Nụ cười

     gười vợ bỏ căn nhà không ra đứng ngoài hiên, buổi sáng trời gây lạnh nhạt nhẽo, không khí chậm chạp với sinh hoạt của con đường nhỏ đưa tới một con sông hẹp có thể nhìn thấy dãy nhà mé bên kia. Mấy người đi lại, một người lớn tuổi đạp chiếc xe đạp cũ ngang qua, một người tài xế hí hoáy với chiếc xe lam cũ. Bà hàng xóm bưng thùng rác từ trong nhà ra, vượt qua đường, đổ xuống lề mé bên kia, nơi đó, ngoài tường của một ngôi nhà lớn. Người đàn bà lắc thùng rác, đập nó xuống, tiếng chiếc thùng thiếc kêu vang trong không khí lạnh nhạt. Bà hàng xóm trở về, để chiếc thùng rác xuống hiên. Người vợ nói: bệnh ông nhà cháu khó qua được tuần này, nghe thấy khác trong người hay sao đó mà tối qua ông ấy trối trăng hết cả mọi điều rồi. Bà hàng xóm nói: thế ông nhà còn tỉnh không - Dạ vẫn như thường, tỉnh táo lắm, nhưng coi như hết máu rồi, bà tính, ngồi chờ bệnh đã ba năm, bệnh ung thư không thể chữa được, bác sĩ báo ngay cho biêt như vậy, và từ ba năm nay ông chờ chết... Bà hàng xóm nhìn ra con đường và nghe nói với nét mặt bình thản. Bà chợt quay lại cầm lấy chiếc thùng: lâu quá rồi, bệnh gì kỳ cục hôm tôi cũng có nghe ông nhà nói, hồi bấy giờ ông nhà vẫn như thường nhỉ, ai nghĩ ông bệnh. - Vâng chỉ mới tháng nay ông nhà tôi mới nằm một chỗ vậy thôi, ấy ở nhà vậy chứ ông đâu chịu nằm một chỗ, ông nằm thì không chịu được, làm cái này cái khác, nhưng thật ra, chính nhờ ông bệnh mà ông mới có mặt ở gia đình, hồi xưa tôi chỉ biết khóc, ông ấy nay đây mai đó có mấy khi ở nhà, hồi thằng con trai thứ hai phải tới năm tuổi bố nó mới nhìn được mặt, thật hồi nhỏ tôi chẳng được biết gì về đời sống gia đình, nhà có đàn ông mà như ở góa... bà nghĩ coi. Bà hàng xóm tép miệng, nói: cả xóm mình ai cũng lạ về ông nhà, lớn tuổi mà vẫn trẻ trung, vui vẻ, ai cũng thương quý, người như thế thật hiếm... Một chiếc xe chạy qua. Người vợ lặng im. Bà hàng xóm quay mặt lại: hôm nay bà không đi chợ sao. - Tôi muốn ở nhà sợ ông nhà tôi có thế nào. Bà hàng xóm xách thùng rác đi vào nhà, người vợ đứng im nhìn bâng quơ hai dãy nhà và con đường đá gồ ghề. Người vợ đi trở vào. Tiếng guốc khua động chốc lát trong gian nhà tối.
2.
