ấy cô gái quê cười hi hí xích sang một bên. Hai chúng tôi ngồi xuống. Bấy giờ, tôi thấy lạnh, đúng như người đàn ông hảo tâm kia đã nói. Da tôi nổi gai và dọc sống lưng một cảm giác tê buốt chạy lần lần. Giống như có que kem ai đùa bỏ vào trong áo. Tôi giơ tay hơ sát ngọn lửa. Làn hơi nóng truyền vào tôi một cảm giác dễ chịu. Đám trai tráng đã ngồi vòng trong vòng ngoài. Tất cả cố gắng áp gần ngọn lửa để chống chọi làn hơi giá quây bốn xung quanh. Tôi nhìn ngọn lửa nhảy nhót. Giây phút đó tôi bỗng thấy thương những con người trần trụi ngồi bên mình. Những con người xa lạ. Mỗi quá khứ của họ giống như một loài cây lạ mọc trong các miền đất lạ tôi chưa hề nhận biết. Giờ đây họ cũng bị hơi giá của những cơn mưa xua đuổi và cầu xin chút lửa sưởi như tôi. Giờ đây, họ cũng kinh sợ những tia chớp rạch sáng bầu trời và những tiếng sấm vỡ như tôi. Và cũng như tôi, họ phải chịu đựng, phải vượt qua để sống... - Ông giám đốc làm mồi thuốc không? Thứ thuốc của tôi nặng dân nghiền mới xài nổi. Người đàn ông ngồi bên lại móc cái túi thuốc sang trọng trong lưng ra. Ông ta hơ qua cho hết hơi nước bên ngoài rồi lấy thuốc quấn. Những ngón tay của ông rắn rỏi nhưng không thô kệch. Tôi hỏi: - Trước đây anh làm gì? Không ngẩng đầu lên người đàn ông cẩn thận vấn điếu thuốc cho tròn rồi đáp: - Trước khi tới đây tôi là một võ sĩ. - Võ sĩ quyền Anh? - Tôi hỏi tiếp. - Không... - ông ta lắc đầu - Tôi chỉ xài ba thứ võ của tổ tiên để lại thôi. Gương mặt ông ta lúc đó thật đẹp. Sau này Vọp cho tôi biết ông ta nguyên là một giáo sư ngôn ngữ. Giàu sang, vợ đẹp con ngoan, sống như người Mỹ giữa đất Sài Gòn. Sau đó gia đình ông xảy ra bi kịch. Thủ phạm là một đồng nghiệp Mỹ. Gã sang đây nghiên cứu ngôn ngữ Khơ-me và Chàm. Nhưng nhan sắc bà vợ của nhà ngôn ngữ Việt đã kéo dài thời hạn rong chơi trên Hòn ngọc Viễn Đông của gã một cách bất thường. Nỗi thất vọng đã ném giáo sư vào một ngôi chùa tịch mịch. Ở đó ông là môn đệ của võ phái Thiếu Lâm. Dân nông trường gọi ông là anh Hai hoặc võ sĩ Hai. Không ai nhớ họ tên thật của nhà ngôn ngữ. Cơn mưa kéo dài chừng nửa giờ nữa rồi tạnh. Nó tạnh cũng đột ngột như khi nó tới. Trong khoảnh khắc, gió biển cuốn sạch những đám mây rải rác trên bầu trời, để lộ lớp da xanh lơ trong trẻo. Và mặt trời như chiếc đồng thau đánh bóng, ngay tức khắc tỏa xuống những tia nắng chói lọi. Làn ánh sáng rực rỡ đó khiến ta có cảm tưởng cơn mưa vừa đi qua chỉ là ảo ảnh, là giấc mơ ngắn ngủi chóng tan. Mọi người ùa khỏi lều, vừa khoan khoái vươn sải chân tay vừa hối hả bước. Chắc hẳn ai nấy đều đã thấy đói, mong mau mau trở về tắm táp cho khỏe rồi ăn cơm. Đám trai tráng và thôn nữ vượt lên trước tiên. Sau đó là những người trạc ngoài ba mươi hoặc tứ tuần có lẻ. Tôi lùi lại cuối cùng. Tôi muốn tìm xem Huệ lai ở đâu. Không thấy cô ta trong đám đông phía trước. Trong lúc tôi đang mê mải nhìn ngó, người đàn bà từ phía sau đi sướt sát bên tôi như có phép tàng hình: - Nè, coi bộ ông xanh mét, dễ bịnh lắm nghen. Huệ lai nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe. Rồi không chờ tôi trả lời, cô ta bước dấn lên lẫn với đám dông. Chỉ vài giây sau đã nghe tiếng cười ngạo mạn chói chang vượt lên mọi tiếng cười khác. Giống như một bông hoa đỏ chót hay vàng rực giữa đám hoa màu sắc nhợt nhòa. Tại sao cô ta lại nói với mình bằng cái giọng thì thầm ấy? Tôi băn khoăn mãi. Tuy không giải đáp được câu hỏi đó nhưng niềm say sưa ngây ngất mỗi lúc mỗi thấm đậm vào lòng. Tôi lội cả vào những vũng đầy nhái cỏ khiến chúng nhảy tứ tung. Cố dồn nén niềm vui bùng nổ trong mình, tôi tự mắng: “Chẳng có cái gì đáng hồi hộp đến như vậy. Đối với một người đàn ông đã sấp xỉ tuổi năm mươi...”. Tuy thế tôi vẫn bồn chồn như con thỏ đứng trước đồng cỏ ban mai. Cuộc sống ở nông trường có những thú vui không báo trước. Buổi tối tôi chưa kịp ăn cơm, ngoài sân bóng có tiếng hô hét nhộn nhạo. Đám cán bộ nhân viên nông trường đang bắt rắn. Từng nhóm sục sạo vào bụi rậm, tay hèo, tay gậy, người này đuổi, người kia chắn khiến tôi nhớ tới hội đuổi chim cun cút tháng giêng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy ở mọi nhà, những ngọn đèn cầy đã thắp lên, nhưng ánh tà dương chưa tắt hẳn. Vì thế vẫn nhận được vết rắn bò trên nền đất ướt. - Lẹ lên, lẹ lên anh Hai... - Qua lối này, trơn dữ thiệt... Đưa cho tôi cây hèo đó. Nào, lẹ lên... - Trời ơi, ráng lên chúi xíu đi. Con này nặng tới hai kí chớ không ít. Anh em ta làm mấy khúc bỏ lò còn bao nhiêu hầm nồi cà-ri tiêu ớt. Những cậu trai Nam Bộ hò la ầm ĩ. Mấy anh dân Quảng Bình, Quảng Trị lẳng lặng chụp rượt. Cuối cùng con rắn nào to nhất cũng lọt vào tay họ. Và những công tử trẻ trai đành chịu nhặt xâu rắn nhỏ đem về. Vừa đi vừa ca cẩm: - Trời ơi, mấy cha cù lần lại được nhậu lớn. Tụi mình hăng tiết vịt rồi cũng chẳng ăn nhằm chi. Tiếng cười nói tan dần trong các lối. Chừng nửa giờ sau khi tôi vào bàn lật chồng hồ sơ lưu xem xét. Vọp gọi: - Anh em mời chú xuống nhậu. Tôi hỏi: - Thịt rắn hả? Minh không biết ăn. Vọp cười: - Nói cho đúng là chú chưa bết ăn. Hồi mới tới nông trường cháu cũng vậy. Nhưng đụng đũa vào rồi khắc quen. Mà cháu nghe nói trong quân đội chú đã từng nhậu thịt vích với kỳ đà? Tôi gật đầu: - Có như thế. Nhưng thịt rắn thì chưa. Chàng trai nói: - Thịt rắn cũng không khác thịt kỳ đà là bao. Có phần thú vị hơn nữa. Nào, chú đi xuống với anh em một chút cho vui. Tôi định rủ Quắc nhưng không thấy anh đâu. Nếu Vọp có mời chưa chắc Quắc đã chấp thuận. Anh có những nguyên tắc sống thật lạ với tôi. Nhưng niềm tin bất di bất dịch và sự kiên định của anh với những nguyên tắc đó khiến tôi bị lay động. - Trời ơi, không khí ngon lành quá. Đêm ở đảo thiệt tuyệt vời, khác hẳn với những đêm mù mịt khói Hon-đa và xích lô máy ở Sài Gòn. Đúng không chú? Vọp ngửa mặt hít những hơi dài khoan khoái nói vậy. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu bé. Những người thỏa mãn với cuộc sống buồn tẻ và hiu quạnh nơi đây thường phải từng trải, mệt mỏi với đời sống đô thị. Còn chú bé có hai bầu má phan phớt lông măng này làm sao sớm chán ghét thành phố? Tuy nghĩ vậy tôi chỉ đáp vắn tắt: - Ờ, chú cũng thấy thế. Những đám cỏ mát lạnh quệt vào chân chúng tôi. Bóng soài, bóng mít chụp những tán ô đen lên mặt đất. Còn trên mặt đất, những vật lân tinh lấp lánh giữa các bụi gai và các ổ lá mục. Không khí trong như thủy tinh khiến các vì sao xa xôi hơn và rực rỡ hơn. Tôi hỏi Vọp: - Cháu có ở đây được mãi không? Chàng trai đáp: - Được. Nếu có những người thương mình. Tôi sực nhớ tới cậu lính út trong đơn vị. Có lần cậu ta cũng đã trả lời tôi một câu tương tự như thế. Bữa đó, chúng tôi tổn thất nhiều vì trinh sát mục tiêu không kỹ. Tôi và cậu bé dạt vào bìa rừng trốn nhủi hai tuần liền mới tìm được lối về cứ. Hai tuần đó chúng tôi bị các tốp thám báo săn đuổi, ăn uống như những con sóc và nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời… - A! Chú Hưởng đã tới. Mời chú vô. - Chú Hưởng xem làm thịt rắn chưa? Tụi cháu biểu diễn cho chú xem ngay tức thì... Dưới ánh đèn cầy, các chàng trai giống như các Rô-bin-sơn hiện đại. Anh nào anh nấy đều cởi trần mặc quần cụt màu đỏ hoặc đen. Những vồng ngực và các lườn thịt trên lưng họ phô bày vẻ đẹp tươi nguyên của đời sống. Một chảo nước sôi sùng sục trên bếp lửa tạm thời kê bằng ba hòn đá. Các chàng trai tuốt rắn cho rãn xương, nhúng nước sôi rồi lột da thật sạch. Khi con rắn đã phơi lớp thịt trơn láng hồng hồng từ đầu tới khấu đuôi họ mổ từng con móc ruột bỏ đi và lấy giấy bản thấm khô máu. Thấm tới đâu thịt rắn trắng ra tới đó. Khi con rắn