gần bảy mươi... Bà muốn tôi được sung sướng theo ý của bà. Tôi tin như thế, nhưng bà không hiểu được tôi muốn sống như thế nào.
Người đàn bà ngừng lại, một nụ cười chua chát:
- Đầu hè trước mẹ tôi đã phang tét đầu một tên ở đây. Ngay chỗ ông ngồi. Hắn ra đây coi thi, hắn xin đến nhà chơi, hắn nói huyên thuyên đủ chuyện, tôi biết hắn tán tôi nhưng tức cười quá đỗi ở chỗ hắn nói dối quá nhiều, hắn làm như hắn tài ba ghê lắm. Tôi biết hắn vợ con đùm đề, thế mà vẫn nói độc thân. Tôi xin lỗi đã.... Mẹ tôi không thích những bạn trai của tôi... ông hiểu.
Tôi lo ngại nhìn người đàn bà:
- Tôi ở lại đây có phiền gì cho bà không?
- Ông yên tâm...
Người đàn bà đi lấy mủng móc trên bộ ngựa cho tôi rồi xuống nhà, trước khi đi xuống tôi thấy người đàn bà đứng lại tần ngần nơi đầu tủ. Sau đó tôi nghe tiếng đóng cửa. Tôi ở lại một mình trên nhà. Trong im lặng tôi nghe thấy tiếng trọng pháo.
6.
Tôi đứng dậy, thẳng người nói:
- Con ra ngoài đó phải phòng thân, bom đạn bây giờ, nếu con có phần nào thì khổ cha mẹ. Hôm qua cha mới đi tới thăm bác cả, người con lớn của bác ấy mới mất, phải hơn mười ngày quan tài mới đưa về được. Sao người ta chết nhiều quá. Chết, con nhớ là ai cũng phải chết, nhưng sự sống là một cái gì quý giá. Con hãy nghĩ tới lúc con đang nói cười, rồi lúc con nằm im trên giường không thở nữa, rồi người ta bỏ vào quan tài, rồi người ta bỏ xuống huyệt, rồi người ta đổ đất xuống, rồi những ròi bọ, rồi thối đi thịt da, còn lại những xương...
Cha tôi ngồi xuống.
Cha cũng đã già.
Em tôi mặc quần áo trận ngồi cầm ly rượu nhìn lên cười cười.
- Chết có số, em tin thế.
Vợ tôi giữ lấy tay tôi dặn.
- Anh đi xong việc về ngay.
Vợ tôi không khóc thành tiếng nhưng nước mắt chạy quanh trên đôi mắt đỏ hoe.
Con tôi khóc với tay đòi theo.
Chị tôi căn dặn điều này điều khác trong dáng vẻ không bình tĩnh.
Người bạn thân từ mặt trận trở về, vết thương nơi khuôn mặt còn băng trắng.
- Pháo quá, tao tưởng đã chết, tao tin có hàng mấy ngàn người bị giết. Những trẻ em, những bà già... Mày hiểu không. Tao cũng không nghĩ được rằng tao thoát ra được để trở về đây. Mày định nghĩa hộ tao những tiếng như: nhân đạo, bác ái, chính nghĩa, yêu nước, chiến thắng... mày làm được không...
7.
Tôi thức dậy thấy người đàn bà mình trần ngồi bên, ánh sáng vàng của ngọn đèn ngủ. Mái tóc buông xõa. Giọng bình thản:
- Tôi vẫn muốn hôm nay là đám cưới của chúng tôi.
Tôi nghe lạnh người.
Khi trở ra ngồi nơi tràng kỷ, đốt điếu thuốc trong đêm tôi nghe thấy tiếng nguời đàn bà khóc nhỏ:
- Tôi đã không còn là con gái từ năm mười bốn tuổi. Bây giờ tôi mong có một đứa con...
Tôi trở lại nằm với người đàn bà. Giọng nước mắt buồn thảm:
- Có lần tôi đã suýt giết chết mẹ tôi. Tôi đi chơi về khuya, bà bắt tôi bỏ hết quần áo đứng trước mặt bà, tôi kinh hãi với cái nhìn soi mói tìm kiếm, con mắt như dò tìm những dấu vết. Và da thịt tôi tẽ lạnh đi. Đó cũng là lần thứ nhất tôi nhìn thân thể tôi một cách kỹ càng. Từ đó, mỗi lần tôi thấy ai nhìn tôi, tôi nhớ tới đôi mắt của mẹ tôi...
Tiếng súng nổ đều và xa, trong im lặng tôi nghe rõ tiếng đập của trái tim mình. Tôi thiếp đi trong mệt nhọc.
Buổi sáng, khi thức dậy tôi không còn thấy người đàn bà, cánh cửa vẫn đóng. Qua những khe hở tôi thấy nắng ngoài vườn. Tôi mở cửa ra. Người đàn bà đang dùng cuốc đào một cái hố bên cạnh gốc cây ngâu. Tôi bước xuống hiên, tới gần. Người đàn bà tỉnh táo.
- Mẹ tôi đã chết hồi đêm. Tôi chôn bà trước khi đi.
Tôi im lặng. Không nghe thấy một xao động nào. Màu đất nâu tươi lên với ánh nắng trong vắt sau cơn mưa đêm qua. Nơi một khóm hồng, một bông hồng nở tươi tắn, rực rỡ.
- Ông hãy đi đi.
Giọng người đàn bà hối thúc. Tôi ngồi xuống nơi hiên:
- Bà có cần tôi giúp đỡ.
- Không. Tồi có thể tự lo liệu được. Tôi buồn là trên chuyến bay buổi chiều nay còn một ghế bỏ trống.
Người đàn bà cắm cúi làm việc trong khi nói. Lúc sau người đàn bà ngừng lại, nhìn lên:
- Ông hãy đi khỏi. Tôi không còn muốn thấy ông ở đây. Chúc ông may mắn.
Nàng đi vào phía nhà sau. Tôi lên lấy chiếc xách tay mở rộng cánh cửa trước khi xuống sân. Khi ngang qua khóm hồng, tôi ngắt bông hoa đỏ cài lên túi áo. Tôi ra khỏi khu vườn, theo con đường vắng ra ngoài bờ sông. Trên đường tôi không gặp một ai. Mấy chiếc xe nhà binh chạy với tiếng huyên náo của những người trên xe.
Dòng sông nước xanh lặng lờ chảy. Tiếng súng nghe gần. Tôi cầm bông hồng vứt xuống dòng nước, con nước nhẹ đưa bông hoa về xuôi... Buổi sáng, nắng rực rỡ...