Khu xóm nằm ở ngoại ô thị trấn, khi thị trấn phát triển khu xóm trở thành một vùng đất mới, dân cư mỗi lúc một đông và trở thành phồn thịnh, con đường ngày xưa vắng vẻ bỗng trở thành chật hẹp lại. Biến cố lớn đến với khu xóm khi biết con đường sẽ được mở rộng. Con đường sẽ nối với khu nhà bên kia dòng sông. Những ngày đầu tiên khi thấy những nhân viên kiều lộ tới đo, ngắm, vẽ bản đồ thì người dân trong xóm bắt đầu lo âu về những căn nhà bị cắt để làm đường. Nhưng thời gian chờ đợi vẫn kéo dài, có người không tin đó là sự thật, họ nghĩ đó chỉ là một dự án. Một vài người khôn ngoan, nhà ở ngoài mặt đường, phỏng chừng với con đường mới nhà sẽ bị ủi đi, đã tìm cách bán nhà đi nơi khác, công việc thường được tiến hành một cách kín đáo. Nhưng cũng có nhà vẫn sống bình thường không lo toan, họ nghĩ dù nhà có bị giải tỏa thì cũng sẽ được cấp nhà khác. Ngày tháng trôi qua, cuộc sống vẫn bình thường, vẫn hai dãy nhà khác biệt ngó nhau. Một bên là những ngôi nhà gạch khang trang, những tường vôi sáng, những tầng gác cao mãi. Một bên là những căn nhà hẹp thấp, mái tôn, mái lá, mái ngói chen nhau xô đẩy những đường nét hỗn độn, khu nhà này mãi sau mới có, lúc trước trong khi đã có những căn nhà ngói ở bên kia đường thì bên này nhiều khoảng đất không còn là bãi rác men mãi cho xuống tới lòng một con sông nhỏ dơ bẩn ăn thông vào một miệng cống lớn từ phía trung tâm thành phố đưa ra, mỗi lúc, theo thời gian những căn nhà lá, nhà tôn mọc lên nhanh chóng bất ngờ. Có những bãi rác vào buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau người ta đã thấy có một căn nhà mới và một gia đình mới bắt đầu cuộc sống. Những bức tường dựng lên hối hả, trong khi cuộc sống đã bắt đầu... Theo với thời gian, với hai dãy phố qua một con đường đã là hai hình ảnh đối nghịch. Người chồng chỉ dãy phố nói với người vợ: bà thấy không, bỗng nhiên người ta phải chọn để sống về một phía, nào ai có sắp xếp gì, mình thuộc khu nhà lá.
Bẵng đi một thời gian kể từ khi những nhân viên kiều lộ tới ngắm tới đo, dân chúng bỗng như quên hẳn việc con đường có thể mở rộng. Một buổi tối, một căn nhà trong cuối xóm bỗng bốc cháy, cả xóm nhốn nháo, đặc kịt những người chen ngoài đường, tiếng gọi nhau ơi ới. Một đoàn xe cứu hỏa tới nơi nhưng không làm cách nào vào được trong con đường đã đặc những người. Mãi khi ngọn lửa đã được dập tắt người ta mới đưa được chiếc ống nước vào tới căn nhà bị cháy. Thiệt hại không đáng kể. Người ta nói tới việc làm của nhân viên cứu hỏa, nói về nguyên nhân đám cháy, nói về con đường hẹp... Vài ngày sau người ta lại xôn xao về việc con đường được mở rộng, lần này có vẻ thực tế hơn, một chiếc xe hủ lô xuất hiện nằm ngoài đầu đường, những đống đá xanh được đổ xuống, và cùng lúc những cọc sắt lớn được đóng xuống dòng sông nhỏ phía cuối con đường, một chiếc phà từ ngoài sông lớn vào đó và công việc đã khởi đầu. Người chồng nói: tôi mong sống được tới khi cây cầu được bắc để ngang qua một lần. Người vợ mỉm cười. Chiếc xe lăn cũ kỹ nặng nhọc vẫn nằm đó nguội lạnh cùng với những đống đá thấp dần. Ngoài lòng sông, cuối con đường, chiếc máy chạy mỗi ngày tám giờ gieo tiếng búa sắt chát chúa lên đầu những cột sắt lớn từ từ cắm sâu xuống lòng sông. Tiếng động khua vang một sinh hoạt mệt nhọc. Có khi bỗng chiếc máy ngừng nổ kéo dài cả tuần lễ. Người vợ nói: có khi phải mất mấy năm không chừng. Người chồng lặng lẽ hút thuốc, mắt lơ đãng trên trang sách trước mặt...
3.