đã trắng nõn họ thoa nghệ muối tỏi ớt giã nhỏ cho đều. Rồi các chàng trai cuộn những con rắn đó thành khoanh tròn quanh các ống tre bôi mỡ: - Ngửi xem gia vị đã đủ thấm chưa? Một chàng trai vẻ sành sỏi chỉ huy cả đám cất tiếng hỏi. Hai ba anh khác chúi mũi ngửi, đáp lời: - Coi bộ đủ thấm rồi đó. Họ đổ chảo nước sôi ra sân, gạt than thành một lớp bằng phẳng và gác các ống tre tươi lên những chiếc giá sắt. Những chiếc giá sắt hẳn được dùng luôn luôn nên nhờn bóng mỡ. Hơi than nóng rừng rực xông lên ngay tức khắc. Và chỉ chừng mười phút sau mùi thịt, mùi tỏi, ớt, nghệ cuộn lên cay sặc sụa thơm lừng. Những giọt mỡ vàng tiết từ thịt rắn chín sém nối nhau nhỏ xuống than xèo xèo. Các chàng trai ngồi xung quanh đám lửa, nhìn những ống tre béo ngậy tươi cười: - Chỉ hai phút nữa, ta nhậu được thôi, chú Hưởng à.. Họ vui vẻ nói với tôi như vậy. Anh chàng trùm bếp đứng lên lấy chai rượu đế và mấy chiếc ly thủy tinh. Bỗng dưng tôi thấy buồn, một cảm giác mà lẽ ra trước bữa nhậu người ta không nên có. Ánh mắt tươi cười hỉ hả của đám trai khiến tôi nhìn rõ khoảng thiếu hụt nào đó trong cuộc sống. Một vực sâu đột nhiên hiện giữa đồng bằng. Có lẽ tôi phải làm điều gì đó để niềm vui của họ khác biệt đi. Người ta không thể chỉ bằng lòng với những nhu cầu của sự sinh tồn, có lẽ đời sống thật sự của con người còn nhiều niềm vui khác. Tôi chưa nhìn rõ chúng, giống như người đi biển chưa thấy những con tàu lạ ẩn khuất sau đường cong chân trời. Nhưng tôi cảm nhận được điều ấy. Hồi chiến tranh chúng tôi sống những nguồn sống riêng biệt. Nguồn sống ấy mỗi chiến binh tiếp nhận khi trút bỏ bộ thường phục và khoác lên vai cây súng. Nó khiến họ đủ sức mạnh để quên đi nhịp điệu cuộc đời thường. Từ ga tàu đầu tiên, chúng tôi phải biết quên đi những con đường tĩnh lặng, nơi lá rụng xuống thảm cỏ hoặc xuống những viên gạch mòn nhẵn, nơi những đứa bé tung tăng bước ngày tựu trường hoặc những ông già lững thững chống gậy đếm từng cột cây điện, từng tấm biển quảng cáo hàng, nơi chúng tôi có thể đi bộ hàng ngày trời để nói với một cô gái những điều ngớ ngẩn. Từ ga tàu đầu tiên, chúng tôi phải biết quên những ngọn khói ấm áp trong tiệm cà phê, những điệu nhạc quen thuộc đã một thời rung động các trái tim trẻ trung khao khát, ánh đèn nhấp nháy nơi ngả rẽ những con đường, tiếng còi báo giờ của nhà hát thành phố, không khí náo nhiệt ở các rạp chiếu bóng hoặc các khu chợ... Nhưng cuộc sống thời chiến đã qua. Dòng sông cuồng nộ chảy cuồn cuộn trên mặt đất xóa sạch các ao hồ, cuốn theo mọi con suối, dòng kênh đã ra tới biển. Giờ đây, trên đất đai phẳng lặng lại hiện lên những con kênh ngang dọc, những sông suối ao hồ của đời sống bình yên. Và vì thế, người ta phải nhìn ngắm nó dưới ánh mặt trời thường nhật. Phải chăng vì trước đây các cán bộ quản lý đã thi hành luật sống của người lính đối với đám nông trường viên vô thời hạn nên họ phản ứng? Trong hồ sơ nông trường, tôi liên tục đọc được các vụ bỏ trốn, cướp tàu dân vượt biển về đất liền, các vụ đánh lộn với cán bộ, bỏ vào các xóm trại làm thuê... Quả thật con người không thể làm quần quật suốt ngày để được hai bữa cơm nghèo nàn với những niềm vui tạm bợ. Tôi nhìn đám trai tráng đang lăng xăng bày mâm, lau bát, rót rượu quanh mình và nghĩ: - Chính lũ trẻ đang vui vẻ trước bữa nhậu này, lúc khác sẽ bất bình và phản kháng. Chính chúng sẽ chất vấn mình: Nông trường đem cho cuộc đời tôi những gì ngoài hai bữa cơm và nỗi buồn tẻ? Rồi sẽ đến lúc đó... Bi kịch xảy ra khi người ta chỉ thấy niềm vui trước mặt mà không đoán được những bất mãn sẽ đến sau lưng... - Vô nhậu chú! Xong trơ trọi rồi. - Cậu chủ nhà xoa hai tay mời. Các chàng trai xúm xít quanh tôi, họ giơ cao những ly rượu đầy tới miệng. Tôi đáp lại lời chào mời nồng nhiệt của họ trong lúc những ý nghĩ chưa dứt. Tan bữa rượu về phòng mình, tôi thấy Quắc ngồi trước một thau trứng nổi bọt. Cái lưng gù gù quay ra cửa nên anh không nhìn thấy tôi. Hai tay Quắc cầm hai thanh tre lớn đánh liên tục. Tiếng tre đập xuống đáy thau men đều đặn như tiếng gõ của quả lắc đồng hồ. Tôi hỏi anh: - Cậu làm gì thế? Quắc không ngừng tay đáp: - Đánh trứng đổ bánh soài. Ngoài đảo, trứng gà rẻ hơn trong đất liền tới ba đồng một chục. Lớp này tụi nhỏ nhà tôi thả sức ăn bánh. Trong đó, mỗi lần vòi mua, má nó chỉ cho mua hai ba cái chả bõ chua miệng. Tôi sực nhớ tới kỳ nghỉ đầu tiên của Quắc từ khi ra đảo. Hình như anh đã mua vé tàu tuần tới. Tôi bảo anh: - Tớ có hai mảnh vải đẹp lắm. Cậu đem về cho bà xã với đứa bé may. Quắc lặng thinh hồi lâu rồi hỏi: - Này anh Hưởng. Hồi trên Ban khai hoang người ta có bảo tôi vợ con anh chết. Vì sao vậy? - Bom! - Ngoài Hà Nội bom dữ vậy à? Tôi nghe nói chỉ có một đợt B.52 thôi. - Không. Hồi thanh niên mình có yêu một cô cùng phố. Nhưng vào chiến trường mình mới cưới vợ và sinh con. Vợ mình quê Tây Ninh. - À... Ra thế... Quắc “À” lên một tiếng rồi lại cắm cúi đánh trứng. Hai cánh tay đen rám cử động không ngừng. Tôi cởi bớt quần áo ngoài, mắc màn chuẩn bị ngủ. Lúc đó, Quắc bỗng ngửng lên: - Này, tôi nghe nói anh thương con mẹ Huệ lai, đúng không? Tôi hỏi: - Ai bảo với cậu thế? Quắc đáp: - Nhiều người. Họ nói con Ly quấn anh hơn quấn mẹ nó. Và mụ Huệ lai bữa rày không chọc ghẹo chửi rủa anh như đối với mấy cha giám đốc trước mà coi bộ tử tế hơn nhiều. Tôi cười: - Nếu cô ta không chửi rủa tôi thì tôi đáng mừng hơn hai ông giám đốc kia chứ? Quắc nghiêm giọng: - Con mẹ đó có nhan sắc. Hai thằng cha kia sán tới vậy là nó được nước chửi xằng. Còn anh... tôi chắc anh không tán tỉnh con mẹ đó mà anh thương thiệt... Mặt tôi bỗng rưng nóng rần rật. Quả là Quắc đã biết diễn đạt mọi điều đơn giản đúng theo lối nghĩ của anh. Và trong giọng nói, anh ta tỏ ra đôi chút thương hại lẫn khinh thị. Tôi hỏi: - Nếu như vậy thì sao? Quắc xì qua kẽ răng: - Chuyện tầm xàm? Mà dễ làm gì chớ? Chẳng lẽ anh tính chuyện cưới con mẹ cứng đầu đó? Có họa một thằng khùng... Đầu tôi nóng sực. Nghe rõ tiếng tim đập thình thình trong lồng ngực, nhưng tôi giả bộ cười cợt bảo Quắc: - Ngộ nhỡ tôi giở chứng như vậy thì sao? Quắc bưng thau trứng gần như trắng xóa và phồng tới miệng đặt lên bàn. Sau đó anh rửa tay cẩn thận rồi tới kéo ghế ngồi đối diện với tôi: - Anh đừng giỡn. Con mẹ đó trước là vợ một đại úy dù. Nó là đối tượng ta giáo dục cải tạo lao động. Tôi cho hai thằng cha giám đốc trước tán tỉnh như vậy bậy bạ. Nhưng thà như họ còn hơn. Tôi nhìn Quắc: - Còn hơn ai? Anh giơ tay chỉ: - Hơn anh chớ còn hơn ai nữa? Họ làm bậy nhưng họ tỉnh táo. Ai hơi sức đâu mà thương yêu một mụ đàn bà như vậy? Tôi hỏi: - Cậu phải giải thích cho tôi hiểu... Quắc lắc đầu, cắt ngang lời tôi: - Tôi không ưa lý sự. Nhưng dứt khoát là không được. Anh mà cưới con mụ đó còn đâu danh dự?... Các giám đốc nông trường nhà máy của Ty, nhân viên trên Ban và trên tỉnh, ngay cán bộ cấp huyện ở đảo cũng sẽ đem anh ra làm trò cười. Còn nói chi tới đám nông trường viên? Tụi cứng đầu cứng cổ ấy sẽ đánh giá chúng ta ra sao? Chúng nó sẽ lộn sòng trên dưới, coi tất cả là cá đối bằng đầu. Chúng nó sẽ lấn lướt, lếu láo. Lúc đó, tôi với anh biết xử trí thế nào? Anh đừng coi đây là chuyện giỡn. Anh đã bắt đầu thụt chân xuống hố rồi đó. Coi chừng... Mà bỗng dưng anh cắc cớ làm vậy? Đâu có thiếu đàn bà? Kỳ này vô đất liền tôi sẽ gặp bà chị họ bên hội phụ nữ. Ở đó có nửa tá các bà các cô muộn chồng. Tôi sẽ kiếm cho anh một mống. Quắc nói một thôi liền. Nói xong, anh phác một cử chỉ để kết thúc câu chuyện. Nhìn mặt anh, tôi biết rằng không thể nói thêm một lời nào nữa nên lặng im. Câu chuyện của chúng