- 15 -

    
à ngồi một mình, vẻ mặt tự đắc, mồm chúm chím cười. Bà nghĩ sau này, khi con bà đăng quang, tức vị, không biết nên lựa chọn, đặt niên hiệu thế nào cho hay và thích hợp. Trước kia ba người mưu phản bàn nhau đặt vương hiệu là Chí Hưng, bà không ưng, hai tiếng đó nghe không được, rỗng tuếch, không có ý nghĩa gì hàm súc.
Theo ý bà, vương hiệu phải bao quát được ý nghĩa một nền thanh bình vĩnh cửu, bảo trì toàn vẹn lãnh thổ, dân được an cư, lạc nghiệp, nhà vua có đức lớn, độ lượng khoan hòa, thương dân như con đỏ (như bảo xích tử) thái bình, độ lượng, khoan hồng, bà muốn tìm những chữ nào lột được ý nghĩa đó, rõ ràng, minh bạch. Bà đã học được cách tìm vần, tìm chữ ở các ông thầy dạy bà về làm văn bài, thi phú. Bà suy nghĩ một lúc rồi quyết định dùng ngay tên con: Đồng có nghĩa là khắp tất cả và Trị có nghĩa là thái bình, thịnh trị. Kể sự lựa chọn đó cũng hơi táo bạo, đang lúc nhiễu nhương, giặc giã nổi lên như ong. Tuy vậy bà đã nhất quyết ổn định tình thế, đối với bà muốn là phải được. Để đạt được ý nguyện đó, bà nỗ lực làm việc.
Bà đã gây được tín nhiệm trong dân chúng. Mọi công việc trong nước, việc lớn, việc nhỏ, một mình bà đảm nhiệm, quyết nghị. Hàng ngày công văn xếp hàng đống trên án thư trong gian phòng thiết triều. Bà xem xét, giải quyết những chuyện lặt vặt như thuyên chuyển một viên chánh án ở một vùng nào, vì dân vùng đó ta thán viên quan đó nhũng lạm, hay một tỉnh nào vô cớ tăng giá gạo, hay thảo sắc lệnh cho tổ chức làm lễ cầu đảo ở vùng nào bị tiêu khô, hạn hán. Tuy những việc rất tầm thường bà cũng tự tay giải quyết cũng như những việc tối quan trọng, ở vùng duyên hải, hạm đội, chiến thuyền ngoại quốc đe dọa, hay lập quy chế về việc buôn bán nha phiến, do ngoại dân cầm đầu bảo trợ.
Mặc dù công việc trong nước bề bộn, nội trị, ngoại giao, bà cũng không sao lãng công việc trong nội đình. Bà để tâm ý săn sóc con, ngày nào cũng giữ con ở bên cạnh một khoảng thời gian rất lâu, mặc cho con tung tăng chạy chơi từ phòng thiết triều đến thư viện riêng, trong khi bà cặm cụi làm việc. Thỉnh thoảng bà ngừng lại ngắm con, sờ trán, hai bàn tay con, nhìn hai con mắt con, lòng đen, lòng trắng phân minh, sáng ngời. Bà để ý cả hàm răng con, xem lưỡi con, xem hơi thở con.
Vừa trông con lại vừa giải quyết mọi việc trong nước, bà cũng không sao nhãng những chi tiết lặt vặt trong nội đình. Bà xem xét những hóa đơn, bản kê khai những thực phẩm mua hay nhận được do công tiến, số tồn trữ lụa, vóc, không một tấm nào được xuất kho nếu không có phiếu do tự tay bà ký tên. Bà biết, nếu để quân gian phi xuất phát từ trong nội điện, một ngày kia sẽ lan tràn khắp trong nước. Bà rất uy nghi, đĩnh đạc, từ đầy tớ cho đến quan nhất phẩm triều đình ai cũng cảm nhận làn nhỡn tuyến lạnh nhạt và rất sắc sảo đanh thép của một nữ đế.
Tuy vậy, bà thưởng phạt rất công minh. Đối với những tên thái giám hay tữ tỳ trung thành, chăm chỉ, bà thưởng cho rất nhiều tiền và quần áo.