Linh mục tới cửa căn nhà thì ngừng lại, ngọn đèn dầu để trên tủ sách chiếu ánh sáng vàng lạnh không đủ sáng căn phòng im vắng, cửa đi vào phía bên trái căn nhà, khoảng trống trước cửa, trong cùng gần tủ sách có một chiếc ghế xếp bằng vải, bên cạnh để một chiếc ghế đẩu thấp có một cái gạt tàn thuốc, cửa vào nhà trong nằm sát bên tường mé tay mặt ngoài đó kê một chiếc bàn gỗ cao, mặt rộng vây quanh có sáu chiếc ghế dựa gỗ để ngay ngắn nghiêm chỉnh, giữa bàn trên một chiếc khăn thêu nhỏ để một chiếc bình men sứ Giang Tây bóng dáng kiêu kỳ không có cắm hoa. Trên vách tường, đầu chiếc bàn treo một bức hình chụp gia đình. Hai vợ chồng và ba đứa con. Vị linh mục đứng bên chiếc bàn ngắm nghía. Hơn hai năm căn nhà không có sự thay đổi, thiếu một bó hồng đơn sơ trên chiếc bình sứ. Vị linh mục gõ tay xuống chiếc bàn. Tiếng động khô. Người vợ từ trong nhà đi ra, chiếc áo cánh nâu gọn gàng, mái tóc búi cao:
- Anh lại chơi, chúng tôi vẫn có ý trông anh.
- Anh vẫn thường, chị...
- Vâng - Người vợ kéo một chiếc ghế ra - Anh ngồi chơi, nhà tôi xem chừng yếu hẳn.
- Hồi đó vị bác sĩ nói anh có thể sống ít nhất cũng ba bốn năm nữa, năm nay anh cũng gần sáu mươi rồi còn gì, bọn chúng tôi đều già rồi. Chị thấy...
- Dạ, năm nay anh ấy 59, hình như hơn anh hai tuổi.
- Vâng.
Người vợ cầm chiếc đèn để sang bàn, khêu lớn ngọn. Vị linh mục cầm chiếc gương ra tay và lau vào vạt áo, những sợi tóc hoa râm lưa thưa trên mang tai, những sợi tóc mượt dài vuốt về sau gọn gàng. Người vợ vào nhà trong, lúc sau đỡ tay cho người chồng bước ra ngoài. Vị linh mục đứng lên đỡ một bên tay.
- Có lẽ tôi sắp chết thật rồi anh ạ.
Người chồng nói và nhìn vị linh mục.
- Lần này tôi thấy anh yếu đi nhiều.
Người chồng được đỡ nằm xuống chiếc ghế vải. Người vợ trở vào nhà trong bưng ra hai ly nước trà nóng rồi để lại hai người đàn ông trong câu chuyện. Vị linh mục kéo chiếc ghế xa bàn, lùi vào trong vách, trước mặt người chồng, cầm ly nước trong lòng hai bàn tay, ly nước nóng khiến vị linh mục phải xoay hoài chiếc ly. Người chồng ngả người nhìn người bạn cũ nay cũng đã già nhiều. Những nếp nhăn nơi đuôi mắt, những sợi tóc bạc và nét mặt ưu phiền chùng mệt, bao nhiêu năm một tinh bạn lặng lẽ nhưng thân tình, một người chọn con đường tu, một người phóng mình ra ngoài với những náo nức lửa đỏ một thời cháy bỏng. Có lúc tình bạn thời nhỏ biệt tăm rồi bỗng xuất hiện trong từng giai đoạn của đời sống. Khi cuộc chiến bùng nổ. Khi người bạn lập gia đình. Khi đứa con đầu lòng ra đời. Khi kháng chiến. Khi chứng nan y xuất hiện. Và bây giờ, có lẽ giai đoạn chót trong cuộc đời một người... Người chồng nói:
- Tôi thấy tôi sắp chết, chợt tỉnh táo một cách quá sức, tôi đã trối trăng với nhà tôi hết cả rồi...
- Tôi có cầu nguyện cho anh vào ngày sinh nhặt vừa rồi, thật tiếc hôm đó tôi không lại thăm anh được.