tôi dừng tại đó. Quắc mắc màn ngủ. Và anh ngủ ngay tức khắc. Còn tôi nằm im trong bóng tối, không ngủ được và không biết mình nghĩ ngợi những gì. Khoảng ba giờ sáng, Quắc thức giấc nhóm bếp lửa ngoài hiên. Ngọn lửa bập bùng khiến cái bóng hắt lên tường phình ra quái dị. Quắc đốt tàn một lượt củi, gạt than đổ bánh soài. Trông cử chỉ cũng thấy anh là một con người nhẫn nại. Tôi chắc anh nghèo. Từ ngày về nông trường anh không hề tơ hào một xu của nhà nước. Cũng chưa thấy anh bày đặt một cuộc chè chén liên hoan mặc dù ở cương vị anh thừa khả năng làm việc đó: “Một người tốt! - Tôi thầm nghĩ: - Nhưng con người tốt này thiếu hụt một khả năng nào đó trong tâm hồn. Cũng giống như một kẻ bị cụt tay hay teo một bên chân”. Lửa ngoài hiên tàn, trời cũng vừa sáng. Tôi thức dậy, đầu nặng trĩu như người sống lâu trong hầm thiếu không khí. Quắc bảo tôi: - Thử cái bánh soài xem sao? Trình độ này mai mốt về hưu tôi mở quán cà phê đổ bánh soài. Học thêm nghề làm bánh kem nữa là dư sức sống. Tôi ăn một cái bánh vừa lật còn nóng. Quả thực, bánh nở mềm và rất thơm, lửa xém đều khiến vỏ bánh có màu vàng sậm: - Cậu quả là một ông bố tốt! Tôi khen bánh ngon rồi xuống khe nước rửa mặt. Thứ ba tuần sau Quắc về đất liền, tôi bảo anh rút tiền mua máy cặp vợt cầu lông, bóng đá và bóng chuyền, một chục bàn cờ, bàn cá ngựa với bài Tu-lơ-khơ và tam cúc cho nông trường viên: - Ta phải thành lập câu lạc bộ nông trường. Khi đã khá tiền phải mua một cây đàn phong cầm và bộ kèn trống. Trong đám trai trẻ ở đây có những cậu tài hoa lắm đấy. Quắc bảo: - Cũng được. Nhưng tính anh cũng kỳ, toàn lo những chuyện đâu đâu trước. Ba cái đồ tầm bậy này đâu có dính tới việc làm ăn mà cũng chịu tốn kém như vậy? Tôi không giải thích. Quắc chuẩn bị hành lý gọi Vọp đưa lên huyện. Đúng mười hôm sau anh trở lại nông trường, không sai hẹn quá nửa giờ, trên xe có đủ những thứ tôi bảo anh mua. Ngoài ra, còn thêm một món quà bất ngờ tôi không chuẩn bị đón, đó là một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi: - Chị Hòa, cán bộ phụ nữ tỉnh ra đảo công tác. Tôi mời chị tới nông trường của chúng ta để... tham quan… Sau khi lựa tìm từ ngữ, Quắc giới thiệu với tôi như vậy. Chị cán bộ phụ nữ giơ tay bắt tay tôi. Điệu bộ của chị cứng cỏi bình thản chứng tỏ những cuộc “tham quan” như thế này trong đời chị đã xảy ra khá nhiều. Tôi vừa cảm động vừa bực mình vì thiện ý của Quắc: vì thấy Hòa cảm giác chán ngắt đã tràn đầy. Gương mặt chị hơi vuông, sống mũi và hai gò má nhô lên xương xẩu. Một cặp mắt hẹp với cái nhìn lúc nào cũng như xét đoán và kết tội. Một cặp môi dày lúc nào cũng mím lại để nhỏ bớt và để chứng tỏ sự đoan trang. - Mời chị vào nông trường bộ nghỉ ngơi rồi xơi cơm trưa. Sau đó chúng tôi sẽ đưa chị tới thăm các đội sản xuất. Tôi nói với người đàn bà mà Quắc định xe duyên cho mình. Hòa gật đầu trong một thoáng, tất cả lũ cặp trên tóc chị bắt nắng sáng lóa lên như một dàn ra-đa. Hòa hỏi tôi: - Xin anh cho biết nông trường có bao nhiêu cán bộ phụ nữ? Ở đây chị em có mấy tổ nữ công và sinh hoạt thường kỳ ra sao? Tôi mỉm cười: - Báo cáo chị tôi xin lỗi vì không biết nông trường mình có tổ nữ công nào hay chưa? Hình như chưa thì phải... Hòa quay sang nhìn tôi ngạc nhiên: Dường như chị cho rằng một cơ sở sản xuất của nhà nước mà không có tổ nữ công là phi lý: - Sao lại thế? Tôi nghe nói ở đây có trên một trăm phụ nữ cơ mà? Tôi gật đầu: - Vâng. Hòa hỏi tiếp: - Thế các anh lãnh đạo chị em ra sao? Tôi đáp: - Chúng tôi nắm các nông trường viên qua các đội sản xuất Thanh niên có tổ chức Đoàn. Thú thực với chị, mới nhận nhiệm vụ quản lý một thời gian nên còn nhiều việc phải lo và còn nhiều khiếm khuyết. Hòa gật gù tỏ vẻ cảm thông. Nhưng sau đó chị vẫn nhắc: - Theo tôi, các anh nên chú ý tới tổ chức giới tính. Đó là một công cụ tốt trong công tác quản lý. Nhà bếp đã cho người bưng cơm khách lên. Tôi mời Hòa đi rửa mặt rồi ăn cơm. Chắc cuộc hành trình đã khiến chị đói và mệt. Thế nên, suốt bữa ăn chị đã bớt thẩm vấn tôi về công việc quản lý nông trường và ban phát những lời dạy dỗ. Cơm xong, khi cô y tá dẫn Hòa sang phòng khách, chị tỏ ý vui mừng. Rồi chị ngủ ngay. Và ngáy rất to. Việc làm của Quắc đã có một tác dụng trái ngược với ý muốn của anh. Từ khi Hòa xuất hiện, tôi biết chắc chắn rằng không sức mạnh nào có thể tách tôi ra khỏi Huệ lai nữa. Người đàn bà như cái bóng, len lỏi trong mọi ý nghĩ, mọi cơn mơ màng và những phỏng đoán của tôi. Màu áo của cô, những món tóc hung rơi trên bờ vai trắng, cặp má với những mạch máu li ti hồng, ánh mắt nhìn lúc khiêu khích, lúc dịu hiền, tiếng cười chói chang ngạo mạn... Có lẽ đó là hạnh phúc cuối cùng cuộc đời đã giành cho tôi? Phần bù đắp sau những năm chiến tranh dài dặc, sau những thua thiệt cay đắng... Mỗi buổi sáng, con bé Ly tới trước cửa văn phòng. Tôi chơi với nó chừng nửa giờ rồi làm việc. Ngày nào lên huyện tôi đem con bé cùng đi theo. Nó ngoan ngoãn ngồi chờ tôi cả buổi với chú Vọp ngoài xe. Khi tôi trở ra, miệng nó tím đen nhựa sim hoặc dính đầy kẹo đường. Bao giờ, trước khi trở về nông trường tôi cũng đưa con bé tới hiệu kem: - Cho cháu hai cà-rem nghen. Một cà-rem sữa. Một cà-rem trái sầu riêng... Ly ngồi chĩnh chệ trước bàn, gọi dõng dạc như một bà chủ nhỏ. Người bán kem vừa bưng hàng ra vừa cười: - Chui cha con nhỏ này coi bộ bảnh dữ! Tôi nhìn Vọp cười. Con bé nghiêm nghị cúi xuống xúc kem ăn. Khi nó cúi xuống, hai viền mi cũng đen nhánh như hai viền mi trên mắt Huệ lai, càng ngày con bé càng giống mẹ. Ngay cả tiếng cười cũng vậy. Nhưng giọng nói của bé Ly thật dịu hiền dễ thương. Có lẽ bao nhiêu phần chua chát mẹ nó đã gánh hết. Có lần tôi bảo con bé như vậy. Ly về nhà nói với Huệ lai. Và hôm sau gặp tôi trên đường ra vườn tiêu, người đàn bà nheo mắt cười: - Ông giám đốc nói xấu gì tôi với con nhỏ vậy? Tôi cười im lặng. Huệ lai nói tiếp: - Lần sau như vậy tôi trị đó nghen. Tôi nhìn cặp má hồng hào của cô đáp: - Cô có mạnh hơn một đại đội thám báo không? Người đàn bà vênh mặt trả lời: - Hơn chớ ạ, ăn nhằm chi mấy thằng thám báo? Tôi cười: - Nhưng ít ra chúng cũng giỏi hơn mấy thằng du côn ăn chặn củi của cô ở Sài Gòn. Người đàn bà đỏ ửng lên tựa chùm tiêu chín. Gương mặt cô như chìm dưới lớp phấn dịu dàng. Có lẽ, Huệ không ngờ tôi biết rõ cô đến thế, cô ấp úng: - Thiệt là... thiệt là... Rồi xây lưng bỏ đi. Tôi qua đồng cỏ, thầm nói với người đàn bà những lời thương mến. Dáng vẻ thiếu nữ lần đầu tiên hiển hiện ở cô khiến tôi bàng hoàng. Trong lớp vỏ gai góc, tôi đã bắt gặp trái chín. Phía sau sự chát chúa và từng trải còn ẩn giấu một trái tim ngọt ngào. Người đàn bà sao giống vùng đất tôi vừa gặp? Cảnh vật đẹp mãnh liệt uốn lượn như làn gió thoắt tới thoắt đi. Màu cây xanh bốc lửa. Ánh lửa từ các đám cây hắt xuống nồng nàn như rượu mạnh tưới xuống thế gian. Tiếng chim kêu trong lá. Trên đồi hoa trắng bạt ngàn.. Dưới khe sâu một vùng cây tối lạnh thì thầm trên dòng nước xiết... Chính cô đã dạy tôi nhận biết vẻ đẹp của hòn đảo. Có lẽ cũng chính cô sẽ cầm tay tôi tới hạnh phúc nếu như một tai họa bất thường không đổ sụp xuống đầu tôi. Buổi sớm hôm ấy tôi định vào trong xóm dân bàn chuyện mua ít bò giống cho nông trường. Lượng phân cá chở từ đất liền ra không thể nào đủ bón cho cây cối. Bởi thế, đàn bò vẫn là nguồn phân chính cho tất cả những ai muốn sống bằng nghề canh tác trên hòn đảo này. Vừa chụp mũ bước khỏi cửa tôi gặp Phức. Anh ta trợn mắt lên một giây vì sửng sốt. Sau đó cúi chào: - Ông giám đốc... Dạ... chào đồng chí giám đốc! Tôi đáp: - Vâng, chào anh! Rồi định đi luôn. Nhưng không