Còn những món quà thưởng tuy không bằng tiền bạc nhưng rất có giá trị. Trong những bữa cơm hằng ngày, phần nhiều thường những món sơn hào, hải vị, khi bà dùng rồi, bà gọi bọn thể nữ lại ban phát những món ăn còn lại. Bà tỏ tình ưu ái đối với thuộc hạ, mặc nhiên gây cảm tình sâu đậm đối với gia nhân, đầy tớ. Họ hết lòng phục vụ, trung thành với bà, người nào cũng muốn được bà để ý, trìu mến.
Bà cũng nghĩ đến hai món phần thưởng đích đáng giành cho Nhung Lữ (tước Vinh Lộc) và Cung thân vương. Bà chưa biết ban ân điển cho ai trước, việc này bà để sau sẽ quyết định.
Nhung Lữ có công cứu giá, phần thưởng phải thật đích đáng. Cung thân vương có công bảo vệ được kinh thành, không phải bằng binh lực nhưng nhờ tài khôn khéo thương lượng với quân thù, vẫn hay triều đình thiệt hại rất nặng nề. Bản thỏa ước đã cưỡng chế áp đặt rất nặng, bà cũng không quên ngay trong vòng tường thành ở kinh đô có bọn người da trắng đến sinh sống, đem theo cả bầu đoàn thê tử, gia nhân, đầy tớ. Tuy vậy chưa thấy có triệu chứng quân bạch chủng không thi hành lời đe dọa của họ phá hủy, san bằng kinh thành. Bà cố quên cung điện Viên Minh, những hoa viên tráng lệ, những hồ nước, giả sơn, những ngôi chùa xinh xinh như treo trên sườn đồi, những kho tàng có biết bao nhiêu của lạ vật quý tàng trữ qua nhiều thế hệ, gom góp trên bốn biển, năm châu, những thư viện phong phú kinh sách kim cổ, những đồ mỹ nghệ, những đồ đạc cực kỳ quý giá. Nghĩ đến cung viện Viên Minh bà liên tưởng căm giận Cung thân vương sao không kịp thời ngăn chặn bàn tay phá hoại của quân dã man để chúng tung hoành tàn phá. Sự tiêu hủy này không phải thiệt hại riêng cho bà, cho quốc gia, đó còn là một thiệt hại chung cho cả nhân loại. Bà quyết định phải tưởng thưởng xứng đáng công huân Nhung Lữ, ngoài việc cứu giá, hắn còn ngăn chặn được bàn tay ngoại xâm phá hoại.
Mặc dù trong thâm tâm bà rất căm thù Cung thân vương, song bà rất mực khôn ngoan không để phát lộ ra sắc diện. Bà sẽ cho triệu thỉnh thân vương vờ để vấn kế. Bà chờ, hôm nào thuận tiện sẽ cho triệu thỉnh. Hôm bàa cho mời thân vương đến là một ngày sau trận mưa tuyết lớn.
Sau bao tháng hạn hán, không có một giọt nước mưa, việc canh tác phải đình chỉ, ruộng đất nứt nẻ, dân gian đói khổ, ngày đêm làm lễ kỳ đảo. Những lời cầu nguyện như đã thấu đến thiên đình, nên đã giáng xuống những trận mưa tuyết lớn, tuyết tràn ngập ruộng vườn, phố phường. Những thửa đất khô khan, rắn như đá, nhờ có mưa, lúa đã nảy mầm. Vài hôm sau, lúa đã xanh mượt đầy đồng. Ở trong hoàng thành người ta xì xầm với nhau bà thái hậu đã bắt các vị thần phải chấp nhận lời cầu nguyện của dân gian.
Một ngày cuối đông sắp sang xuân, tiết trời mát mẻ, thái hậu cho triệu thỉnh Cung thân vương đến tư cung. Thân vương mặc chiếc áo trào màu lam sẫm, cũng như tất cả đình thần, thân vương phải tang chế trong ba năm. Thân vương điệu bộ có vẻ nghênh ngang, bệ vệ, làm bà phát ghét, nhất là cái lối chào hỏi không theo nghi lễ có vẻ suồng sã. Nhưng cần có sự hợp tác của hắn, bà cố nhịn, không hé một lời nào trách móc, than phiền. Bà nói giọng êm ngọt như mật:
- Thân vương cứ tự nhiên, đối với chúng ta không cần phải lễ nghi, kiểu cách. Thân vương là bào đệ của cố hoàng thượng. Trước khi về chầu thiên đế, hoàng thượng có di ngôn lại cần có sự hợp tác của thân vương.