- Cám ơn anh.
Vị linh mục ngừng lại, hai tay đan vào nhau để trong lòng áo chủng đen, mặt hơi cúi, đôi mắt lặng im nhìn xuống, người chồng dụi tàn thuốc chậm chạp.
- Có lúc tôi nghĩ không nên nói với anh điều này, nhưng chính lúc này tôi lại nghĩ tới điều đó, tôi nghĩ anh sẽ cho phép tôi nói với anh và sau đó anh sẽ không phiền lòng gì cả, tôi với anh và tình bạn thiết - vị linh mục ngừng lại, nhìn vào người bạn, ánh sáng chập chờn và khuôn mặt nhợt nhạt, chỉ còn lại đôi mắt long lanh - anh cho tôi rửa tội cho anh trước khi anh qua đời... tôi nghĩ, bao nhiêu năm qua, với tuổi chúng ta, anh có lắng nghe thấy một lời kêu gọi nào... Tôi cũng mong anh cho phép để anh an nghỉ trong đất thánh...
Người chồng lặng lẽ lắng nghe, câu nói của vị linh mục ngừng đã lâu, tiếng chiếc đồng hồ quả lắc từ nhà hàng xóm. Người chồng đốt một điếu thuốc. Vị linh mục uống ngụm nước trà đầu tiên.
- Tôi đã nói hết với nhà tôi. Tôi thành thật cám ơn anh với tình bạn chúng ta có thể nói với nhau được như thế. Tôi đã xin nhà tôi hiến xác tôi cho viện ung thư nghiên cứu. Đất thánh không phải là nơi tôi tới. Tôi không nghe thấy một kêu gọi nào cả. Tôi biết rõ giới hạn của đời sống, khoảng hư không cuối cùng chờ đợi, nhưng không phải vì thế mà tôi thấy cần thiết tìm kiếm một hy vọng cứu chuộc. Tôi chỉ có lương tâm tôi. Có tội không phải rửa mà hết được... Gần ba năm nằm lại trong căn nhà này, bên vợ con, tôi biết giới hạn của đời sống mình, nhưng tôi cũng không thấy có điều gì phải ân hận, nếu không muốn nói là hài lòng. Tôi hỏi thật anh: có phải tôi là một con người kiêu ngạo đáng ghét không?
Vị linh mục lắng nghe. Người chồng hút thuốc, cụm khói đặc trắng tan lơ đãng. Vị linh mục ngả người về sau một chút.
- Tôi xin lỗi anh.
Người chồng cười thành tiếng nhỏ:
- Người ta nói với tôi anh là một người cấp tiến mà sao anh còn câu nệ vậy, mình có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau mà.
- Không có đâu anh, tôi không là gì đâu, tôi chỉ là một tu sĩ bình thường vậy thôi, vì vậy tôi vẫn nghĩ có lẽ câu chuyện từ ba mươi năm trước vẫn làm anh bực mình.
- Tôi bằng lòng với chuyện đó. Nhà tôi vẫn cầu nguyện mỗi tối, nhưng nhà tôi không đến giáo đường nữa. Anh đừng nghĩ chuyện riêng đó khiến tôi bực mình. Hoàn toàn không. Ngó bộ tôi không có đạo thì tôi không phải là người sao? Ngó bộ tôi không rửa tội thì tôi là người tội lỗi sao. Gần hết cả xã hội Tây phương đều tốt lành, đều trở thành thánh, được vào thiên đường cả đó sao, anh ngó xem, những tội ác ở Á Phi, ở Châu Mỹ La Tinh, những người da trắng, những người trong hệ thống giáo hội họ làm gì, họ có nhà thờ tráng lệ, có thánh giá bằng vàng, họ nhân danh cái này cái khác, họ đưa cả tượng Chúa tới pháp trường... Anh đừng nghĩ tôi sắp trở thành một người chống cái này cái khác, tôi chỉ nói, chỉ muốn nói: con người và những xấu tốt của nó, tôi nghĩ anh hiểu tôi, sau chót của một hành trình thường người ta ngừng lại ở một giáo đường, tôi không tin, anh có nghĩ rằng: chót hết người ta sẽ có một thái độ khác, tôi muốn nói với anh về một tổng hợp đề... một đức lý. Đó không phải là bây giờ, ngay trong lúc tôi còn khỏe mạnh với tất cả tinh thần và thể chất. Có lúc người ta nghĩ mình như con múa rối, tôi thì không, tôi chưa đối đầu với một tuyệt vọng, cả cái chết...
