To live is to fight

     ó cuộc bình bầu lớp trưởng nào đặc biệt vậy không? Trong khi các lớp khác người ta giãy nảy khi được (bị) nêu tên thì ở đây gần nửa lớp giơ tay xung phong làm lớp trưởng!
Người lúng túng hóa ra là cô giáo. Lớp đầu cấp, cô chưa hiểu gì lắm về học trò của mình ngoài việc biết lớp có tên gọi là chuyên.
- Phải qua vòng sơ khảo rồi đến chung kết như thi hoa hậu vậy cô ơi!
Một trong những đứa không giơ tay la lên và cả lớp nhao nhao hưởng ứng. Cô giáo mỉm cười, ý kiến nghịch ngợm nhưng có lý. Các ứng cử viên ngay lập tức khai tóm tắt tiểu sử và thành tích học tập.
Thật là tám lạng nửa cân. Kẻ đoạt giải nhì môn hóa toàn quốc thì chỉ yếu một chút về môn văn nghĩa là cuộc thi hùng biện chỉ được giải khuyến khích. Người chỉ được giải khuyến khích môn lý thì có thêm chứng chỉ huyền đai đệ nhị đẳng Taekwondo. Còn chỉ là học sinh giỏi cấp thành phố nhưng lại là người phụ trách môn bóng bàn tại nhà thi đấu của tỉnh...
- Thưa cô, vậy thì phải thêm yếu tố chiều cao và cân nặng nữa.
Giọng tinh nghịch vang lên cả lớp ồn ào ủng hộ. Nói gì thì nói, đại diện của lớp mình mà mặt mũi sáng láng dáng người cao ráo thì cũng oai.
Nhưng rõ ràng thế hệ này được thế hệ trước chăm sóc rất chu đáo và đầy gởi gắm. Chiều cao thì còn nhỉnh nhau một vài phân chứ còn lại thì không ai là gầy còm cả. Béo phì? Với những thành tích thể dục thể thao vậy thì sao có chuyện béo phì được.
- Ứng xử, cô ơi, cho thi ứng xử đi cô.
Một giọng khác nổi lên, cả lớp vỗ tay rào rào. Đoạt chức lớp trưởng chắc chắn đủ tiêu chuẩn thi hoa hậu toàn quốc!
Cô giáo cũng bị cuốn vào không khí sôi nổi. Một ban giám khảo gồm những kẻ không giơ tay lập ra, đó là ba đứa con gái nãy giờ cho ra ba ý kiến chí lý. Thêm ba đứa con trai nữa cho cân bằng. Hai bàn đầu trở thành chỗ ngồi của ban giám khảo.
Sau bao nhiêu tràng cười và vỗ tay, cuối cùng còn lại hai kẻ văn võ song toàn. Đó là Toản, giải nhì toàn quốc môn toán cộng thêm là vô địch bơi lội tuổi mười lăm cấp thành phố mùa hè qua.Và Yến, giải nhất toàn quốc môn văn và vô địch cờ vua cấp tỉnh.
Nãy giờ cả lớp là một khối thống nhất đến lúc này chợt chia ra làm hai phe rõ rệt, phe con trai và phe con gái. Phe con trai muốn lãnh đạo của lớp mình là con trai và phe con gái thì ngược lại. Rồi phe con gái lo lắng, lỡ mà giơ tay biểu quyết thì... rõ ràng là con trai đông hơn! Ô, nhưng cô giáo là... con gái mà!
Vòng ứng xử bắt đầu. Chỉ với một câu hỏi duy nhất:
“Nếu có một bạn vì lý do nào đó bỗng chán nản học hành sút kém thậm chí là đòi nghỉ học, là lớp trưởng em sẽ làm gì?”
Cả lớp im phăng phắc. Câu trả lời cho một câu hỏi như thế này đáng để cho toàn thế giới im lặng lắng nghe lắm chứ. Ai chẳng có lúc chợt muốn rũ bỏ mọi sự đời!
Một mẩu giấy trắng và một mẩu có dấu X vò viên lại tung vào cái mũ. Toản bốc được mẩu có dấu X, giành quyền nói trước:
- Thưa cô, trước hết em sẽ nói với bạn ấy rằng to live is to fight.
Trời ơi! To live is to fight. Sống là chiến đấu. Cả lớp như một bầy ong vỡ tổ, tiếng vỗ tay rào rào như trống trận. Ai nói dân giỏi tự nhiên thì dốt xã hội? Người ta là dân toán mà nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ kìa! Mà là nói gì? Sống là chiến đấu! Trời ơi, chí lý quá. Không còn gì có lý hơn. Đúng. Đúng. Đúng.
Phe con gái cũng vỗ tay nồng nhiệt. Chân lý bao giờ cũng chinh phục được những kẻ tị nạnh nhất. Cô giáo gõ cán bút lên bảng ra hiệu trật tự để nghe câu trả lời của ứng cử viên còn lại.
Yến, thật dịu dàng và đầy hiểu biết, Yến bước đến trước mặt Toản và chìa bàn tay trắng trẻo của mình ra. Cả lớp nín thở, chuyện gì đây?
- To live is to fight - Yến lặp lại câu trả lời của Toản bằng giọng thật thanh tao, đôi mắt đen chớp chớp - Mình phục bạn lắm.
Ôi, ứng xử thế này thì ban giám khảo nào chấm điểm nổi. Cả phe con trai lẫn phe con gái đều lặng đi vì khâm phục.
Không thể có hai lớp trưởng được. Ban giám khảo bối rối nhìn nhau rồi đưa mắt cầu cứu cô giáo.
Nói gì thì nói, con gái vẫn là cẩn thận hơn. Giao phó “sổ gọi tên và ghi điểm” cho một học sinh nữ thì chắc chắn là chữ đẹp hơn và sạch sẽ hơn, cô hẳn yên tâm hơn. Mà đó là nhiệm vụ của một người quan trọng không kém lớp trưởng - Lớp phó học tập.