Được mấy lời khích lệ, thân vương đến ngồi ở bên tay mặt ngai. Bà nhận thấy ông này dễ bị phỉnh gạt, xiêu lòng. Bà vào đề:
- Tôi có ý định tưởng thưởng viên quản ngự lâm quân. Tôi chịu ơn cứu giá của viên quản đó, trong khi họa phản loạn mưu định hãm hại. Viên quản đó tận trung báo quốc, việc đó đáng nên tưởng lệ. Trong lúc phong ba, bão táp, lòng trung kiên của hắn không hề bị lay chuyển. Tuy thân mạng tôi cũng không có gì là quan hệ song nếu giá thử tôi chết, quân phản loạn sẽ soán nghịch ngôi báu, thế tử bị hãm hại. Tôi tưởng thưởng cho viên quản đó không phải vì tôi mà cho con tôi hoàng đế, cho tất cả toàn dân, vì nếu mưu đồ của bọn loạn thần thành công, triều đại này phải cáo chung.
Cung thần vương không nhìn bà, ông rất thính tai, trí óc sáng suốt, suy đoán rất nhanh, ông hiểu ngay ẩn ý trong lời bà trần thuyết đó.
- Tâu thái hậu, thái hậu định ân hưởng gì?
Từ Hy biết chọn đúng lúc để nói lên ý định của bà có đã lâu; Bà nói thẳng không cần phải quanh co, rào trước đón sau.
- Từ khi Tải Thản chết, chức vụ quân cơ mật viện vẫn khuyết tịch, ý tôi muốn bổ nhiệm Nhung Lữ vào chức vụ đó.
Bà nói xong, ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mặt thân vương để xem sắc diện có phản ứng không? Thân vương vẻ mặt vẫn thản nhiên.
- Không thể được.
- Sao lại không thể được? Ý ta muốn là phải được.
Thân vương và thái hậu cả hai đều có nét mặt lạnh lùng. Đột nhiên thân vương vẻ mặt trở nên cương quyết, ông nói:
- Tâu thái hậu, hiện nay ở trong này có nhiều lời xầm xì, đồn đãi rất bất lợi cho thái hậu. Tôi hết sức đả phá để bảo toàn danh dự cho ngôi báu và tộc đảng. Tôi không sao bịt được mồm thiên hạ.
Từ Hy tảng lờ làm ra vẻ ngây thơ, hỏi lại:
- Người ta đồn gì?
Bà còn trẻ quá, rất có thể chuyện này có thật, nhưng bà làm ra vẻ ngây thơ, vờ như không hiểu, không biết. Thân vương còn ngờ ngợ, ông đã quyết định không nên bới ra. Ông ngập ngừng một lúc lâu, rồi nói:
- Nhiều khi người ta hỏi tôi, ấu vương có phải là chính thống không?
Bà Từ Hy quay mặt nhìn đi chỗ khác, hai mắt chớp chớp, lấy chiếc khăn tay lụa để lên mồm, che hai môi run run. Bà nói như rên rên:
- Mấy người đối nghịch với tôi đã chết, tôi tưởng thế là xong, chuyện đã êm, sao lại còn nảy ra lắm chuyện nữa?
- Tôi mạn phép nói ra vì uy quyền, vì thanh danh của thái hậu. Tôi không có ẩn ý gì khác, tôi không thuộc về địch thù của thái hậu.
Đột nhiên bà nổi cơn lôi đình.
- Đáng lý thân vương phải giết ngay những đứa nào cả gan lăng mạ đến tôi. Bọn đó phải triệt hạ ngay không một chút do dự. Nếu thân vương không dám, thân vương báo cho tôi biết, tôi sẽ xử trị lấy.
Có thật bà bị hàm oan không? Chuyện này không bao giờ ông rõ hư thực. Thân vương không nói gì, ngồi im.
Bà đang ngồi, đứng nhỏm dậy nói:
- Tôi không cần thảo luận với thân vương. Ngay ngày hôm nay, tôi sắc phong Nhung Lữ xung vào chức vị quân cơ mật viện đại thần. Nếu tôi nghe thấy ai dám vu cáo, tôi sẽ...