- Tôi nhiều lúc... thật khó để tôi nói với anh được, cái cảm tưởng chông chênh...
Một cơn gió thổi thốc vào căn nhà im lặng, ngọn đèn dầu phụt tắt, ánh sáng yếu ớt từ trong nhà, từ những khe vách chiếu ra chập chờn. Điếu thuốc trên môi sáng ánh lửa đục. Người chồng nhấc lưng khỏi ghế, gượng người:
- Anh thấy, đời sống cô quạnh của tôi, ba năm ngồi lại sống với những người thân, tôi nhìn suốt lại đời mình và tôi mỉm cười, bạn bè chỉ còn lại mình anh, người ở ngoài cuộc...
- Không còn ai...
- Cũng còn một hai người, nhưng bạn tôi đều đã chết, còn lại đó là những người hèn, sống cũng như đã chết, anh nghĩ coi, nếu còn lựa chọn, có lương tâm để đương đầu làm sao để người ta thoát ra được một cuộc chơi vừa ngay thẳng vừa gian lận kéo dài hơn.
Tiếng bước chân nhẹ nhàng từ trong nhà ra, người vợ đứng nơi cửa vào trong nhà, quay trở lại khi mang theo ngọn đèn nhỏ. Vị linh mục nói:
- Con lớn của anh chị bây giờ được mấy cháu rồi?
- Dạ ba, mấy đứa nó cũng vất vả, cả năm nó về thăm nhà được vài lần. - Người vợ châm ngọn lửa sang ngọn đèn lớn - Anh nghĩ, thời buổi thế này, biết làm sao. Hồi sinh đứa nhỏ sau đó, giữa lúc ở nhà thương, thị trấn bị pháo kích, vợ nó sợ đến nỗi không biết mình sinh lúc nào. Thật tội. Nhà tôi định lập gia đình cho thằng nhỏ nữa là xong. Thôi thì cũng nhờ trời...
Người vợ mang ngọn đèn vào nhà trong. Không khí im lặng trở lại. Người chồng nhìn người bạn:
- Nhiều lúc tôi nghĩ: mình cũng tu rồi. Giáo đường của tôi thân mật hơn của anh.
Người chồng cười thành tiếng, vị linh mục mỉm cười:
- Tôi còn nhớ bài thơ của anh gửi cho tôi khi anh còn ở ngoài chiến khu.
- Đông phương mình có một cái đạo sống kỳ diệu, các cụ mình ngày trước ai cũng làm thơ, nhớ bạn làm thơ, nhớ nhà làm thơ, uống rượu làm thơ, lúc chết làm thơ... Nhiều khi đâu phải thơ, chỉ là vè thôi nhưng thực sảng khoái... Bây giờ thì mình mòn mỏi với những cái lăng nhăng... Có khi vẽ xuống đất mà làm một nhà tù, mà đã thế rồi thì thôi, đâu còn như trước cứ vào tới nhà tù là bọn tôi tìm cách vượt ngục. Thật nhiều lúc tôi giật mình không hiểu vi sao mình lại có thể sống sót.
Vị linh mục cúi xuống với bao thuốc, cầm tay ngắm nghía, đêm đang sâu dần. Vị linh mục đứng lên:
- Tôi xin phép anh, để ít bữa lại nói chuyện với anh lâu hơn.