hiểu vì sao Phức đứng chặn, miệng nhoành ra một nụ cười: - Đồng chí giám đốc đi đâu ạ? Tôi trả lời: - Vào trong xóm. Phức kêu to: - Trời đất, vào trong xóm mà đồng chí đi một mình? Sao đồng chí không báo cho tổ tự vệ hay? Lỡ sớm nay tôi không lên bàn công chuyện với thủ trưởng Quắc thì thiệt gay. Mặt anh ta hiện lên dáng vẻ của một con chó nhà. Từ cách nói năng xăng xái, từ điệu bộ hăm hở chú tâm đều bộc lộ sự xu nịnh. Bất chợt, tôi nghĩ: Trong chiến tranh không có cái bộ mặt này. Chỉ có bộ mặt hèn nhát khiếp sợ của kẻ đào ngũ. Còn ngoài ra là gương mặt của những người lính. Đã là lính không ai chết hộ được cho ai và cũng không có danh hiệu nào, hưu bổng nào ngang giá được với mạng sống của con người... Tôi không nhìn vào mặt Phức. Tôi không thể nhìn vào mặt người nào đó, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, khi trên mặt họ hiện lên vẻ xu nịnh. Nó khiến tôi có cảm giác chính mình đang làm điều gì lỗi lầm và bị sỉ nhục. Tôi bảo Phức: - Có gì là gay? Tôi vào trong xóm là thường. Anh ta không chịu buông tha, kiên quyết ngăn tôi lại: - Trời đất, như vậy thiệt phiêu lưu, thiệt vô trách nhiệm với tánh mạng. Xin đồng chí chờ đây. Chỉ ba phút sau tôi sẽ cử anh em trong đội tự vệ đi hộ tống. Tụi phỉ ở đảo này toàn những thằng dựa cột. Tụi nó bắn xiếc lắm. Mà rất có thể chúng nó tràn xuống các xóm dân... Tôi bỗng dưng bật cười vì cái ý tưởng ngộ nghĩnh: - A, nếu vậy tôi còn cần cả người đi trước dẹp đường nữa. Nhưng Phức đã quay đầu chạy về khu lán. Và tôi đứng ngây ra trong một tình thế dang dở. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đi một mình. Hình như tư chất một người lính trong tôi vẫn trội hơn tư chất một cán bộ ngoại giao hay một nhà quản lý. Tôi bảo cô văn thư trong nhà vừa cầm bình trà ra sân đổ: - Lát nữa cô nói với anh Phức rằng tôi đã có hẹn nên không thể đợi được. Nói xong, tôi bước đi. Nhưng lúc đó Quắc từ phòng điều hành sản xuất tới. Anh hỏi tôi: - Vô xóm dân à? Tôi gật đầu. Anh nói: - Ta cùng đi. Tôi cũng có việc ra khu chăn nuôi chút xíu. Từ nông trường bộ đến xóm dân khoảng năm cây số. Phải qua một đồng tranh, một dải tiêu đã bắt đầu kết trái, khu chăn nuôi rồi tới con suối nhỏ. Con suối này làm ranh giới giữa các trái đồi quây gia súc của nông trường với khu vực vườn thơm, đồi mì của dân. Mùa khô, chỉ một dòng nước mảnh như sợi chỉ réo rắt chảy qua bãi sỏi. Người lội vừa thấm ướt bàn chân. Nhưng một cơn mưa trút xuống, lập tức trên mặt đất hiện lên một con sông ngầu bọt. Nước chảy xiết, ngay cả những con bò vạm vỡ nhất trong vùng cũng không dám lội qua. Đám dân chăn dê, chăn bò thường phải ngủ đêm ngay bên dòng sông hung tợn, nơi buổi sớm họ còn lùa bầy súc vật qua một cách ngon lành. Những đêm ngủ ngoài trời như vậy phải đốt lửa suốt đêm canh thú dữ và kẻ gian. Trước đây, bò nông trường thường qua suối ăn ở những vùng xa. Những đêm mắc lũ ngủ lại, mấy cậu chăn bò bán tống bán tháo cho dân xóm lấy tiền tiêu xài. Một con bò chỉ được dăm chầu nhậu dưới thị trấn. Lúc về, họ báo cáo đàng hoàng bò bị hổ cõng. Vùng này hổ thường lui tới luôn nên không làm sao quản lý được. Giám đốc trước đã hạ lệnh cấm đưa bò đi ăn xa. Chỉ nửa tháng sau cả đàn bò nông trường biến thành những con vật kỳ dị trước đám dân đảo. Người ta gọi chúng là lũ nộm da của nông trường. Mỗi lần những con vật ốm đói xiêu vẹo bước qua đường, dân trong xóm lại xúm đen xúm đỏ nhìn ngắm. Người cười giễu, người lắc đầu thương hại. Nhưng giám đốc nông trường không muốn ra một cái lệnh thứ hai xóa đi lệnh trước. Và đàn bò bị khoanh giữa vùng đồi đầy gai kim chi với cỏ xước cứ chết dần chết mòn cho tới lúc chúng tôi trở về đây. Giữa đám chuồng trại thênh thang chỉ còn mười tám con vật gày trơ xương sọ, nằm ngồi dưới bóng những giàn dưa, mắt đờ dẫn, đuôi thõng thượt không buồn đuổi muỗi, đuổi ruồi. Tôi bảo Quắc: - Ít nhất cũng phải phục hồi đàn hò như cũ. Quắc đáp: - Một trăm hai mươi con? Như vậy ít nhất cũng mất ba năm. Mà những lô tiêu phải thiệt tốt. Thằng cha giám đốc trước nó phá dữ hả? Đời người cũng lạ, phá thì mau mà làm thì khốn khổ. Chúng tôi trò chuyện về những công việc của nông trường. Gần hết đồng tranh, một con thỏ chạy vụt qua: - Ối, con thỏ đẹp như trong tranh vẽ! Quắc bỗng bật ra tiếng kêu rồi đứng ngẩn ra nhìn. Con vật xinh đẹp phóng lóc bóc cho tới khi nó biến trong các lượn cỏ tranh. Tôi không ngờ anh nói được một câu văn vẻ đến thế. Và lúc đó, gương mặt anh hiện lên vẻ thơ ngây sáng láng. Có lẽ trong anh, đứa bé bị giam cầm bỗng nhiên đẩy bật hai cánh cửa sắt và nhảy ra nhìn ngắm mặt trời. Đã hết đồng tranh. Từ đây, những lô tiêu mùa đầu kết trái kéo thành vệt xanh om ven đường. Các cô gái nông trường đang nạo cỏ. Màu áo hoa, áo trắng thấp thoáng giữa những hàng tiêu thẳng tắp. Gương mặt họ khuất lấp dưới vành nón hoặc vành mũ rộng. Nhìn lên lô tiêu tôi thầm hỏi. - Không biết Huệ lai có ở đây không? Thấy vài cô trông dáng quen quen cùng ở đội sản xuất với Huệ. Bất chợt, một người đàn bà ló mặt khỏi đám lá nhìn chúng tôi: - Chào ông giám đốc! Chào ông phó giám đốc! Đó là người đàn bà xấu xí có cái tên diễm lệ: Kiều Nga. Hôm nay chị ta đã khỏi bệnh nên không còn vàng ệch ra như một kẻ mắc chứng viêm gan. Nhưng khuôn mặt vẫn nhợt nhạt. Những chiếc răng dài như răng ngựa lộ ra dưới vành môi héo úa khi chị cất tiếng chào và mỉm cười. Tôi bảo Quắc: - Dừng lại xem tiêu đã. Tôi thấy mấy ngọn gần đường vòng cao quá rồi. Khi bông tiêu trổ quá cao phải bấm bớt ngọn và các nhánh phụ để dồn nhựa nuôi trái. Nhưng cách tính ngọn để ngọn bấm là cả một kỹ thuật tinh nhạy của những người làm vườn. Quắc bảo: - Cho bấm được rồi. Để tôi triệu tập các đội trưởng họp. Tôi đáp: - Cũng còn phải nhờ mấy ông già trong xóm ra xem giúp. Hôm nay tôi sẽ lo luôn cả chuyện ấy. Nghe tiếng trò chuyện, các cô gái khắp lô tiêu kéo đến. Mặt cô nào cô nấy đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Đứng trong các rạch cây cao không cơn gió nào lọt tới. Tiện dịp, các cô kéo ra bìa cây hứng gió trời. Lúc đó Quắc đi sâu vào các rạch cây nên chỉ mình tôi ở lại ven đường. Các cô gái rộ lên: - A, ông giám đốc. Ông đi đâu vậy? Có chi úy lạo cho chị em không đấy? - A, chú Hưởng, mới sáng đã nóng dữ, mấy bình nước đem theo hết trơn trọi. Tụi cháu muốn lội suối quá đi thôi... Tôi bảo: - Phải nói với nhà bếp tiếp tế nước cho đủ. Uống nước suối là sốt rét hàng loạt đấy. Lúc đó Huệ lai từ trong rạch tiêu bước ra. Bao giờ cô cũng xuất hiện đột ngột như vậy. Hoặc vì tôi ngờ nghệch, vụng dại nên không đoán được nơi ẩn nấp của cô. Hoặc vì cô cố tình trêu chọc và bắt tôi luôn luôn lúng túng. Bấy giờ, cô cũng làm tôi trở nên luống cuống trước đám đông: - Tụi tôi sốt rét chớ ông đâu có sốt rét mà phải lo? Huệ nói, miệng mím lại nhưng cặp mắt ánh lên tươi cười. Đáng lẽ phải kiếm lời đối đáp thì tôi lại đứng yên bối rối cười trừ. Các cô gái thấy thế kêu ré lên: - Chú Hưởng thua chị Huệ rồi… Trời ơi, bộ bà này có thần bảo mạng đi theo hay sao mà thắng ngon lành vậy? - Ông giám đốc ơi, con mụ này ác miệng lắm, đừng chấp nó nghen. Tốt nhất là bắt nó về vá áo cho ông. Kìa, đường may sút trơn trọi rồi… Người đàn bà xấu xí tên Kiều Nga nói vậy. Hàm răng ám khói nhe ra cười. Những nếp nhăn hiện lên chi chít sau đuôi mắt và hai bên má. Vẻ tiều tụy khiến tôi mủi lòng. Đôi mắt sâu đờ dại lóe lên những tia lửa hiếm hoi của niềm trìu mến: - Nè, ông giám đốc biết không? Con Huệ giỏi nữ công lắm đó. Hồi còn học văn khoa, nó theo lớp L’automne. Bà bầu lớp này là thợ may có hạng ở Sài Gòn. Mấy cô gái nhao nhao nói theo: - Đúng rồi, đúng