- Tâu thái hậu, thái hậu sẽ xử trị ra sao, nếu tất cả đình thần, mọi người cùng xì xào một luận điệu đó?
Bà cúi đầu sát mặt thân vương, bất chấp mọi lễ nghi.
- Tôi sẽ bắt chúng phải câm họng, tôi ra lệnh cho thân vương phải im, cấm không được nói.
Lần này là lần thứ nhất suốt trong bao nhiêu năm, một sự xích mích bộc lộ công khai giữa hai người. Tuy nhiên, muốn giữ tình thân thiện không bị đổ vỡ, cung thân vương hịu khuất phục, ông nói:
- Tâu thái hậu, nếu có điều gì xúc phạm đến tôn uy, xin thái hậu tha thứ.
Ông nói xong, đứng dậy, khấu đầu để cáo lui.
Với giọng mềm mỏng để vỗ về, bà nói:
- Tôi không hiểu sao tôi lại nói với tôn thân vương như thế, tôi đã chịu ơn thân vương rất nhiều. Đáng lẽ tôi phải xin lỗi thân vương.
Bà giơ cao một bàn tay, ngăn không để cho thân vương phân trần, bà nói tiếp:
- Thân vương hãy thong thả, đừng đi vội. Tôi có ý định muốn giành cho thân vương một ân điểm đặc biệt nhất. Thân vương sẽ được vinh thăng: Tối cao ngự tiền cố vấn đại thần, với một nguyệt bổng tương xứng với chức vụ. Theo điều khoản trong sắc chỉ của tôi đúng ra của chúng tôi, với sự đồng ý của bà đồng nhiếp chính với tôi, tước quận công cố hoàng thượng ân thưởng cho thân vương sẽ trở thành thế tật.
Thân vương hết đổi ngạc nhiên được đặc thù, vinh thăng một tước hiệu cao tuyệt đỉnh. Ông khấu đầu một lần nữa để cảm tạ hoàng ân, cung kính trình bày:
- Muôn tâu thái hậu, hạ thần không dám xin một ân thưởng nào để làm tròn sứ mạng được giao phó. Hạ thần đã hết lòng phục vụ huynh trưởng va cũng là cố hoàng thượng. Ngày nay hạ thần cũng lại phục vụ thế tử cũng là đương kim ấu chúa và phục vụ lưỡng cung cũng là nhiếp chính vương. Thái hậu xem như vậy hạ thần có bao nhiêu trọng trách, hạ thần không cần phải được ân thưởng mới làm tròn nhiệm vụ.
- Thân vương phải chấp nhận lời đề nghị của tôi.
Một cuộc đấu khẩu, giằng co, rất nhã nhặn, lịch sự giữa hai bên, một bên đề nghị ân thưởng, một bên khước từ, rồi rốt cuộc đi đến một sự thỏa thuận, cung thân vương chấp nhận.
Thân vương nói:
- Xin thái hậu cho phép hạ thần được khước từ chức tước về hai chữ thế tập. Theo tục lệ trong họ hạ thần, không muốn con cái sau này được hưởng thụ chức viï của ông cha. Về quyền vị, chức tước, con cháu hạ thần phải tự tạo lấy không thể ỷ lại vào ông cha chúng.
Bà thái hậu nghe nói cũng thấy hợp lý.
- Được rồi, vấn đề đó để lại sau này sẽ quyết định, bây giờ tôi muốn tôn thân vương chấp nhận cho tôi một đặc ân.
- Xin phụng chỉ.
- Tôi muốn tôn thân vương cho phép tôi kết nạp lệnh nữ Nhung Chuân làm nghĩa nữ và lập làm công chúa hoàng gia. Được như thế tôi rất mãn nguyện và yên chí công huân của thân vương trong việc diệt trừ phản loạn đã được đền đáp phần nào.
Cung thân vương chấp thuận, con gái ông được tuyển trạch vào cung, lập làm công chúa. Cô này khéo chiều chuộng, phục vụ bà thái hậu, tỏ ra rất mực trung thành. Bà cho phép cô được dùng rèm bằng vóc vàng ở cửa xe song loan, một quyền riêng cho các công chúa cùng huyết thống.