- Anh về, tôi cám ơn anh đã lại thăm. Chắc bệnh của tôi cũng có thể qua tới mùa xuân...
Người vợ đi ra đứng nơi cửa:
- Tôi về, chị.
- Dạ, hôm trước con gái tôi nó gửi lời hỏi thăm anh.
- Dạ, cô ấy hồi này thế nào?
- Cháu nó nhớ nhà, nó còn những hai năm học nữa... Thong thả mời anh lại chơi, lâu anh không còn có dịp ăn cơm với chúng tôi.
Vị linh mục vừa nghe vừa bắt tay người chồng rồi cúi chào người vợ trước khi dời khỏi căn nhà. Đêm ở ngoài đường với ánh sáng vàng của mấy ngọn điện yếu. Người chồng nói: trông anh ấy hồi này già hẳn đi, mình coi, tôi còn trẻ hơn nữa. Người vợ nói: anh ấy có vẻ buồn, anh ấy đã tự coi như không còn gia đình từ ngày ấy. Nghe nói ông thân anh ấy bây giờ ở trong dưỡng trí viện, con cái thì mỗi người một ngả, người anh ở ngoài không biết thế nào, người em thì mới mất ngoài mặt trận, tôi nghe nói mà không dám hỏi anh ấy. Bà cụ là một người ngoan đạo, chỉ còn biết cầu nguyện... Anh ấy cũng không còn ai thân thiết ngoài vợ chồng mình. Người chồng bưng ly nước uống rồi thắp một điếu thuốc nằm im trong ghế...
4.
Buổi cơm tối bắt đầu sau khi người con trai thứ hai đã trở về nhà, người chồng ngồi vào từng bát cơm, người con trai thư cầm thư ở trên bàn, người chồng nói:
- Thư của anh con đó.
- Dạ.
Người con mở thư đọc chăm chú, người vợ nói:
- Vợ chồng nó mà mang được mấy đứa nhỏ vẻ chơi thì vui quá, tôi vẫn muốn nó để đứa con lớn ở nhà với tôi, nhà có trẻ con nó vui.
- Thứ nhất trẻ khóc, thứ nhì trẻ học, các cụ mình vẫn nói thế.
- Trời, cực cho anh chị ấy quá, chẳng còn thì giờ nữa...
Người con trai bỏ lá thư xuống bàn, cầm bát đũa và bắt đầu ăn. Người vợ nói:
- Các con nó hẹn về mà mãi chẳng về được, có khi con đường này với cây cầu làm xong bọn nó mới về được cũng nên...
- Thế có khi tôi chết rồi.
Người chồng cười, người vợ nhìn xuống bát cơm im lặng, người con nhìn mẹ:
- Ba mẹ thì già mà con cháu mỗi đứa một nơi.
5.
Cha tôi nói: mình nợ nhiều quá mà không trả được, nợ từ vợ con trở đi... Mỗi lúc tôi thấy cha tôi một già đi nhưng cũng từ đó có theo sự đằm thắm. Ngày bắt đầu được biết mình sẽ chết, giới hạn có được khoảng ba năm, lúc đó cha tôi buồn, vẻ buồn thoáng đâu đó và có một sự bực bội bất ngờ, nhưng ngay sau đó thì cha tôi trầm hẳn xuống, từ đó ông không quan tâm đến, ông vui với đời sống thầm lặng và đầm ấm trong cuộc sống gia đình. Cha tôi ngay từ nhỏ chừng như đã tự lựa chọn cho mình một cuộc sống. Mẹ tôi là người có đạo Thiên Chúa, cha tôi thì không. Hai người cưới nhau không tới giáo đường và bị cả hai bên gia đình chống đối không thừa nhận. Điều này kéo dài trong nhiều năm. Dù vậy cũng không có nghĩa mẹ tôi bỏ đạo. Cha tôi thường cùng đi với mẹ tôi tới một nhà nguyện nhỏ. Ở trong nhà những ngày giỗ tết mẹ tôi coi sóc rất chu đáo. Tôi lớn lên trong không khí gia đình đó. Mẹ tôi nói, mãi khi tôi năm tuổi cha tôi mới thấy mặt con. Khi lớn lên cha tôi cũng thường vắng nhà, ông theo đuổi những