rồi. Chị Kiều Nga bao giờ cũng nói thiệt. Chú Hưởng à. Ngon lành vậy còn ngập ngừng chi nữa? Tôi thấy mình như tắc họng lại. Còn Huệ lai thì vùng lên kêu: - Trời ơi, bà trăn tinh nói chi lạ lùng vậy? Rồi cô chạy biến giữa hai hàng tiêu cao chót vót. Những gương mặt tươi cười quanh tôi bỗng trở nên gần gũi và thân thiết. Tôi đứng im lặng giữa vòng vây mỉm cười. Nhưng niềm vui tắt đi mau lẹ và đột ngột. Quắc từ trong rạch tiêu bước ra: - Đùa chi tầm bậy tầm bạ vậy? Anh ném một câu hỏi trống không giữa đám người. Mặt anh sắt đanh không gợn nét rung. Và đôi mắt dữ dằn lạnh lẽo của anh táp xuống họ ngọn thác băng giá. Những người đàn bà co rúm lại. Hổ thẹn và sợ hãi, họ len lén lủi vào các rạch cây. Cái nhìn báng bổ của anh ném theo họ. Sau đó, quay sang tôi, Quắc dằn giọng: - Anh thiệt lạ. Tôi dã nhắc anh nhiều rồi. Quý cò, cò mổ mắt, yêu chó, chó liếm mặt. Anh nói dằn lừng tiếng. Trong không trung đột nhiên im lặng chỉ có tiếng nói đó văng lên. Mỗi từ ngừ như một viên đá trên thiên thạch rụng xuống. Tôi tái người. Chắc hẳn ai nấy đều nghe rõ mòn một câu nói của anh. Và họ sẽ thấy vị trí anh sắp đặt họ trong cuộc đời. Những người đàn bà ấy, kẻ đã từng là nữ sinh viên, người từng là cô giáo, những cô gái chất phác của đồng quê, những người đàn bà lăn lóc dọc phố xá, người này rơi vào cái hố rủi ro của số mệnh, người kia bị rượt đuổi vì ngọn lửa của chiến tranh... Tất cả... Tôi chưa thấu hiểu họ… Tôi chưa đọc được những ý nghĩ của họ. Nhưng một linh cảm ghê rợn đã nhập vào tôi từ phút giây ấy... - Đi đi thôi! Nắng bể sọ rồi! Quắc gọi giật giọng. Tôi đi theo anh. Lúc đó hình như tôi mụ mẫm. Hình như tôi biến thành một kẻ đần dại và ngớ ngẩn. Những sự kiện liên tục đến khiến tôi không kịp phản xạ. Nhưng cái linh tính ghê rợn kia vẫn bám theo. Càng ngày càng bám sát. Giống như một con bướm đen chập chờn bay lượn. Lúc sau lưng khi trước mặt, không lúc nào đôi cánh đen rời khỏi tôi. Ngày hôm đó tôi thỏa thuận việc mua bán với dân trong xóm, nhờ cậy những tay chủ trại sành sỏi ra xem giùm các ngọn tiêu và cả buổi chiều ngồi uống rượu với khô mực nướng, nói chuyện về những tù nhân xa xưa nhất, đám người quả cảm và hung bạo đã phóng lưỡi dao đầu tiên cắm đất trên vùng đảo hoang dã này. Trong thời gian đó, đôi cánh đen của con bướm tai ương kia không ngừng bay lui bay tới. Cho đến hoàng hôn, khi sao Hôm đã hiện lên như giọt thủy ngân ở góc trời, tiệc rượu còn nồng, những người nói chuyện còn say, nhưng tôi kiên quyết cáo từ. Nỗi lo âu mơ hồ đè trĩu tâm can. Rời xóm trại, lội qua suối, tôi đến khu chăn nuôi. Trong nhà thắp đèn. Hẳn Quắc đã về nông trường bộ. Nghĩ tới lúc gặp anh, tôi bỗng ngao ngán. Tại sao số phận lại giao cho tôi người đồng hành lạ lùng vậy? Tôi tạt qua đường chính, rẽ lên đồi, nằm xuống vạt cỏ xước, ở đó, tôi thấy bầu trời dần dần thẫm lại. Các vì sao sáng hơn và gần hơn. Những con chim lẻ loi vỗ cánh bay về khe nước. Tiếng kêu của chúng như những tia sáng mảnh và lấp lánh kéo những vệt dài trong thinh không. Khi con chim cuối cùng đã bay qua, mọi vật trở lại yên tĩnh. Chỉ còn tiếng dế gáy, tiếng bọ rầy vo ve. Lúc ấy, con bướm đen từ đám cỏ leo bay tới. Nó vẫy đôi cánh chậm chạp, lách qua những ngọn cỏ rối, lơ lửng trên bụi kim chi hồi lâu tiến về phía tôi. Dường như không phải nó bay mà nó bò giữa không khí. Vì cảnh ấy xảy ra trong ánh sáng mờ ảo của đêm sao nên nó giống như một cơn mê. Nhưng khi con bướm đen bay hút vào bóng tối dưới chân đồi, tôi chợt nghe gió đưa lại tiếng nỉ non. Tiếng nỉ non hòa lẫn tiếng rền rĩ của côn trùng. Chỉ mười phút sau tôi đã nghe rõ ràng tiếng khóc của đứa bé từ đồi bên vẳng tới. Và lúc phủi những ngọn cỏ bám trên lưng tôi nhận ra tiếng khóc đó của bé Ly. Lưng tôi còn nóng hơi đất. Cảm giác ấm nóng ấy cùng tiếng khóc của đứa trẻ bỗng nhiên làm nước mắt tôi ứa ra. Tôi bước hối hả trong bóng tối. Những con muỗi lao vào mắt tôi lẫn với dòng nước mắt cay xè. Có lúc tôi chợt thấy mệt mỏi rồi sau đó lại quên đi rất nhanh. Chân tôi bước khập khễnh. Tiếng khóc của đứa bé mỗi lúc mỗi gần. Giữa những cơn nức nở nó gọi: - Má, má ơi má, mở mắt ra kẻo con sợ quá chừng... - Má ơi, dậy đi về, trời tối quá má ơi i i … Con bé khóc đã lâu giọng khản đặc. Nó cứ lặp mãi điệp khúc đó một cách vô vọng, cặp mắt nhắm nghiền, đầu lắc lư. Tôi đi tới nơi, ngồi xuống một bên mà nó không hay biết: - Ly! - Tôi gọi. Đứa bé mở choàng mắt. Nhận ra tôi, nó bỗng hoàn toàn tỉnh ngủ khóc òa lên như bất cứ đứa bé nào rơi vào cảnh oan ức, khốn đốn bỗng gặp người che chở: - Nín đi. Nín đi nào. Tôi vuốt ve tấm lưng nhỏ dỗ dành. Giờ đây nước mắt tôi đã khô. Mọi cảm giác lắng xuống. Tôi bảo đứa bé: - Con hãy kể cho bác nghe! Bé Ly gục đầu vào cổ tôi. Và nó bắt đầu nói bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng mạch lạc, xen lẫn những tiếng nấc. Ở vườn tiêu về mẹ nó nằm vật xuống giường, không ăn cơm, uống nước. Dì Kiều Nga cho bé Ly ăn chè rồi bồng nó ngủ trưa ngoài võng. Huệ lai nằm như vậy cho tới hơn ba giờ chiều. Lúc đó, mọi người đã đi làm hết. Lán vắng trơ vắng trọi. Người đàn bà lục tìm chai rượu uống liền mấy chén. Sau đó, Huệ lai lấy cuốn an-bom ra xem. - Má con khóc hoài khóc hủy. Rồi má con lên đồi, vài bước lại té sấp. Đi tới tận đây. - Đứa bé nói, tay đặt lên ngực mẹ đang ngủ li bì trên đám cỏ. Cô ta cứ chệnh choạng như vậy mà đến tận khu chăn nuôi cũng thật lạ. Đoạn đường khúc khuỷu khi lên dốc, lúc vượt lối mòn. Có dễ tới mười cây số. Và đứa bé lẽo đẽo theo sau. Tôi vuốt ve từng đốt xương sống nổi lên trên tấm lưng gầy của nó. - Con ngoan lắm Ly ạ. Giờ bác bế con về trước nhé? - Tôi bảo đứa bé. - Không. Bác đưa má con về trước. Má con đau. - Con bé buông tôi ra tới bên mẹ - Bác xem đây nè, má con chảy máu hoài. Con phải kiếm lá rịt mới lành đó. Bé Ly cúi lom khom trên mặt Huệ lai với dáng điệu hệt như con chó con liếm láp chó mẹ. Cảnh bìu ríu ấy khiến tôi se lòng. Tôi nhận thấy mình lại mất đi trạng thái bình thản vừa có, trạng thái tôi luôn luôn phấn đấu để duy trì, trạng thái tinh thần cần thiết với người đàn ông đích thực. Tôi lại bắt đầu run rẩy. Tại sao mình lại dễ dàng bị lay động như vậy? Bao nhiêu năm chiến tranh vẫn không xóa đi cậu học trò đa cảm hay sao? Bực tức với chính mình tôi bỗng cất giọng gay gắt. - Cho mẹ mày nằm đấy. Đàn bà gì mà hư hỏng rượu chè... Đáng kiếp! Bé Ly quỳ xuống, hai tay chắp vào nhau. Gương mặt đầm đìa nước mắt ngước lên. Và dưới ánh sao tôi thấy những ngấn nước loang loáng: - Bác Hưởng ơi, con chắp tay lạy bác. Xin bác đừng bỏ má con ở đây. Xin bác đừng ghét má con tội nghiệp. Tôi đứng lên: - Xin xỏ làm gì thứ đàn bà đánh con như két. Đứa bé ôm lấy gối tôi vội vã. Chắc nó đoán tôi bỏ má con nó giữa vùng đồi mù mịt này: - Con chắp tay lạy bác. Má con khổ lắm bác Hưởng à. Không hiểu ai đã dạy con nhỏ những lời lẽ khôn ngoan ấy. Sự nhẫn nại của nó chọc thủng lớp vỏ tôi vừa dựng lên: - Xin bác đừng ghét bỏ má con! Bé Ly nói thêm. Tóc nó cọ vào gối tôi êm dịu. Tôi luồn tay nâng đầu người đàn bà lên. Gương mặt xinh đẹp của cô hiện lên dưới ánh sao như mặt đứa bé ngủ. Một vệt đen kéo từ trán xuống thái dương. Đó là vệt máu khô. Mồi thuốc lá đứa bé rịt cho mẹ rơi xuống. Vết thương của cô ta không rộng nhưng chắc hẳn sâu nên mất máu khá nhiều. Tôi xé khăn tay băng lại vết thương, và đụng phải một món tóc khô cứng bên tai: - Huệ! Cô Huệ! Tôi lay gọi người đàn bà nhưng cô ta không tỉnh dậy. Có lẽ Huệ lai đã uống quá nhiều rượu trong lúc đói. Hơi rượu xộc vào mũi tôi. Hẳn đứa bé đoán được sự khó chịu của tôi nên nó ôm đầu ghé tai mẹ gọi: - Má, bác Hưởng kêu má nè… Dậy đi má ơi i i… Thấy mẹ không tỉnh, con bé quay lại chắp tay vái lần thứ hai: - Bác Hưởng, con chắp tay lạy bác đừng ghét bỏ má con. Tội nghiệp xin bác đừng ghét bỏ má con... Dứt lời van vỉ, con bé lại khóc nức lên. Và những giọt nước mắt lòng ròng tuôn chảy. Giây lát, tôi thấy mình nhỏ nhoi, hèn kém. Đứa bé đã tha thứ mọi lỗi lầm cho mẹ, xóa bỏ những bất công ngược đãi đối với mình. Còn tôi, một người có quyền lực, ít nhất cũng đối với vài trăm con người nơi đây, tôi đã không dám bước qua một định kiến của chính mình. Tôi không dám độ lượng một lần với người đàn bà đó. Ấy thế mà tôi vẫn thầm thương trộm nhớ cô ta. Và trong mọi giấc mơ về hạnh phúc tôi đã tìm cô ta làm bến để neo giữ con thuyền mình. Một gã đa cảm và ích kỷ... Ngay phút đó, tôi hình dung tới gương mặt sắt đá của Quắc. Anh ta là một người đàn ông đích thực. Tuy trong tâm hồn thô bạo có cái gì đó thiếu hụt, què quặt nhưng Quắc vẫn là một người đàn ông. Thấy tôi im lặng, đứa bé rụt rè đặt tay lên gối tôi, cất tiếng gọi: - Bác! Tôi bảo nó: - Bây giờ bác đưa má con về. Còn con thì sao? Đứa trẻ đáp: - Con đi theo bác liền. Con đi được mà. Bác đừng lo. Nói xong nó xăng xái lau nước mắt, rồi cúi xuống tìm một vật gì đó trên đám cỏ. Tôi hỏi: - Cái gì thế? Bé Ly trả lời: - Quyển an-bom, má con cầm theo. Nó giơ trước mặt tôi một cuốn sổ dày cộm. Tôi xốc Huệ lai lên lưng, đứng dậy. Cô ta khá nặng, cơ thể săn chắc và đầy dặn. Mặc dù người đàn bà đang ngủ li bì nhưng da thịt ấm nóng của cô vẫn truyền sang tôi cảm giác ngây ngất từ lâu thiếu vắng. Mặt nóng bừng, tôi như nhìn rõ những sợi tóc mượt êm của Huệ lai cọ buồn buồn nơi cổ và bầu má mịn màng như phấn nổi những mạch máu hồng: - Má con có nặng không bác? - Đứa bé cất tiếng hỏi. - Không. Má con vừa phải thôi. - Tôi đáp lời. Con bé bám hờ vào ống quần tôi và nói bằng cái giọng khôn ngoan: - Bác ráng lên chút xíu, bác nghen... Tôi gật đầu: - Ờ... Rồi bước trong bóng đêm, tôi vừa chống lại cảm giác mệt mỏi với chỗ chân bị trẹo, vừa mơ tưởng đến một gian nhà nhỏ nơi ánh đèn rọi sáng lên tấm màn gió và những bông đỗ quyên rực rỡ, nơi Huệ lai nằm ngủ trên giường trong tấm áo hoa hở vai. Tấm áo đã một lần tôi thấy. Trong tấm áo sơ sài ấy, người đàn bà có một vẻ gần gũi, quyến rũ. Chỉ cần nhìn tấm áo đó cũng đủ thấy niềm vui thường nhật và ngọn lửa ấm gia đình. Tại sao tôi lại không thể có niềm vui đó? Bờ vai cô ta tròn trĩnh tươi mát làm sao? Và những lượn tóc hung rơi trên bờ vai ấy thật đẹp... Cô ta đã từng là một người đàn bà hạnh phúc. Giờ đây, cô ta cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi. Miễn là tôi xóa được những dấu vết cay đắng và nỗi thất vọng đã hủy hoại cô trong quá khứ… Chúng tôi về tới khu lán lúc mọi người đã tụ tập đánh cờ, đàn hát. Người đàn bà xấu xí tên Kiều Nga đón tôi ở hiên. Hình như chị ta đã đoán trước mọi sự: - Chào ông giám đốc. Cám ơn ông đã có lòng tốt đem cô ấy về đây. Chị ta nói chậm rãi, mắt nhìn xói vào mặt tôi. Dứt lời, người đàn bà bế bổng Huệ lai vào giường. Tôi không ngờ với dáng vẻ của một con ngựa ốm chị ta lại khỏe đến thế. Bé Ly vẫn đứng sau lưng tôi. Tôi bảo: - Chị chăm sóc cô ta. Để đứa bé lại đằng kia. Người đàn bà cúi đầu: - Xin cảm ơn ông! Tôi gật đầu, dắt bé Ly đi. Nhưng cái nhìn nóng bỏng của người đàn bà ném theo như dính vào lưng tôi thứ nhựa nóng rẫy không thể nào gột rửa được. Đó là cái nhìn của một con nhân sư. - Bác Hưởng ơi, phần cơm của bác có đủ cho con ăn không? Con đói bụng quá nè. - Bé Ly nói, tốc áo lên để phơi cái bụng lép kẹp. Tôi hỏi: - Từ sáng tới giờ con mới ăn chè thôi à? Đứa bé gật đầu: - Dạ, mới ăn một bát chè thôi bác à. - Phần cơm bác đủ con ăn căng bụng. Đừng lo. Tôi đáp, xiết chặt bàn tay bé bỏng của nó trong tay. Bé Ly đi sát vào tôi, dường như để tìm nơi tựa đỡ. Nó đâu có biết tôi cũng bơ vơ như nó. Tôi mơ tưởng tới ngọn lửa ấm buổi chiều. Tóc tôi đã bắt đầu bạc, tôi còn có bao nhiêu thời gian nữa? Những cơn gió từ dưới khe nước thổi lên đem theo hơi lạnh. Tiếng hò hét của đám người chơi cờ đánh bài từ các khu lán vọng ra. Xen vào đó là tiếng ghi-ta bập bùng và một giọng hát sai lạc: Đi qua vùng cỏ non ngỡ mùa xuân đã tới... Tôi chợt nhận ra giọng hát của Bép xoăn, một đồ đệ của võ sĩ Hai. Gã vốn là con một người đàn bà nghèo góa bụa làm thuê khắp các miệt Đông. To béo như con voi, da đen thui, tóc phơi nắng loăn xoăn đỏ quạch. Bép xoăn là hình ảnh khủng khiếp nhất đối với các cô gái nông trường cũng như trong các xóm dân. Chẳng cô nào dám thương yêu gã. Tính gã hung như một ác thần nhưng cũng nhiều lúc gã đần dại và khù khờ tới mức đáng kinh ngạc. Không biết một chữ quốc ngữ, gã giơ ngón tay cái điểm chỉ vào mọi thứ giấy tờ. Không có người yêu, gã nhìn những cô gái lướt qua mặt mình với nỗi khát khao kinh hãi. Vậy mà giờ đây gã đang hát bài hát về mùa xuân. Hẳn là dưới cái giọng khàn khàn sai lạc ấy tâm hồn trơ trọi của gã đang run rẩy. Giống như những ngọn lá ngủ trong lũng sâu khuất lấp tới lúc nào đó cũng sẽ bị gió lay... - Bác ơi, bác Quắc có ở đó không? - Bé Ly níu tay tôi, cất tiếng hỏi. Tôi nói lại: - Có thì sao? - Đứa bé ngần ngừ giây lát rồi trả lời - Con sợ. Con sợ lắm bác Hưởng à! - Nó thì thầm như sợ ai đó sẽ nghe rõ lời mình. Thái độ con bé khiến tôi bừng lên tức giận. - Làm sao phải sợ? không có gì đáng sợ hết! Tôi gắt. Bé Ly im bặt. Từ đó tới khi bước vào nhà nó không dám nói thêm lời nào nữa. Trong nhà, ngọn đèn cầy khêu to quá bốc khói mù. Quắc bò trên giường cộng trừ gì đó trong cuốn sổ tay. Thấy tôi, anh ngẩng lên hỏi: - Sao anh về muộn vậy? - Bận! Tôi đáp cộc lốc rồi kéo bé Ly vào nhà, không cho nó đủ thời gian dừng ở cửa cúi chào Quắc. Con bé len lét bước theo tôi, dưới ánh mắt soi mói ghẻ lạnh của anh. Hình như đứa trẻ đã cảm thấy mình sẽ là cái cớ để bùng nổ một cuộc xô sát nên nó cố co rúm lại. Có lẽ nó muốn thu nhỏ bằng hạt đậu để lọt vào cái khe tối tăm nào đó cho yên thân. Nhưng nó không thể tàng hình, Quắc vẫn giương mắt nhìn nó và buông tiếng hỏi: - Mẹ mày đâu mà tới đây, hả? Đứa bé nép vào ngực tôi. Tôi nhìn Quắc nói: - Nó không liên quan gì tới cậu. Đừng hỏi han lôi thôi! Quắc không hề phật ý vì câu nói trịch thượng và thái độ tức bực của tôi. Anh ta chậm rãi đáp: - Tại sao anh thích mua dây buộc vào mình? Anh nên nhớ anh là giám đốc, người lãnh đạo cao nhất. Đám nông trường viên là đối tượng phải giáo dục cải tạo lao động. Trên phải ra trên mà dưới phải ra dưới, chớ có lộn sòng. Tôi nói: - Chính cậu mới cần biết thế nào là trên và thế nào là dưới. Những kẻ tới đây không chỉ là đối tượng cải lạo lao động. Cậu nên hiểu quá khứ của họ. - Tôi hiểu làm gì? - Quắc hỏi lại, thản nhiên - Tôi còn bao nhiêu việc cần lo cho nông trường: vốn liếng, tàu thuyền, lương thực... Tất cả những thứ mà anh đã giao cho tôi đó… Ngoài ra tôi còn phải nghĩ tới vợ con, tôi đâu có dư thời giờ? Nhìn nét mặt anh, tôi hiểu rằng sự tức giận cũng như ý định thuyết phục của tôi thật hão huyền. Tôi cúi xuống xoa đầu bé Ly: - Ra bác rửa mặt cho rồi ăn cơm... Con bé ngoan ngoãn bước theo tôi ra phía sau nhà. Ở đó, nó kiễng chân nhìn vào thùng nước và kêu: - Bác xem kìa, ngôi sao đẹp ơi là đẹp! Thấy tôi cầm chiếc gáo nhựa định vục xuống múc nước, con bé hốt hoảng giữ lại: - Đừng, bác làm vỡ mất... Rồi chừng như nhận ra sự vô lý trong hành động của mình, nó nhìn tôi bằng cặp mắt biết lỗi vào hạ giọng: - Bác Hưởng nè, giá có cách chi múc được nước mà đừng làm vỡ mất ngôi sao? Đột nhiên, tôi thấy trong câu nói vu vơ của đứa bé một nghịch lý thường xảy ra với con người. Chính tôi