Kế hoạch bà khởi thảo dần dần được thực hiện. Bà làm rất thận trọng, đắn đo, suy nghĩ, không hấp tấp, vội vàng. Trong các dự án của bà, có khi xen kẽ một hạt giống rất nhỏ, một sở vọng, bà để cái hạt giống đó nằm yên trong một năm, hai năm, hay có khi cả mười năm, cái hạt giống đó trồi mầm, nảy rễ.
Mùa hạ đến. Gió đông nam thổi tới, đem theo sương mù, mưa bụi và mùi mặn mặn ở ngoài biển đưa vào. Bà hoàng thái hậu thích nước, bà vẫn thường thưởng ngoạn các hồ nước, song ngòi, ao lạch, bà chưa có dịp nhìn thấy biển cả. Về hè thời tiết mỗi ngày một nóng, sau những bức tường thành, không khí có vẽ nặng nề, ngột ngạt, bà nghĩ càng thấy tiếc cung Viên Minh ở Nguyên Minh Nguyên. Hiện nay ở đó chỉ còn lại hoang tàn, đổ nát. Vấn đề tái tạo, bà chưa có thể giải quyết được. Nhưng còn lại một cung nhỏ hơn gần biển gọi là Dương Hải cung. Sao bà không cho sửa sang lại làm một nơi để nghỉ mát vào mùa nóng?
Bà ra chỉ thị cho sửa sang gấp rút.
Bà quyết định đi thừa lương ở Dương Hải cung với các thể nữ, thái giám.
Tuy đường rất ngắn, chưa đầy một cây số ngàn, nhưng sự di chuyển rất ồn ào, rộn rịp, song loan, võng, lọng, cờ xí, một đội lính kỵ mã đi dàn hầu, ngự lâm quân đi trước mở đường đề phòng mọi sự bất trắc. Bà thái hậu biết ở Dương Hải cung có ba tòa lâu đài rất đẹp. Đã có một mùa xuân, bà đến đó dự lễ cúng vị tổ nghề trồng dâu chăn tằm. Bà ngự thuyền rồng, ngao du trên biển hồ, nơi đó được mệnh danh là Tam Hải, bà thưởng ngoạn bọn thái giám và nhân viên ở các phủ bộ trượt tuyết trên lớp tuyết dày ở mặt hồ, nơi đó gọi là Bắc Hải. Biển hồ có đã lâu, do một vị hoàng đế nhà Nguyên ở triều đại trước sáng lập. Ông vua thủy tổ, triều đại nhà Minh là người Hán đã cho tu bổ, sửa sang cung điện thật nguy nga tráng lệ, bắc những chiếc cầu nhỏ đến các cù lao nhỏ giữa hồ, dựng lên những viên đình, chạm trổ, sơn, vẽ rất cầu kỳ. Có những tảng đá lớn, hình thể rất đẹp từ các tỉnh miền Nam và Tây Bắc đem đến để trang trí các hoa viên. Người ta cũng thấy những cây cổ thụ được chăm nom, săn sóc rất kính cẩn như người, những cây đó được phong tước hầu, tước bá. Ở điện Quang Minh có những pho tượng Phật lớn, người ta gọi là Ngọc Phật; tuy pho tượng không bằng ngọc song trạm trổ rất công phu một tảng đá trong suốt ở Tây Tạng. Tiên đế Càn Long rất thích Dương Hải cung nên ông đã đặt tên rất hoa mỹ cho các cung điện ở đó như Thủy Hoa Tinh cung, Phong Lan điện, Tuyết cung...
Dương Hải cung có nhiều chuyện rất thần kỳ, bà thái hậu biết qua các sách bà đọc. Bà thích nhất Mạc Tưởng cung. Theo truyền thuyết, vua Càn Long cho xây dựng cung này cho Hương ái phi. Nàng, nguyên là vợ của hoàng tử Kashgaria ở Thổ Nhĩ Kỳ, vua Càn Long say mê sắc đẹp nàng, muốn đoạt đem về cung. Vua Càn Long phái một đạo quân đánh hoàng tử Kashgaria, ông này bại trận, tự sát. Vua Tàu đắc thắng, bắt nàng công chúa ông hằng mong ước, như chiến lợi phẩm. Nàng công chúa một dạ trung thành với chồng, nhất định không chịu phục vụ ông vua. Mất bao nhiêu công trình, huyết hãn, tốn công, tốn của, ông vua mới chiếm được nàng. Tuy đã có được nàng trong tay, ông vẫn chưa thõa mãn được lòng dục vọng, ông cố chiều chuộng dỗ dành, cho xây cất một cung điện tuyệt đẹp, nàng ra đó nhìn về cố quốc nay xa xăm. Bà hoàng thái hậu hết lời khuyên can vua không nên theo đuổi nàng ta nữa.