công việc riêng của ông. Mẹ tôi lo công việc làm ăn nuôi nấng con cái. Trong những năm chiến tranh có lúc chúng tôi tưởng ông đã chết. Nhưng cuối cùng ông đã trở về. Những sợi tóc hoa râm giấu trong mái tóc dày mềm mại. Có nhiều lúc tôi muốn được nghe cha tôi nói cho biết những gì ông đã sống trong suốt những năm đó. Trong cuộc sống những lúc bên gia đình, từng thời gian khác nhau, từng hoàn cảnh khác nhau ông nói về những đoạn ngắn nào đó trong cuộc sống cũ. Trong những câu chuyện đó tôi nhìn thấy cha tôi với nét mặt rạng rỡ: đời sống hào hùng trong quá khứ như những trang sách tràn lửa đỏ. Một chiều cuối năm trên vùng Việt Bắc, trong thị trấn Lạng Sơn có mưa tuyết, mong ước trở lại ngày Tết trong gia đình, cha tôi nhắc đến hai câu thơ của Thế Lữ: Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang... Chuyện người bạn đường trước khi chết trối trăng cho anh hai người con nhỏ. Lúc trở về đi tìm gia đình anh ấy không biết ở đâu, thật ân hận, bây giờ bọn đó có khi cũng chưa biết cha chúng chết rồi. Cha tôi nói về vùng núi non Hòa Bình, ngày vào trong Trị Thiên, một đêm xuôi sông Mã, thời ở Sài Gòn rồi lên đường đi Xiêm La, có lúc ngừng chân lại ở Đế Thiên Đế Thích... Những ngày nằm lại trong những gia đình người Mèo... Đất nước đối với ông thật hẹp nhỏ. Cái vận của nước mình như thế rồi. Cứ coi cái địa thế cũng thấy, nước non gì như con trăn, có bao giờ mà nó nằm im được, nó cựa quậy hoài. Phải gồm ba bốn xứ lại với nhau, phải có một cách khác, cái khối Trung Hoa nó như hòn núi đè trên vai, là lực sĩ thì cũng có lúc phải sụm, may không tan xác là phúc rồi... Cha tôi đưa đến cho chúng tôi một thực tế, nhưng cũng đưa đến với chúng tôi một mơ ước, đưa đến chúng tôi một thái độ phải có, phải lựa chọn trong một tinh thần kiêu hãnh. Không được cúi đầu, phải ngẩng mặt lên ngay thẳng. Sống như mình nghĩ... Những điều cha tôi mang đến đưa chúng tôi tới những khó khăn. Nhưng thực chúng tôi hài lòng với sự khó khăn đó. Những điều chúng tôi làm, cha tôi muốn chúng tôi cho biết, và ông, nếu có ông góp ý với chúng tôi, nhưng bao giờ ông cũng để cho chúng tôi quyết định. Hồi anh tôi lập gia đình, cha tôi chỉ hỏi anh: có thương yêu người ta thực không? Khi bên nhà gái có ý khó khăn, ông khăn áo tề chỉnh tới nói chuyện và mọi chuyện êm đềm... Cha tôi nói: có người nói ba có máu làm loạn, ba nghĩ cũng có lý, nhưng thực thì đâu phải với nghĩa xấu của nó, phải nói, ba là người bảo thủ mới đúng. Lúc trước, khi phải bày tỏ thái độ với một việc gì cũng có vẻ một người dữ dằn, nhưng sau rồi ông biến đổi, ông lặng im tức là thái độ của ông. Khi em tôi lên đường xuất ngoại, ông nằm trên giường cả tuần, ông lo lắng đủ điều, mẹ tôi nói ông khóc vì nhớ con. Lúc đó ông lo có lẽ ông không sống được cho đến khi người con gái độc nhất trở về. Hàng tuần cha tôi dành thì giờ ngồi viết thư cho con gái, ông thuật lại những chuyện trong gia đình, những vấn đề thời