*

Vừa xong cuộc bình bầu nổi đình nổi đám làm cho cả khối lớp mười chú ý, Toản nhận ngay điểm 1 môn toán.
Điểm 1. Phải, chính nó. Số 1 đỏ chóe lạnh lùng bên cạnh lời phê “Cẩu thả” cho một bài làm chỉ sai ở phép tính cuối cùng dẫn đến sai đáp số.
Như cái tát. Cầm bài kiểm tra trong tay, hai má Toản nóng bừng. Thật là nhục nhã. Lớp trưởng, cây toán của lớp mà lại vậy. Bài kiểm tra đầu tiên, điểm số đầu tiên...
- Có khi thầy chỉ nhìn đáp số mà chưa chú ý cách giải. - Yến khe khẽ nói.
- Có lẽ.
- Sẽ không bao giờ có sai sót như vậy nữa. - Toản cắn chặt răng lại.
Nhưng bài thứ hai cũng chung số phận. Điểm 2 cho bài giải chỉ thiếu một dấu suy ra.
Thầy quá khắt khe, ai cũng nói và ai cũng đợi phản ứng của Toản - Phải xin gặp thầy để khiếu nại. Cả lớp nói nhưng Toản phẩy tay, không. Rồi thầy sẽ thấy...
Nhưng thầy chẳng thấy gì cả. Hoặc là thầy đã dùng kính lúp để thấy những cái quá nhỏ nhặt. Thêm một điểm 3 cho bài giải lỡ thiếu một dấu tương đương. Không thể nói là thầy vô tình được. Toản tuyệt vọng, mình bị trù dập rồi! Nhưng vì sao?
Họp cán sự lớp mà lớp trưởng có điểm số như vậy... Toản chẳng nói năng gì mặc cho Yến điều hành cuộc họp. To live is to fight, Yến viết vào quyển sổ trước mặt Toản.Toản buồn bã lắc đầu. Chiến đấu làm sao đây khi mà một bài tập Toản tìm ra ba cách giải để cuối cùng nhận lấy ba điểm 4 vì thiếu một ký hiệu mà nếu chỉ giải một cách thì chỉ nhận một điểm 4 thôi! Những điểm số này làm Toản luống cuống đến nỗi học những môn khác cũng đâm ra vấp váp. Chiến đấu với ai đây?
- Mình sẽ gặp thầy để khiếu nại cho bạn. - Yến nói.
- Không.
Toản cắn răng chặt hơn. Một học sinh bình thường thì còn phải cầu cứu lớp phó học tập. Còn đây... mặt mũi nào!
- Nghe nói thầy Huân dạy toán tụi mình ba năm luôn, từ đây cho đến lớp mười hai.
Toản thấy tai lùng bùng. Chỉ một lớp mười rơi xuống hạng yếu là đủ chết rồi. Phải xin chuyển lớp thôi.