Một hôm mùa đông, khi ông vua đang bận cúng lễ, bà hoàng thái hậu cho triệu nàng công chúa Hương đến, bà cho nàng tự chọn một trong hai đường: Một là theo ý vua, hai là chết. Nàng công chúa bằng lòng chết để trọn nghĩa với người chồng trước. Bà hoàng thái hậu cho người đưa nàng đến một gian phòng xa, nàng lấy dây lụa, thắt cổ tự tử, chết. Người thái giám thân tín đến cấp báo cho vua biết, ông vua đang làm lễ, vội vàng chạy đến, nhưng hỡi ơi, nàng đã ra người thiên cổ.
Bà Từ Hy ở một lâu đài lớn nhất, gần biển, đó là Từ Hòa cung. Bà thích hoa viên có núi non bộ, những hồ nước, những dải đất trồng hoa. Không như ở Viên Minh bà cùng các thể nữ ăn mặc hóa trang các tiên nga, nhởn nhơ đi chơi ở hoa viên. Từ ngày đức vua băng hà, ở đây bà cho diễn những vở tuồng có nội dung triết lý nhân sinh.
Trong khung cảnh sơn dã, cỏ cây đó, khi bà thấy những mưu định thầm kín của bà đã chín mùi, cần đem ra thực hiện bà cho gọi Nhung Lữ đến. Không bao giờ cùng một việc bà cho thi hành một lúc hai quyết nghị để không ai có thể đoán những mưu đồ thầm kín của bà. Vì thế bà để bẳng cách hai tháng từ ngày gặp con gái Cung thân vương làm nghĩa nữ. Người ta có thể ngờ bà cho gọi Nhung Lữ đến để thõa mãn một dục vọng thầm kín, nhưng bà quá khôn ngoan, dù có muốn cũng không bao giờ làm như vậy.
Bà xem các kép hát đóng trò toàn là thái giám. Không có một đào hát nào vì cố thái hậu đứt tiên đế Càn Long là một đào hát. Để tỏ lòng cung kính, người ta cấm đàn bà không được làm nghề đào hát. Hôm đó người ta diễn vở tuồng "Đứa trẻ mồ côi, dòng họ Thiệu". Sự tích này bà biết rõ lắm.
Để khỏi mếch lòng bọn kép hát, bà vừa ăn kẹo vừa làm ra vẻ chăm chú coi hát, nhưng sự thật trong óc bà đang theo đuổi những ý nghĩ thầm kín. Làm sao bà không cho gọi Nhung Lữ đến ngay đây trước mặt tất cả mọi người cho hắn biết quyết nghị của bà? Nhưng trước khi công khai phong cho hắn chức Quân cơ mật vụ đại thần, phải biết trước hắn có nhận không? Bà ra hiệu bảo tên thái giám Lý Liên Anh đến gần.
- Ra truyền cho người anh họ ta vào trình diện.
Tên thái giám khấu đầu, lùi ra, mỉm cười, vừa đi vừa bẻ khục tay. Bà làm ra vẻ mê coi hát. Các thể nữ vây quanh bà, tuy đứng coi hát nhưng mắt lúc nào cũng phải để ý đến bà, xem bà có sai bảo gì không? Vì thế người thể nữ Mai thấy bà nhìn mình, liền vội vàng chạy đến, cúi đầu trước mặt bà, Bà truyền:
- Đứng sát gần ta.
Bà thái hậu ghé mồm sát vào tai người thiếu nữ nói rất nhỏ không ai có thể nghe thấy, trong khi các kép đang hát trên sân khấu.
- Ta không quên những lời ta đã hứa với con, hôm nay ta cho thực hiện lời hứa đó.
Mai nghe bà nói, cúi gầm mặt để che giấu khuôn mặt ửng đỏ.
Bà mỉm cười nói:
- Con cũng nhớ được lâu nhỉ?
- Làm sao con có thể quên lời thái hậu đã hứa với con.
- Ta cho thực hiện lời ta đã hứa.