sự, ông nói với con như nói với một người bạn thiết, cùng đó ông khuyên con gái, ông nói: nó ở bên ấy đất khách quê người nhất định là buồn lắm. Hồi xưa ba có lúc trông tin nhà đến không ăn không ngủ được, một cái thư với người ở xa quý lắm. Viết xong thư ông ngồi đọc cho cả nhà nghe rồi ông thường nói với mẹ tôi: bà có gì nói với con gái thì nói, tôi làm thư ký cho. Ngủ trên đồi gió, xuôi thuyền uống rượu trên sông mùa đông lạnh, ngồi nhặt những bông gạo trong bếp mùa tháng mười... những hoạt cảnh đó cha tôi vẫn nói đến, còn chúng tôi, chúng tôi chỉ được nghe và mơ ước. Thời các con không vui như xưa, bây giờ sao đời sống buồn nản quá. Tôi cũng nhận thấy chừng như thế... Có lẽ cha tôi không qua được mùa xuân, chúng tôi thấy có một lo âu len vào nhưng với cha tôi, ông vẫn bình thường, chừng như cha tôi đã tự mình nhìn thấy một điều gì đó. Tôi mong được sống cho tới khi cây cầu bắc xong và con đường được mở rộng. Cây cầu và con đường rồi chúng tôi được ngang qua. Cha tôi nói: một bên những gia đình giàu có, một bên những gia đình lao động. Trên lý thuyết có người nghĩ nên phá khu nhà gạch đi, có bên nói để nguyên khu nhà gạch đó nhưng phải thay khu nhà lá bằng nhà gạch, có người thì nói: nó như thế rồi thì cứ để nó thế. Cha không nghĩ tới điều đó, cha nghĩ đến con người, việc chính là con người, mọi người tốt, công việc tốt thì những cái khác sẽ thay đổi. Khi không có ai làm việc với Tây với Tàu nữa thì họ chẳng làm cách chi mà cai trị được mình. Cái con người... Vì cái tháp Babel mà người ta bị làm cho ngộ nhận nhau, nhiều khi cũng nên tin như thế. Cha tôi thường nói tới những chuyện thực tế trong đời sống, chính con người và đời sống đó. Cha tôi không nói tới những điều mà theo tôi cuối cùng người ta đứng trước một hư không. Với tôi nhiều khi người ta phải đưa tới trước một sự khốc liệt nào đó, và khi đó con người mới có cơ hội nhìn thấy mình. Người ta chết rồi như thế nào, còn một đời sống khác không? Cha tôi đã khước từ một thay đổi được coi như tìm lại đức tin, tôi không hiểu sao về điều này, thực ra đối với tôi cũng là chuyện dửng dưng, tôi coi những giáo chủ chỉ là những nhà đạo đức. Chỉ có thế. Trước hết họ là người, một con người tốt. Và sau là những nhà đạo đức... Rồi cha tôi sẽ chết cũng như tôi, như mọi người, tôi nhìn thấy mốt tấm gương khác...
6.
Buổi sáng bắt đầu cùng với sự huyên náo ngoài con đường. Người chồng ngồi nơi chiếc ghế nhìn ra đường. Người vợ nói: Người ta làm đường thật rồi ông, nhưng làm dưới mé sông. Chiếc xe ủi đất máy nổ nặng nhọc hoạt động không ngừng. Người chồng nói: bà cho tôi ra hiên chút. Người vợ đỡ người chồng ra ngoài. Mé dưới gần bờ sông, nơi đang xây cất cây cầu những công nhân đang làm việc. Khi con đường dựơc mở rộng, cây cầu được bắc xong... Người chồng nói: ít ra tôi cũng có may mắn được nhìn thấy, có khi tôi sẽ thấy công việc xong nữa là khác... Nụ cười trên môi người vợ...
1969