cũng đã bao lần có mong muốn phi lý đó: Ôi, giá như người ta vẫn múc được nước trong thùng mà không làm vỡ ngôi sao? Ở đảo, chiều yên tĩnh. Yên tĩnh không phải vì mọi âm thanh đều tắt, mà chính vì chúng tấu lên bản nhạc êm đềm, buồn tẻ một cách sâu xa đến nỗi những kẻ cô đơn nhìn thấu nỗi cô đơn của chính mình: Tiếng gió rì rào. Tiếng sóng ì ầm vọng tới. Tiếng chim chốc lát lại thánh thót rơi. Và tiếng dế giun rền rĩ trong các lùm cỏ rậm. Mặt trời còn chiếu sáng trên mặt đất nhưng đã hết nóng nhờ hơi mát của gió và cây cỏ bão hòa. Vì thế ánh sáng cũng dịu như ánh sáng những ngày cuối thu phương Bắc. Tôi ngồi với bé Ly trước sân, nhớ vùng đồng bằng quê hương. Đứa trẻ đã tắm rửa và ăn no, đang nghịch những chùm quả nổ. Chốc lát nó ngậm một quả rồi ném xuống sân cho bắn tung đám hạt ra xung quanh. Vọp đi tới cất tiếng hỏi: - Thưa chú, chú đã biết chương trình ngày mai chưa? Chàng trai mặc áo thun ngắn, quần soóc, trông đẹp như một tay thể thao nhà nghề. Thấy Vọp, con bé Ly nhỏm lên, ôm cổ đánh đu. Tôi bảo cậu trai trẻ: - Lên huyện à? Chú mới nghe văn thư nói qua loa như vậy. - Đâu có chú? - Vọp trợn mắt lên - Nói tầm xàm quá đi. Sáng mai chú lên dự phiên tòa xử bọn phỉ tại Bắc đảo. Đường xa hơn từ đây xuống thị trấn hai mươi bảy cây. Mà xóc muốn ói cơm luôn. - Từ ngày tới đảo cháu đi đường ấy nhiều chưa? - Tôi hỏi. - Đâu có chú? - Chàng trai đáp - Mới đi tới công an huyện một lần mà con ngán quá trời. Nhưng công việc thì phải lo. Con chuẩn bị xăng nhớt, khám lại bộ máy bà già đây. Năm giờ sáng mai ta lên đường. Nói xong, Vọp véo má bé Ly rồi xuống nhà để xe. Tôi quay lại bảo đứa bé: - Con vô nhà với má Huệ. Bác phải đi xa nên không đem con đi theo được như mọi lần. Con bé ngoan ngoãn đáp: - Dạ! - Rồi nó tụt xuống đất vào nhà lấy quyển an-bom: - Thưa bác con về. Khi nào lên huyện, bác cho con đi nghen. Lúc đó, tôi chợt nhớ tới quyển an-bom Ly đem theo từ tối qua nhưng sau trận tranh luận với Quắc tôi đã quên mất: - Lại đây con. Chơi lát nữa rồi bác đưa về với má. Tôi gọi bé Ly. Chúng tôi bắt đầu lật cuốn an-bom xem. Cuốn an-bom đó hẳn trước đây rất đẹp. Bìa bằng gỗ chạm đánh dấu. Bên trong là những tấm các-tông trắng dày bọc giấy bóng lụa. Lớp giấy bóng đã mờ và màu các-tông ngả sang ngà đục vì thời gian nhưng những tấm ảnh còn nguyên vẹn: - Đây là hình ngoại. Đây là hình mấy dì con bà dì em ruột của ngoại con. Má đây nè. Đây cũng là má nữa... Má chụp hình trước nhà. Còn đây là hình má cưỡi con ngựa Hồng, con ngựa Kíu... Bé Ly giảng giải. Ngón tay nhỏ xíu di động từ tấm ảnh này sang tấm ảnh kia thật nhanh nhẹn. Đứa bé đặc biệt tự hào vì những tấm hình của má nó. Huệ lai có khá nhiều ảnh. Và với những bức ảnh ấy, người ta đọc được quá khứ trong sạch và tươi sáng của cô. Những tấm ảnh thời thơ ấu khi cô hệt như thần ái tình mũm mĩm, bịt mắt cấm cung, đôi cánh dang sau vai trắng muốt. Ngôi nhà nhỏ với vòm cây rủ bóng, cô bé Huệ tóc xòa trên vàng trán bướng, cưỡi con ngựa. Một dòng chữ ngoằn ngoèo đề phía sau: “Con lên năm tuổi chụp với ngựa Hồng”. Một tấm ảnh khác chụp Huệ lai đã lớn hơn, đội mũ vải trắng ngồi trên lưng con ngựa ô cao to, bờm rủ dài như bờm sư tử, hàm răng dữ tợn nhe ra: “Huệ lên bảy chụp với con Kíu trước ngày đi miền Đông”. Rồi những tấm ảnh thời con gái khi Huệ lai ngồi xe thổ mộ, lúc đứng trước giảng đường hoặc sân nhà thờ. Trong bộ áo dài trắng cô giống như người con gái ở thế kỷ xa xôi nào đó trở về. Không thể ngờ được cô gái ấy lại có lúc lăn lóc trên đám cỏ như một gã dô kề và hơi thở nồng nặc mùi rượu mạnh. Giữa người đàn bà tôi cõng từ đồi cỏ xước về tối qua với những tấm ảnh này đã qua một đoạn đường bao nhiêu cây số? Tôi biết lấy gì để xóa đi con đường dằng dặc ấy? Giá như cô ta chưa phải là người say mê gã đại úy dù, chưa phải người vợ bị bội phản và nỗi thất vọng chưa dắt tay cô ta vào quán rượu?... Tôi thấy đau rát khi nghĩ tới cuộc yêu đương giữa một thằng cha cao lớn, đẹp trai, để ria mép, đeo lon đại úy ngụy với Huệ lai khi cô ta mơn mởn như đóa hồng, cảm giác ghen tuông làm tôi khó chịu đến tức thở. Bất giác, tôi bóp chặt cuốn an-bom. Con bé Ly hoảng hốt ngước lên: - Trời ơi, bác Hưởng!... Bác làm sao vậy? Tôi giật mình buông tay vuốt lại những nếp nhăn trên làn giấy bóng. Bấy giờ, tôi chợt nhận ra sự vô lý của mình. Trước khi gặp Huệ lai tôi cũng đã từng yêu say đắm một người đàn bà khác, có với cô ấy hai đứa con gái ngoan ngoãn, và nếu bom đạn không cướp gia đình yên ấm của tôi đi?... - Bác ơi, con về với má... Chừng như thấy thái độ bất thường của tôi, con bé Ly hoảng sợ đòi về. Tôi gật đầu. Lúc ấy đã tối. Sao Hôm đứng trơ trọi ở góc trời. Vành trăng mảnh vắt trên ngọn núi xa xanh biêng biếc. Con bé Ly kẹp cuốn an-bom vào nách, níu tay tôi chạy lon ton: - Má thấy con về mừng lắm nghen. Từ hôm qua tới giờ mà nhớ quá chừng. Chúng tôi đến khu lán. Bé Ly nhìn chăm chăm gian nhà mẹ con nó ở và kêu: - Ủa, sao bữa nay vắng trơ vắng trọi? Quả thật, tối nay không thấy tiếng hò reo la hét của những đám chơi cờ, chơi bài vẽ râu hoặc bói số chẵn lẻ. Cũng không thấy tiếng ghi-la bập bùng như thường lệ. Các lán đều im ắng dù vẫn thắp đèn. Thấp thoáng chỉ vài người đàn bà đi lui đi tới và tiếng cười rúc rích của họ. Vừa bước lên thềm, con bé Ly buông tay tôi chạy vào nhà: - Má! Tôi nghe tiếng kêu mừng rỡ kéo dài và giọng nói êm ái của người đàn bà đáp lại: - Cưng của má, cho má thơm chút xíu nào. Hai mẹ con yên lặng vài giây. Chắc chắn Huệ lai đang ve vuốt bé Ly. Sau đó cô ta cất tiếng: - Từ tối qua tới giờ, con có vui không? Ông giám đốc cho con ăn no chớ? - No. No lắm má à - Con bé đáp lời: - Bác Hưởng tắm cho con nè, cắt móng chân móng tay thiệt sạch nè. Lại còn xức dầu thơm vô tóc nữa. Má ngửi xem… Tiếng người đàn bà rất khẽ: - Thơm. Thơm như bông lan ấy. Con gái mẹ bảnh ghê. Tôi gõ lên tấm liếp rồi đứng chờ bên ngoài khuôn cửa in vệt đèn cầy vàng ửng. Huệ lai lên tiếng: - Ai đó, xin mời vô! Cô ta ngồi dựa lưng vào tường bận chiếc áo hoa không tay mà tôi đã một lần nhìn thấy. Tối nay, tóc Huệ lai không thả từng lọn xuống vai mà cuốn lên cao. Cần cổ lẫn khuôn ngực phơi bày. Cằm tròn đầy tương xứng với làn môi và sống mũi thanh thanh. Tôi chợt nhớ lại giấc mơ tối qua trên đường từ đồi cỏ xước trở về. Một gian nhà xinh, ngọn đèn cầy dọi lên tấm màn gió và những bông đỗ quyên rực rỡ. Người đàn bà mặc chiếc áo hở vai. Chiếc áo mỏng gợi cho ta hơi ấm của gia đình. Tôi kéo ghế ngồi: - Cô Huệ, sao hôm nay vắng vẻ thế? Huệ lai nhìn đâu đó, đáp lời: - Mọi người vào xóm đi săn. Chắc ông giám đốc không được báo cáo? - Giọng nói của cô ta dửng dưng và có phần mai mỉa. Tôi cười xòa: - Có phải lúc nào cũng nghe báo cáo đâu? Tiện đưa bé Ly về tôi đến chơi. Cô Huệ đã khỏe hơn chưa? - Thưa ông giám đốc tôi đã đỡ. Người đàn bà trả lời ngọt ngào, mát mẻ. Đoạn cô lật gối lấy chiếc khăn tôi đã dùng băng vết thương tối qua. Chiếc khăn được giặt sạch khâu lại vệt xé, gấp cẩn thận. Người đàn bà đưa nó cho tôi: - Xin gửi trả ông giám đốc. Đáng lẽ tôi có thể thường ông chiếc khác, nhưng không dám mạo muội với bề trên. - Cô ta vẫn tiếp tục nói bằng một giọng mỉa mai khiến tôi nóng mặt. Tôi hỏi: - Sao cô kỳ quặc thế? Người đàn bà nhìn tôi dửng dưng nói tiếp: - Bận sau cảm phiền ông đừng làm như vậy. Dơ mất chiếc khăn. Tôi cố gắng ôn tồn: - Khăn đã xé đôi cô còn can chắp cầu kỳ làm gì? Cô cho tôi keo bẩn lắm sao? Người đàn bà đáp: - Không. Nhưng đồ của ông là đồ riêng cho con người. Còn tụi tôi là chó. Chó đâu dám xài thứ sang như vậy? Nói xong, cô ta ngửa cổ ra phía sau cười. Dáng điệu thật kiêu