*

Cô giáo ngạc nhiên khi Toản nộp đơn xin chuyển lớp.
- Tại sao?
Toản mím môi im lặng. Toản không xứng là học trò giỏi của thầy Huân, có lẽ vậy. Nhưng Toản không là đứa lẻo mép. Đi là đi, vậy thôi. Con trai không than van, không kể lể. Ở lớp mới, Toản sẽ chứng minh mình là như thế nào. Rồi thầy Huân sẽ ân hận vì mất một học trò... Rồi thầy sẽ nhớ ngày hôm nay...
- Nếu em không muốn nói lý do thì thôi cô không ép - Giọng cô giáo buồn buồn - Nhưng cô thật sự tiếc nếu vắng em trong đội tuyển của lớp mình.
Cô nói gì? Đội tuyển của lớp mình? Toản mở to mắt.
- Cô tiếc cho lớp mình, và tiếc cho cả em. Thầy Huân vừa đưa cho cô danh sách thầy chọn thi học sinh giỏi môn toán, tên em đầu tiên.
Toản không hiểu ra làm sao nữa. Và Toản cũng không nhớ ra mình đã nói gì với cô để xin lại lá đơn. Toản đạp xe ra bể bơi, làn nước mát luôn là đơn thuốc tuyệt vời giúp Toản tỉnh táo lại. Nhưng hôm nay ngụp lặn đến lần thứ một trăm mà đầu óc Toản vẫn lâng lâng.

*

Tiết toán. Như thường lệ, thầy đưa xấp bài cho đứa ngồi bìa bàn đầu phát cho lớp. Toản len lén nhìn lên vừa lúc thầy nhìn xuống. Ngay lập tức Toản cúi mặt, thầy đã biết mình xin chuyển lớp chưa?
- Ê, Toản - Đứa bên cạnh khều vai trước khi chuyền cho Toản bài kiểm tra có điểm 5 và lời phê “Cần cẩn thận hơn nữa”.
Toản mím môi, không thể hiểu nổi, những điểm số... và đội tuyển?
Thầy chầm chậm bước giữa hai dãy bàn, rồi tiếng giày dừng lại cạnh Toản:
- Em lên bảng trình bày cách giải của mình, tự sửa chỗ bị gạch dưới.
Toản đi lên bảng như người mộng du. Giọng thầy vẫn đều đều vang lên:
- Nếu là một học sinh khác thì thầy sẽ cho điểm tám hoặc có thể là chín. Nhưng là một thành viên của đội tuyển, em phải nghiêm khắc hơn với chính bản thân. Bài làm của em thường có những lỗi lặt vặt không đáng có của tính chủ quan. Em có nhớ năm ngóai, em kém bạn đoạt giải nhất chỉ 0,25 điểm. Nếu không vì cái lỗi rất nhỏ đó hẳn em đã không phải nhận giải nhì. Thật đáng tiếc.
Viên phấn trong tay Toản ngoằn ngoèo. Yến khe khẽ:
- Bình tĩnh, lớp trưởng!

*

Sống là chiến đấu - Câu nói trở thành tiêu chí thi đua của lớp. Phải, sống là chiến đấu. Trước hết là chiến đấu với những khiếm khuyết của chính bản thân mình.