hãnh và khiêu khích. Vòng cổ áo viền đăng-ten rung rinh. Tấm áo cô ta đang mặc dù đã cũ mòn vẫn là thứ hàng sang trọng. Và chiếc quần sa-tanh đen với những dây hoa thêu ở hai gấu bỗng gợi tôi nhớ đến những ống quần vải thâm đất dày cộp, mốc meo mà đàn bà vùng quê tôi thường dùng. Giấc mơ vừa hiện lên tan biến. Tôi thấy mình như kẻ bước hụt xuống hố sâu. Nỗi đợi chờ phấp phỏng dọc đường đã bị những lời mỉa mai ngọt nhạt của Huệ lai dội tắt. Lòng tự ái của người đàn ông trôi khỏi mặt hồ. Tôi đứng lên, buông một câu nói chính tôi cũng không tưởng tượng ra: - Đừng có giận... - Tôi bảo người đàn bà với nụ cười trịch thượng - Quắc rất tốt. Dù có nói như vậy, cậu ấy vẫn là một người đàn ông chân thực đàng hoàng. Có lẽ với Huệ lai, câu nói ấy giống một cú sét. Đang cười cô ta chợt im bặt, nét mặt như dại như ngây. Làn da Huệ trắng bạch. Trên vầng trán, dưới vết thương nhỏ dính băng những thớ thịt run giật liên hồi. Cặp mày dãn ra trên đôi mắt mất hết sinh khí. Tôi chưa thấy người bị điện giật hay sét đánh bao giờ. Nhưng nhìn người đàn bà lúc ấy tôi hiểu thế nào là một ngọn đòn bạo liệt. Trong khoảnh khắc nó biến đổi Huệ lai hoàn toàn. Từ một thiếu phụ tinh nhanh, ngang ngạnh và kiêu hãnh cô ta trở thành kẻ vô hồn... Tôi hiểu rằng đã lỡ. Nhưng không biết cứu vãn ra sao. Bé Ly ngồi giữa hai chúng tôi, ngơ ngác. Thời gian chậm chạp trôi. Cả đến tiếng mọt nghiến gỗ hoặc tiếng tắc kè kêu cũng tắt ngấm. Bên ngoài gió ào ào rung. Trong lán ánh đèn trải trên hai dãy giường trồng xếp đều đặn những chiếc gối chưa hằn vết người nằm. “Giá có một ai? Bà trăn tinh Kiều Nga cũng được..”. Tôi nghĩ vậy khi loay hoay tìm cách gỡ lại câu nói lỡ lầm. Nhưng không có ai bước vào lán lúc ấy. Tôi đứng trơ trọi trong tình cảnh oái oăm. Hồi lâu, tôi lắp bắp: - Cô Huệ... Người đàn bà ngẩng đầu. Trên gương mặt nhợt nhạt hiện lên một nụ cười: - Cảm ơn ông giám đốc! Nụ cười cô ta có màu xanh xám. Phía sau nụ cười đó, mắt người đàn bà đó lóe lên những tia lửa thù hận. Những tia lửa tích tụ từ một quá khứ xa xôi. Giờ đây, nỗi thất vọng thổi bùng lên giữa tro trấu. Tôi lùi ra cửa. Nỗi sợ hãi bản năng đã khiến tôi có cử chỉ đó. Dường như tôi quay lưng bước ra thì lòng căm hận của người đàn bà phóng tới một mũi tên độc và tôi sẽ trúng thương mà chết. Đây là nỗi sợ hãi hoàn toàn nhục thể. Đứa bé thấy tôi lùi tới khuôn cửa vội vã kêu: - Bác Hưởng. Bác về đó sao? Huệ lai hét lên: - Ly! Tiếng hét của cô ta vang trong không gian, lạ lùng và ghê rợn. Các bức vách rung lên. Tôi tưởng như những chùm cỏ rối trong bóng đêm cũng rung lên như vậy. Không dám trả lời đứa bé, tôi bước ra hiên trở về. Dọc dường, tôi nhớ tới giấc mơ của mình. Nhớ tới những rạng đông tươi mát, khi Huệ lai vui vẻ chọc ghẹo tôi… Tất cả giờ đây đã xa cách. Sau buổi tối hôm đó, cuộc sống đối với tôi trở nên nặng nề. Ngoài công việc không còn gì hơn nữa. Tôi như kẻ leo núi vừa tới lưng chùng đã đứt dây rơi xuống, đành đứng nhìn lên những mỏm đá tràn ngập ánh nắng mặt trời. Ngay con bé Ly tôi cũng không còn được gặp, biết bao lần tôi trông thấy nó. Nhưng vừa cất tiếng gọi con bé lủi trốn ngay. Và tôi lắng nghe tiếng gọi của chính mình rơi vào im lặng, tan biến trong cảm giác bẽ bàng. Đã có một thời con bé yêu tôi đến thế. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau ít nhất là một lần. Con bé sà vào lòng tôi sờ râu, túm tóc. Còn tôi xoa đầu nó, hôn cặp má măng sữa của nó hoặc rờ bàn tay lấm lem đất cát. Lúc rảnh rỗi con bé thủ thỉ nói với tôi đủ thứ chuyện. Từ chuyện má nó có một mụn ruồi trên bả vai nó thường sờ lúc đi ngủ tới chuyện dì Kiều Nga đẻ bảy lần mà không còn sống đứa con nào... Những khi tôi bận rộn, đứa bé ngoan ngoãn ngồi trong một góc nhà ngậm kẹo hoặc bóc những hạt thóc nếp rang. Thỉnh thoảng nó lại ngước mắt nhìn tôi, cặp mi cong như cánh én. Vậy mà giờ đây nó đối với tôi dửng dưng như một kẻ qua đường. Ý nghĩ ấy khiến tôi thương thân tủi phận. Chiều chiều như có bàn tay vô hình dẫn dắt, tôi cứ đi quanh những lối mòn qua đồng tranh, qua các vườn khoai mỡ, các trái đồi, mơ tưởng gặp cái đầu tròn của đứa be nhô lên trên các bụi gai, hoặc cặp mắt long lanh của nó hiện ra sau kẽ lá. Một sáng tôi lên các lô tiêu. Lúc đang nhẩm tính số phân cá còn thiếu hụt tôi nghe thấy tiếng đứa bé hát. Vẫn những câu hát buồn sầu của má nó và người lớn dạy. Tôi theo tiếng hát mà đi tới. Bé Ly nằm dưới gốc đào lộn hột trên đỉnh trái đồi. Những tán lá sà xuống gần mặt đất đã che lấp con bé. Giống như những cánh hoa trong cổ tích giấu kín nàng tiên tý hon. Bữa nay, trông Ly nhem nhuốc. Nó bận một bộ đồ hoa lâu ngày chưa thay. Nằm trên vạt cỏ xước lưa thưa, Ly nhắm mắt, chân đập theo nhịp lời hát. Bụng nó đặt con thỏ nhựa, quấn trong miếng giẻ. - Ly! Sao cháu nằm dưới đất bẩn? - Tôi cất tiếng hỏi. Đứa bé mở mắt ngồi nhỏm dậy. Thoạt tiên nó nhón chân định bỏ chạy. Nhưng nhìn quanh không thấy ai con bé ôm choàng lấy tôi. Tôi bồi hồi bảo con bé: - Sao không lên chỗ bác? Bé Ly vòng tay đáp: - Thưa ông giám đốc... - Nói tới đó, nó ngập ngùng rồi nói khẽ: - Má con bắt kêu bác như vậy, bác Hưởng à. Nhưng mà con không... Tôi ngắt lời nó: - Nằm dưới đất bẩn lắm. Đứa bé nhìn tôi: - Cả kiến cắn nữa, đau muốn chết luôn. Nhưng má không cho con lên văn phòng. Lên đó má đánh què chân. Tôi thở dài không biết tìm cách gì an ủi đứa bé. Nhưng chính nó lại vuốt ve mái đầu tôi mà thỏ thẻ: - Má bậy quá bác Hưởng à... Bác đừng buồn nghen. Con thương bác lắm. Khi nào má xuống huyện con sẽ trốn lên với bác. Bữa qua má có hẹn với mấy cô rồi. Chúa nhật này má với mấy cô sẽ nhảy xe lam. Rồi sực nhớ mình còn vài túi kẹo. Tuần qua, xuống huyện làm việc luôn luôn. Theo thói quen, bà bán kẹo trước cửa ngân hàng mời tôi: - Ông mua cho con nhỏ túi kẹo chớ? Bữa nay kẹo Nuga tôi mới lấy trong đất liền. Lần sau lại là: - Túi kẹo của con nhỏ hết chưa? Chắc hết trơn trọi rồi hà. Mua túi khác cho cháu đi ông. Kẹo hồng ngon lắm. Lần nào tôi cũng vào hàng mua kẹo trước cặp mắt tò mò xen chút thương hại kín đáo của cậu lái xe. Những túi kẹo đó tôi để trong ngăn tủ. Vậy mà bấy giờ tôi vẫn hớt hải đưa tay lục tìm túi áo và kêu: - Chết thật. Bác quên mất rồi. Bé Ly lo lắng: - Quên gì vậy bác Hưởng? Tôi đáp: - Quên mất túi kẹo của cháu. Chắc nó nằm trong ngăn tủ rồi. Bé Ly nói dịu dàng: - Vậy bác vẫn mua kẹo cho con? Tôi gật đầu: - Mua chứ. Lần nào xuống huyện bác cũng rẽ vào thăm bà bán kẹo quen. Đứa bé cười: - Không cần nữa đâu. Mai mốt rồi con ăn cũng được. Nó lùa những ngón tay bé xíu vào mái tóc tôi. Mắt nó rọi vào mắt tôi những tia sáng êm đềm. Nhìn đôi mắt ấy tôi thấy những vòm lá rủ bóng xuống mái nhà, một khu vườn tràn ngập tiếng chim, tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường và tiếng cười ròn rã của Huệ lai thời thơ ấu... Tôi vẫn nghĩ về người đàn bà ấy, dù cô ta đã tuột khỏi tay. Nhưng dẫu sao, còn đứa bé. Nó thương tôi và ở hòn đảo này, tôi còn có một chỗ tựa đỡ tinh thần. Tôi ôm chặt bé Ly vào lòng: - Bác nhớ con lắm Ly à. Con bé thở dài trả lời: - Con cũng nhớ bác lắm. Bác biết không? Rồi chợt nhớ tới ngọn roi đe đọa của mẹ, con bé vụng trộm nhìn quanh: - Thôi bác về đi. Chúa nhật con sẽ tới. Nó giơ tay xua xua ra hiệu cho tôi đi. Rồi nó lại nằm xuống vạt cỏ, gối đầu lên rễ cây đào, ôm con thỏ nhựa lên bụng và ê a hát. Tôi vạch chùm lá bước ra. Trên lối mòn qua đồng cỏ, nón mũ nhấp nhô. Tôi nhận được chiếc mũ rộng vành có những tua cói lòe xòe của Huệ lai. Bao giờ cô ta cũng đội thứ mũ ấy. Trông giống như một thiếu nữ tới trường. - Hôm nay thứ ba, còn bốn ngày nữa là tới chủ nhật.